- Bà ơi, mẹ cháu đi đâu rồi ạ?
- Mẹ cháu đang trồng rau ở thung lũng kia kìa.
Bà chỉ tay về phía ngọn núi cao nhất, dưới chân núi có một thung lũng, mùa mưa nước từ trên núi đổ xuống đọng lại thành hồ nước đục ngàu những đất, mùa đông nước chui đi đâu hết, đất chỉ còn âm ẩm. Mẹ vẫn trồng rau cải, bắp cải, su hào ở đó.
- Bà ơi giờ này thằng Lầu có nhà không ạ?
- Có đấy, bà vừa thấy nó gùi nước đi qua đây.
- Bà cho phép cháu sang nhà nó một lúc ạ.
- Ừ, đi đi.
Lầu, thằng bạn cùng tuổi với tôi, học chưa hết lớp một, thấy con chữ ngoằn ngoèo như giun bò, khó nhớ quá, bị cô giáo phê bình, xấu hổ không thèm học nữa. Cô giáo đến nhà vận động, mọi người hùa vào phân tích, giải thích cho nó nghe sự cần thiết phải học chữ, nó không nghe bỏ lên rừng ba ngày sau mới thấy về. Tôi nói nó cũng không nghe, nó nhắc lại lời của bố nó: “Học cũng phải ăn, cái chữ không ăn được, không đi học đâu, ở nhà đi làm lấy cái ăn no cái bụng.” Hết cách, tôi liệt nó vào loại cổ hủ, cố chấp, không thể khai hoá văn minh được, nhưng hai đứa vẫn thân nhau.
Tôi ra huyện học từ năm lớp sáu, hôm chia tay Lầu hái tặng tôi một bọc quả rừng mang khệ nệ. Tôi nhìn nó, cười. Còn nó hình như là khóc, khoé mắt có giọt nước chảy ra. Từ buổi chia tay hôm ấy đến nay tôi mới về thăm quê, phải quá hai năm rồi còn gì. Nhiều người bảo tôi là kẻ chẳng ra gì, mới đi có gần trăm cây số mà đã muốn bỏ quê hương, bỏ cái nơi khốn khó đã cho tôi những bước đi đầu đời... Nhưng tôi nghĩ khác, quê hương là những gì thiêng liêng, là những gì không cân đong đo đếm được, là những gì khắc sâu trong tâm khảm mình, là những gì đẹp đẽ mà ai cũng phải trân trọng dù người đó ở bất cứ đâu, chứ cứ gì phải quanh quẩn ở nhà mới là yêu quê hương.
Buổi sáng nghe mẹ nói Lầu đã xin đi học, nó cũng muốn biết cái chữ, nó học khá. Thực sự lời mẹ làm tôi ngạc nhiên, một thằng cố chấp như nó dễ gì có sự thay đổi một cách bất ngờ như vậy, hay là hôm đi rừng gặp mưa to đã rửa hết sự cố chấp của nó, hay là hôm qua suối gặp nước to trôi hết sự cố chấp của nó, hay là...
Vẫn trên nền đất cũ nhưng nhà nó bây giờ đã khác, to hơn xưa, chắc chắn và đẹp hơn xưa rất nhiều. Cái mái gianh mục nát đã được thay bằng mái ngói Phibrôximăng mới bóng. Cái tường đất nện ẩm thấp khi xưa giờ cũng không còn thay vào đó là những tấm ván bưng vẫn còn ứa nhựa. Tôi vào nhà thấy nó đang đổ nước từ ống bương vào thùng gỗ, tôi rón rén đến đằng sau và làm nó giật mình.
- Úi, cái đồ mắt quỷ, mặt khỉ, chân tay chỉ...
-...bằng ống bương.
- Còn lâu mới được vậy! Chỉ bằng ống sậy thôi, hiểu chưa. Cậu về lúc nào thế?
Úi chà, thằng này dạo này “lịch sự tệ”, chẳng bù trước kia, mày tao ráo, với người lớn tuổi hơn cũng mày, ít tuổi hơn cũng mày, chẳng anh em cậu tớ với ai.
- Tối hôm qua, mít mịt mới về đến nhà. Có bận làm gì không? Lang thang một chút chứ nhỉ.
- Ừ, đi thì đi. Nhưng đi đâu đây?
- Lên rừng.
- Nhạt phèo, rừng bây giờ kém sắc lắm không còn được như hai năm trước, rừng bây giờ đã có chủ, họ dọn sạch sẽ lắm, hoa lá không còn, nếu thích đi để hôm nào lên núi Cóc, ở đấy mới là hay.
- Thế thì tuỳ cậu, đi đâu thì đi.
- Xuống thung lũng, mùa này tam giác mạch nở đẹp lắm.
- Ừ, đi! Nghe tin cậu lại xin đi học.
- À, cho vui ấy mà, thấy mấy đứa be bé đọc được cái chữ trên báo, mình chỉ xem được hình, ngượng quá xin đi học.
Hai đứa đi ra cửa, nhà Lầu ở trên cao, cao nhất xóm. Cái xóm cũ vẫn vậy, vẫn nằm gọn giữa bốn bề là núi, nhà tiếp nhà bám theo sườn núi, một cái xóm nghiêng ba mươi độ. Trên núi cây rừng ít đi, vài vạt núi đã trơ ra đất đá. Gió vẫn vậy, khô và lạnh...
- Cậu thấy xóm mình có gì đổi khác không? - Lầu hỏi.
- Khác, rất khác, nhà gianh ít đi, nhà ngói nhiều lên.
- Nhờ có chương trình hỗ trợ tấm lợp của Nhà nước đấy. Nếu không, còn lâu mới bỏ được mái gianh mục nát. Nhà mình cũng được hỗ trợ, mái gianh cũ đi vào bếp rồi, thành tro rồi. Đi thôi chứ?
- Ừ, đi!
Hai đứa đi theo đường thẳng qua nương ngô xuống thung lũng, gió nhè nhẹ thổi, nắng xuyên qua đám mây trải mong mỏng xuống đất đã ải trắng. Tôi dẫm lên gốc cây ngô còn trơ lại từ mùa vụ, những tiếng kêu răng rắc nghe vui tai. Lầu đi khá nhanh, gần như là chạy, bụi đất từ nương ngô tung lên đo đỏ, được một đoạn nó đứng lại đợi. Tôi vừa đi vừa ngắm cái xóm cũ đang được khoác áo mới, từng ngôi nhà to hơn, đẹp hơn, manh áo mặc trên người cũng lành hơn, đẹp hơn, cây ngô gốc to hơn, bắp to hơn, nhiều người biết chữ hơn... Hai năm không phải là dài, nhưng sự đổi thay của một xóm nghèo heo hút được như vậy đã là một bước tiến khá xa. Gió thổi mạnh hơn. Con gà trống nhà ai cất tiếng gáy dài óng ả. Hoa bạc hà nở tím cả nắng, một mùi hương êm êm nhè nhẹ thoảng bay, mùi đất, mùi cây, mùi khói bếp hoà quện vào mùi nắng hanh hao khô gầy. Chân bước trên đất ải, bụi vỡ ra tung bay, tôi thấy lòng mình như say, hình như nắng cũng say, đang vàng rực lên màu lửa. Lầu đang đợi ở quãng xa, giữa nương tam giác mạch, bóng Lầu như lọt thỏm giữa màu trắng tím chạy dài đến chân núi. Trên trời từng đám mây như búp bông đang lững lờ trôi, hiện ra rồi khuất dần sau đỉnh núi. Nắng cũng thật đỏng đảnh, khi gắt gao, khi dịu nhẹ, khi lại trốn biệt tận nơi nào. Một làn sương mờ ảo kéo về từ thung sâu, phớt xanh như màu khói,...
- Cậu thấy quê mình có đẹp không? - Tiếng Lầu hỏi nhẹ như tiếng gió.
- Đẹp quá đi chứ.
Lầu cười, nụ cười thật rạng rỡ.
Nắng đang khuất dần sau dãy núi, từng tia nắng chếch nghiêng lên mái nhà, lên màu đất ải trên nương, lên hoa tam giác mạch. Từng cánh hoa nhỏ xíu hợp lại thành một tấm thảm được dệt bằng hoa bắt nắng sáng rực lên. Tôi và Lầu đứng nhìn lòng như lắng lại, gợn lên từng đợt sóng, từng đợt sóng cứ dào lên không dứt...
Vẳng đâu đây có tiếng ca của muôn loài, tiếng giao hoan của trời đất, tiếng nức nở của nắng, gió, trời chiều,... ấm áp đến vô cùng. Phải chăng đó là tiếng quê hương!