Minh Triết Trong Đời Sống

Thần chết và đời sống

Ken và Lola là một cặp vợ chồng mới cưới. Lola là người có đời sống tinh thần khá cao, cô thường đọc sách vở về tâm linh, tham thiền và cầu nguyện hàng ngày, trong khi Ken thì không tin tưởng gì đến những điều mà vợ anh coi trọng. Lola phải nài nỉ mãi Ken mới chịu tháp tùng vợ đi nghe buổi diễn thuyết của tôi. Lola nói:

- Thưa bà, tôi muốn cuộc hôn nhân của tôi được tốt đẹp, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có hạnh phúc dài lâu nếu chồng tôi biết chú trọng đến vấn đề tinh thần nhiều hơn vật chất. Nếu cả hai chúng tôi đều biết hướng về một mục tiêu chung là tinh thần thì chúng tôi có thể tránh được các cạm bẫy của vật chất, tránh được các đổ vỡ đau thương do cuộc sống hưởng thụ đầy xa hoa phung phí mang lại.

Ken cãi lại ngay:

- Thưa bà, vợ tôi muốn làm gì thì làm, đó là quyền của cô ấy nhưng đừng kéo tôi vào cuộc chứ. Tại sao tôi phải chú trọng đến những vấn đề tinh thần? Từ nhỏ tôi rất cực khổ, bây giờ có việc làm tốt, có đầy đủ tiện nghi vật chất thì phải hưởng thụ chứ. Sau này khi về già nếu muốn thì tôi có thể nghĩ đến vấn đề tinh thần sau. Khi đó đâu đã muộn, còn thiếu gì thời giờ để làm. Dù cho khi về hưu sau 65 tuổi tôi cũng còn đủ sức theo đuổi các vấn đề tinh thần kia mà. Bà nghĩ sao? Liệu tôi đúng hay vợ tôi đúng?

- Không ai có thể nói rằng ông đúng hay sai. Việc này chỉ mình ông biết nhưng bất cứ quyết định gì cũng phải dựa trên những dữ kiện thực tế chứ không thể giả tưởng được. Trước hết hoạt động tâm linh không hề ngăn cách với đời sống hiện tại mà là một phần của đời sống hàng ngày. Hoạt động tâm linh không có gì khác thường, không có nghĩa phải từ bỏ các hoạt động hàng ngày để theo đuổi một cái gì xa vời. Đi theo con đường tâm linh là sống cho ra sống, sống thoải mái với cuộc sống, sống một cách có ý thức và chủ động chứ không phải sống một cách máy móc thụ động. Muốn được như vậy chiều hướng tâm linh phải là trung tâm của ông và trung tâm của tất cả những hoạt động của ông. Làm sao để các năng lực của ông đều phát xuất từ cái trung tâm đầy an tĩnh và sáng suốt ấy. Trung tâm này càng mạnh thì sức khỏe, công việc, các mối quan hệ của ông càng ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, và đời sống sẽ trở thành một ân phước thay vì là một cái gì đó mà ông phải vật lộn, phấn đấu.

Bây giờ chúng ta hãy xét đến vấn đề thời gian. Tôi muốn lưu ý ông về câu nói rằng lúc nào chúng ta cũng có thời giờ, ngoài sáu mươi vẫn có thể theo đuổi những công việc như ý muốn. Liệu ông có chắc rằng ông sẽ sống đến tuổi sáu mươi hay không? Trong cuốn Journey to Ixtlan nói về cuộc tìm đạo của một người tên Castaneda với đạo sư Don Juan. Đạo sư Don Juan nói rằng: “Thần Chết là người bạn đồng hành luôn luôn đi sát bên cạnh chúng ta, gần đến nỗi chúng ta chỉ giơ tay ra là có thể chạm đến hắn”. Dĩ nhiên anh chàng Castaneda không muốn nghĩ đến cái chết, anh chỉ muốn học hỏi những kiến thức kỳ lạ, những điều huyền bí, những phép thuật của Don Juan nên tỏ ra khó chịu. Don Juan bèn khuyên bảo: “Con chớ nên bắt chước mọi người cứ nghĩ rằng mình không bao giờ chết mà đòi làm những việc vĩ đại, kinh thiên động địa, vá trời lấp biển mà nên ý thức rằng Thần Chết là vị cố vấn khôn ngoan nhất mà con sẽ gặp”.

Đức Phật đã đề cập đến việc này qua câu chuyện sau: “Một người đi trong rừng thì gặp một con cọp dữ, anh bỏ chạy và cọp đuổi theo. Anh chạy mãi rồi gặp một vực thẳm sâu hun hút đầy những tảng đá nhọn hoắt, nhảy xuống thì cũng chết mà đứng lại thì bị cọp ăn thịt. Bất chợt anh nhìn thấy một cành cây đu đưa giữa bờ vực, anh vội chồm lên bám vào cành cây này. Vừa bám vào cành cây anh đã trông thấy hai con chuột, một đen một trắng đang gặm nhấm cành cây. Trong giây phút đó anh nhìn thấy một trái cây nhỏ xinh xinh mọc trên cành, anh vội hái ăn mà quên đi hoàn cảnh khốn cùng. Anh xuýt xoa khen ngợi vị ngọt của trái cây, quên cả con cọp đang gầm gừ bên cạnh, quên cả vực sâu đầy những tảng đá nhọn hoắt, quên cả hai con chuột đang gặm nhấm cành cây. Anh chỉ ước ao có thể tìm thêm một vài trái như vậy để ăn cho đã thèm thì sướng biết bao”.

Khi chìm đắm trong sự vui sướng, chúng ta quên những vô thường của cuộc đời. Cuộc đời chẳng bao giờ bằng phẳng êm xuôi mà luôn luôn có những biến động, ví như mặt biển trước cơn giông tố. Chúng ta quên thời gian đang gặm nhấm cuộc đời chúng ta không ngừng như hai con chuột đen và trắng (Ngày và Đêm). Dù chúng ta đẹp đẽ hay xấu xí, giàu có hay nghèo hèn, khôn ngoan hay khờ dại thì chúng ta cũng không thể thoát khỏi cái chết. Giống như con cọp trong câu chuyện trên, cái chết đang rình rập chúng ta, theo đuổi chúng ta, không chờ đợi đến lúc tuổi già. Những tảng đá nhọn hoắt dưới đáy vực sâu tượng trưng cho những sự bất ngờ, tai nạn, sự tàn phá của con người, thiên tai, động đất, bệnh tật, chiến tranh, v.v. Bất cứ lúc nào cái chết cũng có thể đến với chúng ta, Thần Chết luôn luôn đứng cạnh chúng ta với chiếc lưỡi hái giơ cao sẵn sàng bổ xuống. Người châu Á có câu thành ngữ: “Lúc hoàng hôn xuống, chớ tự hào rằng ngày mai bạn sẽ thức dậy như thường lệ”. Để đối phó với cái chết, chúng ta không thể trốn chạy nó được mà chỉ có một cách là sẵn sàng đối mặt với nó bất cứ ở đâu và lúc nào. Hãy sống làm sao để cho Thần Chết không gặp mình lúc mình chưa chuẩn bị. Vậy hãy sẵn sàng ngay từ bây giờ.

Tóm lại, vấn đề không phải là việc chứng minh rằng anh nên hay không nên theo đuổi vấn đề tâm linh với vợ anh, mà ở chỗ anh sẽ phải làm gì một cách thiết thực với cuộc đời của anh. Đừng quên Thần Chết lúc nào cũng lảng vảng ở bên cạnh tất cả mọi chúng ta.