Minh Triết Trong Đời Sống

Cần Có Thầy Hay Không Cần?

Mark là một nhạc sĩ chuyên về kèn clarinet. Cách đây nhiều năm anh tham dự buổi diễn thuyết về Thiền của một đạo sư Ấn Độ và đã thực tập thiền định từ đó. Anh đọc rất nhiều sách Thiền của các tác giả khác nhau, từ Suzuki đến George Lozamov. Anh nói:

- Tôi vẫn thắc mắc không biết trên đường tâm linh, tôi có cần một vị thầy hay không?

- Xin hỏi khi học kèn clarinet anh có cần thầy không? Liệu người ta có thể học hàm thụ qua sách vở được không?

- Tôi có thể học lý thuyết về âm nhạc qua sách vở chứ không thể học tất cả được. Sách vở không thể dạy tôi cách đặt miệng sao cho đúng, giữ hơi ra sao, thổi như vậy đã được chưa, độ rung như thế nào, v.v. Do đó ngoài sách vở tôi vẫn cần có thầy chỉ dạy thực hành thêm, nhưng học kèn clarinet là một chuyện còn đời sống tâm linh lại là một chuyện khác chứ?

- Muốn học bất cứ thứ gì đến nơi đến chốn, từ sinh ngữ đến âm nhạc hay điện toán, hội họa, điêu khắc, chúng ta đều cần có thầy. Thầy giáo là người đã kinh nghiệm, đã từng trải, đã đạt đến đích và biết cách vượt qua các trở ngại khó khăn, v.v. Trên đường tâm linh, chúng ta ở một vị thế tế nhị và lạ lùng hơn âm nhạc hay điện toán vì chúng ta phải vươn từ tầm mức tâm linh này đến tầm mức tâm linh khác. Chúng ta cần sự trợ giúp để biết hiện nay chúng ta đang ở đâu, đang đi đến đâu, làm cách nào đạt đến mục đích. Đó là nhiệm vụ của những người thầy mà người Ấn Độ gọi là “Guru”, nghĩa là “Người đem lại ánh sáng” hay “Người phá tan bóng tối”.

- Thưa bà, tôi không hề có thầy hay “Guru”, tuy nhiên tôi đã tự học qua sách vở và sống với những điều đó. Tôi trông cậy vào vị thầy trong tâm của tôi mà danh từ Ấn Độ thường gọi là “Sadguru”.

- Ai đã hướng dẫn cho anh đi vào con đường Thiền?

- Vị đạo sư Ấn Độ đầu tiên đã diễn thuyết trong trường đại học cách đây nhiều năm rồi.

- Như vậy ông ấy là vị thầy đầu tiên của anh đó. Ông ấy đã đến đúng vào lúc anh sẵn sàng. Chính vị thầy trong tâm của anh (Sadguru) đã hướng dẫn anh đến với vị thầy bên ngoài hay vị đạo sư Ấn Độ đó. Có người hỏi Sri Nisargadattha rằng “Có cần thầy không?” thì ông trả lời “Điều đó cũng như hỏi chúng ta có cần mẹ hay không vậy?”.

- Nhưng ngoài vị thầy đó ra tôi có cần thầy khác hay không?

- Bất kỳ lúc nào anh cần thì nội tâm của anh, vị thầy trong tâm của anh (Sadguru) sẽ hướng dẫn anh đi tìm một người thầy bên ngoài (Guru). Điều này cũng ví như bà mẹ đưa con đến lớp học với một thầy giáo vậy.

- Có người nói rằng chúng ta chỉ cần một vị thầy duy nhất mà thôi và phải tuyệt đối trung thành với vị này.

- Có thể điều đó đúng nếu gặp đúng thầy. Kinh nghiệm riêng của tôi thì khác, tôi đã học hỏi và thực tập dưới sự hướng dẫn của nhiều vị thầy khác nhau. Lúc nào tôi cũng biết ơn tất cả.

- Như vậy người ta có cần trông cậy vào một vị thầy không?

- Có người nhấn mạnh việc trông cậy vào một vị thầy, có người không đồng ý. Truyền thống Ấn Độ chú trọng đến việc các môn sinh sống gần với thầy, trông cậy vào sự hướng dẫn của thầy. Tuy nhiên “sống gần” hay “trông cậy” không có nghĩa là phải ở cùng nhà, ăn cùng bàn, thở hít cùng một bầu không khí mà có nghĩa là chuyên cần, vâng lời, tuân theo sự chỉ dạy để không uổng phí công lao dạy dỗ của thầy. Một đạo sư Ấn Độ khác, Ram Das nói rằng người ta sẽ không tiến bộ bao nhiêu nếu cứ quanh quẩn bên cạnh một vị thầy vì họ sẽ gắn bó, trông cậy vào một cái gì có tính cách hình thức bên ngoài mà quên đi phần tinh thần ở bên trong. Một lý do nữa là càng gần thầy bao nhiêu, chúng ta càng ỷ lại vào vị thầy đó bấy nhiêu; chúng ta quan tâm đến sự gần cận, hầu hạ, vâng lời thầy nhiều hơn là vào các tiến bộ tâm linh của chính ta. Nên nhớ dù vị thầy đó có cao cả đến đâu, hay đạt các quả vị gì chăng nữa thì ngài cũng không thể tu giùm chúng ta được, chúng ta phải tự mình tiến bước, tự mình tu tập sửa đổi chính mình. Đó là điều hết sức quan trọng, là một căn bản chính yếu của truyền thống Đông phương.

- Nhưng làm sao có thể tìm ra một vị thầy chân chính, một người có thể hướng dẫn tôi được? Như bà cũng đã biết, thời gian gần đây đã có quá nhiều kẻ bất tài tự xưng là “Guru”, “Bhagwan”, “Swami” hay đấng này, vị nọ...

- Dĩ nhiên người tìm đạo có quyền thử thách vị thầy trước khi xin học. Cũng như thế, các vị thầy thường thử thách học trò trước khi thu nhận. Anh hãy quan sát vị đó một cách cẩn thận và tự hỏi “Vị đó có cởi mở không? Có khuyến khích các đệ tử tự tu, tự học hay tìm học thêm ở những vị thầy khác hay không? Liệu vị đó đã chế ngự được các khát vọng, tham lam, giận hờn, ganh tỵ, sợ hãi và làm chủ được bản ngã không? Vị đó có đi tìm danh vọng không?”. Một vị thầy chân chính không phải chỉ có đức hạnh là đủ, mà còn phải vượt cao khỏi các cám dỗ của thể xác, tư tưởng, vượt ra ngoài vòng tranh chấp nhị nguyên. Chỉ như vậy thì lời nói của ngài mới là những hạt giống bất hoại trong đời chúng ta được.

- Nhưng làm sao tôi có thể xét đoán như vậy?

- Hãy tự hỏi: “Đứng trước ngài tôi cảm thấy thế nào?”. Đừng để những người khác khuyến dụ, đừng tin những lời quảng cáo hay khen ngợi bên ngoài. Hãy tự hỏi: “Nội tâm tôi cảm thấy như thế nào khi nghe ngài nói chuyện? Ngài có làm cho nội tâm của tôi phong phú lên không?”.

- Có người nói rằng muốn tiến bộ trên đường tâm linh thì phải quy phục một vị thầy. Bà nghĩ sao?

- Lẽ dĩ nhiên, nếu không biết quy phục thì có thầy làm gì? Quy phục với vị thầy bên ngoài cũng là quy phục vị thầy bên trong. Chính vì nhiều người trong chúng ta không làm gì cho chính mình nên mới cần có một vị thầy bên ngoài để phá vỡ sự chống đối của phàm ngã, khắc phục tính hiếu động hay trì trệ của chúng ta. Đó là lý do chúng ta cần một vị thầy hướng dẫn. Trước sau gì thì chúng ta sẽ học được rằng cuộc đời là vị thầy tối cao, là vị “Guru” tốt nhất, mỗi người đi qua đời chúng ta, mỗi sự kiện như thành công, thất bại, vui, buồn, lo lắng, thương yêu, thù hận, đều đến với chúng ta như những bài học mà chúng ta cần phải học. Chúng không đến như một sự tình cờ hay trùng hợp, mà như một kế hoạch nhất định để dạy cho chúng ta những bài học đó. Nếu chúng ta không chịu quy phục và chấp nhận các bài học trên đường đời này thì chúng ta cần một vị thầy để vạch rõ các bài học đó ra cho chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận, quy phục các bài học ngoài đời thì chúng ta ít cần một vị thầy bên ngoài. Đạo sư Ram Das nói rằng: “Người ta chỉ cần nương tựa vào sự thúc hối bên trong để có sự hướng dẫn đúng ở ngoài đời”. Nhưng dù có thầy hay không có thầy, rốt cuộc chúng ta sẽ nhận thức rằng đằng sau tất cả các vị thầy bên ngoài, các vị “Guru” và đằng sau bàn tay chuyển động của đời sống là vị thầy bên trong, vị “Sadguru” cao cả và im lặng, đó chính là cái chân ngã vô hình, bất khả phân, là cái ánh sáng bao la thấm nhuần tất cả.