Mẫu Thượng Ngàn

Phần 3 - Chương 1

Người Pháp đi xâm chiếm thuộc địa, việc đầu tiên họ làm là chiếm đất đai, khai thác đồn điền. Họ chú ý ngay đến nông nghiệp, bởi vì đầu tư nông nghiệp cần ít vốn, lại sử dụng được nhân công tại chỗ vốn đông đúc và rẻ mạt. Vả lại, nhân công thuộc địa chỉ làm nghề nông, họ quen đất đai, quen khổ sở, lại không cần phải đào tạo tay nghề nhiều khi trồng thứ cây mới. Bóc lột nhân công, bóc lột đất đai là phương thức thu lợi nhanh nhất cho chính quốc. Chính vì lẽ đó nên đã hình thành đồn điền Messmer trên vùng đất Cổ Đình.

Làng Cổ Đình, cuối thế kỷ mười chín là vùng đất trải qua nhiều cuộc nhiễu loạn. Hồi cuối thời Tự Đức thì giặc cờ đen, cờ vàng quấy nhiễu. Lúc Tây chiếm Bắc Kỳ, thì liên miên hết phong trào Văn Thân lại đến cuộc khởi nghĩa Đốc Ngữ. Làng nằm giữa vùng xung đột. Ở đây có ao hồ đầm lầy, có rừng rậm, có núi non hiểm trở, dễ cho quân khởi nghĩa ẩn náu. Nhiều lúc nó đã là căn cứ của nghĩa quân. Quân của ta thoắt hiện, thoắt biến, trong chốc lát có thể lẫn vào rừng già, núi non.

Quân khởi nghĩa rút, tiếp sau đó là địa bàn hoạt động của quân Pháp và lính khố đỏ khố xanh. Chúng đuổi theo nhưng rồi đến lượt chúng lại cũng rút đi.

Cuối cùng, lũ giặc cướp xuất hiện. Kẻ cướp là đám nông dân đói khát lưu vong, đám du thủ du thực, đám tuổi trẻ táo tợn nổi loạn. Họ chẳng có phương hướng gì hết. Họ bảo nhau: "Trai thời loạn. Lúc này là thời của kẻ mạnh, kẻ ngổ ngáo". Ban đêm, họ tụ tập nhau lại thành từng toán, tay dao tay gậy, đất đuốc rừng rực, xông vào các xóm làng giết người, cướp của. Ban ngày là cảnh lũ lính khố xanh khố đỏ trắng trợn hãm hiếp đàn bà con gái. Ban đêm là cảnh đuốc rực trời, và tiếng trống ngũ liên tiếng phèng la vang dội, cùng những tiếng khóc lóc kêu cứu từ những mái tranh nghèo.

Sợ hãi vì sự giành giật; kiệt quệ vì sự tàn phá cướp bóc, người Cổ Đình đành bỏ đất, đi tha phương cầu thực. Đất bỏ hoang. Hàng ngàn mẫu ruộng biến thành những cánh đồng cho cỏ mọc, đó là nơi trú ngụ của lũ chuột, lũ rắn rết, cầy cáo. Hàng ngàn quả đồi bát úp màu mỡ biến thành những đồi mua, đồi sim, hoặc những cánh rừng tạp không giá trị, chỉ toàn những bụi cây lúp xúp; bên cạnh đó, là những đồi lau bạt ngàn, trắng xóa lúc đông về.

Người Pháp chia những xứ thuộc địa trong đế chế của họ ra làm hai loại: Thứ nhất là những vùng đất để di dân như Algérie, Tân Calédonie; thứ hai là những xứ để khai thác, làm giàu cho chính quốc, ví dụ Maroc và Đông Dương. Vậy nên, nếu dân chúng bỏ ra đi thì tốt quá, đất đai của dân bỗng dưng biến thành đất hoang. Và căn cứ vào bộ luật thuộc địa, đất hoang có thể cấp không cho bất cứ người Pháp nào đến thuộc địa còn đất để khai thác, để lập đồn điền.

Đồn điền Messmer do ba anh em nhà Messmer: Philippe, Pierre, Julien tạo dựng ở vùng Cổ Đình cũng có nguồn gốc như vậy.

Người anh cả Philippe Messmer là thiếu úy quân đội, sau gần hai mươi năm chiến trận ở Đông Dương. Năm 1895 ông được giải ngũ. Lúc đó ông trạc 37 tuổi.

Ông đại tá già chỉ huy, con người đầy từng trải gọi Philippe lên và hỏi:

- Anh có sợ hãi cái xứ sở nóng nực khủng khiếp này không?

- Thưa đại tá, tôi đã quen với nó.

- Tốt! Vậy, anh muốn trở về Pháp, hay ở lại xứ Bắc Kỳ này?

- Tôi ở đâu cũng được, miễn là có cơ hội làm giàu.

- Rất tốt! Vậy thì đây là một cơ hội làm giàu. Nhà nước thuộc địa sẽ cấp cho anh đất, sẽ cho anh vay vốn. Anh có thích công việc nhà nông không?

- Tôi rất thích. - Anh ta giơ cánh tay bắp thịt cuồn cuộn lên để khoe. - Tôi tin rằng mình tôi có thể làm thừa sức 5 héc ta đất.

Ông đại tá già bỗng cười to, lắc đầu:

- Ôi! Sao mà cạn nghĩ thế. Sao lại chỉ có 5 héc ta. Nhà nước sẽ cấp cho anh 100 héc ta, nếu anh đủ tài, 1000 héc ta cũng được. Anh sẽ là một điền chủ, một nhà quý tộc.

Ngừng một lát để suy nghĩ, sau đó viên đại tá tiếp tục nói, càng nói càng hùng hồn:

- Anh phải nhớ, người Pháp sang cái xứ An Nam này không phải chỉ để kiếm một mảnh đất con con rồi tự tay trồng trọt. Người Pháp sang đây cất để chỉ huy, để khai sáng cho một xứ sở tối tăm. Việc của anh là việc sai khiến người bản xứ. Anh phải ghi nhớ: anh là ông chủ, là một nhà chinh phục, là một nhà thực dân về đất đai.