Ma thổi đèn 4 - Thần cung Côn Luân

Chương 7 - Hang Phật Luân Hồi

Đợi sau khi những kẻ nhàn rỗi giải tán, tôi mới trình bày mục đích đến đây, bảo rằng muốn tìm cổ mộ của Tà thần Ma quốc, mong lạt ma Ake giới thiệu cho đoàn thám hiểm chúng tôi một người hát sử thi kiêm hướng dẫn am hiểu Ma quốc và lịch sử của nước ấy.

Thiết bổng Lạt ma nói rằng khai quật mồ mả vốn là việc làm tổn hại lẽ trời, song khai quật mộ cổ của Ma quốc thì khác. Trong mộ của Ma quốc có yểm yêu ma, đố là uy hiếm to lớn đối với dân chúng, trong lịch sử từng có rất nhiều vị cao tăng đạo hành cao thâm, đều muốn trừ ma diệt yêu, san bằng tất cả cổ mộ của Ma quốc, tiêu trừ cái họa Tà thần quay lại nhân gian, nhưng khổ nỗi lại không có bất kỳ manh mối nào, giờ các cậu lại chịu đi tìm, thì đó là việc thiện, công qua vô lường vậy. Những người hát sử thi am hiểu các chuyện xưa tích cũ của đất Tạng này, đều do trời phú, chứ không có chuyện con nối cha, trò học nối thầy đâu, đa phần đều là sau khi trải qua một cơn bệnh nặng hoặc sau khi ngủ dậy đột nhiên có thể xướng tụng những bài thơ hàng mấy trăm vạn chữ. Trước khi xuất gia, ta cũng chính là người được trời phú cho khả năng ấy, song đã gần ba chục năm không hát xướng lại rồi, những áng thơ về Thế giới Chế địch Bảo châu Hùng sư Đại vương, rồi cả về Chuyển sinh Ngọc nhãn nữa, ôi chao... sắp quên hết cả rồi.

Thiết bổng Lạt ma lập tức quyết định đi cùng chúng tôi phá hủy mộ phần của vua Ma quốc. Chẳng gì cũng thân là Thiết bổng hộ pháp của Phật sống, diệt trừ tà ma đương nhiên là việc lớn hàng đầu. Tuy hơn ba mươi năm nay không còn ngâm hát những áng thơ về Chế địch Bảo châu vương, song khả năng trời phú này không phải là từ học tập mà có được, cố gắng hồi tưởng lại, ông vẫn có thể nhớ ra nhiều điều.

Tôi lo lạt ma tuổi tác cao, dẫu gì cũng sáu mươi tuổi rồi, không so với ngày xưa được. Cứ theo manh mối trong kinh văn, tòa tháp mà thờ Băng xuyên thủy tinh thi nằm tít trên đỉnh núi tuyết, vạn nhất lạt ma gặp phải việc gì bất trắc thì biết làm thế nào.

Thiết bổng Lạt ma nói: "Ta đi quanh hồ cầu khấn rất nhiều, vậy mà bệnh tình của Cơ Ma vẫn chưa thuyên giảm, hy vọng lần này có thể làm được việc có công đức lớn, đưa linh hồn của Cơ Ma từ âm phủ trở về (người Tạng cho rằng việc con người mất đi thần trí là do họ mắc phải chứng ly hồn), sau khi sự việc xong xuôi, còn phải tiếp tục quay về đi vòng quanh hồ cầu nguyện. Người tu hành có cách nhìn về cái chết và nhân sinh hoàn toàn khác người thường, chết trong lúc thi hành công đức ắt sẽ được vãng sinh chốn cực lạc."

Tôi thấy lạt ma quyết chí muốn đi, cũng cảm thấy khó có được cơ duyên này, ông là người am tường phong tục Tây Tạng, lại nắm rõ y lý Mật tông, có ông chỉ dẫn giúp đỡ, nhất định có thể đẩy mạnh tiến độ công việc. Vậy là chúng tôi sắp xếp thu dọn một hồi, vẫn để Vượng Đôi dẫn đoàn, đi tới cực Tây của đất Tạng là vùng A Lý dưới chân núi Himalaya.

Chúng tôi cùng bọn Tuyền béo, Minh Thúc hội quân ở Semge zangbo, bọn họ cũng vừa mới đến chưa được bao lâu. Tôi điểm lại quân số, thấy hình như có nhiều hơn một người, ngoài bốn người tôi, Tuyền béo, Shirley Dương và Thiết bổng Lạt ma ra, bên phía Minh Thúc có Peter Hoàng, Hàn Thục Na, A Hương, thì ra cả thằng A Đông chạy xe cho Minh Thúc cũng theo đến.

Tôi hỏi Tuyền béo sao A Đông cũng theo đến đây. Tuyền béo bảo thằng ranh A Đông ngày thường vẫn làm chân lon ton cho Minh Thúc, lần này biết lão đi đánh một vụ lớn, cho nên cả ngày lẻo nhẻo van lơn lão cho đi cùng. Sau nữa lại chạy ra cầu xin chỗ Răng Vàng, nhờ hắn nói đỡ vài câu. Răng Vàng nhận hối lộ xong xuôi, liền rỉ tai Minh Thúc, nói rằng nơi thấp nhất ở Tây Tạng cũng phải trên bốn nghìn mét so với mặt nước biển, cần đem theo một người mang vác cung cấp bình dưỡng khí mới ổn, đấy, chẳng phải A Đông đang vác bình dưỡng khí cho họ còn gì.

Tôi nghĩ bụng lần này đúng là nhốn nha nhốn nháo bỏ mẹ, người càng lúc càng đông, còn chưa tới vương thành Cổ Cách mà đã chín người rồi, những cũng chẳng có cách nào khác, một khi tìm thấy manh mối về vùng đất chuyển sinh của Ma quốc trong lầu ma chín tầng thì sẽ phải chia nhau ra mà hành động, không thể cứ túm năm tụm ba vào một chỗ được.

Bấy giờ vẫn chưa có đường thông tới di tích Cổ Cách, tôi đành nhờ Vượng Đôi thuê mấy con bò Yak, để mấy người bị phản ứng cao nguyên tương đối nặng cưỡi đi, cũng may không có đồ đạc gì nặng. Chúng tôi nghỉ ngơi hai ngày tại một thị trấn nhỏ chỉ hơn trăm hộ gia đình bên dòng Semge zangbo, sau đó khởi hành tiến về di tích vương thành tìm kiếm mắt bạc Cổ Cách.

Dọc đường hết sức hoang liêu, không có bất kỳ hộ dân nào, chỉ có những vạt cỏ vàng thưa thớt rải rác trên cát, không có gió, nhìn lên bầu không, một màu xanh ngợp mắt, sự choáng ngợp khiến cả đất khô, cỏ dại trên đường cũng trở nên chói nhức. Những dãy núi bang bạc ở phía xa cũng trở nên nguy ngại đến quái gở, khiến người ra chẳng dám nhìn lâu.

Tốc độ cảu chúng tôi không nhanh, tôi dắt bò cho lạt ma, còn ông ngồi trên lưng bò kể cho tôi nghe những áng sử thi năm xưa ông được trờ phú cho, nội dung toàn là những trận chiến kinh hồn bạt vía, tướng đến binh đi.

Lúc này bên đường xuất hiện một số cột gỗ nhô lên từ mặt đất, Shirley Dương nói những vật này trông chừng hơi giống di chỉ mộ cổ. Thoạt nghe nói đến mộ cổ, ngay cả Minh Thúc vốn đang nằm vắt trên lưng bò hít thở còn khó khăn cũng thấy hồ hởi, ngóng cổ nhìn ra bên đường.

Tay hướng đạo nói rằng những cổ mộ này bỏ hoang đã lâu, bên tring chẳng còn thứ gì nữa rồi. Các vị chớ thấy nơi đây hoang liêu heo hút, kỳ thực chừng vào khoảng thời Đường, chỗ này từng mọc đầy cả một rừng cây kỳ liên viên bách đó (1). Kết cấu của cổ mộ đều dùng nguyên cả cây này mà ghép thành. Đây là loại cây quái dị thích khô cằn, không ưa ẩm ướt, chỉ có trên núi mạn giao nhau giữa Thanh Hải và Tây Tạng. Về sau Thổ Phồn xảy ra nổi loạn, những ngôi mộ này đều bị hủy hoại hết, chỉ có di tích là còn giữ lại được cho tới ngày nay.

Qua bãi tha ma hoang phế này, lại đi chừng một ngày đường, mới tới được thành cổ. Nơi đây được phát hiện lâu, ngoài một lượng lớn bích họa, tượng điêu khắc ra, thì chỉ còn lại đống đổ nát của thành phố cổ, bấy giờ chưa được chính quyền khu tự trị coi trọng, cũng chưa có cửa sắt rào quanh, chưa có người canh giữ như mấy năm sau này. Khi ấy, cũng chẳng có ai vượt ngàn dặm xa xôi tới tham quan cả.

Chúng tôi đứng trên núi nhìn xuống, sườn núi cách đỉnh núi chừng hơn ba trăm mét, khắp nơi đều là những quần thể kiến trúc và hang động màu đất bùn. Ngoài ngôi chùa có kết cấu tương đối vững chắc ra, những ngôi nhà dân còn lại đều đã sụp đổ, có căn chỉ còn trơ lại một chút tường đất, vòng phía ngoài có di tích tường thành và lầu đá. Cả tòa vương thành được xây dựa vào núi, nơi cao nhất là cung vua trên đỉnh núi, tầng giữa là chùa chiền, dưới chân núi là nhà dân và các kiến trúc mang tính phòng ngự ở ngoại vi.

Tôi nói với Minh Thúc: "Di tích Cổ Cách cũng không lớn lắm, nhưng ở đây có hàng trăm căn nhà dân và hang động thế này, chúng ta cũng mất thời gian tìm kiếm đấy. Mắt bạc Cổ Cách mà bác nói cụ thể là ở đâu, chúng ta cứ theo mục tiêu trực tiếp đi tìm là được."

Vì bị phản ứng cao nguyên, tư duy của Minh Thúc đã trở nên vô cùng trì độn, lão nghĩ mãi mới nhớ ra, đại khái là ở trong chùa miếu, chứ không phải trong cung vua. Dựa theo ghi chép trong kinh sách, nơi đây hình như có một ngôi miếu Luân Hồi, mắt bạc Cổ Cách chắc là ở chỗ đó.

Trong đống đổ nát của vương thành, có mấy ngôi chùa vẫn đứng sừng sững, thoạt nhìn qua là có thể biết ngay, dĩ nhiên trong đó có cả di tích của chùa miếu Hồng giáo, chùa miếu Bạch giáo, miếu Luân Hồi, nhưng cái này là cái nào thì chúng tôi không phân biệt nổi, đành thỉnh giáo Thiết bổng Lạt ma. Nhìn bên ngoài, lạt ma đương nhiên có thể nhận ra đâu là miếu Luân Hồi, đoạn liền chỉ rõ phương hướng, đi qua thần điện hộ pháp, di tích ngôi miếu có mấy cây trụ đổ phía đằng sau, đó chính là miếu Luân Hồi thờ mắt bạc Cổ Cách.

Những từ những năm 30 đầu thế kỷ đã có nhà thám hiểm tìm đến nơi đây, chưa từng nghe có nguy hiểm gì, song để cho an toàn, tôi vẫn phát cho Tuyền béo một khẩu Remington, tôi giữ một khẩu, dẫn cả đoàn đi vòng qua mấy lớp tường đất, leo lên lưng chừng núi. Trong đống phế tích này, hầu như chẳng có căn nhà nào còn nguyên vẹn, nếu chỉ là khí hậu khô nóng thôi thì chẳng nói làm gì, đằng này vào mùa mưa, nơi đây cũng mưa như trút. Năm này qua năm khác bị phong hóa xâm thực, chất đất xưa từng rắn xốp nay lại trở nên vụn mủn, hễ có ngoại lực tác động vào, liền biến ngay thành một đống bụi. Những phần tường đổ nát nhô ra đều bị mài mòn cả, thành phố từng một thời tràn đầy sức sống, đang bị tự nhiên âm thầm hủy hoại.

Chúng tôi sợ bị trụ tường trong các căn nhà sụt lở đổ vào người, cho nên cố gắng đi vòng qua những nơi rộng thoáng. Minh Thúc và mụ vợ thôi thì cũng gắng gượng được, chứ còn A Hương gầy yếu đã không thể chịu đựng được hơn, nếu tiếp tục leo lên cao nữa chắc chắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng, lão đành bảo Peter Hoàng ở lại dưới núi chăm nom cô, những người con lại tiếp tục tiến lên, khi leo tới thần điện hộ pháp, hầu hết mọi người đều thở hồng hộc.

Tôi vốn dĩ cũng đã thích ứng với không khí loãng ở đây, nhưng lúc dựa vào tường nghỉ ngơi, trông thấy những bức bích họa trong điện, hơi thở liền lập tức trở nên nặng nề. Tuyền béo vừa thở hổn hển vừa nói: "Nhất này, không ngờ ở đây lại là chốn có nền văn mình tinh thần phong phú đến thế này. Nếu mà đắm đuối xem những loại tranh này ở Bắc Kinh, thế nào cũng bị bắt giam cho mà xem."

Các bức bích họa ở đây đều vẽ nam nữ quấn lấy nhau theo kiểu Mật tông, bút pháp mạnh mẽ, màu sắc mãnh liệt, khiến ai nhìn cũng thấy đỏ mặt tía tai. Đi tiếp vào trong, nội dung của bích họa đột ngột thay đổi, toàn vẽ những nỗi khổ cực khi luân hồi xuống địa ngục, miêu ta tầng tầng lớp lớp những cực hình chốn âm ty, cảnh tượng thảm khốc tột cùng. Lạt ma nói mấy trăm năm trước ngôi thần điện này là chốn cấm địa, thường dân cùng lắm cũng chỉ đến được cổng, không thể đi tiếp vào bên trong, ngoài những kẻ phụng sự thần linh ra, ngay cả quốc vương cũng không thể tùy tiện ra vào.

Chốn cấm địa vàng son năm xưa đã sụt lở phong hóa, chúng tôi gắng thở đều, nối nhau đi vào trong. Đằng sau thần điện, miếu Luân Hồi lõm hẳn vào bên trong, mức độ bào mòn không đáng kể, trông cũng tương đối nguyên vẹn. Nổi bật nhất trong miếu là mấy cây trụ lớn màu đỏ, trên thân trụ có gắn nhiều lớp đèn bát, chóp miếu phía trên đã bị hủy hoại, trơ ra mấy lỗ hổng lơn, cũng chẳng còn tượng hay đồ thờ cúng gì, không rõ là do trộm thó đi, hay đều mục nát thành đất cả rồi.

Tôi nhìn bốn phía xung quanh, nơi đây chỗ nào cũng nát bươm hết cả, làm gì có bức phù điêu mắt bạc Cổ Cách nào. Minh Thúc trỏ lên phía đỉnh đầu: "Chắc là chỉ tác phẩm điêu khắc này đây."

Chúng tôi cùng ngước lên trên, bấy giờ ánh mặt trời gay gắt rọi qua những lỗ hổng trên chóp miếu chiếu thẳng xuống, đưa mắt lên nhìn liền cảm thấy chói lòa, hoa mắt, song có thể nhận ra toàn bộ trần nhà là một bức tranh rực rợ xán lạn, nửa phù điêu nửa vẽ màu, tuy có chỗ đã bong tróc, lại có chỗ bị tổn hoại do cả khối kiến trúc khác đổ xuống, nhưng vẫn giữ được chừng bảy tám mươi phần trăm.

Chính giữa bức bích họa trên chóp miếu này là một cái nhãn cầu khổng lồ, vòng phía ngoài là totem hình các tia phóng xạ, chia làm tám màu, mỗi tia màu là một loài thú thần khác nhau, phía ngoài cùng còn có một vòng nữa vẽ mấy chục vị Không Hành Mẫu (2), tất cả đều muôn hình vạn trạng, chẳng vị nào giống nhau, không ngoài dự đoán, đây chính là mắt bạc Cổ Cách, bản đồ tọa độ của phong thủy Mật tông cổ đại.

Tôi nói với Minh Thúc, lần này phải xem cuốn cổ thư ra cho chúng tôi xem thôi, nếu không xem cho rõ, chỉ dựa vào tọa độ, cũng khó mà xác định rõ phương vị cụ thể của tháp ma ở nơi nào.

Minh Thúc lần ra chỗ một cây trụ lớn màu đỏ dựa lưng vào thở dốc, A Đông cầm ống dưỡng khí tới cho lão ta hít thở mấy hơi, bấy giờ mới có thể mở miệng nói chuyện. Lão thò tay vào trong ba lô tìm cuốn kinh kia. Bỗng đột nhiệt nghe thấy tiếng "rắc", một cây trụ đổ sập xuống, mọi người cùng hét lên, cuống cuồng tản ra bốn bên né tránh. Cây trụ lớn đổ xuống đánh uỳnh, trong cơn hỗn loạn cũng không thấy rõ có ai bị đè phải không.

Thì ra cây cột Minh Thúc dựa người vào đã mục hết cả chân đế, lúc thường trông tưởng chẳng làm sao, song vừa tựa lưng vào, liền đổ rầm xuống, may mà nó đổ ra phía ngoài, bằng không trong điện chật hẹp, lại va vào những cây trụ khác, chắc chắn sẽ đè chết người. Thấy chóp miếu thiếu đi một cây trụ chống, tuy chưa sập ngay, song cả bọn cũng không dám nán lại lâu, ai nấy đều muốn ra trước, kiếm một chỗ an toàn ở bên ngoài rồi tiếp tục tính.

Lúc chạy ra ngoài, chúng tôi đột nhiên phát hiện dưới bờ tường đất bị cây trụ đè đổ, lộ ra một khoảng không gian to rộng tối om, tựa như một căn mật thất bị bịt kín, bờ tường vừa đổ xuống, mùi ẩm mốc bên trong liền xộc thẳng ra. Nghe nói người Ý tìm thấy vô số hàng động trong di tích này, công dụng hết sức phong phú, trong đó có một hàng động tương đối nổi tiếng, gọi là hang Xác khô không đầu, lại còn có một hang vũ khí cất giữ binh khí, song đều cách miếu Luân Hồi này hơi xa. Vậy rốt cuộc trong hang động bị mật dưới ngôi miếu này có gì?

Tuyền béo rút đèn pin ra, bật lên soi xuống phía dưới. Ánh mắt của mọi người lập tức bị những thứ dưới hang thu hút. Phía ngoài cùng là một pho tượng đồng ba mắt sáu tay, đầu đội mũ báu, ngự trên đài sen, ba con mắt sáng màu bạc long lanh lấp lánh trên nền sắc vàng kim của tượng Phật.

Phía sau pho tượng Phật ba mắt này, còn có một cánh cửa màu đen đóng kín mít dán vô số bùa chú kinh văn, hình như bên trong đang giam cầm một thứ gì đó không thể phóng thích ra ngoài.

Mọi người đều bị cái hang cổ quái thần bí này hấp dẫn, vây cả quanh miệng hang rút đèn pin soi xuống phía dưới ngó nghiêng, đằng sau cánh cửa sắt màu đen kia là thứ gì? Tại sao lại phải treo bùa dán chú nhiều như thế?

Shirley Dương nói năm xưa nhà nghiên cứu Tạng học kiêm nhà thám hiểm người Ý, giáo sư Dodge sau khi phát hiện ra di tích Cổ Cách, đã làm một phép tính, tính ra rằng quy mô di tích còn giữ lại được gồm có nhà cửa đèn chùa ước chừng năm trăm ngôi, lầu thành đá khoảng sáu mươi tòa, các loại tháp khoảng ba mươi tòa, tường phòng vệ, tường thấp còn độ mấy lớp, trong đó khu có số lượng di chỉ lớn nhất chính là hang động phía dưới vương thành, ánh chừng hơn nghìn hang.

Điều này chứng tỏ diện tích và quy mô phía dưới lòng đất của vương thành Cổ Cách thậm chí vượt xa những gì xây trên mặt đất. Mọi người thỉnh giáo lạt ma, trong hang này đặt tượng Phật mắt bạc, rốt cuộc đây là hang cất giữ kinh sách, hay là một am thờ dạng hang động.

Lạt ma không trả lời, bước thẳng qua đống tường đổ nát, đi vào trong không gian ẩn mật ấy, tôi lo phía trong có nguy hiểm, bèn cầm chắc khẩu Remington theo sát phía sau.

Pho tượng Phật trong hang không lớn, chỉ cao tầm một thước, màu sắc bóng loáng, ánh vàng chói mắt, song cũng không phải được đúc bằng vàng ròng hay đồng nguyên chất, mà lần lượt luyện bởi năm loại hợp kim, hơn nữa còn liền thành một khối. Chỉ có người Cổ Cách sở hữu công nghệ này, nay phương pháp bí mật đó đã thất truyền, tượng Phật mắt bạc mình vàng còn lại rất ít, vậy nên pho tượng này rất có giá trị.

Thiết bổng Lạt ma bái lạy tượng Phật xong, mới tiếp tục đi xem xét thêm. Tượng Phật mắt bạc này dường như gắn liền với chân cửa sắt phía sau, đã bị người ta cố định chặt, còn trên cánh cửa sắt màu đen đóng kín thì dán đầy những câu lục tự chân ngôn "Án ma ni bát minh hồng" của Phật giáo Mật tông.

Tuy loại lục tự chân ngôn này rất thường thấy, những tôi không hề biết ý nghĩa của nó, chỉ cảm thấy na ná như câu A Di Đà Phật, cửa ra thông thường hình như chẳng cần phải dán loại bùa chú này làm gì. Tôi hỏi lạt ma xem câu lục tự chân ngôn này tượng trưng cho điều gì, phải chăng dùng để trấn tà đuổi ma, xem chừng cánh cửa sắt này không thể mở được rồi.

Lạt ma nói với tôi: "Ý nghĩa của lục tự chân ngôn này quả thực hết sức vô cùng, đệ tự thông thường niệm chân ngôn này, có thể khiến Tâm hòa vào Phật. Có điều công lực Mật tông cao thâm hay không, phải dựa vào việc tích lũy tu dưỡng pháp thuật hàng ngày, cũng giống như chất lượng của bánh trà sữa, phải dựa vào việc quấy trộn bơ sữa không ngừng vậy, những cũng không thể chỉ trông mong vào việc tụng niệm lục tự chân ngôn để tựu thành chính quả được. Sáu chữ này nếu dịch ra tiếng Hán của các cậu, đại loại có ý nghĩa là "Án! Thứ chân quý trong bông sen hồng!" "

Lưu phái tôn giáo ở Tây Tạng có rất nhiều, dẫu rằng cùng là đạo Phật, những lại chia thành vô số phân chi, cho nên kiến văn của Thiết bổng Lạt ma về Luân Hồi tông cũng có hạn. Theo những gì ông suy đoán, hang động bí mật bên cạnh điện Luân Hồi này, có thể tượng trưng cho địa ngục của Luân Hồi tông. Những kẻ phạm tội đại ác, sau khi chết đi linh hồn không được giải thoát mà bị nhốt bên trong cánh cửa đen này, nếm trải sự đày đọa giày vò trong địa ngục, thành thử cánh cửa này không thể mở ra, bên trong có lẽ là yêu ma chốn địa ngục, hay quỷ quái dưới âm tào.

Tôi đang cùng lạt ma xem xét trong hang, bỗng bàn chân giẫm phải thứ gì đó. "Sột" một tiếng vụt qua, tôi cuống quýt nhảy lên. Những người ở ngoài cũng chiếu đèn pin soi xuống. Hóa ra là một con chuột xạ đen be bé, to chừng con mèo con, thấy ánh đèn pin khua khoắng, nó liền hoảng hốt chui tọt xuống phía dưới cánh cửa đen.

Chúng tôi giờ mới phát hiện, dưới chân cửa sắt đen có một kẽ hở rất lớn. Tôi lấy đèn pin rọi vào bên trong, sâu quá, chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi và Thiết bổng Lạt ma không muốn nán lại lâu hơn, liền men theo đường cũ trở ra phía ngoài hang. Hang động bí mật này không liên quan gì đến tọa độ mắt bạc, thêm một việc chi bằng bớt một việc, còn như trong đó rốt cuộc có thứ gì, thôi cứ để cho những đoàn khảo cổ và đoàn thám hiểm sau này đến tìm hiểu vậy.

Tuyền béo và Minh Thúc đều them nhỏ dãi pho tượng Phật mắt bạc kia, song Thiết bổng Lạt ma có mặt ở đây, cũng không dám làm bừa, cố gắng nín nhịn lòng tham sân. Minh Thúc dường như đang tự an ủi mình, loáng thoáng nghe thấy tiếng lão ta lẩm bẩm một mình: "Phàm là những kẻ làm nên đại sự, đều không câu nệ tiểu tiết, lần này ta đến khai quật Băng xuyên thủy tinh thi, ấy là vụ buôn bán tày trời rồi, pho tượng Phật mắt bạc này tuy cũng đang đồng tiền, song đem so ra, cũng chẳng đáng ra tay."

Thiết bổng Lạt ma bảo mọi người cùng hợp sức vào, di dời đất đá lấp lên chỗ bức tường đổ kia, sau đó đều đứng bên ngoài miếu. Do trong điện thờ miếu Luân Hồi thiếu mất một cây trụ, mọi người không ai dám mạo hiểm tiền vào trong, chỉ đứng ngoài thăm dò một lượt, phát hiện ra các cây trụ còn lại đều hết sức kiên cố, cây bị đổ kia chỉ là một cây trụ hờ, được đặt ở đó để cho bố cục đều đăn, kiểu như việc quạt lò trước gió, có cũng được, không có cũng không sao, chẳng hề ảnh hưởng gì đến sự an toàn của kiến trúc ngôi miếu.

Minh Thúc rút cuốn kinh cổ lấy của viện bảo tàng ở hải ngoại ra, đối chiếu với bức bích họa mặt bạc trên trần miếu, suy ngẫm những điều bí mật bên trong. Có Thiết bổng Lạt ma giúp đỡ, cộng thêm nguyên lý phong thủy tôi nắm trong tay, về cơ bản không có gì trở ngại, chẳng hề tốn sức thổi tro, chúng tôi đã có thể kết hợp bản đồ trong cuốn kinh cổ với tọa độ và mắt bạc chỉ ra lại với nhau.

Luân Hồi tông hết sức sùng bái nhãn cầu, nguồn gốc xa xưa nhất có lẽ xuất phát từ Ma quốc. Ma quốc sau khi diệt vong, vẫn còn để lại không ít di họa cho thế gian. Luân Hồi tông rồi cũng dần dần tiêu vong trong lịch sử, di tích mắt bạc đặc thù của tông phái này chỉ còn giữ lại được một chỗ trong vương thành Cổ Cách, nếu như nơi đây cũng bị hủy hoại nốt, vậy thì dù cho có bản đồ trong cuốn cổ kinh kia, cũng chẳng thể nào tìm tới tháp ma của Ma quốc được.

Tác giả và xuất xứ của cuốn kinh cổ này nay đã không thể khảo chứng, chỉ biết rằng vào những thập niên 20, 30 đầu thế kỷ, một đoàn thám hiểm nước ngoài nào đó đã đào nó lên từ một hang chưa kinh sách ở Tây Tạng. Ban đầu cuốn kinh này không hề được coi trọng, bị đem cất dưới tầng hầm viện bảo tàng để dính đầy bụi bặm, sau đó được một người quản lý dày công nghiên cứu về vấn đề tôn giáo vô tình phát hiện ra, tuy nhiên nội dung hết sức kỳ bí, trước sau vẫn khó mà lý giải được. Cho tới mãi mấy năm gần đây, cùng với sự tích lũy về mặt tư liệu, người ta mới phân tích ra nội dung trong quyển kinh đó, rất có thể là những thông tin ghi chép về một tòa lầu ma chín tầng. Tòa lầu ma chín tầng này là một mộ phần, bên trong cất giữ xác thủy tinh của Tà thần mà Ma quốc vẫn hằng sùng bái và thờ phụng. Nếu như tìm thấy nó, đố chắc chắn sẽ là phát hiện đình đám vang dội trong giới khảo cổ. Lịch sử huyền bí khó hiểu như câu chuyện thần thoại của Tây Tạng thời viễn cổ cũng có thể dựa vào đây mà được phá giải.

Qua nhiều lần khảo chứng, cuốn kinh cổ này rất có khả năng được hậu duệ của Ma quốc viết ra, độ tin cậy có lẽ rất cao. Khi ấy chỉ tiếc một điều duy nhất là, tuy có bản đồ cương vực của Ma quốc, nhưng núi non sông ngòi đều được đánh dấu bởi hình dã thú hoặc thần linh, so với bản đồ thường thức chung thì khác biệt quá xa, vả lại niên đại hết sức xa xưa, rất nhiều tên và ý nghĩa tượng trưng của các nguồn sông mạch núi đến nay đều đã thay đổi, thành thử càng khó xác nhận hơn.

Bức bích họa lớn trong tòa miếu của Luân Hồi tông này chính là chìa khóa để giải đọc phong thủy Mật tông thời cổ đại, bởi phương vị trong bức họa đó cực kỳ chuẩn xác, mỗi một màu sắc, thú thần, hoặc thiên thần, đều chỉ ra những vị trí địa lý tương ứng. Đã có dấu mốc phương hướng này, bước tiếp theo sẽ đối chiếu bản đồ cổ kim, dẫu ràng không thể chuẩn xác như thuật phân kim định huyệt, nhưng cũng coi như có một phạm vi đại khái, vẫn còn hơn là đáy bể mò kim.

Phong thủy học lưu truyền ở Trung Nguyên cho rằng thủy tổ long mạch trong thiên hạ là ở núi Côn Luân, điều này khác biệt rất lớn so với quan điểm phong thủy Mật tông của Tây Tạng, song truy về ngọn ngành, thì bản chất cũng na ná như nhau. Quan điểm phong thủy Mật tông hình dung núi Côn Luân là đất Phượng hoàng, hai mạch núi lớn còn lại, lần lượt là đất Khổng tước và đất Đại bàng.

Tòa lầu ma chín tầng quan trong nhất của Ma quốc, chính là ở Phượng hoàng thần cung. Trong kinh sách viết, Phượng hoàng thần cung là một dãy núi do bốn loại bảo thạch của thiên giới là vàng, bạc, thủy tinh, lưu li chồng chất lên mà thành, sườn núi chia ra làm bốn ngọn núi tuyết, lần lượt tượng trưng cho bốn vị thần hộ vệ của Ma quốc.

Thiết bổng Lạt ma nói, nếu núi Côn Luân được hình dung là phượng hoàng, vậy chắc chắn phù hợp với lời thơ trong bản trường ca tụng công huân của Thế giới Chế định Bảo châu Đại vương. Vậy thì vị trí của Phượng hoàng thần cung, theo những miêu tả trong bản trường ca, chính là ở miệng núi Kelamer, khu vực giao nhau giữa ba vùng Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương, còn hướng núi thì tương ứng với hai vị Hành Mẫu màu trắng và màu bạc, sao màu trắng tượng trưng cho núi tuyết, sao màu bạc tượng trưng cho sông băng.

Tôi nói kết quả đánh giá của tôi cho Minh Thúc và Thiết bổng Lạt ma nghe, vùng đất có bốn ngọn núi vây quanh, thuật phong thủy Thanh Ô gọi là "Thù mậu", quyết chú tầm long gọi là "Long đỉnh" (đầu rồng), là xương sống của trời đất, tổ của long mạch phát nguồn từ đất này, hình thế vô cùng hiếm thấy. Chỉ cần có thể xác định được vị trí đại khái là ở cửa núi Kelamer, cộng thêm sự giúp đỡ của hướng dẫn viên bản địa, chắc sẽ không khó tìm ra.

Minh Thúc thấy cuối cùng cũng xác định được địa điểm, vội kéo tôi lại một bên, rút giấy bút ra. Còn chưa đợt lão ta mở lời, tôi đã biết lão định nói gì. Tôi nói: "Cứ yên tâm, chúng tôi chắc chắn không bỏ rơi đám người ngựa của bác đâu, chúng ta tuy chưa ký kết gì, nhưng tôi đã nhận hai tấm Nhuận hải thạch của bác làm tiền đặt cọc, quân tử hứa bằng mồm, tiểu nhân hứa bằng giấy, quân tử không hứa suông, cũng không thất ước, tiểu nhân hứa hẹn đủ điều, những vẫn thất ước như thường, liệu có tuân thủ lời hứa hay không là ở người, chứ không phải ở giấy bác ạ!"

Minh Thúc bấy giờ mới yên tâm, vui vẻ ra mặt, phản ứng cao nguyên dường như thuyên giảm đi nhiều, tựa hồ đã ôm được Băng xuyên thủy tinh thi vào trong tay. Tôi khuyên lão chớ có vội mừng, đây mới là bước đầu tiên của cuộc vạn dặm trường chinh, đợi khi nào tới được khe núi Kelamer ở Côn Luân, đào được lầu ma chín tầng, lúc ấy hẵng mừng cũng chưa muộn, trước khi sờ tận tay day tận mắt, chẳng ai dám bảo đảm nội dung cuốn kinh sách đó có đáng tin thật hay không? Có khi sách ấy chi là do một thằng cổ nhân nào đó ăn no rửng mỡ, viết ra chơi chơi thôi cũng không chừng.

Shirley Dương lại chụp mấy bức ảnh làm tư liệu tham khảo sau này. Lần này tới tìm tọa độ của phong thủy Mật tông thuận lợi hơn nhiều so với dự kiến của chúng tôi, ngoài cây trụ và bờ tường sụt lở khiến mọi người một phen khiếp vía ra, cơ hồ không có bất kỳ trắc trở gì, hy vọng quãng đường tới đây cũng suôn sẻ như vậy.

Lúc chúng tôi xuống núi, mặt trời đã chếch Tây, đêm trên cao nguyên rất lạnh, không cần thiết phải quay về ngay trong đêm, thế là cả bọn nghỉ lại trong một pháo đài đá phòng vệ tiền tiêu cách vương thành Cổ Cách độ vài dặm. Tay hướng đạo đi cùng đoàn chuẩn bị bữa tối và trà sữa cho chúng tôi, sau đó lại cho mấy người thể chất hơi yếu uống một bát thuốc phòng cảm mạo, trong môi trường tự nhiên thế này, điều đáng sợ nhất là bị cảm, bị cảm trên cao nguyên, có khi còn nguy hiểm đến cả tính mạng cũng không chừng.

Đêm đó ai nấy đều mệt mỏi rã rời, nơi đây lại không có nguy hiểm gì, lũ sói đã bị đánh đuổi đi từ lâu, cho nên cũng chẳng để ai thức canh gác, dăm ba người ních vào một gian vọng gác ngủ chung. Đám đàn bà con gái Shirley Dương, Hàn Thục Na và A Hương ngủ ở gian phòng trong cùng, tôi và Tuyền béo ngủ ở phòng đá ngoài cùng.

Trời về khuya, chúng tôi lần lượt chợp mắt. Mấy năm nay hằng đêm tôi chỉ toàn ngủ chập chờn, ban ngày còn đỡ, đêm đến dẫu có nằm mơ tôi cũng vẫn mở trừng một mắt. Shirley Dương bảo tôi đó là "hội chứng căng thẳng thần kinh hậu chiến tranh", cần phải uống thuốc an thần. Tôi thì lo uống thư đó đầu óc nó ngây dại cả đi, cho nên mãi không uống.

Trong lúc nửa thức nửa ngủ ấy, bỗng nghe bên ngoài có tiếng bước chân hết sức rón rén, tôi lập tức mở trừng hai mắt, nhờ vào ánh sáng mỏng mảnh lạnh ngắt của trăng sao rớt qua khe hổng của lầu đá, chỉ thấy một bóng người màu đen, tức tốc chạy vụt qua cửa.

--------------------------------

Chú thích:

1. Sabina przewalskii.

2. Hóa thân của Bồ Tát trong Phật giáo Tây Tạng.