Minh Triết Trong Đời Sống

Sống Nghèo

Victor rời bỏ dòng tu khổ hạnh sau hơn ba năm tu tập, anh đang cố gắng thích hợp với cuộc sống thế tục. Anh tâm sự:

- Thưa bà, tôi không sao thích hợp với cuộc sống hiện tại. Tôi không tìm được việc làm hay giữ được việc làm nào lâu. Không phải vì thiếu khả năng hay không chịu cố gắng mà vì lời nguyện sống nghèo cứ ám ảnh đầu óc tôi. Lòng coi thường của cải vật chất, tiền bạc, và các giá trị thế tục đã khiến tôi trở nên lúng túng. Muốn tu thì không được mà sống như người thế tục cũng không xong. Tôi không biết phải làm sao đây.

- Phần lớn những người tu xuất cũng đều gặp những khó khăn tương tự như anh. Không cần phải là một tu sĩ mới biết thông điệp ở Thánh Kinh: “Người giàu đến với Thượng Đế khó như con lạc đà chui lọt qua lỗ kim”, hoặc “Tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi”. Tôi muốn chia sẻ với anh vài điều may ra có thể giúp được cho anh. Anh vẫn tham thiền đều đặn đấy chứ?

- Có chứ, không bao giờ tôi bỏ tham thiền.

- Khi còn sống trong tu viện, anh đã tham thiền như thế nào để xả bỏ các ràng buộc?

- Tôi dâng hiến các điều đó cho Thượng Đế rồi suy ngẫm về sự vô ích hay các hậu quả tai hại của chúng.

- Tốt lắm, anh cần ý thức rằng bám giữ vào sự nghèo khổ dù ý thức hay vô ý thức cũng vẫn là một ràng buộc.

Nhiều người cứ bám giữ vào nếp sống nghèo cũng giống như người giàu bám giữ vào của cải vật chất vậy. Muốn trừ tận gốc sự bám giữ này thì phải biết từ bỏ lòng ham muốn. Anh cần ý thức rằng chính Thượng Đế đã đưa anh ra khỏi tu viện và đặt anh vào cuộc đời vì một mục đích cao cả nào đó. Anh hãy dâng hiến sự bám víu vào cảnh nghèo của anh cho Ngài rồi suy ngẫm về các hậu quả không ích lợi gì của sự nghèo khó đối với vai trò mới trong cuộc đời của anh.

Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện ngắn như sau: Hoàng Đế Asoka cai trị một vương quốc lớn ở miền Bắc xứ Ấn, ông là một bậc quân vương có đời sống tâm linh rất cao nhưng đồng thời cũng làm chủ nhiều kho tàng to lớn. Một hôm, có một tu sĩ đến mời vua đi dạo để đàm đạo về triết lý. Nhà vua thay đổi y phục như thường dân cùng đạo sĩ đi quanh thành phố mà không mang theo một người hầu cận nào. Tu sĩ chỉ quấn một chiếc khố rách, tay ôm một bình bát nhỏ tượng trưng cho hạnh sống nghèo. Ông vừa đi vừa giảng cho vua nghe về Thượng Đế rồi nói: “Nếu muốn đến gần Thượng Đế thì Ngài phải biết xả bỏ tất cả, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ con, cung nữ, nhạc công, triều thần, văn quan, võ tướng và toàn thể vương quốc thì mới có thể đạt đến kết quả mong muốn được”. Nhà vua gật đầu: “Được lắm, tôi sẽ làm như vậy”. Tu sĩ ngạc nhiên hỏi lại: “Nhưng liệu bao giờ thì ngài có thể từ bỏ hết những điều này?”. Nhà vua trả lời: “Ngay trong lúc này”. Tu sĩ kinh ngạc nhưng không nói gì và cả hai tiếp tục đi dạo. Bất chợt có kẻ bất lương ở góc đường xông ra cướp lấy cái bình bát khất thực của đạo sĩ rồi chạy mất. Đạo sĩ nổi giận chửi một tràng dài bằng những lời lẽ thô tục nhất. Vua Asoka bật cười nói lớn: “Này ông bạn, ông chỉ có mỗi một cái bình bát cũ thôi vậy mà ông còn gắn bó vào nó hơn cả tôi đối với tất cả mọi sự giàu sang, phú quý hay giang sơn gấm vóc này nữa”.

Câu chuyện này cho ta thấy rõ nghèo khó hay giàu sang tự nó không phải là xấu hay tốt, mà chính tâm thức chúng ta đã đặt vào đó những giá trị mà tự chúng ta không có. Chính sự ham muốn đã giam hãm chúng ta, dù ham muốn giàu hay nghèo thì vẫn là một sự ham muốn vậy. Giống như một con nhện trong màng lưới của nó, chúng ta cũng bị nhốt trong nhà tù do chính tâm chúng ta tạo ra. Muốn thay đổi thì chúng ta cần phải biết xả bỏ lòng ham muốn đó đi. Sri Aurobindo nói rằng tiền bạc là một biểu hiện của sức mạnh đại đồng, ông dạy học trò: “Nếu những người đi trên đường đạo từ bỏ sự giàu có thì họ đặt quyền lực vào tay các sức mạnh đối nghịch. Chiếm lại các quyền lực vốn của thiêng liêng để sử dụng một cách cao quý cho mục đích thiêng liêng là mục đích của Yoga”. Ngài khuyên các đệ tử không nên tránh né tiền bạc mà cũng không làm nô lệ cho chúng, vì chúng ta chỉ là những kẻ quản lý đồng tiền để sử dụng chúng một cách thận trọng và không ích kỷ mà thôi.

Theo tôi, anh hãy dâng hiến mình cho Đức Mẹ thiêng liêng để Ngài sử dụng vào mục đích của Ngài chứ không hành động cho mục đích của mình hay của ai khác. Sự suy ngẫm thâm sâu về các giá trị mới này sẽ giúp anh cởi bỏ sự gắn bó với hạnh nghèo và không còn làm người chỉ biết lánh đời để sống khổ hạnh. Biết loại bỏ lòng gắn bó sẽ giúp anh không cảm thấy thiếu thốn khi nghèo mà cũng không thấy ham muốn khi giàu, biết chấp nhận hoàn cảnh một cách ung dung tự tại.

- Muốn được như thế thì phải mất bao lâu?

- Cái đó tùy ở mức độ nhiệt thành và quyết tâm thay đổi của chính anh.

- Nhưng thưa bà, sao tôi thấy thay đổi khó quá?

- Này anh bạn, chúng ta đều là những kẻ đang tập kịch trên sân khấu cuộc đời. Đa số chúng ta không biết vậy nên đã đồng hóa mình với vai trò được giao phó. Điều này làm ta cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi để đóng một vai trò khác hay diễn một vở kịch khác. Biết mình chỉ là một diễn viên thì ta hãy cố gắng đóng trọn vai trò đã được giao phó, còn việc điều khiển thì hãy để cho người đạo diễn lo. Văn hào Shakespeare nói rằng thế gian này là một sân khấu nhưng ông không nói rõ rằng chỉ có Thượng Đế mới là đạo diễn mà thôi.