Một Quan Điểm Về Sống Đẹp

CHƯƠNG IV

1. SỰ TÔN NGHIÊM CỦA CON NGƯỜI

 

Trong chương trên, chúng ta đã xét phần di sản có tính cách động vật của chúng ta và hậu quả của phần di sản đó tới văn minh. Nhưng con người không phải chỉ có phần đó thôi. Muốn thấy toàn thể bản chất chúng ta thì còn phải xét thêm cái phần tôn nghiêm trong con người nữa, mất nó, vì lúc này đây và đặc biệt là trong ít chục năm sắp tới, nhân loại có cái nguy cơ đánh mất nó lắm.

 

Bạn bảo tôi: “Ông nhấn mạnh vào điểm chúng ta là những động vật; nhưng nếu vậy thì ông có nhận rằng chúng ta là những động vật đáng quí nhất trong vũ trụ không?”. Nhận chứ. Chỉ có loài người mới sáng tạo được một nền văn minh, làm sao chối bỏ điều đó được? Có lẽ có những loài vật hình dáng thanh nhã hơn, đẹp đẽ hơn hơn ta như loài ngựa; bắp thịt cường tráng hơn ta như loài sư tử; khứu giác thính hơn, bẩm sinh trung tín hơn như loài chó; thị giác sáng hơn như loài đại bàng; giác quan về phương hướng tốt hơn như loài bồ câu đưa thư; cần kiệm hơn, làm việc được nhiều hơn như loài kiến; tính tình hiền từ hơn như loài bồ câu mái hay loài cừu cái; kiên nhẫn hơn, mãn nguyện hơn như loài bò cái; tiếng kêu du dương hơn như loài chim sơn ca; có bộ lông đẹp hơn như loài vẹt, loài công. Nhưng loài người có một cái gì đó mà tôi vẫn thích hơn cả. Loài kiến hữu lí, có kĩ luật hơn chúng ta thật, chúng đã tìm ra được một chính thể ổn định hơn dân tộc Y Pha Nho hiện nay, nhưng theo chỗ tôi biết thì chúng không có thư viện, không có viện Bảo cổ. Nếu loài kiến hay loài voi chế tạo được một thứ viễn kính vĩ đại để ngắm sao, hoặc tìm ra được một ngôi sao mới, tính trước được bao giờ có nhật thực; hoặc nếu loài hải cẩu phát minh được khoa toán học, loài thát (castor)[1] đào được kinh Panama thì tôi sẽ coi chúng là chúa trên thế giới, là chúa tể trong vũ trụ. Phải chứ, chúng ta đáng tự phụ lắm chứ; nhưng cần tìm hiểu cái gì đáng cho ta tự phụ đây, cái tôn nghiêm của chúng ta ở chỗ nào đây.

 

Như đầu sách tôi đã nói, cái tôn nghiêm đó có bốn đặc tính dưới đây của hạng người phóng lãng mà văn chương Trung Hoa đã đề cao: có tánh tò mò không vị lợi, có khả năng thơ mộng, có tinh thần hài hước để kiểu chính bớt khả năng mơ mộng, và tính cách bất thường, không thể đoán trước được. Theo tôi, cá nhân chủ nghĩa của Trung Hoa được biểu hiện trong quan niệm về người phóng lãng đó. Không phải là vô cớ mà người ta gọi Walt Whitman, nhà quán quân về cá nhân chủ nghĩa ở Mĩ, là người “Nhàn dật cao quí”.

 

2. DO TÁNH TÒ MÒ KHÔNG VỊ LỢI MỚI CÓ VĂN MINH.

 

Loài người mới thực sự bắt đầu văn minh từ khi biết đi từ hai chân; và hai tay nhờ vậy mà rảnh rang để cầm vật này vật nọ lên mà ngắm nghía, nhận xét. Một phần lớn nhờ tánh tò mò đó mà loài người hoá ra tôn nghiêm. Truy cầu tri thức, bất quá chỉ là một trò chơi; các nhà khoa học, các nhà phát minh đều là tìm tòi để chơi, chứ không phải vì lợi. Các y sĩ tài năng thường nghiên cứu vi trùng hơn là tìm hiểu bệnh nhân; các nhà thiên văn rán ghi những vận chuyển của một ngôi sao cách ta cả trăm triệu cây số, mà ngôi sao đó có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân sinh đâu? Hầu hết các động vật – nhất là khi còn nhỏ - đều có bản năng du hí; nhưng chỉ ở loài người tính tò mò không vị lợi mới phát triển đến mức tuyệt cao.

 

Chính vì lẽ đó mà tôi oán ghét các nhân viên kiểm tra, các cơ quan, các chính thể tìm cách kiểm tra con người.

 

Nếu tư tưởng tự do là hoạt động cao quí nhất của các trí tuệ thì áp chế tư tưởng là hành động bỉ lậu nhất. Euripide định nghĩa nô lệ là người mất tự do tư tưởng hoặc mất tự do phát biểu ý kiến. Chính thể chuyên chế nào cũng là xưởng chế tạo nô lệ. Ở thế kỉ hai mươi này, ở phương Đông, phương Tây, ở ngay những xứ văn minh, nhan nhản những hạng nô lệ đó. Cho nên tôi cho rằng chính thể độc tài nào cũng là thoái hoá về phương diện tinh thần. Xét chung thì cả thời trung cổ mà xét riêng thì thời thanh trừ tôn giáo ở Y Pha Nho đều là thoái hoá.  Nhiều chính trị gia thiển cận hoặc nhiều giáo sĩ có thể nghĩ rằng tin tưởng hoặc tư tưởng có nhất trí thì xã hội mới có trật tự, mới được hoà bình, nhưng xét lịch sử thì hậu quả của chính sách đó luôn luôn bi thảm, làm mất giá trị con người. Các nhà chuyên chế đó khinh thị nhân dân, ngây thơ tin rằng có thể qui định tâm trí con người được và hễ cơ quan tuyên truyền bảo phải thích hoặc ghét cuốn sách nào, khúc nhạc nào, phim hát bóng nào thì nhân dân sẽ thích hoặc ghét những cuốn sách đó, khúc nhạc đó, phim đó. Chính phủ chuyên chế nào cũng tìm cách trộn lộn văn chương với tuyên truyền, nghệ thuật với chính trị, tôn giáo với sự tôn sùng kẻ thống trị.

 

Như vậy là vô lí, mà nếu những kẻ kiểm tra tư tưởng đó đi quá trớn thì là họ tự tạo ra khí giới để tự diệt họ. Mạnh tử nói: “Vua coi bề tôi như cỏ rác thì bề tôi coi vua như khấu thù” (Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù). Trên thế giới không có quân đạo tặc nào tàn bạo bằng kẻ đoạt mất tự do tư tưởng của ta. Mất tự do đó thì ta sẽ có khác chi loài thú. Cho nên theo Mạnh tử, vua càng khinh bề tôi, càng cướp bóc của họ bao nhiêu thì bề tôi càng oán vua bấy nhiêu. Mà không có gì quí báu, riêng tư chí thiết bằng những tín ngưỡng về tri thức, luân lí hoặc tôn giáo cho nên ta không thù kẻ nào bằng kẻ cướp của ta cái quyền tư tưởng, tín ngưỡng. Hạng chuyên chế về tinh thần luôn luôn là thoái hoá, cho nên có những xuẩn động, đó là điều tự nhiên; nhưng lương tâm của nhân loại sẽ chống cự lại, đả kích chế độ chuyên chế mà cái tự do của lương tâm không thể nào bị chinh phục cả.

 

3. ÓC TƯỞNG TƯỢNG

 

Tâm lí chung của con người là bất tri túc. Trong các loài động vật chỉ loài khỉ là thật rầu rĩ, nhất là giống tinh tinh. Đã có lần tôi thấy một con tinh tinh y hệt một triết gia; vì u uất với trầm tư có khác gì nhau đâu. Nhìn vẻ mặt của nó, tôi chắc rằng nó đang suy tư. Con bò cái không có vẻ suy tư, nhất là không có vẻ trầm tư về triết lí vì lúc nào tôi cũng thấy nó thoả mãn. Chỉ có con khỉ là như chán chường về đời sống. Vĩ đại thay con khỉ!

 

Có thể rằng sở dĩ triết lí phát sinh là do những cảm giác buồn bực, bất mãn. Dù sao, một đặc tính của nhân loại là có cái hoài bão đeo đuổi một lí tưởng, cái hoài bão đó u uất, mơ hồ và lặng lẽ. Sống trong một thế giới thực, loài người còn mơ tưởng tới một thế giới khác. Có lẽ người khác khỉ ở điểm: khỉ chỉ biết chán ngán, buồn bực thôi, người còn biết tưởng tượng nữa. Chúng ta cũng biết đứng núi này trông núi nọ, cũng mơ mộng. Chú binh nhì mơ mộng được làm cai, thầy cai mơ mộng được làm đại uý, ông đại uý mơ mộng được làm đại tá; ông đại tá nếu có khả năng một chút, lại cho chức đại tá là tầm thường, nhưng ông không nói rằng ông muốn thăng chức, ông dùng những lời thanh nhã hơn: chỉ muốn phục vụ quốc dân một cách hữu hiệu hơn thôi. Vì vậy thế giới gần như một cao lâu: ai ăn món nào kêu món nấy, mà ai cũng nghĩ rằng món người khác kêu vẫn ngon hơn món mình kêu. Cho nên có câu “Văn mình, vợ người”: văn của mình bao giờ cũng hay hơn văn của người, còn vợ mình bao giờ cũng xấu, vụng hơn vợ người. Không một ai thoả mãn cả. Ai cũng muốn làm một người khác, được làm một người khác rồi lại muốn một người khác nữa.

 

Tánh chung đó có lẽ do sức tưởng tượng và khả năng mơ tưởng của ta. Người nào càng tưởng tượng mạnh thì lại càng luôn luôn bất mãn. Cho nên một đứa trẻ tưởng tượng dồi dào thì luôn luôn khó tánh, thường buồn rầu, u uất như con khỉ chứ không sung sướng thoả mãn như con bò cái. Nhất định là hạng giàu tưởng tượng, nhiều hoài bão, thường li hôn nhiều hơn hạng người khác. Khả năng hoài bão lí tưởng đó có hồi làm cho loài người lầm đường, nhưng nếu không có khả năng tưởng tượng thì không sao có sự tấn bộ.

 

Ai cũng có nguyện vọng, hoài bão. Điều đó rất quí vì các nguyện vọng, hoài bão thường được coi là cao thượng. Cá nhân hay quốc gia đều có mộng tưởng cả và ít hay nhiều đều hoạt động hợp với những mộng tưởng đó. Có người mơ mộng nhiều hơn những người khác cũng như trong gia đình có trẻ đa cảm hơn những trẻ khác, và tôi thú thực là ưa những đứa trẻ đa cảm hơn. Thường thường những đứa trẻ đó hay ủ rũ hơn, nhưng không sao, chúng cũng có những nỗi vui, những cảm xúc mạnh hơn. Chúng ta là những bộ máy thâu được ý nghĩ, cũng như máy thâu thanh thâu được âm nhạc. Máy nào hoàn toàn nhất thì thâu được những âm ba tế nhị nhất mà những máy khác không thâu được; và âm nhạc nó thâu được đó xa nhất, du dương nhất, quí nhất vì khó bắt được nhất.

 

Với lại những mơ mộng hồi nhỏ không quá hư ảo như ta tưởng đâu. Có khi nó đeo đuổi ta cho tới lúc chết. Cho hồi nhỏ tôi thích Hans Christian Andersen[2] và tới bây giờ, nếu có thể lựa chọn được thì tôi vẫn muốn thành Andersen. Viết truyện “Nữ thần Người Cá” (La petite Sirène) hoặc được làm Nữ thần Người Cá, có những tư tưởng, nguyện vọng được sống lâu để ngoi lên mặt biển nhìn vũ trụ, như Nữ Thần, còn gì thú bằng nữa! Vậy trẻ con luôn mơ mộng hoặc trên cái kho thượng lương, hoặc trong một trại ruộng, hoặc ở bờ sông; và mộng của nó thật cả đấy, không hư ảo đâu. Mà Thomas Edison cũng mơ mộng, Robert Louis Stevenson cũng mơ mộng, Walter Scott cũng mơ mộng và do những mơ mộng của họ mà họ tạo được những lâu đài đẹp đẻ nhất cho chúng ta. Mỗi đứa trẻ khi đi ngủ đều mơ ước một cái gì và hy vọng sáng hôm sau tỉnh dậy, sẽ thấy mơ ước của mình được thực hiện. Những mộng đó là của riêng nó, nó không nói với ai cả. Có những cái mộng rõ ràng mạnh mẽ, bắt ta phải thực hiện cho được; còn những mộng khác kém rõ ràng, thì lớn lên chúng ta quên đi.

 

Các quốc gia cũng vậy, cũng có những mộng tưởng truyền lại từ thế hệ này tới thế hệ khác, từ thế kỉ trước tới thế kỉ sau. Có những mộng cao quí, có những mộng tàn ác đê tiện. Mộng chinh phục nước khác là mộng xấu. Mộng xây dựng một thế giới hoàn mĩ hơn, một thế giới hoà bình, bớt những sự tàn bạo, bất công, nghèo khổ, là mộng đẹp. Dân tộc này chiến đấu với dân tộc khác vì mộng của họ, cũng như vì đất đai tài sản. Như vậy là rời khu vực ảo tưởng để vào khu vực thực hiện.

 

Nhưng còn những mộng làm cho ta thoát li với thực tại, tức mộng trường sinh và mộng không tưởng. Mộng trường sinh rất hợp nhân tình cho nên rất phổ thông, mặc dầu nó mơ hồ và ít người tự hỏi mình rằng nếu được trường sinh thì sẽ làm gì. Người muốn trường sinh và người muốn tự tử, mặc dầu trái ngược hẳn nhau mà tâm lí rất giống nhau ở điểm cả hai đều cho thế giới hiện tại chưa được vừa ý.

 

Mà hạng người không tưởng cũng vậy. Họ tin ở một trật tự khác của thế giới, trật tự ra sao cũng được miễn là khác với trật tự hiện tại. Họ luôn luôn nghĩ rằng xứ của họ là xứ tệ nhất, xã hội trong đó họ sống là xã hội tệ nhất.

 

4. TINH THẦN HÀI HƯỚC

 

Tôi ngờ rằng người ta không nhận đúng được sự quan trọng của tinh thần hài hước và không thấy rằng ta có thể dùng nó để thay đổi tất cả sinh hoạt văn hóa của chúng ta. Chắc chắn là nó có đóng một vai trò trong sinh hoạt dân tộc. Vua Guillaume nước Đức vì không biết khi nào nên cười và tại sao nên cười cho nên mới bại trận, mất một đế quốc, nói theo Mĩ là mất cả tỉ Mĩ kim. Các nhà độc tài có điểm này khả ố nhất là lúc nào cũng nghiêm trang, lạnh lùng, còn các vị tổng thống các nước dân chủ thì biết cười.

 

Ta cứ tưởng tượng một thế giới mà những vị chỉ huy đều vui tính thì mới thấy được rằng tính hài hước quan trọng phi thường trên trường chính trị. Chẳng hạn ta cứ phái năm sáu nhà hài hước tài nhất thế giới tới dự một hội nghị quốc tế, ta cho họ toàn quyền quyết định, thế giới sẽ được cứu nguy ngay. Sắp có đại chiến mà phái họ đi dự hội nghị thì dù có tận lực muốn gây chiến, họ cũng không gây nổi. Vì bọn gây chiến là ai? Là hạng có tham vọng, có năng lực, thông minh, mưu mô, tính toán kĩ lưỡng, lanh lợi, ngạo mạn, ái quốc hạng nặng, hạng người muốn “phục vụ” nhân loại, tự cho mình có “sứ mạng”, muốn khắc sâu một “ấn tượng” trên thế giới, ao ước và hi vọng rằng được từ trên một bệ cao nhìn xuống hậu thế bằng cặp mắt một tượng đồng, cưỡi trên một con ngựa cũng bằng đồng dựng ở một ngã năm ngã sáu nào đó.

 

Tôi tin rằng tinh thần hài hước mà mọi người đều có sẵn có thể mở đường cho một thời đại hợp lí, mà thời đại đó là lí tưởng nhất của nhân loại; vì xét cho cùng, chỉ có điểm này quan trọng là làm sao cho loài người có được tính biết điều hơn, nhiều lương tri hơn, tư tưởng giản dị, tính tình khoan hoà và nhãn quan sáng suốt. Thế giới lí tưởng không phải là một thế giới hoàn toàn về mọi phương diện mà là một thế giới trong đó người ta nhận ngay được những khuyết điểm và giải quyết được những vụ xung đột một cách hợp lí. Muốn vậy phải có sự giản dị trong tư tưởng, có một triết lí vui và một lương tri tế nhị, ba cái đó đều là đặc tính của tinh thần hài hước.

 

Khi một nền văn minh mất sự giản dị trong tư tưởng và đời sống thì nó bắt đầu suy đồi. Con người biến thành nô lệ những ý niệm, những tham vọng, những chế độ xã hội mà chính mình tạo ra. Cũng may là tinh thần hài hước có thể trừ cho ta được tật đó. Người hài hước vận dụng tư tưởng một cách nhẹ nhàng và làm chủ được nó. Nghiêm nghị là dấu hiệu của sự gắng sức mà gắng sức là dấu hiệu của sự chưa hoàn toàn tự chủ. Một nhà văn nghiêm trang thì vụng về, không thoải mái trong lãnh vực ý tưởng, cũng như một người mới phát phú vụng về, không thoải mái trong xã hội.

 

Thật là ngược đời: sự giản dị lại chính là biểu hiệu của sự suy tư sâu sắc; theo tôi nó là điều khó đạt được nhất trong khoa học và văn chương. Tư tưởng phải sáng sủa là việc cực khó. Khi ta thấy một nhà văn vật lộn với một ý tưởng nào thì ta có thể quyết chắc rằng ông bị ý tưởng tấn công đấy. Bài giảng của một vị trợ giáo đại học, mới đậu thạc sĩ, phần nhiều là khó hiểu, lúng túng, và chỉ những vị giáo sư già mới có những tư tưởng giản dị, và phô diễn được một cách dễ dàng. Một nhà bác học không thể trình bày những tri thức chuyên môn bằng những lời bình dị lại cần có tinh thần già giặn nữa: khi ta già thì tư tưởng của ta sáng sủa hơn; những điểm nào không quan trọng và có lẽ sai nữa, thì ta có thể bỏ nó qua một bên để nó khỏi quấy rầy ta; ý tưởng do đó có những hình thức minh xác hơn, và tư tưởng nọ nối tiếp tư tưởng kia lần lần thành những công thức giản dị; những công thức này đột nhiên xuất hiện trong óc ta, và tri thức của ta đạt được cái mực rực rỡ một cách chính xác, cái mực mà ta gọi là minh trí. Lúc đó ta không có cảm giác phải gắng sức nữa, chân lí hoá ra giản dị vì nó đã hoá ra sáng sủa. Sự tự nhiên trong tư tưởng và trong bút pháp đó mà các thi sĩ và phê bình gia Trung Hoa rất tán thưởng, thường được coi là một quá trình thành thục lần lần. Khi ta nói đến sự thành thục lần lần trong tản văn của Tô Đông Pha, là chúng ta muốn nói rằng ông lần lần tiến tới sự tự nhiên, tiến tới một bút pháp bỏ hết cái tật hoa mĩ của tuổi trẻ, cái tật thông thái rởm, thích khoe tài, thích “làm văn chương”.

 

Mà tinh thần hài hước có công bồi dưỡng cho sự suy tư giản dị. Thường một người hài hước tiếp cận với thực tế hơn, còn một lí thuyết gia chỉ tiếp xúc với ý tưởng. Vả lại, người hài hước ưa cái ý thức thông thường và do đó thấy được tư tưởng của ta có điểm nào trái với thực tế. Tiếp xúc hoài với thực tế họ hoá ra tự tin, khinh thoái, tế nhị, lễ phép, gạt ra ngoài tất cả những bộ tịch không tự nhiên, những cái e lệ hư nguỵ, trịnh trọng ngu xuẩn, những thủ đoạn phỉnh gạt. Vì vậy tôi tin rằng ở đâu mà tư tưởng hài hước được tôn trọng thì ở đó mới có những bộ óc lành mạnh hợp lí và mới có một lối sống giản dị, suy nghĩ giản dị.

 

5. TINH THẦN PHÓNG KHOÁNG VÀ ĐỘC LẬP

 

Ngày nay hình như hạng quân nhân được trọng hơn hạng người phóng lãng và được coi là hạng người lí tưởng cao quí nhất của nhân loại. Đáng lẽ cần có những cá nhân phóng khoáng, độc lập, tự do thì xã hội chúng ta sắp phải có những công nhân ái quốc, hợp lí hoá, nhất luật hoá, gò bó vào kỉ luật, vào đoàn thể và bị kiểm soát, tổ chức một cách hiệu quả đến nỗi một quốc gia năm sáu chục triệu người cùng thờ một chủ nghĩa, cùng một loại tư tưởng, cùng thích một loại thức ăn. Đành rằng cả hai quan niệm trái ngược nhau về phẩm cách tôn nghiêm của nhân loại đó đều có lí cả: một quan niệm coi con người phóng lãng là lí tưởng, một quan niệm coi quân nhân là lí tưởng; một quan niệm cho rằng người nào còn giữ được tự do và cá tính của mình là người cao quí nhất, một quan niệm cho rằng người nào từ bỏ cái quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng để hoàn toàn lệ thuộc vào kẻ thống trị hoặc quốc gia, là người ấy tốt nhất. Người ta có thể dùng ý thức phổ thông để binh vực quan niệm trên; dùng óc luận lí để bênh vực quan niệm dưới và chứng minh rằng con người máy ái quốc là một công dân kiểu mẫu, ích lợi cho quốc gia, mà quốc gia nào muốn tồn tại thì phải tiêu diệt tất cả những quốc gia khác. Thực là khó tin, một quan niệm như vậy mà đã được và hiện còn được nhiều quốc gia “văn minh” và “khai hoá” ở Âu châu chủ trương.

 

Riêng tôi thì mặc dầu quan niệm đó hợp luận lí cách nào, tôi vẫn thích quan niệm phóng nhiệm hơn, thích con người phóng khoáng hơn, mà lòng ngưỡng mộ văn minh phương Tây của tôi đã giảm đi rất nhiều từ năm 1919-1920. Trước hồi đó, tôi xấu hổ về văn minh Trung Hoa, và cho rằng Trung Hoa không có hiến pháp, không có công quyền, thì thực là một khuyết điểm lớn, và tôi tin rằng một chính phủ lập hiến cộng hoà hay dân chủ, là một tấn bộ trên phương diện văn hóa. Nhưng, bây giờ tôi nhận thấy rằng nhân quyền và tự do cá nhân, cả quyền tự do tín ngưỡng mà người Trung Hoa từ hồi nào đến giờ vẫn được hưởng, đều có thể bị chà đạp ngay trên khu vực phát triển của văn minh phương Tây, rằng ở Trung Âu ngày nay có nhiều nô lệ hơn ở Trung Hoa thời phong kiến.

 

Tôi biết rằng người phương Tây sẽ bảo những học thuyết về tự do cá nhân, về công quyền của họ đã đâm rễ sau trong tâm hồn họ rồi, đã thành một tín ngưỡng hoặc một bản năng rồi, tất có đủ sinh lực để đảo ngược lại tình thế và thói đào tạo, biểu dương hạng công nhân nhất luật hoá hiện nay sẽ mất hẳn. Vâng, chúng ta đợi thủ coi.

 

Hình như ở thời đại chúng ta, thời đại mà phong trào tập thể phát động mạnh – tập thể xã hội, tập sản kinh tế, tập thể chính trị - thì nhân loại tự nhiên quên mất cái quyền phản kháng của mình và cái phẩm cách của cá nhân đi. Vấn đề kinh tế được đưa lên hàng đầu và tư tưởng kinh tế khuynh loát tất cả tư tưởng khác; vì vậy mà chúng ta thành ra hoàn toàn dửng dưng với một thứ khoa học, một thứ triết học hợp với nhân tính hơn, một thứ triết học chú trọng tới đời sống cá nhân. Lẽ đó tự nhiên. Một người lở bao tử thì chỉ nghĩ tới bao tử; một xã hội mà kinh tế không lành mạnh thì chỉ nghĩ tới các vấn đề kinh tế. Hậu quả là chúng ta hoàn toàn lãnh đạm với cá nhân và quên hẳn rằng có cá nhân. Ngày xưa mỗi người là một con người, ngày nay mỗi người chỉ được coi như một vật tự động nhắm mắt tuân theo những luật vật chất và kinh tế, như một cái răng trong một bánh xe, như một phần tử trong một giai cấp, như một ngoại nhân mà chính phủ “nhập cảng”, như một kẻ tiểu tư sản mà người ta khinh bỉ, hoặc như một nhà đại tư bản mà người ta tố cáo, hoặc như một người lao động mà người ta gọi là đồng chí chỉ vì người đó là lao động. Hình như chỉ gọi một người nào là tiểu tư sản hoặc đại tư bản hoặc lao động là đã hiểu rõ người đó rồi, và có thể ghét người đó một cách thích đáng hoặc giúp người đó như một đồng chí rồi. Chúng ta không còn là những cá nhân, những con người nữa mà chỉ là những giai cấp. Như vậy chẳng là giản dị hoá sự tình một cách quá mức ư? Chúng ta vui vẻ và hăng hái tiến lần đến xã hội kiểu mẫu của loài sinh vật nào đó.

 

Ở một thời đại mà khoa học cơ giới tự hào về những thực hiện của nó, về những công cuộc chinh phục thiên nhiên của nó, thì một quan niệm máy móc về con người cũng xuất hiện. Khoa học đó lũng đoạn những môn khác, cái luận lí máy móc của nó đã đem áp dụng vào xã hội loài người và cái danh từ uy nghiêm “luật thiên nhiên” được các nhà nghiên cứu nhân sự rất ưa dùng. Do đó mà lí thuyết này chiếm được ưu thế: “hoàn cảnh quan trọng hơn con người, và cá tính con người có thể đặt thành một phương trình được[3]“. Lí thuyết đó có thể tốt về kinh tế học, nhưng rất dở về sinh học. Môn sinh vật học nhận rằng trong sự phát triển của sinh mệnh, sức phản ứng của cá nhân là một yếu tố cũng quan trọng như hoàn cảnh vật chất, cũng như một lương y nhận rằng tính tình cùng phản ứng của bệnh nhân là một yếu tố rất quan trọng trong sự kháng cự với bệnh. Cứ theo lí thuyết thì nhiều bệnh nhân đáng lí phải chết, nhưng họ nhất định không chịu chết, rồi mà bình phục được, làm cho y sĩ phải kinh ngạc. Một y sĩ dùng chung một phương thuốc để trị hai người cùng mắc một thứ bệnh và tin rằng phản ứng của cơ thể hai người đó sẽ như nhau thì quả thực là nguy hại cho xã hội. Bọn triết gia cũng nguy hại như vậy nếu họ quên mất cá nhân, quên mất rằng mỗi người có thể phản ứng lại một cách khác nhau, và thái độ, hành vi của con người thường thay đổi, không sao biết trước được.

 

Có thể tôi chẳng hiểu một chút gì về môn kinh tế, nhưng chính môn kinh tế cũng không hiểu tôi nữa. Môn đó hiện nay còn lúng túng, chưa có thể tự nhận là một khoa học được. Nó chỉ bàn về các món hàng mà không tiến xa hơn, không bàn về động cơ của con người, như vậy nó không phải là một môn khoa học; mà dù nó có bàn về các động cơ của con người, nhưng chỉ dùng những bảng thống kê thì nó cũng vẫn chưa phải là một khoa học, may lắm chỉ có tính cách bán-khoa-học[4] thôi. Nó chưa tìm ra được một kĩ thuật thích đáng để nghiên cứu tâm trí con người, cho nên nó vẫn lúng túng, dò dẫm trong bóng tối. Vì vậy, mỗi khi cần lựa chọn một chính sách quan trọng về kinh tế thì ta thấy có hai nhà chuyên môn đưa ra những đề nghị trái ngược hẳn nhau. Một nhà tin rằng nếu nước Anh bỏ kim bảng vị đi thì thật là tai hại; nhà kia cũng kiên quyết tin rằng chỉ có cách bỏ kim bản vị đi mới cứu vãn được tình thế. Ngay các nhà chuyên môn tài giỏi nhất cũng không thể dự tính được một cách hợp lí khi nào người ta bắt đầu mua vào hoặc bán ra. Do đó mới có những vụ đầu cơ ở thị trường chứng khoán. Mà sở chứng khoán dù có những tài liệu đáng tin nhất về kinh tế thế giới cũng không thể đoán trước một các khoa học được khi nào giá vàng, giá bạc, giá thương phẩm lên hay xuống. Chỉ vì trong vấn đề đó có một yếu tố về nhân sự, và khi nhiều người bán ra thì một số ít người bắt đầu mua vào; mà khi nhiều người mua vào thì có một số ít người bắt đầu bán ra. Tất nhiên kẻ bán ra cho kẻ mua vào là điên, và ngược lại cũng vậy. Nhưng ai mới thực là điên thì tương lai mới chứng thực được. Điều đó minh chứng rằng thái độ của con người rất bất thường, không sao biết trước được, mà chẳng phải chỉ riêng trong công việc làm ăn, ngay cả trong quá trình lịch sử do tâm lí con người tạo nên, trong những phản ứng của con người đối với luân lí, phong tục, cải cách xã hội thì nhận xét trên cũng vẫn đúng.

 

6. CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

 

Chẳng những triết lí phải dựa vào cá nhân mà phát sinh, mà mục tiêu tối hậu của nó cũng là cá nhân. Cá nhân tự nó là mục tiêu của nó rồi chứ không phải là công cụ cho những sáng tạo của tâm trí. Những triết lí xã hội tốt đẹp nhất đều nhắm cái mục tiêu tối cao này là trong một chế độ nào đó, làm sao tạo được những đời sống cá nhân sung sướng nhất. Nếu có những triết lí phủ nhận điều đó thì nó chỉ là những sản phẩm của những bộ óc bệnh hoạn, mất quân bình.

 

Muốn xét một văn hóa thì cứ xét hạng đàn ông và đàn bà mà nó tạo thành. Chính vì nghĩ như vậy mà Walt Whitman, một trong những người Mĩ minh triết, sáng suốt nhất, chủ trương trong cuốn Democrative Vistas (Viễn cảnh dân chủ) rằng nguyên tắc cá nhân phải là mục tiêu của mọi nền văn minh. Ông viết “Văn minh dựa trên cơ sở nào? Văn minh với các tôn giáo, các nghệ thuật, các học hiệu của nó… nhằm đạt được cái gì nếu không phải là đạt được chủ nghĩa cá nhân phong phú, mĩ lệ, đa sắc thái. Tất cả đều phải hướng vào mục tiêu đó cả (…)

 

“Trải bao nhiêu sự biến thiên, nhiều khi thất thố đến lố bịch, nhiều khi phải tranh đấu, phải thất bại, chế độ dân chủ luôn luôn nhắm mục đích này là dù gian lao tới mấy cũng rán chịu, miễn làm sao chứng minh được rằng loài người được dạy dỗ trong một xã hội tự do, một thứ tự do lành mạnh và cao cả, thì có thể và nhất định phải thành một luật pháp cho chính mình”.

 

Rút cục không phải hoàn cảnh mới là quan trọng, chính phản ứng của ta với hoàn cảnh mới là quan trọng. Pháp, Đức, Anh, Mĩ đều sống trong một nền văn minh cơ giới như nhau, nhưng hình thức và ý vị đời sống của họ khác nhau và mỗi dân tộc giải quyết vấn đề chính trị của mình theo một lối khác nhau. Đời sống có biết bao hình thức như vậy, thì chỉ có hạng người điên mới bảo rằng con người thế nào cũng bị cơ giới khống chế. Một người cha có hai đứa con, dạy dỗ chúng như nhau, dự bị cho chúng vào đời như nhau, vậy mà rồi mỗi đứa cũng lần lần tạo ra một cuộc đời theo cá tính riêng của mình. Dù cả hai đều thành giám đốc ngân hàng, lãnh một số lương bằng nhau thì chúng cũng không giống nhau về những điểm khác, những điểm quan trọng cho hạnh phúc của chúng: khác nhau về sự khéo léo, về giọng nói, về tính tình, về cách cư xử và cách giải quyết vấn đề, cách đối đải với nhân viên; hoặc được nhân viên yêu, hoặc họ sợ, hoặc nghiêm khắc mà tỉ mỉ, hoặc vui vẻ mà dễ tính; khác nhau trong cách tiêu tiền vung phí hay kiệm tiện; về đời sống cá nhân, mỗi người có một thói trong sự giao du với bạn bè, trong sự đối đãi với vợ con, trong sự lựa chọn sách báo. Cùng sống trong một thời đại, trong một xã hội, cùng chết một ngày mà có người hăng hái tin tưởng tiến theo khuynh hướng của mình và tìm được hạnh phúc, có kẻ lại trải qua một cuộc đời chìm nổi, đổi hướng hoài; có người thành nhà phát minh, có kẻ thành nhà thám hiểm, có người tinh thần hái hước, kẻ lại rầu rĩ, quạo quọ; người thì bay vút lên cảnh phú quí như pháo thăng thiên rồi chết trong đám trong tro tàn lạnh lẽo của pháo, kẻ thì bán nước đá hay bán than rồi bị đâm chết trong cái liều của họ, để lại tới hai vạn Mĩ kim bằng vàng. Đời sống quả thật kì diệu, cả trong thời đại kĩ nghệ nữa. Con người còn là con người thì đời sống có nhiều sắc thái như vậy mới có ý vị.

 

Trong nhân sự - dù là về chính trị hay cách mạng xã hội – không thể có quyết định luận được. Yếu tố nhân tình làm đảo lộn tất cả các dự tính của những người đưa ra những lí thuyết mới, chế độ mới.

 

Nhưng sự quan trọng của cá nhân không phải chỉ do lẽ đời sống cá nhân là mục tiêu của tất cả mọi nền văn minh, mà còn lẽ này nữa: sự cải thiện đời sống xã hội và chính trị, sự cải thiện những quan hệ quốc tế là do hành động và tính tình của mỗi cá nhân trong mỗi quốc gia! Trong việc nội chính và trong sự tiến hoá của một quốc gia, yếu tố quyết định là tính khí của dân tộc. Vì trên tất cả những luật về sự phát triển kĩ nghệ, còn một yếu tố quan trọng hơn, tức lối hành động và lối giải quyết vấn đề của mỗi dân tộc.Rousseau không tiên liệu được sự diễn tiến của cách mạng Pháp và sự xuất hiện của Napoléon; mà Karl Marx cũng không tiên liệu được sự phát triển hiện nay của lí thuyết xã hội và sự xuất hiện của Staline. Không phải khẩu hiệu Tự do, Hoà bình, Bác ái, mà là vài nét nào đó trong bản tính của con người xét chung và trong bản tính của dân tộc Pháp xét riêng, đã quyết định diễn tiến của Cách mạng Pháp. Những dự ngôn của Karl Marx về sự diễn tiến của cách mạng xã hội đã sai be bét mặc dầu biện pháp của ông rất chính xác. Theo luật luận lí, ông dự đoán rằng một cuộc cách mạng vô sản sẽ xảy ra ở nước nào mà nền văn minh kĩ nghệ tiến nhất, mà giai cấp vô sản mạnh nhất, nghĩa là xảy ra trước hết ở Anh rồi có lẽ ở Mĩ, ở Đức. Nhưng sự thất là chế độ Cộng sản đã được thực nghiệm ở một sứ nông nghiệp như Nga, tại đó giai cấp vô sản không mạnh. Ông đã quên không tính tới yếu tố nhân sự ở Anh và Mĩ, quên cách hành động và giải quyết vấn đề của Anh và Mĩ. Lỗi lầm lớn nhất của một chính sách kinh tế chưa chính mùi, là quên không tiên liệu cái “bất ngờ” trong việc nước. Người Anh coi thường các lí thuyết, nếu cần, còn tìm cách lần lần phá nó nữa; sự chậm chạp của họ khi dò đường đi, lòng yêu tự do cá nhân, tôn trọng trật tự, nhất là có lương tri của họ, tất cả những cái đó ảnh hưởng nhiều tới sự diễn tiến của các biến cố còn hơn là những lí luận của nhà biện chứng Đức Karl Marx.

 

Vậy sự phát triển về xã hội và chính trị của một nước, rút cục căn cứ vào ý tưởng của cá nhân. Cái tính khí, cái mà người ta gọi là “thiên tài” của một dân tộc, rút cục do toàn thể cá nhân của dân tộc đó tạo thành; nó chỉ là cách cư xử và hành động của dân tộc đó, cách lựa chọn một thái độ trong một hoàn cảnh nào đó. Các sử gia phái cổ thường nghĩ như Hégel rằng lịch sử một nước chỉ là sự phát triển của một quan niệm, mà sự phát triển đó có tính cách tất nhiên của cơ giới, nhưng nếu xét một cách tế nhị thực tế hơn thì ta thấy phần ngẫu nhiên ở trong đó. Mỗi khi gặp bước nguy nan thì quốc gia phải lựa chọn mà trong khi lựa chọn luôn luôn có những thế lực, những dục vọng tương phản xung đột: bên đây chỉ thêm một chút, bên kia chỉ giảm một chút là cán cân trút về phía khác rồi. Vì mỗi dân tộc thích con đường nào thì theo con đường đó, ghét con đường nào thì bỏ con đường đó. Sự lựa chọn căn cứ vào trào lưu tư tưởng, vào quan niệm đạo đức và vào thành kiến xã hội.

 

Nhìn toàn diện sự biến chuyển của lịch sử nhân loại tôi chỉ thấy như thuỷ triều lên rồi xuống, mà khi lên cũng như khi xuống, đều là do sự lựa chọn bất thường, không thể biết trước của con người. Chính vì có ý đó mà Khổng giáo đem vấn đề “bình thiên hạ” liên kết với “tu thân”. Từ đời Tống trở đi, nhà Nho nào cũng dùng đoạn dưới đây làm bài học khai tâm cho trẻ mới nhập học: “Người xưa muốn làm sáng cái đức sáng ở trong thiên hạ thì trước phải trị nước mình; muốn trị nước mình thì trước phải tề nhà mình; muốn tề nhà mình thì trước phải tu thân (sửa mình); muốn tu thân thì trước phải thành cái ý của mình; muốn thành cái ý của mình thì trước phải trí tri; trí tri ở chỗ cách vật[5]. Vật xét kĩ (cách vật) rồi sau cái tri mới được đến nơi đến chốn (trí tri), trí tri rồi sau ý mới thành, ý thành rồi sau tâm mới chính, tâm chính rồi sau thân mới tu, thân tu rồi sau gia mới tề, gia tề rồi sau nước mới trị, nước trị rồi sau thiên hạ mới bình. Từ Thiên tử cho đến người thường, nhất loạt đều phải lấy sự tu thân làm gốc. Cái gốc loạn mà cái ngọn trị, thì không thể có như vậy. Vật có gốc ngọn, việc có đầu đuôi. Biết cái nào trước cái nào sau là gần được đạo rồi đấy”. 

Chú thích:

[1] Có lẽ tác giả muốn nói loài hải li (Goldfish).

[2] Thi sĩ và tiểu thuyết gia Đan Mạch (1805-1875) nổi danh về truyện ngắn: La petite Sirène, Les cynes sauvage… tưởng tượng phong phú, thi vị dồi dào.

[3] Nghĩa là một cá nhân sinh trong giai cấp nào ở trong những hoàn cảnh ra sao thì nhất định phải có cá tính ra sao.

[4] Nay thì đã khác rồi vì sách này tác giả viết trước thế chiến (1939-1945).

[5] Trí tri là biết cho đến nơi đến chốn; cách vật là cân nhắc sự vật để biết rõ cái nào trước cái nào sau, coi cái nào gốc cái nào ngọn, nghĩa là để hiểu cái tương quan của mọi sự vật. Đoạn này ở đầu sách Đại học. [Trong Lời nói đầu cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê viết: “(…) cuốn Đại học của Tăng Tử (một môn sinh được trực truyền), ngay trong đoạn đầu nói về việc tu thân để tề gia, trị quốc…, cũng đã có một ý tôi cho không phải là của Khổng tử mà của Tăng tử, tức “trí tri tại cách vật”, vì trong Luận ngữ ông không hề nói tới sự cách vật”. (Goldfish)].