Mắt bão

Chương 19

Khá khó khăn, Hải mới xuyên qua một nhóm mấy chục sinh viên khoa Du lịch đang tụ tập gây tắc nghẽn đoạn hành lang hẹp nối bãi giữ xe với khối nhà ngoài cùng của trường đại học. Những tờ gấp, các mẫu đơn đủ màu sắc chấp chới trên tay mọi người. Tất cả các gương mặt đều đượm vẻ háo hức pha lẫn băn khoăn. Hải tò mò chen đi nhanh hơn. Khoảng sân rộng bên trong các khối nhà của các khoa lúc này san sát các ki-ốt. Tiếng nhạc náo nhiệt. Bóng các nhân viên trẻ mặc đồng phục quảng bá thương hiệu hiện diện khắp nơi, phân phát hồ sơ và tờ rơi cho bất kỳ ai đi qua. Bên trong các quầy, dàn máy tính mở sẵn trang web giới thiệu công ty thu hút người xem lớp trong lớp ngoài. Thoáng chốc, tay Hải cũng đầy ắp các tờ bướm quảng cáo. Hàng loạt các thương hiệu lớn chiếm các vị trí trung tâm, logo và băng-rôn nổi bật. Ngày hội việc làm cho sinh viên diễn ra trong vòng một ngày vào lúc cao điểm. Gần nghỉ hè, hầu như ai cũng mang hy vọng kiếm tìm một công việc làm thêm thích hợp. Nhưng đông nhất vẫn là các nhóm sinh viên năm cuối. Quây quanh những chuyên viên tư vấn và các nhà tuyển dụng, ai nấy đều cố gắng tìm lời giải đáp cho những băn khoăn thắc mắc của riêng mình. Lọt vào bầu không khí huyên náo rộn ràng đó, tim Hải cũng khua rộn lên.

Hải vội tìm một chỗ trống trên băng ghế, lướt mắt vội vã ở mục tiêu chuẩn xét tuyển và mức lương ban đầu. Gần một năm nay, anh tính kiếm việc mới. Không thể nào cứ bám víu vào chân gia sư. Làm tiếp thị theo thời vụ anh cũng hết hào hứng. Tiền bạc cần thiết thật, với một người thường xuyên thiếu trước hụt sau. Nhưng nếu có một việc tử tế, có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, thì tiền lương ra sao anh cũng chấp nhận. Đọc báo, rồi nghe bạn bè cùng lớp kháo nhau chuyện ra trường kiếm việc ở văn phòng hay công ty rất khó nếu thiếu kinh nghiệm, vì thế muốn tìm được việc làm ưng ý, phải chịu khó đi làm ngay từ bây giờ, anh vô cùng lo lắng. Tờ báo nào đăng quảng cáo tuyển dụng, anh đều cắm cúi đọc không bỏ sót. Nhưng, Hải luôn thấy mình không đáp ứng yêu cầu. Nhìn các bạn chung quanh vừa đi học, vừa đi làm, gặp nhau là nói chuyện như dân chuyên nghiệp, anh chỉ biết thầm ngưỡng mộ sự nhạy bén hoạt bát của họ. Và như thế, nỗi mặc cảm dân tỉnh lẻ khờ khạo lại càng đậm lên trong anh. Thật may, bây giờ trường tổ chức ngày hội việc làm dành riêng cho đối tượng sinh viên. Bằng mọi giá mình cũng phải kiếm cho ra vị trí nào đó, Hải nhủ bụng.Rà soát kỹ lưỡng, cuối cùng anh chọn được ba công việc thích hợp với ngành quản trị kinh doanh của anh. Các điều kiện bằng cấp xem ra cũng không quá sức. Cẩn thận điền từng mẫu đơn, anh chen trong đám đông, quyết nộp tận tay nhân viên tuyển dụng. Hồ sơ xếp cao trên góc bàn. Cô gái nhận hồ sơ ngước mắt lên, nở nụ cười công nghiệp mà Hải cứ ngỡ cô ta giành riêng cho mình. Anh tràn đầy hy vọng. Ở quầy kế bên, người nhận đơn chóng vánh nhét nó vào ngăn bàn đầy ngập. Chẳng biết người ta có để mắt đến hồ sơ của mình hay không, Hải gạt mồ hôi, thoáng lo âu. Nhưng rồi tiếng nhạc sôi động phấn khích vọng đến khiến anh một lần nữa lại nôn nao chờ đợi phép màu phía trước.

Chiếc đồng hồ ở sảnh lớn chỉ quá mười giờ. Hải giật mình. Sáng nay, mọi người phải lên lớp nhận điểm và nghe giảng viên nhận xét về bài tập quảng cáo. Anh co giò chạy từng ba bậc thang. Những sinh viên nhẩn nha vội vã dạt qua một bên nhường lối. “Xin lỗi!” – Hải luôn miệng mỗi khi đâm sầm vào ai đó. Lớp học ở tầng ba đầy ắp. Hải đi vòng ra cửa phía cuối phòng. Mấy tên bạn dồn vào, cho anh ngồi ké đầu băng ghế. Khi anh còn đang thở dốc, đứa bạn ngồi cạnh thì thào: “Bài của nhóm cậu được điểm mười duy nhất đó. Hồi nãy thầy mới khen!”. “Thiệt hả?” – Hải cười rạng rỡ, quên cả mồ hôi đang chảy thành dòng trên trán. Thằng bạn gật đầu, vẫn thì thào, nhưng lại đượm vẻ mỉa mai:” Thằng Hữu nhờ có các cậu kiếm được con mười ngon lành ha! Hay là ngược lại?”. Hải quay qua, nhìn thẳng vào mắt tên bạn, kinh ngạc: “Cớ gì cậu lại nghĩ như thế?”. “Ai biết! – Cậu bạn cười khỉnh – Hồi nãy đầu giờ, thầy phát bài tiểu luận, chẳng thấy bóng dáng cậu và Vĩnh đâu. Hữu thay nhóm lên nhận bài và giải thích thêm một vài điểm khúc mắc thầy đặt ra. Hữu cũng tuyên bố ý tưởng chính xuyên suốt tiểu luận là của cậu ta, còn hai cậu lo về tư liệu và hình ảnh mà thôi! Đúng vậy hả?”. Hải lặng đi, không thể nói gì nữa. Phía trên,m cách mấy dãy bàn, anh thấy rõ lưng Hữu mặc áo da cam. Cả cái bìa xanh của tập tiểu luận do chính tay anh đóng, trước mặt cậu ta. Hình ảnh nổi lên mồn một, như được khắc bằng mũi dao nhọn lên võng mạc…

Tên bạn ngồi kế vẫn huých khuỷa tay vào sườn Hải, thôi thúc xung đột. Hình như tụi bạn cùng lớp vẫn chưa quên lần anh túm cổ Hữu ngay trong giảng đường. Hải không để ý gì nữa, cả lời thầy giảng vang vang trên loa, cả cái cảm giác ngột ngạt bên trong phòng học nóng bức. Bên trong anh, chỉ có nỗi tức giận và căm ghét. Thứ cảm giác tăm tối khiên mọi thứ trước mắt anh lộn ngược.Trong khi mọi người cắm cúi ghi chép, Hải ngồi im, không thể rời mắt khỏi cái lưng áo da cam thản nhiên phía trước. Tại sao trên thế giới này lại có kẻ trơ trẽn ngang nhiên đến thế? Tại sao những tên bần tiện vẫn có thể nhơn nhơn tồn tại trong cuộc sống này, giành giật hết may mắn này đến vinh quang khác? Tại sao cuộc sống luôn bày ra các xếp đặt tình cờ làm lợi cho kẻ tồi tệ? Hàng loạt câu hỏi quay cuồng. Hải siết chặt nắm tay, sẵn sàng nghiền nát Hữu nếu hắn lọt vào tay anh lúc này.

Không hề ngoảnh mặt về phía sau, nhưng Hữu cảm thấy rõ nét tia mắt sắc nhọn đang xuyên vào lưng mình. “Hai tên ngốc!” – Hữu nghĩ, khoái trá. Niềm vui chơi khăm đối thủ một lần nữa trỗi dậy. Thật tuyệt khi chỉ cần tỏ thái độ hòa hoãn, khoác lên vẻ mặt hợp tác, không phải mó tay làm gì là cũng kiếm được điểm mười. Nhưng tuyệt nhất khi gây ấn tượng mạnh trước giảng viên và lũ đồng môn bằng kiến thức rút tỉa từ kẻ khác. Ngay khi tiếng chuông báo giờ học sáng kết thúc, Hữu đứng dậy, mau chóng lẩn vào đám đông. Hải chạy vội ra hành lang. Có bốn cầu thang đi xuống. Sinh viên các khoa khác cũng đổ ra đông đúc. Anh không xác định nổi Hữu đã lỉnh theo hướng nào. Như muốn phát điên, anh chạy qua chạy lại từng tay vịn cầu thang, nhìn xuống. Khi anh phát hiện cái áo da cam của Hữu thấp thoáng nơi khúc quanh cái cầu thang gần cửa lớp học nhất, thì hắn ta đã xuống gần đến tầng trệt.

Vĩnh đến khá sớm trước giờ học chiều. Hữu vắng mặt. Ngoắt bạn lại ngồi cùng bàn, Hải bực bội thuật lại câu chuyện điểm số và trò cướp công, với hy vọng bạn thân sẽ nghĩ ra cách trừng phạt thích đáng cho thói tinh ranh ma giáo của Hữu. Nhưng Vĩnh im lặng. Thay vì phẫn nộ hay cáu kỉnh, anh chỉ mỉm cười dửng dưng:

-Cậu nghĩ chúng ta có thể làm gì Hữu?

-Gặp thầy, nói thẳng việc Hữu đóng góp rất ít trong tiểu luận. Đó là sự thật!

-Làm thế rất giống mấy thằng trẻ con, Hải ạ! – Vĩnh nheo mắt hài hước.

-Nếu vậy thì mình gặp thẳng Hữu, nói chuyện phải quấy. Nếu nó lập luận trơ tráo ngang ngược, tớ sẽ nện cho nó một trận! – Hải gằn giọng.

-Vậy có ích gì nhỉ? Sau cuộc cãi vã hay đánh nhau, cậu và tớ chỉ chuốc thêm bực dọc mà thôi!

-Biết vậy. Nhưng… - Hải bỏ lửng câu nói giữa chừng, đưa mắt nhìn ra ngoài khung cửa đầy nắng chói chang.

-Nhưng sao? – Vĩnh vẫn giữ nụ cười ơ hờ trên môi.

Hải nhìn bạn. Đôi mắt anh như hai viên than cháy rực, nghiêm trang mà tràn đầy giận dữ. Giọng anh vang lên thẳng thắn, kiềm chế cơn giận bùng nổ:

-Vĩnh ạ, tớ không phải là thằng thông minh. Khi nóng giận, với một đứa quá giả tạo và tồi tệ như thằng Hữu, tớ chỉ biết giải quyết bằng nắm đấm. Tớ nghĩ cậu luôn có cách giải quyết khôn ngoan hơn. Tớ rất ghét phải chịu đựng sự bất công, nhất là do một thằng khốn tụi mình biết quá rành. Hữu chơi xấu tụi mình nhiều lần. Nếu lần này, không làm rõ ra, tớ không chấp nhận được đâu!

-Đôi khi, trong cuộc sống, người ta vẫn phải chấp nhận vài kẻ tồi tệ, không thể nào dọn sạch chúng đâu – Vĩnh gõ ngón tay lên mặt bàn, nói điềm đạm.

-Cậu có biết mình đang nghĩ gì không? – Hải lên tiếng sau một lúc lặng đi. Cánh mũi anh phập phồng – Dù có viện lý do nào đi chăng nữa, một khi thỏa hiệp và chấp nhận nhường một ít không gian sống cho bọn tồi tệ, thì lúc nào đó, người ta sẽ phải nhận ra không gian của mình đã bị bọn người đó xâm chiếm gần hết. Và đáng tởm nhất, là chính người ta cũng trở nên tồi tệ vì đã chấp nhận thỏa hiệp!

-Thôi được, tớ sẽ nghĩ cách trả đũa – Trước cơn nóng giận của bạn, Vĩnh đành đổi giọng – Tụi mình đã nắm được tính cách Hữu, chẳng hạn như cậu ta là kẻ dối trá vì thích phô trương, một kẻ ưa đánh bẫy và luôn gây rối. Biết vậy, sẽ có cách trừng trị hợp lý. Tất nhiên không phải bằng nắm đấm hay cãi vã.

-Ừ, tớ tin cậu! – Những nét cau có trên mặt Hải giãn ra.

Giờ học bắt đầu. Hai người bạn chăm chú nghe giảng, ghi chép, giải nhanh vài thuật toán giảng viên đưa ra trên bảng. Lúc tan học, cùng đi xuống bãi giữ xe, Hải hồ hởi khoe với bạn: “ Tớ mới nộp đơn kiếm việc trong ngày hội việc làm sáng nay của trường mình”. Vĩnh gật đầu: “Chắc cậu sẽ tìm được. Mùa này và cuối năm có các công ty nào cũng có nhiều việc. Nhu cầu tuyển dụng khá cao!”. Anh chợt thấy thương bạn. Chỉ là một hy vọng chưa có gì thành hình, cũng đủ khiến cậu ấy vui đến vậy. Bỗng, Hải dừng lại bất chợt:

-Tớ quên mất điều này quan trọng lắm. Hôm kia là sinh nhật Nhã Thư, cậu có biết không?

-Biết. Tối muộn, tớ mới đọc tin nhắn của cậu. Nhưng không làm gì cả. Tớ và Thư đã chia tay hẳn rồi.

-Cô ấy vẫn chưa quên cậu đâu! – Hải kêu lên – Tối đó, cô ấy tìm gặp cậu, phải không?

Vậy là Nhã Thư đã đến trước cổng công ty chờ mình. Cô ấy đã gọi điện thoại. Hệt như có ai thoi mạnh vào bụng khiến Vĩnh đau gập đôi người. Hải còn muốn nói gì thêm, nhưng anh bỏ đi luôn, bỏ mặc cậu bạn mãi đứng im trên dãy hành lang.

Hữu nửa nằm nửa ngồi trên quầy thu ngân của cửa hàng thời trang thể thao. Mọi công đoạn thiết kế và trang trí đang vào giai đoạn hoàn tất. Những tấm kính lớn thay cho một mảng tường nhìn ra con đường sầm uất khu trung tâm. Cảm giác phấn khích và thỏa mãn dâng lên, biến thành ham muốn phá phách thứ gì đó hoặc một ai đó, càng tàn nhẫn càng hay. Xoãi chân trên mặt quầy gỗ, Hữu rút điện thoại di động, chọn tên Thái Vinh.