Mao Trạch Đông ngàn năm công tội

Chương 8

Đại hội 8 ĐCSTQ họp tháng 9-1956 trong tình hình quốc tế và trong nước phức tạp. Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô phê phán Stalin làm cho Mao Trạch Đông rất vui vì Stalin từng ủng hộ Vương Minh chống lại Mao, nhưng cũng khiến ông ta lo ngại làn sóng chống tệ sùng bái cá nhân trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến vị trí của mình trong ĐCSTQ. Mao cho rằng sau khi Stalin qua đời, không ai đáng ngồi vào chiếc ghế lãnh tụ Phong trào cộng sản quốc tế hơn ông ta, Nhưng với sự kiện trên, một số cách nghĩ và cách làm của ông ta phải chậm lại.

Muốn làm lãnh tụ thế giới, làm người cầm cờ của Phong trào cộng sản, phải làm tốt mọi việc của Trung Quốc, tạo ra kỳ tích chấn động thế giới trong thời gian ngắn.

Đại hội đã đề ra đường lối thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội gồm 10 chính sách lớn với đặc điểm lấy mô hình phát triển kế hoạch 5 năm của Liên Xô làm mẫu, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm.

Theo chỉ thị của Mao, Điều lệ đảng không nêu “Tư tưởng Mao Trạch Đông” nữa, bởi nội dung của nó đồng nhất với chủ nghĩa Mác-Lenin. Mao làm như vậy không phải do khiêm tốn, mà vì ông sợ bên ngoài hiểu lầm, cản trở ông ta trở thành lãnh tụ thế giới bởi sau thế chiến II, danh tiếng của Stalin lớn hơn Mao nhiều, mà Stalin chỉ nêu chủ nghĩa Mác-Lenin, không nêu chủ nghĩa hoặc “tư tưởng Stalin”.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành trung ương mới gồm 97 uỷ viên chính thức, 73 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 37 uỷ viên chính thức, 6 uỷ viên dự khuyết. Thường vụ Bộ Chính trị gồm Chủ tịch Đảng Mao Trạch Đông, 4 phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu: Đức, Trần Vân. Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình.

Khi bầu Chủ tịch Đảng, Mao không được 100% số phiếu, kiểm tra nét chữ trên các lá phiếu, phát hiện Mao không bầu mình, mà bỏ phiếu cho Lâm Bưu, dẫn đến nhiều phỏng đoán. 20 tháng sau, tại Hội nghị Trung ương 5 khoá 8, Lâm Bưu được bầu làm Phó Chủ tịch Đảng và Thường vụ Bộ chính trị.

Điều đáng tiếc nhất là Mao đã quay lưng lại với đường lối thực tế của Đại hội 8. Trong mấy năm sau đó, Mao lần lượt lật đổ 10 chính sách lớn, thay bằng 10 chính sách tương phản, hình thành đường lối chủ nghĩa xã hội không tưởng của ông ta.