Mộng Đời Bất Tuyệt

Trên những ngọn đèo

Đầu những năm sáu mươi, tại một vùng hồ núi hoang vắng ở Quảng Nam có một hiện tượng được gọi là “cá thần”. Nơi một chiếc hồ nọ, có một con cá thỉnh thoảng xuất hiện trên mặt nước. Không mấy ai được thấy cá, người ta chỉ nghe kể lại, thân của nó to lớn dị thường. Người ta đến đó để cúng bái, để xin nước của chiếc hồ. Nghe nói thứ nước thiêng liêng đó có tác dụng hết sức kỳ diệu, nó mang lại sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.

Những câu chuyện thần bí đó xem ra rất hấp dẫn với dân miền Trung vốn đã quen mùi nhang khói. Trong số hàng vạn người nườm nượp từ xa đi đến lễ bái “thần cá” có kẻ viết bài này, hồi đó chỉ là một cậu bé ưa đọc truyện linh dị như Nam hải dị nhân hay Lĩnh Nam trích quái. Ngày đó, trong tâm tưởng của tôi, đường đi Quảng Nam, tới một chiếc hồ trên núi là một cuộc phiêu lưu xa vạn dặm. Nhất là con đường đó sẽ dẫn tôi qua đèo Hải Vân, một vùng núi non vô cùng ẩn mật cho một đứa trẻ mới đi đèo lần đầu.

Trước khi đi, tôi đã nghe kể về Hải Vân. Những huyền thoại về ngọn đèo Hải Vân mà người lớn ưa kể cho con nít nghe đọng sâu trong tâm trí tôi, chúng hiển hiện trên con đường dẫn lên đèo. Dưới chân đèo người ta đã nhao nhao chỉ nhau xem “mây” đọng trên sườn núi, chỗ mà tôi sẽ lên đến và sẽ lên cao hơn nữa. Xe chỉ mới chạy qua vài khúc ngoặt, trên xe đã có kẻ xây xẩm mặt mày. Còn tôi cố mở mắt thật lớn nhìn núi cao vực thẳm, đời mình đâu dễ đến đây, tôi tự nhủ. Hải Vân là nơi nổi danh vì những tai nạn thảm khốc, đó là nỗi sợ của người vượt đèo. Nhìn xuống vực thẳm, tôi vẫn còn thấy nhiều xác xe đổ. Theo lời người lớn căn dặn, tôi cúi đầu thành kính khi qua các am miếu, đó phải là nơi quỉ thần ngồi nhìn xe cộ qua lại, biết đâu các vị sẽ phù hộ cho mình.

Nỗi sợ hãi của tôi tuy lớn nhưng nó phải nhường chỗ cho lòng hân hoan khi tôi được nhìn xuống biển. Ôi, đây là nơi mà núi và biển gặp gỡ. Màu xanh của rừng núi dường như không khác lắm với màu lục của nước biển. Chiều cao của vách núi lại tương phản với cái rộng mênh mông của đại dương cho tôi được ngắm nhìn một cảnh quan tuyệt diệu của thiên nhiên. Xe sớm lên tới đỉnh đèo, mọi người trong xe ai cũng đã mặc chiếc áo ấm, trên đỉnh cao chót vót này dĩ nhiên là trời rất lạnh, người lớn cẩn thận bảo tôi.

Con đường đất đầy bụi dẫn chúng tôi đến hồ. Tới gần bờ hồ tôi đã thấy đoàn người kéo nhau đi vừa nghiêm trang vừa chộn rộn mà người lớn thành kính gọi là “hành hương”. Quanh chiếc hồ nước đục, hàng trăm hàng ngàn người ngồi thắp hương chờ đợi cá thần xuất hiện. Chúng tôi cũng kiên nhẫn ngồi đợi suốt buổi trưa nắng cháy, nhưng hôm nay thần cá xem ra không chịu ra mặt để chúng tôi lễ bái. Tôi đi quanh quẩn bờ hồ, cảm phục lắng nghe nhiều người dân địa phương xứ Quảng kể chuyện, họ là người đã hân hạnh thấy thần cá nhiều lần, họ cao hứng chê chúng tôi không có “duyên” được thấy. Cuối cùng trời đã về chiều, chúng tôi đành xuống hồ múc nước đem về thờ cúng, nước đựng đầy trên xe vốn đã chật ních.

Trên đường về, lúc xuống đèo Hải Vân, bỗng nhiên xe lao vùn vụt một cách kỳ lạ. Tài xế nín lặng khó hiểu, bỗng có ai trên xe la lên “đứt thắng”. Xe tôi đi là một chiếc Citroen đã cũ mèm. Tôi run bần bật, đau đớn nghĩ, mình đi đèo lần đầu mà sao tai nạn đã vội xảy ra cho mình. Sẽ có thêm một cái miếu nơi đây chăng? Chiếc xe quả nhiên hỏng thắng nhưng may thay anh tài xế đã thắng xe bằng cách chủ động ép hông xe vào vách đá, dùng một bức vách tương đối bằng phẳng để hãm xe lại trước khi nó lao xuống vực thẳm. Hông xe bên trái bị nát, tôi ngồi phía đó nhưng kỳ diệu thay, không hề hấn gì. Thần cá không xuất hiện nhưng nước hồ kỳ diệu chất đầy xe xem ra đã cứu mạng chúng tôi.

Lớn lên tôi ra nước ngoài. Về sau, trong các chuyến du hành, tôi vẫn nhớ đến đèo Hải Vân xa xưa. Nó để lại cho tôi ấn tượng không thể nào quên mặc dù khi đi nhiều, tôi nhận ra rằng ngọn đèo đó không có gì gọi là cao, là nguy hiểm nếu so với nhiều nơi khác. Tôi nhận ra rằng, trên các ngọn đèo, tôi luôn luôn có lòng sợ hãi và niềm cảm khái khác nhau. Một đêm nọ, thời còn sinh viên trẻ tuổi, tôi đi từ Thụy Sĩ qua Pháp. Đó là đầu những năm bảy mươi, thời đó chưa có xa lộ, đường đi là những ngọn đèo dài vô tận trên rặng Alp, một rặng núi mênh mông đầy uy lực của châu Âu, là suối nguồn của các con sông lớn Rhein, Rhone. Xe tôi đi là một chiếc Renault 4, thời đó đã rất cũ, ngày nay không còn ai tìm thấy nó. Những con đường đèo rặng Alp không những không có am miếu và quỉ thần ngồi nhìn tôi, mà chúng còn vắng cả người sống. Đó là một con đường hiu quạnh cả trăm cây số không có người ở. Nếu trong đêm đó chiếc xe này đứt thắng hay hỏng bất cứ cái gì, tôi sẽ làm sao trong núi rừng mênh mông. Nơi đây sẽ có thứ nước kỳ diệu nào cứu độ tôi?

Rời Thụy Sĩ đi về phía tây, châu Âu có một nơi rất giống đèo Hải Vân, đó là đoạn đường núi Costa Brava, dọc theo Địa Trung Hải để về Barcelona. Đó là nơi mà lúc lái xe qua những đoạn đường ngoằn ngoèo, trên là núi, dưới là biển với hàng trăm khu du lịch, tôi tha thiết nhớ tới Hải Vân và ước mơ nước mình sẽ xinh đẹp và phồn vinh như Tây Ban Nha. Đó cũng là nơi mà tôi nhận thấy mình cũng lái xe vững vàng trên các ngọn đèo và sẽ có một ngày không xa, mình sẽ tự tay lái xe trên đèo Hải Vân, một nơi tôi vẫn còn kính sợ.

Khoảng đầu những năm chín mươi tôi có dịp đi Simla thuộc vùng bắc Ấn. Đây là một thị trấn nằm trên sườn nam của dãy Hy Mã lạp sơn. Một chiếc xe nội hóa Ambassador bốn bánh mòn nhẵn chở chúng tôi vượt đèo lên một độ cao khoảng 2300m. Trong xe, tài xế người Ấn thắp hương cầu các vị thần Ấn Độ giáo cứu độ cho khách nước ngoài. Quả nhiên các vị đó không hẹp hòi và cho chúng tôi đến nơi đến chốn. Đây là nơi mà ta có thể ngắm những đỉnh trên 8000 mét. Dáng núi vương giả và uy nghi, màu tuyết vạn niên trắng ngần tinh khiết, đó phải là trú xứ của thánh thần. Tôi bị chấn động tâm linh mãnh liệt và quyết sẽ đi Tây Tạng để có thể đến gần vương quốc bất tử hơn nữa.

Một ngày nọ quả nhiên tôi đến Tây Tạng. Trên đường du hành từ Lhasa đến Gyatse, tôi đi với một chiếc Toyota, vượt từ những con đèo này qua những con đèo khác của sườn phía bắc rặng núi Hy Mã. Đây là những con đường đèo nguy hiểm nhất mà tôi đã từng đi trong đời. Trên cao nguyên này không khí đã loãng, hơi thở tôi gấp rút, môi tôi tím bầm vì thiếu dưỡng khí. Độ cao này đã vượt xa đỉnh Hoàng Liên sơn của ta, nói chi Hải Vân của tôi ngày xưa. Đến đỉnh một ngọn đèo, tôi sững lại vì một cảnh quan tuyệt diệu, đó là hồ Yamdrok. Đó là một chiếc hồ nước mặn nằm trên núi, có độ cao 4441 mét. Màu nước của nó chính là màu xanh lục turquoise, màu của nước biển dưới chân Hải Vân. Sau một đoạn leo núi nữa, xe tôi vượt đèo Karo, cao 5010 mét. Đó là chỗ cao nhất trên địa cầu mà tôi đã tới và có lẽ sẽ không bao giờ được tới nữa. Nơi đây, băng vạn niên đã vươn những cánh tay khổng lồ của chúng ra tận đường xe chạy, chim chóc đã vắng bóng. Thế nhưng mây trắng vẫn còn nằm xa trên cao, loại “mây trắng bay hoài ngàn năm” này hẳn sẽ có ngày kéo đến quê tôi. Trên đỉnh đèo chót vót này quả nhiên trời rất lạnh, tôi nhớ đỉnh đèo Hải Vân và chiếc áo len của mình thời xa xưa đó.

Người ta kể tôi nghe, hồ Yamdrok là hồ thiêng, trong đó sống toàn là sinh vật thiêng liêng. Tôi nhớ tới thần cá ngày xưa ở xứ Quảng. Trên cao nguyên Tây Tạng này điều nổi bật là cảnh quan kỳ lạ của thiên nhiên, màu sắc rực rỡ của đất đá núi rừng, sự tĩnh lặng đến nao lòng, sự nhất thể hầu như đang hiện hình. Tất cả những thứ đó làm người ta phải nghĩ mọi sự hẳn phải có thần, chờ gì đến sinh vật. Tôi đã đi một vòng đời tâm linh. Bắt đầu với ngày trẻ con tin có thần cá thần sông, đến ngày cho rằng thế giới chỉ là vật chất đang vận động, làm gì có thánh thần ma quái, và bây giờ tôi nghĩ, người xưa nói “vạn vật hữu thần” chắc phải có lý của họ.

Tôi cũng đã đi một vòng thế giới, đã trở lại Hải Vân. Gần đây tôi đi máy bay từ Huế vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đến giờ bay, kế hoạch bay phải thay đổi, chúng tôi được đưa vào Đà Nẵng để đáp máy bay từ đó. Sau một giây bực dọc vì bất ngờ, tôi bỗng nhận ra lòng mình rộn rã được đi lại đèo Hải Vân. Ôi những đoạn đường đèo dễ thương này đã từng làm tôi sợ hãi! Những đám “mây” bềnh bồng trên sườn núi chẳng qua là sương mù do khí núi ẩm ướt toát ra, chúng một thời đã làm tôi hãnh diện tưởng mình lên cao hơn mây. Thế nhưng, khi đi qua am miếu tôi vẫn thành kính cúi đầu. Và cũng như ngày xưa, tôi vẫn liếc nhìn xem bên trong có gì. Thời thế đã đổi thay! Nếu ngày xưa bên trong am miếu thường có nải chuối hay nén hương thì ngày nay chúng trống hoác, đầy đất đá bụi bặm, bị nguệch ngoạc vẽ hình, viết chữ. Trên đường xuống đèo, tôi nhận thấy một điều bất ngờ. Đó là những “đoạn đường cứu hộ” chạy dốc ngược do một hãng bảo hiểm xây, chúng phòng hờ cho những chiếc xe đứt thắng có chỗ để dừng lại thoát hiểm. Chiếc xe Citroen nát hông bên trái ngày xưa của tôi bỗng hiện về rõ mồn một.

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Đèo Hải Vân đã mở rộng, đường cứu hộ đã được xây, nhưng hình ảnh hoang tàng đổ nát của các am miếu làm tâm tôi vướng bận. Người ta lo cho người sống trước, người chết sau, tôi tự nhủ. Cũng sau một thời gian bốn mươi năm, khi đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng đèo Hải Vân có một sắc đẹp vô song, nó sánh vai với các cảnh quan trên thế giới, nó phải là chỗ đẹp thứ nhì của Việt Nam, sau vịnh Hạ Long.

Ngày nay người ta đang xây một đường hầm chạy dưới Hải Vân để tiết kiệm thời gian di chuyển. Con đường hầm này sẽ dài khoảng hơn 6 km, thời gian đi chỉ còn năm phút thay vì một tiếng rưỡi nếu đi trên đèo. Tôi đã từng đi đường hầm Gotthard dài 16 km tại Thụy Sĩ, xuyên qua lòng núi Alp để về xứ Ý. Cho hệ thống giao thông cả nước, xây đường hầm là phải, nhưng tôi từng biết cái cảm giác khó chịu của người đi xe trong hầm.

Vì thế ngày nào đường hầm Hải Vân hoàn thành, tôi sẽ nhường nó cho những ai có công việc vội vã. Còn tôi, tôi sẽ đi lại con đường ngoằn ngoèo trên núi để nhớ lại đời mình, để thưởng ngoạn núi rừng và biển cả. Đối với tôi, Hải Vân là chỗ kết hợp hiếm hoi của núi và biển, của thần và vật, nó là chốn trở về của những cuộc hành trình.

(10.11.2000)