Madam Nhu Trần Lệ Xuân Quyền Lực Bà Rồng

Chương 10

Docsach24.com
gay từ đầu tôi đã rất ấn tượng khi nói chuyện với bà Nhu. Bà quá quyền lực, quá tai tiếng, và quá quyến rũ. Tôi đã mất gần hai năm nói chuyện qua điện thoại mới có can đảm thúc đẩy mình tìm hiểu sâu thêm. Tôi quan tâm đến những chi tiết thường ngày bị bỏ quên sau những ồn ào. Trong tất cả tin tức báo chí nói về người đàn bà quyền lực một thời, không thấy để cập nhiều đến cuộc sống trong Dinh, bà ăn uống gì và ăn mặc ra sao. Tôi hy vọng những chi tiết ấy sẽ cho tôi biết thêm về người đàn bà này đằng sau những bức ảnh hào nhoáng và hình tượng Rồng Cái. Nhưng đối với bà Nhu, đó là những chi tiết khó gợi lại nhất. Chúng đã trôi xa gần nửa thế kỷ và ở xa nửa vòng trái đất. Ký ức là tất cả những gì bà Nhu đã bỏ lại sau lưng, dù chúng mới đang bắt đầu mờ nhạt. Khi tôi thúc giục bà nhớ những chi tiết về cuộc sống trong Dinh Độc Lập, giọng nói bà Nhu mỏng dần trên dây nói, và tôi phải ép ống nghe sát vào tai mới nghe được. Như thể bà ở xa ngàn dặm. “Hình như tôi không thể nhớ được căn phòng nó như thế nào - ý tôi là tôi không nhớ được chính xác...”.

Bà cho tôi biết rằng bà thường thức dậy lúc 7g30 sáng, dùng điểm tâm nhẹ với trà, cơm hay bánh mì, rồi mặc quần áo cho một ngày mới. Bà dành cả buổi sáng sau đó để làm việc. Nếu không thảo những bức thư với thư ký của mình trong phòng làm việc, bà sẽ đi thăm cử tri của bà, nhưng gần như luôn quay về vào buổi trưa. Bữa ăn trưa là bữa ăn chính trong ngày, diễn ra dưới những ngọn đèn treo khổng lổ với vải lanh và đồ sứ tuyệt đẹp. Mặc dù Tổng thống thường dùng những bữa ăn giản dị trong văn phòng của ông, nhưng khi nào có khách, hoặc tự mình mỗi tuần một hai lần, ông đến dự bữa tối trang trọng hơn với em trai và em dâu trong phòng ăn của họ ở tầng hai. Những buổi dạ tiệc bán chính thức cũng được tổ chức tại phòng ăn của vợ chồng ông Nhu; ở đó không gian rộng rãi và lịch sự nhưng thần mật hơn, chứ không phô trương nghi thức như ở phòng ăn chính của Tổng thống ở tầng một. Bà Nhu ước gì năm căn phòng của gia đình trong Dinh có thể rộng hơn một chút. Họ có một sảnh khang trang, hai phòng ngủ mênh mông, và hai phòng khách có ban công, nhưng bà Nhu muốn nhà bếp kề sát hơn nữa. Thường khi thức ăn mang đến phòng ăn từ nhà bếp trên tầng một phía sau Dinh thì đã nguội.

Sau bữa ăn trưa, bà Nhu thường nằm nghỉ trong phòng ngủ của bà. Trời nóng đến mụ mị đầu óc khiến bà không làm được gì khác. Trong ngày, đây là thời điểm bà luyến nhớ nhất về bốn mùa ở Hà Nội. Nhớ những mặt hồ, những đại lộ và nơi đi dạo. Ở Sài Gòn, bà thấy mình như đang nhìn chăm chú cuộc sống trôi qua từ sau những cánh cổng đồ sộ của Dinh. Bà nghĩ mọi thứ sẽ khác nhiều lắm nếu bà chỉ sống một cuộc đời bình thường. Bà sẽ làm gì nếu bà không bị kẹt trong cạm bẫy? Bà Nhu tưởng tượng bà sẽ bằng lòng sống trong một ngôi nhà nhỏ miễn là có một sân vườn lớn cho lũ trẻ chơi đùa; bà sẽ chuẩn bị những bữa ăn thanh đạm cho cả nhà và dành hết thời gian trong ngày viết truyện thiếu nhi.

Đáp lại những mơ mộng của bà, tôi nghĩ rằng tôi hẳn đã chép miệng thông cảm trong điện thoại khi bà đang nói. Nhưng người đàn bà tám mươi ba tuổi này không chờ đợi sự cảm thông. Có thể cuộc sống như một Đệ nhất Phu nhân của bà trong Dinh không phải là cuộc sống do bà chọn lựa, nhưng nó là cuộc sống do Chúa chọn cho bà. Đúng vậy, bà không đòi hỏi sự trắc ẩn mà là sự quyết tâm. "Tôi có thể giải thích sự theo đuổi quyền lực của tôi thế nào nữa đây? Chương trình hành động của tôi nhằm thay đổi đời sống của phụ nữ ư? Tôi, bản thân tôi, lẽ ra đã bằng lòng với một cuộc sống bình yên! Tôi đã nói đi nói lại với cô điều đó rồi mà. Nhưng Chúa đã có những kế hoạch khác cho tôi. Bổn phận của tôi là theo đuổi đến cùng”.

Bà Nhu giao tôi một thử thách khác. “Tôi muốn nhìn lại nó. Nếu có thể, cô tìm giúp tôi những tấm hình chụp các căn phòng của tôi ở trong Dinh, như vậy mới thực là cô được Chúa sai phái đến”. Sứ mệnh hết sức rõ ràng: tìm những tấm hình chụp các căn phòng trong khoảng năm 1961, mang đến cho bà Nhu. Điều đó khiến người đàn bà già nua này hạnh phúc, và đánh thức ký ức của bà. Dễ thôi mà. Trừ phi những căn phòng của bà Nhu hứng chịu trực tiếp trận đánh bom phá hủy Dinh Độc Lập vào năm 1962. Mọi thứ tìm thấy được trong đống đổ nát lại bị thất lạc mười tám tháng sau đó.

“Tôi không bao giờ cho ai thấy phòng ngủ của tôi. Chưa có vị khách nào được phép vào chỗ riêng tư của tôi”. Bà Nhu để lộ một tiếng cười gượng. “Nhưng có một lần, tôi thực lòng muốn gây ấn tượng cho các vị khách của tôi. Một khoảnh khắc tự phát đối với tôi”.

Các vị khách mà bà muốn gây ấn tượng mạnh là một nhóm trong phái đoàn của Phó Tổng thống Mỹ. Lyndon Johnson và đoàn ngoại giao tùy tùng đến Nam Việt Nam vào tháng Năm, 1961.

“Ô, họ rất ngạc nhiên!” Giọng bà Nhu sáng lên khi nhớ lại khoảnh khắc phu nhân Phó Tổng thống Mỹ, bà Bird Johnson, và bà Jean Smith, em Tổng thống Kennedy, đi vô phòng.

“Khi tôi mở cửa phòng, họ có thể nhìn thấy một dãy dài những bộ da cọp [trải trên nền nhà]. Những cái móng sắp thành hàng thẳng. Những cái đầu gắn vào nhau”. Nghe có vẻ kinh khủng với tôi, nhưng bà hít vào một hơi sâu, như thể nhớ lại mùi thơm những trái cam ngày Tết thay vì những mẩu da thú.

Một phút sau thì tôi hiểu, khi bà nói tiếp, “Nếu tôi có những tấm hình ấy, ít nhất thì tôi cũng có được cái gì đó của chồng tôi. Anh ấy đúng là một thợ săn thiện nghệ. Rất cừ. Anh ấy đã bắn hạ những con thú đẹp nhất, và giao cho tôi giữ từng chiến quả của anh”.

Sự mỉa mai về những bộ da cọp bị mất của bà Nhu luôn ở trong tâm trí tôi. Tôi biết rằng trong khi người Mỹ gọi bà là Rồng Cái, những người Việt Nam cả gan công khai chống bà Nhu lại nhắc đến bà với biệt danh Cọp Cái - xuất phát từ sự tôn trọng trong văn hóa dành cho con rồng.

Lúc bấy giờ tôi rất ngạc nhiên thấy mình quan tâm đến bà không dứt. Suy cho cùng, bà đã ngó lơ tôi - theo đúng nghĩa đen, ở nhà thờ, và theo nghĩa bóng. Bà tiếp tục nhử tôi với lời hứa về những đoạn hồi ký của bà trước mặt tôi, nhưng tôi cứ kẹt trong những nghi ngờ rằng chúng không tồn tại ngoài trí tưởng tượng của bà. Bà vẫn hay nhắc đến cái gọi là những đoạn hồi ký này kể từ năm 1963. Bà nói bà viết hàng trăm trang, giấy viết vương vãi khắp phòng, thậm chí dưới trường kỷ. Tại làm sao mà lúc ấy tôi tin rằng, gần năm mươi năm sau, cuối cùng bà cũng sẵn sàng tập hợp chúng vào trong một bản thảo? Khi tôi tìm cách thúc ép bà, bà nạt nộ tôi. Giọng lưỡi sắc bén nhặm lẹ của bà, tôi đã nghe nói đến nhiều. “Cô không nên nói về những gì cô không hiểu”, bà mắng mỏ, riết róng. Nhưng sự thực là, tôi biết rằng nếu tôi không giả vờ đồng ý, tôi sẽ không bao giờ có bất kỳ cái gì để viết ra. Và tôi phải nói rằng, khao khát của bà là muốn thấy lại cái gì đó của chồng mình cứ day dứt trái tim tôi, đúng như bà dự cảm.

Thách thức của bà Nhu hóa ra khá dễ dàng. Sau vài email và vài cuộc điện thoại cho các nhân viên lưu trữ tại thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas, tôi có được những gì tôi tìm kiếm.

Khi tôi mở các tập tin đính kèm từ máy tính của tôi, tôi nghẹt thở. Những tấm hình màu nâu đỏ đem một thế giới đổ nát trở lại với cuộc đời.

Bốn người đàn bà đúng trong một không gian rõ ràng là phòng ngủ, một cái bánh kem bọc xatanh với những tấm màn dài lê thê treo trên cửa sổ và chung quanh cửa ra vào. Những khuôn viền trang trí tường trần và những sàn nhà lót gỗ hoàn tất cái ấn tượng về cung điện này. Vả ở đó có: một hàng dài bộ da những con cọp miệng há to trải hết chiều dài căn phòng đến chân giường, chạm bàn chân trần lên đó thì thế nào nhỉ? Những bộ da cọp này có thô cứng không? Tôi cứ thắc mắc làm sao bà Nhu có thể nhớ để tránh vấp ngã vào những cái tai, con mắt và những hàm răng của chúng khi bà ra khỏi giường mỗi sáng?

Tôi dễ dàng nhận ra ba trong số bốn người đàn bà trong hình, và tôi đoán người thứ tư hẳn là phu nhân của đại sứ hoặc phu nhân của một quan chức cao cấp Mỹ nào đó. Phu nhân Phó Tổng thống, bà Bird Johnson, đứng dựa vào mép giường, đôi giày màu trắng nằm thẳng góc trên sàn, như thể bà cẩn trọng đi quanh những con thú chết thay vì đi ngang qua chúng. Ăn mặc thanh nhã trong bộ váy bó chẽn sát nách và giày cao gót để đi thăm Dinh, bà Bird cười mạnh dạn trước ống kính, nhưng trông bà có vẻ hơi ủ ê vì nóng nực. Găng tay của bà không còn, mũ lệch đi, và những lọn tóc rũ xuống vì độ ẩm. Bà nhìn thẳng vào máy quay, cặp lông mày nhướng lên ngạc nhiên.

Bà Nhu có vẻ thoải mái hơn nhiều. Mặc chiếc áo dài cổ khoét sâu thay vì cổ đứng hẹp, bà mở rộng bàn tay đón tiếp các vị khách vào căn phòng treo rèm. Trong tấm hình kế tiếp, bà đứng thẳng, hông hướng về máy quay, vai ưỡn ra sau. Dường như bà có sự nhạy cảm cơ thể của một diễn viên múa ba-lê. Bà Nhu trông như sẵn sàng mỉm cười - chí ít là cái cằm của bà nâng lên theo hướng máy quay. Sự hiện diện mạnh mẽ của bà làm tôi quên để ý đến vóc dáng bà khi so với những người Mỹ cho mãi đến sau này. Bà nhỏ con. Nếu không có đôi guốc cao gót và kiểu tóc tổ ong bồng bềnh, có thể bà chỉ đứng tới vai bà Bird.

Em gái Tổng thống Kennedy, Jean Smith, có cằm vuông giống như anh mình. Bà mặc bộ váy dài vải bông kẻ và đeo chuỗi ngọc, và có vẻ như bà không thể rời mắt khỏi những bộ da cọp xếp chung quanh chân bà - thậm chí không ngước nhìn lên để chụp ảnh - như thể bà lo sợ chúng có thể sống lại và tấn công. Hai khuỷu tay bà thu sát vào người, tay này nắm tay kia, như cái đai an toàn, hai đầu gối bà khép chặt vào nhau như thể bà sẽ khuỵu xuống nếu không làm vậy.

Jean Smith là con út trong gia đình Kennedy. Chồng bà, Stephen, là cố vấn chính trị và chủ tịch tài chính của Tổng thống, nhưng Jean cũng đã dành nhiều thời giờ và công sức cho Jack Kennedy. Bà làm việc không mệt mỏi với các chiến dịch, tiếp đãi khách các buổi tiệc trà và gõ cửa nhiều nơi. Sau cuộc bầu cử, Tổng thống Kennedy viết vào một tấm hình gởi cô em gái út, cám ơn bà vì tất cả những nỗ lực của bà. Jean xúc động, vinh dự, bà nói, vì những nỗ lực của bà đã được nhìn nhận - cho đến khi bà nhận ra tất cả các chị và vợ của các anh bà đều nhận được điều tương tự.(1)

Bà Nhu, một người châu Á giàu nghị lực tuyệt vời, và bà Jean Smith, người phụ nữ thuần Mỹ, có nhiều điểm tương đồng hơn người ta có thể hình dung từ lúc thoáng nhìn tấm hình chụp hai người đứng cạnh nhau. Cả hai người phụ nữ này đều nhờ những mối ràng buộc mạnh mẽ của gia đình dẫn đưa đến chính trị. Cả hai đều có chồng làm việc cho gia đình; cả hai gia đình đều theo đạo Công giáo và chống cộng và cam kết làm điều “phải”. Cả hai đều duyên dáng và hiểu biết rộng, và cả hai đều tự xưng luôn hết mình vì mục đích. Dường như có một sự thu hút tự nhiên, không chỉ giữa hai người phụ nữ này mà còn giữa chính phủ Kennedy mới được tấn phong và chế độ của ông Diệm ở Sài Gòn.

Hinh

TLX

Chính Tổng thống Kennedy đã thông báo về chuyến công du của Johnson đến Đông Nam Á, gọi đó là “sứ mệnh tìm kiếm sự thật”. Có những tường trình mâu thuẫn nhau về những gì đang diễn ra ở Nam Việt Nam. Ở đó, cái quốc gia nhỏ bé này, có gì để xứng với hàng triệu đô la viện trợ mà Hoa Kỳ đã đổ vào từ năm 1954? Anh em họ Ngô này có đang hậu thuẫn cuộc chiến chống chủ nghĩa Cộng sản như họ tuyên bố, hay họ đang cản trở nó? Năm ngoái, chứng kiến sự gia tăng bạo lực và các hoạt động của Cộng sản, có thể là lý do khiến Phó Tổng thống Johnson không muốn đi. “Thưa Tổng thống”, Johnson nói, “Tôi không muốn gây rắc rối cho ngài bằng cách để người ta bắn nát đầu tôi ở Sài Gòn”.(2)

Dĩ nhiên, không ai trong đoàn tùy tùng của Johnson bị tổn hại ở Nam Việt Nam. Chế độ Ngô Đình Diệm lo cho những người Mỹ rất tốt, đón tiếp họ tại nhà khách trong khuôn viên Dinh. Đêm đầu tiên ở Sài Gòn, vợ chồng Johnson, vợ chồng Smith, và tân đại sứ của Kennedy tại Việt Nam Cộng hòa, Frederick Nolting và vợ ông, thưởng thức bữa ăn tối kiểu Pháp ngon lành trong nhà hàng sân thượng khách sạn Caravelle.(3) Những người phụ nữ khả ái nhẹ nhàng bước đi dưới những hàng keo dọc các con đường rộng với hai hàng cây hai bên; những âm thanh vui đùa của trẻ con nơi bãi trống vọng đến tai họ theo làn gió buổi tối êm đềm. Tuy nhiên cũng thấy rõ không khí căng thẳng, cảm nhận được những nguy hiểm sắp diễn ra, của những người Cộng sản lẩn khuất trong bóng tối. Các bản tin tình báo khẳng định rằng nhiều người từng chiến đấu bên cạnh Việt Minh trong chiến tranh chống Pháp đã ở lại miền Nam hiện giờ quyết tâm thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo duy nhất của Hà Nội. Những người Cộng sản đã và đang thành công mặc dù nhiều người không thoải mái thừa nhận sự thực đó.

Người ta nói những người Cộng sản kiểm soát một phần ba vùng nông thôn phía nam. Họ lập căn cứ ở các vùng đồng bằng và trên cao nguyên; những vũ khí từng được dùng để chống người Pháp, giờ được bọc trong bao ni-lông chôn giấu dưới ruộng lúa trong gần mười lăm năm, giờ được lấy lên và cải tiến để sử dụng. Lê Duẩn, lãnh đạo Cộng sản cao nhất ở miền Nam, tổ chức cho những tay súng ngày xưa đứng vào đội ngũ mới. Ông có quá trình tham gia cách mạng khá ấn tượng, từng trải qua bảy năm trong các nhà tù Pháp trước khi gặp Hồ Chí Minh ở Trung Quốc thập niên 1940. Vì thế, dù là người Nam, ông hiểu rõ các đồng chí của ông ở Hà Nội. Ông có thể biện hộ cho đồng bào miền Nam của ông: Đồng bào chúng ta đang phải chịu đau khổ dưới chế độ Ngô Đình Diệm và sẵn sàng chiến đấu. Họ phải nổi dậy. Nếu chúng ta không lãnh đạo họ, họ sẽ hình thành phong trào kháng chiến của riêng mình, và chúng ta không còn có vai trò nữa. Bộ Chính trị nhất trí với Lê Duẩn và quyết tâm đấu tranh vũ trang ở miền Nam bên cạnh những nỗ lực chính trị. Năm 1959, một nhiệm vụ bí mật được để ra là vận chuyển vũ khí và hậu cần đi dọc đường Trường Sơn để khởi động chiến tranh. Phương Tây thường gọi con đường rừng núi hiểm trở vốn chạy ngoằn ngoèo phía tây đất nước này là Đường mòn Hồ Chí Minh.(4)

Một năm sau, Đại hội Đảng Cộng sản ở Hà Nội nêu quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh vũ trang. Tháng 12 năm 1960, Hà Nội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), danh xưng hợp thức cho nỗ lực tái thống nhất đất nước của Cộng sản ở miền Nam, mặc dù người Mỹ thường gọi họ một cách nôm na là Việt Cộng. Dù tên gọi có là gì đi nữa, sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm là mục tiêu số một của họ. Hà Nội đã ra lệnh cho họ lật đổ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và “quan thầy của ông ta” là Hoa Kỳ, bằng bất cứ phương tiện nào cẩn thiết. Vào thời điểm Johnson đến thăm Sài Gòn, những người Cộng sản đang gây thiệt mạng trung bình mỗi tháng từ năm đến tám trăm binh lính, công chức, và thường dân ở Nam Việt Nam. Những con số này được giữ kín.

Những con số nghiêm trọng xuất phát từ Việt Nam này được xào nấu vì hai lý do, và cả hai đều dính tới chính trị. Về phía Mỹ, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Frederick Nolting, và Đại tướng tổng tư lệnh Paul Harkins, lo lắng những đánh giá tiêu cực có thể làm xói mòn quyết tầm của Tổng thống Kennedy muốn tiền bạc viện trợ và các cố vấn của Mỹ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thực hiện chuyến đi khảo sát hai ngày khắp quốc gia này, Nolting và Harkins cấm nhân viên của mình nói với ông bất cứ điều gì có thể mang đến một ấn tượng không tốt. Những kiểu tránh né này là con dốc trượt dẫn đến sự thao túng công khai sẽ diễn ra sau này, như ghi nhận số thương vong của đối phương thiếu căn cứ vững chắc và lột bỏ những miếng dán màu đỏ ra khỏi tấm bản đổ cho thấy nơi Cộng sản đứng chân khi cảm thấy có vẻ chúng “quá nhiều”. Các nhà báo Mỹ, mặc dù không bị kiểm duyệt thẳng thừng, được yêu cầu phải hiểu rõ những hướng dẫn của nước Mỹ liên quan đến việc gởi về tòa soạn “những tường trình không mong muốn”. Phải tránh nói đến những con số cụ thể, cũng như tránh chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu chiến thuật. Bất kỳ ai vi phạm những qui định căn bản này sẽ không được tiếp tục làm nhiệm vụ.(5)

Một lý do khác để giữ kín những con số xấu là bởi cá nhân Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ điên tiết. Sau vụ đảo chính hụt năm 1960, ông Diệm đã thông báo miệng đến các chỉ huy quân sự không được tiến hành các cuộc hành quân có thể gây ra thương vong lớn. Vị Tổng thống này kết luận rằng những người lính nhảy dù bất mãn đằng sau cuộc đảo chính hụt rất giận dữ chế độ vì những thương vong mà họ phải chịu trong các chiến dịch tấn công. Ông Diệm không thể, hoặc đã không hiểu rằng chế độ gia đình trị, thiên vị Công giáo, và sự áp bức các quyền tự do mới thực sự là những nguyên nhân gây nên sự oán giận. Ông Diệm không muốn thấy một cuộc đảo chính nữa, cho nên ông không muốn quân đội chịu tổn thất.

Các cố vấn người Mỹ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa cuối cùng sẽ hiểu ra rằng các chỉ thị “không đánh” từ những chỉ huy cấp cao nhất hoàn toàn làm xói mòn những lời khuyên giao chiến với Việt Cộng của họ, nhưng điều đó không ngăn cản họ chuyển những con số thương vong giả về Washington. Tổn thất của Cộng sản bị thổi phồng, thương vong của Nam Việt Nam được xem nhẹ, và không kèm theo bất kỳ lời cảnh báo nào về những con số không chắc chắn. Những con số đó được diễn dịch thành chính sách, và chính sách đó nói rằng cuộc chiến đang diễn tiến tốt.(6)

Mục tiêu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - đập tan chế độ miền Nam - là mệnh lệnh tối cao từ Hà Nội phải được thi hành từ dưới lên. Chiến tranh sẽ bắt đầu “ở các làng mạc... lan rộng đến các huyện, rồi các cấp chính quyền tỉnh thành đã rồi cuối cùng sẽ là một cuộc tổng tấn công nhắm vào bản thân chính quyền trung ương”. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ban hành những chỉ thị cụ thể về những mục tiêu cần nhắm tới để tối đa hóa tác động của các cuộc tấn công bất chợt và ngẫu nhiên: các trung tâm thông tin, kho bãi, sân bay, và các cơ quan của Mỹ được “đặc biệt” chỉ rõ.

Những mục tiêu đầu tiên từ các chiến dịch của MTDTGPMNVN là vùng nông thôn các tỉnh Long An, Tây Ninh, Long Xuyên, An Giang. Vào tháng Mười Hai, 1960, bạo lực lan dần đến thành phố khi một khu bếp tại Câu lạc bộ Gôn Sài Gòn bị đánh mìn, làm chết một nhân viên và hai đầu bếp.(7)

Các hoạt động quân sự của MTDTGPMNVN rất thành công nhờ họ khéo léo tận dụng các phương tiện thông dụng. Chẳng hạn, quả bom đặt trong chiếc xe máy bình thường là chết chóc, hiệu quả, và gần như không thể phát hiện cho đến khi quá muộn. Toàn bộ khung xe chứa đầy chất nổ; những sợi dây điện mảnh nối với các đầu đựng thuốc nổ bên trong khung xe chạy ngang luồn qua dây thắng, giúp ngụy trang, và nối vào cái bóng đèn trước xe có kèm cái đồng hồ hẹn giờ. Chỉ cần dùng một cái đèn pin nhỏ kích hoạt là chiếc xe nổ tung, gây ra sự hủy hoại khủng khiếp giữa đường phố đông đúc. Việt Cộng gọi cái biến thể hai bánh xe của họ dựa theo con ngựa thành Troy là “ngựa sắt”. Họ tuyển mộ những người trẻ vào làm công việc chết người đó - độ tuổi lý tưởng vào khoảng 18, nhưng các cậu bé 13 hay 14 cũng là “những kẻ phá hoại thành phố”, hay những kẻ ném lựu đạn rất tốt. Các nhà hàng, khách sạn bắt đầu lắp những tấm lưới trước hiên nhà; mọi người sợ ngồi trước hành lang, vào rạp hát, hay thậm chí đi chợ.(8)

Ngày 22 tháng Ba năm 1961, chỉ hơn một tháng trước chuyến công du của Johnson đến Sài Gòn, một chiếc xe tải chở hai mươi cô gái phát nổ tanh bành trên một con lộ hoang vắng trong vùng Rừng Sát. Các cô gái đang trên đường từ Sài Gòn về nhà ở tỉnh Phước Tuy; họ mới trải qua buổi chiều đứng nghe bà Nhu, Đệ nhất Phu nhân, đọc bài diễn văn nồng nhiệt ca ngợi phụ nữ Việt Nam nhân ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Đó là buổi lễ tưởng nhớ hai chị em Bà Trưng, hai nữ anh hùng Việt Nam đã chiến đấu chống lại nhà Hán. Bà Nhu coi hai bà như gương mẫu cho những người phụ nữ dũng cảm của Việt Nam Cộng hòa hiện đại. Tuy nhiên, đối với các cô gái kia, ngày hôm đó đã kết thúc trong thảm kịch. Trong những khoảnh khắc sau khi chiếc xe trúng phải mìn chôn trên đường, hàng loạt đạn trút xuống như mưa. Người tài xế xoay xở lái chiếc xe ì ạch chạy đến đồn lính gần nhất, nhưng hai cô gái đã chết.

Một tuần sau, bà Nhu đến một bệnh viện ở Chợ Lớn thăm bốn trong số các nạn nhân trẻ của vụ tấn công đang nằm đợi hồi phục. Một người hỏng một con mắt, một người khác cụt chân, và một phụ nữ lom khom vì bị thương cột sống. Bà Nhu cũng đến thăm khu vực xảy ra vụ nổ, nói chuyện với các cô gái sống sót sau trận phục kích. Trong ngôi nhà của cô Nguyễn Thị Bàng, hai mươi ba tuổi ở huyện Cần Giờ, bà Nhu đặt vòng hoa lên ngôi mộ mới xây và chia buồn với mẹ và chị của cô gái bị sát hại.

Một ngày sau khi đến Sài Gòn, Phó Tổng thống Johnson gặp gỡ Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Dinh, nơi họ nói chuyện chi tiết về sự viện trợ từ Hoa Kỳ. Trong khi Johnson trịnh trọng tặng món quà của ông - bộ sách bìa cứng Di sản Mỹ về lịch sử Hoa Kỳ - và trình ủy nhiệm thư, các bà vợ đi một vòng bên trong Dinh với bà Nhu để nhìn những bộ da cọp. Bức ảnh chụp lúc gặp nhau ở cầu thang văn phòng cho thấy Johnson cúi hẳn người xuống để nói chuyện với ông Diệm. Sau buổi gặp gỡ, Phó Tổng thống Mỹ trình bày chương trình tám điểm bao gồm việc cung cấp thêm vũ khí và tiền bạc. Chiều hôm đó, Johnson, vẫn với phong cách phóng khoáng người vùng Texas, đã xuống phố Sài Gòn đi dạo để hòa đồng với dân chúng miền Nam Việt Nam. Phóng viên Stanley Karnow nhận xét rằng Johnson bắt tay mọi người và mỉm cười như thể ông “đang đón chào các quận trưởng cảnh sát trong chiến dịch tranh cử ở Texas”, nhưng theo một nghĩa nào đó, đó là công việc của ông. Ông Johnson được phái đến đây để trấn an người dân miền Nam Việt Nam rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và tiền bạc để cải thiện tình hình xã hội và chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản.(9)

Bà Nhu ngồi ở vị trí danh dự cạnh Phó Tổng thống, bên tay phải ông, tại tiệc khoản đãi chính thức. Họ đã gặp nhau một lúc ngày ông đến. Bà Nhu có mặt ở sân bay, cùng với các vị phu nhân khác, để đón phái đoàn của Phó Tổng thống. Khi bước xuống sân bay, vị Phó Tổng thống rảo bước qua đội danh dự đến gần bà, bắt tay bà. Phong cách của ông gây thích thú cho bà Nhu lần nữa tại bữa tiệc.

Bà không quen với những người đàn ông chờ bà ngồi xuống trước khi họ ngồi vào ghế của họ, cũng như không quen được nói đến trước những người đàn ông như Tổng thống và chồng bà. Nhưng bà Nhu thích cách nịnh đầm của Johnson tuy bà không biết rõ lắm ý nghĩa của nó. Trong buổi tiệc, ông cố nài bà đồng ý đến thăm nông trang của ông ở Texas. Bà khúc khích cười, lấy cái khăn ăn che miệng, nhưng ông cứ khăng khăng nhiều lần khiến bà cuối cùng đồng ý sẽ đến - “khi ông lên làm Tổng thống”, bà hứa. Sau đó, Johnson nắm bàn tay trái của bà Nhu bằng bàn tay to bự của mình và trước mặt vợ ông cùng các nhà ngoại giao ngồi cùng bàn, dẫn bà ra ban công. “Chỉ cho tôi thấy quang cảnh ở đây đi”, ông thì thào. Bà đã phải cố đi thật nhanh để bắt kịp những bước chân của người đàn ông cao lớn vùng Texas, nhưng vị Phó Tổng thống có vẻ không để ý. Ông nhìn bà mỉm cười để mọi người trong tiệc khoản đãi chính thức có thể nhìn thấy.

Tháng Năm năm 1961, bà Nhu vững tin vào chính mình hơn bao giờ hết. Dự án tham vọng của bà muốn tái cấu trúc xã hội đang tiến triển tốt, trong đó phụ nữ là những tác nhân cho sự thay đổi. Dự án này rất đáng hài lòng, bà đã viết vội vàng trong nhật ký của mình tháng Một năm đó. Bà không nhận thấy mình thông minh đến thế! Bà Nhu đã có sáng kiến lập ra Phong trào Liên Đới Phụ nữ mùa hè năm trước. Đó là một hội đoàn công chức dấn mình vào việc giúp đỡ các gia đình quân nhân Việt Nam. Họ có thể mang thức ăn cho ai đó trong bệnh viện hay đem thuốc men cho các gia đình ở nông thôn; họ cũng có thể hiến máu và viết những lá thư khích lệ binh sĩ ngoài mặt trận. Ý tưởng là đem đến cho phụ nữ một mục đích khác bên ngoài gia đình, một phương cách để tham gia vào xã hội tích cực hơn và nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc xây dựng quốc gia mới này.

Bà Nhu còn lập ra một tổ chức bán quân sự. Con gái bà, Ngô Đình Lệ Thủy, tham gia vào một đơn vị dự bị của tổ chức này. Họ được huấn luyện sử dụng súng, cứu thương và đi diễu binh trong quân phục kiểu cách với cái áo thắt lại ở eo. Bà Nhu gọi các thành viên trong lực lượng nữ binh của bà là “những người yêu bé nhỏ của tôi”.

 Hinh

Hinh

Hình

Nguồn cảm hứng của bà Nhu đối với “những người yêu bé nhỏ” của bà đến từ huyền thoại Hai Bà Trưng, hai người phụ nữ trẻ đã khởi binh chống lại quân Hán xâm lược vào năm 40, gần hai ngàn năm trước. Những người Cộng sản cũng sử dụng huyền thoại này - họ tìm thấy yếu tố giai cấp trong câu chuyện - nhưng với những mục đích của mình, bà Nhu nhấn mạnh đến sức mạnh của phụ nữ và các bà mẹ trong chiến đấu. Tương truyền rằng, bà Trưng Trắc trả thù cho chồng bị quan thái thú nhà Hán giết hại. Em gái bà cùng một đội nữ kỵ binh ưu tú sát cánh bên bà. Một trong những người phụ nữ này đang mang thai và sinh con trong trận tiền nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu với đứa bé sơ sinh buộc chặt sau lưng. Bà Nhu hy vọng rằng câu chuyện lịch sử đó sẽ thúc đẩy những người phụ nữ thời đại bà học tập những kỹ năng bảo vệ gia đình mình. Thậm chí bà còn cho dựng tượng đồng Hai Bà Trưng, đứng chào đón những chiếc tàu cập cảng Sài Gòn. Nhưng khi tượng được dựng lên, khuôn mặt và vóc dáng của Hai Bà Trưng giống bà Nhu quá đến mức thành lời ong tiếng ve. Bà Nhu muốn phụ nữ miền Nam ngưỡng mộ hai vị nữ anh hùng thời xa xưa hay Đệ nhất Phu nhân của họ? Rất có thể bản thân điêu khắc gia đã áp đặt những đường nét tương tự với ý định nịnh bợ Đệ nhất Phu nhân, nhưng diễn giải phổ biến nhất là, một lần nữa, bà đang sử dụng phong trào phụ nữ để phục vụ cho những mục đích riêng của mình.

Hầu hết phụ nữ gia nhập tổ chức Liên Đới là những bà vợ trung lưu ở Sài Gòn. Họ tham gia để cầu cạnh bà Nhu hoặc để đảm bảo cho chỗ làm công chức của chồng mình. Bà Nhu vẫn không biết cách kết nối với đa số phụ nữ Việt Nam. Bà cứ đặt hết niềm tin vào lòng hăng hái của mọi người, coi đó là tất cả. Khi bà Nhu về nông thôn để kiểm tra sự hòa nhập của các tổ chức phụ nữ với làng xóm, bà được tặng hoa và được chào đón nồng nhiệt. Bà kể với Elbridge Durbrow, cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam, khi bà đến thăm, những người phụ nữ trong các ngôi làng đó đã cám ơn bà như thế nào đối với Bộ luật Gia đình cấm đa thê và ly dị. “Bà không nhận ra bà nổi tiếng và được mọi người yêu mến như thế nào”. Bà cũng không biết rằng mọi người nóng lòng muốn nói với Đệ nhất Phu nhân chỉ những điều bà muốn nghe.(10)

Chế độ Ngô Đình Diệm bao gồm toàn những thành viên gia đình hoặc những người ngoan ngoãn phục tùng. Hoặc theo họ hoặc chống lại họ. Các bộ trưởng chính phủ hoặc các đại biểu Quốc hội có thể đi chỗ này chỗ nọ lắc đầu và trong thâm tâm thừa nhận mình không hài lòng, nhưng giữa bá quan văn võ thì không ai dám lên tiếng. Sách vở - phi hư cấu, tiểu thuyết, hoặc, tầm thường nhất là thơ - phải chịu kiểm duyệt. Giấy phép của chính quyền vốn có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào nhằm kiểm soát báo chí trong nước, và các nhà báo nước ngoài phải nộp bản thảo để kiểm duyệt. Quản lý thông tin là chiến lược của Cộng sản, nhưng đó là vấn đề: Việt Nam Cộng hòa được cho là quốc gia tự do. Sự oán giận dâng lên, thẩm lặng và gây xói mòn.

Tình báo Mỹ gởi từ Sài Gòn về Washington nhiều tin đồn cho thấy bà Nhu và chồng bà dính dáng tham nhũng, mua bán ảnh hưởng và kết tội họ đưa ra những lời khuyên tồi cho Tổng thống. Như một nhà ngoại giao nhận xét một cách tinh ranh: “Không có chút khác biệt nào nếu không có điều sai trái nào được gán cho bà ta là có thật, vấn đề quan trọng là người ta tin nó”. Các báo cáo nghi ngờ về ảnh hưởng mà các tổ chức phụ nữ của bà Nhu thực sự có thể gây ra đối với quốc gia này. Họ dường như xem chúng là chuyện hão huyền.(11)

Bà Nhu không coi ra gì những lời chỉ trích về công việc của bà. Bà sốt ruột với những thứ vụn vặt của những người chung quanh và viết vào nhật ký những điều bực bội: “Sự thông minh nuôi dưỡng lòng tham vọng, nhưng có phải là tệ hại không khi phải cộng tác với lũ ngu để mưu việc lớn? Chắc hẳn Chúa tạo ra lũ ngu dốt này để thử thách ta”. Rõ ràng, những người này không thấy được bức tranh lớn, và bà Nhu đã đi quá nhanh để có thể dừng lại, giải thích cho họ biết.

Vẫn đầy tự tin, bà Nhu trình bày với các đồng nghiệp của bà ở Quốc hội năm 1961 một loạt ý tưởng vĩ đại về phương cách bảo vệ phụ nữ, gia đình, và đất nước. Bà đặt tên cho những ý tưởng này là Những Luật lệ Đạo đức. Bà Nhu cấm nhảy đầm và các cuộc thi sắc đẹp vì sẽ làm sao nhãng một đất nước đang có chiến tranh. Bà cũng đặt các tệ nạn cờ bạc, bói toán, đá gà, và mại dâm ra ngoài vòng pháp luật. Bà coi phá thai là bất hợp pháp - “Dân số chúng ta còn ít”, bà nói - và còn cấm áo ngực có gọng. Đó là thời điểm bà Nhu thuyết phục mọi người phải thực hành tiết kiệm. Đừng bao giờ quan tâm đường nét của cái áo ngực đai lưng rộng phô ra qua làn lụa mỏng chiếc áo dài của bà.

Những Luật lệ Đạo đức không đạt được gì nhiều ngoài việc làm nhiều người giận dữ - những người dù gì cũng cứ nhảy đầm. Chubby Checker và anh em Isley làm cho điệu nhảy “twist” trở nên phổ thông đến độ những kẻ bất chấp lệnh cấm nhảy đầm vẫn đến các hộp đêm được biết với tên gọi “twist easies”. Lệnh cấm không chỉ áp dụng với thể loại “rock and roll” nhập khẩu; các ca khúc trữ tình Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Việc này đặc biệt gây khó chịu cho những người lính Việt Nam, những người thường xuyên hát ngoài mặt trận, vì tình đồng đội hay để được thoải mái ở những nơi bốn bề rùng rợn, họ có thể chạm trán một trận phục kích hoặc rơi vào một bẫy mìn bất cứ lúc nào. “Đêm mưa trên mặt trận” là một bài hát ưa thích như vậy. “Khi bầu trời chuyển sang màu hồng... Người lính trẻ nghĩ về người thân ở quê nhà... Tâm hồn đầy yêu thương”. Mặc dù vậy nó vẫn bị cấm vì chưa chống cộng đủ đô.(12)

Các luật lệ đó rất trịch thượng, hàm ý rằng bà Nhu biết rõ hơn mọi người những gì họ nên và không nên làm, mặc, và nghe. Sự phản đối kịch liệt tất yếu về những luật lệ om sòm đó đã che mờ lập trường chung của bà Nhu - và đó là một lập trường khá tốt. Hàng đống đô la đổ vào miền Nam Việt Nam làm cho Sài Gòn có vẻ trở thành một thị trấn tiệc tùng thay vì một thành phố chuẩn bị cho chiến tranh. Nhiều người tin rằng viện trợ Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa đã tạo ra một tầng lớp trung lưu các thương nhân và doanh nhân hậu thuẫn ông Ngô Đình Diệm. Một lối sống thoải mái là cách tự vệ tốt nhất trước tình trạng kích động của Cộng sản. Nhưng các chương trình nhập cảng hàng tiêu dùng lại chỉ tài trợ cho một lối sống tốn kém khác. Hoa Kỳ cho Việt Nam hàng hóa để bán, giúp người Việt ngăn chặn lạm phát, và trả tiền cho một mức sống cao - cộng với hầu hết phí tổn cho quốc gia. Nhưng không chỉ người Việt Nam hưởng lợi. Hòn ngọc Viễn Đông đang biến thành một sân chơi cho 12.000 quân nhân Mỹ ở đây. Số quán rượu trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) tăng vọt. Các tiệm bánh pizza mở ra, và các tài xế taxi tăng lên gấp đôi để phục vụ khách Mỹ. Có các cơ sở kinh doanh mở ra với mục đích tìm các cô gái Việt đi chơi với những chàng lính Mỹ cô đơn.

Những tờ quảng cáo hứa hẹn đẹp, quyến rũ, và đẳng cấp. Một người lính Mỹ phải tốn hai đô rưỡi để được nhìn ảnh các cô gái của cô Lee và thêm hai đô rưỡi nếu anh ta thực sự muốn trực tiếp gặp một cô tại hãng. Một cái hẹn sẽ được thu xếp với giá gần bốn đô, cộng thêm phí tổn khi đưa cô gái đi chơi. Tất cả tiến trình Tây hóa đó cung cấp chất liệu cho cỗ máy tuyên truyền của Cộng sản. Nếu người miến Nam đổi những cô gái trẻ của họ để lấy vũ khí của người Mỹ, thì dễ dàng tin rằng quốc gia này cũng đang bán linh hồn của mình.

Bà Nhu bảo vệ những luật lệ nghiêm khắc của mình. “Ai cũng biết, để đánh bại Cộng sản, bạn phải có đường lối và bám chặt vào nó”. Bà nói đúng. Ý niệm phổ biến cho rằng người Mỹ “mua” miền Nam Việt Nam sẽ là công cụ tuyển quân tuyệt vời đối với Cộng sản, và bà Nhu đủ sắc sảo để sớm nhận ra vấn đề. Nhưng bà đã sử dụng cái vòi rồng chữa lửa để dập tắt một que diêm. Người ta ghét bà vì phong cách độc đoán. Những năm thuộc địa và chiến tranh đã làm chai sạn đồng bào của bà! Bà Nhu thích nói mình đại diện cho đồng bào, nhưng bà hầu như không biết họ. Thay vì vậy, những luật lệ và qui định của bà là sự bành trướng những nguyên tắc đạo đức của riêng bà và những lời nhắc nhở thường xuyên về quyền lực của bà. Lối sống của bà trong Dinh sặc mùi xa xỉ và phung phí khi mà hầu hết người Việt Nam vẫn phải sống ở nông thôn và vật lộn để tồn tại. Bà không có quyền gì không cho họ có được chút ít niềm vui.

Chồng bà Nhu không được dân chúng yêu thích bằng bà. Vị trí của ông trong chính quyền Ngô Đình Diệm được xác định một cách lỏng lẻo là cố vấn của Tổng thống, nhưng nhiều người tin rằng ông điều khiển cuộc chơi. Để minh họa quyền lực to lớn của ông Nhu, đặc phái viên David Halberstam cố gắng đặt ông vào bối cảnh nước Mỹ cho bạn đọc của tờ New York Times: “Hãy hình dung Ngô Đình Diệm là Tổng thống Hoa Kỳ; trong hoàn cảnh đó Ngô Đình Nhu sẽ kiểm soát tất cả báo chí trong nước, đứng đầu CIA, FBI và Quốc hội, làm Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Ngoại giao, và viết tất cả tường trình mà Tổng thống nhìn thấy. Những gì ông Diệm biết về thế giới bên ngoài là những gì ông Nhu muốn ông ta biết; những gì ông ta thấy là thấy qua cặp mắt của ông Nhu; những người ông gặp chỉ là những người đã được ông Nhu chấp thuận”.

Ông Nhu lập ra các tổ chức khác nhau để thực hiện các chiến lược chính trị mà ông đề ra. Có tổ chức Thanh niên Cộng hòa, những người trẻ mặc đồng phục xanh dương được coi là đại diện cho tiếng nói của thanh niên miền Nam Việt Nam. Thay vì bày tỏ chính kiến của mình, đa số họ nhai đi nhai lại những câu nói của người sáng lập và lãnh đạo của họ là Ngô Đình Nhu. Thanh niên Cộng hòa có 1.386.757 thành viên vào cuối năm 1962, giảm gần 300.000 so với hai năm trước đó. Lực lượng này đã được thanh lọc kỹ, không có khả năng trở thành những người Cộng sản phá hoại; 21.061 thanh niên có vũ khí, và họ tuyên bố đã giết được 234 Cộng sản. Về phía mình, họ cũng mất gần 500 người trong những vụ ám sát của Cộng sản và 2.413 người khác trong các vụ bắt cóc. Những con số thống kê này dường như không làm giảm bớt lòng hăng hái của họ đối với lãnh tụ của mình. Trong buổi lễ tái bổ nhiệm - ông vừa được chọn làm Chủ tịch toàn quốc của Thanh niên Cộng hòa - Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và các thành viên Quốc hội đứng dậy khi ông Nhu đón tiếp các đại biểu của các đơn vị thanh niên. Mặc dù trời mưa tầm tã, ông Nhu vẫn đứng, cả người ướt nhẹp trong bộ đồng phục của tổ chức, trong khi từng người một, các bạn thanh niên quì xuống tuyên thệ thực hiện những mệnh lệnh của lãnh tụ và ủng hộ điêu lệ của Thanh niên Cộng hòa, tìm mọi cách huy động toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam tham gia vào cuộc đấu tranh chống Cộng sản.(13)

Một trong những dự án mà ông Nhu quan tâm nhất là Chương trình Ấp Chiến lược. Người Anh đã làm điều tương tự tại Malaya để chống lại quân nổi dậy Cộng sản. Những người nông dân chuyển đến các khu vực được củng cố vững chắc và được quân đội bào vệ, được bao bọc bởi các lớp dây thép gai, đạn dược, và súng ống. Ông Nhu cố gắng sao chép chiến lược của người Anh; về lý thuyết, ấp chiến lược ngăn chặn Cộng sản tiếp cận với nguồn tiếp tế và nhân lực. Ồng Nhu rất thích kế hoạch này bởi vì, một lần nữa, nó mang cuộc cách mạng chính trị ra khỏi Sài Gòn để đến với các vùng nông thôn. Không chỉ là một chiến lược quân sự nhằm đánh bại Cộng sản, nó còn là thành quả hợp lý của cuộc cách mạng kinh tế - xã hội của ông, và là cơ hội để xây dựng một nền móng chính trị mới, cho ông Ngô Đình Diệm, ở nông thôn. Nhưng vì tính nóng giận và thiên vị của ông Nhu, các quan chức địa phương báo cáo sai sự thật về ấp chiến lược khi chúng không thực sự tồn tại. Chúng không hoàn toàn là những khung cảnh yên ấm. Những ngôi làng được bao bọc bởi những bụi tre đặt bẫy treo, và hai cái tháp canh hướng về phía rừng hoặc đồng ruộng. Giữa hai lớp dây thép gai là những hàng chông, mũi chông trét đầy phân người để gây thương tích cho bất kỳ kẻ xâm nhập nào. Nhưng làm hàng rào thép gai rất tốn thời giờ, và bản thân thép cũng là loại vật liệu đắt tiẽn. Thay vì mười bốn tấn dây thép gai dành riêng cho việc xây dựng một ấp chiến lược, mười tấn thép gai được kéo giãn ra để xây dựng 163 ấp chiến lược, không an toàn chút nào. Người dân địa phương thường không được bồi thường vì mất đất, và những người bị dí lưỡi lê buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi cư trú chỗ khác mà không được báo trước bởi vì chiến lược của ông Nhu là ập tới những vùng có nhiều Cộng sản mà không thông báo, không chuẩn bị, hay không có sự bằng lòng trước. Ông không tính đến thời gian cần thiết để đưa các dịch vụ khác vào hoạt động để thuyết phục dân chúng, như an sinh, y tế, và trường học. Thay cho mô hình những ngôi làng an toàn, ông Nhu đã lập ra một cái gì đó giống như một vùng quê rải rác các trại tập trung nhỏ.

Đáng sợ nhất trong tất cả là Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội của Phủ Tổng thống do ông Nhu lập ra, về cơ bản nó là một tổ chức của những người chỉ điểm hoạt động như một nhân viên CIA. người Việt. Người Mỹ đã hào phóng cung cấp tiền bạc để giúp cho tổ chức này phát triển. Dù vậy nó đã sớm mang tiếng hung hiểm. Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội còn hơn là một tổ chức thu thập thông tin tình báo. Nó thực thi công lý thông qua các đơn vị cảnh sát đặc biệt với những biện pháp thô bạo. Bởi vì khó mà phân biệt những người làm cách mạng kiên định với những người hợp tác chỉ vì yêu nước, cả hai nhóm người này đều bị xử lý như nhau. Những người bị Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội ruồng bố có thể bị đánh đập hoặc tra điện vào bộ phận sinh dục, nhưng hầu hết họ bị bỏ mặc trong ốm yếu tiều tụy với tư cách là những tù nhân chính trị, vốn chiếm một phần ba trong tổng số 30.000 người bị giam cầm trong năm chục nhà lao trên cả nước.(14)

Ông Nhu luôn bảo đảm chiều theo ý của anh mình, Tổng thống, giữa công chúng, nhưng mọi người ngày càng tin rằng ông Nhu đang nắm quyền. Điều đó biến ông thành mục tiêu. Trong một chuyến đi săn bắn ở Đà Lạt, Việt Cộng tấn công đoàn xe của ông, và người chỉ huy cận vệ của ông bị bắn chết trong cuộc phục kích. Chính quyền tìm cách ém nhẹm, cho đó đơn giản chỉ là một tai nạn xe cộ trên con lộ nông thôn tối trời. Họ không bao giờ giải thích tại sao chiếc xe lỗ chỗ những vết đạn.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Marguerite Higgins, ông Nhu thành thật cho biết dân chúng không thích ông đến độ nào, “tôi bị ghét, và vợ tôi cũng vậy”, nhưng ông sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm của mình, “chính quyền nào cũng có tay cứng rắn, người làm những việc dơ bẩn và khó ưa. Ngay cả Eisenhower cũng phải có một Sherman Adams [cước chú của Higgins: ông Nhu lấy làm tự hào khi theo dõi sát những việc làm kín đáo của chính phủ Hoa Kỳ]... Ở Việt Nam, nơi bạo lực và hiểm độc có ở khắp mọi nơi, tôi là người nhận những công việc không dễ chịu. Tôi chính là kẻ bị lăng mạ, nhờ đó mà người khác có thể được dung thứ”.(15)

Sự bất mãn của dân chúng đối với ông Nhu và người vợ khả ái của ông được nhiều người Mỹ nghe thấy ngay cả trước chuyến công du của Johnson. Vậy thì tại sao Phó Tổng thống đưa ra tất cả những hứa hẹn tươi sáng về sự cam kết của Mỹ đối với chế độ này? Như Johnson giải thích trong một cuộc chất vấn chính thức về chuyến công du, không phải chỉ mình ông Diệm và gia đình ông chịu đối xử như vậy. Ông Diệm phức tạp, xa cách, và chung quanh ông là những người “không xứng đáng và kém năng lực”. Nhưng sự thật vẫn là không có người nào khác để Mỹ sử dụng nhằm giữ vững lập trường chống chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á. Khi ở Sài Gòn, trong một khoảnh khắc phấn khởi và vui sướng, Johnson hào hứng tuyên bố Ngô Đình Diệm là Winston Churchill của châu Á.

“Ông có thực sự muốn nói vậy?”, nhà báo Stanley Karnow hỏi.

“Cứt”, Johnson lè nhè trả lời, “Diệm chỉ là cậu bé duy nhất chúng ta tìm được ở đây”.

Karnow không thể viết điều đó lên báo Saturday Evening Post, như phóng viên tờ New York Times Homer Bigart đã sáng chế ra cụm từ nói về tình thế khó khăn của Mỹ ở Việt Nam: “Chìm hoặc bơi cùng với Ngô Đình Diệm”. Nó là dòng đầu của một ca khúc mà Bigart đã phịa ra để hát với bạn bè trong giới báo chí Sài Gòn theo giai điệu bài I’m an Old Old Cowhand”:

Chúng ta phải

Chìm hoặc bơi

Cùng với Ngô Đình Diệm

Chúng ta sẽ

Không nghe nói

Về bà Nhu

À, ố,

Ồ, ye

Vân vân.(16)

Sáng ngày 27 tháng Hai năm 1962, hai phi công bất đồng chính kiến lái máy bay bổ nhào xuống Dinh rồi ném bom. Mục tiêu của họ là cánh phải của Dinh, nơi gia đình ông Nhu đang ở. Bà vú nuôi người Tàu của đứa bé nhỏ nhất bị trúng một mảnh bom, chết. Cô con gái lớn của vợ chồng ông Nhu, Lệ Thủy, vẫn giữ được bình tĩnh trong cơn hỗn loạn. Cô gái mười sáu tuổi bò lê lết để cứu hai đứa em nhỏ, một đứa hai tuổi và một đứa chưa tới mười tuổi, khi cầu thang chính đổ sập trong đống lửa.

Toàn bộ trần nhà của phòng ngủ đổ sập xuống khi bà Nhu chạy vào nhà tắm để lấy áo choàng mặc phủ lên áo ngủ. Bà thoát khỏi chỗ đó nhưng lộn nhào từ tầng hai xuống một đống sắt, gỗ, sỏi rồi ngã vào một đống tro than âm ỉ cháy. Bà phát hiện mình bị ba vết bỏng nặng độ ba và những vết cắt sâu trên cánh tay, nhưng lạ một điều là bà không cảm thấy đau đớn gì cả. Bà không có bất cứ cảm giác gì ngoại trừ thấy khó cử động, khó xua đẩy những thứ đè lên người mình để chui ra khỏi đống hỗn độn. Nhưng bà biết bà phải chui ra. Một thung lũng ánh sáng đang vẫy gọi; một làn gió thoảng qua xua tan đám khói khỏi người bà. Bà chưa bao giờ thấy rõ ràng đến thế. Bà nhìn vượt qua đống tàn tích. Vượt qua những cái bóng dài gãy đổ của Dinh, một nguồn sáng rực rỡ đang dâng lên. Phúc lành và thương xót. Loạng choạng đến gần bà là một bóng hình đi trong lửa cháy. Đó là chồng bà đang đi tìm bà, kêu lên mừng rỡ khi thấy bà vì ông nghĩ bà đã chết. Những phiền toái hôn nhân của họ được dẹp qua một bên, họ lại là một bên nhau - ít nhất là trong giây phút đó. Bà Nhu ngất lịm vào vòng tay chồng.

Bà Nhu mất gần như tất cả của cải trong đám cháy. Một vài bộ quần áo nằm ở tiệm may còn nguyên vẹn, và, như sau này tôi biết, một cuốn nhật ký. Những chiến lợi phẩm của bà, những bộ da cọp quí giá, chỉ còn là một mớ da cháy khét. Chỉ còn những ký ức ở lại với bà. Nhưng bà ngạc nhiên thấy mình không buồn nản. Một cái gì mới mẻ mở ra trong tâm hồn bà, đúng như nó đã mở ra khi bà rảo bước qua một cây cầu ở miền Trung Việt Nam khi còn là một phụ nữ hăm mốt tuổi với đứa con nhỏ trên tay. Bà sẽ không bao giờ quan tâm đến những cái vụn vặt như quần áo hay của cải vật chất nữa.

Những tấm ảnh chụp những người phụ nữ giữa những bộ da cọp trong phòng ngủ Dinh của bà Nhu càng thêm phần xúc động bởi thảm họa ập đến đã biến Dinh thành một cảnh tượng tan tành vỡ vụn.

Tôi cẩn thận dán từng tấm ảnh vào cuốn album, mỗi tấm một trang và mỗi trang được bảo vệ bằng một miếng giấy da mịn. Cuốn album tôi đã chọn có màu đỏ, để được may mắn, tất nhiên. Tôi gởi đi sau khi đã chèn đóng xốp viên đậu bằng thư tín ưu tiên. Đáp lại, bà hết lời ca tụng tôi. Việc tôi hoàn thành thách thức của bà chắc chắn là một dấu hiệu thiêng liêng. Nhưng bà chưa hoàn toàn sẵn sàng, bà nói, thực hiện lời hứa chuyển giao cuốn hồi ký. Tôi nên kiên nhẫn, bà quở trách.

Dĩ nhiên, tôi sẽ biết rõ hơn.

Chú thích:

1. Martha T. Moore, “Phỏng vấn Jean Smith”, USA Today, 26 tháng 9 năm 2010.

2. Lời trích dẫn của LBJ trong President Kennedy: Profile of Power của Richard Reeves (New York: Simon and Shuster, 1994), 118.

3. Ghi chép về hành trình ở Sài Gòn của Johnsons, xem Death of a Generation: How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War - Cái Chết Của Một Thế Hệ: Những vụ ám sát Diệm và JFK đã kéo dài chiến tranh Việt Nam như thế nào của Howard Jones (Oxford: Oxford University Press, 2004), 61-65.

4. Về việc Lê Duẩn và Việt Cộng đã lật đổ Diệm và các quan thầy thực dân, xem Langguth, Our Vietnam, 113-114.

5. Langguth, Our Vietnam, 389, 393, 399; “Điện tín từ Bộ Ngoại giao gởi đến Đại sứ quán ở Việt Nam”, FRUS, 1961-1963, 2:159-160.

6. Về những chỉ thị miệng và những con số thương vong bị làm sai lệch, xem A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam của Neil Sheehan, (New York: Vintage, 1989), 123- 125.

7. Thông tin về những sách lược của Việt Cộng đối với sứ mệnh của Hoa Kỳ ở Việt Nam, “A Study: Viet Cong Use of Terror”, Tháng 5, 1966, USAID, http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/PNADX570. pdf.

8. Malcolm w. Browne, The New Face ofWar - Diện Mạo Mới Của Chiết^Tranh (Indianapolis: Bobbs-Merrill, 1968), 27-28.

9. Những chi tiết về hành trình ở Sài Gòn của LBJ và lời trích dẫn của Karnow trong Jones, Death of a Generation, 61.

10. Xem ghi chép về cuộc trò chuyện giữa Elbridge Durbrow và bà Nhu, Foreign Service Dispatch № 28, 8 tháng 7 năm 1960.

11. Về thái độ hoài nghi, xem Elbridge Durbrow, Foreign Service Dispatch, 15 tháng 7 năm 1960. Về nhận định của nhà ngoại giao rằng nếu lời đồn đại là thật thì cũng chẳng có gì khác biệt, xem Rene George Inagaki, w. Fishel Papers, Michigan State University, Archives and Historical Collections, box 1223, folder 40.

12. Halberstam, Quagmire, 101.

13. Xem Airgram A217 từ Sài Gòn, 1 tháng 11, 1962, dẫn những số liệu đăng trên Thời Báo Vietnamese news vào 24 tháng 10 năm 1962. Scigliano, South Vietnam, 173.

14. Shaplen, Lost Revolution, 157.

15. Higgins, Our Vietnam Nỉghtmare, 195.

16. Về lời bình “shit” của LBJ, xem Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Penguin Books, 1997), 230. Về bài hát của Bigart, xem William Prochnau, Once upon a Distant War: Young War Correspondents in the Early Vietnam Battles (New York: Random House, 1995), 48-49.