Mí Sình đi chợ

- 6 -

Docsach24.com 

Trời bắt đầu lây rây những hạt mưa xuân, suýt nữa thì nó quên mất hôm nay là ba mươi tết nếu nhà bên không lốc cốc băm thịt làm cỗ.

 

Ờ nhỉ sao mẹ chưa gói bánh. Mọi năm hai bốn hai lăm nó đã phải chặt lá chuối dựng vào góc bếp đến hai tám hai chín thì gói, năm nay mẹ không nhắc, nó cũng quên chặt lá.

 

Lũ trẻ hàng xóm bắt đầu diện quần áo mới, hương vị ngày tết toả ra ngập tràn cả lối ngõ, mâm ngũ quả đã bầy đặt nghiêm chỉnh trên bàn thờ, bánh trưng, bánh khảo, mứt, rượu tết... đủ cả. Cành đào đượm hương trầm đang trổ hoa.

 

Tết năm nay xem ra to hơn năm ngoái. Nhiều người sắm tết không hề tiếc tiền. Vụ lúa vừa rồi được mùa nên có phần dư dả. Uỷ ban xã tổ chức hội xuân, nghe đâu rầm rộ lắm, nào chọi gà, đấu vật, cầu thùm, đặc biệt là có bóng chuyền đấu giao hữu với các xã bạn... từ mồng một đến mồng năm đêm nào cũng có giao lưu văn nghệ...

 

Giờ này sao mẹ chưa về? Bóng tối đẫ lấp ló đầu ngõ. Hay mẹ đi mua quần áo mới nhưng hơi khó tìm vì năm nay nó lớn hơn năm ngoái. Vậy là có quần áo đẹp để dự hội. Mặc dù chưa xin ý kiến mẹ nhưng nó đã đăng ký thi võ vật dân tộc ở lứa tuổi thiếu niên, được bạn bè khuyến khích nó cũng muốn thử xem sao... Lúc đi mẹ dặn ở nhà lau chùi bàn thờ sạch sẽ, nó đã làm từ sáng vẫn chưa thấy mẹ đem chuối và bưởi về bày. Nó bắt đầu thấy lo, mắt ngóng hoài ra ngõ...

 

Rồi mẹ cũng về, héo rũ như tầu lá, ngồi bệt xuống đầu hè. Nó định nói điều gì vui vui cho mẹ cười nhưng không làm nổi. Một lúc sau mẹ đứng dậy bày nải chuối và quả bưởi lên bàn thờ. Mẹ chẳng mua gì ngoài hai thứ đó vậy mà nó cứ nghĩ mẹ sẽ mua quà về cho nó. Mẹ đã bán đi hai tạ thóc, nó tưởng là để sắm tết, ấy thế mà mẹ chẳng sắm gì cả. Nó thất vọng lững thững đi dọn cơm ăn thì mẹ bảo đợi bố về cùng ăn luôn thể.

 

Bố nó là nông dân thuần chất. Ông có sức khoẻ ít ai bì kịp. Nhờ chăm chỉ làm lụng mà thóc nhà nó lúc nào cũng đầy bồ, khoai đầy nhà vương cả ra lối đi. Gia đình nó thật hạnh phúc, tiếng nói cười lúc nào cũng đầy ắp bốn gian nhà. Một ngày tháng ba trời mưa sập sùi, việc đồng áng đã cạn, ở nhà chơi dài là một cực hình đối với bố, ông hay ngồi trầm ngâm một mình. Chú Hùng xuất hiện phá tan bầu không khí ảm đạm, bố lại hoạt bát như thường, một con gà sống thiến được đo trên thớt. Sau tuần rượu chú Hùng nghe bố tâm sự đã rủ ông cùng đi Quảng Ninh làm ăn. Lúc đầu bố còn ngần ngừ, chú Hùng phân tích thiệt hơn, vì ngán ngẩm những ngày chơi dài nên bố đồng ý. Hôm đi bố hẹn đến mùa vụ sẽ về. Sắp đến vụ không thấy bố về, nhắn về mấy lần cũng không thấy, hết vụ bố vẫn chưa về. Có người nói bố không về đâu vì làm được bao nhiêu tiền đi hút hít hết. Mẹ không tin, mẹ nghĩ chắc vì bận công việc làm ăn nên bố không về được. Một vụ mùa nữa trôi qua, thỉnh thoảng bố có thư về nói rằng vẫn khoẻ, công việc làm ăn hơi bận nên không về được, chẳng bao giờ thấy bố gửi tiền về. Rồi một hôm bố đột ngột xuất hiện trước cửa mẹ tưởng người đến xin ăn toan đi vét cho ít cơm nguội thì bố giữ lại. Nó cứ trố mắt ra nhìn mãi mới nhận ra bố. Bố ở nhà được vài hôm rồi lại đi, nhà có bao nhiêu tiền bố đem đi hết. Cứ như vậy bố về vài ngày rồi lại đi, khi đi thì tiền cũng đi. Kinh tế gia đình sa sút dần, mẹ khóc rấm rứt hàng đêm. Bao khổ cực đắng cay mẹ gánh hết còn bố cứ thỉnh thoảng lại về bòn rút mồ hôi và nước mắt của gia đình. Nhiều hôm không ngủ mẹ ôm nó vào lòng nước mắt làm ướt cả má nó. Nó thương mẹ vô cùng... Năm nay lúa nhà nó hơi xấu vì không có tiền mua phân bón nên thu hoạch chẳng được là bao. Nghe đâu bố vay tiền người ta, họ bắt làm công trả nợ, tết không cho về. Nhà chẳng còn gì đáng giá mẹ đành phải bán đi hai tạ thóc lấy tiền cho bố trả nợ. Mẹ ra tận Quảng Ninh trả tiền cho chủ nợ họ mới đồng ý để bố về.

- Sao bố chưa về hả mẹ? - Nó hỏi.

- Bố chuyển giúp chú Hùng cái tủ tí nữa mới về. Kiên này mẹ định mua cho con cái áo mới nhưng đắt quá mẹ không còn đủ tiền. Mặc áo cũ thì tội con quá, để ra giêng mẹ mua đền cái khác vậy nhé!

- Con mặc cái áo năm ngoái cũng được nó còn tốt lắm, nhà mình có giầu có gì, chuyện quần áo để sau mẹ ạ.

 

Mẹ không nói gì.

 

Đêm ngủ nó nằm mơ được mẹ mua cho cái áo mới đẹp lắm, ai nhìn thấy cũng khen, lâu lắm rồi nó mới thấy mẹ cười, nụ cười làm mẹ nó trẻ ra và đẹp hơn.

 

Nó tỉnh dậy bởi tiếng dao chặt thịt gà nhà hàng xóm vọng sang. Trời hôm nay đẹp thật, mới qua một đêm thôi mà cảnh vật dường như đã đổi khác, đẹp lên rất nhiều.

 

Nó chuẩn bị đi chơi thì mẹ gọi lại.

- Con mặc thử cái áo này xem có vừa không.

Sao giống cái áo của mẹ thế, chỉ có khác là đã biến thành áo con trai.

- Áo mới mua hả mẹ?

- À... à... mẹ sửa cái áo cũ.

- Làm vậy mẹ mặc bằng gì?

- Mẹ già rồi thế nào cũng được. Con mặc thử xem nào.

Nó mặc vào vừa xinh, mẹ hết ngắm trước lại chỉnh sau.

- Con trai mẹ chóng lớn thật!

 

Mẹ đã thức suốt đêm để khâu áo cho nó. Dù không muốn khóc nhưng nước mắt nó cứ trào ra.

- Con trai mau nước mắt là xấu lắm.

 

Nói vậy nhưng mắt mẹ cũng ầng ậng nước.

 

Trưa hôm sau nó giật được giải ba với phần thưởng là hai mươi nghìn đồng. Cầm tiền trên tay nó nghĩ ngay đến mẹ liền lên chợ huyện mua một cái áo cánh hết mười chín nghìn. Còn một nghìn nó mua luôn cây bút bi mới. Về đến nhà thì trời đã tối, bố mẹ đã ăn xong cơm và đang ngồi uống nước. Mẹ định đứng dậy lấy cơm cho nó ăn, nó vội ngăn lại. Nó trịnh trọng đưa bằng hai tay gói quà đã được gói ghém cẩn thận.

- Năm mới con có quà mừng tuổi mẹ chúc mẹ mạnh khoẻ sống lâu muôn tuổi - Nó chẳng biết nói gì đành lấy câu trong bộ phim của Trung Quốc để chúc mẹ năm mới.

Mẹ mở gói quà thấy chiếc áo giận dữ hỏi nó:

- Con lấy ở đâu?

- Con mua bằng tiền giải thưởng đạt được trong cuộc đấu vật sáng nay.

 

Mẹ ôm nó vào lòng rưng rưng:

 “ Con tôi!... Con tôi...”

 Nước mắt mẹ lại chảy làm ướt cả má nó. Bố cầm chén nước trên tay nhìn hết hai mẹ con lại nhìn chén nước, nhấc lên hạ xuống mấy lần mà không uống nổi. Mắt ông có hai giọt nước đùn ra... và ông khóc...

 

Thật bất ngờ sau đó bố đã bỏ được thuốc phiện, sức khoẻ ngày càng khá lên, kinh tế gia đình nó cũng dần bớt những khó khăn.