Luyện Trí Nhớ

Phần 6: Liên Tưởng

 

Có một anh chàng nọ tài năng đánh đàn có hạn nhưng lại thích khoe mẽ. Cạnh nhà anh ta có thiếu phụ trẻ vừa mới mất chồng. Một điều kỳ lạ là mỗi khi anh ta đánh đàn thì ở nhà bên lại có tiếng khóc vang lên nức nở. Anh ta càng đánh thì tiếng khóc càng thảm thiết hơn. Nghĩ tiếng đàn của mình hay đến nỗi lay động con tim người thiếu phụ nên ngày nào cứ đến giờ đấy anh ta lại đem đàn ra gảy. Cho đến một hôm chắc mẩm mình đã lấy được lòng người thiếu phụ xinh đẹp, anh ta mới mon men lại gần. 

“Thưa chị, không biết tại sao mỗi lần tôi cất tiếng đàn là chị lại bật khóc. Nếu như tiếng đàn của tôi làm chị phiền lòng thì từ nay tôi sẽ không đàn nữa.”

“Không sao đâu anh! Anh cứ tiếp tục đàn đi. Mỗi khi nghe tiếng đàn của anh là tôi lại nhớ đến người chồng quá cố của mình,” người thiếu phụ vừa lau nước mắt vừa trả lời.

Cảm thấy cơ hội đã đến! Anh ta liền hỏi: “Vậy ngày xưa chồng chị chắc cũng là người đánh đàn rất hay?”

“Không ạ! Chồng tôi làm nghề mổ lợn. Tiếng đàn của anh làm tôi nhớ đến tiếng lợn bị chồng tôi giết nên tôi mới khóc…”

Mỗi khi nghe tiếng đàn lại nhớ đến tiếng lợn kêu khi bị giết. Một sự liên tưởng thú vị. Vậy liên tưởng là gì? 

Liên tưởng là phương thức ghi nhớ rất hiệu quả thông qua việc kết nối sự vật hiện tượng bạn muốn nhớ với những thứ bạn đã biết để nhớ dễ dàng hơn.

Có bốn quy luật hình thành liên tưởng:

1. Luật tương tự: các sự vật tương tự về tính chất, đặc trưng dễ gợi liên tưởng đến nhau. Như nhắc đến sắt thép ta liên tưởng đến sự cứng rắn, mùa thu ta liên tưởng tới lá vàng rơi,… 

2. Luật tương phản: Các sự vật có những đặc điểm tương phản có thể hình thành liên tưởng, như: sáng – tối, nóng – lạnh, xa – gần, khóc – cười,…

3. Luật gần nhau: các sự vật gần nhau về thời gian hay không gian cũng hình thành liên tưởng. Như thấy hoa thì có thể liên tưởng đến ong, bướm, thấy cá thì có thể liên tưởng đến nước,…

4. Luật quan hệ: Hình thành liên tưởng do mối quan hệ giữa các sự vật. Như: nhìn trời mưa ta nghĩ đến mây, từ mây ta lại liên tưởng đến gió, ao hồ v.v…  

Bằng cách tự tạo ra sự liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin mới và lưu giữ chúng nhanh chóng, chính xác. Càng liên tưởng nhiều, bạn càng dễ ghi nhớ.

Bạn cũng nên hạn chế tạo dựng các hình ảnh liên tưởng mang ý nghĩa tương phản. Những hình ảnh dạng này sẽ khiến chúng ta dễ hình thành thói quen suy nghĩ tiêu cực về sự vật hiện tượng – điều này không tốt với trí nhớ. Dưới đây là những phương pháp liên tưởng hiệu quả giúp bạn ghi nhớ tốt hơn. 

Sự vật hiện tượng thay thế

Khi nghe, nhìn thấy những từ, cụm từ trừu tượng hay khiến bạn còn thấy mơ hồ, hãy nghĩ đến bất cứ thứ gì gần âm với nó hoặc tưởng tượng trong trí não bức tranh về sự vật hiện tượng đó. 

Khi bắt gặp một sự vật, hiện tượng mơ hồ và khó nhớ, bạn hãy bình tĩnh, nhìn nhận kỹ càng về nó, sử dụng trí tưởng tượng để tạo mối liên kết giữa chúng với những hình ảnh bạn có sẵn trong đầu. Bằng việc tích cực tạo dựng mối liên hệ giữa các thông tin, bạn sẽ nâng cao đáng kể khả năng ghi nhớ và hồi tưởng. 

Tưởng tượng chính là giai đoạn trung gian giữa nhận thức và suy nghĩ. Chúng ta không bao giờ suy nghĩ mà không kèm theo hình ảnh. 

Bạn có thấy rằng dù cố gắng tới đâu ta vẫn không thể ghi nhớ được hình dáng của nước Mỹ, Anh, Pháp nhưng lại có thể nhớ hình dạng của Việt Nam hoặc Ý rất dễ dàng. Đó là vì Việt Nam có dạng chữ S còn Ý thì giống chiếc ủng. Chiếc ủng hay chữ S là những hình ảnh quen thuộc đối với chúng ta, do đó, hình dạng của Việt Nam hay Ý không thể chạy khỏi trí não được. 

So sánh giữa đọc truyện và xem phim Harry Porter, bạn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt. Sau khi xem phim bạn có thể kể rành mạch diễn biến sự kiện còn sau khi đọc truyện bạn lại lúng túng và chỉ nhớ được những chi tiết nhỏ mà thôi. 

Bởi thế, nếu thông tin càng trực quan sinh động, bạn càng dễ dàng ghi nhớ và lưu giữ. Để ghi nhớ tốt nhất, bạn nên tạo dựng các hình ảnh có tính kỳ lạ, ngộ nghĩnh, thậm chí vô lý. Dưới đây, tôi tổng kết một số nguyên tắc tạo hình ảnh hiệu quả:

1. Tưởng tượng mọi thứ thiếu cân đối như quá nhỏ hoặc quá lớn (một con voi có thể chui qua lỗ kim). 

2. Tưởng tượng sự vật, hiện tượng đang trong trạng thái hoạt động. 

3. Phóng đại số lượng sự vật cần nhớ (hàng trăm quả cam đang bay tứ tung). 

4. Sử dụng tất cả các giác quan nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm để cảm nhận được sự sống động của hình ảnh, sự vật, hiện tượng.

Từ viết tắt 

Viết tắt giúp bạn tóm gọn một câu, cụm từ dài trong một văn bản bằng những từ ngắn hơn hoặc những từ mà bạn đã biết. Chúng giúp bạn nhớ dễ hơn và lâu hơn. Không chỉ vậy, nó còn là tác nhân giúp gợi nhớ lại các câu, cụm từ trước đó.

Từ viết tắt là từ thông thường được tạo ra từ những ký tự đầu của các cụm từ hoặc các câu như ASEAN là từ viết tắt của Association of South East Asian Nations – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; NATO: North Alantic Treaty Organization – Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương; WTO: World Trade Organization – Tổ chức Thương mại Thế giới. Hoặc không theo từ đầu như radar: radio detection and ranging – Dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến; amphetamine: alpha-methyl-phenethylamine – tên một loại dược phẩm.

Dựa trên cách thức xây dựng ở trên, bạn dễ dàng thiết lập riêng cho mình một danh sách các từ viết tắt. Bạn có thể sắp xếp các ký tự đầu thành một từ mới, hoặc từ gây ấn tượng mạnh cho việc ghi nhớ dễ dàng các thông tin. 

Ví dụ, để ghi nhớ các nguyên tố nhóm halogen: Flo (F), Clo (Cl), Brom (Br), Iot (I), Atatin (At) – bạn có thể lấy ký tự đầu của tên các nguyên tố để ghép lại tạo thành tên của câu lạc bộ những người yêu thích bia: FC.BIA. 

Tuy nhiên, có thể với sự giới hạn của các ký tự được chọn và tìm kiếm cách thức sắp xếp thành từ có ý nghĩa sẽ khiến trí óc bạn “lãng quên” nhiệm vụ ghi nhớ cụm từ, đoạn văn trong cấu trúc văn bản. Chính vì thế phương pháp ký tự đầu dưới đây sẽ giúp hoàn thiện những khiếm khuyết đó.

Ký tự đầu

Phương pháp ký tự đầu là một từ, cụm từ hay câu được tạo thành từ các ký tự đầu tiên của mỗi từ trong thông tin bạn muốn ghi nhớ. Dựa trên thông tin tiếp nhận, bạn tự tạo cho riêng mình một cụm từ tắt phù hợp giúp bạn ghi nhớ tốt thông tin đó.

Bạn đang học dãy điện hóa kim loại: Kali, Bari, Canxi, Natri, Magie, Nhôm, Kẽm, Sắt, Niken, Thiếc, Chì, Hidro, Đồng, Thủy ngân, Bạc, Bạch kim, Vàng – K, Ba, Ca, Na, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au. Để ghi nhớ được dãy điện hóa này bạn có thể chuyển các ký tự đầu thành dạng cấu trúc: “Khi Bà Con Nào May Áo Giáp Sắt Nên Sang Phố Hỏi Cửa Hàng Á Phi Âu”. Việc chuyển các công thức hóa học của dãy điện hóa khó nhớ thành một câu văn giàu hình ảnh sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ thông tin hơn. 

Trong quá trình ghi nhớ thông tin, bạn có thể linh hoạt vận dụng phương pháp ký tự đầu sao cho phù hợp với khả năng ghi nhớ của bạn. 

Giống như các từ viết tắt, bạn nên tạo ra cụm từ, các câu mang sắc thái lạc quan, dí dỏm. Chúng sẽ khiến bạn hứng thú và từ đó nhớ lâu hơn.

Liên kết các sự vật hiện tượng

Phương pháp ký tự đầu, từ viết tắt hay hình ảnh thay thế giúp bạn ghi nhớ tốt những từ, cụm từ hoặc một danh sách nhưng lại không hữu dụng nếu bạn muốn ghi nhớ đầy đủ sự việc, sự kiện nào đó. Vì thế bạn cần tới một phương pháp khác.

Trước mỗi sự việc, sự kiện bạn hãy đặt chúng vào một hay nhiều câu hỏi sau đây: 

1. Thông tin này bắt nguồn từ đâu?

2. Mình nghĩ gì về nó? Cảm giác về nó như thế nào?

3. Những đặc trưng, tính chất, nét riêng biệt của nó là gì?

4. Ích lợi của nó ra sao?

5. Có thể sử dụng nó như thế nào?

6. Nó có ích lợi gì đối với mình?

7. Mình đã biết gì về nó hay chưa?

8. Nó có khả năng liên kết được với cái gì?

9. Có thể suy ra được gì từ nó?

10. Độ tin cậy của nó như thế nào?

Bằng cách áp dụng chặt chẽ 10 câu hỏi này cho những sự việc mà bạn tiếp nhận, trí não bạn sẽ bắt đầu quá trình liên kết các thông tin, sự việc lại với nhau. Càng nhiều câu hỏi cho sự vật hiện tượng, sự liên kết thông tin càng bền chặt, các thông tin mới sẽ được lưu trữ sâu trong trí não và xuất hiện ngay khi bạn cần.

Giả sử bạn đang học môn Kinh tế học đại cương và cần phải ghi nhớ các chu trình kinh tế: suy thoái, khủng hoảng, phục hồi, hưng thịnh. Bạn hãy áp dụng cả 10 câu hỏi vào ví dụ này.

1. Thông tin này bắt nguồn từ đâu? Chu trình kinh tế được đề cập trong cuốn Kinh tế học đại cương. Hình ảnh cuốn sách Kinh tế học đại cương mượn của chị khóa trên đã được lưu giữ trong trí nhớ của bạn. Đây là bước đầu tiên tạo ra liên kết.

2. Mình có thể nghĩ gì về nó? Cảm giác về nó như thế nào? Ra là vậy kinh tế nói chung, kinh doanh nói riêng đều suy, khủng, phục, hưng. Xem ra có vẻ hấp dẫn đây!

3. Những đặc trưng, tính chất, nét riêng biệt của nó là gì? Tóm lược một chu trình kinh tế, đi từ hưng thịnh cho đến khủng hoảng. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau được nhận biết thông qua các dấu hiệu đặc trưng.

4. Ích lợi của nó ra sao? Tìm hiểu từng giai đoạn để có thể hiểu nền kinh tế hoặc việc kinh doanh đang ở giai đoạn nào. 

5. Có thể sử dụng nó như thế nào? Dựa trên những biểu hiện về các giai đoạn phát hiện ra tình trạng nền kinh tế. Từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại trong giai đoạn suy thoái, khủng hoảng và tìm kiếm những cơ hội hiếm có trong giai đoạn này. Đồng thời tạo mọi vật liệu cho sự gia tăng cơ hội, mở rộng quy mô, tối đa hóa lợi nhuận.

6. Nó có ích lợi gì đối với mình? Ngay thời điểm hiện tại, nó có thể giúp định hướng nghề nghiệp, tận dụng những cơ hội để nâng cao khả năng bản thân. Lâu dài hơn, nó tạo được nền tảng kiến thức để đối phó với tác hại hay tận dụng sự ưu đãi để hoạt động thành công trong nền kinh tế. Không chỉ vậy, nó sẽ cần thiết và hữu dụng trong các kỳ kiểm tra hay kỳ thi nào. 

7. Mình đã biết gì về nó hay chưa? Đây là chu trình chính của nền kinh tế. Mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều không tránh khỏi chu kỳ này.

8. Nó có khả năng liên kết được với cái gì? Nó có khả năng liên kết với nhiều thứ liên quan đến kinh tế như tiền tệ, giá cả, ngân hàng, tỷ lệ lạm phát, giảm phát, chỉ số CPI (comsumer price index – chỉ số giá tiêu dùng), GDP, GNP, HDI, các nhà kinh tế học, nhà hoạch định chính sách 

9. Có thể suy ra được gì từ nó? Tác hại, ảnh hưởng của những chu kỳ trước sẽ là bài học kinh nghiệm cho chu kỳ này giảm thiểu sự thiệt hại.

10. Độ tin cậy của nó như thế nào? Thông tin hoàn toàn tin cậy và thông tin mới cần tìm hiểu và lưu giữ nó trong trí nhớ.

 

 

 Bài tập

1.  Với mỗi từ tiếng Anh bạn học được, cố gắng tìm ít nhất một từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nó.

2.  Gắn tên các danh nhân bạn đã gặp trong chương trình học với những hình ảnh quen thuộc với bạn. 

3.  Liên tưởng để ghi nhớ bảng mã màu ghi trên các điện trở: Đen, Nâu, Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Tím, Xám, Trắng. 

4.  Ghi nhớ các tiên đề, định lý, định nghĩa mà bạn đã được học bằng phương pháp này.