Lý Trần Tình Hận

Chương 7

 

 Vụ án cưỡng dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên tuy làm vua Thái Tôn buồn bực nhưng ngài vẫn hoàn toàn im lặng. Mọi việc ngài để mặc Thái sư và triều đình quyết định. Dù Trần Liễu đã bị giáng chức tước, vua Thái Tôn vẫn tỏ ra niềm nở kính trọng anh mình, không có một lời khiển trách. Thái sư Trần Thủ Độ thấy vậy không hài lòng lắm. Ông vốn ghét cay ghét đắng Trần Liễu từ trước. Khi Trần Thừa còn sống, thấy Thủ Độ hay qua mặt cha mình, Trần Liễu thường lộ vẻ khó chịu. Thủ Độ biết nhưng chỉ để bụng. Bây giờ Thủ Độ đã nghĩ tới một ngày ông phải nằm xuống, ông càng lo lắng nhiều mặt. Càng lo sợ ông lại càng thêm ghét Trần Liễu. Ông cho rằng Trần Liễu là kẻ bất tài, nhu nhược. Ông không muốn thấy vua Thái Tôn tỏ vẻ nể nang Trần Liễu quá! Thái Tôn chưa có con, cái ngai vàng nhà Trần dưới mắt Thái sư vẫn còn bấp bênh lắm. Trong thâm tâm vị Thái sư ngày mỗi già, ông rất ngại một ngày nào đó có thể uy tín Trần Liễu lại được phục hồi trong lòng vua Thái Tôn. Ông sợ lòng nhân của vua Thái Tôn và tánh nhu nhược của Hoài vương Trần Liễu có thể tạo cơ hội cho những người còn luyến tiếc nhà Lý vùng đậy đạp đổ cái cơ đồ mà ông đã đem hết tâm huyết ra gây dựng. Ông biết ân đức của nhà Trần chưa thấm nhuần bao nhiêu trong lòng dân. Sở dĩ họ chịu khuất phục tân triều chẳng qua cũng chỉ vì sợ bạo lực. Những đám dư đảng của Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng vẫn còn hoạt động nhiều nơi. Trong khi đó lại có nhiều tin tức dồn dập đưa về cho biết quân Mông Cổ đang bủa vây uy hiếp nặng nề nhà Nam Tống. Thấy lửa từ xa trong nhà cần dẹp bớt củi và chuẩn bị nước sẵn mới được. Ông nghĩ mình phải có một hành động dứt khoát!

 Lấy chồng gần mười năm mà đường con cái vẫn không ra gì, hoàng hậu Chiêu Thánh cũng  lấy làm lo sợ lắm. Vì thế, hằng ngày hoàng hậu vẫn siêng năng cầu nguyện kinh kệ ngay trong cung chỉ mong Trời Phật xuống phước ban cho nàng một đứa con. Ngoài ra, hoàng hậu cũng hay đến các chùa chiền để cầu nguyện và nghe thuyết pháp. Thái sư Trần Thủ Độ thấy vậy không bằng lòng, ông nói với vua Trần Thái Tôn:

 - Các hoàng đế xưa nay thường lập rất nhiều hậu, phi, tuyển nhiều cung tần, mỹ nữ để phục vụ riêng cho mình. Với số đàn bà đông đảo đó, người ta phải xây dựng tam cung lục viện để họ ăn ở và làm việc. Khi lập nên một vị hoàng hậu là cốt để làm người quản trị chốn tam cung lục viện ấy, cho nhẹ bớt việc triều đình. Nay hoàng hậu không chịu làm tròn chức phận của mình, không chịu giúp bệ hạ lập các phi tần để sinh con đàn cháu lũ, lại cứ miệt mài ra vào chốn thiền môn, đó là một hành động ích kỷ, không đoái nghĩ đến tương lai của Trần triều ta. Xin bệ hạ lưu ý xét lại vấn đề đó!

 Vua Thái Tôn nói:

 - Không lập phi tần, không dùng mỹ nữ việc này tự ý của trẫm, không phải do hoàng hậu cản trở. Hoàng hậu không may gặp nhiều cảnh khổ não nên phải đến cửa thiền để cầu nguyện, để sám hối, để tìm nguồn an ủi. Việc đó trẫm nghĩ đâu có hại gì cho tiền đồ của Trần triều? Xin Thái sư chớ quan tâm!

 Trần Thái sư tỏ vẻ giận dữ:

 - Bệ hạ thử nghĩ, một người đàn bà không quan tâm đến vấn đề con cái nối dõi của gia đình chồng mà chỉ mưu lợi cho bản thân mình thì làm gương mẫu cho muôn dân sao được?

 Vua Thái Tôn nói:

 - Xin thúc phụ thông cảm cho một người đang bấn loạn nội tâm vì gặp phải quá nhiều biến cố lớn lao trong đời. Dù sao hoàng hậu cũng chỉ là một người đàn bà yếu đuối. Trẫm hi vọng một thời gian ngắn nữa mọi sự sẽ thay đổi.

 Thái sư cười gằn:

 - Bao giờ mới thay đổi được đây? Bệ hạ hãy coi chừng, chớ vì một người đàn bà mà để sụp đổ cơ nghiệp do ông cha lao khổ tạo dựng nên!

 Nói xong, Trần Thái sư hằm hằm bỏ đi một mách.

°

 Vào một buổi sáng, Hoài vương Liễu đang sửa soạn đi thăm coi việc học hành của hai vương tử Tuấn và Doãn thì một thị nữ của Thuận Thiên công chúa đến xin ra mắt. Vương cho vào thì nàng thị nữ trình rằng công chúa muốn gặp vương có chuyện. Sợ có việc gì không hay xảy ra cho công chúa, vương lo lắng hỏi:

 - Công chúa muốn gặp ta có chuyện gì?

 - Khải bẩm vương gia, công chúa muốn mời vương gia đến để báo một tin gì đó hình như rất quan trọng.

 Vương nghe nói trong lòng càng nôn nóng hồi hộp. Vương vẫn sống như một ẩn sĩ ngay giữa kinh thành Thăng Long phồn hoa trong bao lâu nay. Như con chim đã bị ná bắn một lần hễ thấy cành cong là giật mình, ngoài vợ con ra, vương không muốn tiếp xúc với ai hết. Vương cũng cố tránh va chạm với bất cứ một vị quan nào trong triều. Vụ án cung Lệ Thiên đã làm vương nghĩ rằng giữa lúc này bất cứ ai, bất cứ cái gì đối với vương cũng có thể trở thành cạm bẫy. Nếu vương không phải là anh ruột của đương kim thiên tử, có lẽ vương đã bị diệt tộc rồi. Thời gian gần đây, vương thấy Thuận Thiên công chúa rất ít khi có được một nụ cười. Nàng vốn đã kiều diễm, nỗi sầu muộn lại càng làm tăng vẻ kiều diễm ấy, càng hun hút khuấy sâu vào lòng vương. Nhiều lúc nhìn công chúa, vương lại liên tưởng đến một cái gì phù du, vô thường. Với sự suy tưởng đó, vương càng cám cảnh thương yêu công chúa vô bờ.

 Mặc dầu đã sống thu mình tối đa, nỗi lo vẫn không khi nào rời khỏi đầu óc vương. Cho nên khi nghe con nữ tì báo, vương vội vàng đến phòng công chúa.

 Nhưng gặp mặt Thuận Thiên, vương sững sờ chưng hửng. Một nụ cười thật tươi đang nở trên môi khi công chúa đón chào vương. Lạy Phật lạy thánh! Các ngài đã cứu vớt một linh hồn đau khổ! Đã quá lâu rồi vương không thấy nụ cười nào của công chúa tươi như thế. Cõi lòng của vương lâu nay cũng như đám đất khô cằn vì hạn hán giờ chợt gặp được một trận mưa rào, vương sung sướng vồn vã hỏi:

 - Thế mà làm ta hết hồn! Công chúa có tin vui gì cho ta hay hả?

 Công chúa nũng nịu:

 - Phu quân hãy thử đoán xem! Hoàng thiên hữu nhãn phu quân ạ! Thiếp đã biết chắc thiếp sẽ hiến tặng cho chàng một vương tử nữa! Trời không phụ người thành tâm giữ đức, phải không chàng?

 Hoài vương Liễu nghe nói mừng rỡ lắm:

 - Đúng là ông trời có mắt! Đúng là ông trời có mắt!

 Nhưng vương cũng chợt thấy hơi áy náy vì lời nói của mình. "Ông trời có mắt" hay "trời không phụ người thành tâm giữ đức" phải chăng là những lời vô tình xúc phạm đến vua Thái Tôn! Vua Thái Tôn đâu có làm gì thất đức? Thế mà giờ đây ngài đang vô cùng khao khát có được một mụn con! Nghĩ đến đây vương lại cười xòa: Ta thật không có ý mỉa mai ai cả! Nét mặt sung sướng, vui mừng hồn nhiên của công chúa đã kéo vương trở lại thực tại. Lòng vương rộn rã lên một niềm hạnh phúc mênh mang. Vương nói:

 - Thôi, trời cho ai nấy hưởng! Ta hãy mở tiệc ăn mừng!

 Rồi vương vẫy tay gọi một thị nữ đến dặn:

 - Ngươi hãy đến nói với lão quản Đinh Lang rằng ta muốn lão sắm sửa một bữa tiệc thân mật trong gia đình ở nội dinh vào trưa nay. Ngươi cũng nói với ông Quang Thiệu ta nhờ ông ấy đến xin phép thầy đồ cho hai vương tử nghỉ học hôm nay và mời thầy cùng đến dự luôn thể.

 Ả thị nữ vừa đi khỏi thì một gia đinh có vẻ hấp tấp đến xin gặp vương. Vương ngạc nhiên kêu vào hỏi:

 - Có chuyện gì mà vội vã thế?

 - Khải bẩm vương gia, có thánh chỉ đến. Sứ giả đang đợi vương gia trước dinh.

 Hoài vương ngạc nhiên vội tạm biệt công chúa để trở về nghinh tiếp. Vương về đến dinh thì Phạm Vinh và Trần Quang Thiệu đã lo thiết lập xong hương án. Hoài vương liền cho đốt hương rồi quì nghe thánh chỉ:

 "Vâng mệnh trời, Hoàng Đế chiếu rằng,

 Xét rằng, các trấn phía Bắc trong thời gian qua, trời hạn hán lâu ngày nên mùa màng không được khá. Dân chúng có phần phải chịu cảnh đói kém.

 Một số người xấu đã lợi dụng thời cơ tụ tập cướp bóc làm cho dân chúng càng sống không yên.

 Một số quan lại địa phương không làm tròn trọng trách chăn dân, bảo vệ dân.

 Nay trẫm ủy thác hoàng huynh Hoài vương đi tuần thú và ủy lạo dân chúng ở các trấn nói trên. Hoàng huynh sẽ thay mặt trẫm, được toàn quyền giải quyết tại chỗ cấp thời các vụ việc xảy ra có hại đến nền an ninh quốc gia.

 Quan lại địa phương phải triệt để tuân hành chiếu chỉ này!

Khâm thử!"

 Hoài vương nhận chiếu chỉ xong vừa mừng vừa bối rối. Vương hỏi sứ giả:

 - Hoàng thượng có dặn gì ta nữa không?

 - Chỉ có Thái sư dặn vương gia nên lên đường càng sớm càng tốt.

 Sau khi tiễn sứ giả ra về, vương mời những người thân tín lại nói chuyện. Vương bần thần hỏi:

 - Các ông thấy có gì lạ trong chuyến đi này của ta không?

 Quang Thiệu thưa:

 - Theo tôi nghĩ lệnh vua đã ban ra vương gia cứ việc thi hành, chẳng cần suy nghĩ làm gì cho nhọc trí!

 Phạm Vinh nói:

 - Tôi hiểu ý vương gia, chắc vương gia ngại việc này có thể do ý riêng của Thái sư sắp đặt với một mục đích nào chăng? Dù sao ta cũng phải cẩn thận mới được!

 Quang Thiệu nói với Phạm Vinh:

 - Tốt nhất là ông và tôi cùng đi theo vương gia để phòng ngừa những điều bất trắc!

 Hoài vương nói:

 - Ừ phải, hai ông cũng nên đi với ta cho có bạn mà ta cũng được an tâm hơn! Chuyến đi này nhanh lắm cũng phải hơn ba tháng. Sau bữa tiệc trưa nay chúng ta chuẩn bị hành trang, sáng hôm sau lên đường.

   Thế rồi vương cho người đi đón công chúa Thuận Thiên và hai vị vương tử đến.

 Bữa tiệc mừng vợ có thai bỗng trở thành bữa tiệc chia tay vợ tiễn chồng lên đường lo việc nước. Trong khi mọi người chúc mừng những lời thật hay nét mà nét mặt Thuận Thiên công chúa vẫn buồn rười rượi khiến Hoài vương cũng chột dạ. Vương bèn kiếm lời trấn an:

 - Công chúa hãy vui lên cho thai nhi vui theo! Chuyến này đã có hai vị tiên sinh Trần, Phạm cùng đi với ta công chúa khỏi lo lắng gì cả. Ta sẽ hoàn thành sứ mạng mà về sớm để nàng đỡ trông chờ.

 Để chứng tỏ lòng tự tin của mình, vương cầm thanh gươm lên múa mà ngâm:

 Đại nhậm sứ trình phải ruổi dong,

 Ta đi, nhất định sớm thành công!

 Ơn vua, lộc nước mình đâu thẹn!

 Đầu bạc bên nhau trọn vợ chồng.

 Thấy chồng có vẻ vui, Thuận Thiên mới tạm yên lòng. Nàng nói:

 - Chàng đã vui vẻ như vậy thiếp không vui sao được! Đây là cơ hội để đấng nam nhi đền đáp ơn vua lộc nước há lẽ thiếp không hưởng ứng với chàng? Vậy thiếp cũng xin họa mấy vần:

 Tuổi già muốn hưởng cảnh thong dong,

 Trai trẻ bây giờ phải gắng công!

 Chàng đã hăng say lo việc nước,

 Thiếp đâu để thẹn với con, chồng!

 Công chúa ngâm xong cử tọa vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Trần Quang Thiệu đứng dậy trân trọng nói:

 - Bữa tiệc hôm nay quả là bữa tiệc "đại hỉ" của vương gia. Vương gia sắp có thêm một vương tử, vương gia lại được hoàng thượng ban cho cơ hội lập công lớn với đời, gọi là đại hỉ cũng xứng đáng thôi! Chúng ta nên vì vương gia và công chúa mà hết mình vui say hôm nay để chúc mừng!

 Cử tọa lại vỗ tay vang rền. Bữa tiệc trở thành trọn vui. Rốt cục cả Hoài vương lẫn công chúa đều say vùi...