Một nghịch lý khá phổ biến trong nền thơ ca Việt Nam là nhiều người làm thơ nhưng ngôn từ chỉ dừng lại ở lời ca, có khi để lẫn vào ca dao dân gian, trong khi đó, có những người viết lời ca cho nhạc của mình, dù không hề có ý thức rằng mình đang làm thơ, mà ngôn từ ca khúc kia, được giai điệu truyền đến cho tâm hồn người nghe, hòa nhập ở cửa ngõ của thơ. Trịnh Công Sơn là một trong những người như vậy.
Có dịp nghe lại các ca khúc của Trịnh Công Sơn, lần lại chặng đường sáng tác của anh, từ những Sương đêm (1957) Chơi vơi(1957) không mấy người biết đến, đến Ướt mi (1958) là tác phẩm được nhiều người chú ý mà anh cũng đã từng công nhận đó là sáng tác đầu tay thật sự của mình, cho đến những sáng tác gần đây, tôi bỗng nhận ra trên những cấu trúc âm thanh hợp lý với sự tiếp nối những trường độ, cao độ và giai điệu khác nhau ấy, đều xoay quanh dòng chảy của chính tâm hồn thi nhân:
Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi! Nước mắt hoen mi rồi. (Ướt mi)
Lời ca biểu hiện ý nghĩa một cách cụ thể và chính xác, còn nhạc tăng cường âm hưởng và ý nghĩa của nó về mặt cảm xúc. Trịnh Công Sơn luôn tự nhận mình là một trong những tác giả ca khúc; mà đã nói ca khúc thì yếu tố lời ca không kém gì yếu tố nhạc để đưa đến thành công của tác phẩm, xét về mặt ca từ học. Trình độ thưởng thức phổ biến của công chúng nước ta chủ yếu vẫn là ca từ. Và Trịnh Công Sơn đã đáp ứng được điều đó. Nhạc của anh thường tập trung vào những vấn đề muôn thuở của con người; tình yêu, nỗi đau khổ, thân phận quê hương, chiến tranh và hòa bình. Như một thi sĩ tài hoa, anh lý giải những u uẩn của kiếp nhân sinh trước thực tại mênh mông, cùng lúc đặt con người đối đầu trước cả vận mệnh lịch sử của dân tộc. Anh cư ngụ trong đời người không phải chỉ như một thi sĩ ca ngợi cái đẹp mà còn là một hành giả đi tìm cái chân, cái thiện của đời sống. Lời thơ của anh không chỉ là yếu tố phụ, là phương tiện thể hiện dòng chảy của âm thanh mà trở thành yếu tố chủ đạo thể hiện thế giới tâm hồn của anh không chỉ đơn côi, trống vắng, chơi vơi đầy sức hấp dẫn mà còn đạt đến độ sâu sắc đầy tính triết lý nhân sinh. Trong anh có cả nỗi buồn của người Nhìn những mùa thu đi (1961) có vai em gầy guộc nhỏ của một Diễm xưa (1963)... Nhưng cũng có khi bùng lên cơn bão táp của cuộc Nối vòng tay lớn (1971). Cái ồn ào không khí nỗi loạn của cuộc chiến phi lý vẫn không làm lời thơ đầy tính triết lý bị giảm đi. Cho đến sau 1975, tâm hồn ấy lại ùa ra Huyền thoại mẹ; Em ở nông trường, em ra biên giới, Hoa hồng nhỏ; Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... Vẫn trong cái dòng nhất quán của hồn thơ ấy:
Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ...
Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối
Tiễn con qua núi đồi...
Nếu chúng ta không bị ảnh hưởng lệ thuộc bởi bài hát đã từng nghe, khi đọc lên những câu thơ này, sẽ thấy đó hoàn toàn là những câu thơ hay và đẹp, ngợi ca người mẹ Việt Nam, cao hơn, đó là Mẹ - ĐấT Nước. Toàn bộ bài hát như một bài thơ hoàn chỉnh, với cấu tứ, cảm xúc, ngôn ngừ, thể hiện được những hình tượng thơ, làm toát lên được chủ đề và một phần đời sống sống động của đất nước một thời.
Nhiều người nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của Huế, không chỉ vì anh trưởng thành, tham gia phong trào và công tác ở Huế mà bởi vì trong anh có không gian âm hưởng có vóc dáng tâm hồn của Huế, có chút biến âm của làn điệu mái nhì mái đẩy, có vòm cây long não, có tháp cổ kinh thành. .. mà nếu không có tâm hồn của một thi nhân, anh khó mà có thể cảm nhận hết được. Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Tuân có lần nói rằng: "Nhạc Trịnh Công Sơn là thơ". Quả vậy, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ, đã sáng tác trên dòng chảy của những chuỗi âm thanh từ cây đàn ghi ta. Và, cho đến nay, anh là một trong những người đã khai thác đến tận cùng năng lực của những nốt nhạc trên cây đàn gỗ ấy, để đem lại những bản nhạc - những bài thơ có sức quyến rũ nhiều thế hệ.