Món nợ thiêng liêng

Phần IV

Ngôi nhà xưa trá hình làm ngôi biệt thự tân thời ở đường Huynh quang Tiên bây giờ thêm một người ở nữa. Người nầy chưa có khai vào sổ gia đình, nhưng rất là quan trọng.

Giờ mẹ nó đã lành lặn rồi, chỉ may vết mổ đã được rút và đường mổ đã kéo da non, bé Thọ bỗng xuất hiện trong đời sống của gia đình và được hưởng mọi quyền ưu tiên trong nhà nầy.

Thật ra thì chưa biết nó giống ai, bé đỏ lòm lom cái mặt nhăn nheo, bị bó chặt trong tấm tã như đòn bánh tét và ngủ suốt ngày, chỉ thức mấy lần hiếm hoi để bú và để khóc vì làm ướt tã thôi.

Nhưng Thảo thì thấy nó giống Hồng và Cúc y khuôn còn trái lại Hồng và Cúc lại thấy nó giống Thảo như đúc.

Đã quyết định để nó nằm riêng cho hạp vệ sinh, Cúc lại cứ bắt để nó nằm cạnh nàng, để mà nhìn nó suốt ngày không thôi. Cúc ganh với Hồng, nhứt là từ hôm Hồng nói nựng với nó, xưng là má Hồng chớ không chịu xưng dì Hồng nữa, và nàng như sợ để nó nằm riêng thì Hồng sẽ bắt nó mất đi.

Với lại nó trở thành quí báu vô cùng vì một lẽ mà nội nhà chưa ai biết cả. Nghĩ tới điều nầy, Cúc buồn ghê đi. Cô đỡ săn sóc nàng đã cho nàng hay rằng nàng không mong có con nữa, vì bác sĩ đã cột hai chùm trứng của nàng lại rồi, bởi cái dạ con của nàng bây giờ không được bền chắc lắm, có thai nữa không tốt.

Cúc chưa dám tiết lộ điều đó cho Thảo và Hồng biết, một là vì tự ái, bởi nàng đã trở thành người kém cỏi, không làm phận sự được nữa một cách hoàn toàn, nàng chỉ còn là phân nửa con người thôi, hai là vì nỗi lo sợ bí mật nào nàng cũng không rõ nữa.

Ôm giữ bí mật nầy một mình, Cúc càng nghe bé Thọ quí báu hơn, vì nó dễ lâm nguy hơn, bởi khi mà cha nó và dì nó tưởng nó có thể có em khác thì nó sẽ không được bảo vệ đúng mức, mặc dầu họ thương yêu nó tới đâu đi nữa.

Qua nửa tháng thì Cúc trở lại tình trạng bình thường. Nàng chỉ là một con bịnh mổ vừa khỏi thôi, chớ không phải là một sản phụ, bởi nàng không có đẻ.

Tuần trước nàng đã ăn uống trả bữa, nên sự trở sự trở lại bình thường nầy không biến đổi con người của nàng nữa về sau.

Cúc đã khác Hồng trông thấy. Nếu trang điểm và ăn mặc để đi ra ngoài, hơi khó phân biệt hai người. Nhưng ở nhà thì Cúc là một người đàn bà đã qua một thời kỳ sanh nở rồi, dấu vết của sự làm mẹ rõ rệt quá.

Mãi cho tới ngày ăn đầy tháng cho Thọ, Thảo và Hồng mới được Cúc cho biết số phận không may của nàng.

Hồng chỉ đón tin nầy một cách bình thường thôi. Nhưng Thảo thì tuyệt vọng trông thấy. Chàng đã nhiều lần trù liệu với Cúc là họ sẽ có chỉ có ba đứa con thôi rồi áp-dụng các phương-pháp hạn chế sinh đẻ để cho khả năng tài chánh của họ không vì số con đông quá mà bị giảm, rồi việc nuôi dưỡng ba đứa con ấy phải kém sút đi. Nhưng một đứa thì ít quá.

Một đứa con độc nhất là hủ mắm treo đầu giàn, tình cảnh là bực cha mẹ nào cũng rất sợ.

Cúc bị mặc cảm ghê lắm trước nỗi tuyệt vọng của chồng và buồn đau trong cái bữa cơm đáng lý gì phải rất vui vẻ, vui vẻ hơn ngày thường nhiều, vì đó là bữa tiểu yến gia đình, đánh dấu một ngày quan trọng.

Tuy nhiên rồi sau đó không khí trong nhà vui trở lại và vui vẻ hơn trước nhiều lắm. Nỗi sầu nào rồi cũng nguôi được, phương chi Cúc thấy chồng càng thương yêu mình hơn xưa, và nhớ ra rằng có khối đứa con một vẫn sống như thường cho tới lớn để lập gia đình và nối dõi tông đường.

Nỗi vui trong gia đình do Thọ tạo nên. Thọ đã bắt đầu tham gia vào cuộc sống rồi chớ không ngủ suốt ngày như hồi còn “trong tháng”, tuy sự tham dự của nó thật là ít oi. Nó chỉ biết ngơ ngác nhìn hết người nầy đến người khác trong bộ ba Thảo, Cúc, Hồng, với lại thỉnh thoảng chị Nhãn và con Mười.

Nó vẫn còn cười, còn khóc trong mơ, nhưng đã biết cười với ba người thân yêu nầy, cả những lúc nó thức nữa.

Người được bé Thọ nhìn nhiều nhất là Cúc. Cúc cho con bú dậm thêm sữa của nàng, lối cho bú mà khoa dưỡng nhi gọi là cho bú hỗn hợp, vừa giúp người mẹ không mất sức mà cũng giúp con không thiếu những chất bổ cần thiết mà sữa bò chưa đủ bằng sữa người.

Những lúc nó ngậm vú mà nút, nó nhìn sửng cái gương mặt của người đàn bà cúi xuống để nhìn nó.

Đó là hình ảnh đầu mùa trong đời người, và hình ảnh nầy được khắc sâu hơn bất kỳ hình ảnh tốt đẹp nào khác về sau, cho đến đỗi nhiều người tìm vợ, có khuynh hướng tìm cho được người phụ nữ có điểm nào đó giống giống mẹ của họ.

Nếu những lúc ấy mà Hồng có mặt, thì bé Thọ rất ngạc nhiên, vì trong ý thức còn mù mờ của nó, sự có mặt của hai người y nhau làm cho nó ngẩn ngơ.

Riêng Thảo, chàng bước qua một giai đoạn mới trong đời chàng, mà không phải vì chàng đã làm cha. Lẽ cố nhiên một thanh niên vừa làm cha thì là bước qua một giai đoạn mới rồi. Nhưng giai đoạn mới ấy, hiện nay bị chàng đẩy lùi ra hàng ghế sau.

Bài toán làm chàng bể đầu là bài toán Hồng.

Tối hôm ấy, Thảo hỏi vợ mà không có hậu ý gì cả.

Cái chỗ mổ ấy em nghe thế nào? Thỉnh thoảng có đau nhức gì chăng?

Hiện giờ thì như thường rồi, chớ mấy tuần trước còn ngứa ngáy sơ sơ ngoài da.

Ăn no cũng không nghe gì chớ?

Cúc cười ngất rồi nói:

Anh khéo hỏi tầm ruồng. Hai mép da nó liền lặn lại y như là hai cây sắt được hàn hơi dính lại với nhau, chớ bộ ráp sơ hay sao mà anh lo bụng nó nứt ra. Đây anh xem.

Nói rồi Cúc cho chồng xem cái vết mổ mà từ một tháng rưỡi nay, Thảo chưa hề thấy.

Chàng ngạc nhiên hết sức và nói lớn lên ý nghĩ của chàng:

Lạ quá, anh cứ tưởng đường xẻ da dài lắm, phải mổ banh cả cái bụng ra, không dè mà nó ngắn đến không thể tưởng tượng nổi thế nầy. Mấy nhà chuyên môn giải phẫu họ khéo tay thật.

Rồi chàng nói nựng như nói với Thọ:

Tội nghiệp em nhỏ tui quá, em nhỏ tui chịu đau đớn nhiều quá.

Rồi chàng hôn lên chỗ mà một tháng rưỡi trước đây sau khi hiệu quả của thuốc mê tan hết, Cúc đã phải chịu đau đớn nhiều hôm.

Cúc buồn buồn, nhột nhột cười rúc rích và hai vợ chồng nô đùa với nhau như vậy một hồi thì tự nhiên họ đi đến cái chỗ phải đến, mặc dầu Thảo thấy còn là hơi sớm.

Xác thịt của Thảo lắng dịu lại sau đêm đó phần nào và một tuần lễ qua là chàng trở lại bình thường.

Bây giờ trí chàng mới tỉnh táo để xét bài toán Hồng dưới một quan điểm khác. Chàng đã nghe là mình đã yêu Hồng nhiều lắm rồi, nhưng sự thèm muốn Hồng, chàng đã dồn ép được, hay nói cho đúng ra, tự nó tiềm tàng đi.

Nhưng không vì thế mà Thảo thấy mối nguy không còn, Cúc có thể đau ốm, hoặc bị thương trong một tai nạn nào, và nếu như sự kiện ấy xảy ra, thì đâu sẽ trở lại đó như cũ. May là nàng không thể thọ thai được nữa đa.

Chàng thấy rằng mình có bổn phận lo việc chồng con cho Hồng. Đây là cuộc gây dựng ngược đời, em mà gây dựng cho chị. Nhưng chàng là người đàn ông độc nhất trong nhà thì không muốn làm gia trưởng, vẫn phải làm gia trưởng.

Thảo nhớ đọc tiểu thuyết Huê Kỳ, chàng thường nghe nói đến những người đờn ông cần thiết trong nhà mà mới có 12 tuổi thôi.

Số là bên Huê Kỳ, nhứt là vào thời mới định cư, đất minh mông mà người rất thưa thớt, lắm khi nhà nầy ở cách nhà kia đến bốn năm cây số mà trộm cướp thì như rươi.

Những ông chủ trại chết thình lình thì luôn luôn các bà chủ trại gọi con trai của họ về ; các cậu nầy là những cậu bé 13, 14 tuổi, đang theo học ở các trường tại các tỉnh thành, vì các bà cần một... người đàn ông trong nhà cho trộm cướp nó ngán.

Cái câu phu tử tùng tử của Khổng Mạnh mà thanh nien, thiếu nữ thường chế giễu, ngay cả bên Huê-kỳ là một nước mà nữ quyền mạnh nhất thế giới vẫn cứ đúng như thường thì ở xứ ta...

Vậy, dầu là em rể (chàng cao niên hơn Hồng đến bốn tuổi, lại là đàn ông), chàng thấy chàng có bổn phận.

Hồng lấy chồng là yên việc, ra riêng hay ở chung gì cũng sẽ hết là hiểm họa đối với chàng.

Thảo nghĩ ngay đến gia đình ông phán Hoạch nhưng vội gạt ngay ý nghĩ một sự giúp đỡ của họ. Gia đình ấy có đến bốn người cố lo cho con bé Liên ; ông Phán, bà Phán và hai vợ chồng Tấn, nhưng bé Liên vẫn chưa có chồng được. Họ không dư thì giờ để giúp chàng, công việc khó hơn, vì Hồng đã lớn tuổi rồi.

Thảo thấy mình phải giao thiệp mới được.

Sở của chàng làm, ít nhân viên quá! Một họa công, một thầy thơ ký vừa đánh máy, vừa làm kế toán, vừa làm điện thoại viên, vừa chạy ngoài, một anh tùy phái.

Anh họa công thì không có tương lai gì cả. Anh ta có tham vọng làm họa sĩ, nhưng tài anh ta lại non kém quá. Còn nuôi mộng làm nhà thầu như bao nhiêu họa công của kiến trúc sư khác, anh ta không hề nghĩ tới, vả anh ta mà có nghĩ tới việc đó, cũng không có nghĩa là anh ta có tương lai, bởi trong một trăm họa công có tham vọng, không được mười họa công đủ điều kiện nhảy ra làm nhà thầu và không được hai người thành công trong nghề mới đó.

Còn thầy thơ ký kiêm bút toán, kiêm điện thoại viên thì quá xấu trai, chắc Hồng không khứng lấy anh nầy làm chồng đâu.

Cuộc giao thiệp phải diễn ra ngoài sở, ở các công tư sở khác, mới được.

Lạ quá, không chú ý tới thì thôi, nhưng khi Thảo tìm người độc thân thì thấy sao mà họ đông vô số kể. Những thanh niên công tư chức mà chàng quen biết sơ sơ ấy, hết 85 phần trăm chưa vợ.

Thảo lạc quan ghê lắm. Vãi chài xuống hằng ngàn con cá đó, làm thế nào lại không được một con?

Người con trai đầu tiên mà chàng đưa về nhà là một thơ ký ty Kiến-thiết Đô-Thành.

Qua lại thường với sở nầy hơn hết, Thảo nhắm con cá ấy trước nhứt. Thầy Đức nầy đã giúp đỡ chàng nhiều việc lặt vặt chỉ do lòng tốt của thầy ta cả. Thế nên Thảo rất có lý do để mời anh ăn một bữa cơm trưa chúa nhựt tại nhà, nói là ăn đầy tháng cho con, chớ thật ra bé Thọ đã được sáu mươi lăm ngày rồi. Đức cũng có lý do để nhận lời dễ dàng bởi họ gặp mặt nhau mỗi tuần ít nhứt là một lần, mà như vậy đã bốn năm rồi.

Bữa cơm hôm đó có Tấn mà không có Liên. Cố nhiên là phải giấu cô bé Liên đi. Cô bé ấy giờ đẹp quá, đẹp hơn hai năm trước nhiều lắm, và trẻ hơn Hồng nhiều, và với tánh hay nói và tinh nghịch của cô ta, cô ta sẽ nổi bật lên và nhận chìm Hồng mất.

Tấn tới trước Đức rất lâu và Thảo, Tấn, hai người đang chơi ván cờ tướng thứ bảy thì Đức ngừng xì cút tơ trước cửa ngôi biệt thự trá hình đường Huỳnh quang Tiên.

Thảo chạy ra, nhưng Đức cứ đứng đó mà nhìn ngôi nhà mãi chớ không chịu vào, giây lâu hắn cười nói:

Nhớ đâu hình như chính anh đã xin phép sửa ngôi nhà nầy. Tôi nhớ dáng dấp của nó trong xấp đồ án kèm theo đơn.

Đích thị.

Nhưng sao anh nói là của một người quen.

Hề hề... thật ra lúc đó tôi chỉ mới đi hỏi vợ tôi đây chớ chưa cưới, mà cũng chưa làm đám hỏi nữa, nên không thể bảo là của vị hôn thê của tôi. Với lại để thử xem anh có sẵn lòng giúp một người không thân của tôi hay không.

Khéo lắm! Trông đồ sộ quá!

Bây giờ đã mười hai giờ trưa rồi, nên chủ nhà cho khách uống khai vị ngay để rồi ăn liền.

Cả hai thực khách đều từ chối rượu mạnh, chỉ đòi uống bia thôi. Thảo nói:

Tôi làm thân mật nên chỉ cỏ hai bạn thôi. Ta không phải đợi ai nữa thì giải khát xong là ăn ngay nhé.

Chủ nhà trọn quyền hành động. Tấn cười đáp.

Hắn đã biết cả mưu kế của Thảo nên tùng đảng với ông em rể này về mọi mặt.

Thảo đi ra sau ba phút rồi trở lên uống bia với họ, ghé buồng chàng để ẵm bé Thọ ra trình diện với khách.

Đức dĩ nhiên không biết trẻ một tháng khác với trẻ trên hai tháng thế nào nên không ngạc nhiên khi thấy bé Thọ.

Đã cúng chưa? Chàng hỏi.

À, tụi tui không biết cúng vái làm sao hết nên bỏ luôn vụ đó.

Cháu nó bóc cái gì?

Tấn cười ngất rồi giải thích cho cả hai người nghe, cả cái ông cha thời đại trẳng-dít-to cũng không biết lễ nghi ngày cũ.

Cho trẻ chọn đồ vật để đoán nghề nghiệp của chúng nó về sau là ăn thôi nôi kia, chớ ăn đầy tháng chúng nó còn bé quá, đâu có biết bóc gì.

Vậy à?

Hồi chưa có đứa con đầu lòng, tôi cũng dốt như hai anh.

Tới bây, Đức đã biết nhiều việc về Tấn. Tấn là cán sự vô tuyến điện, có vợ và hai con, bạn thân của gia đình bên vợ của Thảo, và chính của Thảo nữa.

Ly bia của họ chưa cạn mà chủ nhà đã mời họ vào trong, bưng cả ly rượu cho hai người khách vào.

Phòng ăn là quãng nhà trống, một căn trọn, nằm giữa hai buồng ngủ, ngay sau vách thờ. Theo lối kiến trúc của ta, nhà ba căn, với buồng khách chiếm trọn cả ba căn phía ngoài trước, thì buồng ăn chỉ có thể đặt ở chỗ nầy, không sao khác hơn được.

Thảo trao con cho chị Nhãn rồi mời hai người bạn trẻ ngồi lại bàn, cơm đã dọn xong cả rồi. Chàng lên tiếng gọi Hồng và Cúc và từ hai cửa buồng ngủ bước ra hai phụ nữ mà Đức chưa kịp thấy vì chàng bận xô ghế đứng dậy để chào họ.

Cúc vợ tôi, Hồng em vợ tôi - Anh Đức, người đã cho ta giấy phép để sửa chữa nhà nầy.

Bấy giở Đức mới chưng hửng, nhìn sững hai người phụ nữ nầy, cả hai đều mặc áo dài Nylfranc, một màu, màu dà như ni cô, một màu xám tro.

Thảo cười nói.

Hồng và Cúc sanh đôi.

À, ra vậy.

Đức cười rồi ngồi xuống, lấy làm thú lắm. Chàng hỏi:

Như nếu không có màu áo thì làm thế nào để phân biệt chị Thảo với lại cô Hồng?

Dễ ợt, anh tới chơi độ ba tuần thì biết ngay.

Thảo nói láo trắng trợn mà không ngượng miệng vì chàng ta đã tập thầm trong bụng vụ nói láo nầy non một tháng rồi.

Thảo giới thiệu thêm:

- Hồng làm ở ngân hàng VNTM còn vợ tôi thì ở nhà lo nội trợ.

Chàng định rằng tư cách đi làm của Hồng sẽ có sức nặng trong quyết định của Đức, vì chàng biết sở dĩ thanh niên ngày nay kéo dài đời sống độc thân quá lâu, gần y như ở các nước Âu châu, khiến cho con gái ta khó lấy chồng quá sức, chỉ vì cuộc sống quá khó khăn.

Ngày xưa một anh thơ ký ăn lương ba chục bạc, có thể có dư. Ngày nay họ ăn bốn ngàn mà cứ thiếu. Đồng lương không vượt theo kịp giá sinh hoạt, dân ta lại đã bị Âu hóa nên có nhu cầu quá sức.

Thảo có một người anh họ, vai anh, nhưng cao niên hơn chàng đến ba mươi tuổi. Anh ấy kể rằng lúc anh ta còn thanh niên, ra làm thầy giáo “tổng”, tức là giáo viên có bằng tiểu học Pháp Việt, mà thuở ấy ta gọi là bằng sơ học, anh ấy chỉ lãnh có 20 đồng bạc lương thôi. Thế mà ngày cuối tháng, anh ta lãnh tiền xong, không hiểu làm gì với số tiền đó, đành gởi mẹ để về sau mua ruộng vậy.

Thuở ấy ta không đọc sách báo, không mặc bi-da-ma không sắm ra-dô trẳng-dít-to, không sắm bút máy, ta chỉ mặc âu phục may bằng “toan” trắng 4 đồng một bộ, chỉ đi giày bố 1 đồng rưỡi 1 đôi, không đi Sài gòn mỗi tuần để xem xi nê (anh ấy làm việc ở một tỉnh gần Sài gòn).

Ta đã thế, mà đàn bà ta, vợ các thầy cũng chỉ mỗi cô sắm ba bốn chiếc áo dài là cùng, mặc tới rách mới sắm cái khác, mà áo lâu rách lắm bởi may bằng lụa Trung Hoa, lụa nầy dệt bằng tơ tằm, bốn năm chưa rách một chiếc.

Họ không uốn tóc mỗi tháng, không làm tóc mỗi tuần, không son phấn, nước hoa, tóm lại họ không mắc tiền quá sức như phụ nữ ngày nay.

Hồng đi làm tức là sẽ đỡ cho quỹ gia đình của họ không biết bao nhiêu.

Đức ăn nói hoạt bát, rất giỏi nịnh đầm, chớ không lờ khờ như Thảo mấy năm trước. Thảo nhận xét như vậy nhưng đồng thời, chàng cũng hơi hơi thất vọng mà thấy con cá ấy không hề bị tiếng sét ái tình như chàng, lúc chàng mới thấy mặt Cúc hồi đầu.

Không, giỏi trấn tĩnh tới đâu, con ngươi cũng không giấu được trọn vẹn xúc động của họ.

Tuy nhiên rồi Thảo tự an ủi rằng tình yêu có thể đến lần lần, chớ không phải mối tình nào cũng bắt buộc do một tiếng sét ban đầu mà ra.

Đức hỏi Hồng:

Cô Hồng biết con Diệp chớ? Nó cũng làm chung một ngân hàng với cô?

Có phải chị Diệp hay mặc đồ đầm ấy không?

Chính nó đó.

Em biết. Chị ấy đánh máy. Vì có tới hai Diệp nên em phải hỏi như vậy.

Nó là em cô cậu của tôi.

Vậy à?

Thảo rất mừng trước chi tiết nầy. Thế là Đức sẽ có đầu dây mối nhợ để mà họ hỏi về hạnh kiểm của Hồng. Đó là một lợi thế rất cần cho con trai tìm vợ, lắm cậu ưng ý một cô nào đó lắm, nhưng không hề bước tới, chỉ vì các cậu bí về đời tư của các cô quá, khó lòng mà dò xét được như ở tỉnh hay ở thôn quê!

Trong một thành phố lớn như Saigon, mỗi gia đình là một cái hộp riêng, lắm khi gái nhà bên nầy có chửa hoang mà nhà bên kia cũng không hề hay biết gì bết. Mỗi người sống với thế giới của họ nhiều hơn là sống với chòm xóm, thành thử muốn biết rõ họ, chỉ cỏ cách là len vào giới của họ thôi.

Bữa ăn không vui lắm vì có một người khách lạ, nhưng cũng không buồn tẻ vì ai cũng biết nói chuyện cả.

Thảo không được phấn khởi nhiều nhưng chàng vẫn cho là tạm được, nhứt là sau bữa ăn, họ ra cả ngoài trước để ăn tráng miệng và uống nước, Cúc phải rút vào buồng săn sóc con, Đức chỉ còn nói chuyện với Hồng thôi, và xem ra hai người không có “đối lập” với nhau lần nào về vấn đề gì cả.

Cốt là làm thế nào cho Đức trở lại, cho hắn có dịp để mà trở lại một cách tự nhiên.

Thế nên Thảo hỏi:

Anh Đức có thích chơi cờ tướng không?

Cũng thích, nhưng tôi thấp lắm.

Tôi cũng vậy. Tối tối anh giải trí bằng cách nào.

Cũng tùy.

Đêm nào buồn lắm thì anh cứ tới chơi, đánh với tôi vài ván. Tôi thì luôn luôn nằm nhà ban đêm.

Sao vậy, bị chị Thảo bỏ tù à?

Cả nhà cười rộ lên.

Không, tôi hết muốn đi. Rồi anh cũng thế. Khi người ta lập gia đình là người ta chán đi rồi.

Còn như chưa chán?

Chưa chán thì người ta ở vậy. Tuy nhiên nếu vì bổn phận bắt buộc phải cưới vợ hoặc vì bị tiếng sét nào, người ta cưới vợ thì người ta cũng chán đi chơi vì niềm vui do đời sống gia đình tạo nên, cũng không kém niềm vui với bạn hữu bên ngoài.

Sau bữa ăn đầy tháng ấy, Thảo đợi non một tháng mà không thấy tâm dạng của Đức đâu cả. Có gặp nhau ở công sở, họ nói chuyện công việc rồi thôi, Thảo không nói gì: sợ nài nỉ quá, Đức nó ngỡ Hồng có chửa hoang nên gia đình cuống lên chăng?

Đúng hăm bốn ngày, sau bữa cơm không bao giờ được “tái bản”, Thảo tới tìm Đức một đêm kia, tại nhà hắn.

Đức sửa soạn ra đi, thấy khách, hơi khó chịu, nhưng vẫn đó tiếp Thảo rất lịch sự.

Có chuyện gì cần lắm không, chủ nhà hỏi.

Không, tôi buồn quá, đi thăm anh vậy chớ không có mục đích gì hết.

Buồn thì đi chơi với tôi.

Cũng được, nhưng sẽ làm mất vui anh không?

Tôi cũng buồn muốn chết, đi bậy vậy thôi chớ không có hẹn với thằng nào cả.

Vậy thì đi.

Hai người bạn không thân nầy đi bộ, vì kẻ hướng đạo còn chưa biết đi đâu. Họ ra khỏi nhà Đức ở đường Nguyễn thiện Thuật, nói chuyện cà kê dê ngỗng rất lâu, tới chừng Đức sực nhớ lại vị trí thì thấy họ vừa tới một hẻm đường Phan đình Phùng, ngõ hẻm tư, nhưng rộng, hai xe tránh nhau được, có đèn đường và được tráng nhựa.

À, hay là ta ghé nhà chị Khánh chơi, Đức đề nghị.

Chị Khánh nào?

Một thiếu phụ ly dị chồng. Hay lắm, để rồi anh sẽ biết.

Chị Khánh nầy quả hay thật, đúng như Đức đã khen trước. Chị không đẹp mà cũng không còn trẻ nữa, dễ thường đã trên ba mươi rồi, với lại bốn đứa con trên tay.

Nhưng buồn đến đâu, tới đây nửa tiếng đồng hồ kẻ sầu muộn nhứt đời cũng trở nên lạc quan.

Chị Khánh chỉ thấy toàn những khía cạnh tốt đẹp của cuộc đời và những điểm buồn cười trong mọi tấn thảm kịch.

Có lẽ Đức đã quen thưởng thức duyên khôi hài của chị Khánh quá, rồi đâm ngấy hay sao không rõ mà ngồi mới được bốn mươi phút, Thảo nghe đâu chừng mười lăm phút thôi, hắn đã đòi đi.

Hắn kéo chàng vào một quán giải khát bình dân, sau khi ra khỏi hẻm, kêu hai chai xá xị con nai rồi hỏi:

Anh thấy thế nào?

Chị ấy hay lắm.

Vậy mà số phận hẩm hiu lắm đó. Chị ấy ly dị với chồng cách đây năm năm, trước luật gia đình của bà cố…

Chồng chị ấy có vợ bé à?

Không. Anh Khươug là một tham sự ở bộ Cải cách điền địa, người rất đứng đắn, một người chồng, một người cha gương mẫu. Mãi đến bây giờ anh ấy cũng chưa lấy vợ khác.

Nhưng sao lại...Chị ấy không được đứng đắn?

Cũng không. Chị ấy là người nết hạnh lắm.

Thế thì chỉ trời mà hiểu.

Để tôi kể hết anh nghe. Chị ấy làm thơ ký cho một hãng tư. Hồi mới lấy nhau, anh Khương không cho ý kiến gì cả về việc đi làm của chị Khánh. Chừng có đứa con đầu lòng rồi và khi đứa bé được hai tuổi, anh ấy mới bắt đầu bực.

Số là đôi khi ảnh đi làm về sớm, bắt gặp kẻ ăn người ở bỏ phế công việc nhà và nhứt là họ bỏ bê đứa bé, nó lết xuống nhà bếp nó bóc cứt gà nó ăn mà không đứa nào trông thấy cả.

Anh Khương đặt thẳng vấn đề với chị Khánh là gia đình không thể thiếu một người trong hai người mà sức khỏe và giáo dục của con cái xong xại được.

Chị Khánh cũng nhận là thế, nhưng cứ phớt đi, mỗi lần anh Khánh khuyên chị nên xin thôi. Thế là vợ chồng bắt đầu lục đục từ thuở đó.

Chị Khánh tánh không cương quyết, không quyết định gì được, mà người ta quyết định giùm chị, chị không dám theo. Với lại chị tiếc cái chỗ làm. Đàn bà ta ngày nay cũng như đàn bà Âu Châu, họ thích độc lập về tài chánh.

Thế mà sự sống chung của họ cũng kéo dài được ba lần sanh nở của chị Khánh nữa. Tuy nhiên cái hố chia rẽ vợ chồng mỗi ngày mỗi bị đào sâu thêm, không vì sự bất đồng ý kiến mà vì sự im lặng cố lì của chị Khánh mỗi lần anh Khương đặt vấn đề.

Không có gì chọc tức đối phương hay cho bằng thái độ câm lặng của ta, thế nên ngày kia thì giông tố nổi lên.

Cũng tội nghiệp.

Tội nghiệp ai?

Thì tội nghiệp chị ấy chớ còn tội nghiệp ai nữa.

Sao lại tội nghiệp chị ấy? Anh Khương bị “ốp” lương để chị ấy nuôi bốn đứa con thì chị ấy có mất gì đâu?

Mất hạnh phúc gia đình.

Là tại chị ấy ngoan cố.

Anh chống lại phụ nữ chức nghiệp à?

Đâu có. Đàn bà cứ đi làm, nếu lương họ đủ thuê vú chuyên môn, vừa tận tâm, vừa biết vệ sinh là gì, vi trùng là gì. Bằng không thì thôi. Chắc anh không thấy chớ tôi thì chứng kiến rất thường cảnh người ở săn sóc trẻ con.

Anh biết không, chiều lại, sóng gió đùng đùng mà hễ chúng nó thấy đồng hồ chỉ năm giờ rưỡi là chúng nó bắt trẻ ra đứng cạnh hồ nước rồi lấy gáo múc nước xối ào ào trên đầu trẻ con, mặc trẻ con la khóc vì ngộp thở, chúng nó chỉ xối cho đủ mười gáo để coi cho có vẻ sạch rồi chúng nó mặc quần áo vào cho trẻ con, không buồn lau nữa, thế là khi về chúng nó trình diện “em đã được tắm rửa rồi, cậu mợ à!”

Thế nên tôi cũng quan niệm như anh Khương là trong gia đình phải có một người, người đó là người chồng cũng được, miễn là con cái được săn sóc châu đáo.

Nhưng nếu một trong hai người mà làm không đủ ăn.

Thì đừng lập gia đình.

Thảo không còn ngạc nhiên nữa vì Đức không trở lại. Lương hắn bằng lương tham sự, nhưng hắn có nhiều nhu cầu quá, chưa chắc Hồng chịu bỏ sở làm, mà Hồng có bỏ, hắn cũng sợ không đủ xài.

Chàng không thấy Đức nói bậy. Quả hai vợ chồng đi làm cả thì con cái phải chịu cảnh săn sóc lôi thôi. Ta mà còn cha mẹ cũng không hơn gì, bởi các cụ thương cháu lắm, nhưng các cụ lại không tin vệ sinh, thành thử giao trẻ cho các cụ, chúng nó vẫn chết oan như thường.

Đây là một vấn đề mới lạ, không một khía cạnh mới lạ của tình trạng độc thân của nhiều thanh niên mà Thảo mới được nghe trình bày lần đầu. Mấy mươi năm nay người ta say mê tranh đấu cho phụ nữ chức nghiệp mà quên mất vấn đề nuôi, duỡng và nhất là giáo dục con cái.

Lạc hậu coi thế mà cũng có chỗ hay của nó.

Thảo chia tay với Đức hơi buồn buồn, nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Chàng không mát tay, chỉ có thế thôi.

Con cá tuy ngon, không chài được cũng tiếc nhưng vẫn còn nhiều con cá khác, ngon không kém.Vả lại nghĩ đến cái nỗi khó khăn về săn sóc và giáo dục trẻ con, có lẽ chỉ có Đức thôi, các anh con trai khác thì vấn đề sẽ khác, nhưng không vấn đề nào bể đầu như vấn đề của Đức