Tuyền béo đang định hỏi gì nữa, tôi liền xua tay chặn lại :" Sao? Vừa nhìn thấy quan tài đã sợ rồi à? Đúng là ngày trước đã có lời cảnh cáo "Quan tài chìm, quách đồng đen, nếu không cao số chớ lại bên", nhưng chúng ta đã đi qua cầu Tam Thế bước đến trước cửa âm cung, chứng tỏ cả ba chúng ta quá cao số, nếu không chưa tới cầu Tam Thế, ta đã rơi xuống âm phủ từ lâu rồi".
Tuyền béo nói :" Đúng nà vớ vẩn! Tư nệnh Béo này có biết sợ nà gì? Chỉ vì tôi chưa từng nhìn thấy kiểu quan tài này mà thôi. Nhưng mà "hổ đớp nhím", không biết phải nuốt kiểu gì bây giờ?"
Thực ra tôi cũng không biết bản mệnh của chúng tôi có vững hay không, nói thế chỉ nhằm giúp Tuyền béo có thêm can đảm. Cửa vào còn cách ba cỗ quan quách kỳ dị một quãng, ánh sáng của quả pháo tuy chói lòa nhưng chưa đủ để nhìn kỹ từng chi tiết, đành chờ thêm một lát đã, thấy cửa bị cạy rồi mà vẫn không xuất hiện bẫy chốt gì, tôi bèn gật đầu ra hiệu với Tuyền béo và Shirley Dương rằng có thể vào.
Shirley Dương xòe ô Kim Cang đi trước mở đường, tôi và Tuyền béo theo sát cô. Quả phảo sáng vừa bắn ra vẫn chưa tắt, đang soi khắp cả mộ thất. Đúng như tôi đã lường trước, đây là một mộ thất rất lớn kiểu chữ "Hồi", âm cung chia làm hai vòng trong ngoài. Bức tường trắng vây quanh là vòng một, cách bức tường chừng bảy tám mét, vòng trong lại có tường khác vây lại, cửa mộ trên hai bức tường nhìn vào nhau, bên trong chỉ là không gian thấp với nóc khum cong, cửa không có hàng rào chắn. Ánh pháo sáng soi vào tận nơi sâu nhất của mộ thất.
Vừa bước qua cửa ngoài, tôi dùng đèn pin mắt sói chiếu hai bên, đó là khoảng không gian kẹp giữa hai bức tường mộ, chất đầy các loại đồ tế bằng đồng xám xỉn. Những mâm đồng đỉnh đồng, xen lẫn với chúng là những chiếc ngà voi, tiền ngọc, nồi ngọc, tượng trưng cho danh phận quốc vương của chủ nhân mộ thất này.
Đây là một ngôi mộ vua chứa nhiều đồ tùy táng nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời. Những đồ tùy táng này đều làm riêng cho người chết, chứ không phải một đống các đồ vật có giá trị được tùy tiện chất vào như ở nước Tinh Tuyệt. Thời kỳ Hán Đường rất thịnh việc hậu táng, nghe nói thời ấy có một số lăng hoàng đế chôn theo đồ tùy táng đến cả vạn cân, tương đương với một phần ba tài lực của cả nước bấy giờ. Các đồ tùy táng trong mộ Hiến vương tuy không xa xỉ và nhiều bằng các lăng mộ hoàng đế kia nhưng cũng dường như đã chôn cả nước Điền vào trong mộ này. Có điều, các thần dân, nô lệ và báu vật đều không thể đi theo Hiến vương lên trời, sau hơn hai ngàn năm dãi dầu, tất cả đều mục nát dưới lòng đất âm u đen tối, không ánh mặt trời.
Tôi thở dài nghĩ bụng những món đồ cổ đáng giá của Trung Quốc ngày xưa đều mục nát như vậy cả sao, đoạn rảo bước cùng Shirley Dương tiến vào không gian bên trong của mộ thất. Mộ thất hai lớp tựa như thành trong và thành ngoài của các thành trì cổ đại, gian mộ thất lớp trong sâu nhất là khu vực trung tâm của ngôi mộ cổ.
Quả pháo sáng dần dần tắt ngúm, bước vào đến nơi vừa lúc bốn bề chìm trong bóng tối, chúng tôi bèn bật ngay đèn gắn trên mũ lên. Trước mặt là cỗ quan tài được treo lên bằng vòng đồng, có thể tích lớn nhất và cũng nổi bật nhất trong ba cỗ quan tài.
Quách đồng đen xỉn không gợn một tia phản quang, bên trên phủ một lớp bụi dày. Tôi xỏ găng tay, phủi bỏ lớp bụi phía trên, cỗ quách tức thì ánh lên một màu xám xanh kỳ dị. Những vết hoen gỉ màu xanh lục lỗ chỗ trên bề mặt đồng, thoáng nhìn cứ tưởng là có cả đàn rết xanh sẫm đang bò.
Nhìn kỹ hơn, thấy có chín vòng đai quấn quanh, kín mít đến độ gió cũng không lọt vào được, xung quanh chạm khắc rất nhiều hình thực vật kỳ dị, ngoài ra không có đặc điểm gì nổi bật khác, chỉ là to, đầm và nặng mà thôi. Áo quan bằng gỗ chắc nằm bên trong đó.
Còn hai cỗ quan quách kia, một cỗ bằng gỗ, nhìn kiểu dáng và kích cỡ thì có lẽ không phải quách gỗ, mà chỉ là quan tài đơn thuần. Nhưng chất gỗ đóng quan tài này cũng rất khác lạ, nhìn thoáng qua, thấy ván gỗ phải dày đến tám tấc, không quét sơn, mà chỉ để mộc, nguyên màu gỗ đen như than, chất gỗ cứng đanh chắc nịch.
Shirley Dương lấy làm lạ :"Hình như gỗ quan tài không được gia công đặc biệt gì, trên đời này có loại gỗ nào như thế này nhỉ?"
Tôi gõ tay lên nắp quan tài, phát ra tiếng "coong coong" như tiếng chuông, vang trong mộ thất nghe rất đằm tai. Tôi nói với Shirley Dương :" Đây chính là âm tử quan trong truyền thuyết, ở những nơi ánh mặt trời vĩnh viễn không bao giờ chiếu tới như các ngòi lạch khe trong chốn núi sâu rừng già, có loại cây lạ màu đen như than không bao giờ được hưởng ánh dương. Các cây bình thường cứ mỗi năm được tăng một vòng tuổi nhưng loại cây này thì phải vài chục năm hoặc trăm năm mới được thêm một vòng tuổi, gọi là âm tử mộc. Cái tên này rất đặc biệt, hình dung nó là thứ cây sinh trưởng nơi hang hốc trong lòng đất".
Tuyền béo cũng đưa tay sờ cỗ quan tài, nói :" Ối giời ôi, nếu đây nà âm tử quan thật vậy nó nà báu vật rồi. Nghe nói âm tử mộc rất khó nớn thành cây cho gỗ, có thể đóng quan tài, ván nại dày thế này, tính theo giá thị trường hiện giờ chắc phải đắt hơn cả đống vàng lớn bằng ngần này ấy chứ! Tôi nghĩ, nếu không tìm thấy thứ nào ưng ý hơn, chúng ta cứ khiêng nó về ... cũng được. Chuyến đi Vân Nam nần này sẽ không còn coi là đi lao động công ích cuối tuần nữa phải không hai vị?"
Tôi nói với Tuyền béo và Shirley Dương :" Vàng bạc so với đám gỗ này sao được? Mười cỗ quan tài vàng cũng không bằng. Các vị xem ván dày thế này, chưa kể đều là gỗ lõi cây âm tử tốt nhất, vẫn có câu nói "xẻ lõi âm mộc ván tám tấc", không phải là cây vạn năm thì đâu có thể có lõi dày thế này được? Năm xưa Từ Hy thái hậu lão phật gia cũng không được hưởng thụ thứ này đâu, vì loại cây này đã tuyệt chủng từ thời Hán, hậu thế không có ai tìm nổi cây âm tử thân to nữa".
Tuyền béo không ngớt xoa tay, nhịp thở trở nên nặng nề, nói :" Dù sao thì ... hai người ơi, ta còn chờ gì nữa? Mau khiêng nó ra đi thôi!".
Shirley Dương chẳng để ý đến Tuyền béo, nói với tôi :" Cỗ quách đồng xanh đang treo lửng lơ kia cũng rất đặc biệt, nó là thế nào vậy? Bên kia còn một cỗ quan tài dị dạng nữa, chẳng lẽ đây là Hiến vương và hai bà vợ?"
Tôi lắc đầu :" Giờ tôi cũng không hiểu ra sao nữa. Theo quy cách của lăng mộ xưa, quách đồng xanh thuộc hàng dị loại, chỉ có những kẻ mắc tội nặng, hoặc vị quý tộc mắc bệnh truyền nhiễm thì mới dùng quách đồng để bịt cho kín. Cũng có một thuyết khác nói rằng, trước khi liệm, xác đã có dấu hiệu thi biến, phải dùng quách đồng để đề phòng cương thi phá áo quan chui ra. Cô xem, bên ngoài quách đồng có chín sợi đai to nặng, đâu dễ gì mở được? Có ma mới biết được trong này chứa những gì?"
Shirley Dương nói :" Tôi chỉ biết có thứ quan tài góc đồng dùng để phòng xác biến, vậy ra bộ quách đồng xanh treo lửng lơ này cũng là như thế. Nhưng tại sao lại phải treo lên thế?"
Tuyền béo nói xen vào :" Điều này ngay tôi còn biết nữa nà! Trước đây bọn tôi đã từng thấy một bộ quách đồng mặt người trông dữ hơn bộ này nhiều, núc đó tư lệnh Nhớt sợ quá suýt vãi cả *********. Về sau tôi nghe nói quách treo bằng vòng đồng chỉ chuyên dùng cho những ai tu đạo cầu tiên, để sau khi chết rồi họ không tiếp xúc với uế khí ở mặt đất nữa. Tôi đoán rằng trong này, chín chín phần trăm nà não Hiến vương rồi, não không những không thành tiên mà còn chớm bị biến xác, nên phải dùng quách đồng vòng đồng treo trong mộ thất. Chúng ta tạm đừng đụng đến nó vội, chi bằng khiêng cỗ âm tử quan về trước, nửa đời còn nại chỉ ngồi đếm tiền cũng đếm không xuể!"
Tôi nói với Shirley Dương :" Cô đừng nghe Tuyền béo nói nhảm! Đứa sợ vãi ********* ra chính là cậu ta chứ đâu phải tôi! Nhưng mấy câu sau thì cậu ta nói đúng, quan quách treo lửng lơ đều là của những người tu đạo. Quách đồng dùng để hãm quỷ nhập tràng, tuy nhiên không thể khẳng định trong đó chính là Hiến vương. Ba cỗ quan quách này rất quái dị, ta phải làm rõ đã rồi hẵng ra tay".
Chúng tôi nhất trí xem xem cỗ quan tài thứ ba ra sao đã, rồi mới quyết định khai quan thế nào. Ba chúng tôi cùng bước vào chỗ sâu nhất của mộ thất. Bên trong ấy là một cỗ quan tài bằng đá kín mít không có vết ghép. Người ta đã dùng đá vân nguyên khối đục thành quan tài. Các mặt đá vân hết sức cổ phác thậm chí có thể nói là nguyên thủy, được chạm khắc hàng trăm chiếc vòng tròn lồng vào nhau, những vòng này tập hợp lại thể hiện một con dã thú màu đen, không phải rồng không phải hổ, chẳng rõ là con gì, đầy màu sắc cổ kính thần bí.
Phủ lên mặt ngoài quan tài đá là một lớp sơn son gần trong suốt, khe hở giữa nắp và thân quan tài ở trong lớp sơn này không thể nhìn thấy. Mấy năm ở Phan Gia Viên chúng tôi cũng tích lũy được một số kinh nghiệm, ở đó tuy lắm đồ giả nhưng thông tin thì cực kỳ phong phú, đặc biệt là có thể tìm hiểu được tin tức về các loại đồ tùy táng từ miệng các nhà sưu tầm dân gian mà nếu chỉ dựa vào sách vở không bao giờ có thể tiếp xúc được. Tôi đã không chỉ một lần nghe người ta nhắc đến quan tài đá kín như bưng, nghe nói từng hai lần đào được ở Sơn Tây.
Có điều rõ ràng là cỗ quan tài đá này ngắn hơn quan tài bình thường rất nhiều, bên dưới có bốn tượng người một chân tráng kiện bằng đá khiêng lên, cho nên nó cao hơn hẳn cỗ quan tài bằng gỗ âm tử. Thấy vậy Tuyền béo nói luôn :" Chắc chắn đây là con trai Hiến vương, nó là vương tử, chưa tốt nghiệp cấp hai thì đã tuẫn táng theo bố rồi, mà cũng chẳng cần bằng cấp làm gì, chỉ chờ cùng ông bố lên giời làm tiên thôi!"
Shirley Dương nói :" Không! Tôi chưa từng nghe nói có ai để cho con cái mình phải tuẫn táng. Hổ dữ còn không ăn thịt con nữa là!"
Tôi nói với cả hai người :" Đương nhiên không phải vương tử vương tôn gì cả, cỗ quan tài này ngắn, ấy là bởi rất có thể bên trong không chứa toàn bộ thi thể. Vào thời Chiến quốc, các nước phân tranh, muôn nhà đua tiếng, văn hóa mộ táng cũng trở nên đa dạng. Có các kiểu táng hợp tứ chi, táng giập vụn, táng uốn cong, táng cúi gập, táng ngồi xổm, táng treo, đặt nghiêng hoặc nằm ... Cách lý giải khác nhau về cái chết dẫn đến cách đặt tử thi cũng khác nhau. Có lẽ đây là quan tài đá táng theo kiểu quyển táng (uốn cong). Loại đá vân này cũng rất khác thường, là thứ đá mát rất hiếm thấy, tính chất tựa như thủy ngọc, thi thể bên trong lúc sinh thời chắc chắn cũng phải là một nhân vật có máu mặt".
Chỉ có điều hình thức quyển táng này đến thời Hán Vũ Đế thì đã tuyệt tích rồi, nhưng có còn tồn lưu ở nước Điền phía Nam không chẳng ai còn rõ nữa. Ba cỗ quan tài này ngoại trừ yếu tố "rất đặc biệt" ra, chúng hoàn toàn không thể đặt bên cạnh nhau mà luận được, tuy được đặt ở cùng một mộ thất nhưng dường như không liên quan gì đến nhau.
Tôi thầm nghĩ đằng nào đã không thể hiểu nổi, thôi cứ mở tất ra xem vậy, bèn bảo Tuyền béo bước đến chỗ góc cửa lúc nãy vào châm ba cây nến, rồi bắt đầu ra tay với cỗ quan tài âm tử đáng giá nhất. Dù Hiến vương đã thành đất cũng có sao, Mộc trần châu chắc chắn vẫn còn bên trong quan tài.
Tuyền béo đi thắp nến, tôi thấy ba ngọn nến sáng lên, chiếu rọi vào góc mộ thất âm u tăm tối, trong lòng chợt sực nhớ ra điều gì đó, cầu Tam Thế, ba cỗ quan tài?
Tôi đang vắt óc suy nghĩ, Shirley Dương bỗng nói :" Tôi vừa nghĩ đến cầu Tam Thế mà chúng ta thấy ở trước cửa âm cung, thi thể trong ba cỗ quan tài này có cái nào là của Hiến vương hay không còn chưa rõ, nhưng rất có khả năng không phải là ... vị Hiến vương sở hữu Mật phượng hoàng mà chúng ta cần tìm. Quan quách trong mộ thất này là do ông ta đào ra từ những ngôi mộ cổ khác, rất có thể ông ta đã thông qua một phương thức nào đó, cho rằng đây là thi hài kiếm trước của mình".
Tôi nghĩ ngợi, rồi đáp :" Đúng rồi! Vậy thì không khó lý giải nữa, ba cỗ quan tài này không thuộc về cùng một thời kỳ, chúng đại diện cho ba đời hiện thân của Hiến vương trên nhân gian. Đạo gia ở Trung Quốc xưa nay có lưu truyền truyền thuyết về "tiên lại tam sinh", tam sinh được gọi là tam ngục, trạng thái cuối cùng khi chết đều rất thê thảm, cho nên mới dùng thứ quan tài đặc biệt này để đặt xác. Còn Hiến vương thật sự chắc chắn cũng được chôn giấu ở đâu đây trong gian mộ thất này ... Ấy chết ... Tôi với cô cứ mải ngắm ba cỗ quan tài, Tuyền béo thắp nến ở góc mộ sao vẫn chưa quay lại nhỉ? Ba ... sáu ... chín, ở góc tường có đến chín cây nến! Sao thằng khốn này lại thắp nhiều nến thế này? Tuyền béo đâu?"
Shirley Dương ra hiệu bảo tôi nói khẽ thôi :" Anh nghe bên trong quách đồng xanh xem ... có tiếng gì đó phải không?"