Mẫn và tôi

Chương 5

Con chim vàng anh bay trước mặt tôi từng quãng ngắn. Đường bay của nó mắc quai nón đều đặn vào các cành cây dọc lối mòn, như một dãy lụa vàng dệt sọc đen dẫn tôi trở về Quảng Nam. Con chim đẹp không gợi cho tôi một kỷ niệm nào rõ nét. Tôi gắn bó hơn với con "khó khăn khắc phục" của vùng núi, mượn tiếng rìu chặt cây làm tiếng gõ phách để hát suốt mùa rẫy, từ lúa trỉa đến lúa suốt(1).

Chưa vào hè mà tôi nhớ con tu hú ở quê mẹ. Một lằn đen đáp vào chòm lá, một trái bông gòn khô vỏ ngọ nguậy sau cành, một tràng từ tu hú ngả sang tu hấu cho đến những tiếng hấu cuối cùng kêu lấy được. Một mớ câu hỏi của thằng Thiêm mới từ thành phố về, lớ ngớ như mèo con tới nhà lạ:

- Chị Ba ơi chị Ba, sao nó hấu hấu?

- Tại nó ăn dưa hấu nhiều. Đó, đó, nó xin nữa.

- Sao họ nói con này kêu có cá chuồn, chị Ba?

- Nó ăn dưa, nhả ra cá chuồn. Cá trong họng nó rớt xuống như tao phun hột chà là vậy nè. Đó, đó, thấy không, kiếm cái rổ đi hứng...

Ngang đoạn này, tiếng má tôi từ dưới bếp dội lên:

- Ba, mày khôn bao lăm mà xui em ăn cứt gà sáp, hả?

Chị tôi le lưỡi, chạy biến ra vườn coi trâu. Tôi lại tập đánh vần, mải căng mắt tìm cá chuồn rớt từ miệng chim nên cứ gào cờ i ki, là ki, may má tôi mù chữ không bẻ được. Chị Ba bây giờ có còn nhắc câu đùa cũ với bầy con trứng gà trứng vịt của chị?

Tôi đang đi ngược lại con đường rừng cũ, hướng Bắc. Một mình, một ba-lô, một súng ngắn, sau lưng một cậu giao liên rất chịu khó nhưng hiểu câu kín miệng giúp nước theo nghĩa đen. Chân tôi bước gấp mà hơi nặng, tuy không có chút bùn dẻo nào bết vào dép. Đường mùa xuân còn một ít vắt. Cái cảm giác lạnh và lầy nhầy từ bàn chân vẳng lên đã quen chạy thẳng sang tay, tôi cúi gỡ vắt mà dòng nhớ cứ quay đều trong đầu như xe nước trên sông. Tôi nhớ xê mình vừa thôi, vai xê phó vốn hay đi chuẩn bị chiến trường và chạy ngoài, riết rồi cũng không lạ nữa với cái chống chếnh của người lính tách khỏi khối đông anh em. Nhưng cái đất Bình Định của tôi, bao giờ mới được gặp lại?

Tôi nhớ quê lắm!

Đại đội 215 đuổi theo trung đoàn qua hết Quảng Ngãi, thẳng một hơi vào xứ dừa Tam Quan, đánh luôn hai trận, một bảnh và một rất bảnh, kiếm được bảy huân chương cả chung lẫn riêng. Chọi sức với giặc là chuyện vất vả lắm chứ, nhưng tôi cứ thấy chiến dịch trong rừng dừa này diễn ra như hội mùa xuân, vui sao vui lạ. Nếu tôi bốc vì được về tỉnh nhà, thì sao anh em khác tỉnh trong xê mình đều hớn hở như tôi?

Tóc dừa kết thành biển xanh mênh mông. Quân ta là đoàn tàu ngầm dưới đáy sâu, cứ thả xăng đi giữa ban ngày, chơi ú tim với máy bay. Thỉnh thoảng mấy trăm cái vòi lửa đỏ cùng phụt lên, chụp đầu vài thằng có cánh dìm biến dưới sóng lá, và địch lụi hụi đổ quân lặn mò, hốt về một bộ xương sắt đã lóc hết thịt. Xe bọc thép kéo vào húc dừa không trốc, xê mình xơi ngon sáu chiếc, sau đó bà con bắt uống dừa rụng đến bỏ cơm. Bom pháo nhiều, nhưng các thân dừa chặn mảnh tốt hơn cả bê-tông, cái anh đất pha cát trong vườn dừa lại ngọt lừ dưới bàn tay ấn xẻng đào hầm, không làm bẩn áo quần sau mỗi lần chúng tôi xuống núp. Sau trận, các má hay kéo chúng tôi vào ngủ nhà - những căn nhà đắp mái đất sét trước khi lợp, khó cháy, hè mát và đông ấm - nhưng anh em khoái nghỉ ngoài vườn hơn, buộc võng giữa các gốc dừa, ngồi đung đưa mà uống nhấm nháp những trái dừa nạo. Rất nhiều cậu quả quyết mình lên cân vì dừa, có thể lắm. Dừa lửa bốc mùi men êm của rượu tà-vạc ngam(2). Dừa xiêm ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Dừa ta thơm dịu, béo, vừa uống vừa nghĩ mới nhận ra cái hương riêng kín đáo. Nằm trong vườn dừa không yên đâu nhé. Anh em phớt tàu bay đại bác, không phớt được các cô dân công Bình Định gánh gạo trẩy qua, gọi nhau bằng cái giọng như trẻ em chả chớt: "Đầu gấu đụng cái đầu cấu sưng bằng trái ấu". Anh em nằn nì các cô trổ cho xem tài múa roi đi quyền mà cả nước đều biết. Chưa hết. Còn các "binh đoàn khởi nghĩa" rất độc đáo của Bình Định 65; từng vạn từng vạn đồng bào kéo qua các xã như sóng thần, kéo bật lên những cuộc nổi dậy, mỗi ngày đêm biến cả chục ấp chiến lược thành làng chiến đấu của ta. Còn những cây số người xanh đỏ kính coong từ phố phường tuôn về vùng giải phóng trong dịp Tết... Tôi chẳng dám khoe quê hương, nhưng ai cấm tôi tươi mặt khi nghe xê mình ca ngợi đất và người Bình Định, khen nức khen nở khen thở chẳng được?

Tới ngày 7-2-1965, lịch sử lật trang. Bom Mỹ trút xuống miền Bắc một lần nữa. Các căn cứ giặc nối nhau nổ dây chuyền như chuỗi mìn điện dưới tay ta bấm, cái tin dữ kia truyền miệng dọc đường ra trận cũng nổ dây chuyền trong mỗi chúng tôi. Chiều hôm ấy chúng tôi thắng lớn trên Đèo Nhông. Hai xúc động lớn trong cùng một ngày: những phút máu uất kéo lên cổ gợi nhớ làng Cá chết lụt, những phút say người nhất trong đời đánh Mỹ. Chỉ qua sáu tiếng đồng hồ, ân oán đã tạm rạch ròi bước đầu.

Trong xê mình từ nay có câu nói mới: chạy đua kiểu Đèo Nhông.

Cánh quân địch giữ sườn vừa qua khỏi, tiểu đoàn ào lên chiếm đồi, đánh thúc ngang hông binh đoàn lớn đang hành quân theo trục đường nhựa, đội hình chữ Y. Tôi vọt lên đầu. Tiểu đoàn phó đón ở chân dốc, hét: "Mau nữa, mau, tụi biệt động tới lưng đồi bên kia rồi!". Tiếng anh đuổi theo, tôi nghe lõm bõm: " Đừng ngó tàu bay, chạy, có phòng không...". Chúng tôi chạy ngược dốc, tranh quất rào rào ngang bụng. Quãng đường của ta dài gấp đôi của địch. Ta phải tới trước, chiếm đỉnh, đánh vỗ mặt, hất nó xuống. Đến chậm mươi tích tắc, địch sẽ xổ đạn đón ta... Chúng tôi chạy đến đứt hơi, đến đứng tim. Mắt thấy toàn đỏ với đen quay chong chóng. Đầu gối long ra, mũi dép chân này đá vào đầu mắt cá chân kia toạc da. Đại đội tách dần thành nhiều cụm. Tôi nắm được nhóm dẫn đầu, hơn chục người thuộc hai trung đội. Hai phần ba dốc. Tai không nghe miệng hô nữa, có lẽ miệng chỉ quát ra hơi, không thành tiếng. Cứ chạy. Ngã sấp, lại lẩy bẩy chồm tới. Không hiểu sao tôi còn sức để cúi nhặt bao lựu đạn của cậu Nam lăn ra sùi bọt mép, xách theo. Cuối cùng, tôi nằm vật trên vạt đế xơ xác của đỉnh đồi, lên hết gân tay mới đưa được trái lựu đạn tới miệng, lập cập cắn chốt. Tạ ơn cặp chân trung thành, sáu anh em chúng tôi đã vượt địch sát nút, chúng đang lội ào ào dưới mắt kia, dăng hàng ngang, mũ dưa hấu lấp ló chỉ cách ba chục thước!

Cặp L.19 sợ súng phòng không, quần trên cao, nghiêng cánh dòm mãi vào lưng chúng tôi, phóng hai trái rốc-két phía sau, trật ra ngoài những tốp mũ tai bèo đang bươn dốc. Tôi để anh em thở hai phút. Địch ngoi lên thêm mươi bước. Ta thêm gần một trung đội, mệt bò lê bò càng nhưng thấy địch sẽ nẩy lên như mó vào điện. Tôi nghĩ rất nhanh đến một đòn tâm lý đánh phủ đầu. Thèm vội cái kèn đồng. Không có pháo hiệu. Cái mặt đỏ bầm của tên đi đầu đã nhô kia, miệng há thở hồng hộc. Tôi quì lên, tung trái lựu vào nó, hét: "Trả thù cho miền Bắc, trả thù cho bà con chết lụt!". Súng nổ, át mất khúc sau. Trái đồi biến ra núi lửa.

Địch bị cú đấm đột ngột, bật ngửa. Đạn quét quân rằn ri như chỗi quét kiến. Khi lớp xác trên cùng che khuất tụi lính nằm bẹp, chúng tôi bắc trung liên lên vai nhau quỳ bắn, đứng bắn. Tôi chơi toàn lựu đạn. Chú Dé cắn chốt, đưa từng cặp, chỉ chỗ:

- Nhiều người địch, gốc cây!

- Máy a-lô kia!

- Chỉ huy hai người, đeo chấm chấm... để tui!

Tôi dạng chân, uốn người theo trái lựu, ngó đường bay vạch khói ngang trời mà sướng mê. Những búng khói trắng bật giữa tranh cói, xé toạc từng chùm giặc, lúc hoảng chúng hay xúm lại dồn cục. Ai túm vành mũ mềm giật nhẹ. Dé kêu: "Cúi xuống!". Tôi cũng vừa thấy cây đại liên địch mới bắc. Ưu tiên cho mày, một nè, hai nè. Trái sau ngon như đào tiên, lọt giữa thằng bắn và thằng lắp băng. Dải đạn vàng choé tung lên cao, đứt, rớt trùm cái xác chân trên đầu dưới. Xé mũ tao nữa thôi? Cối 81 đã bắn lên đâu đó, rền dài.

Giọng Ba Tơ ồm ồm:

- Lùa vịt đi, Thiêm!

Tôi quay ngoắt lại. Sau lưng và hai bên tôi, sườn đồi là biển động, những sóng lá ngụy trang rẽ tranh xô tới. Ba Tơ quì sau cây đại liên Mỹ, một mảng máu loang dán áo vào vai, cậu y tá dòm dòm không dám mó vào anh. Tôi rút súng ngắn, hỏi vội:

- Đủ khói lửa chớ?

- Như thường. Cối mình nổ kia, mở máy!

Bốn tiếng bịch bịch đập nong đằng kia. Đại liên cựa mình, vạch một luồng khói căng dài. Bảnh rồi. Tôi lấy hơi cẩn thận, hô thật vang:

- Trả thù cho làng Cá, xung phooong!

Cuộc đua thứ hai bắt đầu: địch chạy, ta đuổi, cả hai cùng nhào xuống dốc, cùng thở, cùng trượt lăn tròn. Anh em reo, địch ré. Luồng đạn của Ba Tơ có hình, có mắt. Tia khói vạch đường xóc vào những tốp mũ sắt còn chưa kịp rã, chỉ chỗ này, phạt chỗ kia, xẹt ngang hông tôi rất bạo. Ba Tơ chỉ huy bằng những ngón tay chỉ luôn luôn trúng đích. Tôi quét hai loạt tom-xơn vào mấy cái lưng áo ướt, nghe tiếng cốc của khối cơ bẩm gõ suông, túm nòng quật luôn vào một bê-rê đỏ bầm. Năm Cẩn hổn hển bên phải: "Đừng giết, trói...". Một cậu khoác súng, xổ dậy. Tội nghiệp anh Năm, chạy kiểu này lại nôn tới mặt xanh! Tiểu đội trưởng Sáu quấy nhất xê mình, mệt đứt hơi vẫn còn ném vội câu đùa: "Chia phần tôi với, anh!". Cậu Giàu ngã ngồi, gắt bạn: "Kệ tao, gãy chân còn tay, rượt đi!"

anh Thiêm!". Tôi nhảy qua tảng đá. Chùm đạn toé lửa cạnh tay. Hai chân rớt trên lưng một cái xác cởi trần, tôi chỗng kềnh, nhỏm dậy, lại nhào ngửa; cái mũ sắt quật vào đầu tôi trượt một ít, trúng chéo sau gáy. Thằng địch cuống cuồng quật nữa, trúng ngực, ăn nhằm gì. Vẫn nằm, tôi gí họng P.38 sát bụng nó, bóp hai phát, chợt thấy ba bông mai vàng cài trên ngực áo. Hất tên đại úy quằn quại sang bên, tôi ngồi lên cái máy PRC.10 thò đuôi dài trên lưng một thằng nằm co con tôm, sở chỉ huy tiểu đoàn đây rồi! Dé xồ tới, lật một xác nữa, hai bông mai vàng. Tôi còn choáng váng sau cú nhảy dù bị đánh úp, bỗng nhớ ra, chồm tới xốc ngược thằng bộ đàm dậy, ghé miệng vào cái ống nói đeo trước ngực nó, bấm nút phát, nói to:

- Tôi ra lệnh tất cả tiểu đoàn ngừng chống cự. Tôi hạ lệnh tất cả đầu hàng. Bỏ súng, ngừng bắn lập tức!

Chẳng biết cái lệnh của tôi có nước non gì không, giữa lúc địch đang vắt chân lên cổ. Cậu Sáu thay tôi đỡ cái xác, réo: "Thua rồi, đừng bướng nữa, hàng sống chống chết....". Tôi đuổi theo xê mình, tới đường nhựa mới kịp. Bọn lính sống sót ùa lên xe, dồn cục để hứng các thứ trái nổ, càng gọn. Đến lúc này anh em vừa đánh vừa pha trò, mách nước cho nhau, gọi hàng từng xe lính một.

Phải mất nhiều năm làm rẫy, tập trận, leo núi, mới vươn tới những phút đỉnh cao chói lọi như vậy, chúng in một vệt sao băng trong đời người lính cách mạng, soi sáng ngày qua, soi sáng ngày mai. Kể chuyện mình, anh sẽ vô tình mà sôi giọng khi chạm đến cái mốc Đèo Nhông, người mới nghe sẽ buồn cười với cái tên cục mịch ấy trước khi hiểu và yêu nó như anh. Giữa những trận bom chôn xuống đào lên, anh sẽ nhắc Đèo Nhông và cặm cụi lau cây súng lấm, nghĩ về cuộc lùa vịt sắp tới. Và có thể đến nửa thế kỷ sau, khi Đèo Nhông chỉ còn được nêu tên trong những pho sử dày cộp, anh sẽ vuốt tóc đứa cháu nội khóc nhè vì sợ ngỗng, ôn lại cho nó bài học lớn của một trận nhỏ xíu, hồi ta chưa có tàu bay đại bác....

Độp một cái, tôi bị tách khỏi xê mình, khỏi xứ dừa và chiến dịch đang ngon trớn.

Chính ủy trung đoàn cho gọi tôi giữa cuộc họp bình công, đưa xem bức điện của quân khu. Bốn cán bộ được rút đi công tác đặc biệt từ sáu tháng đến một năm. Tôi lạnh người khi gặp dòng cuối cùng: Đặng Đức Thiêm, 28 tuổi, C. phó C.215. Bỏ mẹ không! Mà cũng đúng là bỏ mẹ tôi thật.

Hôm kia tôi ghé thăm quê ngoại, bà con la trời tôi rủi quá: má tôi với Út Hiền về tìm tôi suốt mấy ngày Tết, hụt, tốn khá nhiều nước mắt và tiền xe. Chị chủ tịch lắc đầu chép miệng hoài, hẹn cho cô cháu đáp xe hàng vào Qui Nhơn đón má và em tôi ngay, khó mấy cũng một tuần nữa tôi sẽ được gặp. Năm năm lẻ một tháng, tôi mới về gần gia đình...

Tôi giúp Năm Cẩn xoa dịu cơn nóng mũi của anh Ba Tơ chực xắn tay áo tốc lên trung đoàn (mày cứ ở đây, tội tao chịu! Đặc biệt, rồi biệt phái, rồi biệt tăm biệt tích luôn, lạ gì! Tao hỏi: ai thay mày? Hả? Cử được một đứa ngang cỡ mày về thế chỗ, tao mới cho đi!). Tôi viết thư xin lỗi ủy ban và gửi má, lên trung đoàn lấy giấy giới thiệu thượng khẩn, đi gấp ra Quảng Nam. Tôi sẽ chuẩn bị đánh Mỹ ở đấy. Bên kia biển lớn, bọn cướp Mỹ đang nai nịt, sắp nối đuôi nhau trèo lên lũ máy bay: "Chủ địa cầu" bụng chửa, sang đánh ta!

Cuộc chạy đua chiếm đỉnh đã mở rộng ngang tầm trái đất. Tôi không thể chậm.

 

°

 

Qua sống núi rồi. Vòm lá trước mắt quang hẳn, chân trời xuống thấp hơn chân người. Sắp đến chỗ mỏm núi mà chúng tôi ngồi ngắm đồng bằng Quảng Nam sau lụt, cậu giao liên bỗng rẽ ngoặt sang trái, lội ngược suối. Tôi hỏi:

- Đi đường núi hả đồng chí?

- Đang càn.

Đằng trước, tiếng cối 60 nổ xa và thưa thớt. Càn vặt thôi.

- Gần tới chạm chưa đồng chí?

- Có đi có tới, hỏi chi!

Tôi im. Những cái trái ý cứ như hẹn nhau cùng đến, bắt tôi nhớ con đường mịn cát dưới bóng dừa với cô giao liên dẫn tôi đi sát đồn địch, vồ vập hỏi thăm anh bộ đội nói giọng cùng tỉnh. Hết quãng suối là đường rẽ mới phát vắt nhung nhúc dựng vòi, buộc tôi phải so sánh thêm nữa và thêm nữa, đến khi bật cười một mình: tôi đang hờn lẫy cái xứ Quảng, kỳ không!

Hai giờ chiều hôm sau, tôi đến một trạm "ngã tư" của Quảng Nam, nơi con đường xương sống dọc Trường Sơn tách thành một cặp xương sườn lên núi xuống biển. Cái đích của tôi, cơ quan H.68, đóng gần đây. Trạm trưởng Hùng là người dân tộc Gia-rai, rất vui tính và ham học đại số, bỗng biến thành tủ sắt khi tôi hỏi về H.68. Tôi thử các loại chìa khoá - Cau pi-ai Ya-rai xết xết(4), giải giùm bài toán khó, ca ngợi các làng chiến đấu hai chân rất vững của của tỉnh Gia-lai mãi cậu mới hé cho chút xíu bí mật: H.68 ở đồng bằng.

Đồng chí trực ngang(5) dẫn về một ông khách đeo kính trắng. À, Duy Hảo, cậu bạn thầy thuốc. Cậu ta vừa leo dốc, hẳn mồ hôi mặt bốc lên mớ cặp kính cận số bốn nên ngó tôi như ngó cột nhà. Hảo đặt bao xuống sạp, lau kính và mặt rất kỹ. Phải hiểu giùm những cái khó riêng của giới cận thị "yêu nhau đeo kính lên xem, ghét nhau gỡ kính chẳng thèm nhìn nhau". Chớ nên phiền lòng khi họ nheo mắt nhìn ta một cách bề trên và soi mói, bật một tiếng "à" tuy chẳng có sẹo mới trên mặt ta, buông câu chào rất chậm trễ, gọi mẹ ta là em và em gái ta là bác, vân vân.

- Ủa, mày hả Thiêm?

Đúng cái câu tôi chờ Hảo nói bằng giọng Đà Nẵng pha Sài Gòn.

Chúng tôi khám sức khỏe nhau bằng mấy trái đấm hạng nặng. Chị nấu ăn của trạm đứng xem, che miệng cười.

- Tao về bệnh xá tỉnh nửa năm rồi. Chúc mày không bao giờ léo hánh vô đó. Coi chừng, mày ốm nhom mà mắt hơi vàng, gan có vấn đề...

- Vi trùng đậu đầy kính, mày dòm đâu cũng thấy bệnh, ngán kinh. Ngắm lại anh Giải phóng quân oai hùng đây nè, ca ngợi đi!

- Dạ, em xin phục vụ hết mình. Anh cần cưa tay chân ngay bây giờ, em cũng sẵn...

Chị nấu ăn háy một cái, bỏ đi: "Nói vậy nó hệ chớ!". Tôi nhìn theo, đoán chị sắp đốt cái chỗi dựng bên bếp. Cái chỗi chưa tới số, sống sót.

Chúng tôi kéo xuống suối tắm để tự do quấy. Rất may, Hảo cũng về H.68 và huyện Tam Kỳ để nhờ xếp chỗ cho bệnh xá dời xuống đồng bằng. H.68 là một trong các bộ phận nghiên cứu tại mặt trận của quân khu, hiện đóng gần chợ Minh Huy. Anh Bảy quai nón cũng ở gần đấy. Hảo chỉ biết bấy nhiêu, nhưng lại nắm rất chắc các thứ chất tươi đồng bằng mà chúng tôi sắp được hưởng. Cậu ta mới nhận được mười lăm ngàn nhà gửi cho, đã sắm một máy thu thanh Xô-ny và các thứ đồ dùng khá sang, đang gửi mua thêm ni-lông may võng, áo quần, mũ da. Cậu mở bao cho tôi xem hết, rút đưa tôi năm trăm. Tôi cười, lắc đầu, tuy rất túng. Áo quần rách cả, có vài bộ coi được thì đã đem cứu lụt hoặc "cho heo mặc" nghĩa là đổi lấy heo cho xê mình ăn. Khi tôi rời đơn vị, Năm Cẩn đã nhét vào bao tôi cặp bà ba đen của vợ mới gửi lên. Cũng khó nói vì sao tôi không nhận tiền của Hảo, tuy vẫn chơi thân với cậu. Có lẽ vì nhà Hảo giàu hơn nhà tôi nhiều quá. Có lẽ vì tôi đã từ chối cái bánh bẻ đôi năm xưa, một lần, hai lần, mãi thành nếp chăng.

Hảo giễu, nhưng giọng đã pha chút khó chịu:

- Mày vẫn gàn. Đạo Đức Thiêm tu ép xác...

- Mô phật!

- Thôi được, đi ăn với tao vài keo. Mất lập trường không?

- Cái đó thì hoan hô cú một!

Lát sau, đang tắm, Hảo bỗng trầm ngâm nhìn tôi:

- Mày ngại... giữa con Nga với mày có cái gì đó không cao thượng... lởn vởn cái gì đó như đồng tiền... sợ mang tiếng nhờ vả anh con Nga... đúng chưa?

Tôi cười xoà, vục đầu vào chỗ nước xối, thở phì phì thay câu trả lời. Cứ để cho Hảo tưởng vậy cũng hay.

Tôi với Hảo cùng tuổi. Cuộc đời hai chúng tôi gợi hình con đường nhựa và con đường sắt chạy dọc miền Trung, song song với nhau một quãng rồi tách rời nhau, lại về bên nhau, cứ vậy nhiều lần.

Khi tiếng súng lớn của Pháp từ mặt trận An Khê dội rền tới Quy Nhơn, cả nhà tôi gánh gồng bồng bế nhau rời phố cảng, về quê má tôi gần Tam Quan. Ba tôi làm thợ sửa máy ở Sở hoả xa của ta, sống trên cái toa đen dùng làm xưởng, đi hết ga này đến ga khác, giữ cho những chuyến xe lửa xe ray kháng chiến chạy suốt ba ngàn đêm không dứt đoạn. Tôi ở nhà với má, một buổi đi học một buổi ra đồng, mãi đến sau Giơ-ne mới trông thấy thằng giặc Tây còn cầm súng.

Lên lớp nhì tôi gặp Hảo.

Đó là một chú nhỏ lòng khòng, da trắng cớm nắng, luôn luôn diện áo quần sang và chải tóc bóng, xưng tên kép Duy Hảo nghe điệu rơi điệu rụng. Mẹ Hảo ở lại giữ tiệm buôn to trong Đà Nẵng bị chiếm với hai em, Hảo theo cha tản cư từng khúc vào đến Tam Quan. Về sau chúng tôi biết thêm: cha Hảo là thầy thuốc giỏi, sáng làm bệnh viện công, chiều chữa bệnh tư lấy tiền, còn nhận đều đặn những chuyến quà của bà vợ giàu sụ gửi cho - vải, thuốc, vàng, từng xâu nhẫn vàng dài bằng gang tay - nên sống khá sang.

Một số bạn học lập tức ghét Hảo, tìm cách ăn hiếp. Bỏ sỏi vào cổ áo, lấn ngã xuống ruộng, bôi mực cắm kim vào ghế, thịnh nhất là xúm lại vốc bùn trét vào áo quần trắng của Hảo mỗi khi tàu bay bay qua, dù chỉ là tàu bay chở mắm ruốc: "Nó thấy kia! Nó bắn!". Một phe khác không thích Hảo nhưng chống thói ăn hiếp, cử tôi làm "thủ lãnh". Thằng Xứng đầu nậu chửi tôi: "Đồ dân xứ chợ, nịnh bợ nhà giàu". Nó thách tôi vật. Thấy nó to xác quá, tôi hẹn vật dưới nước. Cả lớp giấu thầy kéo ra bờ sông làm chứng, coi tôi nhận nước thằng Xứng một mẻ ngất ngư, con nít Qui Nhơn quanh năm bơi biển mà. Tôi được tôn làm "ông thầy võ", một cái tên trọng vọng ở đất Bình Định thượng võ này. Hảo bớt kênh kiệu, biết ơn tôi chí chết, nhưng tôi chỉ thỉnh thoảng mượn sách học mà không chơi thân. Qua vài tháng, chuyện cũ quên sạch, Hảo nhập bọn với tất cả anh em.

Bom đạn trong vùng tự do tăng dần. Tây nhảy dù nữa. Luồng quà gửi từ Đà Nẵng bị tắc. Đầu năm 1952, trúng na-pan cháy nhà, ông thầy thuốc đem Hảo trốn về vùng tề. Lớp bảy chúng tôi chửi cha con Hảo một trận vuốt đuôi.

Bốn năm sau, tôi gặp lại Hảo ở Đà Nẵng. Tôi rách, đói, lánh mặt cảnh sát, gò lưng đạp xích-lô chở cậu sinh viên Duy Hảo về biệt thự.

 

°

 

Cũng dễ đoán đời tôi sẽ ra sao nếu tôi tập kết ra miền Bắc với ba và anh Hai, với các bạn cùng lớp chín(6), với đôi bàn tay sớm chai đi vì cầm cày và sửa máy, với xấp học bạ trong đó các thầy cô thường ghi: “học sinh giỏi toàn diện” mỗi dịp cuối khoá. Nhiều người thân đã tiếc giùm tôi. Mặc dù vậy, ngoài vài lần thoáng nghĩ bông lông đến sự hơn thiệt giữa các số phận, mãi đến nay tôi vẫn không ân hận vì đã ở lại miền Nam, thay cha anh đánh bọn thù mới.

Ngừng bắn. Ba tôi trắng ngày trắng đêm sửa những chiếc cam-nhông-ray đưa bộ đội về cảng Qui Nhơn. Anh Hai tôi từ Tây Nguyên về muộn, qua ga Sa Huỳnh thấy ba tôi nằm ngửa dưới một xe hỏng, thò đầu ra quát cậu thợ phụ lớ ngớ. Anh vọt cửa sổ chạy tới, nói hối hả vài câu, nắm tay ba một cái, chạy đón đầu chuyến xe rời ga, kịp đu người lên, quệt mồ hôi và bôi đầy mặt những vệt dầu nhem nhuốc. Má tôi bán và cho hết đồ đạc, đưa tôi với Út Hiền mỗi người một gánh trở về Qui Nhơn, đợi xuống chuyến tàu biển cuối cùng với ba tôi. Nhưng một trận thương hàn rất ác và kéo dài – chín năm vất vả chợt nổi dậy đòi nợ - bắt má nằm liệt. Chị Ba lấy chồng xa, Út Hiền còn dại, chỉ một mình tôi có thể ở lại nuôi má.

Tôi không băn khoăn mấy khi đến gặp anh Trung xin lãnh công tác. Tôi thương má tôi hơn ai hết trên đời, là đi một lẽ. Tôi lại háo hức muốn tự mình làm cách mạng. Đã ăn học thẳng một lèo đến mười bảy tuổi, bây giờ đến lượt tôi góp chút công cứu nước cho phải lẽ công bằng chứ. Hai năm, xong tổng tuyển cử là ba với anh Hai về, từ đó trở đi muốn xông pha hiểm nghèo cũng không còn dịp… Tôi vững bụng lắm. Chỉ có một lúc mềm yếu. Ấy là cái buổi chiều ba tôi xuống thuyền, tôi với Út Hiền ngồi trên bãi cát ngó theo. Chiếc Kilinxki đậu ngoài kia, một thành phố màu sữa nổi ngời ngời trên biển xanh, đẹp hơn những chiêm bao đẹp nhất của một đứa trẻ từ lọt lòng đã thở gió mặn và nghe tiếng còi tàu. Đáng lẽ nó đưa tôi đến với Bác Hồ, đến những miền thần thoại… Út Hiền đã giọt ngắn giọt dài từ hôm qua. Nó khóc nên tôi dễ nín hơn. Chiếc tàu Ba Lan kéo còi, nhả khói dày, tôi vẫn im, nhưng đến khi nó quay hẳn đuôi về phía tôi, tôi bật khóc thút thít mất một hồi. Giá nó cứ chạy ngang chắc tôi đỡ tủi. Được cái tụi bạn trai không cùng đi, tôi khỏi bị giễu.

Má tôi nằm gần hai tháng mới dậy, hom hem, xanh rớt, tóc ngả bạc chừng một phần ba, và thương tôi gấp mười trước kia. Má chải tóc cho Út Hiền, rủ rỉ: “Gái út theo má đã đành, nghĩ tội thằng Tư nửa đường đứt gánh tại má”. Tôi gạt ngay, nói Đoàn giao tôi ở lại, nghĩa là nói một nửa sự thật.

Trong năm đầu, việc công việc tư đều trôi chảy. Tổ Thanh niên Cứu quốc chúng tôi treo cờ, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, địch đang rối chưa lùng kỹ được. Riêng cậu Dư bị bắn trên cây me, mất chút thịt mông nhưng chạy thoát. Các tổ khác cũng ăn nên làm ra cả. Đồng bào Qui Nhơn hầu hết từ kháng chiến về, thấy chúng tôi bị rượt là lao ngay đòn gánh vào chân tụi cảnh sát, vừa giơ tay xin truyền đơn vừa hỏi: “Sắp chưa?”.

Cái nghề sửa máy của ba tôi truyền cho ngày một ngày hai, bây giờ giúp tôi nuôi nhà và hoạt động trong dân thợ khá dễ. Ba tôi yêu máy hơn vợ con, buộc tôi phải nghiện máy. Có dạo tôi nghỉ hè, theo ba đẩy cái xưởng lắp bánh từ ga này đến ga khác - đường ngắn, tàu đêm không chịu móc kéo - tôi mệt quá định lủi bị hai cái tát thấy sao hôm sao mai: “Mày học làm ông tham hay học để giúp nước, nói!”. Tôi cọ mặt hết một phần tư bánh xà-bông nội mới sạch mười dấu ngón tay đen nhẫy.

Dân công chiến dịch hay khiêng động cơ xe địch về, ngày càng lắm kiểu lạ. Bác xưởng trưởng sờ nắn một lát, chép miệng: “Phải tới tay Tám Rảnh mới xong”. Bác mở hòm lấy một chai rượu lậu – hồi ấy ta thiếu gạo, cấm rượu rất ngặt - giục đi kiếm ít lát cá ngừ và một đĩa ớt đầy. Ba tôi được vời đến. Ông trách người đãi rượu đôi câu cho phải đạo, nhấp một chén, nhai ớt rau ráu, nhấp chén nữa, mắt gườm gườm thôi miên cỗ máy đang ỳ ra đấy như thách chơi vào. Ông quờ quờ tìm cái nút lá chuối khô, nhét miệng chai rượu. Rồi kéo ghế nhích dần tới. Rồi tay gãi râu cằm, mũi hừ hừ, chân đi rà rà quanh máy như lựa thế võ song phi hay đoản đả. Rồi quát bất cứ ai đứng gần: “Mọc rễ đó hả? Lấy cái mỏ-lết!”. Ba tôi bập vào máy rồi, sẽ đánh vật với nó suốt hăm bốn tiếng, bốn mươi tám tiếng, nếu cần thì gấp đôi gấp ba số giờ ấy không nghỉ. Cả xưởng xúm bàn góp, được, nhưng chớ dại mà giục ông cụ làm gấp, và phải sẵn sàng chịu lấm. Đến khi khối động cơ đã chịu nổ đều, ông mới lảo đảo tới bàn rượu, nhai ớt và uống tì tì đến cạn chai, vẫn trừng mắt cấm cái máy trở chứng, đến khi ông lăn ra ngủ thì bom hất xuống đất chưa chắc đã dậy. Đi tập kết, ông cõng trên ba-lô một bó giấy khen bằng đòn bánh tét, nhưng vẫn không lãnh nổi một chân chấp hành công đoàn.

Quân Pháp sắp cuốn gói, bán đổ bán tháo những chiếc xe mới ăn đạn ta sứt mẻ ít nhiều. Nhà giàu ở các cảng trút hết tiền mua xe, lập hãng xe khách, xe hàng. Xưởng sửa xe mọc dày. Tôi vào làm thợ phụ trong một xưởng mới. Chủ là một ông đã tự lái chiếc xe than cọc cạch của mình trong vùng tự do, mới phát tài nhờ mấy chuyến buôn nước bọt, một vốn bốn lời. Ông này chưa kịp to bụng, bóp nặn vừa phải, ưa tỏ vẻ hào hiệp trước đám đông và khoe mình kháng chiến khi kín cửa, cũng tin dùng những người thợ từ vùng xa về mà ông biết là tốt nết, giỏi chắp vá. Nghề của tôi tuy học mót nhưng được thầy giỏi, lại thêm chút chữ nghĩa bù vào. Gặp máy mới, tôi đọc kỹ những cuốn sách hướng dẫn tiếng Anh tiếng Pháp của hãng chế tạo, mày mò dò dẫm riết cũng ra, dám tháo sửa cả những cỗ máy phức tạp của GMC, Đốtgiơ, Xtútbâycơ. Dần dà lương tôi lên ngang thợ chính, rồi nhích thêm một ít sau khi ông chủ trịnh trọng treo biển báo rằng ở đây có người nói tiếng Pháp tiếng Anh: tôi kiêm chân phiên dịch, tiếp khách nước ngoài, cả khám xe chẩn bệnh. Cảng Qui Nhơn lúc ấy đầy nghẹt lính Pháp, nhân viên Ủy ban quốc tế, cố vấn Mỹ. Xưởng đông khách hẳn lên. Tổ thanh niên Cứu quốc trách tôi "phục vụ đế quốc", nhưng anh Trung bảo tôi cứ làm quen với Mỹ Pháp nhiều đi, cần lắm.

Tới đợt hiệp thương, tôi đã nắm được một tổ công nhân khá vững. Qui Nhơn rầm rầm như sắp nổi dậy. Riêng tổ tôi lái hai xe Gip rải truyền đơn in máy suốt từ mũi Tấn lên tới Hưng Thạnh, gửi bưu điện hơn năm chục thư cảnh cáo tụi xấu từ phường đến tỉnh. Địch hoảng, co lại ít lâu, lại làm tới. Má con tôi bị buộc đi tố cộng lớp A vì có người nhà tập kết. Một sáng, ông chủ xanh mặt nhét vào tay tôi một tháng lương, lắp bắp mời tôi về nghỉ: một cú điện thoại của công an đã khuyên ông đừng dính vào kẻ "tình nghi can cứu". Tôi tìm chỗ khác, làm mươi hôm lại bị thải. Chỗ thứ ba, điện thoại đã tới trước. Tôi nghĩ: "Mình ở lại làm cách mạng, đâu phải làm giàu". Tôi xách cái thùng gỗ ra ngồi đầu phố, sửa xe đạp, bị cảnh sát lôi về bót. Tôi xoay nghề ngang, xách một chùm chìa khoá đi lắc rủng rẻng qua các phố, chữa khoá rong.

Địch bắt non trăm người, tổ tôi một cậu bị giam nửa tháng rồi mất việc. Anh Trung lộ, kịp vọt khỏi ca-bin xe tải, thoát. Tôi được gọi vào Gành Ráng gặp anh. Anh ở hang đá, tóc lợp tai, vẫn cười hết cái miệng rộng, đặt hộp thư cho tôi gần Cầu Đôi. Nhưng cái hộp nhôm trong hốc cây bàng ấy mãi mãi không đựng mảnh giấy nào, anh bị bắn chết trong một đêm về móc cơ sở xóm Ga. Tôi đi xem đầu anh cắm cọc: mắt không nhắm, miệng vẫn sắp cười.

Những người thám hiểm hang sâu thường mang theo một cuộn dây rất dài, thả dây đánh dấu đường ra. Sợi dây của tôi vừa đứt. Một tháng, hai tháng... chúng tôi vẫn mắc kẹt trong hang tối.

Tổ công nhân, bốn đứa xấp xỉ mười tám đến hai mươi, kéo ra họp trên bãi biển vắng, bộ bài các-tê bài sẵn trước mặt. Chúng tôi cắt tay rỏ máu vào bia, ăn thề, bàn những sự lay trời chuyển đất. Đánh úp tụi bảo an, tước súng, kéo lên núi lập chiến khu, núi nằm ngay sau lưng nhà ga chứ đâu xa. Chiếm một ca-nô máy của địch, lái ra miền Bắc xin súng chở vào, nổ một băng là Qui Nhơn vùng lên hết. Cậu Bẩm tức Xuyên Sơn ném ra một sáng kiến to bằng đình. Mỹ-Diệm gọi ta là cộng sản, ừ, đã vậy ta đỏ lòm hẳn đi cho nó biết mặt: lập Thanh niên Cộng sản đảng, viết điều lệ, rải hiệu triệu, thu đảng phí, gì nữa thì sau sẽ bàn. Cái nạn đứt liên lạc coi như không còn! Chúng tôi bốc một lát lại xìu, lỡ cấp trên đuổi ra khỏi Thanh niên Cứu quốc thì khốn! Hẵng cứ in lại truyền đơn cũ, viết bích chương cũ, hoạt động đều cho bà con khỏi nản cái đã.

Cậu Ngộ bị bắt với truyền đơn trong túi, không khai, bị đánh đau chỉ biết: "Khí tiết! Khí tiết tới cùng!". Rồi tôi cũng được xe cây tới rước, chắc tại tụi chỉ điểm thấy tôi hay tạt vào nhà Ngộ. Chẳng qua chúng nó gạt sào đếm vịt, đố biết con mập con ốm. Điện, nước vôi, roi bốn trận, tất cả chỉ đau ít lâu lại hết, còn vết giày trên cằm tôi nóng cháy mãi đến giờ. Tôi bị trói ngồi dựa tường. Thằng ty phó công an đưa mũi giày mõm nhái hất cằm tôi lên, nhếch mép: "Việt cộng biểu mày ăn cứt, mày cũng ăn hả?". Mười năm sau, tôi còn muốn đè riêng thằng ấy, cắn cổ.

Cái lưới đen ngày càng thít cứng. Ngộ bị án sáu năm tù. Bẩm thất nghiệp lâu, phải đi Sài Gòn làm ăn. Thọ bị cha mẹ giam lỏng vì quá sợ. Tôi về quê mẹ sục tìm mối, chỉ gặp cô bác tôi quì "sám hối" trước gươm súng dựng chéo đỡ một cái mặt heo. Đảo lộn hết. Tối mịt. Tôi trở lại Qui Nhơn, bị luôn một tuần xà-lim vì phạm lệnh quản thúc. Má tôi thấy những vằn máu nằm mãi trong mắt tôi, dỗ tôi lánh nơi khác. Má biết, và tôi cũng tự biết, tôi sắp thí mạng với chúng nó. Hết chỗ chịu rồi.

Tôi bỏ đi Đà Nẵng.

Ông cậu đạp xích lô tròn mắt khi tôi bước vào nhà, không một thứ giấy tờ dính túi. Ông giấu tôi trong buồng, chạy tiền hối lộ, kiếm cho tôi được cái biên lai thuế cử tri, đỡ lo một cú soát nhà.

Đà Nẵng đông người, dân thợ hàng vạn và có tổ chức vững. Tôi ở không khó, chỉ khó xoay việc làm. Ngay cậu tôi là dân cố cựu mà không sắm nổi cái xích lô - giá xe bảy ngàn, nhưng thêm cái biển số của cảnh sát tới mười bảy ngàn - phải cùng hai người nữa thuê chung một xe của chủ, chia phiên nhau đạp, bỏ buổi là nguội bếp. Tôi lánh né trong xóm nhà lá dọc đường lên Phước Tường, vá sửa xích-lô cho mấy nhà quen, nấu cơm và giữ con cho bà mợ buôn đắp đổi gánh rau thúng quít. Má tôi viết thư cho cậu, kể rằng "các ổng" bắt lên bắt xuống hoài, nhờ cậu giữ giùm "gói đồ" má gửi, đừng để mất trộm.

Mất bốn tháng tôi mới tìm được một chân học việc phóng ảnh trong một tiệm chụp hình ngoại ô. Cả ngày chui trong buồng tối, đỡ lộ mặt. Thôi đành tạm biệt những chàng máy nổ ồn ào vạm vỡ, chuyển sang cái nghề phóng đại tô màu xem chừng phù phiếm này, làm gì cũng chỉ để chờ ngày làm cách mạng. Nghĩ vậy nhưng vào việc lại ham. Tôi mua sách dạy chụp ảnh và kỹ thuật buồng tối, tự học ngấu nghiến, có đồng nào trút ra mua phim, giấy, thuốc để thực tập. Tôi để dành tiền mua cái thẻ căn cước cho đỡ rầy rà, gửi về nhà một ít, giúp cậu mợ tí chút, chỉ ăn vừa đủ khỏi chết đói, sống bằng hy vọng nhiều hơn cơm. Thỉnh thoảng tôi lại đạp xích-lô một phiên thay ông cậu ốm, chỉ đi đêm và tránh phố đông.

Đêm ấy tôi lảng vảng phía bến Hà Thân, đón loại khách ít phiền nhất là các bà có con thuê xe giờ hóng mát. Một cặp trai gái diện sang vẫy xe về phố. Tôi nhận ra Duy Hảo, một cậu Hảo rất công tử bột, nói những câu chen lổn nhổn tiếng Pháp và Anh. Tôi ấn cái mũ phật tử rách xuống che nửa mặt, lặng lẽ đạp. Ghép những mẫu nghe lỏm, tôi biết Hảo đang học đại học y khoa Sài Gòn, về nhà nghỉ hè. Cô kia là em ruột Hảo, vừa thi xong tú tài bán phần, đang lo rớt. Anh em đang bàn xin măng(7) một chiếc xe hơi Đôphin, tự lái cho dễ, xăng rẻ hơn tiền xích lô.

Ông thầy thuốc nửa công nửa tư năm xưa là chủ một biệt thự khá to ở phố vắng. Cô Nga mở xắc lấy tiền trả, Hảo bấm chuông rồi đợi. Một chiếc ô-tô rẽ ngã tư chợt thốc đèn giữa mặt, tôi không tránh kịp, Hảo bật kêu:

- Ai như Thiêm hả? Đúng Thiêm rồi!

Ban nãy tôi tưởng Hảo sẽ bối rối nếu nhận ra người bạn học ở nhà trường "Việt minh", sẽ làm mặt lạ hay chào gượng rồi đi. Sai cả. Hảo cố kéo tôi vào chơi. Tôi phân vân một loáng, rồi đẩy xe xích-lô qua cổng. Không tội gì thậm thụt, Tôi đường hoàng ngồi xuống ghế bành, úp cái mũ nát trên cái xô-pha phủ nhung boóc-đô. Trong gian phòng khách lộng lẫy này chỉ có tôi là nghèo trái khoáy: sơ-mi cộc tay đẫm mồ hôi, quần bà ba đen vá, dép cao su quai xỏ kiểu kháng chiến.

Mẹ Hảo to béo cỡ bà Phó Đoan(8), chỉ hỏi tôi một câu lạt lẽo rồi lên gác. Cha Hảo gầy hơn xưa, xoắn xuýt hỏi thăm bà con quen ở thị trấn Tam Quan. Bắt đầu rút ruột chăng? Tôi nói toàn sự thật, nghĩa là hầu hết những người đã nhường nhà cho ông ở, nhường hầm cho ông núp, nay đã bị đánh, bị tù, bị bỏ bao thả sông. Ông thầy thuốc xì mũi nhiều lần. Hảo gỡ kính ra lau. Mộng Nga tròn mắt nghe, bỗng đi rửa mặt. Tôi chào về. Cha Hảo giữ bàn tay tôi, nói run run:

- Hồi đó... bac có lỗi với Cụ Hồ quá... lỡ dại, biết làm sao! Thôi trăm sự bác nhờ cháu, hễ gặp cán bộ đằng mình... cháu nói giúp, à... các ảnh cần gì bác xin giúp nấy, miễn góp được chút công chuộc tội...

Tôi giữ miệng, không đáp.

Nửa tháng sau tôi mới trở lại nhà Hảo. Mấy cậu bạn xích-lô biết nhà này từ lâu, còn dò hỏi thêm chị bếp và anh lái xe, cam đoan với tôi rằng ông này tốt, chỉ có bà vợ ham lợi hay làm áp-phe với tụi chính quyền, lại mèo mỡ với một thằng trung tá ở Quân tiếp vụ. Qua hai giới thạo tin đường và tin nhà nhất - xích-lô và ở mướn - qua những lần lui tới nhà Hảo, tôi mới dần dà hiểu cái bi kịch thầm lặng giấu sau các cửa sổ lắp kính màu, một kiểu bi kịch xa lạ đối với lớp người lam lũ chúng tôi.

Cha Hảo lấy vợ để đào mỏ, mẹ Hảo lấy chồng để lên quan tắt - hồi xưa ông y sĩ Đông Dương là quan đốc, oai lắm. Hai người sống với nhau như sừng với đuôi, có nhân tình riêng, tiêu tiền riêng, đẻ con ra giao cho vú nuôi. Sau năm năm rưỡi ở vùng tự do, khi lẻn bước xuống thuyền biển trở về thành, ông thầy thuốc không ngờ cái lồng son cũ đã trở nên kinh khủng đến vậy. Những cơn thèm khát biến nhanh sau vài tuần ăn sang ngủ êm, nhường chỗ cho chất a-xít của hối tiếc gặm mãi vào tim ông. Cái xấu tãi mực đen khắp vùng tạm chiếm càng làm những mảng sáng của cách mạng nổi rực rỡ hơn. Ông đã đánh mất cuộc sống đáng gọi là sống, mất lý tưởng yêu nước, mất sự cao quý của nghề cứu người, mất những trăm anh em bà con viết thư cảm ơn ông, mất lòng tin của đứa con bị ông dắt vào ngõ cụt. Ông cố tìm những thứ thay thế, chỉ gặp hàng giả.

Tới đình chiến, ông cậy cục bắt mối, tính cho Hảo và Nga vượt tuyến ra Bắc, còn ông chẳng mặt mũi nào gặp lại bạn cũ. Bà vợ phá ngang, doạ báo mật thám chặn. Ông tát vợ mấy cái và chịu thua. Từ đó ông coi mình như khách trọ trong ngôi nhà đứng tên vợ, đi xích-lô để tránh ngồi ô-tô của vợ, ăn cơm trong buồng riêng, cần nói với vợ thì nhắn qua miệng con. Ông định qua Pháp ở, rồi muốn cạo đầu đi tu, nhưng không xa bầy con được, vắng ông chúng sẽ hư theo mẹ. Nhiều đêm ông gọi Hảo vào buồng, khoá cửa, mở đài miền Bắc nghe đến hết giờ phát, rồi trải chiếu dưới sàn nằm ôn mãi chuyện vùng tự do. Gần đây Mộng Nga được vào “họp câu lạc bộ” với ông, vừa thích vừa sợ. Ba cha con họp thành một cụm riêng – cô Út bị mẹ giữ riệt và hay mách lẻo – chia nhau những hớp gió mát lọt qua đài vào cái xà-lim vàng son nhốt họ.

Thời gian sàng lọc tình người như nước suối cọ đá, cuốn đi những rong rêu bám hờ, xói sâu thêm những nét đã khắc sâu. Hảo thường nhắc tên tôi và mấy người thân nữa, đoán tôi đang học về nguyên tử hay vũ trụ gì đó bên Nga bên Đức, sẽ thành chuyên gia cỡ thế giới cho coi – nhà Hảo giàu nhưng không đủ thế thần để cho con du học, Bởi vậy Hảo mới sửng sốt khi thấy tôi đạp xích-lô. Cả nhà lập tức nghĩ rằng tôi được Đảng giao việc gì lớn lắm ở miền Nam, tôi đang cầm cái chìa khoá mở cửa ngục cho họ, trong bộ cánh tã ấy tôi là Dự Nhượng rình giết bạo chúa. Riêng cô Mộng Nga mười bảy tuổi càng mộng khỏe hơn, biến tôi thành một nhân vật nửa xi-nê trinh thám nửa lãng mạn Tự lực văn đoàn. Tôi buồn cười, đôi lúc thu thú, rồi lo địch theo dõi và biết tôi trốn quản thúc tại Qui Nhơn. Tôi nói qua loa rằng tôi không dính đến cách mạng, chỉ làm nhiều nghề kiếm ăn và học thêm. Sự thật cũng đúng vậy, tạm đúng trong lúc này. Hảo nháy một mắt, nói ngay sang chuyện khác để tỏ ra mình hiểu chính trị lắm chứ. Mỗi lần đưa sách học cho tôi mượn, một pho từ điển Anh-Pháp chẳng hạn, Nga lại thấp giọng thì thào như sợ phá vỡ cái không khí huyền diệu của một cuộc trao súng giữa rừng khuya. Cha Hảo thích gọi tôi và buồng khoá hai lần cửa, khoát tay vào những ngăn tủ đầy thuốc và đồ mổ: “Hồi nào… e hèm… tới khi chuyển đi, bác mới bao gói thiệt kỹ, giờ để vậy coi tự nhiên hơn…”

Có gì đấy rất đáng thương ở cái bộ ba chân thành và mềm yếu này, đang cố giữ một tia hy vọng vừa chợt loé, cố tìm nguồn vui qua những kỷ niệm được gói trong giấy bóng màu của mơ ước pha lẫn ảo tưởng. Nghĩ cho cùng, họ cũng có lý khi tin tôi. Dù sao tôi vẫn gần cách mạng hơn họ. Một ngày nào đó, giữa lúc ít chờ đợi nhất, một bàn tay từ bóng tối sẽ nhô ra kéo tay tôi, một giọng thương yêu sẽ gọi: “ Đồng chí Thiêm!”. Ôi hai tiếng đồng chí thơm như sữa mẹ trên môi, bao giờ tôi mới được nhắc lại?

Tôi tự học chừng năm rưỡi thì chụp và tráng được phim màu, phóng được ảnh màu. Ông chủ tiệm giao tôi làm thử vài tuần, thấy khách ưng ý mới dám tin. Ông bỏ tiền mua máy điều hoà không khí, dọn buồng cho tôi ở ngay trong tiệm, năn nỉ tôi làm phiên dịch, tất nhiên là tăng lương. Bọn tề Qui Nhơn quên tôi, giấy tờ Đà Nẵng đã đủ, tôi không cần giấu mặt nữa. Tiệm chụp hình Con thỏ biến thành Thiên thai ảnh viện tức Eden Studio, đắt hàng hơn trước nhiều. Tôi vẫn tu ép xác như cũ, để tiền gửi về giúp má tôi và phụ thêm cho Út Hiền được đi học. Chung quanh tôi đã có nhiều bạn thân, toàn thợ trẻ cả, hay gây sóng gió trong những cuộc họp lớn nhỏ của Liên hiệp nghiệp đoàn Đà Nẵng. Tôi chọn sáu cậu thật vững, đưa cho đọc tập điều lệ Đoàn in đà trên giấy nứa, của quí nhất tôi còn giữ được. Mừng quá đỗi, có cậu khóc oà. Chúng tôi tự ghép thành một tổ, thề sống và đấu tranh theo lý tưởng Đoàn, dù chưa biết bao giờ mới được nhận là đoàn viên.

Rồi tôi cũng tìm ra đầu mối. Không, cách mạng tìm đến tôi mới đúng. Út Hiền từ Qui Nhơn ra thăm tôi, rút đưa một cuộn phim: "Anh gì đó xưng tên Dư, bạn anh, nhờ anh tự tay tráng giùm. Ảnh dặn em cất kín, ánh sáng lọt vô là hư hết, người như anh mới làm nổi việc này. Ảnh hẹn mươi ngày nữa trở lại". Tôi mở hộp, thấy ngay con dấu "trái tim lửa" trên giấy bao ngoài, suýt kêu to. Cậu Dư rách mông, cùng tổ Thanh niên cứu quốc đầu tiên với tôi, dùng cái mặt nhẫn đu-ra in dấu này làm tín hiệu, lâu nay bị địch lùng riết lắm kia mà. Tôi vọt ra buồng tối tuy đã khuya, run rẩy tráng, hãm. Đoạn phim chỉ có sáu kiểu, sáu trang chữ chụp lại. Rửa sơ, không đợi khô tôi lắp máy phóng liền liền sáu ảnh 13x18, gí mắt vào chậu thuốc đọc ngay những chữ đen đang hiện dưới đèn màu cam. Một lá thư viết tay của Dư, năm trang tài liệu đánh máy về tình hình và nhiệm vụ, dưới đề "Bình Định, 2-1958". Tài liệu ra tháng trước, mới tinh.

Lá thư giao cho tôi những hai chỗ móc nối ở Đà Nẵng.

Hai đốm sao.

Đêm đen đã bị chọc thủng.

 

°

 

Duy Hảo với tôi ngồi tránh vắt trên tảng đá giữa suối. Tôi lấy đá nhám mài mấy cục chai cứng như sừng ở bàn chân, nghe Hảo kể rất say những ngày làm chủ Đà Nẵng của học sinh và công nhân. Nếu trên cho tôi về thành hoạt động, chắc bỡ ngỡ lâu đấy, phố và người đều khác xưa. Chuyện của Hảo giống như dây câu thả xuống đáy ao, kéo lên những kỷ niệm đã chìm từ lâu, rêu bám đổi màu nhưng vẫn rất gợi nhớ.

Tôi hỏi tắt ngang:

- Quên, em mày đẻ trai hay gái?

- Trai, ba ký rưỡi. Biết nó đặt tên gì không?

- Chắc lại thêm một Mộng nữa giáng trần...

Hảo nhìn tôi, mắt rất sâu qua kính trắng. Một cái nhìn dài, nhiều nghĩa, rõ nhất là ý trách móc:

- Huỳnh Ái Trung. Nó nói với chồng về Sài Gòn nó nhớ miền Trung lắm.

Tôi cọ rất kỹ một vết chai, đợi mặt mình bớt nóng. Tôi đã xin lại cái tên Trung của anh lái xe tải bị chặt đầu, chỉ dùng nó khi gửi những mảnh thư nhỏ đến cho Hảo, nói bóng về công tác bằng giọng bông phèng ma mãnh của học trò chuyền giấy cho nhau dưới mũi thầy giáo. Ai ngờ cái tên ấy nhảy sang một đứa trẻ... Nga liều đến vậy ư?

- Nè Thiêm...

- Gì?

- Lặng im nghe tao xử cái tội yêng hùng rơm. Con Nga ưa mày, ừ nói trắng ra là nó yêu mày, mày biết mà cứ làm lơ. Chắc mày đứng trước gương, vỗ ngực nói vầy phải không: tôi không ham sắc ham của, tôi không quyến rũ em gái bạn tôi, tôi đáng bực hiệp sĩ Tây hay quân tử Tàu...

- Tàu lao. Nga với tao...gì đâu...

- Trong lúc non sông mờ cát bụi, phải đâu là hội kết uyên ương(9), mày vĩ đại mà, tao còn lạ!

Tôi cười muốn sặc.

Vậy đó, có những tâm sự chỉ ngỏ được với người sơ, phải giấu bạn thân. Không thể nói toạc rằng tôi mến Nga, thương hại một ít, nhưng không hề yêu cô giai nhân em Hảo. Nói, Hảo sẽ giận chí chết, mà chắc gì đã chịu tin cho.

Trước khi "nhảy núi", Hảo đã yêu liên tiếp chừng nửa tá cô gái, chọn toàn cô xinh. Yêu thật chứ không lăng nhăng đâu, lần nào cũng say sưa từ vài tuần đến vài tháng. Sau đó thì cả thèm chóng chán, cậu lảng dần, cũng có khi bị cho ra rìa, nhưng vẫn giữ nguyên cách nghĩ: "Xấu nết còn sửa được, xấu người thì chịu". Hảo tin ở sức mạnh vạn năng của sắc đẹp đến nỗi không thể tưởng tượng rằng tôi chê Nga. Cậu hay khuyên tôi khi ở Đà Nẵng: "Mày hơi yếu về mặt bằng cấp, gia tài, được cái điển trai cũng khớ, lại là cách mạng nòi. Cứ tấn công đi, ba tao thích mày, thêm tao nội ứng coi như ăn chắc!". Thấy tôi lờ, Hảo chỉ đoán tôi bị mặc cảm tự ti hoặc giữ cái khí thái của người chưa gặp vận. Có lẽ về sau Hảo sẽ hiểu dần: tôi không nghĩ tôi yêu Nga là với lên. Trái lại.

Mộng Nga càng lớn càng đẹp, biết mình đẹp, rất chịu khó làm đẹp. Đã vậy, Nga lại là con cưng của nhà trí thức giàu, lại có bằng tú tài toàn phần mua bốn chục ngàn đồng, lại biết pi-a-nô, vẽ, thêu, đan, do các thầy cô đến dạy tận nhà sau khi thôi học. Nga thích nghe chuyện cách mạng, đôi lúc dám nhận vài việc thật dễ như mua giúp ít thuốc, chuyển một lá thư không mật. "Em yếu tim, em dễ xúc động, thần kinh em đâu có vững như các anh". Kèm nụ cười rất duyên đã được nắn sửa kỹ bằng gương và ảnh. Người thợ chụp hình ở tôi rất chuộng nhan sắc: bốn kiểu ảnh màu đạt nhất của Nga được phóng to, lồng kính, treo chỗ trang trọng trong phòng khách Thiên thai ảnh viện, khối kẻ trầm trồ. Bấm máy xong, tôi không để ý đến Nga nữa, tuy biết Nga tìm tôi không chỉ vì muốn chụp.

Bà mẹ sợ thứ sô-cô-la Nhật pha thuốc kích thích - sợ là phải, lắm cô đã bị cấm - cấm Nga đến chơi nhà con trai. Cấm sao nổi. Nhiều hôm Nga ở lại giúp tôi chấm ảnh, xén ảnh, nói những câu chuyện dài dài có nhiều chấm lửng, tôi vẫn giữ khoảng cách đều đặn như hai chúng tôi đi song song trên hai bờ của một con suối ngoắt ngoéo. Khi Nga đối đáp với một ai khác, tôi lặng lẽ ngắm gò má đánh kem rất khéo, hàng mi nhuộm hồ ri-men cứng và bóng, mi mắt tô xanh đen, những móng tay nhọn bôi hồng có ánh xà cừ, và tự hỏi: "Nếu mất đi lớp vỏ của người-đẹp-trên-bìa-sách, mất số của hồi môn, cái bằng, lượt véc-ni tài hoa rất mỏng, sẽ còn lại cái gì vững bền ở cô gái này? Lý tưởng, lòng ham hiểu biết, sức vươn lên lập thân, sao Nga có quá ít? Cuộc sống mai sau sẽ không để Nga nhởn nhơ giữa vòng những người quỳ gối dâng tim như hiện nay, Nga sẽ chuyển, nhưng chuyển theo hướng nào?". Tôi thương Nga tốt bụng, đang khổ vì mẹ cha âm thầm lìa nhau, anh Hảo ở xa không giúp em được mấy. Có lẽ Nga muốn nhờ tôi lái đời mình, nhưng lại sợ tay lái của tôi thô bạo. Mà có thể Nga còn ngại những chênh lệch mà chính Hảo cũng nói trắng với tôi.

May phước, tôi không là anh Trương Chi, cũng chẳng phải thằng Sở Khanh. Tôi chỉ là tay thợ ảnh được giao nắm hơn chục cơ sở Đà Nẵng, trong đó có Duy Hảo. Tôi chẳng phái nén mình lên gân gì cả khi nói chính trị với Nga, khuyên Nga như người anh, và bắt gặp trên mặt Nga những nét hờn dỗi hay âu yếm không dính tới đường lối chính sách của cách mạng miền Nam. Cứ như vậy đến ngày tôi trao đầu mối lại cho đồng chí khác, rời thành phố đi cầm súng...

Nga lấy chồng năm kia, một cậu học ở Pháp về. Cách kén rể của bà mẹ đã đổi chút ít theo thời thế, bà dỗ con: "Lấy nó thì cả đời khỏi lên voi xuống chó gì hết, bên nào thắng cũng cần cái anh kỹ sư xây lại cầu đường chớ". Ông cha im lặng, chưa ưng mấy nhưng chẳng lẽ cầm duyên con gái. Hảo tiếc giùm cho tôi, biết Nga không quên tôi.

Hảo lại lau kính, buồn buồn:

- Cái dạo chống hiến chương Vũng Tàu, con Nga theo bạn bè xuống đường bị mấy trái hơi cay sưng mắt, nó đeo kính đen đi khoe con mắt với tụi bạn tao hoài, thiệt tội... Mẹ tao giữ riết quá. Phải chi tao đem được nó theo, lên đây có mày nữa... Thôi đừng làm bộ! Nó vô văn công, tới diễn cho bộ đội coi, mày năn nỉ xin làm em tao liền một khi!

- Với tất cả những cái nếu... Mà thôi hụt làm em thì tao chỉ huy mày. Tao hái rau, mày kiếm củi, lát nữa húp canh toàn quốc(10) cũng mát ruột. Vị tinh Hồng Công của mày đâu?

Chúng tôi có lu bù chuyện để kể và cải. Còn đêm nay với ngày mai đi chung nữa, lo gì.

 

 

Chú thích

Dùng tay để tuốt lấy hạt lúa khi thu hoạch

Một loại rượu ngon của dân tộc Catu, lấy từ cây đót hoặc đoác

Tiếng Co: đường này, đường này

Tôi nói tiếng Gia - rai được một ít

Giao liên trên đường dây rẽ ngang

Hệ giáo dục phổ thông chín năm hồi kháng chiến. Lớp 9 cũ tương đương lớp 12 bây giờ

Bà mẹ (Tiếng Pháp)

Nhân vật trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng

Thơ Thế Lữ

Tiếng đùa: canh cả nước  là nước