Nghĩ đến tình trạng của người bị thương, chúng tôi không nấn ná ở Kelamer quá lâu, ba ngày sau, đoàn thám hiểm quốc tế của chúng tôi từ biệt những người du mục bản địa lên đường quay về Bắc Kinh.
Vừa về tới thành phố, tôi đã bảo Tuyền béo đi gọi Răng Vàng đến ngay, rồi cùng gặp mặt tại nhà Minh Thúc, thu hết toàn bộ số đồ cổ đắt tiền. Đương nhiên việc này tôi không để Shirley Dương biết, cô muốn đưa A Hương đi bệnh viện kiểm tra vết thương, tôi liền tìm bừa lấy một lý do để chuồn trước.
Minh Thúc định chạy làng mấy lần đều không thoát, đành đưa chúng tôi vào nhà với bộ mặt thảm thê như đưa đám. Thành Bắc Kinh từng được nhắc tới với câu nói "Ngõ lớn ba ngàn sáu, ngõ nhỏ chọi lông trâu", sau cải cách mở cửa, việc quy hoạch và cải tạo thành phố dẫn đến sự giảm bớt về số lượng của các căn tứ hợp viện. Căn nhà của Minh Thúc nằm ở mạn Phụ Thành Môn, có thể coi là một khu phố yên tĩnh giữa muôn sự nhiễu nhương, tuy có hơi cũ nát, song từng tấm ngói, viên gạch đều toát lên một vẻ đẹp cổ xưa tàn tạ, ít nhiều còn lưu giữ được bầu không khí "chum cá, mái vòm, cây thạch lựu; cụ già, trẻ béo, chó to phì". Tôi càng trông càng cảm thấy khu nhà này hết sức cầu kỳ, khó tránh khỏi nuối tiếc, ngay từ đầu nếu bắt lão đem căn nhà này ra làm một phần thù lao, hẳn lão sẽ đồng ý ngay, tiếc rằng chúng tôi chỉ đòi đồ cổ và tranh vẽ trong căn nhà.
Chẳng bao lâu, Tuyền béo và Răng Vàng mỗi tên đã vác hai rương da to, hăm hăm hở hở chạy tới tụ tập. Răng Vàng vừa nhìn thấy tôi đã nhe cái răng vàng chói ra nói :" Ối giời ơi! Anh Nhất của tôi, anh nhớ người anh em quá phải không? Từ khi các anh đi Tây Tạng, mí mắt tôi hôm nào cũng giật cục, cứ như trông ngóng Hồng quân Trung ương tới Thiểm Bắc ấy, thôi thì cuối cùng cũng đợi được các anh về. Giờ tình hình ở Phan Gia Viên không khá lắm, chẳng thể nào làm ăn được gì, độ các anh không ở đây, người anh em chẳng biết tìm ai bàn bạc ..."
Tôi nói với Răng Vàng :" Chuyến đi Côn Luân lần này anh em tôi suýt chết, không ngờ căn cứ địa của ta ở đây cũng gặp khó khăn? Nhưng mà thôi, việc này để lúc nào rảnh hẵng nói, giờ ta xông vào đánh thổ hào phân ruộng đất, lão Minh đã đem đồ cổ minh khí trong nhà làm thù lao trả chúng ta. Cái ngón giám định giá trị và niên đại đồ cổ,tôi và Tuyền béo còn nông cạn lắm, thế nên phải nhờ ông anh ra tay, để anh em tiện đánh nhanh rút nhanh".
Răng Vàng nói :" Hai vị chỉ việc đứng trông thôi, cứ yên tâm, người anh em không thạo mấy ngón đổ đấu, nhưng nếu xét về nhãn lực giám định đồ sứ, đồ ngọc cổ ấy mà, không phải nói phét, ba sáu phố phường, mười phương lăng chạ, chưa có tay nhà nghề nào bì được với tôi đâu!".
Tuyền béo bấy giờ hí hửng cười ngoác không ngậm nổi miệng, một tay túm chặt cổ Minh Thúc, nói :" Thu dọn bình vàng lọ ngọc, phân ruộng phân đất bận ghê. Bác Minh này, chúng tôi không khách khí với bác nữa, biết nhau cả rồi mà. Khi trước bác giơ súng nhằm vào tôi, tôi không tiện nói gì. Giờ không phí lời nữa, phiền bác mở cửa mau lên".
Minh Thúc đành phải mở cửa căn phòng bày đồ cổ cho chúng tôi vào, bên trong mọi thứ vẫn như cũ, trên mấy tủ gỗ đàn cổ phác bày la liệt những món đồ cổ, khiến người ta chẳng biết phải bắt đầu xem từ đâu. Trong đây vẫn chẳng khác gì so với lần đầu tiên chúng tôi đến, chỉ có điều thiếu mất con mèo sứ hoa mười ba ria vốn dĩ chẳng đáng bao tiền, chúng tôi cũng chẳng thèm để mắt. Răng Vàng thì từ đầu chí cuối vẫn chỉ đau đáu, thèm thuồng miếng ngọc hình chim phượng mà Minh Thúc luôn mang trong người, món này rơi vào tay Tuyền béo từ lâu rồi, nhưng lúc này đều phải moi ra hết, để tiện kê vào sổ tính tổng giá trị. Số vốn đi Mỹ làm ăn lần này của chúng tôi, đều phải trông chờ cả vào đây thôi.
Răng Vàng chẳng nhìn lọt mắt thứ gì khác, lần này coi như đã nắm được miếng phượng ngọc trong tay, liền cảm khái tự đáy lòng :" Nếu bảo nghiền nát ngọc ra ăn là có thể trường sinh bất lão thì rõ là không khoa học, nhưng mà mỹ ngọc có công hiệu dưỡng da, dưỡng sinh là sự thực không thể bàn cãi. Lão Phật gia Từ Hy Thái hậu hàng ngày kiên trì dùng ngọc dưỡng da, năm xưa ái phi của Tùy Dạng Đế là Chu Quý Nhi, dùng ngọc nhuận tóc ở Côn Sơn, chẳng dùng dầu hoa lan mà tóc tai vẫn óng mượt, nữ nhi trong thế gian chẳng ai có thể so bì, nhưng thứ ngọc mà bà ta dùng mới chỉ là ngọc Côn Sơn thôi, còn thua xa miếng ngọc phượng ở đáy biển Đông này. Cổ nhân có câu : Người quân tử không vô duyên vô cớ mà để ngọc rời mình. Anh Nhất ạ, theo tôi thấy, miếng ngọc phượng này đừng có bán ra, cứ giữ lại bên mình mà làm vật truyền đời anh ạ!".
Tôi đón lấy miếng ngọc quan sát, tuy có nguồn gốc rõ ràng, là chân phẩm mà bà Dương quý phi đã từng dùng, nhưng ngay đến tôi còn có thể nhận được ra, miếng ngọc mang phong cách "Hán bát đao" (1) rõ rệt, chứng tỏ niên đại của miếng ngọc còn phải xưa hơn thời Đường, đúng là một miếng mỹ ngọc hiếm có trên đời. Song suy cho cùng miếng ngọc này cũng là đồ đàn bà, chúng tôi giữ nó thì có tác dụng gì? Chẳng bằng đổ lấy tiền mặt cho xong, song nghĩ lại, sao không tặng cho Shirley Dương nhỉ, đây không phải là hàng đổ đấu, chắc chắn cô nàng sẽ thích, thế rồi tôi gật đầu đồng ý, bảo Tuyền béo lúc tính nợ, đừng có tính miếng ngọc phượng này vào.
Sau đó chúng tôi lại kiểm tra từng món còn lại, không kiểm thì thôi, khi kiểm hàng mới hay thằng cha Minh Thúc này đã chơi đểu. Cái món đồ cổ này, thời Minh Thanh đã có rất nhiều đồ phỏng cổ tinh xảo, chính bởi vì nó có giá trị thu tàng, không đáng để phẩm bình, để giám biệt thật giả, như vậy mới có không gian cho các người chơi thi triển nhãn lực, tài lực, phách lực. Cái ngón giám biệt thật giả này, nhập môn thì dễ, để tinh thông thì khó, xét từ một ý nghĩa nào đó, sự hấp dẫn của đồ cổ cũng là ở chỗ thật giả khó lường. Những món trong căn phòng này của Minh Thúc, có không ít món trông thì tưởng là thật, nhưng quan sát kỹ để giám biệt, tay sờ mũi ngửi, là biết ngay giá trị không cao, phần lớn đều chỉ là bày biện lấp chỗ trống.
Tuyền béo nổi giận, định bẻ gãy xương sườn Minh Thúc làm mắc áo, lão vội xin tôi tha tội. Trước đây vì sĩ diện nên mới bày biện những món này khắp phòng, những món lão khổ sở sưu tầm cả đời ở Nam Dương thì phần lớn đã đem ra trả nợ cho hai thằng quý tử rồi, trên thực tế lão đã gần khuynh gia bại sản, bằng không cũng đâu đến nỗi phải liều cái mạng già đến Côn Luân. Tuy vậy, những thứ này cũng không phải toàn đồ giả, cá biệt cũng có mấy món đáng tiền.
Tôi xua tay ra hiệu cho Tuyền béo thôi đi, đấm lão một trận, lão cũng không nôn được vàng ra, cứ lọc hàng lởm ra cái đã, xem xem còn lại những thứ gì. Đoạn liền cùng Răng Vàng và Tuyền béo bắt tay vào việc, dốc hòm, lục tủ, thanh lọc hết toàn bộ số đồ trong đó.
Tuyền béo tự cho rằng mình có cái nhìn độc đáo, liền nhặt một chiếc bát sứ hình hoa sen đỏ sậm lên nói :" Anh Răng Vàng, Nhất này! Hai người nhìn xem! Cái này chắc chắn là men Dao Biến. Phía ngoài bát sắc men đỏ sậm như máu, bên trong lại toàn là những men hoa hình sọc, tôi thấy tay Lý hói chuyên buôn bán đồ sứ ở Phan Gia Viên từng cầm một món na ná thế này, hắn bảo màu này gọi là màu máu gà hoặc là màu đỏ chu sa, các hình sọc bên trong gọi là tường ngấm mưa, trông giống như những vệt nước mưa xuôi theo bờ tường chảy xuống. Nếu là loại sứ Quân Châu thì cũng đáng khối tiền đấy".
Răng Vàng đón chiếc bát xem xét :" Con mắt của anh Béo thật tinh tường, nhưng mà làm gì có nhiều sứ Quân Châu đến thế. Tục ngữ có câu "Chỉ một miếng sứ Quân Châu, có thể đổi lấy muôn trâu ngàn vàng", bao năm làm ăn tôi cũng chưa thấy được món nào hoàn chỉnh, "sứ Quân Châu độc nhất, men Dao Biến vô song", không dưng mà lại có thể thấy được đấy! Trong các màu men thì màu đỏ như son là nhất, màu xanh như cánh trả, màu tím tựa như đen thì là thứ phẩm, còn cái men hoa hình sọc anh bảo là Dao Biến kia thì gọi là hoa văn giun sục bùn, tức là trên bề mặt men xuất hiện những vệt men ngoằn ngoèo, dài ngắn khác nhau, chạy theo hướng từ trên xuống dưới, giống như giun bò trong bùn ấy, rất độc đáo. Đầu tiên phải nói rằng vật đựng này không phải bát, mà là cái rửa bút, màu này là màu đỏ hoa hồng, là hàng phỏng theo sứ Quân Châu sắc tím, phỏng theo màu tím nho sẫm mà đẹp, nói chung, bất kể là từ hình thức, sắc men, phôi sứ hay độ tròn thì đều không phải hàng thật, mà chỉ là hàng phỏng cổ cao cấp cuối thời Dân quốc mà thôi, chắc xuất xứ là mạn Tô Châu, bán được một nghìn tệ đã là khá lắm rồi!".
Tôi nói :" Trong đống đồ giả cũng có thứ phỏng tạo tinh xảo, tuy không đáng giá tiền bằng thứ đồ thật, nhưng vẫn còn hơn là loại phế phẩm, có khi đem bán cho Tây, đổi được ngoại hối cũng nên". Nói đoạn liền gói chiếc "bát" rửa bút lại.
Trong đống đồ cổ tùm lum, thật giả lẫn lộn này, có một món lọt mắt tôi, đó là một chiếc cốc sứ tròn trĩnh đều đặn, sắc men trắng muốt, hình dạng giống như chiếc cốc các lãnh đạo vẫn dùng trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân, có điều kỹ nghệ chếc tác dường như cầu kỳ hơn, cảm giác chất hơn, đương nhiên đặc trưng thời đại rõ rệt của nó mới là điểm thu hút nhất: quai cốc được tạo hình búa và lưỡi liềm, trên nắp có ký hiệu năm ngôi sao đỏ và nắm đấm, in dòng chữ " Vì sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước", chính diện thân cốc còn chép dòng ngữ lục của chủ tịch Mao " Quán triệt con đường chung và nhiệm vụ chung vào tất cả mọi việc!".
Tôi hỏi Minh Thúc: " Chiếc cốc này chắc không phải hàng giả chứ, nhưng không biết là của vị lãnh đạo nào để lại? Bác lượm lại được từ đâu thế?"
Lão nói cái này đương nhiên không phải hàng giả, hai năm trước lão được một người bạn ở Đại Lục tặng cho, nghe nói là hàng độc, giá không thấp đâu, là sản vật điển hình của nước cộng hòa, các chú lấy nó đi rồi, thì để lại cho anh vài món trong đống còn lại nhé.
Tuyền béo xem xong nói :" Trước đây trong nhà tôi cũng có một bộ, ông già tôi được phát lúc đi họp. Hồi ấy tôi còn nhớ, bị thằng Nhất dụ dỗ chuồn khỏi nhà lêu lổng, lấy ra làm bia đạn, bẵn vỡ rồi. Cái cốc vỡ thế này mà cũng bán được giá à?"
Răng Vàng nói :" Thời đó, thậm chí là cả hiện giờ, mấy cái cốc phát cho các nhà lãnh đạo dùng cũng đều như nhau cả, song chiếc cốc này chắc chắn không giống thế. Các vị nhìn xem chữ lạc khoản trên cái cốc này đi, chữ của Trương Tùng Đào nhé, lại còn là Hợp tác xã công nghệ vẽ sứ số một thị trấn Cảnh Đức! Chiếc cốc này không thường đâu, theo tôi biết, đây chắc chắn là hàng thửa riêng cho hội nghị Lư Sơn của Trung ương, thời bấy giờ đây là một nhiệm vụ chính trị trọng đại, phải triệu tập nhiều danh thủ chuyên vẽ sứ ở trấn Cảnh Đức đấy. Số lượng không nhiều, được ông Tùng Đào đề khoản lại càng hiếm có, giá trị rất cao là khác, hàng độc đấy, có khi hiện giờ giá chưa quá rõ rệt, nhưng để càng lâu, chiếc cốc này càng đáng tiền".
Tôi nhấc chiếc cốc lên ngắm đi ngắm lại, nếu để trong phòng uống nước, chẳng phải có cảm giác như một nhà lãnh đạo hay sao? Tuy đây không phải là đồ cổ đúng nghĩa, song bản thân chiếc cốc lại được chế tác rất tinh xảo, kiểu dáng độc đáo, số lượng vô cùng ít ỏi, đáng quý hơn nữa là nó đã chứng kiến sự biến chuyển tang thương trong lịch sử và được phủ lên một lớp ý nghĩa dày cộp, phù hợp với hai chữ "tinh" và "ít" trong năm chữ "cũ, tinh, ít, đẹp, tốt" dùng để cân đo giá trị của đồ cổ, nếu ghép được thành một bộ thì giá trị có thẻ vượt qua các món minh khí thông thường. Xem ra trong những món đồ chơi của Minh Thúc cũng có một số thứ hay hớm, tuy không được một mẻ lớn như chúng tôi dự tính, song cũng coi như đã có một số thu hoạch bất ngờ.
Đại đa số các thứ bày biện trong phòng Minh Thúc đều được lão "đánh trọn gói" từ tay của cánh buôn bán đồ cổ, đem về bày cho ngập mắt. "Đánh trọn gói" tức là mua một lô cổ vật cùng một lúc, đại đa số đều là hàng phỏng cổ cao cấp, được làm vào khoảng những năm Dân quốc, tuy không đáng giá mấy, song cũng không đến nỗi rẻ mạt như mấy thứ hàng giả, vả lại trong số những món đồ này vẫn có mấy thứ hàng tốt, đáng đồng tiền. Thế rồi cả ba chúng tôi chấn chỉnh tinh thần, phân loại rõ từng món đồ, qua con mắt giám định của Răng Vàng, nhất loạt những thứ rẻ tiền đều được chất vào góc nhà.
Càng đi sâu vào thanh lọc, đồ cổ trên giá gỗ càng ít đi, sắc mặt của Minh Thúc cũng càng khó coi. Bấy giờ Tuyền béo thấy có chiếc ấm tử sa ở một chỗ không mấy bắt mắt, trông đen trùi trũi, quê một cục, bèn thuận tay vứt vào trong góc nhà chất đầy các đồ thứ phẩm. Răng Vàng lúc đó đang dùng mũi ngửi một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng, đột nhiên nhìn thấy chiếc ấm Tuyền béo vừa vứt ra, bỗng há hốc mồm, hai mắt chăm chăm dõi theo hướng rơi của chiếc ấm, bỏ luôn cả pho tượng Phật bằng đồng cầm trong tay, cũng chẳng rõ vì sao thân thủ của hắn lúc này lại nhanh lẹ đến thế, ai ngờ trước lúc chiếc ấm chạm đất, hắn đã đỡ gọn. Trán Răng Vàng lấm tấm mồ hôi, hắn nói :" Anh béo ơi là anh béo, lạy anh làm cụ đấy, vừa rồi tôi mà không đá mắt nhìn, thì chắc cái ấm này bị anh đập vỡ rồi".
Tuyền béo đáp :" Hớt hơ hớt hải làm cái gì, cái ấm quê bỏ cha bỏ mẹ, lại chẳng còn lớp tử sa trơn bóng nữa, chẳng biết là móc từ cái rãnh mả nào lên, bố ai thèm bỏ tiền mua!".
Tôi cũng cảm thấy chiếc ấm chẳng có gì nổi bật, tạo hình cũng thường thường, chỉ có điều trông nó đen một cách thái quá, mất đi cái vẻ nhẵn bóng khi qua tay nhiều người, đây cũng chính là "lớp bám bóng" trên bề mặt các ấm cổ mà chúng tôi vẫn gọi nôm na, căn bản không thể nom ra dược nó giá trị ở điểm nào. Song Răng Vàng rất hiếm khi nhìn lầm, chẳng lẽ đây là món có giá trị thật?
Răng Vàng khẽ khàng sờ tay lên mặt ấm, dùng mũi hít hai hơi, nói :" Đừng thấy cái ấm tử sa này không bắt mắt mà coi thường nhé, đây là cổ vật thời Minh đấy, kiểu dáng này thuộc loại ấm Cân nang, tất cả ccá ấm tử sa thời Minh mà thời nay chúng ta có thể thấy, trên bề mặt đều không có lớp bám bóng trơn tru gì hết, bởi chín mươi chín phần trăm đều là những minh khí được đổ ra từ mộ cổ. Ấm bị chôn xuống dưới đất lâu năm, dù vốn dĩ trơn nhẵn song cũng sẽ bị đất xâm thực, hơn nữa công nghệ thời ấy còn chưa được cải thiện, đất bùn chỉ được lọc qua loa, tạp chất hơi nhiều, cho nên xét về cảm quan ban đầu, ấm thời Minh không đẹp bằng ấm thời Thanh, song đây lại là Minh khí theo đúng nghĩa của nó đấy".
Tôi, Tuyền béo và Răng Vàng bọc chiếc ấm lại một cách thỏa mãn, cuối cùng chọn ra được cả thảy hai mươi mấy món đồ. Sắc trời bất giác đã tối, nhìn đồng hồ thì thấy chín giờ tối rồi, mọi người vội kiểm hàng, dĩ nhiên quên cả cơm nước, Tuyền béo bảo lúc đến đây thấy ở đầu ngõ có quán cơm, cả đám tạt vào đó đánh chén một bữa đã rồi hẵng về. Thế rồi chúng tôi khuân đồ, sải bước chạy luôn, vốn không định kéo Minh Thúc cùng đi, song hình như lão còn nuối tiếc mấy món đồ nên cũng vác mặt mo chạy theo.
--------------------------------
Chú thích:
1. Kỹ pháp đẽo ngọc điển hình của thời Hán (202-220 TCN).