Mẫn và tôi

Chương 15

Mặt trời còn một con sào Mẫn đã gọi chúng tôi ngừng gặt, trêu luôn:

- Để coi cậu tú bó lúa, bảo đảm lắm, gánh tới nhà còn y nguyên cây đòn với cặp dây!

Tôi gạt mồ hôi cằm, vặn lưng trả miếng ngay:

- Hèn gì có kẻ mét vơi chị Bỉnh, hồi cứu lụt.....

- Sao?

- Cái anh gì cao, trắng trắng, bộ tướng như học trò thành phố đó, coi người như rác! Tạch- tạch- sè chánh hiệu mà!

Mẫn ngớ ra rồi cười phá, cười đến không đứng được nữa, ngồi thụp xuống bờ ruộng mà cười rũ. Đến khi tôi nâng hai cánh tay đặt trên vai Mẫn gánh lúa nặng ước sáu chục cân, Mẫn mới kêu “Thôi,biết ông giỏi rồi!”.

Tới đâu tôi cũng bị hiểu lầm vì vóc người lêu nghêu và nước da không chịu ăn nắng, trông rất chi là lính cậu, là "phóng văn lình" tức lính văn phòng. Cộp một trận, phát rẫy hay cày ruộng vài ngày tôi mới được nhận là lính chiến, gốc gác làm ăn. Có lẽ chính cái mẽ ngoài phản chủ ấy nó thúc tôi học nghề thật kỹ để xoá nhanh cái ấn tượng "dân thầy", hoá ra nó cũng có lợi.

Đến nay, về nơi nào chưa quen, tôi thường nhét súng ngắn vào bao - cái câu "súng lục là súng bao vây đầu phồng" sống dai gớm! - lội xuống ruộng trước, để cho sự tin cậy của bà con bắt đầu từ chỗ mỗi cuộc đời cách mạng bắt đầu, từ giọt mồ hôi rớt xuống chén cơm. Câu chuyện sau đó mới thật là tâm sự giữa những người đồng cảnh đồng tình. Dần dà, nếu có dịp sửa giúp cái máy nổ, bày những câu gọi hàng lính Mỹ, nói tình hình thế giới trước một lớp học, tôi mới được xếp vào loại "con nhà nghèo được cách mạng dạy nên khôn" Như thế đúng thực sự hơn là lối coi tướng của cô Mẫn. Tuy những anh học trò mới đi bộ đội thường được bà con cưng hơn một chút - nhà khá giả mới đủ tiền cho con ăn học, đời học trò ở phố phường xa mưa nắng bom đạn, bây giờ đánh Mỹ mới nếm mùi cực khổ, coi thiệt tội...- nhưng tôi biết mức tin cậy có khác với những anh được gọi là "lính cùi đày(1)",cả người lẫn nết đều vững như hòn đá kê chân cột. Các bà mẹ vốn thương con út mà tin con đầu lòng.

Vừa chơi ác, đặt cho Mẫn một gánh nặng xong, tôi hối ngay. Mẫn không khỏe mấy, chỉ được cái dẻo dai. Tôi nắm đòn xóc giữ lại: "Giỡn thôi, để anh...",. Mẫn lắc đầu gạt tay tôi: “nhà gần mà!“.

Tôi trông theo Mẫn chạy thoăn thoắt mới hết lo, quay sang bó tiếp cho Út Hoà, Ba Tâm, giả vờ không nghe câu đùa lơ lửng của chị Tám đang xếp các lượm lúa: "Họ thương nhau ghê ta!".

Thưa bà chị hay giễu,chị muốn cười hở mười cái răng, nháy nháy với người thứ tư nào đó, ví von bóng gió về cây si hay bệnh cảm, xin cứ việc! Tôi buột miệng, xưng anh với Mẫn, đã lỡ cho nó lỡ luôn, hơn Mẫn bẩy tuổi không làm anh được à? Tôi cãi thầm với chị Tám như thế, đến lúc chị giằng tay tôi, kêu:

- Cậu tú ơi cậu tú, trả thù dữ vậy sao sống nổi!

- Ờ......

Thì ra tôi đang đạp chân riết một bó lúa to bằng bồ, phần chị. Tôi vội chống chế:

- Không... tôi tính về trước một gánh...

- Rồi bỏ lúa ai xóc? Đây về nhà có phục biệt kích đâu mà phải kèm?

Tôi đóng kỹ cái vai anh khờ, chỉ cặm cụi bó một đôi lúa nhẹ hơn cho chị Tám, một đôi khác cho Mẫn đi chuyến thứ hai, còn bao nhiêu làm một gánh vét sòng. Mẫn trở ra ruộng, sửng sốt kêu tôi phá sức, sụn xương sống còn gì. Thật tình tôi cũng hơi lo lo, lâu nay chẳng gánh gồng gì, sợ mất thói quen. Tôi bắt đầu tính xem trên chặng đường vào xóm có mảng tường hay tảng đá nào có thể kê đòn mà nghỉ chăng, nếu run đấu gối không bước được nữa như keo gánh thi năm ngoái. Mẫn ghé vai cho tôi đặt gánh, lại đứng đợi tôi mới chết chứ. Trót yêng hùng rồi, đâm lao phải theo lao... Không ngờ tôi mạnh đến thế. Xóc bó lúa "sạt" một tiếng là lút như đâm lê vào bù nhìn rơm, nhấc bổng nó lên xóc bó thứ hai mà không hề tì vai hay chống đầu đòn xuống đất, chạy thẳng một mạch về sân nhà Mẫn, dọc đường chỉ đổi vai một lần, tất cả đều gọn trơn. Khoảng chín chục cân, tự phá kỷ luc rồi, bà con trông thấy cứ tấm tắc. Chém chết tui cũng không dám nhận rằng đó là kết quả của một câu nói khích, và nhất định không trông thấy vẻ mặt bối rối của Mẫn cùng nụ cười gán ghép của chị Tám. Khờ mà!

Đêm nay chúng tôi xuống vùng biển phía bắc Chu Lai. Lội cát phải mặc màu nhạt. Tôi giội gấp mươi gàu nước giếng, thay bộ ka-ki bạc màu nhất. Chị Tám mặc bà ba màu lục trông hệt bà đồng. Mẫn mượn được cái áo xanh da trời, nhưng cứ bị quần đen không có gì thay đổi, tôi cho mượn tấm dù hoa hai chéo phủ đến gối, coi như ổn. Ba Tâm đòi mãi mới được theo chị, chỉ mặc quần đùi vải rằn và cởi trần. 

Tam Sa ở cuối tỉnh cuối huyện, cấp trên gửi giấy hoả tốc báo địch càn thì nó đã càn xong xuôi cả. Anh Luân và Mẫn lặn lội đi móc được một số cơ sở riêng ở thị trấn An Tân và vùng bắc Chu Lai, hễ địch tăng quân dồn xe thì họ báo cho Tam Sa biết, hụt xe lam đã có xe gắn máy, xe đạp. Lâu lắm các đội công tác An Tân, Tam Hải, Tam Giang mới hay mình bị phỗng tay trên, kiện với huyện. Anh Bảy quai nón cười xoà: "Các cha thừa đất bỏ hoang, Hai Mẫn tới vỡ, phải để nó hưởng lộc ba năm không đánh thuế!". Hôm nay chị Tám và tôi được "sang tên" sáu cơ sở gần Chu Lai, coi như cái vốn đầu tiên để bủa thêm một mạng lưới nữa quanh căn cứ Mỹ. Chị Tám tìm hiểu mặt đấu tranh chính trị, tôi mặt quân sự. Có thể Ba Tâm được ghép với chúng tôi để chạy thư thẳng về huyện và H.68, chú năn nỉ riết nhưng anh Bảy còn ngại nhỏ quá.

Ăn xong chúng tôi đi ngay. Quân phục kích dăng liên miên dọc đường Một, đổi chỗ luôn, phải trông chừng chúng từ khi còn sáng. Chúng tôi băng ruộng lên phía bắc, gặp tổ du kích gác trên đồi lấy tin: địch rải dày mé dưới mặt đường chặn giữa làng Cá với Lộc Chánh. Phải vòng lên xa nữa. Tới một xóm lẻ còn trơ các nền nhà cháy, Mẫn dừng lại, tủm tỉm:

- Em là dân bổn địa, chỉ huy dân tứ chiếng, ừ nghen? Bây giờ em ra đường, chị Tám giũ chà là, anh Thiêm với Tâm ai liệng xoài giỏi hơn thì ở lại đây, ai kém đi liên lạc. Ám tín hiệu, đường tiến đường lui nhớ kỹ chưa?

Đây là xóm Gò Xoài, bị địch đốt trụi để dồn vào ấp chiến lược.Vườn xoài bỏ hoang lu bù, tôi ném lựu đạn không tồi, nhưng mới thử sức vài lần đã chịu thua Ba Tâm. Chú ta chưa rút ná cao-su mà trái lớn trái nhỏ đã rớt lịch bịch. Khúc cây vọt khỏi tay Tâm, xoay tít như bánh xe, quất trúng những nhánh xoài đầy trái vàng đung đưa. Lớn chút nữa tay này ném lựu đạn hẳn là lọt lỗ châu mai thun thút!

Tôi theo Mẫn băng gò ra chỗ quan sát cách chừng nửa cây số, càng tới gần đường càng dò kỹ, có khi địch lên phục tận đây. Chúng tôi nằm bên một gốc mua, thò đầu dòm xuống sườn dốc, súng đơm sẵn.

Con đường bị băm nát từ lâu quãng này còn sót đường ray kẻ hai dòng đen song song trên đá lót xám, chạy qua cát trắng. Cỏ gấu loang từng mảng nâu đỏ. Dương liễu mọc thấp, cành lá thưa đâm ngang thành bụi. Xa hơn một ít là vệt đen rộng và bóng của đường nhựa, hai mép quét vôi trắng phòng ta chôn mìn, bị những cồn cát nhấp nhô tre khuất từng đoạn. Phía bắc cách ba trăm thước có cặp lô-cốt giữ cầu. Phía Nam hình như vắng.

- Tụi nó kia, anh.Chỗ cống xi-măng ngó xuống.

Mẫn chỉ mé tay phải. Tôi nhìn kỹ cái cống trắng, nơi cậu Ri đánh mìn lật một chiếc GMC đầy lính tháng trước. Địch nằm cách đường nhựa chừng hai chục thước, nép sau những bụi ngũ sắc rậm. Áo quần chúng chìm vào mầu lá, nòng Ga Ran sơn lá mạ cũng vậy, tôi nhận ra chúng nhờ vào cái báng súng nâu đen cựa quậy bên những đường cong tròn bóng của mũ sắc, cây lá không có nét cong đều như thế. Người đi dọc đường nhựa không thấy được địch, nhờ dòm xuyên hông chúng tôi mới moi ra. Mỹ vào có khác, ngụy đem xác đi rào dày kinh, dạo trước Năm Ri dẫn tôi đi dễ hơn nhiều. Cũng trên đường Một này, anh em xê mình đóng trong kia đang đạp xe "kính ông" vào thị trấn Tam Quan ăn phở, tôi ở đây núp rình mãi mới tìm được chỗ vọt ngang. Ức thật...

Mỗi lần xuống vùng địch, tôi lại thấy mình thành con trâu trắng làm khổ mọi người, "trâu trắng đi đâu mất mùa tới đó". Các đồng chí phải lo dẫn tôi đi đêm, xếp hồm bí mật, gác đầu ngõ cuối xóm, quá đỗi cồng kềnh. Trong khi đó Út Liềm cứ đạp xe vo vo đi khắp nơi; chị Tám và Mẫn lựa lúc vắng bọn ác ôn quen mặt là thay áo trắng ra dạo đường nhựa, tán gẫu với lính tha hồ.

Tôi quay về gọi chị Tám và Ba Tâm. Chà là được một túm bằng trái dừa. Bao lưng của Tâm đầy cộm những xoài. Dạo này địch chặn soát và bắn súng vung vãi nên bà con dưới biển ít lên vùng đất vườn Tứ Nhơn, chứ trước kia, "mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên" cứ kìn kìn. Lần nào xuống biễn Mẫn cũng nhớ mang quà, mùa nào thức ấy.

Bốn chúng tôi ngả ra liên hoan nhỏ trong lúc đợi tối, Mẫn nhắc:

- Tiểu liên thôi nghen. Xuống dưới kia còn trung liên, đại liên,mấy bữa nay

biển trúng cá lu bù.

Pháo An Tân bắt đầu rền dài bắn lên dọc sông Rù Rì:đợt pháo quen lệ của địch lúc cánh đồng lớn đã sẫm đen dưới bụng tàu rà. Chúng tôi xâu dép vào thắt lưng, lên đạn, ung dung bước qua hai thanh ray gỉ, dẫm lên những mớ gỗ toác và sắt quằn của những đoàn tàu quân sự bị lật, xác mới đè xác cũ, nay đã đều không còn tuổi. Đến gần đường nhựa chúng tôi nghe ngóng lâu hơn. Rồi Mẫn vẫy tay. Mỗi người phóng mấy bước trên nhựa ấm, thoáng thấy vài mảng sỏi Xám vá đụp, hít một bụng hơi xăng, rồi chạy thẳng một lèo trên bãi trống

Vượt non cây số chúng tôi mới dừng nghỉ chỗ cát trũng, vừa nghe tiếng máy rù rù. Xe địch đi đổi lính. Đèn pha đặt trên các xe boc sắt quét loang loáng qua đầu. Xe tải chạy cách nhau khá xa, không bật đèn, không dừng, cứ việc bò chậm trong khi quân mới nhẩy xuống và quân cũ leo lên. Tụi sư Hai ngụy làm cái trò đấy để số du kích bám đường không biết chúng thu quân hay rải quân, dọc tuyến chỗ nào kín chỗ nào hở, khá ranh đấy.

Chúng tôi đi dọc xuống biển. Sau lưng chúng tôi, các ổ phục kích của địch đang đổi chỗ,đơm súng chặn đường về ở đâu không rõ.

 

°

*

 

Biết không thể sốt ruột được mà tôi vẫn sốt ruột. Sự đời nó vẫn vậy.

Đi chừng nửa giờ trên trẳng cát phẳng và trần trụi,chúng tôi đến một xóm lẻ. Chị S.12 mở toang cửa,vặn to ngọn đèn hoa kỳ, đánh thức chồng dậy mà coi "Chị Hai Mẫn với cán bộ mình cả mờ", cho con đi gọi hàng xóm nữa, y như giữa vùng giải phóng. Chị Tám đưa con mắt hỏi Mẫn, Mẫn giật khẽ, ra ý " không ẩu đâu". Chị S.12 kéo tôi đến bên đèn coi mặt, giảng một hơi.

- Xóm đây năm nhà mà một bụng anh à. Dân cách mạng nòi hết. Tụi tôi ăn giỗ với nhau, thề rồi, ai lén đi báo cáo báo chồn với tụi hội đồng thì mấy nhà khác muốn tự tay chặt hay rước Giải phóng về ngứt cái đầu tùy lòng, chị Hai cầm quân đánh giặc trên làng Cá chớ đâu xa... Chẳng có thằng lính nào đang đêm dám léo hánh tới đây, mà tới thì tụi tôi biết trước cả buổi. Tụi nó nói ở xóm lẻ dễ chứa Việt cộng, mà cũng đúng vậy, nó đem xe em-mờ tới hốt vô ấp, cả xóm dàn ra đòi đổi mạng nó mới buông... Mỹ đổ bộ hả? có nghe gì đâu!

Bà con trong xóm kéo đến chật nhà ăn xoài với chà là, uống trè nhỏ, tán lu bu chuyện. Tất nhiên, tôi phải xuýt xoa vì trót sinh sau đẻ muộn, không được quen ông Lê Tự Cường mà cả huyện đều biết, làm tới chức trung đoàn hay trung đội gì đó hồi đánh Tây, cùng sáu con em của xóm này vừa tập kết vừa đi Giải Phóng. Xóm nhỏ mà niềm tự hào thật lớn. Ai cũng nhắc cho tôi nhớ kỹ đây là đất mình, dân mình, tới đây muốn hát bội làm tuồng bao nhiêu thì cứ thả cửa, gửi lại vài ba chục anh em cả tháng bà con cũng giấu và nuôi được hết.

Tôi ngó quanh, sững sờ.Tưởng chỉ miền núi mới có những “làng độc lập" chứ, những làng mấy trăm năm nay ẩn kín trên núi cao, dân đi đâu thì đi chứ chưa hề có người nào lọt được vào làng, đến thời chống Mỹ này mới mở cửa đón anh Giải phóng là một. Ra giữa biển cát này cũng có những hòn đảo tự do, trắng địch.

Bà con xúm trách Mẫn lâu không xuống,và phân bua liền cho Mẫn, "nói vậy chứ tụi tao nghe nổ như rang bắp trên Tứ Nhơn, đi chợ thấy vợ lính a vô mua hương đèn với hàng mã, biết bay làm ăn to lắm! Được mấy trăm khiêng cả thẩy?".

Chị Tám bắt gặp tôi liếc đồng hồ lần nữa, bật cười.Tôi chỉ muốn đuổi theo cái tin giật gân đợi mãi bấy nay....

Bộ đội gặp nhau,vừa mở miệng đã hỏi độp:"đánh chác sao đó?". Chị cơ sở gặp chị cán bộ thì trăm thứ chuyện tri kỷ vụn dây mơ rễ má cứ nối nhau tuôn ra bằng hết, từ trời cho con cá bè một gánh nhảy sang thằng cảnh sát mặt sẹo chực đốt nhà, vụ chồng con nhào kẹo với vụ hỏi thuyền bắt ghe, có trái mìn nổ thiệt tới ngon và có cái điều trước sau em cũng phải ừ một tiếng cho ảnh yên bụng lên núi mà sao em mắc cỡ quá chị à. Thêm một lần "xuống cơ sở" này nữa, tôi càng hiểu rõ dân mình đã ngấm đẫm chất cách mạng đến cái độ lựu đạn vùi lẫn trong thúng khoai, bà mẹ dặn con đuổi trâu ăn mạ và dỡ gai rào miệng hố chông cùng một giọng, việc đánh Mỹ nằm lộn lạo trong việc gái trai thương nhau.

Những đêm hội ồn ã hay thầm lặng của bà con đón cán bộ thế này diễn đi diễn lại, đọng dần trong tôi hình ảnh rất khác biệt của bà con vùng tạm chiến. Hai mươi năm đánh giặc, chưa hết, chúng ta đang bước vào cuộc chiến tranh mới, dữ dội gấp bao nhiêu lần chưa rõ nhưng chắc chắn là sẽ kéo dài. Người dân vùng tạm chiến vẫn sống kiểu riêng, đánh kiểu riêng trong nhiều năm nữa. Nỗi khổ và sự nghiệp anh hùng của họ, vốn đã sâu đã cao như biển và núi kẹp hai bên sườn dải đất này sẽ còn cao sâu thêm mãi. Có không nhỉ, có dân tộc nào trên trái đất này giàu chiến sĩ địch hậu như ta, có dân tộc nào mà cả một mảng lớn đã vật lộn trong lòng giặc suốt một phần năm thế kỷ, không một ngày xả hơi, còn đủ sức đấu võ đấu lý đến một nửa thế kỷ nếu cần, để thắp lại cái tia chớp đỏ thoáng thấy năm xưa và giữ nó sáng mãi?

Chi Tám phải gỡ Mẫn ra khỏi nhóm các bà các chị hết khóc lại cười. Ra đến trảng chị búng tai Mẫn:

- Anh Thiêm đang nôn nao tìm Mỹ, mày cứ sa đà, anh dòm muốn đứt cái mặt đồng hồ kìa.

-  Thiệt hả? Còn sớm chưa vô ấp được đâu anh. Với lại em thương quá...Nhà chị Mùi có tới hai hầm bem ở tốt lắm, hồi nào bám căn cứ mệt anh chị cứ về đó nghỉ, khỏi qua tuyến đường nhựa.

- Địch dày bấy nhiêu chớ dày gấp mười, cậu Tư cũng bươn lên tới làng Cá cho coi!

Câu ghẹo ỡm ờ của chị Tám khiến Mẫn nín thít và tôi chột dạ: có lúc nào tôi quá lộ liễu không nhỉ?

Trăng muộn mới hửng một vầng sáng dưới những dải mây viền vàng mé biển chưa soi đến đây. Sân bay Chu Lai phải bắn đèn dù không ngớt. Một cặp cối to 106ly7 giã đền nhịp đôi. Chúng tôi đi ngoằn ngoèo trên cát dẽ và trắng nhờ nhờ, giữa những bụi con nổi bóng đen kịt như người ngồi xổm, rồi bước ra một quãng gò cát nhấp nhô, chân lún sâu hơn. Lâu lắm mới qua vùng gò cát, sao mà nhớ quá đỗi chặng bãi biển từ Qui Nhơn vào Gành Ráng. Mỗi bước leo lên trụt lùi mất một nửa, bù cho khi xuống bước chân duỗi dài thêm gấp rưỡi.Tôi đưa mắt tìm những búi cỏ chông chông để thả đua ngựa theo gió, bị xóc luôn một chùm gai xương rồng vào đầu ngón chân cái, nhổ vội lại gãy nằm lì, đành để vậy. Mắt tôi tốt nhưng Mẫn đi đêm tài hơn nhiều. Một lần nữa đôi bắp chân trắng của Mẫn lại làm lộ tiêu cho tôi tránh những tấm gai xương nằm lẫn trong cát như bàn chông.

Người thứ hai được Út Liềm báo trước, ra ngoài ấp đón chúng tôi. Cô Tươi mới trạc mười chín, dẫn cả chồng theo, chẳng biết sợ ma hay ngại chồng ghen, có thể vì cả hai. Chúng tôi ngồi lọt giữa bốn tường thành đá ong của một ngôi mả to trên đỉnh gò. Cô bắt chồng đi gác với Ba Tâm, không cho nghe chuyện nói ngường ngượng:

- Ảnh mới trốn quân địch về, chánh trị chưa vững. Em hối(1) ảnh đi giải phóng vinh dự lắm, ảnh lảng lảng miết, sau thú thiệt "hễ mình đi tôi mới đi". Bây giờ ảnh tránh trớ trong ấp. Thằng ấp trưởng ăn tiền lớp này tới lớp khác, đục đẽo miết mà còn doạ nghe tức ói, chưa biết hồi nào nó trói giải lên Quân vụ thị trấn... Chị cho tui em lên cả hai nghen chị?

Cô S.16 này nhạy hơn chị Mùi, nghe tin Mỹ vào, cô rủ bạn xuống cửa Xuân Quang hỏi dò. Tụi ngụy ghẹo chán mới mới kể rằng Mỹ vô sân bay đâu hai trăm, lót ổ nằm nín hơi, Việt cộng nói Mỹ công tử bột vậy mà đúng y, lính tráng gì mà mới bước ra nắng đã đỏ như cắc kè, khui bia hộp uống ọc ọc miết. Cô nghe chỉ được bấy nhiêu, không thấy thằng Mỹ nào cả. Tôi hơi thất vọng. Nhưng khi tôi dặn những điều cần nắm thêm về quân Mỹ, cô hỏi lại rất kỹ, lặp đến thuộc lòng. Cơ sở của Mẫn chưa thạo việc, được cái chịu khó. Tôi bấm đèn pin bọc nhựa xanh cho cô nhận mặt chị Tám và tôi, rồi soi xét cô Tươi: người còn xinh hơn tên, hèn gì cậu Xáng không chịu rời. Cho thoát cả hai thì mất người theo dõi Mỹ, thôi để cô khuyên chồng ít lâu nữa xem sao. Tươi ra gọi chồng vào, ngọt giọng như dỗ đứa em trai bướng;

- Em thưa với các anh các chị rồi đó, hồi nào anh ưng thì em dẫn lên Nhơn Ái giao cho chị Hai. Em mắc việc nước, chớ vợ không theo chồng thì theo ai.

Cậu Xáng rất to cao, xem chừng cõng một đế cối 81 trên lưng không ăn nhằm gì. Cậu lúng búng mấy câu phân trần, rồi theo vợ đi vào ấp, trông tức cười mà cũng tội tội.

Chúng tôi nhắm hướng biển đi xuống. Mấy chiếc C 47 liên tiếp xà qua đầu mỗi chiếc đeo một chùm đèn màu hình chữ thập, thêm một đốm giữa bụng nháy đều. Điện kết chuỗi quanh đường băng bật sáng, tôi sửng sốt khi thấy những ngọn đỏ cuối sân chỉ cách chúng tôi chừng bốn trăm thước. Chà chà, cặp mắt bồ câu của cô Tươi đặt ở chỗ lợi thế quá mất, tha hồ coi Mỹ. Đèn pha trên máy bay thốc xuống một luồng sáng xanh, hạ thấp dần, nhảy nhảy trên dải bê tông, chạy tới mảng sáng của đài chỉ huy đàng xa. Rồi phựt một cái, tất cả tắt ngấm, những chiếc tầu ngầm lớn lặn tõm xuống biển, chỉ còn đạn cối chớp léo ình ình chung quanh chỗ nó vừa chìm. Quân ngụy vây vòng trong vòng ngoài mà chúng vẫn giấu hình ghê thật.

Trăng trên biển mọc nhanh vòn vọt. Một quả bóng đỏ từ dưới nước ngoi lên, lừng lững nhấc mình khỏi đường chân trời mang vết khía răng cưa của những rặng dương cuối đất. Dạo ở núi, tôi rất thèm xem lại con trăng to và đỏ như thể bốc vội, đổ suối bạc to dần qua mặt sóng đến bên tôi. Trăng hiện trên rừng bao giờ cũng nhỏ, xanh đứng yên trên lá. Tôi thèm vòm trời mở ra mênh mông với cái nét cắt thẳng băng nơi gặp biển, thèm nằm ngửa cho các chùm sao xuống sát tầm tay với như một dàn nho chua, thèm dầm mình trong sóng tãi bọt và sứa trên bãi, thèm thở gió mặn chưa pha mùi đất. Cảnh trời nước của quê nội tôi đấy.

Qui Nhơn thời Tây. Căn nhà ổ chuột thấp hơn mặt đường Khải Định, gần biển mà gió không chui vào nổi. Suốt mùa hè anh hai và tôi đêm đêm vác chiếu ra ngoài bãi cát, bên những gốc dừa gốc tra, chịu mùi phân người để nằm xa chỗ tắm của Tây đầm, tránh tụi bu-lít(2) đá vào mông đánh thức.Mỗi đêm vài lần anh em tôi ngồi dậy đội chiếu đợi qua cơn mưa dông, hay đâm đầu chạy thục mạng khi lính lê dương say đuồi hiếp cả đàn bà đàn ông.

Qui Nhơn đẹp, mát, lắm cá. Người ta đến Qui Nhơn tắm biển, dưỡng bệnh ăn chơi, trai gái. Thành phố quê hương bấy giờ đè nặng lắm trên đôi vai còng còng của ba tôi, sửa máy cho hãng xe S.T.A.C.A., mỗi ngày làm mười hai tiếng mà mòn đời không sắm nổi chiếc xe đạp tã. Anh em tôi, hai đứa trẻ rơi vãi trên đất cảng, dắt nhau đi lánh các các phố sang lắm xe chẹt và dùi cui gõ-óc, chỉ dám hưởng phần mấy trái me rụng quãng gần nhà thờ, những bông phượng héo để chọi đá gà hoặc thổi phình vỗ bép vào trán, lúc đói thì đập những trái bàng khô lấy cái nhân beo béo mà nhấm. Vui mắt chỉ có ngồi trên bến xem cặp tàu bay Nhật chạy rì rì trên phao rõ lâu mới cất cánh nổi khỏi mặt sông Thi Nại, về sau bị mấy chục tầu bay Mỹ ném bom tan hết. Tôi chưa hiểu gì về Qui Nhơn sau cách mạng, đã theo cả nhà tản cư về quê mẹ. Hết những năm đánh Tây, tôi lại chịu đòn tù ngay tại nơi sinh: hai chặng đời tại Qui Nhơn, hai lần tôi bị hất ra. Đứa trẻ lên chín bỏ đi với cái đói và cái sợ thắt gút trong ruột. Còn chàng trai mười tám vằn máu hằn thù trong mắt.

Lạ thay, tôi vẫn yêu Qui Nhơn. Tôi hay nhắc tới những phố xinh xắn, những máy nước đầu đường có tay quay trên đỉnh, những hè phố lát thứ gạch gì lắm rãnh sâu kẻ ô chống trượt, những con tàu lớn kéo còi ghé vào cái kè đá đưa xe lửa chạy ra biển, những bầy cá đối kết thành bè bơi đi thuyền, mặc dù tất cả những cái đó đều không phải là của tôi. Tôi cứ nhớ Qui Nhơn. Phải chăng vì cái xấu và sự lãng quên đều chung một mầu đen, nên khi quay nhìn lại bức tranh của quá khứ tôi chỉ còn thấy những mảng màu sáng nhất? Hay vì một thói quen thôi, như đứa trẻ ở mướn cực muốn chết mà vẫn thương con trâu ngang sừng của chủ và nhớ rặng dừa trước ngõ nhà chủ? Đúng hơn, có lẽ vì hình ảnh thật của phố cảng đã được tôi nhào nặn lại theo mẫu mới của mơ ước....

Mẫn quay lại:

- Gần tới ấp rồi, Tâm lên sát chị nghen, có gì tiếp tay chị ít trái lựu. Chị Tám với anh Thiêm đi sau chừng năm chục thước cho chắc.

Tôi hơi khó chịu. Mẫn thuộc đường phải dẫn đầu, chứ tôi đâu phải non đến nỗi núp sau lưng Mẫn! Tôi chia Ba Tâm trụt lại sau kèm chị Tám, còn Mẫn với tôi đi trước cản địch. Mẫn ngần ngừ rồi gật:

- Dạ,cũng được. Hễ chạy lạc Tâm dẫn chị Tám vòng xuống bến bà Huyến nghe em. Mà súng đằng trước nổ ít thì khoan chạy, đội Tam Hải có mấy cậu mới, chưa hỏi đã bắn, để ý coi chị rẹt cac-bin hãy rút.

Chúng tôi vào một ấp chiến lược sát cửa sông để nhận chị S.22 và một số du kích bí mật do chị tự chọn, không chịu cho Mẫn biết hết tên. Ấp này có lính đóng, gác kỹ. Mẫn đi một quãng ngắn lại thụp xuống, cúi sát đất nhìn ngược lên, xem đường nét lởm chởm của các bụi cây đen đằng trước, tìm vệt thẳng của nòng súng hay hình tròn của đầu người, thêm chỗ eo của cái cổ nữa không thể lẫn. Tôi chỉ có việc bắt chước.

Men rặng duối dại một quãng, Mẫn dừng lại ghé tai tôi:

- Nó kìa!

- Đâu?

- Dọc đường đất...

Một con đường đắp nổi bằng đất thịt màu sẫm với hai hàng dương, cách chúng tôi chừng sáu chục thước, chạy qua cát trắng vào ấp. Tôi nhìn lâu mới thấy một đốm lửa nhỏ xíu hửng đỏ, chìm, lại hửng. Sáng trăng này địch không cần soi pin xem giờ, nhưng khó nhịn được thuốc lá. Mẫn dừng đợi chị Tám và Tâm, thì thào:

- Hồi nãy nó rình ở đây, mới kéo ra phục đường. Có mùi Bát-tô, xà-bông thơm, mồ hôi khét nghẹt.

Tôi hít mấy hơi, không nhận ra gì cả. Xin thua cô xã đội, tai kém còn đổ lỗi cho sốt rét được, chứ cái mũi không tinh thì chỉ tại hút thuốc thôi.

Vòng hướng khác, chúng tôi đi vòng qua những vạt mè, lá và trái quệt vào tay dính rin rít, đến gần cái vệt đen dài cắt ngang trảng cát. Nhiều chấm đèn dầu nhấp nháy. Dòm ngược lên đã thấy hàng rào lông nhím dựng như bàn chải trên nền mây sáng. Tiếng đóng đinh vào thuyền gỗ nghe trầm và dội xa. Chó sủa, có người nạt chó. Một đóm lửa to đi lừ lừ bên trong rào, những nét bóng của tre nguyên cây hiện thấp thoáng, chắc là dân canh đang gác chuyển đèn: các vọng gác đưa chuyền cho nhau một cây đèn gió, địch trên chòi cao ngó chừng. Nhiều tiếng cười ré giật gân. Tiếng loa vẳng từ xóm xa, gió tạt không nghe rõ, chắc lại gọi "đình công xây ấp tân sanh,ai bất tuân nằm nhà coi như phần tử Việt Cộng", địch đã biến Việt Cộng thành những người an nhàn nhất trên đời.

Tôi nhắm chừng phải đợi lâu đấy, mới chín giờ rưỡi, dân và lính địch còn thức cả. Mẫn moi cát sau lưng một tấm bia mả bằng xi-măng, lấy cái hộp nhỏ đựng mẩu giấy có mấy chữ nguệch ngoạc: Đêm 16, từ 10 tới 12giờ -  S.22.Tôi đón xem xong, buột miệng:

- Hụt rồi. Nay mới mồng hai tháng năm thôi.

- Tính lịch ta chớ anh!

- À...Vậy đợi một tiếng nữa...

- Đồng hồ anh lấy giờ Đông-dương hả? Vô được rồi. Thằng Ba gác ngoài, chị đưa anh chị...Nhăn gì? Em còn nhỏ ai chịu cho gặp đâu mà theo!

Sao tôi ngớ ngẩn vậy ta? Đã biết xuống vùng sâu phải theo giờ Sài Gòn và theo tuần trăng để biết đêm sáng đêm tối, mà trước mặt Mẫn tôi lại quên, hệt một cậu chưa từng ra khỏi vùng giải phóng. Trót rồi, tôi sẽ gỡ bằng những động tác vượt hai sông ba núi rất thạo, để Mẫn và chị Tám biết tôi dày dạn chẳng kém ai. Trong loại công tác này, một đồng chí bị đánh giá là non gan hay vụng dại sẽ được mời ở lại làng Cá ngủ cho khỏe, đi theo chỉ gây vạ cho anh em và cơ sở...

Lại hẫng nữa. Mẫn đưa chúng tôi đến chỗ hẹn, một cô du kích mặt bôi đen đón sẵn, dẫn chúng tôi đàng hoàng đi qua cổng ấp mở toang, mấy bác dân canh còn dặn Mẫn nhớ nhớ ghé lấy cá ngừ kho khô chớ để lâu nó thiu. Tôi mừng khấp khởi. Được một "lõm căn cứ" ngay bên cửa sông thế này, tha hồ ăn dầm năm dề giữa rốn thằng Mỹ! Chị Tám chép miệng: "Mày giàu ngầm quá Mẫn ơi".

Chúng tôi dẫm vỏ chuối cả. Chị S.22 khăng khăng không chịu chuyển sang cho người khác nắm.

Bộ mặt chữ điền sẫm màu bánh mật mỗi lúc một đanh trước ánh đèn cứ để to ngọn. Đôi mắt xếch nhìn tôi, nhìn chị Tám như muốn xách đặt trên bàn cân coi thử nặng bao lăm. Mẫn đã nói chị là du kích hồi đánh Tây, vào tù rất gan, nay thuộc loại "cơ sở đẻ mau" tức là tự mình sâu chuỗi thêm hàng loạt cơ sở mới. Chị nắm gần hết một xóm trong cái ấp chiến lược khá to này, chỉ cho Mẫn biết chị có một tiểu đội du kích bí mật, cho gặp bà S.26 là giao liên của chị, vậy thôi.Tuy Mẫn lấy giọng kính cẩn nhất để rỉ tai chị về "hai đồng chí cấp trên lãnh đạo vùng ta" chị S.22 vẫn chan chát:

- Con Hai đây tôi biết, công an quận đánh hộc máu mà nó không khai một tiếng làm thuốc. Gặp người vậy thì tôi sống gởi nạc thác gởi xương, chẳng đợi ai thúc, cũng chẳng cần biết đúng hay sai nguyên tắc. Đội Tam Hải đòi quản, tôi sạc rồi đó, các anh nắm xã tôi mà thấp thò tận đâu đâu, tôi không tin! Tù ba năm tám tháng, tra gãy xương sườn, vậy chớ còn ăn được hột cơm là tôi còn theo Cụ Hồ đánh Mỹ, còn nuôi hai đứa nhỏ đợi ảnh tập kết về. Bà con đây biết địch có chẻ óc tôi ra cũng không lấy được một cái tên, họ mới theo. Nói anh chị bỏ qua, chưa biết anh chị có chịu nổi các thứ tàu bay tàu lặn không, hay lại dắt ác ôn đi chỉ từng mặt, khai từng chén cơm họ mời?

Đâu bảy tám năm trước, chị đào hầm nuôi một anh cán bộ tỉnh, "cá tươi sữa hộp cho ăn mập trắng mập mềm". Sau này anh bi bắt, chịu đòn không nổi, dẫn lính về khui hầm nhà chị. Vào tù, chị để ý xem rất kỹ những ai gan lì, hỏi họ tên quê quán, dò xem về sau họ sống hay chết, bị giam hay được thả. Chị gặp Mẫn và nghe tiếng anh Tư Luân. Vừa ra khỏi nhà giam chị đã đi tìm đầu mối, gần trước xa sau, cuối cùng được Mẫn giao công tác.

Mẫn dỗ dành mãi nói rằng chị Tám và tôi đều qua tù đày cả rồi, đáng bậc thầy của Mẫn, chị mới chịu buông lửng một câu:

- Thôi được anh chị cứ lui tới nhà tôi ít lâu coi thử, có sao cũng một mình tôi lãnh đủ...

Tôi nghĩ ngay đến một nét của bà con làng Cá hơi giống chị S.22. Trưa nay anh Tám Liệp thấy vắng càn mới về thăm làng một buổi, mặc ka-ki đeo túi dết, dắt theo cậu Quỳ lăng xăng. Anh dạo các xóm, ra đồng xem gặt, chào hỏi nhắc gặt mau giấu kỹ, chớ nên quên đào hào vót chông, vân vân.Bà con ngừng tay mời anh bát nước rồi ai lo việc nấy. Bốn năm ông lão tìm chỗ làm kho mật không ra, chạy đến hỏi tôi, tôi khuyên gặp anh Liệp,các ông lắc đầu: "Hỏi rồi làm trái chắc ảnh giận, làm theo thì...ảnh biết cái khỉ khô gì đâu,thôi hắt!" Họ băng đồng đi tìm anh Luân. Mẫn,Năm Ri, ai cũng được, trừ anh chủ tịch xã đang ngồi nói tình hìn thế giới ở nhà bên. Cay thật!.

Ra khỏi ấp, Mẫn xấu hổ cứ phân trần mãi cho chị S.22:

- Chỉ bị phản một lần bây giờ chờn miết. Để em nói chú Luân viết thơ, chỉ phục chú Luân nhứt. Số du kích của chỉ moi túi lấy lưu đạn, khi gài khi ném, hạ được cả chục đứa mà không lộ. Ở xóm này ngó thấy đường ô-tô, thấy sân bay, lợi lắm anh chị đừng bỏ uổng.

- Đời nào! "Trâu đô, rô mề, trê ổ,ai chịu bỏ". Mà tụi tôi vận động mấy cũng nhẹ công hơn cô hồi đầu...

Mẫn tròn mắt:

- Không đâu anh. Chỉ gánh một gánh ca lên Tam Sa bán, nửa đêm ra chỗ đốt rào ấp tìm em nói gọn trơn: "Tao coi mày cách mạng thứ thiệt, cho mày bốn trăm đây, có công tác gì chia tao phụ với". Ba năm rồi, em mới xuống đây có hai lần, chỉ với bà chị S.26 lên ta hoài, Năm Ri tưởng điệp đòi bắt miết!.

Chúng tôi lại đâm ra giữa trảng rộng, nơi địch ít phục nhất vì chẳng biết phục chỗ nào. Đỡ cái nạn nhất bộ nhất bái, mắt tai bớt căng. Gió thổi thông thốc, tấm dù Mẫn quàng bay xòe dưới trăng, đùa với những nét thân thể Mẫn mà từ lâu tôi đã nhận là rất đẹp. Đi một lát Mẫn cởi tấm dù, xếp nhỏ lại giắt vào thắt lưng cười: "Để vậy thầy Thiêm rầy chết, mục tiêu bằng cái bồ mà lại vẫy cho địch nó thấy!". Chà, nếu tôi dám bảo Mẫn đừng rời đôi cánh nhỉ. Thầy Thiêm nghỉ phép rồi, chỉ còn cậu thợ ảnh đi bên Mẫn thôi, con mắt to bằng ống kính f.2 là ít, rất ham tìm những trò chơi ánh sáng đột ngột của trăng soi nhiều góc độ...

Cảnh trăng trên cát gợi nhớ những tấm ảnh tôi tập chụp bằng loại phim bắt tia cực đỏ, cây đen và đất trắng xoá trông hệt mùa đông miền cực Bắc. Hồi nào nhỉ, tôi đã biến cảnh nắng trưa thành trăng khuya bằng kính xám trung tính ND8...A, nhớ rồi. Đó là lần tôi chụp những cảnh ngoài trời đạt nhất, và sau đó suýt đập máy.

Mộng Nga có hàng chục cô bạn cùng tuổi đều ham cười duyên trước ống kính và trên nóc tủ, đều tin rằng ảnh đẹp là do mình xinh, ảnh xấu tại thằng thợ tồi. Bao giờ tôi cũng chụp họ trong xưởng, bật từ năm đèn trở lên, sau đó còn sửa phim cho họ thành minh tinh màn bạc cả, giống hay không chẳng cần. Chỉ một lần nể lời Duy Hảo nằn nèo mãi, tôi mới cùng đi chơi bãi tắm Mỹ Khê và chụp cho hai anh em hai cuộn phim 6x6, một màu và một đen trắng, mảy Rô-lay thay kính màu liên tiếp. Khi đi thì cực chẳng đã, khi cầm máy tôi bị quỷ ám ngay, có khi mất nửa giờ vè vè chung quanh Mộng Nga mới bấm được một kiểu ưng ý. Nga mặc áo dài hay áo tắm đều ăn ảnh, lại chịu khó vâng lời đạo diễn. Tôi tráng, sửa và phóng rất kỹ, chiếu hôm sau đem dến cho anh em Nga một xấp ảnh 13x18, riêng Nga có 6 ảnh màu có thể lên bìa tạp chí cả. Nga mừng rú, cả nhà xúm lại túm tắc, mẹ Nga không ưa tôi mà vẫn trầm trồ tiếc hồi trẻ chưa có tấm nào đẹp như thế, cô em Nga ghen với chị muốn khóc. Tôi chuồn lặng lẽ, chợt thấy chán ngấy chán lợm, ghét tôi và tởm cái nghề phó nháy. Là bởi khi tôi phóng xong bác thợ già chấm ảnh vô tình kể rằng bãi Mỹ Khê bây giờ chôn hàng trăm "ông bà bên kia", thỉnh thoảng người ta đào được những xác còn dây trói ké, mang vết dao cắt cổ hay rạch bụng. Thì ra suốt một buổi tôi đã dẫm trên thây đồng chí đồng bào, mê mẩn tìm đường nét và màu sắc trên vai, ngực, đùi của một cô gái an không ngồi rồi, chao ôi nhục! Từ đó tôi cạch, không chịu đi chụp ngoài trời cho bất cứ ai, mặc kệ chủ giục và các cô quen chê gàn chê lười.

Bây giờ khác rồi. Tôi muốn ngắm Mẫn đi ngược gió, tóc mai bay lất phất dưới mũ tai bèo, vai hơi nghiêng phía tay phải kẹp các-bin, thân thon dẻo rướn về phía trước, chợt thèm được ghi một hình ảnh đẹp hiếm có, chưa chắc sau này còn thấy lại. Tấm ảnh chụp Mẫn đêm nay, tôi có thể kẹp trong sổ tay, giữ mãi trong túi ngực, xem đi xem lại đến già mà không gợn chút ân hận nào. Và nếu ai đó bấm hộ cho hai chúng tôi đi bên nhau...

- Gần tới xóm rồi. Đây có mấy gò cát cao, tụi hải thuyền hay lên ngủ nín, coi chừng nghen. Ta đi rải như hồi nãy. Hễ chạy lạc thì coi dấu trên cát, trở lại chỗ hộp thơ chị S.22,nhớ chưa Tâm?

Thế là rõ.

 

°

 

Tụi lính cổ da Mỹ đã vào Chu Lai, sáng nay, rất kín tiếng. Mới có một đại đội thuộc sư Ba đến trước dò đường dọn chỗ, khoảng một tuần nữa chúng mới đổ bộ đông, đẩy sư Hai ngụy ra khỏi căn cứ, rào vòng ngoài cho chúng.Tên trung úy công binh ngụy đã hậm hực xì những cái đó cho bác S.24 nghe sau nửa chai rượu a-nít: "Cà cưỡng lót ổ cho tu hú đẻ,rồi còn lo bắt sâu về nuôi nữa.Tôi lột được lon là xẻ con heo lứa liền tay!".

Đài ta nói Mỹ lén lút vào Đà Nẵng, tôi nghe lạ tai, thằng đi hà hơi thường làm ồn ghê lắm để lay thằng hấp hối mới phải chứ. Chúng sợ dân Đà Nẵng nổi dậy chăng? Chu Lai là đất hoang, tha hồ chúng đánh trống cho tụi nguỵ khờ người xếp hàng gào cái câu mà báo nước ngoài đã ghi: "Chúng tôi đến đây nhằm bảo vệ tụ do!" Hay muốn oai hơn nữa chúng càn phủ đầu vào vùng ta. Hạm đội Bảy dàn ngoài khơi bắn rùng rùng, máy bay từng đợt thả bom, tàu đít bằng đổ xe tăng vào bãi, trong khi máy bay bụng chửa đùn ra từng chùm lính dù và trực thăng trút quân xuống nhét xuống nhét nút sau lưng Vi-xi. Đại binh của chúng sẽ tiến theo kiểu bò của con vắt no máu: cái đầu ngoe nguẩy rướn lên xa, bấu xuống đất, cái bụng đầy mọng ì ạch lết theo sau, giữa một bầy ruồi nhặng vo ve.

Tất cả những cái đó chưa xảy ra. Càng hay. Tôi biết một cô giao liên ưa dặn khách sẵn sàng đón những khó khăn trên đường: dốc cao, thác lũ, vô số bom, đi tối mịt mới tới nơi, nghe dựng tóc. Tiếp đó là một buổi đi êm ru, đúng trưa đã được treo võng, giặt phơi còn kịp khô, khách chỉ cười khà chứ chẳng ai kêu.

Bác S.24 phơi bộ ngực dân chài nổi múi thịt đen như mun, vuốt chòm râu đen cố nuôi dài tránh bắt lính, tả khá sắc các kiểu súng, áo quần, xe pháo của tụi Mỹ, rồi cười mũi:

- Cá thối nó vậy, giòi sanh trong ruột trước, đợi nở nhiều mới bò ra ngoài, hoá ruồi đi kiếm ăn. Mà thứ này chánh hiệu ruồi xanh, to con, bay ồn, đập trúng lại mau chết ông à.

Chúng tôi hụt ông cụ S.18 bị bắt giam vì chửi thẳng đại diện ác ôn. Chỗ chị S.22 coi như mới bước vào được một chân. Còn phải đào và sửa hầm kỹ mới nằm lại dài ngày được, chúng tôi quay về làng Cá. Chị Mùi tức S.12 bày sẵn một "đại liên" chờ chúng tôi: những bát cá mè bằng bàn tay kho ngọt, món gỏi mít non luộc bóp đậu phụng mà tôi rất mê, tất cả xúc bằng bánh tráng nướng, chan thêm mấy chai bia Xan Mi-ghen in chữ trắng trên vỏ mập lùn. "Làm khách thì sạch ruột", chị nói vậy. Tôi ăn đẫy, chị khoái đến nỗi cuối bữa đã chịu gọi tôi là thằng Tư, dặn tới nhà cứ lục cơm nguội là chị ưng nhất.

Lên tới Lộc Chánh lúc một giờ sáng, chúng tôi ghé vào hộp thư của Năm Tuất lấy tin. Anh Năm dặn đợi tại đây hay vào ấp chơi tùy ý, địch dàn trên đường Một cả rồi, tìm ra kẽ hở anh sẽ tới đón.

Chị Tám muốn gặp một cơ sở binh vận, rủ Ba Tâm theo gác ngõ cho chị, nhưng nói bâng quơ rằng vào ấp đông quá chó sủa ồn. Hai người đi rồi tôi mới thấy còn lại Mẫn với tôi. Hay nhỉ, bốn trừ hai còn hai chứ sao.

Chỗ "hộp thơ" của anh Năm rất ư là nên thơ. Mẫn ngồi bên tôi giữa biển cát cồn lên lượn xuống như sóng lừng trải rộng hết tầm mắt, trăng loa loá trên những dóng cát hình lưỡi búa. Chỉ còn hai đứa thôi trên chiếc bè kết bằng cỏ gấu sẫm màu, giữa có cây dương cao vi vút như buồm.

Gió mát, trăng trong, đêm thanh vắng...tôi biết tôi sắp nói với Mẫn cái câu "anh yêu em" mất rồi. Một cơn sợ bỗng chặn cứng ngang cổ. Ngốc, sao lại hoảng? Mọi ngày làm bộ ngổ ngáo, bán trời chẳng ngán thiên lôi đả, bây giờ lưỡi dính vào miệng. Mẫn đấy, cô gái đáng yêu nhất đấy, hùm beo gì mà khiếp? Tôi nuốt nước bọt, liếm môi, ho liền liền. Chưa...chưa được, nói lúc này chắc tôi cà lăm. Tỏ tình mà cà lăm là vất đi. Coi chừng hiện nguyên hình là con thỏ đế. Chỉ cần vài phút bình tĩnh.

Tôi cố nghĩ xem lúc này anh con trai phải khai khẩu ra sao. Chẳng nghĩ được gì. Mụ người. Tôi thoáng nổi cáu với mình, cả với Mẫn. Đi lẻ nhiều, tôi đã ngồi thế này với mấy chục cô du kích khác nhau, lắm cô xinh ra xinh, tôi có ấp úng chút nào đâu, bây giờ đổ đốn ra vậy. Mất nửa giờ rồi. Tỉnh táo một chút, hẳn chúng tôi đã đến cái đoạn trăng thề quạt ước rất lâm ly -  tôi lén rút cái quạt mo tôi đang lót ngồi một cách phàm tục hạng nặng. Hoặc tôi đã ăn vài cái tát, đang xoa má nghe giảng đạo đức. Có thể chăng? Khó tin. Biết đâu đấy. Cứ nói thôi, được ăn cả ngã về không. Tôi vỗ bép vào trán một cái thay súng lệnh. Hai, ba nè!

- Anh buồn ngủ, ngủ đi một chặp, em gác.

Từ nãy Mẫn cứ quay mặt phía đường Một và ấp Lộc Chánh. Tưởng mắc cỡ té ra Mẫn ngó chừng địch, còn tôi ở đằng sau cứ nghĩ ba lăng nhăng. Mẫn xoay người lại, cười. Khuôn mặt trái xoan mà tôi đã thuộc nét một lần nữa đổi khác, nổi đẹp rạng rỡ dưới ánh trăng, nhoà đi từng lúc, lại rõ. Chói chang khó ngó, trao lời khó trao. Anh liều đây Mẫn ơi, anh sắp ngỏ với em cái câu mãi đến nay chưa hề ra khỏi miệng. Hễ không yêu, em cũng đừng ghét anh nhé.

- Dốt thiệt chớ!

Mẫn chép miệng, tôi bỗng hết sợ. Đúng là tôi dốt một cây. Cô bạn rất dễ thương chứ ai xa lạ, tự dưng tôi lại coi như cái lô-cốt chơm chởm họng súng, còn tôi hoá ra chú lính mới, vừa mò tới vừa lo chạm mìn hay bật ho. Nếu Duy Hảo biết, hẳn cậu đã dán cho tôi cái nhãn mới đờ-mi phu,đờ-mi tốc(3). Cậu ta bằng tuổi tôi mà thư tình viết chẳng phải quẹt chữ nào, chắc hẳn tán dẻo chẳng kém mạch nha, có đâu tệ hại như tôi.

- Bọn em dốt ghê. Nãy giờ nghe anh bày cho cơ sở theo dõi Mỹ cái này cái nọ, em xấu hổ muốn chết. Mỹ đến bên hông mà em chưa hiểu tụi nó gì hết, mới biết nó hơn võ khí kém tinh thần, cấp xã mà cứ nói chiến lược như trung ương, đây rồi bà con lại kêu: "Mày nghỉ ngơi cho khỏe để tao mở đài nghe hay hơn!" Thầy Thiêm rán giúp nghe thầy?

- Nhứt thầy nhì thợ công xá tính sao cho phải...

- Khỏi lo, công anh cứu lụt là một, giành lại bàn đạp là hai, bây giờ kèm tụi em đánh Mỹ nữa thì coi bằng...bằng ông đô đốc Tây Sơn!

- Ờ, thì hồi nào chết thì được về làng Cá, vô núi chúa?

- Sống tết chết giỗ chớ. Mới đại liên cá với bia còn đòi gì nữa....

Tôi bông phèng bằng cái giọng "con trai với nhau", bụng hết rối lại tiếc cái không khí say người vừa tan. Mẫn đối với tôi chỉ bấy nhiêu thôi ư, lâu nay tôi ngỡ Mẫn đã có chút gì vương vấn rồi chứ. Con gà rừng đến ăn chung với bầy gà nhà trông hay hay nhưng nó sẽ bay vào rừng, biến mất, không kết đôi được đâu.

- Mỗi người kêu một phách, em nghe thiệt búi. Ma-rin, mê-rin, thủy quân lục chiến, lính thủy đánh bộ, lính cổ da...

- Là một thôi Mẫn à,cũng tụi nó cả.

Rất nhanh tôi bị cuốn vào chuỗi câu hỏi dồn dập của Mẫn. Không nghĩ vớ vẩn nữa, chỉ căng óc mà nhớ những gì đã thấy đã đọc về quân Mỹ. Cô học trò càng nghe càng ham. Có lúc tôi bốc, nói to, Mẫn lại nhắc: "Nhỏ nhỏ chút anh, anh ngó qua vai em đi". Ngồi nghỉ trên bãi, chúng tôi quen lệ chia nhau trông các hướng, hễ chụm lại bàn việc thì người này phải ngó chừng sau lưng người kia. Từ hộp thư này đến chỗ địch dăng hàng phục kích dọc đường nhựa, ước chừng một cây số thôi.

-...Không lính thủy đánh bộ là quân chủng riêng không nằm trong lục quân. Tụi này chuyên đi đổ bộ ăn cướp các nước ngoài. Tin của Pháp nói số tới miền Nam mình đầu tiên đây toàn là lính nhà nghề hết, không có quân dịch, giết tụi này sướng tay lắm nghen...Anh em Đà Nẵng báo về là tụi nó mang Ga-ran M.2, thứ này bắn liên thanh được. Hình như sắp thay AR.15, là tiểu liên cực nhanh đó, có hai chân để riêng kẹp vô cổ bắn như trung liên, đạn nhỏ bằng mút đũa. Trung đoàn anh lấy được mấy cây AR.15 rồi, nó đưa cho tụi dù ngụy một số, đánh thử. Cối cá nhân là phóng lựu M.79 đó, như cây súng săn nòng to bằng ống tre. Em thấy rồi hả? Hào của mình phải khoét nhiều hàm ếch, trên che nắp đất, đỡ bị M.79 phá rầy...Mình đánh tụi này bà con Triều Tiên ưng bụng lắm. Hồi xưa sư một lính thủy đánh bộ húc vô Triều Tiên trước hết mà...

Tôi không ngó qua vai Mẫn đươc nữa. Đôi mắt hơi ướt long lanh, nụ cười ngập ngừng, bàn tay nhỏ nằm gọn giữa hai tay tôi kê trên gối, tôi chỉ còn thấy bấy nhiêu. Từng lúc Mẫn quay đầu nhìn quanh một vòng, chẳng biết xem chừng địch hay ngại chị Tám đến đột ngột. Cái giọng chỉ giành riêng cho Mẫn, cho những lời đắm đuối nhất, tôi lại đem đi nói chuyện giặc Mỹ, than ôi!.

-...Cái mật danh Cu-ba, anh đặt đó. Em biết không, làng Cá mình giống y nước Cu-ba, bây giờ nằm bên căn cứ Mỹ, cách một bãi cát rộng như eo biển, càng giống. An Tân, viết tắt là A.T..., như súng chống tăng, anh đề la Badôca cho khó đoán. Sắp tới tụi minh ít đi chung với nhau..., anh lên làng Cá luôn mà..., em cứ ghi sổ từng bài, vài ngày anh gặp em một lần, anh bày. Tiếng Mỹ nói hơi khó một chút mà mẹo luật dễ, em học được quá đi chớ...

Mấy ngón tay búp măng bóp nhẹ tay tôi, lần đầu Mẫn nói rất khẽ như sợ phải nghe tiếng mình:

- Anh đừng qua đường nhựa nhiều, dễ bị lắm. Để em xuống thôi.

- Không sao...

- Em lãnh hai ấp vùng cát, đổi anh Tuất làm kinh tế. Anh về Lộc Chánh gặp em, khỏi qua đường nhựa, hồi nào cần...em đi với anh..., như tối nay...em đỡ lo cho anh.

Trong cơn chóng mặt tôi chỉ ấp úng được một tiếng "em". Mẫn cúi đầu. Qua bàn tay mềm tôi thấy Mẫn rùng mình. Hình như Mẫn "dạ" trong hơi thở gấp. Và bỗng dưng không có gì báo trước. Mẫn ngấc đầu, chống cây các-bin đứng dậy rất vội. Trăng soi loá trên khuôn mặt bơ phờ. Mẫn lắp bắp:

- Em...mắc chút việc...

- Mẫn!.

Tôi cũng đứng vọt lên, Mẫn bước né sang bên, nhìn tôi bằng cặp mắt van xin của con hươu bị dồn sát lưới, một tiếng gì như thổn thức bật qua mũi. Tôi nắm tay Mẫn, nhận ra Mẫn run như sắp ngã. Lặng đi mấy giây,rồi Mẫn giật tay cầm súng đi thẳng vào ấp.

- Mẫn!

Cái bóng thon nhỏ chìm nhanh trong sương. Tôi dựa gốc dương ngó theo, một lát sau không thấy sương nữa mà cũng không thấy Mẫn, chỉ còn trăng toả trên cát trắng, im lặng và rất lạnh. Tôi muốn giật mình mở mắt, thấy tôi đang ngủ trên võng mắc giữa hai cây cột tre trong nhà mẹ Sáu như thế dễ hiểu hơn nhiều.

Nửa giờ qua, một tổ du kích dẫn bốn chúng tôi băng đường Một. Bà con làng Cá đã ra đồng, lưỡi vằng ăn lúa xoèn xoẹt và loé những tia thép dưới trăng. Chỗ đầu xóm,Năm Ri đang chia từng khúc hào cho các nhóm làm làng chiến đấu. Mẫn chào lúng búng, rẽ về nhà với chú em trai đang ngủ gật vấp lên vấp xuống. Chị Tám lại cười nụ cười lấp lửng:

- Hai cô cậu nói chuyện vui lắm hè?

- Toàn chuyện đế quốc sài lang,vui gì.

Câu này đúng sự thật trăm phần trăm, còn hơn thế nữa.

 

 

Chú thích:

Giục

Cảnh sát thời Pháp thuộc

Nửa điên, nửa hấp