Mai Sẽ Là Một Ngày Mới

Chương 8: Dưới ánh sao

And when no hope was left in sight

On that starry, starry night"

(Vincent – Don McLean)


​Đầu óc tôi quay cuồng nghĩ cách thoát hiểm.

May mắn là bọn họ chưa nhìn thấy tôi. Tôi nhớ lại lần thoát khỏi đám thương binh ở trường, bất giác liếc qua Phong, lúc này cũng đang nhìn tôi vẻ giục giã, nhanh chóng đi tới quyết định…

- Ọe…

Tôi ngồi thụp xuống, rũ tóc che kín mặt, tất nhiên tôi không nôn thật, chỉ là tiện trong mồm vẫn còn ngụm nước chưa uống hết thì nhổ ra kèm tiếng gọi “chị Huệ” huyền thoại.

Vừa khéo làm sao, bàn chân Hằng cũng trờ tới rất nhanh đúng lúc tôi ngồi xuống, nếu tôi không phun ra ngụm nước thì chắc chắn nó đã đá thẳng vào mặt tôi. Kết quả là chân cô ta hứng trọn, cho dù là nước trắng nhưng cái cảm giác nó mang lại thì chỉ ai trải qua rồi mới thấu hiểu sự kinh hoàng đến mức nào.

- Á Á Á… – Cô nàng hét lên thảm thiết, kèm theo một tràng chửi liên thanh có vần có điệu hẳn hoi. – ĐMM *** ***.

Huy chồm tới xem Hằng bị làm sao, Phong cũng quay lại định xốc nách tôi đứng lên nhưng tôi giả bộ lả đi, gạt tay hắn ra. Tất cả tạo thành một mớ hỗn độn ầm ĩ, đến mức đám an ninh còn phải lượn qua xem có chuyện gì. Qua mớ tóc bù xù đang che mặt, tôi vẫn không bỏ qua nhất cử nhất động của bọn người kia.

Có vẻ như họ không nghi ngờ gì, thậm chí còn chủ động tránh xa bọn tôi.

Cho tới khi cửa thang máy khép lại, tôi mới đứng lên, ung dung vuốt lại tóc tai quần áo.

- Em tỉnh rồi, anh đừng lo. – Tôi cười với Phong rồi quay sang nói với Hằng. – Xin lỗi bạn nhé, mình không cố ý.

- … – Cô ta vẫn gườm gườm nhìn tôi, khuôn miệng mấp máy chực tuôn ra thêm mấy câu chửi nữa.

- Mình về thôi anh, em thấy hơi mệt. – Tôi õng ẹo ngả đầu vào vai Phong. – Với cả anh đền cho Hằng đôi giầy hộ em nhé, em làm hỏng mất giầy của bạn ấy rồi.

- Ừ, cứ để anh. – Hắn hào phóng gật đầu nhưng bàn tay đang đặt ở eo tôi khẽ vặn một cái đau điếng. Hắn quay sang Hằng thản nhiên đưa cho cô ta tờ một trăm. – Em cầm lấy mà đánh giày, chỗ thừa cứ giữ lại.

Hằng và Huy sầm mặt, đi thẳng ra thang máy nhưng tôi có nghe loáng thoáng mấy món phụ khoa từ mồm Hằng vẳng lại. Tôi đã nói rồi mà, đàn ông chỉ tử tế với phụ nữ khi còn cưa cẩm thôi, hết rồi là phũ không bút nào tả xiết.

- Xin lỗi Thư nhé. – Hưng bỗng nói với tôi, vẻ áy náy. – Thật ra mình không định mời hai người đó, tại Huy nó nghe nói thì cứ đến, chỗ quen biết cả, đâm ra…

- Mày khỏi lo, dù mày có đuổi thì lần sau bọn nó vẫn chường mặt tới thôi. – Giọng Phong đậm vẻ châm biếm.

“Bay ké, lắc góp” là cụm từ để mô tả chính xác những người như Huy và Hằng. Tôi thật không hiểu, vài ly rượu, mấy quả bóng, điếu cần hay mẩu tem có gì ghê gớm để phải bất chấp tất cả như vậy. Chắc hẳn họ cũng biết sau lưng người ta nói gì nhưng vẫn cứ tự nhiên tới góp mặt bất cứ cuộc vui nào mặc cho có được mời hay không, miễn là không mất tiền.

Tôi theo Phong xuống dưới nhà, tâm trạng lâng lâng vì lại một lần thoát hiểm. Giờ tôi mới hiểu cái cảm giác phấn khích khi vượt qua ranh giới sống chết, thứ cảm giác không một chất kích thích nào có thể mang lại.

Thế nhưng, tôi không biết rằng mình đã vui mừng quá sớm.

Khi trèo lên xe Phong tôi bỗng thấy gai gai sau gáy mới quay lại, liền mặt đối mặt với đám người kia. Tôi ngay lập tức quay đi nhưng đã quá muộn, hành động đó của tôi ngu ngốc không khác gì con đà điểu dúi đầu xuống cát.

Hai chiếc xe máy chở bốn người bám ngay đằng sau nhưng Phong không để ý, chỉ có lòng tôi nóng như lửa đốt.

- Này, có người đuổi theo mình đấy.

Tôi hét vào tai hắn xong thì lấy chiếc mũ bảo hiểm đang cầm ở tay dùng hết sức bình sinh ném vào một trong hai xe đang đuổi đằng sau. Anh ta hẳn không ngờ tôi lại làm như vậy, tránh không kịp, bị chiếc mũ của tôi đập thẳng vào mặt, loạng quạng ngã lăn ra đường. Cảnh này nếu có ai ghi lại thì chắc tôi sẽ vô cùng nổi tiếng.

- Cô vừa làm gì đấy? – Phong hỏi nhưng vẫn không ngoảnh lại, xe hắn lại không có gương chiếu hậu.

- Ném mũ bảo hiểm, trúng mặt, một xe ngã ra đường rồi.

- … – Hắn lầm bầm cái gì đó tôi nghe không rõ, rồi hỏi tiếp. – Trông họ như thế nào?

- Mặc quần áo đen, cầm dùi cui dài, trên áo có vạch phản quang. – Tôi nói dối không chớp mắt.

- ĐM, là cơ động. – Lần này thì Phong bật chửi. – Cô có bị điên không?

- Làm sao tôi biết đấy là cảnh sát chứ?

- Đồ ngu.

Phong dứt lời rồi tăng tốc, con quái vật gầm lên rồi vọt đi như tên bắn, chiếc xe máy thứ hai chỉ còn có thể hít khói. Lần này tôi mới thực sự thở phào, sau hôm nay tôi thề là dù trời có sập tôi cũng sẽ không rời khỏi nhà nữa.

Trong lúc vội vã, Phong đã rẽ nhầm đường, thế là thay vì về nhà, chúng tôi lại lạc tới Cổ Bi, kết quả là hai đứa chơ vơ trên triền đê giữa đồng không mông quạnh.

- Xuống đi, nghỉ một lát. – Hắn đỗ xe bên vệ đường. – Tôi thấy hơi chóng mặt, giờ cố đi tiếp thì không an toàn.

- Vâng. – Thấy không còn bóng dáng ai bám theo, tôi liền ngoan ngoãn nghe lời. Dù sao hắn cũng đã vừa cứu tôi một mạng.

Triền đê nửa đêm vắng lặng không một bóng người, không có cả đèn đường, bù lại, trên đầu chúng tôi là bầu trời sao lấp lánh trải dài vô cùng vô tận. Tôi và Phong ngồi cạnh nhau, lặng lẽ ngắm sao. Đối với một người sinh ra và lớn lên ở thành phố như tôi, bầu trời sao lung linh thế này là cả một điều kỳ diệu.

- Đẹp quá… – Tôi không nhịn được, cảm khái kêu lên.

- Cô chưa thấy bầu trời sao thế này bao giờ?

- Rất hiếm hoi… – Tôi trả lời mà không kịp suy nghĩ.

- Ừ. – Hắn có vẻ cũng không để tâm, xong lại hỏi tiếp. – Mà tôi nghĩ mãi không ra, tại sao tự nhiên cơ động lại đuổi theo mình?

- Hay vì tôi không đội mũ? – Tôi lí nhí nói, giọng biết lỗi.

- Tại sao? – Dù không nhìn mặt Phong, tôi vẫn nghe ra sự bực tức trong đó.

- Nóng đầu!

- Tôi đến phải giết cô mới hả giận, – Hắn ôm đầu, rít lên. – không hiểu cô ngu bẩm sinh hay do đào tạo?

- Chắc do đào tạo, từ ngày ở gần anh đầu óc tôi cứ ngớ ngẩn kiểu gì đó, đúng là “gần mực thì đen”.

- Lát cô đi bộ về nhé!

- Ấy, tôi chưa nói hết câu, “gần đèn thì rạng”, ý là anh tỏa sáng rực rỡ quá làm tôi chói mắt, đâm ra ngớ ngẩn. – Tôi trơ trẽn nói, xong giật tay áo hắn hạ giọng. – Nhưng còn anh, sao anh lại phải chạy?

- Cô ném mũ bảo hiểm vào mặt cơ động rồi bảo tôi đứng lại chịu trận à? Với cả… – Tới đây hắn hơi ngập ngừng. – xe không giấy tờ, để bị bắt phiền phức lắm.

Tôi suýt phì cười, không ngờ công tử nhà giàu như hắn mà cũng làm trò này. Theo lời ông anh họ tôi thì một chiếc xe không giấy tờ rẻ hơn rất nhiều so với xe có giấy đầy đủ nhưng xác định là nếu để bị bắt thì mất luôn xe, trừ phi nhờ cậy được các mối quan hệ quen biết. Chắc nhà bác Hùng quen biết rộng nên hắn mới dám ung dung chạy con quái vật này như thế vì đến như anh họ tôi tuy không giàu có lắm cũng phải nghiến răng mua xe chính ngạch.

Chúng tôi cứ thế im lặng, đeo đuổi suy nghĩ riêng. Đây là lần hiếm hoi tôi cảm thấy dễ chịu khi ở bên cạnh hắn.

- Ừm… – Hắn bỗng hắng giọng, phá tan bầu không khí tĩnh lặng. – Thật ra Hằng chưa bao giờ là bạn gái tôi cả.

- Tôi biết…

- Biết cái gì? Ý tôi là cặp kè cũng chưa.

- Anh nói với tôi làm gì? Thanh minh sao?

- Cho là thế đi, tôi không muốn cô nghĩ rằng gu của tôi tệ hại đến vậy.

- Ý anh là cô ta theo đuổi anh mà không được?

- … – Phong không nói gì nhưng cũng không phản đối, và tôi coi đó là câu trả lời.

Câu chuyện tiếp tục rơi vào thinh không nhưng tôi không hề cảm thấy gượng gạo hay không thoải mái. Tôi còn cho rằng tôi có thể im lặng ngồi cạnh hắn thế này tới sáng. Nhưng hình như khi uống rượu vào ai cũng có nhu cầu nói nhiều hơn bình thường.

- Thật ra hôm nay tôi rất bất ngờ, không nghĩ cô uống rượu tốt như vậy. – Phong lại lên tiếng.

- Vâng, dân miền núi uống rượu tốt là bình thường mà. – Tôi bình thản trả lời.

- Thế à? – Hắn cười nhẹ. – Dân miền núi cũng thổi bóng và hút cần tốt thế sao?

- Tôi có biết gì đâu, anh bảo tôi dùng thì tôi dùng thôi.

- Tôi bảo cô làm gì cô cũng làm?

- Tùy cái chứ. Ví dụ như anh bảo tôi hít trắng hay tiêm chích thì tất nhiên tôi không làm rồi. – Tôi nói xong làm bộ tò mò quay ra hỏi hắn. – Anh có hít trắng không đấy?

- Này, tôi chơi bời không có nghĩa tôi là thằng ngu. – Hắn hừ giọng.

- À, anh không nói thì tôi không biết đâu.

- Biết gì?

- Biết anh không phải thằng ngu.

Lần này Phong không dọa nữa, hắn đưa tay lên bóp cổ tôi thật.

- Ặc ặc… – Mặc dù biết là hắn đùa nhưng bị bóp cổ không thoải mái chút nào cả, tôi liền la lớn, đưa tay chỉ lên trời – A, sao băng kìa.

- Đâu? – Hắn buông tôi ra, ngoảnh theo hướng tay tôi chỉ.

- Không phải, tôi nhìn nhầm. – Tôi bật cười. – Anh tìm sao băng vì muốn ước gì sao?

- … – Phong buông người nằm xuống cỏ, lâu thật lâu mới lên tiếng. – Tôi không có gì để ước hết.

Tôi hơi ngạc nhiên, giọng nói của hắn không bỡn cợt như bình thường mà có gì đó nặng nề, pha lẫn mệt mỏi và cam chịu.

- Không một điều gì?

- Ừ… Còn cô?

- Tôi? – Tôi hiện giờ chỉ ước có đủ tiền trả nợ để thoát khỏi cảnh suốt ngày phải chạy trốn, nói dối thế này, sau là cả nhà đoàn tụ và quay lại trường học nốt. Nhưng ước mơ đó có thể nói ra với hắn sao? – Tôi không có ước mơ gì hết.

- Thế thì cô cũng thật bất hạnh. – Lần này tôi nghe rõ sự cay đắng trong đó.

- Tôi thì bất hạnh rõ rồi. – Tôi nhún vai.

- Sao không nói nốt câu đi? – Phong cười châm biếm, nhái giọng điệu của tôi. – Tôi thì bất hạnh rõ rồi, đâu sướng được như anh, cả ngày chỉ có ăn và chơi, chả có gì phải lo nghĩ?

- Tôi không hề có ý như vậy. – Tôi nghiêm túc nói. – Cuộc sống mỗi người mỗi khác, ai chẳng có nỗi buồn khổ riêng? Cái kiểu thấy nỗi buồn của mình lớn hơn tất cả mọi người là một suy nghĩ rất ích kỷ.

- Lần đầu có người nói thế với tôi đấy. – Hắn khẽ cười. – Thật ra, ngày bé tôi cũng có ước mơ.

- Ước mơ làm nhạc sĩ?

- Không, ai bảo cô thế?

- Vì anh chơi đàn rất hay. – Cái này tôi nói thật.

- Tôi thích âm nhạc nhưng không đam mê, cũng chưa từng có ý định theo chuyên nghiệp. Thực ra hồi xưa tôi mơ ước làm họa sỹ.

- Thế sao anh không học họa? Học kinh tế làm gì? – Tôi nhớ lại bức vẽ Songoku trước đây, cảm thấy ước mơ đó không phải quá xa vời đối với hắn.

- Tôi không có năng khiếu. – Hắn chua chát nói. – Hay đúng hơn là các thầy dạy tôi nói như vậy. Tất cả bọn họ đều một mực nói tôi không có khả năng và thành thật khuyên tôi từ bỏ ý định theo con đường chuyên nghiệp. Mà cô biết đấy, đối với một đứa trẻ thì thầy giáo luôn là một kiểu thần tượng, nói gì cũng là chân lý. Đến tận ngày hôm nay, những lời của các thầy vẫn còn văng vẳng trong đầu tôi.

- Thật vô lý, tôi chưa từng thấy ai lại nói với học sinh như thế. Tôi không có chuyên môn để nhận xét anh có năng khiếu hay không nhưng tôi thấy các thầy nói kiểu đó là vô trách nhiệm.

- Rất lâu sau này tôi mới biết, lý do đơn giản thôi, vì các thầy nghèo, còn mẹ tôi có rất nhiều tiền…

Tôi vỡ lẽ, trong lòng trào lên một cảm giác xót xa mơ hồ. Tôi đã hiểu vì sao hôm đó Phong lại phản ứng dữ dội đến thế khi tôi chìa ra tờ tranh vẽ ngày còn nhỏ của hắn. Hình ảnh bác Hà dịu dàng chợt hiện ra trong đầu tôi, một người vợ tận tụy, một người mẹ hết lòng. Tôi không phán xét những gì bà làm bởi tôi không sống trong gia đình này, tôi chỉ tự hỏi bà có biết hay nói chính xác hơn là có quan tâm tới việc đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã cảm thấy thế nào không.

- Nhà anh còn có anh Vũ kia mà? Tại sao lại bắt ép anh phải đi con đường anh không muốn?

- Vì bố mẹ tôi muốn đầu tư thêm lĩnh vực khác, một mình Vũ lo không xuể, với cả họ cho rằng họa sỹ suốt ngày chỉ mộng mơ vớ vẩn, vô tích sự.

- Và tới khi phát hiện ra, anh phản ứng lại bằng việc chơi bời quậy phá?

- …

- Bằng chính tiền của bố mẹ anh? – Mặc dù tôi không cố ý nhưng khi nói những lời này giọng tôi lại đầy mỉa mai.

- Cô có ý gì?

Nếu bình thường thì tôi đã im lặng không nói nữa, nhưng hơi rượu còn trong người khiến tôi trở nên cởi mở hơn rất nhiều, lời lẽ cứ thế tuôn ra trước khi tôi kịp dừng bản thân lại.

- Anh không thấy mình rất khổ sao? Dù có thế nào cũng nên sống cho mình, thay vì nhìn mặt người khác chứ?

- Nhìn mặt người khác?

- Anh giống như một đứa trẻ hờn giận vậy. Mẹ anh ép anh đi theo con đường của bà, anh không thích nhưng lại không kiên định với con đường mình muốn. Trong lòng anh vẫn oán giận, tôi tự hỏi anh chơi bời quậy phá vì anh thật sự muốn hay chỉ để chọc giận bố mẹ anh? Nếu giờ bố mẹ anh không còn quan tâm, mặc anh muốn quậy tới đâu thì quậy, thì anh có cảm thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa không?

- Im đi! – Phong đột nhiên đổi giọng, gắt lên.

- Tôi im hay không thì cũng đâu thay đổi được điều gì. Giờ anh lớn rồi, bố mẹ anh đâu còn quản lý được anh nữa, anh mới chính là người lựa chọn việc tiếp tục oán hận, hay là…

- Hay là gì?

- Phụ thuộc kinh tế nên không có khả năng phản kháng? – Tôi liếc mắt về chiếc Ducati đắt tiền, thờ ơ buông một câu.

Phong không đáp lời, thay vào đó nắm chặt lấy tay tôi lôi ra xe. Bàn tay hắn vừa lạnh vừa cứng như thép nguội siết chặt khiến tôi nhăn mặt vì đau. Tới lúc này tôi mới hối hận vì sự lắm mồm không đúng chỗ của mình thì đã quá muộn.

- Tôi không cần một con osin dậy khôn! – Lời nói của hắn hằn học nhưng tôi cảm tưởng như hắn đang nói với bản thân nhiều hơn là với tôi.

- …

Suốt quãng đường về Phong không nói thêm câu nào, tôi cũng im lặng nhưng lần này là sự im lặng nặng nề.

Thật ra tôi không cố ý chỉ trích Phong, ngược lại còn có phần thông cảm với hắn. Hắn, cũng như tôi trước kia, sinh ra trong sung túc đầy đủ, nhưng chính điều đó lại tước đi của chúng tôi động lực phấn đấu cũng như định hướng khi bước vào đời. Tôi vốn không có năng khiếu hay đam mê nào đặc biệt nên khi bố mẹ muốn tôi nối nghiệp tôi liền vâng dạ nghe theo, và trong chừng mực nào đó, Phong còn kém may mắn hơn tôi vì hắn biết mình muốn gì nhưng lại bị tước đi ước mơ duy nhất đó. Có điều, dù là thông cảm nhưng tôi không thích cái cách hắn để bản thân chìm trong bế tắc như thế.

Tuy vậy, đôi khi thuốc đắng chưa chắc đã giã được tật, ngược lại còn mang đến tác dụng phụ.

………….

Chúng tôi về đến nhà thì đã gần bốn giờ sáng.

Tôi suýt đánh rơi điện thoại trên tay khi thấy Vũ đang ngồi ngay ngắn trong phòng khách, trước mặt máy tính vẫn đang mở.

- Hai đứa đi đâu giờ mới về? – Lần đầu tiên tôi nghe thấy trong giọng của anh có gì đó không hài lòng.

- Em đưa Thư đi sinh nhật bạn. – Phong thủng thẳng nói.

Vũ nhìn tôi một lượt từ đầu tới chân, ánh mắt anh dừng lại lâu hơn ở những vết cỏ bám trên váy.

- Bọn em bị lạc đường, Phong thấy chóng mặt phải dừng lại nghỉ trên đê nên mới về muộn ạ. – Tôi vội thanh minh, mặc dù nói xong tôi thấy mình giống như “có tật giật mình”.

- Anh không phải nghĩ gì, hôm nay nhóm em thiếu người nên em mới nhờ Thư đi cùng, chưa nói tới chuyện cô ấy đồng tính thì bản thân em cũng có giới hạn của mình, em không ăn tạp đến thế. – Phong nhếch mép, độc địa nói.

- Nho còn xanh lắm… – Tôi bâng quơ.

- Cô…

- Đủ rồi, mày lên đi ngủ đi. – Vũ nói rồi quay sang tôi. – Thư lấy cho anh cốc nước đá.

Tôi y lời vào làm, trong lòng vẫn cảm thấy không thoải mái. Tôi không thích rắc rối hay hiểu lầm, tôi không muốn bất cứ ai có ý nghĩ tôi đang cố gắng len chân vào gia đình này. Thế nhưng, rõ ràng một điều là càng cố biện bạch thì càng gây thêm nghi ngờ mà thôi.

Lúc tôi bưng cốc nước ra, định đặt trên bàn và đi luôn thì Vũ ra hiệu cho tôi ngồi xuống gần anh rồi nhẹ nhàng hỏi:

- Hôm nay hai đứa đi đâu vậy? Anh gọi mà không được.

- Em xin lỗi, điện thoại của em hết pin. – Tôi giơ lên cái điện thoại màn hình tối đen. – Phong nhờ em cùng đi dự sinh nhật vì anh ấy không có ai khác.

- Nó không có ai khác? – Vũ nhếch mép, một nụ cười châm biếm thoáng qua nhưng rất nhanh về lại bình thường. – Em đã uống rượu đúng không? Có phải Phong ép em không?

- Không ạ, không ai ép em hết. Anh đừng lo, tửu lượng của em rất tốt.

- Có đúng là em muốn đi với Phong không?

- Em… – Tôi ngẫm nghĩ một chút, lẽ nào lại nói thẳng ra rằng vốn tôi không hề muốn ra khỏi nhà, tất cả chỉ vì vị khách đáng kính của anh ta mà tôi phải lánh mặt như vậy? – Anh biết đấy, em vốn ở quê, xuống thành phố thấy cái gì cũng lạ lẫm nên khi Phong rủ đi em cũng muốn đi một lần cho biết.

- Anh hiểu. – Tại sao cái nét mặt của người “hiểu” chuyện nó lại nặng nề thế kia? – Anh chỉ muốn nói là nếu em có gì không thoải mái có thể nói với anh.

- Vâng ạ, em cám ơn anh. – Tôi cúi đầu nói nhỏ dù trong lòng chỉ thấy rất buồn cười. Anh ta sẽ làm gì nếu tôi không thoải mái? Cho tôi tiền hay cấm Phong “dụ dỗ” tôi đi theo hắn?

Tôi mơ hồ cảm thấy bản thân đang vướng vào những rắc rối lớn, lớn hơn mức mình có thể giải quyết.