Tuy quyết định sẽ đi Mỹ, song cũng không thể nói đi là đi ngay được, trước khi xuất ngoại còn có rất nhiều việc phải xử lý. Nhà Răng Vàng ở Bắc Kinh, thời gian này hắn và Tuyền béo đi khắp nơi bán đồ cổ, tôi thì về Phúc Kiến thăm nhà, sau đó lại đi thăm nom người nhà của mấy đồng đội đã hy sinh, đồng thời cũng cùng với Tuyền béo đi Nội Mông, nơi chúng tôi từng tham gia lao động một chuyến, ngót nghét cũng phải mất hơn hai tháng mới xong xuôi được tất cả công việc.
Khi quay về Bắc Kinh thì đã là tháng rét nhất mùa đông, cách ngày chúng tôi xuất ngoại chỉ còn mấy hôm nữa, mọi việc trước mắt đều đã chuẩn bị hoàn tất, liên tục ngày nào cũng bận bù khú chia tay với người quen.
Hôm nay Shirley Dương cùng tôi đi dạo phố, ngắm cảnh mùa đông ở Bắc Kinh, sau rồi tôi dẫn cô chơi công viên Bắc Hải.
Gió Tây Bắc thổi suốt đêm khiến mặt đất rất sạch ráo, mùa đông cuối năm 1983 này dường như đặc biệt lạnh, không khí như đóng băng lại, hít thở cũng cảm tháy trong phổi như có bụi băng, đau tức cả phế quản, đến sáng nay gió đã bớt nhiều, song bầu trời u ám, không nhìn thấy mặt trời ở nơi nao, có lẽ trước khi trời tối, sẽ đổ một trận tuyết lớn.
Công viên Bắc Hải nằm ở góc Tây Bắc của Cố Cung, đã có hơn ngàn năm lịch sử, từng là vườn cấm địa của hoàng gia, trải qua năm triều đại Liêu, Kim, Nguyên, Minh, Thanh.
Đi dạo ven hồ, ngắm nhìn đảo Quỳnh tháp Trắng trong vẻ se sắt tiêu điều, tôi cảm thấy mùa đông nơi đây chẳng có chỗ nào có thể du ngoạn, nhưng sắp rời xa đất nước đến nơi rồi, cũng chẳng biết ngày tháng năm nào mới có thể quay lại Bắc Kinh, thành thử bỗng dưng cảm thấy quyến luyến tường Hồng tháp Trắng nơi này, cũng chẳng quá bận tâm tới khí trời giá lạnh.
Shirley Dương lại rất hứng khởi, cô nàng đã đón A Hương sang Mỹ sắp xếp ổn thỏa trước rồi, giáo sư Trần được chữa bệnh tâm thần ở Mỹ cũng đã hồi phục khá lên trông thấy. Lúc này trông thấy trên mặt hồ đóng băng có rất nhiều người trượt băng, có mấy người trượt băng lão luyện mùa đông năm nào cũng đến đây, họ lướt trên giày trượt, chốc chốc lại trình diễn các động tác đẹp mắt, lúc thì như chuồn chuồn điểm nước, lúc lại giống như én bỡn rặng cây, tôi và Shirley Dương liền đứng lại ngắm. Shirley Dương bảo tôi :" Ở đây nhộn nhịp anh nhỉ, cái thú trượt băng trong khu rừng cổ kính mùa đông, e là chỉ mỗi Bắc Kinh mới có!".
Tôi ứng tiếng đáp :" Đương nhiên rồi, dẫu đi tứ hải ngũ hồ, cũng chẳng thú vị bằng trượt băng ở Bắc Hải mà".
Shirley Dương hỏi tôi :" Anh có vẻ lưu luyến Bắc Kinh nhỉ, hay là hối hận đi Mỹ cùng tôi rồi? Tôi biết việc này hơi làm khó anh, song tôi thật sự rất lo anh sẽ lại đi đổ đấu, nếu không trông anh cả ngày ở Mỹ, tôi sẽ chẳng thể nào yên tâm được".
Tôi nói :" Quân tử nhất ngôn, tôi đã hạ quyết tâm đi Mỹ, đương nhiên sẽ không hối hận. Tuy nhiên tôi quả thực không nỡ xa Trung Quốc, đợi sau khi tôi quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung xong, tôi vẫn có thể đưa cô quay lại đây chơi". Vừa nói, tôi vừa rút chiếc bùa Mô kim trong túi ra cho Shirley Dương xem :" Cô xem cái này mà xem, tôi và Tuyền béo đều đã dỡ bùa xuống rồi, coi như là đã rửa tay gác kiếm, đời này sẽ không làm nghề đổ đấu nữa, trừ phi là đã chán sống, sau này chúng ta sẽ làm gì đó ổn định hơn".
Mô kim Hiệu úy đều phải đeo bùa Mô kim, nó tương đương với thẻ công tác, xét từ góc độ nào đó, nó còn tượng trưng cho vận may, một khi đeo chiếc bùa lên cổ thì bắt buộc vĩnh viễn không được dỡ xuống, bởi vì một khi dỡ xuống, thì ngầm ám chỉ đến sự đứt gãy của vận may, nếu sau đó đeo lên thì cũng sẽ không được sư tổ phù hộ cho nữa. Chỉ có khi nào quyết định chấm dứt làm nghề này thì mới dỡ bùa, cũng giống như việc rửa tay gác kiếm của hội lục lâm, rất hiếm người sau khi dỡ bùa lại tiếp tục quay về nghiệp cũ. Liễu Trần trưởng lão năm xưa là một ngoại lệ, để hiệp trợ Gà Gô, ông ngoại Shirley Dương, Liễu Trần trưởng lão sau khi dỡ bùa đã lại xuống núi, để rồi cuối cùng chết trong hang chứa báu vật Tây Hạ ở thành Hắc Thủy".
Shirley Dương thấy tôi đã dỡ bùa Mô kim xuống từ trước, tỏ ra cảm động vô cùng, nói với tôi :"Từ xưa tới giờ đã có biết bao cổ mộ bị khoét sạch, những ngôi còn sót lại, quá bán đều nằm ở những nơi có vị trí đặc thù, trong đó ẩn chứa quá nhiều hung hiểm, thế nên tôi từ đầu chí cuối vẫn lo anh đi đổ đấu. Giờ thì cuối cùng anh cũng chịu dỡ bùa Mô kim, thế là tốt quá rồi, sau khi đến Mỹ, tôi cũng không lo anh lại giấu tôi lẻn đi đổ đấu nữa".
Tôi nói với Shirley Dương :" Không quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung đến cùng, tôi sẽ không quay lại. Tôi nghe nói ở Mỹ mặt nào cũng tốt, nhưng thói quen ăn uống và tác phong sinh hoạt thì lại không dễ để người ta chấp nhận chút nào. Tôi nghe nói người Mỹ ăn uống rất đơn điệu, làm cơm rất không tinh tế, hai lát bánh mì cứng như đá, ở giữa lại kẹp hai lát cà chua và một lát thịt bò chín tái, thêm nữa thì lại cắt vụn rau sống ra ăn thẳng, thế mà gọi là bữa cơm à? Bữa cơm tôi ăn ở mặt trận Vân Nam còn ngon hơn, chắc chúng ta không phải ngày nào cũng ăn cái thứ này chứ? Tôi thấy người Mỹ thực sự không hiểu, thậm chí không biết thế nào là ẩm thực, chẳng trách nước Mỹ nhiều tiền như vậy, chắc là toàn do bóp mồm bóp miệng mà ra".
Shirley Dương nói :" Ai bắt anh cả ngày phải ăn hamburger, quán ăn Trung Quốc ở Mỹ đầy nhé, anh muốn ăn thì ngày nào chúng ta cũng đến đó ăn. Mà tác phong sinh hoạt nghĩa là sao?"
Tôi nói :" Cái này mà cô cũng không biết à? Cái câu "I love you" gì đấy ở Trung Quốc có khi cả đời chẳng nói được mấy lần, nhưng mà nghe nói đôi vợ chồng Mỹ sống với nhau, nếu một ngày nói "I love you" có một lần, thì có nghĩa là vợ chồng phản bội nhau, lập tức ly dị hoặc ly thân, sáng trưa chiều đều phải nói một lần mới đủ, tốt nhất là lúc thức dậy và lúc đi ngủ đều phải nói thêm hai lần, cho dù một lần nói mười lần cũng chẳng ai chê là nói nhiều, có khi gọi điện thoại đường dài chỉ để nói mỗi câu ấy, nói lải nhải mãi mà vẫn không chán, đúng thật là kỳ lạ! Tôi nghĩ lời đồn này chắc là thật, bởi tôi còn nghe nói, có một anh lính người Mỹ bị trọng thương trên chiến trường, lúc hấp hối sắp chết còn phải dặn dò đồng đội chuyển đến người vợ câu nói này ..." Tôi giả vờ bộ dạng hấp hối, thở nặng nhọc rồi nói :" Trung úy ... hãy hứa... giúp tôi chuyển lời với vợ tôi ... rằng tôi ... tôi yêu cô ấy!". Nói đoạn tôi đã lăn ra cười nắc nẻ.
Shirley Dương cũng phì cười vì tôi, song lại nói :" Anh thật là chẳng đứng đắn gì, việc ấy có gì mà khiến anh cười cợt thế nhỉ, câu nói này không những có thể nói với người yêu và bạn đời, còn có thể nói với bố mẹ và con cái. Yêu một người, thì phải cho người ta biết người ta quan trọng với mình như thế nào, điều này rất bình thường, và cũng rất cần thiết. Sau này anh cũng phải nói câu này mười lần mỗi ngày đấy!".
Hết