Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy

Ba Nguồn

(Trích tác phẩm: Scientia sacra)

1.

Cái cá thể thánh thần không đánh thức được con người lịch sử chìm xuống mê muội. Bản chất cá thể thánh thần đã mất, nhiều cuộc thử nghiệm mong muốn lấy lại bản chất này đều thất bại.

Trong giai đoạn được đặt tên là lịch sử, người Thầy của Đời sống không phải là con người mà là sách. Tuyên ngôn trực tiếp, thứ trong thời cổ là cá thể thánh thần, giờ đây là sách.

Sách là hồi chuông cảnh tỉnh. Là con gà trống gáy vang: Hãy tỉnh giấc, con người, đừng để sự mê muội ma quỷ ru ngủ! Điều kiện thiết yếu của sách là con người cá nhân câm lặng. Lên tiếng, sắp xếp hoạt động và lời nói, đưa ra tín hiệu cho sự thức tỉnh trong thời kì lịch sử, duy nhất chỉ sách có khả năng. Giữa con người với nhau chỉ có thể và chỉ là quan hệ cá nhân; chỉ chữ đã viết ra tuyên xưng những quan hệ vũ trụ.

Ba nguồn nhận thức của sách trong thời gian lịch sử:

Tổng hợp truyền thống cổ

Mọi dạng và mọi hình thức của các thể thống nhất cổ. Các thể thống nhất cổ đại này là các dấu hiệu và hình ảnh của tính phổ quát của sự sống. Những ai, với chỉ một sự tổng hợp như thế này cũng đã hiểu và đồng nhất được với nó, người đó đã biết nhìn một cách rõ ràng hơn, và cái chính là họ bắt đầu sống trong sự thức tỉnh.

Thiên tài

Con người thiên tài của thời kỳ lịch sử là phiên bản của chủ thể thần thánh cổ mang tính chất của thời kỳ khải huyền (apokaliptika). Hiếm khi là một thực thể hoạt động; phần lớn đây là con người của lời nói, hoặc của chữ đã viết ra. Hãn hữu là triết gia hoặc nhà bác học; phần lớn là nhà thần học hoặc nhà thơ, hoặc nghệ sĩ.

Trực giác thần bí

Trực giác thần bí là sự tình táo thời cổ (zaéman) trong hình thức của thời kỳ lịch sử

Gần như không bao giờ có thể thấy bằng mắt và một cách riêng biệt; phần lớn chỉ nhận thấy ở một vài điểm. Trong khoa học và triết học gần như vắng bóng trực giác thần bí. Lĩnh vực đặc thù của nó: tôn giáo, thần học và nghệ thuật.

Cần phân loại như trên bởi rất cần vạch ranh giới xác định đối với những hiện tượng song song của lịch sử. Cần phân biệt: khoa học với tổng hợp cổ; người thường với thiên tài; óc duy khoa học và trực giác thần bí. Cả khoa học, cả người thường lẫn óc duy khoa học đều không thức tỉnh và không thể thức tỉnh, và như vậy đều đứng ngoài vòng truyền thống, nếu như có thể trụ nổi ngoài truyền thống.

2.

Thể tổng hợp truyền thống cổ đại là hệ thống kí hiệu siêu hình phổ quát, giữa những kiến thức mới như lí thuyết số học (aritmológia), chiêm tinh học, Kinh Dịch, đạo Lão. Ở một vài dân tộc cổ đại từng có một thể thống nhất duy nhất; ví dụ: đồng nghĩa với dân Chaldeans là chiêm tinh học, hay việc truyền dạy mật khải (Hermés Trismegistos) là của dân Ai Cập.

Nhưng cũng có dân tộc trong bản thân nó chứa nhiều khuynh hướng tinh thần, ví dụ ở Trung Quốc cạnh đạo Lão có đạo Khổng; ở Ấn Độ có Sánkhja và Buddha; ở Tây Tạng có thiền Bôn và đạo Phật; Có những nơi hai nguồn tôn giáo hòa làm một, ví dụ ở Iran có Mitra và Ahura Mazda, ở Hi Lạp là Orpheus và Pythagoras, muộn hơn nữa là Platon.

Thể tổng hợp truyền thống cổ chưa bao giờ gắn với bất kì một tên tuổi nào. Và nếu có, bản thân cái tên đó cũng mang tính phổ quát, như Manu của Ấn Độ, Menes của Ai Cập, Vang của Trung Hoa. Sự thống nhất mang tính phổ quát. Sự phổ quát này từ mọi điểm tách rời hoàn toàn với sự tập thể hóa.

Thời kỳ lịch sử bắt đầu (theo Hamvas Béla, từ lúc bắt đầu Công Nguyên - ND) Thalés, Parmenides, Heracleitos xuất hiện, khi sự tục hóa (secularization) những thể thống nhất cổ đại trong các triết học cá nhân bắt đầu, có thể nắm bắt rõ sự khác biệt giữa phổ quát và cộng đồng. Thalés và các đồng sự đã nhầm khi cho rằng việc thiết lập hệ thống kí hiệu siêu hình tổng quát có thể là nhiệm vụ của cá nhân. Hiện tượng sự sống mở bị khóa lại trong thời kì này ngày càng lan rộng. Thể hợp cá nhân, cái sau này người ta gọi là triết học, trong mối quan hệ với tổng thể vũ trụ, giống như nền thi ca cá nhân so với thi ca phổ quát.

Trong nền thi ca cổ đại, trong Homéros Hi Lạp, trong MahábhárataRamajana Hindu, và trong truyền thuyết dân gian cổ nói chung cái bản chất không phải là tập thể, mà là: vũ trụ. Nghĩa là không phải: mang tính tập thể, mà là: mang tính phổ quát. Trọng tâm không rơi vào tác giả, mà rơi vào ý nghĩa và nội dung của các hình ảnh tượng trưng.

Quá trình sáng tạo phổ quát này trong dân chúng cần thiết như thế nào, chỉ cần nói như sau: trong phút giây lịch sử, khi dân chúng đánh mất sự phổ quát, từ lúc đó họ không bao giờ tạo dựng nổi huyền thoại nữa, thậm chí không bao giờ còn tin vào huyền thoại của họ nữa. Dân chúng ở đây cần phải hiểu là cộng đồng người phổ quát cổ đại, không phải cộng đồng thời lịch sử: đám đông.

Bước vào ranh giới thời gian lịch sử, tính phổ quát biến mất; cùng với điều này huyền thoại biến mất, và cộng đồng trở thành đám đông. Sự sống mở bị khóa lại và biến thành đời sống. Iliás, Odüssei, Gilgames, Rámăjana là những tác phẩm thi ca phổ quát. Cũng như Đạo, chiêm tinh học, thiền Bőn, Sánkhja là các môn siêu hình học phổ quát. Những môn siêu hình học phổ quát này là các thể tổng hợp truyền thống cổ.

Đối diện với siêu hình học và thi ca phổ quát là siêu hình học và thi ca tập thể. Tính chất tập thể hóa không tạo dựng nổi thi ca, và cả siêu hình học cũng không nốt. Bởi vậy nó là thứ thi ca không chất thơ và phi siêu hình học, nó là đời sống bị khóa kín. Bởi vậy không có huyền thoại của nó.

Thời kì lịch sử cá nhân đã thay thế thời cổ đại phổ quát; thi ca và siêu hình học rơi vào tay một số người. Bị khóa lại. Trở thành cá nhân hóa. Trọng tâm của nó không bao giờ còn là sự sống vũ trụ nữa mà là cái TÔI của con người cá nhân. Cá nhân chi biết tạo dựng thi ca cá nhân, siêu hình học cá nhân mà thôi. Cá nhân có nghĩa là sự đứt đoạn, sự nông cạn, là trường hợp cá biệt và mang tính chất tùy tiện.

Thứ siêu hình học tùy tiện, cá biệt, đứt đoạn và nông cạn ấy là siêu hình học của Thalés, của Parmenidés Hi Lạp, sau Platón, đại diện nổi bật cuối cùng của thời cổ đại, siêu hình học đã biến đổi ngày một cá thể hơn, đứt đoạn hơn, tùy tiện hơn và nông cạn hơn.

Truyền thống cổ là hệ thống kí hiệu phổ quát tổng hợp. Hạt nhân của nó không thể diễn đạt và hình thái tự nhiên của nó không thể xác định. Mỗi thể thống nhất cổ có một logos riêng; nhưng điểm trung tâm của mọi thể thống nhất là logos.

Đây là sự khác biệt giữa thể thống nhất cổ và triết học cá nhân: triết học cá nhân chỉ có cái TÔI, nhưng không có logos của riêng nó. Sau này người ta đặt tên một cách ngu ngốc cho logos là nguyên lí (princípium) khi cho rằng logos có nghĩa là một lí thuyết duy lí nào đó.

Logos không phải là một lí thuyết mà là một động lực tạo hóa tâm linh. Diễn đạt theo ngôn ngữ của Heracleitos: là lửa của sự sống mà thế gian cháy rực trong đó. Là Agni của Hindu, là Atar của Iran, là một trong những cái tên thần linh đầu tiên trong truyền thống Héber, là tấm gương rực rỡ Tezkatlipoka ở Mexiko, là hình tam giác chúc đầu xuống dưới ở những kẻ mật khải (hermetikus), là sulphur ở Bohme, là tia chớp ở Baader.

Trong thể thống nhất cổ bản chất là logos được thể hiện trong hệ thống các biểu tượng, bởi vì, như lời của Schuler: là sự hiện diện của sự sống nguyên sơ. Sự giải thích của các biểu tượng như thế nào chỉ là điều thứ yếu. Thực tế là, những thể thống nhất cổ như vũ trụ học, chiêm tinh học, y khoa, đạo đức và cả chính trị, thần học, xã hội học, tâm lí học và ngành nghiên cứu nhân vật học đều thể hiện bản chất phổ quát của logos trung tâm.

Tất cả các ngành này không thể đứng độc lập vì chẳng có ý nghĩa gì. Con người thời nay không hiểu nổi sự nhiễu nhương thường xuyên xảy ra giữa các quy tắc của khoa học; sự nhiễu nhương này không là gì khác ngoài hoạt động tự thân của các phần bị tách rời một cách tùy tiện với nhau, bởi thiếu vắng logos trung tâm chúng không hề mang một ý nghĩa và giá trị nào.

Khoa y học cần gắn liền với tâm lí học, tâm lí học gắn với giải phẫu học, vật lí và hóa học, những môn này gắn với đạo đức học, xã hội học, gắn với hệ thống của đời sống (ẩm thực, đời tư, giáo dục) và gắn với siêu hình học của những môn này. Các phần tách rời bị khóa lại, trở nên trừu tượng, và bởi vì mất sức sống và phi hiện thực, chúng rỗng tuếch.

Điều phân biệt thể thống nhất cổ với cái gọi là khoa học thời kỳ lịch sử là hệ thống kí hiệu siêu hình học tổng hợp truyền thống cổ, cùng lúc chính là hệ thống đời sống thực hành có thể áp dụng. Bởi vì nằm giữa trọng tâm của thể thống nhất cổ là bản thể tạo dựng logos, là thứ để hình thành và dẫn dắt đời sống.

Trong tất cả các thể thống nhất cổ, như lí thuyết số học (aritmológia), hay Đạo, chiêm tinh học, hoặc Sánkhja, thiền Bôn - đều có một tinh thần sống động tồn tại, hay nói cách khác đều đem lại một hình ảnh tượng trưng và điều chỉnh con người theo hình ảnh tượng trưng đó.

Khi bước vào thời gian lịch sử, khoa học và triết học cá nhân đã thay thế thể thống nhất phổ quát truyền thống cổ, logos biến mất; nhưng sự đánh mất logos có nghĩa rằng tinh thần tạo dựng, thứ luôn luôn thể hiện và thực hành tác dụng siêu hình học đã biến mất; tư tưởng và thực hành tách rời nhau. Thực hành và lí thuyết tách rời nhau.

Sự tách biệt bi kịch này bắt đầu ở châu Âu từ Platon trở đi. Trong đời sống, động lực và sự chiêm niệm (kontempláció) đứt đoạn, như sự đứt đoạn của đẳng cấp động lực và chiêm niệm: con người tinh thần (brahman) và kẻ cai trị (ksátrija). Trong thời kì lịch sử, tư tưởng và hành động không bao giờ nhận ra nhau nữa. Triết học, khoa học lí thuyết cùng kĩ thuật không thể là một mẫu số chung. Cả hai không còn phụ thuộc vào nhau.

Logos tạo dựng trung tâm đã biến mất, thực hành và lí thuyết không thể bổ trợ cho nhau. Lí thuyết trở nên trừu tượng; còn lại chút gì đó trong tiêu chuẩn của thời cổ đại, nhưng lại phản thân; thực hành vô (tinh) thần trong nội dung, suy thoái, báng bổ; và cả hai: là một phi hiện thực mang tính cá thể, bị khóa kín và tách rời nhau.

3.

Thiên tài trong thời kì lịch sử là hậu duệ của chủ thể thần thánh thời cổ. Nhưng không bao giờ, dù một giây phút cũng không được phép nhầm lẫn hai loại người này.

Thiên tài không có mối quan hệ với chủ thể thần thánh như khoa học phản thân và trừu tượng với thể thống nhất tỉnh táo và lí tưởng hóa thời cổ. Thiên tài với nhân vật thần thánh chỉ như triết học với thể tổng hợp truyền thống cổ, không xa hơn.

Giữa hai loại người này sự khác biệt quan trọng nhất là thiên tài sống trong thời gian lịch sử, điều đó có nghĩa là không sống trong nhân dân mà trong đám đông, không phải trong sự sống phổ quát mà trong đời sống cá nhân, và như vậy không ở trong cộng đồng đời sống mà trong sự cô đơn. Sự thiếu vắng cộng đồng đời sống khóa nó lại, khiến nó suy thoái, trừu tượng hóa, trở thành lí thuyết suông và phi hiện thực. Sự đứt đoạn mối quan hệ với nhân loại luôn luôn mang ý nghĩa là sự đứt đoạn của mối quan hệ với toàn thể sự sống, và ngược lại; Bởi cả hai không khác nhau.

Thiên tài là chủ thể thần thánh, nhưng trong một sự sống mộng du, bản chất thánh thần không là vinh quang của nhân dân, mà là bi kịch của cá nhân. Bi kịch này đập tan sự trực tiếp ra thành từng mảnh. Bởi vậy nó buộc phải trở thành phản thân. Sự phản thân này tất nhiên một giây cũng không làm nó thỏa mãn, bởi vì nó thừa biết động lực bên trong nó không phải chỉ là trường hợp riêng với cái TÔI của nó; trong trường hợp này nó trở thành một ý thức vô sinh, cô độc, hay nói đúng hơn: thành một sự nhiễu nhương của đời sống.

Nhưng, để bứt phá ra khỏi sự nhiễu nhương mơ hồ này, nó không có lòng tin: nó không vứt bỏ nổi cái TÔI, không dám quăng số phận mình vào sự sống, không dám coi đời sống của mình là nạn nhân hoàn toàn. Chính vì vậy nó không tiếp xúc được với bản chất thật sự của thể thống nhất của sự sống, chính vì vậy bản chất thánh thần của nó bí mật nằm lại, và đại đa số trường hợp bí ẩn ngay với bản thân nó.

Muộn hơn, bằng sự khép lại đời sống của mình, một vài phần của bí mật này được tháo gỡ, bởi vậy cuộc đời thật sự của thiên tài lịch sử chỉ bắt đầu bằng cái chết của nó. Gây tác động cá nhân khi còn sống chỉ trong trường hợp ngoại lệ, phần lớn chỉ bằng tính chất thiên tài, tính chất siêu việt của nó không phải của sự sống, mà thuần túy chỉ bằng những khả năng cá nhân, bằng những cái bên ngoài, bằng các vai trò và các khoảnh khắc vật lí mạnh mẽ.

Tuyên ngôn của thiên tài trong thời kì lịch sử, trừ ngoại lệ, phần lớn như sau: là chữ đã viết ra, là sách. Kể cả khi họ thật sự không phải là nhà thơ, nhà văn hay nhà tư tưởng, nhiệm vụ của họ cũng chỉ có thể thực hiện được trong sách. Ý nghĩa đích thực của một đời sống bị mất sự trực tiếp chính lại là sự trực tiếp đã từng được viết ra, thiên tài đã bảo vệ những mảnh vỡ của logos.

Mọi thiên tài ngoài những khác biệt về thời đại sống, thời gian sống, ngôn ngữ, tri thức của họ ra, bên trong họ đều ẩn náu một mối liên quan giống nhau sâu sắc. Ai cũng có thể nhận ra dễ dàng điều này từ một vài ví dụ lấy từ thời đại gần đây nhất.

Cuối thế kỉ vừa qua giữa Kierkegaard, Dostoiepxki, Tolstoy, Nietzsche đều có sự khác biệt lớn về môi trường, hoàn cảnh, dân tộc, điều kiện, khuynh hướng. Nhưng trong họ không chỉ có cái gì đấy chung mà quan trọng nhất tư tưởng của họ hoàn toàn giống nhau.

Chỉ khác nhau về lí thuyết, về thế giới quan - nói một cách ngắn gọn: chỉ khác nhau về các hạn chế và các thành kiến. Những tư tưởng này khiến thoạt trông họ khác nhau, kẻ thì vô đạo đức chống lại nhà thờ, kẻ khác là nhà thần học ma quỷ, kẻ thứ ba sùng đạo Thiên Chua giáo. Đây là những cái bên ngoài, các lí thuyết, các thế giới quan. Có một điểm tất cả bọn họ gặp nhau: muốn mở ra lần nữa đời sống bị khóa trong lịch sử dành cho những sức mạnh của sự sống.

Tất cả bọn họ đều mong muốn một cộng đồng sống: chống lại đám đông và mong muốn nhân dân, chống lại sự phản xạ và mong muốn sự trực tiếp, chống lại sự trừu tượng và mong muốn lí tưởng, chống lại sự mộng du và mong muốn sự tỉnh táo.

Thiên tài không phải là chủ thể thần thánh; chủ thể thần thánh mở đời sống bị khóa kín ra một cách tỉnh táo và trực tiếp, để giải phóng những sức mạnh của sự sống. Nhân vật lịch sử không mang tính chất thần thánh, mà chỉ là thiên tài; phần lớn họ không hay biết chút gì về ý nghĩa những hoạt động của mình. Họ thức tỉnh và báo động, nhưng không hiểu tại sao mình lại làm thế.

Họ có mối quan hệ bí ẩn với những tiền thân thiên tài và đương thời của mình, học tập từ và thỏa thuận cùng với những người đó. Dưới một hình thức nào đó họ mang trong mình tính chất phổ quát, cho dù sự phổ quát này thể hiện ra một cách mơ hồ. Họ cảm thấy mình đang tiếp tục một tác phẩm của bậc tiền cổ nào đấy mà họ chưa bao giờ nghe thấy; họ cần hoàn thành một công việc mà họ không hiểu nổi gánh nặng của nó. Họ đối diện với sự quyến rũ siêu thời gian một cách bất lực: cả Nietzsche, cả Tolstoy, cả Kierkegaard, đều không thể nói tại sao mình lại gắn bó với Zarathustra, Heracleitos, hoặc với Socrates, hoặc với Thiên Chúa giáo đến thế.

Tinh thần của truyền thống, sự tỉnh táo, ẩn dưới trầm tích của thời gian lịch sử. Đấy là tinh thần buộc họ lại với nhau và với những thiên tài xuất hiện trong thời gian lịch sử, nhưng trước hết với sự sống cổ xưa, hay với sự sống thật sự của con người.

Tính chất phổ quát của tinh thần, tính siêu nhiên trong cá nhân, siêu nhiên trong thế giới quan, siêu nhiên trong lí thuyết biến thiên tài thành thiên tài. Mọi tính chất thiên tài dưới một hình thức nào đó có quan hệ với sự sống: với toàn bộ thế giói, với ontosz on, với ý tưởng; mọi tính chất thiên tài là một dạng nhạy cảm cao độ. Và chính vì thế với tất cả những người khác, tác phẩm của thiên tài là khả năng của thức tỉnh.

4,

Nguồn thứ ba của sự tỉnh táo trong thời gian lịch sử: trực giác thần bí.

Nguồn đầu tiên, sự tổng hợp cổ, vì đặc tính của nó khó đạt tới, nên khó hiểu. Nguồn thứ hai, kẻ thiên tài, có thể xa lạ và tụt hậu. Nguồn thứ ba, trực giác thần bí trong thể thống nhất cổ và trong kẻ thiên tài đều là khả năng hoạt động. Ngoài ra nó còn có ở tất cả những con người đang sống, dù đờ đẫn, mơ hồ, mộng du, suy thoái, mang tính phản xạ hay tính cá thể.

Trực giác thần bí, mà Gúenon đặt tên là intuition intellectuelle, không được phép nhầm lẫn với trực giác mà triết học hiện đại hoặc tâm lí học nhắc đến. Thứ trực giác đấy không là gì khác, ngoài sự đối lập và bổ khuyết của trí tuệ khoa học, nhưng kết quả cuối cùng chi là mảnh hợp lí vụn.

Trực giác thần bí là khả năng siêu việt của trí tuệ. Có quan hệ mật thiết với tài năng Sánkhja gọi là buddhi (bồ tát), với cái Gúenon dịch là intellect supérieur (trí tuệ siêu nhiên). Buddhi là khả năng siêu hình vượt trội của con người, không bao giờ bị cá nhân hóa và không thể cá nhân hóa, không bao giờ có thể trộn lẫn với thế giới khóa kín của cái TÔI, mà tồn tại trong phạm vi của sự sống phổ quát.

Nhân tố này chưa được chú trọng đến một cách đầy đủ. Trực giác thần bí (tâm linh) là khả năng tinh thần cao nhất của con người, mà đời sống cá nhân không làm lu mờ nổi, bởi vậy bằng khả năng này, bằng tài năng này con người biết tiến lên phía trước, biết phá vỡ cái TÔI khóa kín và đạt tới sự sống mở.

Một vài lời về mối quan hệ giữa csiszti của Iran và trực giác thần bí sẽ làm chúng ta hiểu rõ hơn. Csiszti là hạng thái thấy và tỉnh siêu hình, giống như vidja của Sanscrit trong thế giới hiện thực có thật, nói khác đi là sự nhạy cảm cao độ trong toàn bộ sự sống. Nhưng từ csiszti, một cách ngoại lệ cũng không được phép dịch thành thấy, bởi vì trạng thái thấy này không chỉ là cái thấy bình thường mà là trạng thái thấy của linh hồn tỉnh táo.

Đây là sự thông minh, thông thái (clairvoyance) liên quan đến hiện thực siêu nhiên. Phù hợp với epopteia Hi Lạp, là một trạng thái thần diệu: con người nhìn thấy những hình ảnh cổ, những ý tưởng vĩnh cửu của sự vật. Apollon và Dionusos mang lại epopteia.

Apollon mang đến sự tiên tri, đoán trước tương lai, sự giác ngộ siêu phàm của trí tuệ con người, sự nhận thức chớp nhoáng của những kí hiệu hình ảnh thế gian, khám phá ra toán học, thiên văn học, tâm lí học và các định luật của cộng đồng.

Còn Dionusos mang lại epopteia, cũng tương tự nhưng lại khác hẳn: đấy là cảm hứng ngây ngất của đê mê, là sự tỉnh ngộ siêu phàm về sự thống nhất của thế giới, là sự mê sảng sâu đậm của sự đồng nhất nhân loại, là sự quên mình của tình yêu. Nhưng epopteia cho dù theo kiểu Apllon hay Dionusos, mức độ cao nhất của nó vẫn vượt khỏi phạm vi ngôn ngữ, dấu hiệu của tính chất siêu ngôn ngữ này nằm trong âm nhạc.

Chúng ta đều biết trong các tôn giáo cổ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Hi Lạp, Judea âm nhạc, ca hát đóng vai trò như thế nào. Chúng ta chỉ không biết âm nhạc có ý nghĩa gì. Âm nhạc là sự thể hiện của epopteia, csiszti, vidja đúng như sự nhạy cảm cao độ thể hiện trong âm nhạc, bằng âm nhạc và do âm nhạc.

Âm nhạc Apollon - có nhịp điệu, sáng sủa, có trí tuệ trong âm thanh của Pythagoras; hay âm nhạc Dionusos - ngây ngất, hòa tan, nồng nàn, trong âm thanh của Orpheus, đều như vậy. Trực giác của chàng trai trẻ Nietzsche nhận ra không thể lầm lẫn Apollon và Dionusos, thấy các vị thần của giấc mơ và sự hưng phấn, các vị thần âm nhạc, các vị thần epopteia, thấy sự giải phóng của linh hồn trong cơn mế sảng ra khỏi đời sống khép kín để nâng lên tầng sự sống.

Buddhi hay intution intellectuelle, hay có thể gọi là trực giác thần bí là khả năng đưa linh hồn con người ra khỏi đời sống và nâng nó lên sự sống. Đây là epopteia, tiếng Hi Lạp gọi là eksztázis, là giấc mộng hay sự ngây ngất, là dự đoán hoặc tiên tri, là ảo tưởng hay sự mê sảng, là cảm hứng hay sự thăng hoa.

Trực giác thần bí dẫn dắt vào giấc mộng, vào sự ngây ngất, vào sự sống siêu nhiên, vào thế giới người ấm, vào giữa các thần linh. Trực giác thần bí đưa người ta ra khỏi phạm vi cái TÔI và giải phóng nó, mở mắt cho linh hồn hướng tới phạm vi của những hình ảnh cổ của các hiện thực.

Điều này xảy ra lúc thiền định cô độc, trong những khoảnh khắc cảm hứng, trong giờ phút thăng hoa, lúc ngây ngất, trong phút hấp hối, trong khoảnh khắc của những vòng tay ôm tình yêu, và khi nhạc nổi lên - khi linh hồn con người trở thành sự nhạy cảm cao độ. Khi nó vứt bỏ phản xạ, tri thức, trí tuệ trừu tượng, sự mê muội - và trở nên trực tiếp, cởi mở và tỉnh táo.

Trực giác thần bí mang lại sự thức tỉnh và đánh thức thực thể người, và không phải là một khả năng duy lí. Những sức mạnh khi thiền định, trong cảm hứng, trong ảo tưởng, trong sự ngây ngất xuất hiện, và phá tan bức tường của cái TÔI, để con người đạt tới sự hoàn thiện của sự sống, những sức mạnh này không nằm trong phạm vi lí trí, mà là những sức mạnh siêu nhân, siêu việt mang tính chất phổ quát.

Bởi vậy trong sự ngây ngất, trong cảm hứng, trong cơn mê sảng, trong sự thăng hoa, con người không thấy những khái niệm trừu tượng mà thấy những hình ảnh tượng trưng chính xác. Trong sự thăng hoa (eksztázis), sự thống nhất giữa con người và thế giới là một hiện thực trực tiếp. Bởi vậy trong âm nhạc nó đánh thức cái TÔI mê ngủ và vứt bỏ đời sống suy thoái.

Bởi vậy tất cả những gì tồn tại trong phạm vi trực giác thần bí: tiên tri, dự báo, epopteia, eszktázis, thiền định đều làm rạn nứt cái TÔI chật hẹp, bứt nó ra khỏi thế giới hữu thể, bỏ mặc lí trí hợp lí. Từ phạm vi hư không của ảo ảnh, con người bước vào thế giới phổ quát của hiện thực những sức mạnh siêu thời gian. Nó hiểu ra cộng đồng, trở nên trực tiếp, mở ra; nó trở thành một thực thể giác ngộ, hay nói cách khác nó tỉnh táo.

5.

Trong thời kỳ lịch sử thời gian càng tiến nhanh về phía trước bao nhiêu thì ý nghĩa và tác dụng của các thể thống nhất cổ càng giảm sút bấy nhiêu. Chiêm tinh học và thuật giả kim học, thứ còn nở rộ trong thời trung cổ ngày càng trở nên nhợt nhạt và trống rỗng.

Trong thế kỉ XVIII, như một kỉ niệm muộn mằn về chủ nghĩa Pythagoras, Hội Tam Điểm nở rộ trong một thời gian ngắn. Trực giác thần bí ngày qua ngày càng trở nên ốm yếu, chiêm tinh học và thuật giả kim học rơi vào tay những kẻ có đức tin xấu; Hội Tam Điểm, thay vì duy trì quyền lực tinh thần, ngày càng phục vụ cho quyền lực chính trị thì đúng hơn.

Hoạt động của thiên tài và trực giác thần bí trong các thể thống nhất siêu hình chấm dứt, cùng lúc đó nó xuất hiện trong thần học và thi ca. Thần học ở châu Âu thực ra ngay từ đầu, và (bằng mọi giá) từ thế kỉ 13 trở đi đã trở thành một tuyên ngôn hoàn hảo (par excellence) của tinh thần mang tính siêu hình.

Câu hỏi: sự liên quan giống nhau của các nhà thần học thời trung cổ hoặc thời hiện đại và siêu hình học cổ với các tư tưởng phương Đông nhiều khi nổi lên một cách đồng nhất, câu hỏi này cần phải giải thích.

Tác động qua lại hoặc sự ảnh hưởng của Á châu có thể tìm thấy trong trường hợp thần học Ý hoặc Tây Ban Nha; nhưng ở các nhà thần học Đức, Pháp và Anh chắc chắn không có khả năng này.

Ở các nhà tư tưởng truyền thống cùng lắm có thể tìm thấy trong tác phẩm của phái Khắc kỷ hoặc Hi lạp cổ đại (như Dionusos Areopagita). Tuy nhiên những ý nghĩa cơ bản nhất của truyền thống đã được công bố.

Thần học ở châu Âu trở thành người lính canh cho tinh thần mang tính chất siêu hình tỉnh táo. Tất nhiên nó không thể tạo ra một thể thống nhất. Trong thiên niên kỉ này tình trạng chống đối siêu hình học ngày càng gây ra nhiều cản trở và chỉ tạo ra những tác động cá nhân, phần lớn trong bí mật và bị xua đuổi.

Trong thời hiện đại, vị trí của thần học ngày càng trở nên trầm trọng, và chỉ còn giữ lại được ở một vài thiên tài.

Ví dụ ở Parscelsus, người tìm cách phê phán sự coi thường những nền tảng thống nhất đáng lưu ý từ các nhân tố chiêm tinh học, từ thuật giả kim và thần học châu Âu. Trong thế kỉ XVIII lời tuyên bố thiên tài như vậy thuộc về Swedenborg, khi tìm hiểu những bí ẩn Ai Cập Orfika cổ.

Sự thức tỉnh siêu hình thống nhất không hề xuất hiện ở đâu trên đất châu Âu. Tinh thần tôn giáo ẩn trong thần học và sống một đời sống vô luật. Sự thức tỉnh thế gian từ tôn giáo hoàn toàn đứt đoạn, và trong thời hiện đại chỉ thi ca thể hiện nổi sự thức tỉnh này.

Nếu ai thử một lần muốn phân tích mối quan hệ giữa nhân loại châu Âu thời hiện đại với truyền thống cổ, người đó cần tuyên bố: truyền thống châu Âu xác thực và tỉnh táo giờ đây chỉ còn tồn tại trong thần học, và trong thi ca.

Thi ca, thể hiện tự thân một cách cá thể hơn, tùy tiện hơn, vụn vặt hơn, rời rạc hơn, mang tính nhất thời, hạn chế hơn thần học. Bởi vậy nó có tác dụng hơn, trong đặc tính của nó thường xuyên mang tính phổ quát hơn. Tất nhiên điều này có liên quan đến thời kì rực rỡ của thi ca, ở Ý là thời của Dante, kịch Tây Ban Nha, thời của Shakespeare, hài kịch của Molier Pháp và các tiểu thuyết gia Nga thế kỉ 19. Thi ca ở các dân tộc và các tác giả mờ nhạt hơn, nhưng thực ra về bản chất cũng luôn luôn hướng tới mục đích mở ra sự sống.

Trong lịch sử châu Âu thần học độc nhất vô nhị của Jákob Böhme gần như đứng ngang hàng với thể tổng hợp cổ trong mọi phương diện.

Bôhme cùng với các học trò Anh, Pháp, Đức và Nga của mình không chỉ hợp nhất những nhân tố của thần học châu Âu, giả kim học, chiêm tính học, lí thuyết số học, mà trực giác cơ bản của họ còn quay trở về với những lời sấm truyền tuyệt đối và cổ xưa của Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Ai Cập.

Học trò của Jákob Böhme: Pasqualis, Saint- Martin, Baader, sau này thông qua những người như Szlovjev, Bergyajev và Dacqué truyền lại những tư tưởng của ông cho đến tận ngày nay. Những người học trò xuất sắc nhất là Saint-Martin và Baader, cùng tư tưởng với Bôhme, lại cùng với học trò của họ đã thể hiện mức độ cao nhất của sự tỉnh táo siêu hình ở châu Âu hiện đại.

6.

Trong thế kỉ XX, tính chất khải huyền (apokaliptika) đã đạt tới một giai đoạn vô cùng trầm trọng và điều này động chạm đến lợi ích của nhấn loại phương Tây. Giữa sự tỉnh táo của truyền thống cổ và sự căng thẳng của con người hiện đại đang bị cảnh báo nổi lên một tâm trạng bí ẩn. Trong thời gian này nhiều nơi, ở những miền khác nhau, sau nhiều chỉ báo và từ nhiều hướng, người ta chợt nhận thức ra ý nghĩa của truyền thống cổ.

Thế kỉ mới không tạo dựng một thể thống nhất giống như thể tổng hợp truyền thống cổ, như Bôhme đã làm. Baader, khi được hỏi tại sao không xây dựng một hệ thống từ những tư tưởng của mình, ông trả lời: Chưa đến lúc, bởi quá nửa số đông con người vẫn đang ngủ. Con người hiện đại trước tiên cần thức tỉnh. Bởi vậy cần quay lại với thời cổ đại, để tìm ra những yêu cầu giúp đỡ từ truyền thống cổ.

Nhận thức về ý nghĩa của truyền thống giờ đây chỉ gắn với một vài tên tuổi. Nổi bật nhất là: René Gúenon, người trên cơ sở của các bậc tiền bối Pháp (Abbé Cóntant, Eduard Schuré v.v.) lần đầu tiên định nghĩa chính xác truyền thống là gì.

Những cuốn sách của Evola mang ý nghĩa quyết định liên quan đến truyền thống mật khải (hermetikus) và đến những cá nhân mang tính chất tuyệt đối; những tác phẩm của ông (Rivolta contro il mondo moderno - Cuộc nổi dậy chống lại thế giới hiện đại, imperialismo pagano - Chủ nghĩa đế quốc ngoại giáo) muốn áp dụng tinh thần truyền thống, và đánh thức ấn tượng vội vã của nó.

Thiếu sót cơ bản trong công trình của Ziegler, là chưa đoạn tuyệt hẳn với khoa học hiện đại; bởi vậy tác phẩm là một văn bản tranh luận lớn, trong đó tác giả cố gắng chiến thắng khoa học từ sự vô thần mù quáng của nó. Trong ba tác giả này chỉ có Gúenon là gần với sự tỉnh táo nhất.