Mộng Đời Bất Tuyệt

Màu phượng thắm

Sắc màu trong thiên nhiên thường rất thắm. Màu mây, màu núi, màu biển, màu lông chim cánh bướm thường làm ta kinh ngạc bằng sắc thắm của chúng, làm ta bâng khuâng tự hỏi phải chăng tạo hóa siêu việt hơn con người còn ở chỗ biết "chế tạo" ra những sắc màu vượt xa tất cả những chất liệu nhân tạo. Ngay cả máy vi tính với khả năng sinh ra hàng triệu màu cũng không bao giờ cho được một gam màu đủ đậm đà để được ta gọi là "thắm". Tôi nghiệm rằng sức thắm của sắc màu có lẽ nhờ ánh sáng mặt trời và cấu trúc của vật thể. Phải chăng đá núi, nước biển, lông chim, cánh bướm có những cấu trúc bề mặt đặc biệt mà khi chiếu vào, tia sáng mặt trời bị khúc xạ, phản chiếu một cách nhất định để ta thấy chúng phải ra một sức sáng, sức sâu, sức thắm đượm. Nhưng đó là cách giải thích duy vật, tia sáng mặt trời thực chất là gì thì cũng không mấy ai rõ. Hay ánh sáng là tâm đang hiện hành? Và sắc màu thiên nhiên đang khoe sắc thắm dưới ánh mặt trời phải chăng là tâm đang tươi cười nhìn ngược lại chúng ta?

Nói đến sắc màu trong thiên nhiên thì tất nhiên ta không thể quên hoa. Hoa lá thì dường như loài nào cũng có sắc đậm đà nhưng đối với tôi, hầu như hễ nói đến "màu hoa thắm" thì chỉ có thể là phượng vĩ. Cây phượng dáng mỹ thuật, lá kép lông chim xanh bóng. Giữa những tán lá màu xanh khỏe mạnh là những cụm hoa lớn đỏ rực. Và chỉ rực một màu đỏ thắm. Phượng vĩ lại thường nở rộ vào những ngày hè chói chang nên hoa phượng càng sáng, càng tươi, càng thắm, càng rực rỡ. Hoa càng thắm thì dường như lá càng xanh ngắt. Phượng vĩ thắm rực trong nắng hè do đó là kỷ niệm đời học sinh của mỗi chúng ta, của thời kỳ chơi đùa nhưng cũng là mùa thi cử nhọc nhằn, của niềm vui tươi xanh nhưng cũng đánh dấu những buổi chia tay đầu đời.

Thế nên người ta hay gắn phượng vĩ với sân trường, với tiếng hò reo của tuổi thiếu niên, với lưu bút học trò có khi đẫm đầy lệ. Theo tôi thật ra, đó không phải là chỗ đắc địa của phượng vĩ. Nếu đi lần vào những con đường hẻo lánh hơn của thành nội ở xứ Huế quê tôi, ta sẽ khám phá phượng vĩ dưới một "ánh sáng" khác. Bên cạnh những chùm hoa đỏ rực là những bức tường thành cổ đen sì, có nơi loang loáng chút rêu xanh. Những bức tường thành này có bề dày cả thước, có tuổi gần hai trăm năm, thầm lặng làm chỗ dựa cho những cây phượng sung mãn và trẻ trung. Hoa phượng hồn nhiên khoe sắc, thân cành rung rinh trong gió, dường như đang rì rầm chuyện trò với đám rêu xanh bám tường. Rêu cũng là một loài thực vật hẳn hoi, cũng có sắc màu của nó và nhất là cũng biết óng lên một thứ sắc xanh lục thắm đượm. Phượng vĩ bên thành cổ! Sức sống thanh niên và sắc màu rực rỡ đối diện với bề dày của quá khứ, với đất đá vô sinh, với cái đã chết, với sự ngậm ngùi câm lặng. Thành cổ đã chứng kiến những gì Thành cổ đã thuộc về lịch sử, cái đang tràn trề sức sống là hoa phượng này đây. Thế nhưng, dưới gốc phượng cũng đã rải rác vài đốm hoa màu xác pháo. Hoa sẽ chóng tàn và thành cổ sẽ trường tồn với thời gian.

Cái sống và cái chết, cái tĩnh và cái động, cái hữu cơ và cái vô sinh đang nằm hài hòa bên nhau. Và nhất là sự tĩnh mịch! Trong sự tĩnh mịch này, vắng mọi thứ tiếng của thế gian, phượng vĩ và thành cổ như giao hòa trong một giai điệu chung của thời gian. Chỉ trong sự tĩnh mịch này, thần thức của thiên nhiên bỗng nhiên lộ rõ.

Cũng là thiên nhiên cả nhưng châu Âu không có phượng vĩ. Dường như loài hoa này chỉ sống tại miền Nam châu Á và nhất định chỉ nở hoa vào những tháng nóng nực nhất. Thật ra, nhiều loại cây vốn của miền nhiệt đới nay đã được chiết giống để chịu được băng tuyết mùa đông. Đó là các loại tre, trúc, hoa trà mi, hoa dâm bụt... mà ngày nay ta đã thấy khắp mọi nẻo đường ở châu Âu. Loài phượng vĩ thuộc giống rất dễ tính, trồng bằng hạt, ươm gieo trong vườn không khó và cứ cao hơn một thước là ta có thể "đánh" ra trồng chỗ cố định. Thế nhưng dường như nó cự tuyệt mùa đông châu Âu. Nghe ra cũng dễ thông cảm và thấy gần giống với tâm tính người Việt mình.

Khí lạnh châu Âu không hể làm màu hoa kém tươi. Trái lại, hãy đến thăm châu Âu vào tháng tư để biết thế nào là sắc màu và lòng hào phóng của thiên nhiên. Mùa xuân, cành lê cành táo nhiều hoa hơn lá. Loài hoa tu-1íp có nhiều màu mà màu nào cũng thắm đậm ngọt ngào. Hoa đào Nhật Bản mang một sắc hồng trinh nguyên làm người xem phải biết trân trọng. Thế nhưng chưa có một màu hoa nào được ta gọi là "thắm", để tôi phải nhớ đến màu phượng vĩ. Cho đến một ngày...

Cho đến một ngày hè châu Âu tôi khám phá một loài hoa, cây thấp chưa đầy ba tấc, thân mềm, mọc ở bờ rừng bờ ruộng. Hoa mọc hoang ven đường, cành lá run rẩy dữ dội khi xe chạy qua. Hoa mang một màu đỏ đậm nhưng lá hoa quá mỏng nên sắc luôn luôn sáng trong. Màu này thì mới đáng được gọi là "thắm". Đó là một sắc màu làm say lòng người. Tôi bỗng nhớ màu phượng, cả hai đều thắm. Chúng mang một sức thắm đậm làm ta ngỡ thiên nhiên phải là một đại họa sư, có biệt tài pha chế màu sắc. Nhưng chúng cũng khác nhau. Nếu phượng vĩ cũng có sắc đỏ nhưng pha chút gam màu cam thì loài hoa lạc loài này cũng một màu đỏ nhưng vừa trong vừa đậm như rượu vang, có khả năng mê hoặc con người. Tôi bỗng nhân cách hóa màu hoa phượng, cho nó là một chàng thiếu niên đầy niềm vui và sức sống. Như thế thì sắc màu của loài hoa không tên này phải là một phụ nữ kiều diễm và sang trọng.

Loài hoa không tên đó về sau tôi nghe người Đức gọi là Mohnblumen, "hoa thuốc phiện". Thứ hoa mọc hoang này, dù trông ra mỏng manh nhưng sống rất lâu không chịu tàn trong những tháng mùa hè. Thì ra cây đó thuộc cùng một giống với các loại cây nha phiến chết người. Cho nên loại cây này tha hồ mọc hoang nhưng không ai được đem về trồng trong nhà. Hoa bị con người phân biệt đối xử, chẳng phải vì hoa kém đẹp kém thơm mà chỉ vì lòng người sợ hãi niềm đam mê của chính mình. Nhưng nếu con người không còn đam mê thì điều gì mới làm ra tính người?

Phải chăng màu sắc đầy tính chất mê hoặc của hoa thuốc phiện cũng đã nói lên tính chất của nhựa hoa đối với con người, tôi bâng khuâng tự hỏi. Tôi là một phần của thiên nhiên hay thiên nhiên là một phần của tôi mà nhìn hoa biết tính? Không, sự đam mê nằm ở người chứ không ở hoa. Tôi không hài lòng lắm với tên "hoa thuốc phiện", một cái tên đầy sự sợ hãi và khinh miệt. Về sau hỏi lại bạn bè người Việt, tôi mới biết đó là hoa anh túc. Ôi, thì ra hoa anh túc là đây, một loài hoa mà danh xưng của nó tôi đã nghe từ lâu.

May thay tôi biết đến cái tên văn học này để thay thế cho một tên trần trụi kia, một cái tên không thể xứng hợp với sắc màu siêu nhiên của nó. Phượng vĩ hay anh túc, dù hai thứ dường như không bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai đều đỏ thắm, đều làm say lòng người, cũng đều chịu một kiếp hoa, nhưng cũng đều là tác phẩm của tâm đang vận hành.

Ngày nọ, bước đường lữ khách dẫn tôi đến Aswan, một thành phố nằm trên bờ sông Nile, thuộc xứ Ai-cập ở miền Bắc châu Phi. Sông Nile, với chiều dài hơn 6600 km, là giòng sông dài nhất trên thế giới. Theo người Ai-cập, Nile là khởi thủy của thế giới, là nguồn gốc của tất cả mọi đời sống. Trong một vùng đất sa mạc của Bắc Phi, quả thực sông Nile là nguồn suối của mọi loài sinh vật, động vật cũng như thực vật. Chỉ xung quanh sông Nile mới có màu xanh, có ốc đảo, có cư dân. Đến Ai-cập mới biết đất nước Việt Nam là một ốc đảo xanh tươi vĩ đại. Nhưng Ai-cập khác tất cả các nước khác vì hoa trái đích thực nở ra trên vùng đất khô cằn này là một nền văn minh vô song, đó là nền văn minh cổ nhất của nhân loại còn giữ lại được tới ngày hôm nay.

Aswan có thể được xem là viên ngọc nằm trên sông Nile, một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới. Tại Aswan ta có thể cùng một lúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của sa mạc, màu vàng rực rỡ và trần trụi của cát và đá, màu xanh thẫm của nước sông Nile mà ở đây lặng lờ như mặt hồ. Aswan là một thiên đường của sắc màu và sự tĩnh lặng. Lác đác trên sông là những chiếc thuyền buồm đặc biệt mà người địa phương gọi là falucca với những cánh buồn trắng thật cao, trông như những cánh bướm chập chờn. Khi hoàng hôn xuống, sắc đỏ của ánh dương chen với sắc vàng của sa mạc lẫn trong tiếng nhạc của dân Nubian cho ta cảm tưởng ở đây dường như không phải là trần thế. Có lẽ vì thế là Francois Mitterand, vị tổng thống Pháp, khi biết 1996 mình không còn sống được lâu, năm 1995 đã đến đây sống một thời gian, nói trước lời vĩnh biệt.

Aswan là một trong những ốc đảo của sông Nile, là nơi sinh ra không biết bao nhiêu hoa lá nhiệt đới, nhất là loại cây chà-là cùng họ với loài dừa của ta. Và bất ngờ thay, tôi gặp phượng vĩ tại Aswan. Thì ra châu Phi mà cũng có phượng, tôi ngẩn người tự nhủ. Dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, phượng vĩ châu Phi cũng không khác gì của chúng ta, cũng thân cành mỹ thuật, cũng lá kép lông chim xanh bóng, cũng những cụm hoa màu đỏ rực pha chút gam màu cam. Và sức thắm của sắc màu! Màu phượng vĩ ở đâu cũng thắm đượm như nhau.

Phượng vĩ dễ gieo dễ trồng thật nhưng ai đã đem phượng qua xứ Phi châu xa xôi này? Nhưng không phải chỉ phượng vĩ, trên những nẻo đường Ai-cập tôi khám phá cả những cây bồ-đề với đuôi lá dài nhọn, cả ao sen trắng với cành lá vươn cao trên mặt nước. Thiên nhiên là ai, là nhiều hay chỉ một? Tâm là gì, là chỉ một hay nhiều? Hoa lá bên ngoài và niềm say bên trong là một hay khác? Bất ngờ thay, về sau tôi tìm thấy trong một cuốn sách chuyên môn, cho hay phượng vĩ xuất phát từ Madagascar, một hòn đảo thuộc châu Phi. Nếu thật như thế thì châu Phi mới chính là quê hương của phượng vĩ. Những hàng phượng tại các con đường tại Hải Phòng, Nha Trang hay bên thành cổ xứ Huế chỉ là hậu duệ của một loại hoa có sức thắm rực rỡ của một mặt trời châu Phi.

Cũng trên đất Ai-cập này, tôi nhớ lại tường thành đen sì xứ Huế mà ngày xưa tôi tưởng rất cổ. Thành quách của nền văn minh Ai-cập để lại không phải được tính bằng vài trăm năm mà bằng thiên niên kỷ, của những thời đại mù khơi trước công nguyên. Từ Aswan dòng sông Nile chảy lên phía Bắc và đổ ra Địa Trung Hải tại thành phố biển Alexandria. Đoạn sông dài một ngàn cây số đó là chứng tích của một nền văn minh sâu thẳm không ai dò tới đáy. Được truyền tụng nhiều nhất là những kim tự tháp đầy huyền thoại nằm ở hạ lưu sông Nile mà niên đại của chúng được ghi là khoảng thế kỷ thứ 27 trước công nguyên. Đó là những năm tháng nghe lạ tai, vì tính sơ thì chúng được xây dựng từ 4700 năm trước. Đó là những thời đại hầu như thần thoại vì khoảng cách từ đó đến đầu công nguyên còn xa hơn từ đầu công nguyên đến bây giờ.

Kim tự tháp là những công trình nguyên sơ còn lại tới ngày nay. Ngoài ra, những đền đài ta thấy tại Ai-cập đều cũng là những phế tích rất xưa, nhưng thật ra chúng liên tiếp bị phá hủy và tái thiết trong những thời đại hoàn toàn khác nhau, cách nhau vài trăm năm là thường. Đứng trước những công trình đó tôi không sao cảm nhận được sự khác biệt về thời gian của chúng. Tôi đã nhiều lần cố ngẫm nghĩ về thời gian và thấy mình không bao giờ hiểu được chiều sâu của nó. Chúng ta có thể hình dung một khoảnh thời gian một tuần, một tháng, một năm, nhiều nhất là hai, ba mươi năm. Nhưng chúng ta không thề hình dung một khoảnh thời gian vượt quá một đời người. Hai trăm năm của tường thành xứ Huế đã là quá lâu, nói chi đến phế tích vài ngàn năm. Sức tư duy và cảm nhận của chúng ta về không gian lớn hay nhỏ, về thời gian dài hay ngắn, về thiên nhiên là một hay nhiều, tất cả đều bị đời làm người qui định, bị giới hạn trong mức độ "trung bình" đó.

Điều mà chúng ta cảm nhận được và mang lại vô số cảm khái là sự tương phản. Thiên nhiên rực thắm tương phản với màu xám của tri thức. Cánh hoa trẻ trung bên cạnh tường thành uy nghi và xưa cũ. Tại Ai-cập sự tương phản đó hẳn đạt đến mức tuyệt đối. Dọc hai bờ đông tây của sông Nile từ Aswan đến biển, bên cạnh phượng vĩ, sen trắng, chà-là xanh là vô số thành quách, đền đài, lăng mộ của các nhà vua, hoàng hậu, thái tử, công nương của các triều đại. Trong số các đền đài đó có một công trình mang tên đền Karnak, thờ thần Amun. Đề Karnak lưu giữ những chứng tích của một nền văn hóa tôn giáo và kiến trúc của thế kỷ 13 trước công nguyên, tức là cách đây khoảng 3300 năm. Ngày nay đến phế tích đó không ai không khỏi kinh ngạc trước khả năng kỳ diệu của người xưa mà công trình nổi bật nhất hẳn phải là một tòa lâu đài nay đã mất mái gồm 134 trụ đá có trụ đường kính hơn ba mét và cao 21 mét. Trên những trụ đá đó là vô số hoa văn, vốn là chữ viết của một thời xưa cũ. Thứ chữ Hieroglyphs này, một trong những chữ viết cổ nhất của nhân loại, được xem là quà tặng của thần thánh, gần đây, mãi thế kỷ thứ 19 mới được một người Pháp tên là Champollion giải mã.

Tại các phế tích của thời cổ đại Ai-cập, người ta hay tổ chức những buổi Sound & Light vào đêm, diễn lại nguồn gốc tôn giáo và văn hóa của các đền đài. Trong bóng đêm, tôi cùng đoàn người men theo những con đường lát đá hoa cương, trở lại những trụ đá khổng lồ với chút lòng run sợ mình đang phá rối giấc ngủ của các vị thần. Bỗng nhiên giữa các hàng cột đá một vầng trăng đỏ ối xuất hiện như một ngọn đèn hồng. Tôi rùng mình. Thiên nhiên hiện ra vô cùng bất ngờ và vĩ đại. Một nguồn cảm khái tràn ngập tim tôi. Thời gian là gì? Vầng trăng hẳn phải xưa cũ hơn các hàng trụ đá nhưng vẫn ánh trăng sinh động, trẻ trung, đang hiện hữu trong từng bước chân tôi, có thực như tâm tôi đang kính sợ. Thiên nhiên thực là tâm đang hiện hành hay thiên nhiên đang soi bóng trong tâm? Hay cả hai cách nói chỉ là một? Tôi bỗng nhớ những lời thơ trong bài Đạo ý của Nguyễn Du:

Minh nguyệt chiếu cổ tĩnh

Tĩnh thủy vô ba đào

Bất bị nhân khiên xả

Thử tâm chung bất giao

Túng bị nhân khiển xả

Nhất dao hoàn phục chỉ

Trạm trạm nhất phiến tâm

Minh nguyệt cổ tĩnh thủy

Trăng sáng lòng giếng cổ

Nước giếng không ba đào

Không bị người khuấy động

Lòng này không chút xao

Đã bị người khuấy động

Xao rồi trở yên lặng

Vằng vặc một mảnh lòng

Gióng trong trăng gọi bóng.

“Trạm trạm nhất phiến tâm", lạ thay! Ánh sáng chính là tâm, vầng trăng là "một mảnh lòng". Một mảnh lòng nhớ thời thơ ấu có phượng vĩ, có cổ thành, có trăng thanh, có vần thơ... hiện lên giữa những hàng cột đá thờ thần Amun tại Ai-cập. Một mảnh lòng kính sợ trước sự bí nhiệm của thiên nhiên và tài năng của người xưa. Phế tích vài ngàn năm này không hề "câm lặng" như nhiều người hay nói mà cái thần của nó đang quyện vào lòng người, hiện lên làm tôi choáng ngợp. Không cần thiên nhiên phải tĩnh mịch, cũng không phải vì bóng đêm huyền bí, mà nói như Nguyễn Du, nhờ "nước giếng không ba đào".

Khi tâm tĩnh lặng thì quá khứ ngàn năm và thiên nhiên vô tận chỉ nằm trong một màu hoa thắm.

7.2005