Minh Triết Trong Đời Sống

Gãi Ngứa

Mandy cho biết cô không thích theo một tôn giáo hay đường lối nào. Trong suốt 10 năm nay cô chỉ tham thiền đều đặn, chú tâm vào tự thân chứ không nhằm đến thực tại vô ngã hay một vị thần linh nào, cô cố gắng quán xét về sự dối trá lừa gạt của cái trí. Cô nói:

- Tham thiền đã rọi sáng cho tôi thấy rằng dục vọng là cây gai lớn nhất trong da thịt mình, nó bịt mắt chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong cái vòng quay cuồng không bao giờ chấm dứt. Trước đây mấy năm tôi đã dự một buổi thảo luận của bà và bà đã đề cập đến những điều liên quan đến dục vọng mà tôi không thể quên được. Bà nhắc lại lời một đạo sư nói rằng khoảng cách giữa chúng ta và Thượng Đế tương ứng với số dục vọng của chúng ta. Gần đây tôi quan sát thật kỹ cái trí của tôi thì mới thấy các dục vọng đã lôi cuốn tôi đi trước khi tôi nhận biết, giống như cái máy ấn nút là chạy. Dục vọng nổi lên, đèn xanh bật, chân tôi chuyển động là trí óc tôi tự động sắp xếp, hình như không còn ai can thiệp nổi nữa. Bà có thể chia sẻ với tôi sự hiểu biết của bà về việc này không?

- Vị đạo sư Ấn Độ mà cô vừa đề cập đến đã nói câu đó trong trường hợp sau. Một buổi sáng ngài đang thuyết giảng cho các đệ tử thì thấy một thanh niên trẻ tuổi ngồi ở cuối phòng đang gãi lưng. Ngài bèn hỏi:

- Này anh bạn, anh làm gì vậy?

Thanh niên trả lời:

- Tôi đang gãi lưng.

- Anh cảm thấy dễ chịu chứ?

- Dĩ nhiên rồi, gãi ngứa luôn luôn dễ chịu.

Đạo sư lắc đầu:

- Không phải sự gãi ngứa làm anh thấy dễ chịu đâu, mà thực ra anh cảm thấy dễ chịu vì sự gãi đó làm cho cái ngứa biến mất. Cũng như thế, dục vọng cũng như chỗ ngứa đã lôi cuốn chúng ta phải hành động, phải “Gãi chỗ ngứa” và gãi mãi không thôi. Mỗi khi dục vọng nổi lên đòi hỏi thì chúng ta liền chú ý đến chúng và kiếm đủ mọi cách để làm thỏa mãn chúng. Sự thỏa mãn này đem lại một sự bình an tạm thời trong tâm trí chúng ta. Rất ít ai nhận thức rằng sự bình an này chỉ hiện diện trong một khoảng thời gian ngắn giữa hai dục vọng mà thôi. Thời gian giữa hai dục vọng càng lâu thì chúng ta càng cảm thấy bình an nhiều hơn. Nói một cách khác, bình an là “khoảng giữa” của các tư tưởng, là chỗ nước lặng yên giữa hai ngọn sóng, là lúc cái trí đang lặng yên.

- Như vậy hậu quả việc thỏa mãn các dục vọng này ra sao?

- Thỏa mãn dục vọng như vậy cũng giống như đổ dầu vào lửa để dập tắt lửa. Sự thỏa mãn này chỉ làm gia tăng nhiên liệu cho dục vọng, vì mỗi khi chiều theo nó là chúng ta tự động hoàn tất một chu kỳ của dục vọng; ngứa thì gãi, gãi thì thỏa mãn, thỏa mãn xong ít lâu lại ngứa nữa và ngứa thì lại gãi, cứ thế xoay vần làm chúng ta không thể nào yên được. Dục vọng lúc nào cũng đòi hỏi và sự thỏa mãn dục vọng tạm thời như vậy đã làm chúng ta không còn ý thức gì được về sự bình an duy nhất và thật sự nữa.

- Nếu bà đã nói như thế thì chúng ta phải phản ứng thế nào mới đúng?

Sri Ramana Maharshi đã khuyên rằng mỗi khi dục vọng nổi lên trong trí thì chúng ta phải thẳng thắn đối đầu với nó. Thay vì lo thỏa mãn thì chúng ta hãy tự hỏi: Dục vọng này là của ai vậy? Ai đang cảm nhận nó? Hành động tự hỏi này sẽ cắt đứt cái chu kỳ tự động kia. Nó sẽ hướng dẫn tâm thức chúng ta trở về trung tâm, trở về cái “Ta” thật sự. Nếu không cắt đứt cái vòng luẩn quẩn này thì chúng ta chỉ như một con chó bị xích vào một chỗ, cứ kéo sợi dây xích chạy quanh. Sri Maharshi còn nói thêm rằng toàn thể vũ trụ chỉ là sự thể hiện của nhu cầu. Tôi nghĩ rằng thế giới này giống như một quả bóng “Bowling”. Dục vọng là ngón tay bám vào quả bóng, tạo một lực mạnh để quả bóng lao thẳng vào đích nhắm. Mục đích cuộc đời không phải là một cái đích nhắm mà là làm chủ dục vọng để thoát ra khỏi tầm kiềm tỏa của nó. Con đường giải thoát là không bị đồng hóa với các làn sóng nhấp nhô của tâm trí. Cô nói đúng đấy, dục vọng cứ làm cho chúng ta chạy mãi cho đến lúc chúng ta không thể chạy được nữa, vì chúng ta không bao giờ biết thỏa mãn với cái mà chúng ta hiện có.