Mẫu Thượng Ngàn

Chưong 7

Những nguồn tin ở đồn điền báo cho cụ tú Cao và Trịnh Huyền biết Julien rất chú ý tới Huy và Tuấn. Người ta đã viết giấy hỏi tỉnh và cả sở mật thám Hà Nội.

Huy bảo Tuấn: “Bọn Tây có thể đặt câu hỏi: Tại sao trong mùa dịch tả, lại có hai người thành thị về chốn thôn quê vừa hẻo lánh vừa nguy hiểm này? Họ về để làm gì? Người ta ngờ vực là lẽ tất nhiên. Chẳng chóng thì chầy, rồi chúng sẽ biết bọn mình là ai. Ở chốn hẻo lánh này, bị bọn chúng bắt thì rất phiền. Ở đây, Tây đồn điền chẳng khác gì ông vua. Họ có giết chết ta cũng chẳng hề ai biết. Chi bằng ta tạm lánh khỏi làng ít lâu”.

Huy đưa Tuấn đến lánh tại trang trại của một người bạn tên là Quế. Sau đó, anh đến những cơ sở khác, hôm nay mới quay lại. Quế bạn Huy, cũng bị đuổi học trong vụ để tang cụ Phan Chu Trinh, cho nên cái trang trại nhỏ của anh cũng là cơ sở đi lại của Huy. Mảnh đất ấy còn hoang vu, nhiều cây cối um tùm rậm rạp, gần đường số 6. Quế thuê trồng cây ăn quả cam, bưởi... và chừng vài hec ta cà phê. Lại nhân có sẵn một cái vũng, anh cho sửa sang, đào sâu thêm, tạo thành một cái ao thả cá, lấy nước từ một con suối nhỏ. Thực ra, lời lãi từ trang trại này chẳng có gì, nhưng gia đình Quế buôn bán giàu có, nên nơi đây là chốn nghỉ ngơi nhiều hơn một cơ sở kinh doanh. Quế, cũng như nhiều thanh niên khá giả lúc đó, thường không có đầu óc thực tế, không có đầu óc kinh doanh. Họ sống mơ mộng là chính. Chỉ nhìn cái nhà của anh, đã biết ngay tâm tính ông chủ. Đó là ngôi nhà sàn của người Mường. Không hiểu sao, từ thời đó các cậu công tử Hà Nội đã rất thích chiếc nhà sàn của người miền ngược. Sở dĩ Quế nằng nặc bắt cha mẹ mua quả đồi trang trại này cũng vì ngôi nhà sàn ấy. Ngôi nhà toàn gỗ tốt, không to lắm, khá xinh xắn, quay hướng Nam, trên một thửa đất bằng phẳng gần chân đồi. Quế sửa chữa lại cho tiện nghi hơn. Quế sai xẻ gỗ, thay sàn nứa bằng ván, và bưng vách chung quanh cũng bằng ván. Lại ngăn ngôi nhà thành hai buồng. Buồng trong để ngủ. Buồng khách, ván bào nhẵn nhụi, trông sáng trưng. Giữa phòng khách có một bếp lửa kiểu miền núi, khách có thể ngồi bệt xuống sàn quanh bếp lửa để hàn huyên. Quế cũng tập vẽ, nên có Tuấn đến ở cùng, anh thích lắm.

Công việc của Tuấn hàng ngày là vẽ. Quế cũng vậy.

Hôm nay mưa phùn. Hiếm khi mới có dịp để ba người bạn cùng ngồi quanh bếp lửa. Họ nướng ngô, nướng thịt, uống rượu. Những miếng thịt nai sấy khô, nướng lên thơm phức. Thịt có chỗ dai, có chỗ giòn, phải nhai rất lâu, càng nhai lâu càng thấy ngọt. Tuấn chưa được ăn thịt nai khô bao giờ cứ tấm tắc khen ngon hơn mực nướng. Huy nói cho Tuấn biết tình hình làng Cổ Đình nửa tháng từ lúc anh rời làng:

- Có vẻ lắng yên. Không thấy bọn Tây đồn điền động tĩnh gì. Tình hình bệnh dịch cũng lắng xuống. Cậu cháu Điều nhà anh, may không đem đi chôn, nên đã sống lại. Cụ Tú bảo trận dịch tả đợt trước, cách đây hai mươi năm, làng mình chết vợi gần một nửa. Trận dịch này mới chết bảy lăm người. Như thế Ià chết ít hơn. - Huy nói có vẻ phấn khởi - Một phần cũng nhờ tổ tương tế. Tổ đã phổ biến cho dân phải uống nước sôi và tránh ruồi.

Tuấn tóp tép nhai miếng thịt khô nướng ngẫm nghĩ một lúc lâu. Hình như anh có điều tâm sự. Mãi Tuấn mới bảo Huy:

- Cậu còn nhớ lúc chúng mình lên Lạng Sơn không. Bận ấy trong những ngày ốm ở nhà ông già thổ mình đã suy nghĩ rất nhiều về bản thân và về cậu. Về làng Đình, mình càng lúc càng hiểu mình hơn. Rồi có lúc mình lại thấy mình chẳng hiểu gì mình cả. Nói thực mình thấy phục cậu, yêu quý cậu, trọng nể cậu. Cậu gan dạ. Cậu kiên quyết. Cậu tin tưởng. Có lẽ ở mình thiếu những đức tính ấy nên mình càng yêu cậu chăng. Nhưng xét cho cùng, mình vẫn chỉ là một kẻ ưa lông bông, một lãng tử. Cậu đang làm việc lớn, thay sông đổi núi. Cậu dám vứt bỏ tất cả... đám làm những việc mà người bình thường không dám làm...

- Chao ôi? Sao hôm nay ông bạn tôi dài dòng thế. Cậu thử nói ngắn gọn thôi xem sao. Tuấn vẫn như xúc động nhưng cuối cùng cũng trả lời: Thực ra, mình không có tư chất như cậu. Mình bao giờ cũng là người tán thành ủng hộ cậu. Nhưng mình phụng sự cái đẹp thì hơn. Có lẽ đó là điều mình đam mê và hiểu mình hơn cả...

Quế hồn nhiên nói to, phá vỡ sự nghiêm trang của hai người, giúp cho Tuấn thoát ra khỏi lúng túng:

- Đúng đấy! Hoan hô cái đẹp. Cái đẹp muôn năm. Thôi, gác những chuyện to tát ấy lại. Có lẽ lúc này chúng ta nên uống rượu là đúng hơn cả. Rượu ngon đấy. Rượu nếp hương đó ông già trong bản đặc biệt cất riêng cho mình đấy. Quế rót rượu cho mọi người rồi nghêu ngao ngâm mấy câu thơ của Lý Bạch:

…Thềm cao, gương soi, sầu tóc bạc

Sớm như tơ xanh, chiều như tuyết

Đời người đắc ý, uống say tràn.

Huy cười:

- Hóa ra cậu là kẻ sợ tóc bạc.

- Mình chẳng sợ, nhưng bạn ơi, tóc bạc nhanh lắm. Mà mình là kẻ ham vui. - Quế trả lời.

- Cả mình nữa. Mình là kẻ lông bông tìm vui. - Tuấn đế vào

Quế nói:

- Mày đi với tao sẽ tìm được rượu ngọt. Còn đi với thằng Huy, khéo chẳng lại uống rượu đắng.

Huy vốn nghiêm trang. Tuấn thấy trán Huy hơi cau lại vội nói:

- Rượu ngọt làm ta mềm môi. Rượu đắng làm ta hiểu đời.

Quế chợt cười phá lên:

- Thôi! Thôi nào! Nghiêm trang quá làm gì thêm khổ thân.

Nói xong, Quế đứng lên lấy thêm mấy miếng thịt khô để lên bếp than. Ở ngoài rừng, con chim gọi vịt kêu trong màn mưa thật buồn. Họ thôi chuyện gẫu, nhai những miếng thịt già lửa nóng giãy, giòn tan, thơm phức.

Bên bếp lửa nhà sàn, Tuấn trang trọng lấy một tờ giấy trắng to trải ra làm nền, rồi lần lượt đặt những bức ký họa mà anh vẽ từ ít lâu nay lên cho hai người bạn xem.

Đầu tiên là những bức "gái quê", những bức chân dung về cô gái có khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng rằm, mà Huy đã nhiều lần xuýt xoa rằng cô là một mỹ nhân.

Quế sáng mắt gật gù khen ngợi. Và chính cậu ta cũng cho rằng đúng cô ta là một mỹ nhân. Nghĩ đến hai chữ ấy, Tuấn lại nhớ đến lời cầu xin của thím Pháo khi Tuấn vẽ cô Hoa.

- Người đẹp trong tranh thế kia phải là con gái nhà quan. Còn phận hèn mọn như chúng tôi, đẹp như tranh thế kia chỉ thêm khổ vào thân. Cậu Tuấn ơi! Tôi van xin cậu Đừng vẽ hình em nó nữa. Nói thật với cậu, tôi chỉ mong cái Hoa lấy được chồng hơn là mong nó đẹp.

Sau khi nghe câu nói ấy, Tuấn buồn hẳn đi. Và anh về Hà Nội nửa tháng, để mặc cho Huy với lớp học. Khi trở lại làng, Tuấn bảo Huy:

- Mỹ nhân dạo này ra sao?... Thực ra, nó là em họ tôi đấy. Tao nói như vậy mày có hiểu không? Và cái chuyện tao về Hà Nội mày có hiểu không? Hay là...

Huy không để cho Tuấn nói tiếp, anh lặng lẽ nói:

- Mày phải hiểu... Không được nghĩ bậy... Mày không biết tao trân trọng cô ấy như thế nào đâu. Nhưng mày cũng phải hiểu những người như tao... lúc này... có làm được gì... cho cô ấy không.

Và trong lúc xem tranh này, Tuấn liếc mắt, chợt bắt gặp một nét buồn thăm thẳm trong mắt Huy. Đó là điều Tuấn chưa bao giờ thấy ở bạn.

Tiếp theo là bức tranh đám ma, một bức tranh vừa mới vẽ.

Những bó đuốc chập chờn. Một đứa trẻ và một người đàn bà xõa tóc. Cả hai xốc xếch tơi tả. Mảnh khăn xô trắng được ánh lửa đuốc nhuộm đỏ trông như nhuộm máu loang lổ. Thấy rõ cả những giọt nước mắt nhuộm lửa long lanh. Màu đen và đỏ chủ đạo đan xen nhiều sắc độ. Có chỗ đen óng ánh than đái có chỗ mờ xỉn như tro bếp; có mảng đen kịt, mù lòa, hũ nút địa ngục. ở phía xa, trong bầu trời mù mịt, lại lóe lên ánh đuốc của một đám ma khác. Nó như từ âm ti hiện ra ở phía sâu thẳm của bức tranh. Cái ánh lửa ở chỗ tận cùng ấy lóng lánh, run rẩy và bí hiểm. Nó làm ta liên tưởng tới một tiếng khóc vô thanh mà ta không thể nghe thấy nhưng cảm thấy.

Quế hỏi:

- Đám ma thời thổ tả. Buồn và rờn rợn.

- Mình đi chôn đêm cùng tổ tương tế một bận. Bây giờ nhớ lại mà vẽ. Vẽ rồi xóa. Xóa rồi lại vẽ. Chẳng biết thế này đã được chưa? Mệt quá nên dừng ở đây.

Huy nói với Tuấn:

- Bây giờ thì mình hiểu cậu. Có lẽ, cậu chuyên tâm vào nghề vẽ cũng là phải...

Tuấn thú thật với hai người bạn:

- Các cậu ạ, không hiểu sao mấy năm nay lúc nào tớ cũng thấy bồn chồn. Lúc mình lên Lạng Sơn với Huy, chẳng qua tưởng có thể giải được nỗi bồn chồn ấy... nhưng không được. Rồi về quê, đi dạy học cho dân làng, đi chôn đê m cho những con người khốn khổ... Tưởng rằng sự tĩnh lặng chất phác của chốn thôn dã có thể giúp được mình chăng... Nhưng mình hiểu ra mình lại nhầm một lần nữa. Các cậu sướng hơn mình thật... Các cậu có một mục đích... Có lẽ lần này, mình thử đi xa một chuyến xem sao... ừ, không đi với ai cả... Đi một mình thôi... Vào Sài Gòn chẳng hạn... Các cậu nghĩ thế nào?...

Huy nhìn Quế. Hai người nhún vai. Họ chẳng nói gì cả Còn Tuấn lại tiếp tục dòng suy nghĩ của mình:

- Có lẽ như thế là phải... Có lẽ còn lâu mình mới trở lại Cổ Đình. Về gần rồi lại đi xa... Có lẽ phải xa quê hương một chút, mình mới hiểu hết về nó chăng... Không hiểu sao mình cứ nghĩ rằng nỗi bồn chồn của mình bắt nguồn từ đấy.

Hôm sau, một chiếc xe ngựa chở Tuấn và Huy đi trên đường cái. Đến chỗ rẽ về Cổ Đình hai người bạn chia tay nhau. Huy bảo: "Rồi chúng mình sẽ lại gặp nhau. Chóng thôi". Tuấn cười: "Cậu tin thế à?". Huy: "Mình tin chắc. Những người trong sáng như cậu chắc chắn sẽ đi với chúng mình".

Thế là hai chàng thanh niên về làng: một về rồi lại đi xa, xa để hiểu quê hương mình hơn, người kia về với ý nghĩ tất đẹp, hào hùng muốn làm thay đổi cái làng quê nhỏ bé, tăm tối của mình.

Huy xuống xe ngựa, chờ tối mới mò về làng.

Huy nhằm thẳng bóng cây đa định bước theo lối mòn dẫn về chỗ miếu "đại thụ linh thần". Song anh vốn cảnh giác nên thầm nghĩ: "Ta không nên đi theo cổng chính. Đi theo cổng phụ vẫn hơn". Nghĩ rồi, anh tạt ngang theo bờ ruộng tìm đến cái trổ tre, chỗ người ta mở lối ra đồng khi đưa đám ma bà cả Cỏn. Anh phải tháo lạt, dỡ những đống giong gai chi chít, sau đó phải rấp lại cẩn thận mới vào được khu vườn rộng nhà lý Cỏn, rồi lại từ đó đi tắt sang vườn cụ tú Cao. Thấy Huy, cụ Tú giơ tay lên mồm ra hiệu không được nói. Cụ thì thầm:

- Chết chửa! Sao anh lại về. Động to rồi. Có tin báo bọn Tây bảo anh tham gia "hội kín". Chúng vào hỏi tôi. Tôi chối phắt nói rằng anh chỉ dạy học và cùng dân làng giúp nhau chôn người mắc bệnh dịch. Chắc chúng còn nể tôi nên không hoạnh họe gì thêm. Riêng anh, có lẽ chúng đã biết hết và định bắt. Đêm hôm qua, chó cắn rộ ở ngoài ngõ gần suất đêm. Đêm nay, chập tối chó cũng cắn rộ một hai đợt rồi. Chắc chúng đang rình rập tìm anh...

Huy tính toán rất nhanh: Mình sẽ luồn theo vườn các nhà đến nhà ông Huyền. ở đó cây cối rậm rạp, lại gần hồ. Vượt qua đồi sang sông cũng tiện, hoặc lẩn xuống hồ cũng tiện... Lẩn qua chục cái vườn mới đến ngõ Nhãn. Ngõ này nhiều cây nhãn rậm rịt quanh năm. Cái ngõ sâu tối om, Huy phải căng mắt ra để nhìn vào đêm tối tìm lối đi. Điều Huy chưa tính hết là đủ tối đến thế nào cũng không thể che mắt được lũ chó. Bọn chó nhận biết bằng tai và mũi rất tinh. Khi lẩn trong các vườn còn đỡ. Nhưng khi Huy chuyển từ vườn sang các ngõ tối thì khác hẳn, bởi vì các nhà đều quay ra ngõ, mà chó cũng hướng sự chú ý của chúng vào các ngõ. Huy nhón chân bước khẽ, cố tránh gây ra tiếng động. Tuy nhiên, dù cố thế nào cũng không thể tránh được vấp váp, Huy đã đá phải một hòn gạch. Thế là một con chó gần đấy phát hiện ra, cắn rộ lên. Toàn bộ lũ chó xóm Nhãn bị đánh động đều cảnh giác hết. Huy đi tới đâu, lũ chó sủa theo đến đấy.

Julien đã nhận được lời cảnh báo của sở mật thám Hà Nội. Huy là ai và đã làm những việc gì Julien đều biết hết. Hắn đã bày binh bố trận định bắt gọn Huy. Trong cuộc vây bắt này, có mặt cả hương Ất, quản Boong, tuần đinh...

Mấy hôm trước, quản Boong đến nhà cụ tú Cao. Cụ Tú đang cho con sáo đá, kỷ niệm của cụ đồ Tiết ăn chuối. Cụ không muốn tiếp nhưng không biết làm cách nào đuổi quản Boong đi. Boong thì vẫn bỗ bã. Hắn muốn ép cụ Tú phải làm quen với mình, cái lối ép trơ tráo bài bây mà khi xưa hắn đã làm với cụ đồ Tiết. Hắn bảo:

- Cụ Đồ quy tiên, thế là tôi bơ vơ. Chẳng có bạn chơi cờ.Mấy hôm nay ngứa ngáy chân tay quá. Vì thế tôi mới mò sang đây.

- Sao lại sang đây?

- Vì cụ là nhà nho. Nhà nho nào chẳng biết chơi cờ.

Nghe quản Boong nói, cụ Tú đã rất bực mình. Trông thấy thái độ làm quen trâng tráo của quản Boong, cụ trú mới thấy thương người bạn đã quá cố. Cụ đồ Tiết, vì đã bị đày đi Côn Đảo, nên dù sao cũng phải nhẫn nhục mềm dẻo. Còn cụ, cụ cần gì, cụ sợ gì ai có thể bắt nạt. Tuy nhiên cụ có chủ ý nên bảo:

- Hồi cụ Tiết còn sống, tôi có nghe nói về tài đánh cờ của ông?

- Cụ Tiết có nói với cụ về tài đánh cờ của tôi ư? Hà hà...

- Có nói. Cụ ấy bảo... à mà tôi sẽ hầu ông mấy ván cờ... Mà... chỉ ba ván thôi nhá.

Hồi còn đi học, cụ tú Cao đã học chơi cờ. Bé nhất trường nhưng cụ vô địch. Lăn lóc trên đường đời, đã lâu cụ không động đến bàn cờ. Tuy nhiên, quản Boong đâu có thể là đối thủ của cụ. Cụ ít tiếp xúc với ông quản này, đây là lần cọ xát đầu tiên. Qua những trận cờ, tâm tính con người này lồ lộ hiện ra. Ván đầu tiên hai người cầm hòa. Thực ra, cụ cầm hòa là để tìm hiểu đối phương. Ván thứ hai, cụ Tú thắng sau nửa tiếng. Đến ván thứ ba, cụ Tú thắng rất chóng vánh, chỉ mất hai mươi phút. Nhìn ông Quản mặt đỏ phừng phừng, bàn tay còn run run, cụ Tú điềm nhiên nói:

- Người ta có thể đánh cờ để tìm người tri âm tri kỷ. Người ta có thể đánh cờ mà biết được tính nết người chơi. Ai ra sao, tâm tính người ấy hiện rõ ngay trên bàn cờ. Có cờ quân tử, có cờ tiểu nhân... Riêng tôi, tôi làm nghề thầy lang nên tôi có thể đánh cờ biết bệnh...

- Sao? Lại có chuyện đó ư? Tôi chưa được nghe thấy bao giờ... Tiện đây, cụ có thể cho biết...

- Vâng vâng... chính thế... Tôi đã bỏ cờ từ lâu... Nhưng nhìn sắc mặt ông... tôi bằng lòng đánh ba ván... sở dĩ thế vì muốn biết xem bệnh ông ra sao. –

- Xin cụ... chỉ giáo cho tôi... được biết...

- Quả là tôi đoán không sai... ông là con nhà võ... Thích chém tướng cướp cờ... Thích táo tợn, sát phạt... Sát khí trong phép đánh cờ của ông bốc lên ngột ngạt quá. Nóng nảy... Muốn đè bẹp người ta ngay... Cái hỏa luôn luôn bốc lên đầu. ông hay nhức đầu có đúng không? Có lúc tức giận thấy hai thái dương giần giật... ông đưa tay tôi bắt mạch xem sao... Đúng rồi. Tay ông còn run lên đây này... Mặt ông đỏ bừng... Hỏa quá vượng... ông đốc tờ Alexandre, ông con rể tôi, bảo bệnh này là bệnh huyết áp cao... Rất dễ đột tử. ông không biết giữ mình cho cẩn thận... để cho tính nóng nảy... nhẹ dạ hoành hành thì nguy... Có người chỉ vì một cơn tức giận... hiếu thắng mà sinh ra đứt mạch máu, bất đắc kỳ tử...

Cụ Tú vừa đoán bệnh thực sự, vừa dọa nạt xua đuổi, làm cho quản Boong vừa sợ, vừa bán tín bán nghi, tại cả vừa thẹn nữa.

Hắn nghe lời Julien đến nhà cụ Tú dò xét, lân la... song sau cái lần ấy, hắn cứ thấy ngài ngại. Hắn nghe lời Julien còn mò đến gặp ông hộ Hiếu. Julien bảo những nơi hẻo lánh, nơi cư ngụ của những con người nghèo khổ, kỳ quái như ông Hộ, là nơi những kẻ phiến loạn thường hay bắt mối dựa vào. Một hôm, hắn đến ngôi chùa đổ. Quản Boong nửa nạc nửa mỡ:

- Cụ Hiếu, đáng lẽ nơi này thuộc của tôi chứ không phải của cụ. Cũng phải!

- Hộ Hiếu trầm ngâm gật đầu. - Ngày xưa thầy tiểu Đơm, bố ông, được sư cụ chùa này nuôi từ lúc lọt lòng. Đáng lẽ thầy Đơm phải nối pháp trụ trì ở đây Tiếc một nỗi, thầy Đơm lại không dứt được hồng trần, chỉ một lòng thích đi gánh nước để ngắm những bụng chân trắng của các cô gái làng ở giếng thơi...

- Cụ nói lăng nhăng gì thế

- Nào tôi có đơm đặt. Thầy tiểu Đơm lớn hơn tôi nhưng lúc bé tôi cũng còn nhớ, trẻ con trong làng còn đi theo chú tiểu hàng đàn để đọc vè...

- Thôi thôi! Cụ chớ dài dòng...

- Còn một điều tiếc nữa, là sau lúc sư cụ chết, thầy tiểu Đơm lại bỏ bên đời, đi bên đạo... Thành thử... tôi là người đến chùa này sau, khi chùa đã đổ, lại phải gánh vác việc trời hành...

- Trời hành! Cụ có nói đùa không đấy... Bao nhiêu người xin bùa, bao nhiêu người cúng lễ... Người ta bảo rằng cụ sống tươm tất lắm... ăn không hết... Đêm đêm còn bố thí cơm ăn cho... những người sa cơ lỡ bước... Có phải không?

Ý quản Boong nói bóng gió đến tin đồn rằng hộ Hiếu còn cưu mang nuôi giấu những người hội kín. Còn cụ hộ Hiếu thì điềm nhiên không để ý đến lời bóng gió kia. Cụ già mơ mơ tỉnh tỉnh cứ đi theo những suy nghĩ đau buồn riêng của mình:

- Tươm tất ư?... Ai có muốn tranh cái chức ông hộ trời hành này tôi nhường cho đấy. Ông tưởng quý hóa lắm hả?... ông nhìn ra sân chùa mà xem, bao nhiêu oan hồn quỷ đói đương chầu hẫu ra kia kìa... ông tưởng nghề phù thủy sướng lắm phải không? Bạc bẽo... bạc bẽo? Chúng chỉ chờ thời đấy thôi... Kìa con quỷ đầu trọc ngồi sau lưng ông đấy. Nó đang sẵn sàng... Mình không cao tay là lũ âm binh chúng phản mình luôn. Chúng không nương tay đâu Cả vợ con mình... được dịp là chúng bắt đi luôn...

Cụ hộ Hiếu đến lúc ấy mới nhận ra mình đang nói chuyện một mình, vì quản Boong nghe những lời điên khùng, quái gở của cụ đã chuồn ra khỏi chùa từ lúc nào không hay. Đấy là chuyện chập tối. ông cụ hộ Hiếu đang đau buồn sầu não vì thím Pháo chết thì quản Boong đến quấy nhiễu. Cụ hộ Hiếu cứ âm thầm tự trách mình. Cụ cho rằng nghề phù thủy rất tổn âm đức. Vì thế thím Pháo mới chết. Bây giờ pháp thuật của cụ kém rồi, âm binh nó làm phản. Khi thấy không có mặt quản Boong nữa, cụ đứng dậy đi sang nhà thím Pháo, vừa đi vừa chửi thề.

- Mẹ cha nó! Nó tưởng ông sướng lắm phải không. - ông sụt sịt. - Bà ơi, tôi làm khổ bà rồi. Mẹ cha nó. Trời hành! Tưởng béo bở lắm phải không? Chúng mày thích thì ông nhường cho đấy.

Trong lúc ấy, quản Boong đã nhập vào toán đi tuần. Đi đầu là hương ất rồi Julien. Đi sau là mấy anh tuần đinh. Quản Boong nghe cụ hộ Hiếu lảm nhảm cứ thấy ghê ghê. Hắn đi giữa đám người song vẫn tưởng tượng ra những bóng hình lũ âm binh mà hộ Hiếu nói vẫn lởn vởn trong bóng tối của những lùm tre, cây nhãn.

Chợt nghe thấy tiếng chó sủa rộ lên ở phía ngõ Nhãn. Dù chẳng trông thấy ai, hương ất vẫn hét toáng lên: "Bắt lấy nó? Bắt lấy nó?".

Huy nghe thấy tiếng chân rầm rập và tiếng thét ở xa, Huy nghĩ: "Đi theo ngõ Nhãn tối om này thể nào cũng gặp chúng. Tiếng chân xa còn kịp. Chi bằng ta rẽ vào nhà thím Pháo ở ngay gần đây. Thím Pháo và Hoa là những người sẵn sàng giúp ta".

Con chó Vện nghe tiếng chân người định sủa. Huy cất tiếng nói rất khẽ nhưng đủ để cho con vật nhận ra người quen: "Tao đây mà". Vì Huy hay đến gặp Hoa nên con Vện đã thuộc hơi thuộc tiếng. Con chó đứng ve vẩy cái đuôi, sau đó lẳng lặng đến nằm ghếch mõm lên bậu cửa, trên thềm hè.

Huy bước vào trong nhà. Trên đĩa đầu lạc, ngọn bấc nhỏ xíu liu riu cháy, tỏa bóng lờ mờ xuống cái không khí thê thảm. Trên chiếc phản kê ở gian bên, một chiếc chiếu lù lù đắp lên một xác người. Chiếc chiếu ngắn để thò ra hai chân. ở đằng đầu chiếu là miếng giấy bản phủ lên mặt người nằm đó. ở góc nhà, Hoa ngồi khóc, tóc xõa rũ rượi. Trên chiếc chõng, ông hộ Hiếu ngồi bó gối, tóc tai dựng ngược. Đến lúc này, nhìn quang cảnh, Huy mới biết bà ba Pháo đã mắc dịch chết. Cũng đến lúc này, anh mới hiểu tại sao hôm nay mình lại nóng ruột đến vậy. Không đợi Huy hỏi, Hoa nói: "Mẹ em mới chết hôm nay".

Ông già điên khùng đang ngồi bó gối chợt ngẩng đầu lên khi nghe tiếng chó sủa ở đầu ngõ. Rồi lại nhìn thấy thái độ nhớn nhác của Huy. Rồi lại nghe tiếng quát tháo của quản Boong, hương Ất. Ông già phù thủy chợt hiểu ngay tình hình. Huy thì thầm:

- Bọn chúng nó đang đuổi bắt cháu. Bác ơi, trốn vào đâu bây giờ?

Hoa đưa mắt nhìn bố, nhìn Huy, nhìn chung quanh.

Tuần đinh đã ồn ào ngoài ngõ. Con Vện từ hè phi ra sủa inh ỏi. Con chó cắn rất dữ. Nó vừa cắn vừa lùi nhưng cũng đủ làm chậm bước đoàn người tiến vào.

Ông hộ Hiếu vẫn đang nhìn quanh. Riêng Hoa chỉ nghĩ một thoáng mắt cô đã sáng lên. Cô cầm tay Huy đến bên giường mẹ. Cô ra hiệu cho anh ngồi xuống, rồi đẩy anh chui vào gầm giương người chết. Huy chẳng kịp ngần ngừ. Thoắt một cái, anh đã nằm trong bóng tối, dưới cái gầm giường tanh tưởi, thối tha... Đến lúc ấy, anh mới nhận ra tay mình vừa chạm phải cái gì đó nhờn nhờn, ươn ướt trên mặt đất. Anh rùng mình, chợt hiểu đó là chất thải từ xác người chết dịch đã từ trên thường nhỏ xuống dưới. Cũng đến lúc này mũi anh cũng mới hồi tỉnh lại. Nó ngửi thấy một mùi hôi thối tanh lộn mửa xông lên nồng nặc. Cơ hồ anh muốn nôn oẹ nhưng anh cố hết sức kìm nén lại.

Ở ngoài sân, tiếng hương ất hách dịch vang lên bắt nọn:

- Mụ mõ đâu? Mụ Pháo đâu? Chúng bay lục soát cho thật kỹ. Ta vừa thấy bóng một thằng chạy vào đây.

Hoa ngồi bên giường mẹ, khóc nấc lên:

- Ôi mẹ ơi là mẹ ơi! Mẹ chết thảm thương thế... mà người ta còn đến hành hạ thế này đây... Ối trời cao đất dày ơi?...

- Sao? Sao? Mụ Pháo đâu?

- Bà ấy đây này! - Ông hộ Hiếu chạy đến, lật chiếc chiếu và miếng giấy bản ra.

- Chết dịch hả? - Julien xì xồ hỏi.

- Bẩm quan lớn, chết thổ tả ạ. - Ông già nói to.

- Chết thổ tả ư? - Hương Ất đứng sững ở giữa nhà vừa nhìn người chết, vừa hỏi.

- Xin mời quan lớn đến khám xét.

Hương Ất liếc nhìn quanh rồi nói rất nhân nghĩa:

- Mới chết hả? Hừ, bây giờ ta mới biết. Nhớ là chôn ban ngày. Quan lớn cấm chôn đêm, vì ban đêm quan lớn đi tuần. Nhà mày ngày mai ra đình, các cụ sẽ cấp cho tiền mai táng.

Julien cũng bỗng trở nên rất lịch sự:

- Quan lớn cũng xin có lời chia buồn...

Hoa không trả lời. Cô chỉ khóc nấc lên:

- Ối mẹ ơi... là mẹ ơi!