Đại văn hào Goethe nói rằng "mê tín dị đoan là men thơ của cuộc sống". Văn Bình chưa hề đọc Goethe, vì chàng không ưa lý thuyết tràng giang đại hải, song chàng lại khoái Goethe hơn bất cứ văn hào nào khác. Nguyên nhân rất giản dị: văn hào người Đức này cũng có cảm tình với thế giới siêu hình như chàng.
Và cũng như Goethe, Văn Bình vừa kết bạn với mê tín dị đoan lại vừa đam mê khoa học (dĩ nhiên, khoa học phải đứng sau đàn bà). Mỗi lần về Sàigòn, chàng thường không quên theo dõi những tiến bộ mới trong khoa học điện báo. Ông Hoàng đã lập riêng cho chàng một thư viện bỏ túi, ngay cạnh văn phòng bí thư trưởng Nguyên Hương, chàng có thể đến đọc sách báo, nghe băng nghi âm hoặc xem phim ảnh bất kể giờ giấc. Thư viện này lớn chỉ bằng hai căn phòng khách sạn, nhưng vị tất thư viện nào ở Đông Nam Á cạnh tranh nổi. Vì nó được trang bị đầy đủ máy móc điện tử và dụng cụ thính thị. Hàng chục chuyên viên của sở làm việc ngày đêm trong tòa Công ty Điện Tử, nơi Sở Mật Vụ đặt trụ sở trung ương, đọc và dịch các ấn phẩm khoa học thế giới, gạn lọc những bài, những đoạn hoặc những điểm quan trọng rồi thu thành băng nhựa, hoặc chụp vào phim vi-ti. Thành ra mỗi tháng Văn Bình chỉ cần ngồi nửa ngày trong thư việc bỏ túi là nắm vững được những phát minh nghề nghiệp trong hoàn vũ.
Mê tín là men thơ của cuộc sống, nên Văn Bình thường mê tín một cách rất thi vị. Thiên hạ sợ con số 13, chàng lại gặp hên với số 13. Ngày thứ sáu 13 là ngày tối kị, ấy thế nó lại thành tối hên đối với Văn Bình (1). Bởi vậy, chàng là người mê tín dị đoan, nhưng thật sự lại chẳng mê tín đoan chút nào.
Tình trạng mâu thuẫn lạ lùng này đã làm Văn Bình điên đầu, toát bồ hôi hột khi chàng đặt chân xuống Thụy Sĩ.
Cuộc hành trình từ Pháp qua Thụy Sĩ đã diễn ra trong những hoàn cảnh chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Chàng dự tính vù bằng phi cơ để tranh thủ thời gian, nhưng rốt cuộc các hãng phi cơ không thể đợi chàng vì chàng liên tiếp ngủ quên và không nhớ giờ máy bay cất cánh.
Ngày hôm ấy có ba chuyến cả thảy. Chàng lấy vé trên chuyến sớm nhất. Vì từ lâu không được ghé Ba Lê, chàng phải viếng thăm thật nhiều hộp đêm. Đó mới là hộp đêm mà chàng được quen mặt, chứ nếu là viếng thăm cho đủ hộp đêm danh tiếng thì cả tuần cũng chưa xong. Thói quen của chàng là thức trắng đêm, trước giờ ra phi trường mới phóc về lữ quán. Chẳng hiểu ma đưa lối quỷ đưa đường nào mà chàng thấm mệt sau một bữa ăn và du hí tập thể rồi lăn ra ngủ như khúc gỗ. Và chàng đã ngủ luôn một mạch đến khi cả ba chuyến máy bay rời Ba Lê chàng mới chịu tỉnh dậy và nhớ lại công việc.
Sở dĩ chàng ngủ mê man là vì không biết... mê tín dị đoan đúng điệu. Sau bữa ăn, người ta chuốc rượu cho nhau. Theo tục lệ, phải chuyền rượu theo chiều kim đồng hồ, nghĩa là từ phải sang trái. Nếu chàng dị đoan như người Anh Cát Lợi, chàng đã thẳng thắng từ chối ly pọt-tô (Porto)của cô gái có bộ mặt hãm tài và tấm thân phồng lép không đều ngồi bên phải chàng. Nhận ly rượu như vậy là không hên. Nhưng chàng cứ giơ tay nhận bừa và ngửa cổ uống bừa, vì chàng nghĩ thầm trong lòng "hừ... lạy Trời lạy Phật cho con được say bí tỉ, nếu cứ tỉnh khô thì bất hạnh, vì lát nữa đây con sẽ phải... du dương với cô bé Chung Vô Diệm này..." Chàng không ngờ bị cô gái xấu như ma mút xỏ cho một vố để đời.
Chàng là gã con trai khôi ngô nhất, khỏe mạnh nhất, khả ái nhất trong bàn tiệc. Cô gái Chung Vô Diệm ngồi bên không được chàng để ý tán tỉnh và vuốt ve nên trả thù bằng cách bỏ thuốc ngủ cực mạnh vào ly rượu pọt-tô...
Quá trưa, mở mắt thấy đang nằm trên giường khách sạn, chàng bèn bấm chuông gọi bồi và mắng mỏ về chuyện không đánh thức chàng. Bụng đói như cào, chàng hối hả sai bồi dọn lên phòng cho chàng ăn. Chàng đang giận tràn hông nên đuổi bồi xuống mặc dầu giám đốc khách sạn đã giải thích là phi cơ đã bay khỏi nước Pháp trước khi chàng được bạn chở về phòng. Trong cuộc đời phiêu bạt Văn Bình thường có tật xấu mắng mỏ thiên hạ một cách vô lý như vậy.
Trong bữa ăn, chàng gặp hai điềm xui. Thứ nhất, gã bồi lóng cóng trước những lời gắt gỏng của chàng đã đặt cái nĩa chặn lên con dao thành hình chữ thập. Thứ hai là chàng cũng lóng cóng như gã bồi, lấy mù-tạt phết vào bí-tết vô ý hất nghiêng cái dĩa đựng muối làm những hột muối bột bắn tung tóe trên khăn bàn. Dao nĩa xếp hình chữ thập là điều xui kinh khủng, song vẫn chưa kinh khủng bằng hất đồ dĩa muối. Mỗi khi du lịch xa, nhiều người Tây phương hất đồ dĩa muối trong bữa ăn thường tạm ngưng cuộc hành trình.
Nhưng Văn Bình cứ hùng hục tiếp tục nên chàng phải điên đầu, toát bồ hôi hột khi đặt chân xuống Thụy Sĩ.
Vì mảnh đất nhỏ này không phải là thiên đường của sự du hí. Chàng được lệnh đến Giơneo (Genève). Giơneo là một trong những thành phố có ít sự du hí nhất của Thụy Sĩ nên Văn Bình rầu thối ruột là đúng. Phong cảnh hữu tình thật đấy, song Văn Bình lại không cảm thấy rung động. Đến Sàigòn, du khách còn hưởng được mấy cây số thoải mái từ phi trường Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố, nhưng ở Giơneo thì chẳng có gì hết, du khách bước ra khỏi sân bay là đâm sầm vào thành phố. Người ngợm thì thưa thớt, chỉ lèo tèo bằng một phần mười dân số Sàigòn. cả trường bay lẫn ga xe hỏa đều chui rúc trên một con đường có cái tên khá du dương.
Đường Mont Blanc. Nghĩa là đường Bạch Sơn.
Văn Bình vừa lò dò từ ga Cornavin ra, chưa kịp đốt điếu Salem để hít mùi bạc hà quen thuộc thì một gã đàn ông to cao như vô địch nhu đạo thế giới Geesink người Hòa Lan đứng dựa lưng vào chiếc xe hơi thấp dài sơn trắng, trên miệng có sẵn điếu thuốc lá đang cháy phì phèo.
Văn Bình đau nhói nơi tim như bị ai châm kim nhọn. Chàng hơi ngạc nhiên, mặc dầu sự ngạc nhiên này chỉ riêng chàng biết, và không để lộ trên nét mặt. Gã đàn ông giựt điếu thuốc ra khỏi miệng, vứt qua mui xe, rồi quay mặt ra chỗ khác. Hắn làm ra vẻ không nhìn thấy chàng. Song chàng biết rõ là hắn nhìn thấy chàng từ khi chuyến tàu hỏa nhả hành khách xuống sân ga. Hắn đến Giơneo dĩ nhiên không phải để du hí. về phần chàng, chàng còn nghỉ đến du hí mỗi khi được thót ra ngoại quốc, còn hắn thì không, nhất định là không. Chàng chưa được sống gần hắn nên không biết tại sao hắn lại lãnh đạm đối với đàn bà đẹp. Có thể hắn mang bệnh bất lực. Những người ham mê công việc, ngày đêm chìm đắm trong sự suy nghĩ thường mắc chứng bệnh tệ hại này. Một bản thống kê bí mật của C.I.A. cho biết một số lớn cán bộ chỉ huy Quốc Tế Tình Báo sở là đàn ông bất lực. Hắn là xếp sòng Tình Báo Sở Hoa Lục nên nguồn tin bất lực có lẽ đúng.
Hắn tên là Antôn. Thật ra, tên cúng cơm cũng như tên hoạt động của hắn không phải là Antôn. Người ta gọi hắn là Antôn và hắn cũng khoái được kêu tên Antôn vì Antôn Geesink là nhà vô địch đệ ngũ đẳng nhu đạọ từng đánh bại đệ nhất danh thủ Nhật. Antôn được coi là kỳ quan trong làng điệp báo, không ai biết dĩ vãng của hắn. Cũng không ai biết trình độ kỹ thuật và thành tích nghề nghiệp của hắn đến đâu.
Thư khố điện tử của sở Mật Vụ có đủ hồ sơ thủ lãnh điệp báo, nhưng hồ sơ Antôn chỉ gồm vỏn vẹn những dòng chữ như sau:
Họ tên: Không biết
Bí danh: Không biết. Hỗn danh là Antôn.
Ngày tháng nơi sinh: Không biết. Chỉ biết hắn là người Tàu, nói tiếng Bắc, tuy nhiên điều này không có nghĩa là hắn sinh trưởng ở Hoa Bắc vì không những hắn nói giỏi các thổ âm Hoa Lục, hắn còn nói nhiều ngoại ngữ khác.
Đặc điểm thân thể: Cao 1m78, cân nặng 104 kí, có tin cho hay hắn rất giỏi võ song ta chưa rõ hắn giỏi đến trình độ nào.
Đặc điểm tính tình: Không biết, hắn chỉ có một đặc điểm duy nhất: ghét đàn bà. Trong thời gian hoạt động ở ngoài nước, hắn chưa bao giờ với bạn gái hoặc la cà tại các nơi du hí.
Đặc chú: Hẳn mới xuất hiện tại Âu Châu từ 15 tháng nay, hắn đi đến đâu là các nhân viên C.I.A. và MI-6 thất điên bát đảo đến đấy. Hơn một tá đã bị hắn giết.
Hai tuần trước, khi còn ở Sàigòn, Văn Bình đã được ông tổng giám đốc cho coi một xấp ảnh chụp Antôn đủ cở, đủ kiểu. Chàng chưa hề gặp hắn song đã quen thụộc khuôn mặt vuông chữ điền của hắn. Ông Hoàng lưu ý chàng về cặp mắt khác thường của Antôn, dường như hắn mang dòng máu lai Tây phương vì tròng mắt hắn xanh biếc. Ngày cũng như đêm, mắt hắn luôn luôn lạnh lùng. Nhìn hắn, người ta có cảm giác như nhìn con dao máy ngọt sớt sắp cắm phập xuống cổ tử tội.
Ông Hoàng không nói nhiều lời, ông lẳng lặng rót whuýt-ky cho Văn Bình, chờ chàng bóc gói Salem rồi châm hút, ông mới chậm rãi lên tiếng:
Tre già măng mọc, đó là định luật chung của mọi nghề, mọi ngành. Nghiên cứu hình chụp của Antôn, tôi thấy hắn còn trẻ hơn anh nhiều. Trong nghề này, trẻ tuổi không có lợi vì thiếu kinh nghiệm, nhưng tôi không nghĩ rằng Quốc Tế Tình Báo Sở lại cử một cán bộ thiếu kinh nghiệm sang Âu Châu đối đầu với những nhân viên Tây phương già dặn. Anh thấy không? Ngày xưa tôi đánh ngã hàng chục người lực lưỡng như chơi, giờ đây, tôi cầm khẩu súng lục nhẹ như bấc cũng không vững. Anh nên thận trọng, Antôn còn trẻ nên khỏe hơn anh....
Nghe ông Hoàng ca tụng Antôn, Văn Bình tái mặt. Chàng không hiểu ông Hoàng nói thật hay đòn phép để khích bác chàng. Cho dẫu ông đòn phép, chàng cũng chịu không nổi. Trong đời điệp báo, thu hoạch hàng trăm thắng lợi, trái tim rắn như kim khí, Văn Bình từng được coi là con người hoàn toàn. Duy có ông tổng giám đốc biết chàng có một số nhược điểm. Một trong các nhược điểm này là tự ái. Nhiều khi chàng biết ông Hoàng đòn phép mà vẫn tự ái như thường.
Tán dương tài nghệ của Antôn, ông Hoàng như muốn nói ngầm " Anh Văn Bình ơi, anh sắp già rồi, anh sắp về hưu rồi... thằng Antôn khỏe lắm, anh không thắng nổi hắn đâu. Từ nay trở đi hễ gặp hắn, anh nên lảng đi là hơn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, phải không anh?"
Ông Hoàng chê chàng sắp già, chàng phải chứng tỏ bằng hành động cho ông Hoàng thấy là chàng chưa già, và chàng sẽ không bao giờ già. Chàng sẽ hạ Antôn đo ván, và nếu cần loại hắn luôn ra ngoài vòng chiến.
Chàng không thể lầm được: chiều cao và chiều ngang của hắn là chi tiết đập mạnh vào thị giác, ở Âu Châu, hắn đã chiếm địa vị đàn anh, chứ đừng nói đến Á Châu nam nữ thấp bé nữa; tuy nhiên, điểm nổi bật nhất không phải là số kilô và số xăng-ti-mét (centimet). Mà là đôi mắt.
Trong ảnh màu, mắt hắn xanh biếc. Bằng xương bằng thịt mắt hắn lại là một tổ hợp gồm nhiều màu, màu đen ít hơn màu trắng, và trong màu xanh pha đen của con ngươi đã hiện lên những đường gân đỏ hoét. Mắt hắn không to, nhưng sáng lạ thường, đuôi mắt hắn đầy vết nhăn, và chỉ có một mí như mắt người Nhật.
Loại mắt này được gọi là xà nhãn. Mắt rắn. Bên trên con mắt rắn sâu hoắm là đường lông mày sếch tréo, ngắn thun lủn mà cứng tua tủa, chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ rậm chỗ thưa không đều. Đó là lông mày ngũ độc. Chỉ riêng đôi mày ngũ độc và cặp mắt rắn này đã xác định với Văn Bình tâm tính của Antôn.
Antôn là người thâm độc, hung dữ và lạnh lùng, về tướng số, hắn có thể được coi là đại quý. Đại quý trong hàng ngũ gian hùng.
Hắn phục sức giản dị, gần như xuềnh xoàng. Bộ com-lê may hơi chật nên hắn cử động không được thoải mái. Văn Bình không hiểu vì Tình Báo Sở bủn xỉn, không cấp đủ tiền cho nhân viên may mặc ở hải ngoại, hay tại Antôn thích lập dị. Lập dị, có lẽ đúng hơn. Vì lương tháng điệp viên Tình Báo Sở rất ít ỏi, nhưng ngân quỷ hành động lại nhiều, do tiền lời của các vụ buôn súng và ma túy mà ra. Vả lại, cá nhân hắn có thể nghèo song không thể thiếu tiền sắm cái cà-vạt sạch nước cản để thiên hạ khỏi chú ý. Đằng này hắn đã chủ tâm đeo tòng teng trên cổ cái cà-vạt cũ rích muốn rách đến nơi. Văn Bình đứng cách hắn đúng 3 mét, hột gầu trên đầu hắn cũng nhìn thấy nên chàng đã nhìn thấy nhiều vết sờn trên cái cà-vạt màu xanh ảm đạm.
Nếu Antôn đối diện chàng, chàng sẽ cười vào mũi hắn, kèm theo những lời thách thức minh bạch:
Chào anh Antôn, anh chờ tôi phải không? Tôi cũng đang chờ anh. Chừng nào chúng ta giao đấu với nhau?
Chàng hơi bực mình khi thấy Antôn ngoảnh đi. Dường như hắn cố ý nán lại cho chàng giáp mặt hắn rồi né tránh. Hắn né tránh, chàng quyết tiến tận nơi. Nhưng chàng chưa thể cử động vì một thiếu phụ lớn tuổi, mập thù lu như cái ống cống xi-măng, hai tay xách khệ nệ hai cái va-li to tướng, lạch bạch vượt qua mặt chàng. Va-li nặng, thiếu phụ lại nặng thịt mỡ nên bước đi chậm hơn rùa bò.
Đến khi trước mặt chàng không còn chướng ngại vật nữa thì Antôn đã chui vào xe hơi rồ máy phóng thẳng.
Chàng bần thần giây lâu như cậu thanh niên nuôi tóc dài híp-py bị cha mẹ yêu cầu đi hớt tóc ngắn. Tắc-xi đậu lại, chàng trèo lên. Nhưng quên dặn đi đâu. Bên tay phải là khu thành xưa với nhà thờ Thánh Pio vươn cao dưới nền trời sáng. Và bên tay trái là hồ Lê-man, thị xã Giơneo tân tiến như cô gái trinh nguyên nằm phơi nắng thẹn thò dọc theo bờ hồ.
Tuy vậy Văn Bình vẫn không để ý đến cảnh vật. Gã tài xế nói lớn làm Văn Bình giật mình:
Ông ơi, vòi nước đẹp không ông?
Chàng vừa nhận ra, ở bên trái cầu Bạch Sơn, một tia nước lớn từ dưới phụt lên không trung cao bằng tòa nhà 20 tầng.
À ra đây là Giơneo...
Chàng đinh ninh đến Giơneo để gặp lại mối tình xưa. Không ngờ lại gặp tên trùm giết người Antôn. Cuộc vui chàng hình dung trong trí khi con tàu rời thủ đô Ba Lê ánh sáng đã tan biến như những bọt nước trên mặt hồ.
Chàng thở dài và nhớ đến Nàng.
Câu chuyện đã xảy ra từ lâu. Lâu lắm. Đó là một câu chuyện tình, như hàng chục, hàng trăm câu chuyện tình đã diễu qua đời chàng. Chàng mắc bệnh hay quên, vả lại, chàng có quá nhiều người yêu nên không dám ghi nhớ toàn thể sợ mệt óc.
Nhưng câu chuyện này, chàng không tài nào quên được vì đây là mối tình xác thịt đầu tiên của chàng trai mới lớn.
Hồi ấy chàng còn ngây thơ chứ chưa bạo dạn như bây giờ. Mặc dầu hồi ấy chàng đã thông thạo võ nghệ.
Nàng tìm chàng chứ không phải chàng tìm nàng, sống bên ông chồng già ngoại quốc có quyền thế và tiền bạc ê hề, nàng chỉ là con chim trong lồng, chờ cơ hội được sút chuồng là tự do bay nhảy. Chàng không yêu nàng, chàng đang lang thang được nàng mời về nhà thì ngoan ngoãn theo nàng, thế thôi. Đêm ấy và những đêm kế tiếp, Văn Bình chung chăn, chung gối với nàng trong gian phòng rộng có quạt trần, có giường Hồng Kông, có nệm lò so, có máy hát dĩa du dương, nghĩa là những tiện nghi thượng lưu hồi ấy.
Chàng không rõ tuổi nàng bao nhiêu, nhưng ít ra là hơn chàng 10 tuổi. Tuy vậy nàng vẫn trẻ măng. Dường như nàng học được bí quyết trẻ mãi không già. Nàng yêu chàng tha thiết, yêu có thể điên cuồng được, song nàng chỉ yêu tha thiết như vậy trong tâm can, còn về xác thịt thì lại chóng chán. Chàng trẻ và đẹp mà nàng vẫn chán như thường.
Thời gian đi qua, lâu lắm chàng không nghe nhắc đến tên nàng. Có lần chàng tìm đến ngôi nhà cũ thì chủ nhà mới đã phá hết và xây thành bin đinh, còn nàng thì phiêu giạt ra ngoại quốc.
Cho đến khi nàng gửi thư từ Thụy Sĩ về hỏi thăm chàng...
Té ra nàng cũng là nhân viên của ông Hoàng. Sau nhiều năm lênh đênh, nàng dừng chân trên đất Thụy Sĩ trung lập và liên lạc với ông tổng giám đốc Mật Vụ.
Chàng đang ở Ba Lê thì viên đệ nhị tham vụ của sứ quán tại Luân Đôn hối hả đáp máy bay đến tìm chàng và trao tận tay chàng một bức thư mật mã của ông Hoàng. Trong thư, ông tổng giám đốc yêu cầu chàng bỏ hết công việc, và đáp chuyến tàu sớm nhất qua Giơneo.
Để gặp Phù Dung.
Phù Dung là tên nàng. Nàng vẫn giữ tên cũ (2).
Nhưng gặp nàng để làm gì, ông Hoàng không nói. ông Hoàng chỉ nói là Văn Bình có thể tin cậy nàng hoàn toàn, ngoài ra Văn Bình phải giúp nàng làm tròn một công việc quan trọng.
Văn Bình lảm bẩm một mình:
Ừ nhỉ, tên nàng ngày xưa là Phù Dung...
Gã tài xế đạp thắng:
Ông muốn đậu lại?
Văn Bình đáp:
Không, cứ chạy tiếp.
Chàng sực nhớ là từ nãy đến giờ chàng quên quan sát phía sau. Chắc Antôn hoặc đàn em của hắn đang bám sát chàng từng bước. Nhưng chàng chẳng nhìn thấy ai lạ. Chàng bèn ra lệnh cho tài xế lái quanh co một hồi trước khi thắng lại ở đầu một cái hẻm nhỏ, gần đường Dương Liễu.
Chàng huýt sáo miệng, xách cái va-li nhẹ tâng, bên trong chỉ đựng vài ba cái quần áo ni-lông và tút (touche) thuốc Salem. Và dĩ nhiên có cả một ve whuýt-ky dẹt.
Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có thủ tục nhập cảnh mềm dẻo nhất, đến hoặc đi, quan thuế không buồn khám xét, hoặc chỉ khám xét chiếu lệ, tiền bạc được mang vào, mang ra tự do. Văn Bình không quan tâm đến tiền, điều chàng quan tâm là thuốc lá và rượu mạnh, nhưng ở đây, người ta cũng không ngăn cấm, miễn hồ đừng chất quá 20 gói thuốc và hàng chục chai whuýt-ky.
Văn Bình dừng chân lần nữa. Antôn là tên đại ác, đàn em của hắn có thể núp sau gốc cây, ám sát chàng bằng súng gắn ống hãm thanh. Vì vậy, chàng cần đề cao cảnh giác.
Nơi hẹn là một ngôi nhà cổ mang số 13 (hừ con số 13 xui xẻo!...) Cái hẻm cụt này chỉ gồm chừng một trăm ngôi nhà, có lẽ đều do một chủ xây cất cho thuê, vì nhà nào cũng có hai tầng, dính nhau một hàng dài, cửa lớn cửa nhỏ đều giống nhau, thậm chí cùng chung màu sơn và nước vôi vàng ệch.
Tuy là hẻm nhưng mặt đường khá rộng. Rộng không thua mặt đường đại lộ Tự Do ở Sàigòn. Vì vậy, cả hai lề đều có xe đậu mà con đường không có vẻ chật chội. Dân chúng trong hẻm này không phải là người nghèo rớt mồng tơi, bằng chứng là xe hơi đậu bên ngoài đều mới toanh và thuộc hạng tốt. Thụy Sĩ có 6 triệu dân, nói 4 thứ tiếng. Đức, Pháp, Ý và Romansh, một thổ ngữ, nên xe hơi thường từ Đức, Pháp và Ý nhập cảng. Nếu không bận công tác quan trọng, Văn Bình đã nhẩn nha một lát bên cái xe Porsche thượng đẳng đậu trước cửa nhà 13. Cha chả là sang... Chiếc Porsche này trị giá 7, 8 ngàn đô-la là ít. Nó vừa được kéo từ hãng ra nên Văn Bình ngửi thấy mùi thơm của nệm mới, cao su mới và động cơ mới.
Muốn vào nhà phải qua một cái sân nhỏ. Người ta ca tụng Giơneo là thiên đường của hoa hồng cũng không ngoa. Trên bờ trái của hồ Lê-man có một công viên lớn (3) bên trong trưng bày gần 30.000 giống hoa hồng khác nhau. Cái sân nhỏ xíu như mảnh bikini che ngực cô gái thời thượng này cũng có đủ loại hoa hồng, khiến Văn Bình phải đặt va- li xuống ngắm nghía và trầm trồ khen ngợi.
Bỗng cách cửa vào nhà được mở hé. Và một cái miệng tô son đỏ chót nhô ra, giọng ngọt như nước mía pha đường hóa học:
Mời ông vào. Trong nhà đang đợi.
Lòng Văn Bình vui rộn ràng. Phù Dung chỉ được tin chàng đến, chứ không biết chàng đến vào giờ nào. Vậy mà nàng vẫn kiên nhẫn chờ chàng. Nàng đã sai nữ gia nhân chực sẵn ở cửa để đón chàng. Chàng quên hỏi Phù Dung hiện làm nghề gì, nghoài nghề điệp viên cho ông Hoàng, nhưng chắc là nàng đã vớ được một cái mỏ vàng dại gái nào đó nên mới có vườn hoa đắt tiền, có chiếc Porsche oai vệ và... nữ gián điệp thơm tho...
Đột nhiên chàng yêu Phù Dung hơn lên. Chàng yêu nàng say sưa mặc dầu chàng chưa hề yêu nàng trong quá khứ. Chàng đi lại với nàng ngày xưa là do sự tình cờ của định mạng, và sự đòi hỏi của xác thịt. Chàng tất tưởi đến gặp nàng là do ông Hoàng chỉ thị, và phần nào cũng do sự tò mò. Chàng tò mò muốn biết Phù Dung có trở thành người thiếu phụ sồ sề, nhăn nheo, yếu đuối, mắt hoa, lưng đau, chân nhức sau nhiều năm lăn lóc ở nơi trà đình tửu quán hay không...
Mời ông vào. Trong nhà đang đợi.
Thấy chàng tần ngần, cô gái có giọng nói thánh thót vừa nhắc lại. Phù Dung vẫn có thói quen ngóng chờ tình nhân một cách thật trịnh trọng. Những đêm thanh niên Văn Bình đến nhà nàng, nàng đều tắm gội bằng nước ngũ hương, nàng không thích xức nước hoa mặc dầu ông chồng hờ trung tá mật thám Pháp của nàng có thể mua những thứ nước hoa đắt tiền và khó kiếm nhất vì nàng cho rằng nước hoa làm át mùi thơm lành của da thịt. Nàng mặc quần áo bằng lụa Hà Đông mỏng mát và nàng tự tay thay hết khăn giường và rềm cửa, nàng lại ra vườn - một khu vườn rộng trồng toàn hoa quý, quanh năm đều có hoa nở - tự tay hái những đóa hoa chúm chím mang cắm bên giường. Hồi ấy Văn Bình quyến luyến nàng vì sự đối xử của nàng chứa đựng một ma lực lạ lùng... Nửa đêm, sau những phút sung sướng đến mệt nhoài, nàng đã phục sức cho chàng bằng những bát chè yến, chưng đường phèn cất trong tủ lạnh (hồi ấy tủ lạnh là đại xa xí phẩm). Chưa hết, gần sáng, nàng lại mời chàng ăn bồ câu nhồi yến. Yến, yến, yến, đêm hò hẹn nào cũng có yến, nàng ăn yến như nhà nghèo ăn cơm nguội. Nàng thường nói với chàng "rồi anh coi, hai chục năm nữa, chúng mình sẽ gặp lại nhau, khi ấy anh có vợ con đùm đề, bụng bắt đầu phưỡn, tóc dính chút muối tiêu, còn em, em vẫn trẻ, vẫn mát, vẫn đẹp như hôm nay... nhờ em ăn yến đấy..."
Văn Bình cười khẩy một tiếng khi nhớ lại những lời nàng tâng bốc về nước rãi của con chim yến. Cửa hé rộng thêm nữa, chàng nhanh nhẹn bước vào.
Tiếng cười khẩy của chàng vụt tắt trên môi. Vì trong phòng rộng được dùng làm xa-lông chàng chẳng thấy gì cả. Đồ đạc không có một thứ. Trống trơn. Hoàn toàn trống trơn. Thậm chí những tiện nghi cần thiết cho đời sống văn minh như cái thảm cho khách chùi chân cũng không có. Thậm chí những ngọn đèn điện để chiếu sáng cũng không có.
Cuối phòng - gian phòng rộng như sân chơi của trường học - chỉ có một cây nến. Một cây đèn cầy trắng. Cháy leo lét. Hắt vào quang cảnh nửa tối nửa sáng, nửa bí mật, nửa rùng rợn một lằn sáng rụt rè và đỏ quạch...
Và trong quang cảnh, nửa tối, nửa sáng, nửa bí mật, nửa rùng rợn này, một giọng nói sắc như lưỡi gươm võ sĩ đạo Phù Tang đâm sâu vào nhĩ tai Văn Bình:
Bồ ơi, bồ quăng va-li xuống và chắp tay lên đầu nếu không bồ sẽ ăn đạn vỡ toang sọ dừa...
Chú thích:
Xin đọc "Mèo Xiêm Cọp Thái" đã xuất bản, để hiểu sự liên hệ của Văn Bình với con số 13.
Xin đọc Mèo Xiêm Cọp Thái, đã xuất bản, để hiểu nguyên úy của mối tình trái khoáy kỳ lạ này.
Đó là công viên Parc de la Grande.