[1] Turpan: cũng được gọi là Turfan hay Tulufan thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc; trong tiếng Ngô Duy Nhĩ có nghĩa là “vùng đất thấp nhất”.
Đội trưởng Lưu Giang Hà nói với ba người còn lại: nếu tín hiệu định vị sóng ngắn mà lúc trước đội khảo cổ thu nhận được, đúng là đến từ tàu ngầm Z-615 bị mất tích, rồi dần dần suy yếu, mãi đến cuối cùng lại hoàn toàn biến mất, thì chắc chỉ tồn tại một khả năng, đó chính là con tàu ngầm vẫn tiếp tục di chuyển dưới lòng đất và đi vào vũng mù nhiễu loạn nào đó, cho nên tín hiệu sóng ngắn mới bị cách tuyệt hoàn toàn như vậy.
Hải ngọng vẫn chưa tin lắm: “Nơi này ngoài cát ra thì chỉ có mỗi hóa thạch, tàu ngầm đâu phải sinh vật sống, nếu nó có rơi xuống đây thì cũng bị vùi lấp đến nửa thân, làm gì có chuyện tiếp tục di chuyển được?”
Đội trưởng liên lạc cũng thấy chuyện này đúng là rất khó tin, ngay cả bản thân anh cũng không thể tin được, rốt cục năng lực duy trì liên tục ngoài khơi của tàu ngầm cấp Z chỉ là 11 ngàn hải lý, nó đã mất tích từ năm 1953 đến nay, sao vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở khu vực không có nước được? Nhưng theo phân tích về mặt kỹ thuật, thì chỉ có khả năng đó mới giải thích thông suốt tình hình hiện tại.
Thắng Hương Lân cảm thấy chỉ dựa vào đoạn mật mã Morse, cũng không thể khẳng định đó chính là tàu ngầm Liên Xô bị mất tích.
Không động dưới lòng đất có biết bao hiện tượng dị thường quái lạ, bao nhiêu tình huống đã xảy ra vượt qua khả năng lý giải của đội thám hiểm.
Vả lại, bản thân tín hiệu sóng ngắn dự đoán đến từ tàu ngầm Z-615, lai lịch cũng rất không rõ ràng; đã không thể định vị, thì cũng rất khó truy tìm nguồn gốc, khe sâu này không ổn để ở lại lâu, phải rời khỏi đây càng nhanh càng tốt.
Tư Mã Khôi đứng bên không nói năng gì, anh kín đáo quan sát đội trưởng liên lạc qua mặt nạ phòng độc, lúc này không thấy ánh mắt màu xanh âm u đâu nữa, dường như nó chỉ thoáng xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất.
Nhưng thị lực của Tư Mã Khôi là 2,0(2) , nên anh tự cho mình không thể nhìn lầm, lòng nghĩ thầm: Lưu Giang Hà là quân nhân trong đội khảo cổ, lai lịch địa vị rất rõ ràng, không có điểm gì đáng phải nghi ngờ, lẽ nào anh ta lại là phần tử mai phục của tổ chức ngầm Nấm mồ xanh?
[2] Thị lực 2,0: Theo tiêu chuẩn đo thị lực của Trung Quốc, chỉ số trên thể hiện thị lực rất tốt, có thể nhìn thấy chữ e hàng cuối cùng trên bảng đo thị lực ở khoảng cách 2 mét, chỉ số thị lực của người bình thường là 1,0 đến 1,5.
Lúc này, Tư Mã Khôi đột nhiên thấy chấn động từ nơi xa truyền đến, dường như nó dội từ dưới lên, đến càng lúc càng mau; anh cúi đầu nhìn thì thấy một cuộn sương khói đậm đặc từ kẽ nứt hình mai rùa dưới chân đang trào lên, nó lấp lánh ánh sáng mờ mờ như ánh lửa ma trơi.
Thắng Hương Lân vội vàng kéo mạnh Tư Mã Khôi lại phía sau, chỉ thấy cột khói màu xanh càng lúc càng nhiều, lòng đất giống như một ống khói đang nhả cuồn cuộn, cột khói không ngừng dâng cao.
Mọi người cảm thấy da thịt bỏng rát không chịu nổi, như thể chỉ cần ở lâu thêm chút nữa sẽ bị nó nướng chín.
Người nào người nấy ra sức lùi ra phía sau, nhưng khắp lòng thâm cốc có đến hàng trăm điểm nhả khói, cột khói chỗ to chỗ nhỏ, có chỗ cao đến mấy chục mét, tất cả đều có màu xanh lục, vô cùng chói mắt.
Bây giờ Tư Mã Khôi mới biết: ánh sáng màu xanh nhìn thấy trên mặt nạ của đội trưởng Lưu Giang Hà, thì ra là được phản chiếu từ luồng hàn quang thể khí sản sinh dưới lòng đất.
Anh lui lại mấy bước rồi hỏi Thắng Hương Lân: “Sao loại khói bụi này giống với mạch nước phun thế nhỉ, nói trào là trào ra ngay được!”
Thắng Hương Lân biết rõ sự lợi hại của nó, cô nói với Tư Mã Khôi: “Vật chất thể khí dưới lòng đất có màu xanh, thể hiện nồng độ axít bên trong cực mạnh, chỉ cần tiếp xúc với cơ thể con người, da thịt sẽ bị nó ăn mòn và đốt cháy tức thì.
Mọi người mau ra khỏi đây, tuyệt đối không được để nó bắn vào!”
Tư Mã Khôi quay đầu lại nhìn, phát hiện cả hội đã bị vật chất thể khí nóng rát trào ra như mạch nước phun bủa vây, anh đành gọi mọi người đi vòng để tránh từng cột khói đặc, trốn chạy thục mạng vào nơi sâu hơn.
Mọi người chạy đến điểm tận cùng của khe sâu thì mệt muốn đứt hơi, lồng ngực như bị bốc cháy, trên đường vẫn không thấy bóng dáng chiếc tàu ngầm cấp Z đâu cả, thậm chí còn không xuất hiện bất kỳ dấu tích nào.
Tư Mã Khôi nhìn những cột khói bụi dày đặc mang tính axít cực mạnh, đã dần khuất xa phía sau, mới bảo mọi người chạy chậm lại, đi xuyên qua khe sâu lại đến biển cát nhấp nhô trải dài vô cùng vô tận.
Tư Mã Khôi ngẫm nghĩ: vật tư không ngừng tiêu hao theo độ dài của lộ trình, nước và lương thực còn lại cũng vô cùng có hạn, không cần thiết phải mất thời gian quay về nhặt ván trượt cát, thế là theo sự chỉ dẫn của đồng hồ thám trắc, cả đội tiếp tục bước từng bước dài tiến về phía trước.
Sau khi đội khảo cổ băng qua nhiều triền cát dài, phía dưới dải cát bắt đầu xuất hiện kết cấu địa tầng phong thực lún xuống, dòng nhiệt đối lưu vận động dữ dội trong quyển Manti khiến tầng dung nham bị khô nứt, sự biến thiên của tự nhiên tạo nên địa mạo hiếm có, vừa hùng vĩ vừa thần bí, rốn sa mạc dưới lòng đất hình thành một nơi gọi là bồn địa Turpan.
Bồn địa Turpan rộng lớn này cũng giống với sa mạc Gobi, nó không ngừng bị cát lún nuốt chửng.
Mọi người đi sâu vào biển cát mênh mông và hoang vu, không một dấu chân người, bỗng trước mặt xuất hiện một tòa thành cổ đại rất kỳ dị, quy mô to lớn, nhưng nó sớm trở thành chốn hoang phế không có người ở, xung quanh chỉ còn những bức tường đổ nát ngắt quãng còn sót lại, trong vách tường là vô số huyệt động, đá tầng tầng lớp lớp dày đặc, khe rãnh ngoằn ngoèo sâu hút, những bức tượng người bằng đá cao to lừng lững đứng cô quạnh giữa biển cát, nó bị gió và cát chia cắt thành các đường rãnh thuôn dài đầu to đuôi nhỏ dần, giống như hình cây nấm, trông vừa uy nghiêm vừa thâm trầm.
Đội khảo cổ xuyên qua biển cát mênh mông trong cực vực, đến nơi này, người nào cũng mệt mỏi nhếch nhác, bỗng nhiên lại tìm thấy một tòa thành cổ bị chôn giấu dưới lòng đất, ai nấy đều tim đập loạn xạ, tư duy rối bời, cảm tưởng mình như đang lạc vào nơi tận cùng của thế giới, chạm tới hơi thở u minh, sâu thẳm của thời viễn cổ xa xôi.
Tư Mã Khôi không dám lơ là, anh dẫn ba người leo lên tường thành vào bên trong ngó nghiêng một hồi.
Ngoại trừ gió cuốn cát bụi, thì trong thành cổ chỉ là miền tĩnh lặng và bóng tối vô biên, đó là tòa thành chết, hoàn toàn không có dấu tích của sự sống.
Thắng Hương Lân bới đất cát, thấy bề mặt các phiến đá xây tường xuất hiện rất nhiều lỗ rỗng, thì biết đây chính là đá dung nham, khi núi lửa thời cổ đại phun trào rồi đông kết mà thành.
Lúc này, ở nơi xa trong tầng mây bỗng lóe lên lằn sét đánh; nhờ luồng ánh sáng yếu ớt, mọi người thấy sâu trong thành cổ có một đỉnh núi cao, đen sì sì, cả thành trì vây quanh ngọn núi đó, ngọn núi không có chóp nhọn, và dường như nó là ngọn núi lửa đang ngủ yên dưới lòng đất.
Tư Mã Khôi suy đoán: đây là ngọn núi lửa hình thành do dung nham ở tầng quyển Manti phun trào, còn tòa thành cổ trải qua hàng ngàn năm mà vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.
Có thể ngọn núi này chỉ là núi lửa chết, đã ngừng hoạt động từ lâu, nên cũng không cần lo lắng lắm về nó; có điều anh thực sự không thể ngờ, dải quần thể đá dung nham núi lửa dưới vực sâu lại chôn giấu một di chỉ kiến trúc hùng vĩ và quy mô dường này, lịch sử cũng không hề lưu lại bất kỳ ghi chép gì về nó, tất cả đều hoàn toàn mới mẻ.
Tóm lại, đây là cổ quốc hoang phế còn thần bí cổ xưa hơn cả thời đại vương triều Lâu Lan, kiến trúc của nó cũng kỳ dị và hùng vĩ hơn nhiều.
Không biết trong lòng nó còn che giấu những bí mật kinh thiên động địa gì nữa, nhưng điều đáng để suy ngẫm kỹ nhất hiện nay chính là: vì sao người ta lại cho xây dựng tòa thành nguy nga thế này dưới lòng đất? Phải chăng nó có liên quan đến miếu thần?
Có điều, chỉ dựa vào bốn thành viên của đội khảo cổ, đối diện với di chỉ hoang phế kỳ vĩ dường vậy, thì cho dù muốn nhanh chóng tìm thấy manh mối có giá trị cũng đâu phải chuyện dễ dàng.
Vì vậy mọi người đành định vị mục tiêu là ngọn núi lửa sừng sững nằm ở nơi sâu nhất trong thành cổ, mà có lẽ khu vực chính của thành nằm trong lòng núi, bởi rốt cục nó vẫn là khu vực trung tâm của cả quần thể kiến trúc.
Đội trưởng liên lạc Lưu Giang Hà nhắc nhở hội Tư Mã Khôi, tuyệt đối không được chạm vào bất cứ thứ gì trong thành cổ, bởi vì đội lạc đà xuyên sa mạc hàng ngàn năm nay vẫn truyền tai nhau về truyền thuyết liên quan đến tòa thành ma.
Nghe đồn, từ xưa đã không ai biết tòa thành ma được xây dựng ở đâu và vào thời gian nào, chỉ biết con đường đến đó vô cùng hung hiểm, nên rất khó đi tới đích, còn những người tận mắt trông thấy nó cực kỳ ít ỏi.
Cho dù phải trải qua không biết bao nhiêu gian nan nguy hiểm mới đến được thành cổ, thì cuối cùng cũng bị ác ma tước đoạt mất sinh mệnh.
Mỗi khi trong thành có bão cát vần vũ một cách kỳ lạ, thì đó chính là điềm báo ác ma sắp xuất hiện.
Thắng Hương Lân cũng nghe kể về chuyện này, cô nói với đội trưởng thông tin: “Kỳ thực tòa thành ma không phải là di tích lịch sử, mà chỉ là dải địa mạo Nhã Đan bị xâm thực, bào mòn nằm ở phía đông bắc sa mạc Lopnor.
Ở đó bão cát hoành hành dữ dội, hoang vu không có bóng dáng con người, đường đi lại rất gian nan, người xưa thường nhìn ra xa mỗi khi đi qua đó, cứ ngỡ đó là một tòa thành cổ trong sa mạc, rồi ghi vào sử sách.
Người đời sau thấy nó kỳ dị, nên cũng không tìm hiểu căn nguyên cội nguồn, cứ thế truyền miệng cho nhau, càng lan truyền lại càng ly kỳ.”
Đội trưởng Lưu Giang Hà không hiểu thế nào gọi là địa mạo Nhã Đan xâm thực bào mòn, nhưng từ nhỏ anh chàng đã lớn lên cùng đội lạc đà, thường nghe người già kể những truyền thuyết cổ quái trong sa mạc Gobi, trong lòng khó tránh cảm giác rùng rợn.
Tư Mã Khôi thấy kết cấu trong thành cổ rất phức tạp, nơi sâu dựờng như phả ra hơi thở đáng sợ của cái chết và sự tuyệt vọng, bề mặt xem chừng tĩnh lặng, nhưng bên dưới lại tiềm ẩn những mối nguy hiểm to lớn, không biết nó sẽ bất ngờ xảy ra vào lúc nào.
Anh cũng lo lỡ đâu đội trưởng thông tin xảy ra bất trắc gì, bèn dặn dò anh chàng phải xách đèn quặng bám sát sau lưng mình.
Đội khảo cổ băng qua bức tường đổ, tìm đường di chuyển vào nơi sâu trong thành cổ, thấy trước mắt toàn những ngọn núi đá và vách đá đứt gãy đứng sừng sững.
Chúng hình thành vô số trụ đá hình măng và lùm đá hình ống khói, các động nham thạch hữu cơ nối liền nhau, tạo thành những căn phòng lớn thông với nhau, phía dưới còn có đường thông gió,chia thành nhiều tầng, sâu đến mấy chục mét, phân bố dày đặc như mạng nhện.
Kết cấu địa chất hùng vĩ khiến người ta cảm thán này, được hình thành sau khi núi lửa trong lòng đất phun trào vào thời viễn cổ, rồi trải qua quá trình phong hóa và nước bào mòn trường kỳ, phần còn sót lại trở thành những tháp đất hình chóp và các loại huyệt động khác nhau, đồng thời cũng khiến đường đi trong thành cổ trở nên ngoằn ngoèo khúc khuỷu.
Nếu không có bản đồ trong tay mà đi vào đây thì đúng là hoa hết cả mắt, có khi còn bị cát lún nuốt chửng lúc nào chẳng hay, bởi vậy mọi người cũng không dám mạo hiểm thâm nhập vào sâu hơn để thăm dò, mà chỉ đứng ven thành rọi đèn quan sát, nhưng thành quách bị hư hỏng biến dạng hết cả, chưa phát hiện được gì từ bên ngoài.
Khắp nơi trong thành cổ này thấy vô số tảng đá nằm lổn nhổn dưới đất với các hình thù khác nhau, nhưng khi tiến lại gần, phủi lớp cát phủ bên trên thì thấy đó là hàng ngàn tượng người bằng đá được điêu khắc thô sơ, dung mạo trầm ngâm tĩnh tại, họ nhìn chằm chằm về phía trước từ nhiều góc độ khác nhau, dường như bất kỳ thứ gì đều không thể lọt khỏi tầm mắt của họ.
Đội khảo cổ mò mẫm đến chân núi, lại có một bức tường kiên cố, một cánh cửa khổng lồ cao gần mười mét nằm trong lòng núi, hai mặt khảm tượng người bằng đồng nặng ngàn cân, một người bắt rắn, một người cưỡi rùa, khuôn mặt trông rất kỳ dị, khắp mình khắc đầy chữ triện cổ triều Hạ, nhưng đã bị gỉ sét ăn mòn, khó lòng phân biệt được chữ nào vào chữ nào.
Hải ngọng nóng lòng muốn biết thành cổ cất giấu thứ gì, bèn lên trước đẩy mạnh cửa, nhưng cho dù vận hết công lực, cánh cửa vẫn chẳng hề xê xích một ly, nó vững chãi như cột đình.
Hải ngọng mệt đến nỗi mặt đỏ tía tai, gân xanh hằn trên cổ, anh nói với ba người còn lại: “Các cậu đừng có trố mắt lên mà ngó thế, mau lại đây giúp tôi một tay, nếu không thể đẩy được cánh cửa thành lũy phong kiến phản động kiên cố này, thì chúng ta đến đây chỉ uổng công thôi.”
Đội trưởng Lưu Giang Hà khoác súng ra sau lưng định thò tay giúp Hải ngọng, nhưng Tư Mã Khôi ngăn lại: “Đừng mất công vô ích! Cánh cửa đá này dày nặng lắm, tám phần là dùng rãnh trượt từ trong kéo lên, đừng nói bốn người chúng ta không đẩy được nó, mà ngay cả dùng hết toàn bộ mấy bó thuốc nổ ở đây, cũng không làm nó động đậy được đâu”.
Lúc này, Thắng Hương Lân mới nói với Tư Mã Khôi: “Cho dù có đủ thuốc nổ, cũng không thể sử dụng phương pháp này được, đội khảo cổ tác nghiệp phải biết giới hạn, nếu không thì khác gì bọn giặc đất? Ngoài ra, căn cứ vào số liệu hiện thị trên đồng hồ thám trắc trọng lực và từ lực, thì trong tòa thành cổ tồn tại một vật thể hình tròn bằng kim loại khổng lồ…”.