Một Mùa Hè Vắng Bóng Chim

- 10 -

Có điều gì đó làm cho Pao lo lắng, sau cùng tôi mới hiểu nguyên do. Từ mấy tháng nay chúng tôi được lãnh phần gạo. Người ta phát gạo cho công chức để bình giá thực phẩm, nhưng không hiệu quả. Pao lãnh ba phần gạo chứ không phải hai, tôi ngờ rằng anh đưa phần thứ ba cho chú Pao Houa để đem bán chợ đen, hoặc tặng ai đó để đền ơn người ta đã giúp đỡ anh. Pao ghi tên một đứa con sanh ở Thành Đô để lãnh phần thứ ba đó.

Mà một số lớn các “nghĩa huynh” của anh bảo rằng chẳng bao giờ thấy đứa con đó cả… Không thấy cả trên tấm hình nữa. Pao đương rất quan tâm tới một sự thay đổi trong hoạn lộ của anh, anh mong được một chân tuỳ viên quân sự, cho nên sợ có kẻ âm hiểm tố cáo mà bị loại ra mất.

Điều anh trách tôi nhiều nhất là không sanh đẻ gì cả. Giá tôi có mang, có một đứa con trai thì mọi sự hoàn hảo…

Thượng cấp của anh, tướng Hioung mà chúng tôi gặp trong một cuộc tiếp tân, có nhiều con, nhiều người khác tự khoe có tài gây giống, như thể họ khoe mỗi bữa ăn được sáu bảy chén cơm hoặc mời được một số đông nữ nghệ sĩ dự một “cuộc đàm đạo ban đêm” vậy.

Pao mong hoài có một đứa con, điều đó dễ hiểu: đàn ông nào mà chẳng vậy. Cho nên tinh thần tôi lúc nào cũng căng thẳng. Đi coi các thầy tướng số, các bà thầy bói, ai cũng bảo rằng tôi sẽ sanh con gái đầu lòng rồi sanh hai đứa con trai. Vì vậy Pao mới bịa chuyện ra rằng tôi đã có một đứa con gái, hy vọng rằng như vậy, ước vọng của anh sẽ tự nó thành tựu.

Một điều bất lợi nữa cho Pao là anh chưa bao giờ lãnh một nhiệm vụ chỉ huy trên chiến trường, vì thế anh không thể “hối lộ” cho vài thuộc viên bằng cách cho họ thăng cấp để họ giúp anh. Mà hạng thuộc viên đó có ích lợi lắm đấy. Người ta kể chuyện một sĩ quan cấp dưới chỉ thêm một nét vào tên một người mà làm cho một kẻ vô tội bị xử tử… Và chuyện một sĩ quan khác được lệnh tìm hồ sơ về một vụ biển thủ mà đánh lạc hồ sơ trong bốn năm. Cũng do cách đó, một viên thư ký quèn có thể trong những lúc báo cáo, đưa tên của Pao ra trước mắt Tưởng Giới Thạch, khiến vị quyền tối cao đó để ý tới anh… và anh sẽ không bị bỏ quên. Pao mỗi ngày một thêm ưu tư sầu não, anh có đủ chỗ nương tựa để mở một con đường trong cái bụi rậm ganh đua nó thu hút hết nghị lực của các công chức dưới quyền Tưởng Giới Thạch không? Anh có thể thoát cả ngàn cái bẫy bẩn thỉu do những kẻ ngồi lê đôi mách giăng ra, khiến những kế hoạch chuẩn bị công phu nhất cũng phải tiêu tan không? Anh có tỏ ra khá dễ thương, có gây được ấn tượng tốt với thượng cấp không? Anh thắc mắc đau khổ về tất cả những điều đó. Giá anh có một đứa con trai thì thế anh sẽ mạnh hơn. Anh đòi có một đứa con trai, một đứa con trai, một đứa con trai, như thể anh đã bốn mươi lăm tuổi chứ không phải mới hai mươi lăm, và anh càng thất vọng càng đánh đập tôi. Rồi bỗng xảy ra vấn đề ba phần gạo đó… có thể nào sự bí mật đó sẽ bị tiết lộ ra không? Rằng anh chẳng có đứa con nào gởi gia đình tôi nuôi ở Thanh Đô cả?…

Mùa thu 1941, tôi trở về Thành Đô để từ biệt chú Ba, thím Ba và họ hàng, bạn bè và để mua một đứa con nuôi. Cô Marian Manley biết rằng Pao mong hoài có một đứa con, tôi tâm sự với cô, cô rán giúp tôi, khám bệnh tôi thật kỹ, chẳng thấy gì cả. Một nữ bác sĩ khác ở Trùng Khánh khám lại, chữa bằng điện để kích thích tử cung, cách chữa đó đang thịnh hành (mà vô hiệu). Những trắc nghiệm làm hai năm trước tôi bị bế tắc không có bệnh gì cả, nhưng hồi đó người ta không để ý tới những yếu tố tâm lý như ngày nay, mặc dầu cô Marian Manley đã nói tới trạng thái quá kích thích của thần kinh, và công cuộc nghiên cứu của Hans-Selye về các bệnh tâm thể [1] và về ảnh hưởng của sự ưu tư tới cơ thể mới hơi được truyền bá trong y giới. Cô Marian kể cho tôi nghe có những cặp vợ chồng nuôi một đứa con nuôi rồi thì từ đó sinh đẻ được, cô tin rằng nếu tinh thần tôi thơ thới thì tôi có thể có mang. Nhưng sống bên cạnh Pao thì làm sao tinh thần tôi thơ thới cho được?

Mùa thu đó, ngân sách gia đình của nhiều công chức, tư chức và nhà buôn nhỏ vì nạn lạm phát mà lâm nguy, những người chỉ trông vào đồng lương thì thấy mãi lực của mình giảm tới mức gần như không còn gì, mà số tiền dành dụm được tiêu tan hết, họ phải bán quần áo, đồ đạc, nhiều người làm hai ba nghề một lúc để kiếm thêm nhưng trong cuộc chạy đua như điên đó, họ vẫn không bắt kịp được vì sự leo thang của giá cả. Chỉ bọn chủ khách sạn là kiếm được nhiều tiền, bọn chủ nhà, chủ ruộng và cho vay lãi cũng vậy vì họ chiếm hết lúa gạo, vải lụa, nhiên liệu [2]. Ở Trùng Khánh trong khi dân chúng đánh nhau vì mấy cái lõi bắp cải ở chợ, và các trẻ em chết vì bệnh phù thũng, thì người ta nhập cảng bơ tươi và cam cho bà con họ hàng của Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn, thật là xấu xa, bỉ ổi! Nhiều người lúc nào cũng đói, gầy nhom, hóa ra bơ phờ, thờ ơ, không ra khỏi nhà nữa vì đi không nổi, cứ nằm hoài, không làm được việc gì cả, hành khất đầy đường và trong thị trấn nào cũng có nhiều người bán con gái cho các gia đình giàu có, sự mua bán đó rất thịnh.

Nông dân bị bắt nhập ngũ, phẫn uất gây lộn, nổi loạn. Mấy năm trước ở Mienyang người ta lùa nông dân đi làm con đường Tây An. Con đường qua làng nào thì dân chúng trong làng phải cung cấp tất cả các vật liệu, hai mươi ngàn người đã bị bắt làm xâu như vậy mà phải mang cơm nhà đi. Việc đó bây giờ lại tái diễn, nhưng quy mô rộng lớn hơn, nông dân không có thì giờ gặt hái nữa, nổi loạn. Khoảng hai ngàn bị giết, những người khác bị bắt làm lính. Trong số sáu ngàn người bị bắt lính đưa lên miền Tây Bắc, chỉ có bảy trăm người sống sót.

Một cô mụ tôi quen ở bệnh viện có một người bà con sanh được bốn đứa con gái mà đứa cuối mới có ba tháng. Người mẹ muốn bán đứa con thứ ba, vì bán hai đứa lớn thì chúng sẽ gào khóc phản kháng, còn đứa cuối nhỏ quá không thể xa mẹ được, đợi lớn chút nữa cũng sẽ bán nốt “vì để cho nó sống còn hơn là để nó chết đói”, thím nói như vậy.

Đứa thứ ba được một năm rưỡi mà mới chập chững biết đi. Bà mẹ nhờ cô mụ tôi quen tìm xem có ai muốn mua không.

Cô mụ bảo tôi rằng đứa nhỏ không ngộ lắm mà lại xấu tính, nhưng tôi cứ thử lại coi mặt mũi nó xem sao. Người ta đòi tôi một ngàn đồng, giá đó đắt, vì có những đứa con gái khỏe mạnh mà bán với giá năm trăm đồng hoặc ba trăm đồng. Vài cô mụ khuyên tôi trả giá năm trăm đồng: “người mẹ chỉ đưa giá đó ra thôi, chứ không hy vong được một ngàn đồng đâu”. Nhưng người mẹ đưa giá đó là một người “có học”, biết đọc, biết viết. Đứa bé đã ở thử một nhà khác rồi, nhưng mới đầy một tháng người ta phải đem lại trả vì bướng bỉnh quá, không nhu thuận.

Một hôm chị Hoan-Seyouan bồng một em bé gái vô phòng tôi. Đứa bé quần áo tả tơi, có vẻ hoảng sợ, mỗi mí mắt long lanh một giọt lệ muốn rớt. Tôi đâm mê nó liền. Nó có mấy vết thương trên mặt và mình mẩy, rõ ràng là người ta đã đánh đập nó tàn nhẫn, có những đường gân xanh dưới lớp da sáng của nó, và da nó đã hơi nhăn nheo, dưới tai bên trái có một vết nhỏ trên một đường nhăn, tỏ ra nó đã bị bệnh sài (Teigno). Nét mặt nó rất dễ thương: mắt to và nghiêm, tròn và màu nâu, tôi chưa thấy em bé nào có cặp mắt như vậy, nó ngó tôi trân trân, nghiêm trang mà ngây thơ, trong khi hai giọt lệ chậm chậm, lặng lẽ lăn trên gò má nó. Lòng tôi thắt lại khi nghĩ tới niềm đau khổ âm thầm của đứa bé mười tám tháng lặng lẽ khóc đó. Nó sợ tiếng động, sợ những người lớn tiếng, khi thấy người lại gần ngó nó, nó nói nho nhỏ: “không chịu, không chịu”. Nó để tôi bồng mà không la khóc, tôi lấy nước ấm lau mình rồi chùi khô cho nó, nó để cho tôi xem xét những vết thương ghê tởm của nó. Rồi chị ở bưng ra một chén cơm dẻo nấu với vài miếng gan nhỏ, nước mắt nó lại chảy ra nhưng lần này nó mừng mà khóc kêu: “Phàn, phàn, phàn” có nghĩa là cơm, cơm, cơm, nó vồ lấy chén cơm ăn hết trơn.

Tôi xỉa ra một ngàn đồng không trả giá gì cả, cũng không bảo để nuôi thử xem sao đã, chị Hoan – Seyouan “chặc, chặc” lưỡi, bảo tôi có thể trả rẻ hơn được mà đứa bé thật tốt số, tôi đáp lại rằng chính tôi mới tốt số, vì chưa thấy một đứa bé nào ngộ như nó. Thiên hạ mù quáng, không biết thế nào là đẹp sao?

Thực là quá điều tôi ước mong, đứa bé cực kỳ dễ thương đó, trong hai ngày ngó tôi chăm chăm, trầm ngâm, lúc nào cũng có vẻ nghiêm trang, chỉ trừ khi nó vồ lấy thức ăn mà nhỏ lệ vì mừng. Tới ngày thứ ba, bỗng nhiên nó nhè nhẹ đặt tay lên má tôi mỉm cười.

Tôi mừng tới nỗi bồng nó vô phòng chị Hoan Seyonan khoe: “Coi nè, coi nè, nó mỉm cười nè!”. Tất cả các cô mụ chạy tới coi nó mỉm cười, bảo nó ngộ thật, một cô còn trách mẹ nó sao lại đem bán nó, nhưng thím ta đâu có lỗi gì, chỉ nghĩ việc cứu sống con thôi mà; tội là ở chế độ bất công, áp chế, ở sự lạm phát, sự nghèo đói và chiến tranh. Ở Trung Hoa có cả triệu trường hợp như vậy, cả triệu em bé như vậy, thường quá ư? Thành thử ai cũng cho rằng gặp thời đói kém, đem bán con là việc tự nhiên… Và tôi biết rằng mẹ đứa nhỏ đó không vui lòng bán con đâu chẳng qua là bắt buộc phải vậy, thà vậy còn hơn là giết nó, như một số người vẫn làm, để tránh cảnh cùng khốn… Và đứa bé đó rất có nghị lực, chính vì vậy mà mấy gia đình khác muốn có nô tỳ, không chịu nuôi nó; nó bẩm sinh ra không nhu thuận, không đê tiện. Nhỏ như vậy mà nó đã biết nó muốn gì rồi.

Tất cả các cô mụ đều lo may quần áo cho nó, chị Hoan Seyouan đem cho nó một cái mũ trùm đầu, cô Wang làm cho nó một đôi giày bằng nỉ, cô Shen may cho nó một cái áo, một cái quần, còn cô Marian Manley cắt trong những chiếc áo cũ bằng len để may cho nó một cái măng tô lót cho nó bận mùa đông. Cô Hsu mua cho nó một con búp bê, thời đó ở Thành Đô giá đắt lắm. Có lẽ cô Hsu muốn đáp ơn tôi đã giúp cô mua miếng đất mà giá tiền bằng giá tiền mua đứa bé đó (nhưng chỉ trong 6 tuần giá đất đã tăng lên gấp đôi rồi). Đứa bé chăm chú ngó con búp bê rất lâu, rồi đưa tay rờ mũi con búp bê, rồi rờ chính mũi của nó, rờ mắt con búp bê, rồi lại rờ mắt nó. Con búp bê là đồ chơi đầu tiên của nó, nó ghì chặt búp bê vào lòng, ôm búp bê đi ngủ và không khi nào liệng bậy búp bê như những trẻ khác: tôi phải giằng búp bê ra mỗi khi tắm rửa hoặc thay áo cho nó. Rồi cô Marian Manley tìm được một cuốn sách cho trẻ em, có những chữ A, B. C rất lớn mà một gia đình truyền giáo đã bỏ lại, và đứa bé nghiêm trang ngó rồi đưa ngón tay chỉ chữ T bảo: “Máy bay, bùm bùm”, như vậy là nó đã trải qua những cơn dội bom rồi.

Sau này tôi mua cho nó một đồ chơi khác, một con gấu giá cũng đắt ghê gớm, bằng giá sáu thước vải. Khi trở ra Trung Khánh, tôi bán hết những vật vô dụng Pao đã đem ở Ấn Độ về mà tôi chưa đem tặng ai, một số bà giàu có ở Trùng Khánh hăm hở mua, giá một đôi giày cao gót lúc đó bằng tám tháng tiền lương của anh Hai ở ngân hàng, một cái xắc tay xấu xí bằng hạt trai giả giá năm trăm đồng, bằng nửa giá tôi mua đứa bé đó…

Nhờ vậy tôi có được một số tiền, mua đồ chơi, giày, quần áo cho đứa bé mà không phải xin tiền của anh Pao. Vết sài ở bên tai đứa bé chuyển qua màu đỏ mà không láng, lan ra mép lồi lên. Tôi bảo cô Marian là một chứng đan độc, cô đồng ý. Ít bữa sau nửa mặt và nửa lưng nó cũng nổi đỏ như vậy và nó nóng. Phải có sulfamide để trị, thứ này khó kiếm, 1 viên giá 25 đồng, nhưng nhờ cô Marian, tôi được bệnh viện để lại cho ít viên. Tôi lau vết đó với tất cả các vết thương khác trên đầu, trên mình đứa bé, da đít và đùi nó bong ra, phỏng lên đầy mủ. Nó không phàn nàn gì cả khi tôi lau rửa cho nó. Trong thời gian đó, cha mẹ nó giao cho tôi tờ bán con, thế là mọi sự xong xuôi. Cô Hsu bảo: “Đáng lẽ chị phải bắt họ giao con thì giao cả quần áo của nó, đừng để họ bóc lột”. Nhưng tôi cảm thấy tôi giàu có, giàu vì có được đứa bé dễ thương, mắt rất đẹp và nghiêm trang đó, và tôi rất vui vẻ trả gấp mấy số tiền đó cũng được. Cô Hsu cứ lắc đầu hoài: một đứa bé đau ốm, coi thảm hại như vậy mà mua đắt tiền thế. Mọi người ngạc nhiên sao nó mau bình phục thế.

Nó bắt đầu cười thường hơn với nhiều người hơn, và trong trường hộ sinh mọi người khoe với nhau: “Hôm nay bé cười với tôi”. Hai đồng tiền hiện trên má nó, nó bớt gầy đi. Được hai tuần, các vết thương lành miệng, tôi mua giấy máy bay đem nó ra Trùng Khánh, bây giờ nó đã tin cậy, hết sợ rồi, đưa các ngón tay trỏ các đồ vật bập bẹ, thỉnh thoảng bướng bỉnh – em bé nào thì cũng phải vậy – nhưng kiên nhẫn, lặng lẽ chịu đau khổ, mà chỉ ngó tôi, đợi tôi nhận thấy.

Ra Trùng Khánh tôi hay rằng anh Pao không còn ở tại nhà chú Ba nữa, và đã mướn một phòng ở gần trung tâm Thành phố, phòng đó tốt, sàn ván, kê một cái giường, một tủ “côm mốt” [A], một cái phòng trong một căn nhà một công chức đã xây cất mấy năm trước, khi đất và công xây còn rẻ. Thật là may mắn lạ lùng mà nhà không bị bom.

Bây giờ Pao thành công rồi, không thiếu gì người mời anh về nhà họ ở hoặc mời đi ăn tại những khách sạn sang. Bà Ling chủ nhà đã dành cho chúng tôi căn phòng đẹp nhất ở phía trước, mà lui vào phía trong, ở một căn phòng hẹp hơn, gần như một cái kho chứa đồ, bên cạnh bếp, với hai đứa con. Bà nhỏ nhắn, rất giỏi giang. Không có giường cho đứa bé, tôi phải lấy một cái hộc tủ Côm mốt, trút hết đồ ra làm giường cho nó, và để cho chuột khỏi cắn nó, tôi đặt hộc lên bàn bao lưới sắt chung quanh mà tôi đóng bằng đinh, cột bằng dây gai, như một cái nôi tại nhà hộ sinh Thành Đô. Đứa bé nằm gọn trong đó và rất ít cựa quậy trong khi ngủ. Nó mau lớn, háu ăn lắm, một hôm tôi cho nó một trái quít để chơi, nó ăn hết nhẵn cả vỏ, ruột, hột. Các vết thương đã lành rồi, bệnh sài đã khỏi, tôi dắt nó đi dạo chút chút, tóc nó bạc màu vì thiếu sinh tố, bây giờ đã rậm hơn.

Tôi không báo trước cho Pao ngày tôi tới vì không biết ngày nào mua được vé máy bay: phải hối lộ nhân viên ghi tên, hối lộ nhân viên bán vé, hối lộ nhân viên kiểm soát đóng dấu vào vé… Vậy buổi chiều hôm đó tôi tới Trung Khánh, buổi tối anh Pao về thấy đứa bé đương ngồi ăn cơm với món gan trước một cái bàn thấp. Nó thích thịt lắm, ăn rất gọn, không bao giờ đánh vãi hột cơm, nó vét những hột còn lại rồi mút tay, cuối cùng liếm cái chén. Anh Pao nói lớn: “À, đứa bé đây”, vì nó ở đó rồi, anh không thể không thừa nhận nó được, từ mấy tháng nay anh chẳng lãnh phần gạo cho một đứa con đấy ư?

Hai ba ngày sau thấy nó yên ổn, không làm ồn ban đêm, và ngước cặp mắt tròn lên ngó anh không chớp mắt, anh cũng bắt đầu mến nó, vì Pao bẩm tính không vô tình, tàn bạo, chỉ vì quá tham vọng mà lạc lối thôi, anh không xấu hơn, có lẽ hơi bớt tính toán hơn nhiều người khác trạc tuổi anh trong sự trung thành với cấp trên mà anh đã lỡ phụng sự, rồi bị giam trong chế độ ảo tưởng đó, nó làm cho chúng tôi đều phát điên lên đó.

Anh hỏi tôi: “Đem nó về làm gì đây?”. Tôi đáp: “Cho nó sống với chúng mình”. – “Được. Có thể tập cho nó thành nô tỳ của em được”. Anh vẫn theo cái tục cổ, mua những đứa con gái nhỏ về làm nô tỳ rồi sau bán lại cho một ông già nào đó làm nàng hầu. Tôi xé miếng giấy cha mẹ nó nhận bán nó cho tôi. Tôi không khi nào bắt nó phải làm nô lệ, tôi muốn nó thành một người tự chủ. Không khi nào tôi bán cái thân thể ấm áp, quý báu rất âu yếm, rất tin ở tôi đó, tôi không muốn theo tục cổ, nuôi nó làm đứa ở sau này nhờ cậy, như một cách bảo hiểm cho tuổi già vậy…

Tôi làm thinh không đáp Pao.

Và tôi thỏa mãn, sung sướng rằng không có con với Pao. Như vậy chỉ truyền biết bao nỗi đau khổ từ thế hệ này tới thế hệ sau, tới vô cùng thôi. Đứa bé đó không do tôi sanh ra, nhưng vì tình thương và ý chí, nó hoàn toàn là của tôi, nó không phải là một sản phẩm sinh lý ngẫu nhiên tác thành trong đêm tối, không đoán trước được, cũng không mấy mong mỏi, nhưng vì tôi đã có ý lựa chọn nó, thì nó là của tôi còn hơn là do khí huyết tôi sinh ra nữa, tóm lại, nó hoàn toàn làm thỏa mãn tôi, thoả mãn tới suốt đời tôi.

Vì ái tình mới thực là cái liên hệ giữa cha mẹ con cái, chỉ có thương nhau thì mới có cha con, mẹ con… Và tới ngày nay, tôi vẫn còn mừng rằng tôi không có con, vì tôi nghĩ rằng nếu có, tôi không thể nào yêu nó được và không lo lắng, lo lắng hoài, gần như oán ghét nó nữa. Tôi tự hỏi tôi hoài, trong bản thể tôi có cái gì khiến cho nó muốn tự hủy nó. Tôi không muốn thấy một sự tái sinh của tôi đã khó khăn mà lại tự trừng trị nó, tự hủy hoại nó. Hồi đó tôi đã định rằng đứa bé đó là nguồn yêu của tôi. Nó đã là nguồn yêu của tôi…

Mùa đông lại trở về với lớp sương mù giết người, nuốt cả nhà cửa, cảnh hoang tàn, lẫn đồi núi. Sông Dương Tử đầy bùn, mực nước càng rút lần lần thì dòng nước nặng nề càng chảy chậm hơn. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng búa; nhìn lên đồi thấy những người bé nhỏ dựng cột cất nhà; ngói bị hơi bom đánh bay đi, bây giờ được xếp thành hàng đều đặn hơn trên các nóc nhà mới. Ở mái hiên người ta móc những cây sào để hong quần áo mùa đông trong khi mặt trời hổn hển sắp chết ngạt vì sương mù. Người ta xây cất lại Trùng Khánh, nhưng năm nay vật liệu đắt quá cho nên có nhiều khoảng đất rộng bỏ trống. Giá cả lên, tăng lên, tăng lên, một bữa ăn ở khách sạn bây giờ phải trả trăm rưỡi đồng; sáu tháng trước phải trả bảy mươi lăm đồng…

Tháng mười năm 1941. Phái đoàn quân sự Mỹ ở Trùng Khánh đã tăng cường rất nhiều; nông dân nổi loạn nhiều hơn; thợ đào đất chết vì đói, vì sốt rét cơn, vì dịch tả… Lại mở một chiến dịch chống Cộng nữa. Thêm một chiến dịch “tinh thần tự tin” nữa. Ở Côn Minh người ta cất một khách sạn và nhiều dinh thự cho người Mỹ: cả một đoàn cố vấn kỹ thuật gia và nhân viên lực lượng không quân, lại thêm “lính thủy” nữa. Giấy bạc in ở Anh, chở vô Trùng Khánh từng tấn một, do con đường Miến Điện; từ tháng năm năm 1942, phải cho bằng phi cơ, vượt dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, khi đường Miến Điện bị Nhất chiếm. Năm 1942, một trăm rưỡi tấn giấy bạc do đường hàng không mà vô Trung Hoa.

Ở Trùng Khánh, các rạp hát bóng chiếu một phim màu của Mỹ, toàn là con gái với những đồ lót mình, thực khác xa lối sống Trung Hoa, khiến chúng tôi ngạc nhiên, khán giả cười rầm lên chế nhạo những đào hát ở truồng.

Lại ban những sắc lệnh mới trừng trị sự tăng giá và tội tham nhũng, nhưng giá cả vẫn cứ lên. Chính phủ phải bắt một số gia đình tản cư cho vật giá bớt leo thang… Báo chí đã dám chỉ trích “một số công chức cao cấp” sống xa hoa trong cảnh khốn cùng của dân chúng.

Nhưng trong mùa đông tới sớm đó, dân chúng mải theo dõi một vụ tầm thường mà quên những vấn đề chính: lạm phát, đói, chết trong hầm núp, tham nhũng, phiến loạn. Khi một chính quyền chuyên chế, tàn bạo mà gặp nỗi khó khăn thì một vụ ô nhục của một cá nhân trong chính quyền có lẽ lại có lợi, làm cho dân chúng dễ quên những nỗi bất mãn nhất.

Cuộc âm mưu chống Quo Tai-shi bắt đầu thành hình. Quo Tai-shi là viên Ngoại trưởng mà cả Tai Lee lẫn Hồ Tôn Nam đều ghét. Ông ta chống Hitler, chống Nhật, thân Nga. Như vậy không đủ cho Tai Lee tìm cách bứng ông ta đi. Quo bị tố cáo là “tằng tịu” với một thiếu nữ không phải vợ ông ta. Không có một mảy may chứng cớ nào cả, không khi nào đưa ra chứng cớ được; chỉ có tin đồn rằng ông Ngoại trưởng đi lại với một thiếu nữ đẹp, thông minh trạc tuổi tôi, cô S, cùng học một năm với tôi ở Đại học Yen-tching, và hai người yêu nhau. Bỗng nhiên, trong cái “giới thượng lưu” Trùng Khánh, các nhân viên cao cấp chỉ kháo nhau chuyện đó thôi. Họ không nói gì tới nạn đói, dân chúng nổi loạn, sự kiểm duyệt, “săn” cộng, nạn lạm phát, tham nhũng, các trại tập trung, mà chỉ nói về mối tình chưa chắc đã có thực của một ông Bộ trưởng! Khi tin đồn tới tai tôi, tôi bảo: “Rõ thật ngu xuẩn”. Pao tuôn ra một loạt những lời đạo đức bài xích, khiển trách ông Bộ trưởng, cơ hồ như đời tư người ta mà họ đem ra bêu xấu đó là việc tai hại nhất, động trời nhất, chướng tai gai mắt nhất trên đời, có thể làm cho chính quyền đạo đức của chúng tôi lung lay mà kháng chiến Nhật này có thể sụp đổ!

Trong thời gian đó, Tai Lee và nhiều ông lớn khác trai gái lung tung, Tai Lee ve vãn một thiếu nữ, đánh cô ta nhừ tử rồi tống giam cô ta vô một trong những “trường” của hắn; người ta đồn rằng ngay vị quyền uy tối cao cũng bị một bà số 3 nào đó cào cấu nát mặt ra. Người ta bắt đầu kháo nhau về những chuyện xảy ra trong Phái đoàn quân sự ghé Singapour. Hai chục năm sau, năm 1962, tới Singapour, tôi được nghe người ta kể mối tình của Pao với một mỹ nhân ở đó, hiện nay làm chủ một cao lâu… mà tôi không hay gì cả, vẫn thường tới ăn.

Nhưng cái vụ Quo và cô nhân tình tưởng tượng của ông ta lấn át tất cả những chuyện khác; bà Quo đi đâu cũng cải chính rằng ông chồng rất chung tình với bà, không yêu một người nào khác, thành thử những lời đoán chừng kia càng gây thêm một niềm bất bình thú vị…

Bỗng nhiên hết thảy các bà các cô đều hóa ra nghiêm trang rất mực, phỉ nhổ, mát sát cô S. Vì nói chuyện về tính dục thì không sao, còn nói tới sự nổi loạn của nông dân, nạn tham nhũng, lạm phát… mới nguy hiểm.

 

Ngày mùng một tháng chạp, Pao ở sở về cho tôi hay anh được cử làm tùy viên quân sự bổ sung ở Londres trong ba năm. Viễn ảnh đó làm cho anh khoái lắm, mặc dầu anh vẫn thích được cử sang Washington hơn.

Ngày mùng chín tháng chạp chúng tôi phải sang Londres bằng con đường Hương Cảng – Honolulu – Mỹ. Có mỗi một điều làm cho Pao lo ngại là vị đại sứ ở Honolulu chính là tiến sĩ Yang trước làm tuỳ viên quân sự về Báo chí, có hồi chúng tôi đã gặp ở Bruxelles; ông ta sẽ nhận ra tôi chăng? Nếu ông ta bảo đã biết tôi từ hồi tôi học ở Bruxelles, thì mới làm sao? Vì Pao đã nói với mọi người rằng tôi học ở Anh. Tôi mắng thẳng vào mặt Pao: “Tại sao lại nói láo như vậy?”.

Tôi bắt đầu sửa soạn hành lý trong khi Pao nói xấu tiến sĩ Yang. Tới phút cuối cùng, anh quyết định để đứa bé lại, và gây với tôi một trận. Chán nản quá, tôi đánh điện hỏi cô Jessie Parfitt ở Thành Đô xem có thể giữ giùm đứa nhỏ không, cô sáng suốt từ chối (tôi cũng mong vậy).

Rồi sáng ngày mùng 8 tháng chạp, có tin về vụ Trân Chân Cảng.

Sáng hôm đó Pao vừa mới đi làm một lúc thì trở về cho tôi hay, đưa tôi một tờ báo. Tức thì ngoài đường ồn ào náo nhiệt lên; có tiếng rao bán báo: “Số đặc biệt”, thiên hạ đổ xô ra mua rồi tụ họp nhau bàn tán lớn tiếng, át cả tiếng xe cộ rầm rầm.

Pao hoan hỉ, cả Hội đồng Quân sự hoan hỉ; Tưởng Giới Thạch sung sướng tới nỗi hát một điệu tuồng cổ và cho chạy đĩa hát Ave Maria suốt ngày. Các công chức Quốc Dân đảng mặt mày tươi rói, chúc mừng nhau ríu rít. Họ cho đó là một thắng lợi lớn, họ chỉ mong có vậy thôi: mong Mỹ lâm chiến với Nhật! A, bây giờ thì Mỹ và Nhật choảng nhau rồi! Trung Hoa lại sắp hóa ra quan trọng hơn nữa. Tiền bạc và khí giới Mỹ sắp tuôn vào; Mỹ sẽ cho vay và cho mượn (prêt-bail) nửa tỷ, trọn một tỷ, chứ không phải là số tiền bần tiện 1,5% trong khi Anh được lãnh tới 95%. Hạm đội Mỹ đã bị phá hủy một phần và Nhật sẽ nhắm Hương Cảng và Đông Nam Á mà tấn công.

Nhật làm được việc đó, Nhật diệt được Đại hạm đội của người Da Trắng, khiến cho các sĩ quan Hoàng Phố hoan hỉ gần hóa điên, một phần vì Nhật đã dẹp một Đại cường Da Trắng, được một đòn ghê gớm, mà nhóm thân Nhật thêm phần uy tín. Đấy, tụi Da Trắng thua xiểng liểng đấy, một phần nữa cũng vì từ nay có ai vi phạm Trung Hoa, chỉ trích sự hỗn độn, sự thất bại của Trung Hoa thì người ta có thể nhún vai đắc ý hỏi lại: “Thế còn các ngài?”

Tối đó, trong một bữa tiệc, một sĩ quan nói với những khách khứa hoan hỉ ngồi chung quanh bàn: “Từ nay Mỹ không thể chơi cái trò nước đôi nữa rồi”. Ông ta nói vậy vì trong khi quân đội Nhật đã sẵn sàng để tấn công mà phái đoàn Kurusu ở Washington vẫn làm cho Bộ Ngoại giao Mỹ có ảo tưởng rằng Nhật còn do dự, điều đó khiến cho Trùng Khánh rất lo ngại. Bây giờ người Trung Hoa tha hồ chế nhạo Mỹ! Vì tụi Nhật đã lựa một ngày chủ nhật, một ngày “nghỉ cuối tuần” để tấn công thình lình hạm đội của “tụi con nít to xác” đó, danh từ Nhật dùng để tặng người Mỹ. Một tướng lãnh Trung Hoa say mèm, nâng ly rượu để uống mừng tương lai, la lớn: “Chúng còn mãi nhậu nhẹt và gian dâm mà”. Bây giờ Mỹ nhất định phải ủng hộ Tưởng. Nghĩa là đô la Mỹ sẽ cứ chui vào túi các công chức, các tướng tá chỉ huy quân đội, và súng đại bác sẽ được cung cấp cho Hồ Tôn Nam, vì thế nào cũng có một chiến tranh với Mao Trạch Đông ở Diên An…

Vui này còn hơn cả cái vui Đức thắng Nga, nhưng Pao làm ra bộ nghiêm trang có chút thương hại, khi gặp David Barrett. Quốc Dân đảng đã thiên về chính sách liên kết với trục Đức – Ý – Nhật, và Mỹ có thể nhảy vô vòng chiến thì cũng không thay đổi kế hoạch dài hạn đó. Dĩ nhiên, Nhật còn cần sự hợp tác ngầm của Tưởng hơn bao giờ hết. Quo-Tai-shi thúc Tưởng tuyên chiến với Nhật và Đức, hứa rằng Tưởng sẽ được Anh giúp cho vay 100 triệu bảng Anh. Ngày mùng chín tháng chạp, Tưởng tuyên chiến với Nhật và Đức[3] và được Anh cho vay 50 triệu Anh bảng.

Ở Trùng Khánh người ta nghĩ rằng Mỹ, vì là một cường quốc ở Thái Bình Dương, sẽ chú ý tới mặt trận Á Châu nhất. Hy vọng đó chẳng bao lâu tiêu tan. Frank Knox, trong nội các Mỹ, đọc một diễn văn tuyên bố rằng phải diệt Hitler trước hết. Liền sau đó quân đội Nhật tiến rất mau, không ai đoán trước được: Hương Cảng bị tấn công hai ngày sau Trân Châu Cảng thất thủ ngày 25 tháng chạp, vài giờ trước khi chiến hạm ở Trân Châu Cảng lúc đó đã thuộc về Nhật, sửa soạn nhổ neo, ở vịnh Cam Ranh (Đông Dương) để tấn công và diệt hạm đội Anh ở Viễn Đông. Guam, Wake, quần đảo Mariannes đều bị tấn công

Chương trình của chúng tôi phải thay đổi, chúng tôi sẽ đáp máy bay lại Côn Minh, vượt dãy núi Hy Mã Lạp Sơn tới một phi cảng ở phía Bắc Miến Điện, rồi từ đó bay lại Calcutta (Ấn Độ). Từ Calcutta Pao sẽ bay qua Londres, còn tôi và đưa bé sẽ đi xe lửa tới Bombay để đáp tàu biển qua Londres. Vì có chiến tranh ở Bắc Phi, các tàu thường không được qua kinh Suez, chúng tôi sẽ phải đi vòng mũi Hảo Vọng, vô Đại Tây dương, mất nhiều thì giờ.

Tháng giêng 1942, Nhật bắt đầu đổ bộ tấn công Mã Lai và Singapour, Anh lâm chiến với Nhật, chức vụ mới của Pao càng quan trọng hơn.

Đầu tháng giêng chúng tôi rời Trùng Khánh để bay qua Hy Mã Lạp Sơn mà tới một phi cảng ở Bắc Miến Điện. Chúng tôi dậy từ hai giờ sáng, ba giờ rưỡi tới đường bay Shuang-Hupa trong lớp sương mù dày đặc, chúng tôi khó khăn mới xuống được những bực đưa xuống sông hồi đó đương lúc cạn nhất, rồi xuống phà qua cù lao nằm dài giữa giòng nước. Có mấy cái nhà lá dùng làm phòng đợi, không có những kiến trúc vĩnh viễn vì phi cảng mỗi năm bị ngập sáu tháng.

Hai người Mỹ, một người Anh và vài công chức Trung Hoa cùng đáp chuyến máy bay với chúng tôi. Tôi quấn đứa bé vào trong một chiếc mền bồng nó đi. Chúng tôi ngồi đợi dưới ánh đèn dầu, rồi Tai Lee tới, bận một chiếc áo dài đen, đội một chiếc nón nỉ màu đen sậm, có vệ binh tiền hô hậu ủng, ông uy nghi bước vô trong cảnh yên lặng như tờ. Chiếc nón của ông khá cao để cho ông có vẻ bớt lùn đi, nó lại linh động một cách tinh ranh, gần như có nét siêu thực, làm cho tôi nhìn Tai Lee mà không thể nào không nghĩ tới một tên cướp hơi khôi hài và rất đáng treo cổ trong các phim hát bóng. Các sĩ quan Trung Hoa, kể cả Pao, chào ông ta theo kiểu nhà binh, gót giày đập vào nhau: “cắc”. Lệnh truyền ra vang dội, người ta pha trà. Tai Lee hỏi bao giờ phi cơ cất cánh, ông ra đây tiễn các công chức quan trọng và cả Pao nữa, nhưng ông sẽ không đợi được. Ông mỉn cười, môi dưới và cảm xệ xuống rồi tiếp theo nổi cơn lôi đình lên, sùi bọt mép quát tháo, thân hình béo lùn của ông gặp cái gì xô cái nẩy, chiếc áo phất phới quạt không khí nhưng chiếc nón vẫn giữ vẻ khôi hài, không để ý tới cơn gió lốc nó chụp lên đầu nó. Tai Lee đi qua đi lại, la om sòm như thằng điên, đằng sau là mấy vệ binh và Pao.

Sở dĩ ông ta nổi khùng như vậy là vì Sở khí tượng cho hay cơn giông sắp phát ở trong núi và các phi công định hoãn lại hai giờ nữa mới cất cánh. Tai Lee thình lình nắm khúc giữa cây can đeo ở bên mình, một cây can nhẵn có lưỡi gươm, núm bằng ngà. Ông ta làm hai cây can như vậy, tặng Tưởng Giới Thạch một cây. Ông cầm cây can vung tít lên rồi đạp xuống chiếc bàn gỗ Sở quan thuế lập ra để kiểm soát hành lý.

Các phi công tuân lời ông bất chấp lời cảnh cáo của Sở khí tượng, cứ mở máy cho phi cơ cất cảnh, Pao vẫy tay chào theo lối nhà binh.

Tháng hai năm 1946 Tai Lee chết trong một tai nạn phi cơ cũng vì ông ta không nghe lời khuyên của Sở khí tượng, buộc phi công phải cất cánh.

Trên đường đi Côn Minh, phi cơ chúng tôi bị lắc dữ đội vì gặp những luồng gió mạnh, mây đen của cơn giông đụng vào phi cơ, thật nguy hiểm, có một hồi phi cơ rớt xuống chỉ cách mặt đất có hai trăm thước; khi thoát chết, chúng tôi cả cười. Nhưng rồi cũng tới được phi trường Côn Minh, chúng tôi nghỉ ở đó một giờ trước khi trở lên phi cơ vượt các đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn. Những cuộc phi hành như vậy đó là chuyện thường mà các nỗi nguy hiểm cũng là cơm bữa, nhưng vì chưa có phi cơ phản lực, chúng tôi bay cao, sức ép của không khí thấp quá, chúng tôi chóng mặt. Nhìn qua các cửa phi cơ chúng tôi thấy núi bao vây chúng tôi ở trên, ở dưới, ở chung quanh. Những ngọn núi tuyết phủ màu lơ nhạt, màu hồng, tím hoặc trắng lóe mắt dựng đứng lên, đồ sộ, trong khi phi cơ như chìm xuống, đâm thẳng vào chúng. Ánh nắng đổ xuống như tuyết băng ở giữa cái khoảng một bên là mây đen ngòm, một bên là những vòng cầu rực rỡ. Rồi những ngọn núi cực kỳ trong trẻo lại hiện ra, trơ trơ làm cho chúng tôi hết sợ, có cảm giác như chính sự chết cũng hóa ra nhẹ nhàng, những ngọn núi to lớn, có vẻ đẹp huyền ảo đó như những vị thần linh từ xa dò xét chúng tôi, trong khi phi cơ lướt ở bên rồi tránh ra xa.

Và tất cả những cái gì trong phi cơ, cả ghế, cả cánh phi cơ nữa, đều xốc lên, rung chuyển, rít lên không ngừng. Chúng tôi đều im lặng, mỗi lúc một thêm lo ngại và buồn nôn dữ dội.

Phi cơ hạ xuống Lashio trong vùng xanh tươi và nóng hừng hực, tôi bận hai chiếc áo dài nhồi bông, chiếc ngoài dơ dáy vì đứa bé đã nôn mửa. Vì nóng quá nó nhợt nhạt, mồ hôi vã ra. Pao lần lần cởi bớt các lớp áo ngoài, rồi phi cơ lại cất cánh, và trong lớp sương mù xanh xanh buổi chiều, Calcutta hiện ra nóng bỏng bốc hơi, bụi và ồn, từng đàn bò lang thang đầy đường. Chúng tôi mệt quá mê man đi.

Khách sạn Geat-Eastern dành cho chúng tôi một phòng rộng kê được mấy cái giường lớn có mùng, có một phòng tắm như một cái hang tối. Nhưng chúng tôi không thể ngả lưng xuống được vì ông bà đại sứ Trung Hoa ở Calcutta lại mời chúng tôi dự tiệc. Tôi phải thay áo cho đứa bé và dắt nó theo vì không thể để nó một mình ở trong phòng được. Mấy người Anh bận lễ phục “sì sì sì” lớn tiếng chê tôi là ngược đời, bắt đứa nhỏ ngộ nghĩnh đó ngồi ăn với khách lớn… Nó mệt quá không muốn ăn. Sáng hôm sau nó cũng nhịn, không quen món ăn Ấn Độ, không thích chuối, sữa, chỉ đòi cơm.

Ba ngày sau Pao đáp phi cơ qua Londres.

Anh sung sướng tràn trề tự tín. Mã Lai và Phi Luật Tân bị Nhật chiếm… Hai chiếc hàng không mẫu hạm Prince of Wales và Repulse của Anh bị Nhật đánh đắm. Trong khi sửa soạn ra phi trường anh bảo tôi rằng người thầy tướng cuối cùng coi cho anh đã đoán đúng: Anh sẽ được vinh hoa. Anh tự ngắm nét mặt anh trong gương, hoan hỉ vô cùng bảo tôi: “Ông ta thấy hào quang ở trán anh tỏa ra”. “Thành trì trẻ trung” trung tín nhất, nghĩa hiệp nhất của uy quyền Tưởng Giới Thạch, tức Tang-Pao-Houang này sẽ sống lâu, có một tương lai rực rỡ. Điều đó chứng tỏ rằng Tai Lee có mắt tinh đời, biết lựa chọn đệ tử tốt. Viễn tưởng đẹp đẽ đó làm cho Pao hóa ra rất dễ thương. Chỉ trong ba năm ngắn ngủi, anh đã leo lên được tới đỉnh danh vọng: anh là tuỳ viên quân sự trẻ nhất vì mới hai mươi chín tuổi. Tính tình thay đổi bất thường của anh, mới nổi điên đó rồi lại ngọt ngào, âu yếm, ân cần ngay đó, làm cho tôi hoang mang, mãi cho tới khi tôi thấy nhiều người Trung Hoa trong giới của anh cũng có cái đặc tài đó.

Khi rời Calcutta, Pao lựa một tên nên thơ cho đứa nhỏ: Yungmei, Hoa Mai ở Thành Đô, vì nó sanh ngày mùng ba tháng giêng âm lịch, vào lúc mà nhà nào cũng chưng hoa mai. Rồi anh có vẻ suy tư bảo tôi: “Chưa biết chừng nó mang hên lại cho chúng mình đấy”. Tôi không đáp, ghì chặt Yungmei vào lòng vẫy tay từ biệt Pao ở phi cảng cầm tay Yungmei cho nó vẫy theo. Rồi mẹ con tôi về khách sạn, tôi vừa dỗ nó ăn vừa bảo: “Yungmel, bây giờ mẹ con mình rán xoay sở với nhau”, vì tôi biết rằng tôi không thể nào sống xa nó được, không khi nào tôi bỏ nó.

Chú thích :

 [1] Maladies Psychomatiques: Tức những bệnh do tâm thần ảnh hưởng tới cơ thể như lo lắng quá sinh ra loét bao tử, tiểu đường v.v…

[A] Tủ côm mốt ‘commode) là loại tủ chỉ có ngăn kéo, không cao lắm và chỉ có ngăn kéo mà thôi)

[2] Vì người thuê nhà, mướn ruộng và vay nợ phải trả họ bằng hiện vật chứ không bằng nền.

[3] Tuyên chiến miệng mà không đánh để vét tiền của Anh – Mỹ.