Clinton là giáo sư Anh ngữ tại một trường đại học danh tiếng. Ông nói:
- Tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng rất thích triết lý phương Đông, nhất là triết lý Vệ Đà. Dung hòa được cả hai quan niệm này không dễ chút nào. Tôi có một thắc mắc căn bản không biết có nên nói ra không ?
- Xin ông cứ nói.
- Thưa bà, cả Vệ Đà lẫn Thiên Chúa giáo đều khuyên con người nên cảm nhận Thượng Đế xuyên qua mọi danh tánh và hình tướng. Điều này là thế nào? Người ta có thể cảm nhận Ngài ở cõi đời này bằng cách nào? Nếu muốn thực tập thì phải làm sao?
- Trong cuốn giáo lý bí truyền Philokalia, các linh mục thuộc dòng tu kín đã khuyên không nên giới hạn sự cảm nhận Thượng Đế vào các vật hữu hình mà giác quan có thể nhận thức, mà còn phải sử dụng tâm thức để tìm ra tinh hoa của Ngài trong mọi tạo vật nữa.
- Sử dụng tâm thức như thế nào?
- Hãy lấy một thí dụ đơn giản: ông nhìn thấy tôi đứng trước mặt ông. Nếu ông biết cách rút tâm thức ra khỏi giới hạn của thị giác, mắt ông vẫn thấy tôi đang đứng trước mặt ông nhưng tâm thức của ông không còn đồng hóa với cặp mắt của ông nữa, nó suy nghiệm rằng cặp mắt chỉ là vật chất. Cái đang giúp ông nhận thức không phải là cặp mắt mà là một sự thông minh, một tâm thức, hiện làm chủ cặp mắt linh hoạt đó. Nói một cách khác, ông hãy tự hỏi ai đang nhận biết điều này, chắc chắn không phải cặp mắt rồi phải không? Cặp mắt chỉ giúp ông nhìn thấy một hình ảnh nhưng chính cái tâm thức ở phía sau đó nữa mới giúp ông cảm nhận được sự việc đang xảy ra giữa ông và tôi. Nếu cái tâm thức đó yên tĩnh, bình an, nó sẽ giúp ông cảm nhận được thêm nhiều điều mà cặp mắt không thể “nhìn” được. Việc này không phải là sự tác động giữa ông và tôi mà chính là tâm thức cảm nhận được nó trong các hình thức khách quan. Suy ngẫm về điều này có thể giúp ông tìm được điều ông mong muốn.
- Tuy thế tôi vẫn thấy có sự khác biệt giữa giáo lý Vệ Đà và Thiên Chúa giáo về việc cảm nhận Thượng Đế ở thế gian. Bà có thể giải thích thêm về điều này không?
- Sự sáng tạo (Creation) là cốt tủy của Thiên Chúa giáo, theo tôn giáo này thì tinh hoa của Thượng Đế chính là nòng cốt của con người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đều là những thực thể riêng biệt, các tác nhân độc lập của hành động, tư tưởng. Do đó tín đồ Thiên Chúa giáo cảm nhận Thượng Đế ở “trong” (In) mọi danh tánh, hình tướng.
Sự thể hiện (Manifestation) là trung tâm của giáo lý Vệ Đà. Theo triết lý này thì toàn thể vũ trụ đều là sự thể hiện của Thượng Đế hay Tâm thức thiêng liêng. Do đó tín đồ Ấn giáo cảm nhận Thượng Đế “như là” (As) mọi danh tánh, hình tướng.
Tóm lại, sự khác biệt giữa hai tôn giáo về việc cảm nhận Thượng Đế chỉ nằm trong phạm trù ngữ pháp hay giới từ (Preposition) mà thôi: một bên cảm nhận Ngài “ở trong” (In) và một bên cảm nhận Ngài “như là” (As). Là giáo sư chuyên môn về Anh ngữ, chắc chắn ông phải phân biệt được điều này.