Mẫu Thượng Ngàn

Phần IX - Chương 1

Cụ đồ Tiết thích chơi chim. Thích nhất ba loại; Khướu mun, sáo đá và chim cu cườm. Có lúc cụ nuôi nhiều loại, gần chục cái lồng treo lủng lẳng ngoài hiên và dưới các tán cây. Cuối cùng cụ thải hết, chỉ để lại ba loại chim kể trên, mỗi thứ một con.

Thứ nhất là con khướu mun nuôi đã hơn ba năm. Cái giống khướu già mới bẫy được đem bán ngoài chợ rẻ như bèo là đồ bỏ. Thông thường nuôi một tuần là chết, hoặc giả nếu còn sống sót cũng chẳng ra gì. Còn khướu này cụ mua từ lúc nó chưa mọc lông cánh. May mắn làm sao lại vớ được con khướu bách thanh. Biết hót đủ giọng, nó bắt chước được tiếng mèo, tiếng sáo sậu, giọng con bìm bịp, giọng chim vàng anh… Sáng sớm đã hót, giọng lên bổng xuống trầm, lúc một cáo một thấp, lúc một cao hai thấp, lúc vuốt lên khi vuốt xuống, lúc rung như uốn lưỡi, lúc khò khè trong bụng. Tóm lại: Giọng nó tuyệt vời chẳng chê vào đâu được. Cụ Tiết bảo cả đời mới gặp được con chim đắc ý. Khi sớm dậy, cụ thường ngồi uống trà ở thềm nhà, ngây người hàng giờ nghe nó hót.

Thứ hai là con sáo đá. Con chim to bằng vốc tay, lông đen trắng lốm đốm trên người chẳng theo một trật tự nào cả. Con chim trông quê mùa, thân thuộc ấy thật dễ nuôi. Gạo ư, ngô ư, hạt đậu lép ư, thứ gì nó cũng chén tuốt ăn uống suốt ngày. Lại lắm mồm lắm miệng, cả ngày lèm bèm. Hót chẳng ra hót, kêu chẳng ra kêu. Tuy nhiên, được cái nghe tiếng râm ran của nó cả ngày, ông cụ cũng thấy bớt cô quạnh. Vả lại nó còn biết nói. Cứ có người lạ vào đến sân là nó đã rộn rã niềm nở: "ông ơi, có khách". Chả cần phải bóc lưỡi hay làm thủ thuật phức tạp gì cả, tự nhiên nó bật ra tiếng nói cứ như có phép tiên. Chả là nó khéo bắt chước. Cu Điều mỗi khi đi làm đồng về lại đứng trước lồng, chìa ra cho nó mấy con châu chấu rồi bảo: "Mày nói có khách đi tao cho ăn". Thường thường Điều nói trêu vậy thôi nhưng rồi cũng cho chim ăn. Một chiều, lúc về nhà, Điều không bắt được con châu chấu nào cho nó, khi đi qua lồng Điều còn trêu nó: "Hôm nay nhịn nhé". Thế là con chim kêu toáng lên: "Có khách! Có khách!". Từ đấy, con sáo đã biết nói.

Con chim thứ ba là con cu cườm. Đó là con chim cụ đồ Tiết quý nhất. Có khi con chim này chẳng đắt giá bằng hai con kia, nhưng cụ Tiết vẫn thiên lệch quý nó hơn, bởi vì cụ cố ngày xưa cũng thích cu cườm và chính người đã dạy cụ nghệ thuật bắt cu cườm. Khi thường, con chim này gáy bổ tư: cúc cù cu cu. Gặp khi có đối thủ và hăng, nó gáy dồn dập bổ đôi: cúc cu, cúc cu. Nó hay gáy vào ban trưa yên tĩnh, trong những ngày hè oi ả. Những khi ấy, nằm trên chiếc võng mắc dưới cây nhãn, nhìn ra những ngọn tre lười biếng đung đưa, nghe tiếng con cu cườm, cụ chợt thấy lòng mình mát mẻ, lắng dịu, thoát khỏi mọi phiền não ở đời. Nhưng cụ Tiết quý con chim này nhất vì có thể điều khiển được nó. Bên ngoài chiếc lồng tre vàng óng nhất con chim quý, cụ đồ Tiết phủ một tấm lụa màu nâu. Bảo rằng che thế để con chim được tập trung, khỏi bị loãng trí vì cảnh vật chung quanh. Đặc biệt, khi nào cụ Tiết hé tấm vải ra, rồi giơ bàn tay vẫy một cái, lập tức con chim bắt đầu gáy ngay. Khi cần nó gáy liên tục thật hăng thì vẫy liền bàn tay ba cái.

Vào khoảng mồng mười tháng bảy, hôm ấy trời sớm sương nhẹ báo hiệu một ngày nắng thu đẹp, cụ đồ Tiết bảo Trịnh Huyền:

- Hôm nay anh sang xóm Mít làng Già bắt cho ta con cu cườm bên ấy.

Cụ Tiết nói chắc chắn, cứ như thể bắt chim trời dễ dàng giống như ta bắt con cá đang nằm trong rọ. Ông Trịnh Huyền lễ phép:

- Thưa thầy, con đi ngay ạ.

Ông cụ Tiết vuốt râu:

- Tháng trước thầy đi ngang qua xóm Mít, vẫn nghe thấy nó gáy. Con này chưa gặp bẫy lần nào. Nó rất hăng. Chắc dễ bắt thôi. Lần này, anh cho thằng Điều đi theo. Cho nó học bẫy dần đi thì vừa.

Điều được đi mừng lắm. Mấy hôm trước nghe ông nói sắp đi bẫy chim, cái Nhụ cứ năn nỉ ông cho đi theo xách lồng. Ông chiều Nhụ cứ ậm ừ, nhưng chưa nói gì cả. Hóa ra lần này ông không đi mà để chú Huyền đi. Thằng Điều được thể trêu Nhụ:

- Đằng ấy chờ nhé. Sang năm ông đi rồi sẽ được theo.

 Điều sướng lắm. Thực ra nó đã thạo việc rồi. Nó vào buồng, bắc thang trèo lên xà nhà, lấy xuống tấm lưới tơ tằm và cả bộ đồ nghề đã được bọc gói kỹ càng cất trên đó.

Cụ đồ Tiết xem lại từng mắt lưới, kiểm tra xem có chỗ nào bị đứt, bị bục cẩn phải vá lại không. Rồi cụ dặn dò ông Huyền:

- Anh phải thật cẩn thận, thật kiên nhẫn. Phải tìm chỗ đặt lưới cho tốt. Phải bắt bằng được con chim gáy này, để ngày rằm tháng này mang nó dâng lên Thánh Mẫu. Con chim này gáy hay vừa hay gáy. Mẫu tính thích nghe chim hót. Vật dâng cúng không gì bằng phẩm vật làng quê. Anh nghe ta nói đã hiểu chưa? Nghĩa là dù thế nào cũng phải bắt cho bằng được con chim cu cườm ấy.

Mặt trời chưa lên, hai chú cháu đã ra khỏi cổng làng, đi tắt theo bờ ruộng, nhằm thẳng xóm Mít làng Già. Điều đi trước, đòn gánh trên vai, một đầu đòn treo chiếc lồng con mồi đất và chiếc túi vải đựng lưới, cọc và dây; đầu đòn bên kia là mấy tàu lá gói đã cũ. Ông Huyền nhẹ hơn, chỉ phải đeo cái bị đựng mấy củ khoai, ống nước, tay ông xách chiếc lồng phủ lụa nâu nhốt con mồi gáy.

Sương còn treo đầu ngọn cỏ. Hai chú cháu phải xắn ống quần lên cao quá đầu gối để khỏi bị ướt. Đã đi khỏi làng một quãng xa, hai người quay đầu lại, thấy lũy tre làng Đình được phủ một làn sương mờ trắng. Cây đa đầu làng vẫn còn nhìn rõ, nó lừng lững vươn lên khỏi lũy tre, vượt lên trên làn sương trắng nặng chìm xuống dưới chân, làm cho không còn nhìn thấy cái ban thờ "Đại thụ linh thần" nữa. Hai chú cháu im lặng, bước một lúc lâu nữa mới nhìn thấy hình dáng làng Già. Sương sớm đã tan, đã trông rõ cây đa đầu làng bên đó. ông Huyền nói:

- Đã gặt lúa sớm. Tháng này là mùa chim ngói. Ta nghe nói dạo này ít chim ngói về đồng làng ta. Cứ như hồi ta còn trẻ, chim ngói nhiều vô kể. Ngày xưa, cứ vào lúc lúa bắt đầu chín, tiết trời vẫn còn ấm áp, chim ngói từ rừng bay về đậu trên những tán cây to nhất, cao nhất, đó là những cây đa. Đường bay của chim ngói là từ cây đa nọ tới cây đa kia. Ta đặt lưới ở những ruộng lúa mới gặt, trên đường chim bay, giữa hai cây đa lớn hai làng gần nhau. Tha hồ mà bắt. Ta nhớ có bận theo ông đi đánh chim ngói, vớ được mẻ lưới gần trăm con. Nếu để nguyên, bầy chim đông quá có thể phá tan lưới bay đi. Ông liền quát ta: Nằm trên ruộng rồi lăn người trên lưới. Phải lăn mình như thế để cho chim hoặc chết, hoặc yếu đi rồi mới bắt. Hôm ấy, chú gánh chim về nặng è cổ, nhưng nghĩ lại đến bây giờ còn thấy thích...

Điều hỏi chú:

- Thế đánh chim ngói khác đánh chim gáy thế nào? Chú giảng cho cháu nghe. Cháu chưa được đánh chim ngói bao giờ.

- Khác nhiều! Thứ nhất là lưới. Đánh chim ngói phải dùng hai cánh lưới, còn đánh chim gáy chỉ cần một mà thôi. Thứ hai: chim ngói là chim lạ từ xa đến, còn chim gáy là chim quen ở ngay trong làng. Chim gáy có thể thuộc lòng từng nóc nhà, từng bóng cây, từng mảnh vườn. Nó tinh lắm, chỉ cần thấy hơi khác lạ một chút xíu là nó biết ngay. Đánh chim lạ dễ. Đánh chim quen khó. Thứ ba: đánh chim ngói chỉ cần một thứ mồi đất, còn đánh chim gáy cần cả mồi đất, cả mồi treo cao. Mồi treo cao là mồi biết gáy mà lại gáy hay. Có thế mới nhử được chim trời.

Hai chú cháu mải nói chuyện nên vui chân đến xóm Mít làng Già lúc nào không hay. Mặt trời đã ló mặt sau rặng tre xa. Sương sớm đã tan. Hai chú cháu ngồi ở cửa đình ăn khoai. Chú Huyền bảo:

- Cứ thủng thẳng bình tĩnh. Cần phải quan sát thật kỹ. Đầu tiên, chú im lặng, lắng nghe, xác định hướng tiếng gáy của con chim định bắt. Xóm Mít đã ra đồng từ sớm. Lúc ấy, làng vắng teo, im ắng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng gà gáy hoặc tiếng trẻ con khóc. Lắng nghe mãi vẫn không thấy tiếng gáy của con cu cườm xóm Mít Điều bảo:

- Hay là con chim đã đổi chỗ ở, bay đến làng khác rồi.

- Không đâu? - Ông chú nói giọng chắc chắn. - Giống cu cườm ít khi đổi chỗ ở. Nó đã đóng đô ở đâu là cứ ở đó mãi. Chắc con này sáng sớm ra đồng bắt mồi chưa về. Giống cu cườm rất gắn bó với con mái của nó. Nó theo sát con mái rất chặt chẽ. Để chú thử xem sao...

Nói rồi, ông Huyền hé mở miếng lụa nâu phủ lồng, rồi phẩy tay một cái. Con chim mồi yêu quý của cụ Tiết thấy hiệu lệnh, bỗng vươn cổ dõng dạc cất tiếng gáy "Cúc cù cu cu" Điều chăm chú, vểnh tai lắng nghe. Chỉ một phút sau, ở xa xa tận cuối làng, vẳng lại tiếng bổ ba của con chim làng Mít "Cúc cu cu'. Ông Huyền mỉm cười khép tấm khăn lụa nâu lại rồi nói:

- Con cu cườm này hăng thật. Thoáng nghe tiếng chim lạ ở lãnh thổ riêng của nó, nó lập tức cất tiếng đáp trả lời ngay.

- Sao lại thế - Điều hỏi chú. Anh hùng nhất khoảnh mà. Sao kẻ khác lại dám xâm phạm vùng ta ở, nhà ta ở. Đấy là nét anh hào của giống cu cườm, và đấy cũng là điểm yếu của nó mà ta có thể lợi dụng. Trong đôi chim cu, chỉ có con đực biết gáy...Con mái không biết gáy. Con chim đực gáy ở nơi nào, tức là nơi ấy đã bị nó chiếm cứ. Đó là lãnh địa riêng của vợ chồng nó. Con mái sẽ làm tổ, đẻ con tại đấy. Nơi ấy là vùng cấm. Cấm tiệt các con cu khác lảng vảng tới. Nếu kẻ nào xâm phạm, con cu đực sẽ quyết một mất, một còn.

Điều đã được theo ông đi đánh chim, những khi ấy, ông chỉ lặng im không nói. Và Điều cũng phải theo ông im lặng, chỉ biết nhất nhất nhìn ông và làm thôi. Nay, được chú bày giải, cậu ta thích thú:

- Chú nói hay thật. Làm cháu sáng ra.

Chú Huyền trêu nó:

- Thế còn cháu, cháu đã biết gáy chưa? Có biết bảo vệ cho... Như con cu cườm không?

Điều chẳng biết trả lời ra sao, chỉ đỏ mặt và cười. Đã biết đúng nơi đây là vùng chiếm cứ của con chim gáy bổ ba, lúc này đến công việc chọn nơi đặt bẫy. Nơi ấy phải kín đáo, yên tĩnh, không gần đường, không có người qua lại, đồng thời phải thoáng đãng, dễ quan sát. Việc này, cụ đồ Tiết đã trừ tính trước cho hai người. Nơi ấy là vườn nhà cụ tú Sơn, bạn thân của cụ đồ.

Khi ông Huyền vào chào cụ tú, nói rõ cụ đồ có lời xin phép cụ tú nhờ vườn gia đình, bắt con cu cườm, để ngày rằm làm lễ dâng Mẫu. Cụ tú Sơn vuốt râu cười hà:

- Cụ đồ bên ấy đã có lời với ta từ tháng trước. Ta đã cho người nhà thu hoạch một nửa vườn lạc từ mươi hôm trước rồi. Còn để lại nửa vườn chưa dỡ. Như vậy càng dễ chăng lưới. Ông và cháu cứ ra vườn tự nhiên.

Hai chú cháu ra khu vườn, đến ruộng lạc. Khu vườn rộng đến năm, sáu sào. Chung quanh vườn có tre bao bọc. Có mấy cây nhãn um tùm. Gần ruộng lạc có mấy đống rạ, đống rơm. Chung quanh đó còn mấy bụi cây chó đẻ mọc lúp xúp. Lại có cả những thân cây ngô dựng đứng chụm đầu vào nhau để phơi cho khô.

Ông Huyền chọn chỗ nấp gần một bụi cây rậm rạp bên cạnh đống cây ngô. ông cố gắng giũ nguyên không làm quang cảnh bị xáo trộn khác đi. Giống chim gáy rất tinh. Nó thường bay quanh vùng lãnh thổ của nó, bất cứ sự thay đổi nhỏ thế nào đều khó lọt qua mắt nó. Điều sửa soạn chỗ ngồi, dùng ba tàu lá gói dựng lên. Lá gói đã cũ nên trông cái lều nấp cũng lừa tựa như đống cây ngô. Ông Huyền đang đặt lưới. Ông đứng xa, bảo Điều chui vào trong lều lá gói rồi ngắm nghía, quan sát, bắt Điều sửa sang dựng thêm mấy cây ngô ra ngoài lá gói để cho chỗ ẩn nấp được hoàn toàn kín đáo và tự nhiên. Sau đó, Điều ra giúp ông đóng cọc căng lưới. Tấm lưới như một cánh cửa rộng hình chữ nhật. Một cạnh dài làm bản lề, cạnh dài kia có thể di chuyển sập sang ngang như ta đóng cửa. Chỉ có khác cửa Ở chỗ tấm lưới nằm sát trên mặt đất, khi sập lưới cánh lưới sẽ chuyển vòng tròn sang phía đối xứng. Ông Huyền rất cẩn thận. Ông tỉ mỉ ngụy trang che những sợi lưới bằng rơm rạ khô và những thân cây lạc tai tái. Xong xuôi, lại phải kiểm tra mặt đất xem đã hoàn toàn tụ nhiên chưa, có còn chỗ nào sơ hở có bị chim phát hiện không. Cuối cùng, đặt con mồi đất lên một mô đất. Mồi đất là một con gáy tầm thường không biết gáy. Hai mắt con mồi đất bị khâu lại để nó chẳng nhìn thấy gì. Một cẳng chân nó bị buộc nối vào sợi dây dài dòng vào chỗ nấp, Ở đó người ta có thể điều khiển cả tấm lưới, cả con mồi đất bằng dây. Khi đã làm hoàn chỉnh mọi việc, ông Huyền và Điều chui vào cái túp lá gói, phía trên đầu treo cái lồng nhốt con mồi gáy. ông Huyền mở hé tấm lụa che lồng. Ông phẩy tay ra hiệu. Con cu mồi liền dõng dạc cất tiếng gáy thật vang ba hồi:

Cúc cù cu cu; cúc cù cu cu; cúc cù cu cu

Tiếng gáy của nó thật hiên ngang, thật hay bay ra khắp làng. Cứ như một lời thách thức: "Ta đã đến đây. Ta ngụ ở chốn này. Nơi đây là của ta". Khi con cu mồi gáy đến lần thứ hai, thì ngay lập tức sau tiếng gáy này, từ trên một cây nhãn giữa làng đã vang lên tiếng đối đáp trả lời:

Cúc cù cu; cúc cù cu; cúc cù cu...

Rồi từ Ở phía xa con chim bản địa bay tới. Trên bầu trời bỗng nghe thấy tiếng cánh của nó quạt gió phần phật. Nó đập mạnh cánh vào gió kêu vun vút. Con chim này muốn dọa nạt đấy. Con chim mồi trong lồng nghe tiếng đập cánh của đối phương ngay tức khắc cũng hăng lên. Qua tấm lụa hé mở, Điều thấy con mồi mắt đảo nhớn nhác, đầu nó ngó sang trái, sang phải rồi nó lại ưỡn ngực cất tiếng như để trêu ngươi.

Cúc cù cu cu

Từ nơi ẩn nấp, ông Huyền ngửa mặt nhìn qua lỗ hổng, quan sát bầu trời. Con chim bổ ba đang đậu gần đâu đây. Chắc chắn nó cũng đang quan sát đối thủ mà nó chưa thấy mặt. Con mồi đất bị khâu mắt, nghe tiếng vỗ cánh, đang đứng im lìm trên mô đất bỗng ngó nghiêng cái đầu. Thằng Điều được ông Huyền huých nhẹ khuỷu tay hèn bắt đầu điều khiển con mồi đất. Điều khe khẽ giật cái dây buộc Ở cẳng chân mồi đất. Con chim mù bị mất thăng bằng liền xòe nhẹ đôi cánh. Mấy lần như vậy đã làm cho con chim làng Già chú ý. Nó đang lượn một vòng tròn rộng trên trời, nay phát hiện mục tiêu, liền khép nhỏ vòng tròn lại, rồi cuối cùng đậu ngay trên cây nhãn trong vườn. Chú chim trời đã bắt mồi! Ông Huyền thầm nghĩ. Lập tức ông phẩy tay thật nhanh ra hiệu cho con mồi trong lồng. Con chim quý tức khắc cất tiếng gáy thật hăng. Nó gáy bổ đôi:

Cúc cui cúc cu, cúc cu.

Tiếng gáy rộn vang khu vườn. Tiếng gáy của con chim chiến binh sắp lâm trận. Tiếng gáy thách thức ấy làm cho con chim làng Già đậu trên cây nhãn tức khí đáp lại cũng bằng cái giọng bổ đôi: cúc cu, cúc cu. Âm sắc của tiếng gáy này cũng tức giận không kém. Tiếng gáy sát khí dằng đằng. Trong bầu trời yên tĩnh của làng Già, tiếng gáy đối địch của hai con chim trống vang rộn gấp gáp và căng thẳng. Con chim bản địa đã xù lông gáy đuổi, gáy đe dọa mà đối phương của nó vẫn không im tiếng. Thậm chí, con chim lồng còn gáy có phần hăng hơn. Đã đến giai đoạn quyết liệt, mất hết bình tĩnh. Con chim làng Già liền đập cánh bay sang cây xoan gần lưới hơn. Điều như đoán được ý con chim, thầm nghĩ: "Con này đã say mồi, đã bắt mồi hoàn toàn, nó đã hết tỉnh táo". Điều liền giật chân con mồi đất để con chim mù xòe cánh ra mấy lần. Thấy địch thủ xòe cánh như muốn dọa lại, con chim làng Già liền sà xuống sát mặt đất chừng như muốn thăm dò, song lại bay vút lên ngay đậu trên cây nhãn. Con này gớm thật! Vẫn chưa hết cảnh giác.

Thấy vậy, ông Huyền lại ra lệnh cho con mồi lồng gáy vang. Lúc này Điều nhớ đến lời ông nội dặn: "Không được sập lưới khi chim quay đít vào lưới; bởi vì khi nghe động, chim sẽ bay lên chạy trống nó sẽ không đâm đầu vào lưới Chỉ khi nào chim đậu xuống đất, đầu quay vào lưới, lúc ấy giật bẫy cánh lưới vung lên chim sẽ rúc đầu vào lưới. Chú bé cầu khẩn thầm trong lòng: Ngày bay sà xuống đi. Hãy quay đầu vào lưới...

Con mồi đất lại tiếp tục xòe cảnh. Con mồi lồng lại tiếp tục gáy vang. Tất cả những kích thích liên tục ấy làm cho con chim làng Già hoàn toàn điên tiết, hoàn toàn mụ mị hoàn toàn mất cảnh giác. Lần thứ hai, nó lại vỗ cánh, lại sà xuống, lần này nó đậu thẳng xuống mặt đất và cắm đầu đi tới con mồi đất. NÓ sầm sầm lao thẳng vào con chim mù vẫn đang nhún nhảy một cách vô hồn. Chính lúc đó, ông Huyền nhổm hẳn lên kẻo mạnh cánh lưới. Cánh lưới từ bên phải lật sang bên trái. Con chim trời hoảng sợ cuống cuồng bay lên, nhưng than ôi nó đã lao đầu vào lưới. Con chim giãy giụa. Điều nhẹ nhàng tóm lấy rồi khẽ khàng gỡ ra. Nó reo: Ông nội chắc vui lắm. Nhà mình đã có lễ vật dâng lên Mẫu rồi.