1. TRONG CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT CHỈ DUY CÓ CON NGƯỜI LÀ LÀM VIỆC
Vậy bữa tiệc nhân sinh đã bày trước mặt ta rồi đấy, chỉ còn mỗi một vấn đề là ta có thèm ăn hay không. Không phải món ăn là quan trọng, thèm ăn mới quan trọng. Khi xét loài người, điều lạ lùng nhất là cái quan niệm về sự làm việc và cái số lượng công việc mà loài người tự bắt mình phải làm. Vạn vật trong vũ trụ đều nhàn tản, duy có loài người là làm việc để sống. Con người bây giờ phải làm việc vì do những tấn bộ của văn minh, đời sống hoá ra phiền phức không tưởng tượng được: đủ các bổn phận, trách nhiệm, lo âu, chướng ngại, tham vọng, do xã hội tạo ra cả. Trong khi tôi ngồi viết ở đây, thì một con bồ câu lượn chung quanh gác chuông một giáo đường, ngay trước cửa sổ tôi, chẳng hề lo lắng rằng sẽ có cái gì ăn không. Tôi nhận rằng bữa cơm của tôi phiền phức hơn bữa ăn của con bồ câu và phải nhờ cả ngàn người làm việc, phải nhờ một hệ thống rất phức tạp về văn hóa, mậu dịch, vận chuyển, giao hàng, nấu nướng, tôi mới có vài món ăn trong mỗi bữa. Cho nên con người khó kiếm được miếng ăn hơn loài vật, và nếu một con thú rừng nào lạc vào thành phố, mà lại nhận thấy được kiếp lao động khó nhọc của chúng ta thì tất nó sẽ hoài nghi và kinh ngạc lắm.
Nó sẽ nghĩ rằng trong vạn vật chỉ có cái con vật đi hai chân là chúng ta mới làm việc. Trừ ít con ngựa kéo xe, vài con bò kéo cày, ngay những gia súc của chúng ta cũng không làm việc. Con chó săn của cảnh sát ít khi phải làm nhiệm vụ; con chó giữ nhà buổi sáng kiếm chỗ nắng ấm ngủ thẳng giấc rồi chơi giỡn gần suốt ngày, con mèo quí phái nhất định là không hề làm một việc gì để “mưu sinh” rồi, muốn đi chơi đâu thì đi. Con người siêng năng cũng bị nhốt trong chuồng, cũng bị thuần phục (như gia súc) mà lại không được xã hội nuôi, phải làm việc cực khổ để kiếm lấy miếng ăn. Tôi hoàn toàn nhận rằng nhân loại được hưởng nhiều cái lợi, như cái vui khoa học, cái vui đàm đạo và cái vui ảo tưởng. Nhưng vẫn còn sự tình cốt yếu này là đời sống chúng ta hoá ra phiền phức quá và chín mươi chín phần trăm hoạt động của ta chỉ để lo việc kiếm ăn mà sự tấn bộ làm cho việc kiếm ăn mỗi ngày một khó khăn cực nhọc, cực nhọc đến nỗi chúng ta mất thèm ăn đi, ăn mất ngon đi. Dù đứng vào quan điểm một con thú rừng hay quan điểm một triết gia thì sự tình đó cũng rất đỗi là vô lí.
Mỗi lần tôi đứng xa nhìn một châu thành hoặc đứng trên cao nhìn một biển nóc nhà thì tôi thấy kinh khoảng. Vài ba tháp chứa nước, vài ba tấm quảng cáo chìa phía lưng ra, có lẽ thêm một hai gác chuông giáo đường, rồi những sân trải hắc in làm mái cho những ngôi nhà bằng gạch, hay bê tông, ngôi nào cũng dựng đứng lên, vuông vắn, cứng ngắc, không ra cái hình dáng gì cả, trên nó cắm những ống khói phai màu, bẩn thỉu, những ăng ten máy thâu thanh và những dây chì phơi quần áo. Ngó xuống phố, tôi thấy những bức tường gạch đỏ hoặc xám nối tiếp nhau với những hàng cửa sổ cùng một kiểu, nhỏ, tối, sáo che khuất một nửa, và ở cửa thành cửa đặt một bình sữa hoặc vài chậu bông nhỏ xíu, èo ọt. Một em bé dắt chó trèo lên nóc nhà, ngồi ở cầu thang để hưởng chút ánh nắng mặt trời. Lại ngửng đầu lên, ngó ra xa, tôi thấy hàng dãy mái nhà trải tới chân trời, cứ vuông chành chạnh ra, xấu xí làm sao. Đó, nhân loại sống trong những khu như vậy đó. Người ta sống ra sao nhỉ, sau những cửa sổ tối tăm kia? Thật kinh hồn. Phía sau hai ba chiếc cửa sổ, mỗi đêm một cặp vợ chồng lên giường ngủ y như bồ câu chui vào chuồng vậy; sáng thức dậy, uống cà phê, rồi ông chồng ra phố, tới một nơi nào đó kiếm cơm cho gia đình, trong khi đó bà vợ rán quét tước, lau chùi một cách cương quyết, thất vọng để giữ cho căn nhà nhỏ được sạch sẽ. Khoảng bốn năm giờ chiều, vợ chồng dắt nhau ra ngồi ở cửa chuyện trò với hàng xóm và hít ít không khí mát mẻ. Đêm xuống, họ mệt đừ và đi ngủ. Đó, họ sống như vậy đó.
Có những kẻ phong lưu hơn, sống trong những căn nhà tốt hơn, có nhiều phòng, nhiều chụp đèn hơn. Mà cũng thứ tự, sạch sẽ hơn, rộng rãi hơn, hơn một chút thôi. Họ đỡ lo lắng về tiền nông hơn. Nhưng lại thêm bao nhiêu rắc rối về tình cảm, thêm bao nhiêu cuộc li dị, thêm bao nhiêu đêm ông chồng đêm không về nhà, thêm bao nhiêu cặp tôi tớ rủ nhau tìm cách vung phí để khuây khoả. Có Trời Phật chứng giám, họ cần quên những bức tường gạch đơn điệu, những sân đánh bóng này nữa chứ! Và tất nhiên bọn đàn ông đi coi đàn bà khoả thân. Do đó mà những chứng thần kinh thác loạn cũng nhiều hơn, thuốc aspirine cũng bán chạy hơn, bệnh đau bụng, đau bao tử, đau ruột dư, đau óc, đau gan, bệnh huyết áp, đường xí, mất ngủ, bón, mất ăn, mệt mỏi cũng nhiều hơn. Để cho bức hoạ được đủ, tôi phải thêm: chó nuôi cũng nhiều hơn mà trẻ con thì bớt đi. Thực ra trong bọn họ cũng có vài người sống vui vẻ, nhưng xét chung thì có lẽ không sung sướng bằng những kẻ làm lụng nhiều; và họ buồn chán hơn. Nhưng họ có xe hơi và có lẽ có cả một ngôi nhà nghỉ mát ở vùng quê. Vậy là ở nhà quê người ta làm việc cực khổ để có tiền ra tỉnh ở, và ở tỉnh người ta lại kiếm tiền cho nhiều để trở về nhà quê nghỉ.
Nếu bạn đi dạo một vòng trong châu thành, bạn sẽ thấy phía sau một phố chính với những mĩ viện lộng lẫy, những hàng bán hoa, những công ti vận hành, có một phố nữa với các tiệm thuốc, tiệm tạp hoá, tiệm bán đồ sắt, tiệm giặt ủi, các quán ăn rẻ tiền, các sạp báo. Đâu đâu cũng những tiệm, những quán đó. Họ sẽ sống ra sao? Tới đây làm gì? Giản dị lắm. Người thợ giặt giặt quần áo cho người hớt tóc, người hớt tóc lại hớt tóc cho người thợ giặt và người bồi quán ăn. Văn minh là như thế. Có lạ lùng không? Tôi cá rằng một số thợ giặt, thợ hớt tóc hoặc bồi quán ăn suốt đời không bao giờ ra khỏi châu thành. Nhờ trời, còn có những rạp hát bóng trong đó họ có thể trông chim hót trên cành lá đong đưa, thấy nước Thổ, nước Ai Cập, núi Hi Mã Lạp Sơn, núi Andes, thấy những cơn bão, những vụ đắm tàu, những cuộc lễ gia miện, thấy những con kiến, con sâu, con xạ thử, thấy con rắn mối đánh nhau với con bò cạp, thấy núi, sông, mây và cả mặt trăng nữa; thấy tất cả những cái ấy trên màn bạc.
Ôi! Nhân loại thông minh trí tuệ một cách kinh khủng! Tôi xin bái phục. Làm sao hiểu nổi cái văn minh nó bắt người ta làm việc cực khổ đến bạc đầu để kiếm ăn mà quên mất cái sự nghỉ ngơi, vui chơi.
2. THUYẾT NHÀN TẢN CỦA TRUNG HOA
Người Mĩ nỗi danh là làm việc dữ dội, người Trung Hoa nổi danh là nhàn tản thung dung. Hễ tính tình trái ngược nhau thì người ta lại phục nhau, cho nên tôi đoán rằng người Mĩ phục người Trung Hoa cũng ngang với người Trung Hoa phục người Mĩ. Tôi không biết phương Đông và phương Tây sau này có gặp nhau không; có dấu hiệu chắn chắn là hai bên đương tiến lại gần nhau đấy, và văn minh hiện đại càng tiến, phương tiện giao thông càng dễ dàng thì mỗi ngày hai bên càng gần nhau lại. Ít nhất là ở Trung Hoa người ta không phản đối văn minh cơ giới đó và người ta đương tìm cách dung hoà hai nền văn hóa, nền triết học cổ của Trung Hoa với nền văn minh kĩ thuật, để rán hợp nhất lại trong một lối sống thực tế. Còn ảnh hưởng của triết học phương Đông tới lối sống phương Tây thì không chắc chắn gì cả, không ai dám đoán trước về điểm đó được.
Văn minh cơ giới mau đưa loài người tới một thời đại nhàn nhã và con người sẽ bắt buộc phải tiêu khiển nhiều hơn mà làm việc bớt đi. Sẽ tới một lúc mà con người hoá ra mệt mỏi, chán ngán sự tiến bộ hoài huỷ về kĩ thuật; vì tôi không tin rằng khi đã có những điều kiện tốt đẹp nhất để sống rồi, con người vẫn còn làm lụng hoài như ngày nay. Có thể rằng con người lúc đó sẽ làm biếng hơn.
Theo tôi hiểu, văn hóa trước hết là sản phẩm của sự nhàn nhã. Hình như người nào minh triết thì không bận rộn, người nào bận rộn thì không minh triết. Người minh triết nhất là người nào nhàn tản ưu du nhất. Ở đây tôi không trình bày kĩ thuật cùng những cách nhàn tản ở Trung Hoa mà chỉ xin nói về cái triết học nó bồi dưỡng lòng ham nhàn tản thần tiên và tạo ra cái tính tình vô ưu, lạc thiên tri mệnh của văn nhân, thi nhân Trung Hoa – nói chung là của dân chúng Trung Hoa thôi. Cái tính khinh sự thành công mà sai mê đời sống đó do đâu mà phát sinh?
Trước hết, tôi xin trình bày học thuyết nhàn tản của một tác giả ít có tên tuổi ở thế kỉ mười tám, Thư Bạch Hương: “Thời gian sở dĩ ích lợi là vì nó không được dùng tới. Thời nhàn hạ cũng như khoảng trống trong phòng”. Một thiếu nữ siêng năng nào mướn được một căn phòng nhỏ đầy đồ đạt, không còn chỗ trống thì ai cũng thấy không thư thái, vì không có chỗ để cử động nữa, cho nên khi được tăng lương thì đi kiếm ngay một căn phòng rộng hơn để có nhiều chỗ trống hơn. Chính những chỗ trống đó làm cho căn phòng dễ ở; những lúc nhàn hạ cũng vậy, làm cho đời ta dễ chịu hơn. Một bà giàu có, sống ở
Về điểm đó, tôi xin chép một kinh nghiệm bản thân. Ở Nữu Ước, tôi không sao thấy được cái đẹp của một ngôi nhà chọc trời; tới
Lòng yêu thanh nhàn của người Trung Hoa có nhiều nguyên nhân: trước hết là do bản tính họ rất yêu đời, lại thêm lòng yêu đó, trải qua các triều đại, được một tiềm lưu trong văn chương lãng man đề cao, sau cùng được một triết học – đại thể là triết học Lão, Trang – biện giải cho. Gần như toàn thể người Trung Hoa chấp nhận quan niệm về nhân sinh đó, cơ hồ như họ có cái máu Lão Trang trong người vậy.
Có một điểm ta cần phải minh xác. Nhiều người thường tưởng rằng chỉ hạng người giàu có mới sùng thượng đời sống thanh nhàn. Chính các văn nhân thi sĩ nghèo hèn, lao đao mới thường lựa đời sống đó. Khi đọc các kiệt tác trong văn học Trung Hoa và tưởng tượng cảnh ông đồ nghèo ngồi giảng cho bọn học sinh cũng nghèo những thơ văn ca tụng đời sống an nhàn, tôi chắc rằng cả thầy lẫn trò đều tìm được một niềm an ủi về tinh thần và đều mãn nguyện vô cùng. Những bài luận về cái luỵ của danh vọng, cái thú ẩn dật, thư sinh lạc đệ nào nghe mà chẳng thích; mà những câu tục ngữ như “Vãn thực khả dĩ đương nhục” (Ăn trễ thì cũng thấy ngon như ăn thịt), gia đình bần sĩ nào nghe mà chẳng mỉm cười. Trong văn học sử không có sự lầm lẫn nào lớn bằng sự lầm lẫn của các tác giả trẻ tuổi trong giai cấp vô sản khi họ chê Tô Đông Pha, Đào Uyên Minh là ở trong giai cấp trí thức, ăn không ngồi rồi, bị dân chúng ghét. Chỉ vì Tô miêu tả “giang thượng thanh phong” cùng “sơn gian minh nguyệt”, và Đào ngâm nga câu “Tịch lộ triêm ngã y”, cùng “Kê minh tang thụ điên” (Sương chiều thấm áo ta – Gà gáy trên ngọn dâu) mà bảo họ là tư sản ư? Làm như gió mát trên sông, trăng thanh trên núi, và con gà đậu trên cành dâu là vật sở hữu của giai cấp tư sản! Các bậc danh nhân thời cổ đã sống đời sống của dân quê nghèo khổ và tìm thấy trong đời sống đó một sự an tĩnh, vui vẻ, điều hoà.
Vì vậy mà tôi cho rằng sự sùng thượng thanh nhàn có tính cách rất dân chủ. Ta có thể hiểu rõ điều đó hơn khi ta tưởng tượng cuộc mạn du khắp châu Âu của Laurence Sterne hay Wordsworth và Coleridge; họ đi bộ, rất ít tiền trong túi nhưng biết bao diễm cảm ở trong lòng! Đã có một thời người ta không cần phải giàu có mới đi du lịch được; mà ngay bây giờ nữa, du lịch không phải là một xa xỉ phẩm dành riêng cho bọn phú gia. Xét chung thì hưởng nhàn đâu có tốn tiền bằng hưởng cái xa xỉ. Chỉ cần có một tâm hồn nghệ sĩ biết tìm những buổi chiều vô dụng để hưởng thụ một cách hoàn toàn nhàn nhã. Thật ra đời sống thanh nhàn tốn kém rất ít, như Thoreau đã chịu khó vạch ra cho ta thấy trong cuốn Walden[1].
Các nhà lãng mạn Trung Hoa phần nhiều là đa cảm, phóng lãng, nghèo tiền nhưng giàu tình. Họ rất yêu đời, ghét lễ nghi, ghét sự bó buộc, không chịu chịu đem con tâm làm nô lệ hình hài. Sự thanh nhàn không phải là đặc quyền của bọn nhà giàu sang, quyến thế, của bọn thành công (bọn này bận rộn suốt ngày, hưởng nhàn sao được!); ở Trung Hoa nó là sản phẩm của những tâm hồn cao thượng, quá tự phụ nên không thèm xin ân huệ, quá độc lập nên không chịu làm việc dưới quyền một ai, và quá minh triết nên không coi trọng những thành công trên đời. Họ cao thượng nên thản nhiên đối với bi kịch của đời sống, họ vượt được lên trên những tham vọng, những đam mê, những quyến rũ của danh lợi. Họ thành hạng người lí tưởng được mọi giới ngưỡng mộ nhất trong văn học Trung Quốc. Họ sống rất giản dị và khinh thị công danh.
Những văn hào đó – Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, Viên Trung Lang, Viên Tử Tài – đều có làm quan trong một thời gian ngắn ngủi, chính tích rất tốt đẹp, nhưng rồi đều chán cái cảnh ra luồn vào cúi nên cam tâm bỏ quan từ lộc, về vườn ở ẩn. Khi Viên Trung Lang làm tri huyện Tô Châu, có lần ông dâng lên quan trên một mạch bảy lá đơn từ chức, nhất định không chịu cảnh ra luồn vào cúi nữa, chỉ xin về nhà để được tự do, tự chủ.
Ngoài ra, còn một thi nhân là Bạch Ngọc Thiềm làm một bài thơ rất mực ca tụng sự thanh nhàn để treo ở thư trai mà ông đặt tên là “Dong am” (Am biếng nhác).
Bài đó như sau:
---Đan kinh[2] biếng đọc vì Đạo không phải ở trong sách.
---Tạng kinh[3] biếng coi vì chỉ là cái bì phu của Đạo.
---Cái tốt của Đạo là trong sự thanh hư.
---Thanh hư là gì? Là suốt ngày như ngu.
---Có thơ mà biếng ngâm vì ngâm xong thì ruột héo[4],
---Có đàn mà biếng gảy, vì gảy xong là hết nhạc.
---Có rượu mà biếng uống vì ngoài cái say còn có sông hồ[5].
---Có cờ mà biếng chơi vì ngoài nước cờ còn có can qua[6].
---Biếng coi núi khe vì trong lòng có hoạ đồ rồi[7].
---Biếng ngắm gió trăng vì trong lòng có Bồng Lai rồi.
---Biếng lo việc đời vì trong lòng có vườn ruộng nhà cửa rồi.
---Biếng hỏi nóng lạnh vì trong lòng có cảnh tiên ấm áp rồi[8].
---Dù tùng héo núi tan, ta cũng vậy thôi[9],
---Cho nên gọi là “Am biếng nhác”, chẳng cũng đúng ư?
Không, hưởng nhàn không tốn tiền. Hạng người giàu sang không biết hưởng thú đó nữa và chỉ những kẻ rất khinh tiền, tâm linh phong phú, ưa đời sống giản dị mới hưởng được đời sống thanh nhàn. Người ta không hưởng kiếp trần này vì người ta không yêu nó, biến cuộc sống thành một thói quen buồn tẻ. Lão Tử bị người ta vu oan cho là ghét đời; tôi tưởng trái lại, ông khuyên ta không màng thế tục chính vì ông quá yêu đời, nên không muốn cho nghệ thuật sống thành một việc phàm tục: sống chỉ để sống.
Hễ có yêu thì có tiếc; những người yêu đời tất phải tiếc những lúc vui hiếm có trong đời, tất giữ cái tôn nghiêm và cái ngạo mạn đặc biệt của hạng phóng lãng. Họ cho những lúc đi câu cũng thiêng liêng như những giờ làm việc. Khi họ đi chơi gôn (golf) mà kẻ nào lại nói về thị trường chứng khoán thì họ cũng bực mình như nhà bác học bị quấy rầy trong khi nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm. Họ sẽ đếm những ngày xuân đã trôi qua mà tiếc rằng không đi chơi được nhiều hơn cũng như nhà doanh thương tiếc rằng trong ngày không bán được nhiều món hàng hơn.
4. CÕI TRẦN LÀ THIÊN ĐƯỜNG DUY NHẤT
Thật lạ lùng, biết rằng kiếp trần có hạn, rằng không ai không chết, thì ta lại yêu đời nồng nhiệt hơn lên, muốn tận hưởng cái thú ở đời, và trong lòng yêu đời đó, đượm một chút bi cảm nên thơ. Nếu chúng ta có một chút hi vọng rằng chúng ta sẽ bất tử thì trong lòng muốn hưởng lạc của ta tất giảm đi. Như tước sĩ Arthur Keith đã nói “Vì nếu mọi người tin như tôi rằng cõi trần này là Thiên đường duy nhất thì người ta đã tận lực biến đổi nó thành một Thiên đường”. Cảm tưởng của ông y như cảm tưởng của người Trung Hoa. Tô Đông Pha viết: “Đời qua như một giấc mơ xuân, không lưu lại một vết nào cả” (Sự như xuân mộng liễu vô ngấn), biết vậy cho nên Tô càng quyến luyến với đời. Trong văn học Trung Quốc, ta luôn luôn thấy cái cảm giác “nhân sinh bất tái” đó. Trong những lúc vui nhất của họ, thi nhân và học giả Trung Hoa đều bi cảm về nỗi “nhân sinh bất tái”, “kiếp người ngắn ngủi”, về nỗi “hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết”. Trong bài phú “Xuân dạ yến đào lý viên tự”, Lí Bạch viết: “Phù sinh nhược mộng, vi hoan kỉ hà” (Đời người như mộng, vui được bao lâu?) và Vương Hi Chi[10], trong lúc vui vầy yến tiệc cùng bạn bè viết bài bất hủ “Lan Đình tập tự” để than thở cho cảnh “nhân sinh bất tái”.
“Năm thứ chín, niên hiệu Vĩnh Hoà, nhằm năm Quí Sửu, đầu tháng ba, hội ở Lan Đình tại huyện Sơn Âm, quân Cối Kê để tiến hành lễ tu hễ[11]. Quần hiền tới đủ, già trẻ đều họp. Nơi đó có núi cao đỉnh lớn, rừng rậm trúc dài, lại có dòng trong chảy xiết, chiếu quanh hai bên, dẫn nước uốn khúc, làm chỗ thả chén[12]. Mọi người ngồi theo thứ tự. Tuy không có tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng quản, tiếng huyền cho vui tai, nhưng uống một hớp rượu, ngâm một câu thơ, cũng đủ thư sướng u tình. Hôm đó khí trời trong sáng, gió nhẹ lâng lâng, ngẩng nhìn vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật muôn vẻ, phóng tầm mắt, mở cõi lòng, đủ để hưởng hết cái thú của tai mắt, thật là vui vậy.
“Người ta cùng củi ngửa ở trong đời, có người đem cái hoài bão của mình ra đàm đạo với bạn bè trong một nhà, có kẻ gởi tấm lòng ở một sự tình gì mà phóng lãng ở ngoài hình hài, tuy hai hạng người đó thủ xả, tĩnh động khác nhau, nhưng đương lúc vui gặp thời, tạm đắc ý với mình thì đều khoan khoái tự túc mà chẳng hay cái già sắp tới. Kịp đến khi mỏi mệt, tình ý theo sự thể mà thay đổi thì đều sinh ra cảm khái. Cái mà trước kia vui trong lúc cúi ngửa đã thành ra vết cũ mà nay nhớ lại, lòng không thể không hoài cảm. Huống đời người dài ngắn do trời, nhưng đều qui về cõi chết cả. Cổ nhân nói: “Tử sinh đều là việc lớn”, há chẳng đau lòng!
“Mỗi khi xét người đời xưa cảm khái như in với người đời nay, không lần nào đọc văn người trước mà không than thở buồn rầu, trong lòng không hiểu tại sao. Cho hay bảo tử sinh cũng như nhau là lời hư ngoa; bảo Bảnh Tổ không hơn vì kẻ chết yểu là lời nói láo. Người đời sau nhìn lại đời bây giờ cũng như người bây giờ nhìn lại đời xưa, buồn thay!
“Vì vậy tôi chép lại truyện người trong tiệc, sao lục thơ họ làm, tuy đời và việc đều khác, nhưng lẽ sở dĩ cảm khái thì là một. Người đời sau đọc bài này chắc không khỏi bùi ngùi” (Tới dây mới hết bài Lan Đình tập tự)”.
Biết rằng có lúc mình sẽ chết, sẽ tắt như ngọn nến, cảm giác đó thật quí vì nó làm cho ta hoá ra nghiêm trang, hơi buồn, và nhiều khi lại còn nẩy ra thi ý nữa; nó bắt ta an phận, rồi sắp đặt sao để có thể sống một cách hợp lí, một cách chân thực mà không quên giới hạn của ta. Nó tạo cho ta sự an ổn trong tâm hồn vì ta đã chịu nhận trước cái xấu nhất có thể xảy ra rồi. Xét về tâm lí, tôi cho rằng cảm giác “kiếp người có hạn” đó giải phóng sinh lực cho ta.
Khi thi nhân và dân chúng Trung Hoa hưởng lạc thì trong tiềm thức họ cảm thấy rằng, cái vui sẽ không vĩnh viễn, rằng hội hè dù vui tới mấy, sớm muộn gì cũng phải tàn. Họ nhìn đời như một nhà vẽ sơn thuỷ đời Tống nhìn sau một màn sương bí mật, hoặc sau một lớp không khí mù mù hơi nước.
Cái cảm giác có tính cách nửa hiện thực, nửa tinh thần đó, được chủ nghĩa nhân bản của người Trung Hoa, được cả cái lối sống và lối suy nghĩ của họ nhận là đúng, mà triết học của họ chú trọng tới sự hiểu đời hơn là tới sự tìm chân lí. Gạt bỏ tất cả những lí luận siêu hình, trừu tượng; cho nó là sản phẩm mơ hồ của trí tuệ, các triết gia Trung Hoa[13] chỉ nhắm vào đời sống, chỉ đặt một vấn đề giản dị, vĩnh viễn: “Chúng ta sống ra sao đây?”. Người ta Trung Hoa cho rằng triết học mà hiểu theo nghĩa của phương Tây thì thật là phù phiếm, vô ích. Triết gia Tây phương chỉ lo nghiên cứu về lí luận để tìm những cách đạt tới tri thức, họ nghiên cứu về nhận thức luận để tìm hiểu khả năng tính của tri thức mà quên không tìm hiểu đời sống. Như vậy cũng ngu xuẩn, bá láp như ve vãn một người đàn bà mà không cưới người ta để sinh con đẻ cái, cũng như bận quân phục, đi từng đoàn ra chiến trường để chẳng chiến đấu. Phù phiếm nhất là các triết gia Đức, họ ve vãn chân lí y như những gã si tình mà rất ít kẻ kết hôn với chân lí.
Đạo giáo nhận rằng không có gì là hoạ, là phúc, do đó mà đặc biệt tạo cho người Trung Hoa cái tính tình ưa nhàn. Tư tưởng cốt yếu của đạo đó ở chỗ cho hiện sinh quan trọng hơn sự biến hoá[14], tư cách quan trọng hơn sự thành công, và tĩnh thắng được động. Con người chỉ có thể bình thản được khi không bị dao động vì hoạ phúc ở đời. Chúng ta còn nhớ truyện “Tái ông thất mã” trong sách Hoài Nam Tử:
“Một ông lão ở biên cương mất con ngựa. Người ta lại hỏi thăm, ông bảo: “Biết đâu đó chẳng phải là phúc?”. Ít ngày sau, con ngựa trở về, theo sau là một bầy ngựa Hồ rất tốt. Người ta lại mừng ông, ông đáp: “Biết đâu đó chẳng phải là hoạ?”. Thấy có nhiều ngựa, con ông già đâm ham cưỡi ngựa, té gãy giò. Người ta lại chia buồn, ông đáo: “Biết đâu đó chẳng phải là phúc?”. Năm sau, rợ Hồ lấn cõi, tráng đinh ra trận, mười người chết tới chín. Duy có con ông vì khập khiểng nên khỏi ra trận mà cha con được sống với nhau”.
Triết lí đó giúp ta chịu được ít nhiều cái bất hạnh trong đời vì ta tin rằng trong cái hoạ có cái phúc cũng như huy chương có mặt trái thì có mặt phải. Nếu một người nghĩ rằng không có gì là quan trọng thì đối với người ấy không có gì là quan trọng cả; và như vậy người ấy có thể bình tĩnh, khinh sự dao động lăng xăng, khinh sự thành công vì còn thích sự thành công là còn sợ thất bại, càng thành công lớn thì càng sợ té đau. Những phần thưởng hão huyền của danh vọng sánh sao được với cái lợi mênh mông của sự ẩn dật. Đạo gia cho rằng kẻ sĩ sáng suốt thì khi thành công không cho rằng mình đã thành công mà khi thất bại cũng không chắc rằng mình đã thất bại; còn kẻ chưa thật sáng suốt mới tin chắc rằng thành công cùng thất bại đều là tuyệt đối và xác thực.
Do đó mà Đạo giáo khác với Phật giáo: mục đích của Phật giáo là không cần gì ở đời, còn mục đích của Đạo giáo là không muốn cho đời cần mình. Chỉ những người không muốn cho đời cần mình mới có thể vô ưu, và chỉ những người vô ưu mới có thể sung sướng. Nghĩ vậy cho nên Trang Tử, triết gia nổi danh nhất, tài trí nhất trong phái Đạo gia thường khuyên ta đề phòng, đừng nên nổi danh quá, hữu ích quá, lo giúp đời nhiều quá. Heo mà mập quá thì bị làm thịt để cúng tế, chim mà lông đẹp quá thì bị thợ săn bắn trước hết. Ông lại kể một ngụ ngôn: hai người đi quật một ngôi mộ để trộm bảo vật, cầm búa đập bể sọ và hàm răng người chết, chỉ vì kẻ này ngu xuẩn dặn người thân đặt một viên ngọc trong miệng mình khi liệm xác[15].
Những điều tôi trình bày trong đoạn trên đưa tới kết luận tất nhiên này là “Thế thì tại sao ta không sống một đời nhàn tản?”.
Nhân sinh quan của người Mĩ ngược hẳn với người Trung Hoa. Trong một xưởng nọ, tôi thấy một tấm bảng lớn với hàng chữ này: “Mới chỉ gần ngay thì vẫn chưa được”. Người Mĩ khó chịu ở chỗ cầu toàn trách bị, khi một vật nào đã gần ngay thì họ còn muốn làm cho ngay hơn nữa, cho thật ngay, còn người Trung Hoa thì xính xái, cho gần ngay là được rồi.
Ba tật của người Mĩ là tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Họ rất khổ, rất quạo quọ vì ba tật đó cướp mất của họ cái quyền nhàn tản, cái quyền hưởng một buổi chiều an nhàn, vui vẻ. Chúng ta phải quen với ý này đi: ở đời không có gì là tai hoạ cả và bên cạnh cái nghệ thuật làm việc còn có một nghệ thuật cao cả hơn nữa là chẳng làm gì cả. Xét chung thì trả lời ngay các bức thư với không trả lời, kết quả đại loại cũng gần như nhau. Rút cục cũng chẳng có gì xảy ra cả, một bên không giúp cho người ta được một vài việc tốt, còn một bên tránh được cho người ta vài cái hại. Đa số các bức thư, có bỏ trong ngăn kéo ba tháng rồi lấy ra coi lại, sẽ thấy nếu trả lời thì thật là mất thì giờ vô ích. Viết thư có thể sẽ thành một thói xấu nó làm cho các văn sĩ, giáo sư thành những thầy kí rành nghề. Cho nên tôi hiểu tại sao Thoreau khinh những người Mĩ ngày nào cũng ra sở bưu điện.
Vấn đề tranh luận của chúng ta không phải ở điểm: sự hiệu năng có ích hay không. Tôi nhận rằng nhờ nó mà chúng ta có được những đồ dùng tốt, chế tạo kĩ lưỡng. Tôi luôn luôn tin những vòi nước Mĩ hơn là những vòi nước chế tạo ở Trung Hoa vì nó không rỉ nước. Vấn đề ở điểm này: những kẻ lăng xăng với những kẻ nhàn tản, thì kẻ nào khôn hơn? Có hiệu năng mới làm được việc, đồng ý, nhưng thói hiệu năng cũng cướp thì giờ của ta, không cho ta rãnh rang để hưởng lạc, mà kích thích thần kinh ta quá vì cái tật cầu toàn trách bị. Một viên chủ bút Mĩ lo đến bạc đầu vì ông ta không muốn thấy một lỗi in nào trong tạp chí của ông. Viên chủ bút Trung Hoa khôn hơn: để cho độc giả cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo. Hơn nữa, một tạp chí Trung Hoa có thể khởi đăng một truyện rồi nửa chừng bỗng quên phắt nó đi. Ở Mĩ mà như vậy thì các ông chủ bút cho là trời sập rồi; nhưng ở Trung Hoa điều đó chẳng quan trọng gì cả, chỉ vì nó chẳng có chút quan trọng nào. Và người Trung Hoa luôn luôn đúng kì nếu để cho họ thong thả. Rút cục họ cũng làm xong công việc đã dự tính, miễn là đừng tính sát quá.
Cái tốc độ của đời sống kĩ nghệ hiện tại không cho ta nhàn tản ưu du nữa. Tệ hơn nữa, nó bắt ta thay đổi quan niệm về thời gian mà người ta đo bằng chiếc đồng hồ, rồi biến luôn con người thành chiếc đồng hồ. Ở Trung Hoa cũng đương có tình trạng đó. Trong một xưởng hai vạn thợ thì tất nhiên phải đúng thời khắc, nếu ai muốn tới lúc nào tuỳ ý thì sự hỗn độn sẽ kinh khủng. Nhưng sự bắt buộc phải đúng giờ đó làm cho đời sống cực khổ, bực bội quá đi. Biết rằng chiều nay, đúng năm giờ ta phải tới một nơi nào đó, thế là mất toi cả buổi chiều, chỉ những lo ngai ngái sao cho khỏi trễ. Người Mĩ nào cũng sắp đặt thời khắc y như ở trường tiểu học: ba giờ chiều làm việc này, năm giờ làm việc kia, sáu giờ rưỡi thì thay quần áo, sáu giờ năm mươi kiếm tắc xi, bảy giờ tới lữ quán. Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa?
Người Mĩ ngày nay đã tới một tình trạng bi đát là chẳng những họ lập thời khắc biểu cho hôm sau hoặc tuần sau, mà còn lập trước cho tháng sau nữa. Người Trung Hoa không khi nào hẹn gặp nhau ba tuần lễ trước khi và khi nhận được một thiệp mời thì sung sướng thay, họ không bắt buộc phải trả lời là nhận lời hay không. Họ có thể sẽ viết lên tấm thiệp chữ “sẽ tới” hoặc “đa tạ” rồi gởi trả lại; nhưng thường thường họ chỉ viết “nhận được rồi” mà chẳng cần cho biết quyết định ra sao: tới hay không tới. Một người Mĩ hay Âu sống ở Thượng Hải có thể sẽ bảo trước cho tôi biết rằng ngày 19 tháng 4 năm 1938[16], đúng ba giờ chiều, sẽ dự một hội nghị ở Ba Lê, rồi ngày 21 tháng 5 sẽ tới Vienne bằng chuyến xe lửa bảy giờ sáng. Người ta không thể đi du lịch mà tự làm chủ mình, muốn tới lúc nào thì tới, muốn đi lúc nào thì đi ư?
Nhưng, người Mĩ không biết nhàn tản, nguyên do quan trọng nhất là tại họ thích hoạt động, đặt hoạt động lên trên sự sinh tồn. Các ông Mĩ ham hoạt động vì họ muốn thoả lòng tự tôn và muốn cho bọn trẻ tôn trọng họ; người Trung Hoa cho họ là lố bịch. Già mà còn hăng hái hoạt động thì cũng không khác gì bắt một máy thu thanh trên đỉnh một giáo đường cổ rồi ra rả phát ra thứ nhạc Jazz vậy. Làm ông lão, chưa đủ sao? Có cần gì phải lúc nào cũng hoạt động không? Chúng ta thích những giáo đường cổ, những đồ cổ, mà chúng ta quên cái cốt cách đẹp đẽ của tuổi già. Hồi tráng niên mà không biết nhàn tản thì quả là một tội lớn đối với bản tính con người.
°
° °
Chú thích:
[1] Thereau: coi chú thích ở trang 8. Tác phẩm Walden cũng có nhan đề là La vie des bois (Đời sống trong rừng)
[2] Tức kinh Đạo giáo.
[3] Tức kinh Phật.
[4] Nghĩa là hết thơ,
[5] Nghĩa là ngoài cảnh mộng lúc say có có cảnh thiên nhiên.
[6] Nghĩa là ngoài sự đấu trí trong cuộc cờ còn có sự chiến đấu trong đời.
[7] Ý nói: trong lòng cảnh đẹp như tranh (hoạ đồ) rồi, không cần coi cảnh thiên nhiên nữa.
[8] Nguyên văn: Thần đô là cảnh tiên. Lâm dịch là: trong lòng có đám rước trên trời (Within me there are heavenly processions).
[9] Nghĩa là: dửng dưng, không quan tâm tới.
[10] Ông tự là Dật Thiếu, người đời Tấn, quê ở Cối Kê (nay thuộc Chiết Giang) nổi danh về chữ tốt và về văn thơ,
[11] Lễ tắm rửa ở bờ sông, vấy nước để trừ ma.
[12] Người ta thả một chén rượu trên dòng nước, chén trôi đi tấp vào đâu thì vớt lên mà uống.
[13] Theo tôi, xét chung thì lời đó đúng mà xét riêng đời Tống thì triết gia Trung Hoa cũng hay bàn về những vấn đề siêu hình như lí, khí, tính, tâm.
[14] Sách in là “tự biến hoá”, tôi tạm sửa lại là “sự biến hoá”. (Goldfish).
[15] Sách Trang tử, thiên Ngoại vật. (Goldfish).
[16] Nên nhớ tác giả viết cuốn này vào năm 1937.