Lục Chỉ Cầm Ma

Hồi 44

Docsach24.com
ữ Lân đã bị trúng thêm một roi rất nặng trên một bên sườn đau nhói. Cậu ta nhớ trước đây mình suýt nữa đã bị mất mạng dưới ngọn roi này trên tháp Hổ Khưu, nên trong lòng bừng bừng nổi giận. Cậu ta không còn kể chi nữa, vận dụng toàn thể sức mạnh trong người, lao thoắt tới đâm đầu vào ngực đối phương.

Lúc bấy giờ Lữ Lân đã quyết lấy mạng đổi mạng, nên thế công chẳng thành thế võ chi cả.

Hàn Ngọc Hà vì không kịp đề phòng, nên đã bị chiếc đầu của Lữ Lân lao tới, đánh trúng vào lồng ngực nghe một tiếng thình.

Vì Lữ Lân đã vận dụng toàn lực, nên Hàn Ngọc Hà sau khi bị trúng chiếc đầu của cậu ta, cảm thấy lồng ngực đau đớn không tả xiết, đôi mắt tối sầm khí huyết cuồng loạn. Nàng tự biết là mình đã bị thương nặng nề.

Nhưng nàng cố gượng vung chưởng lên quét liên tiếp hai chưởng về phía đối phương.

Chưởng thứ nhất của nàng giáng thẳng vào Thái Dương huyệt, và chưởng thứ hai đánh trúng bả vai của Lữ Lân.

Lữ Lân bị trúng một hơi hai chưởng, mắt đổ lốm đốm sao, rồi té ra sàn thuyền.

Hai người qua cuộc giao tranh bất kể sống chết ấy, đã đi đến kết quả là cùng bị thảm hại như nhau.

Sau khi Lữ Lân đã bị Hàn Ngọc Hà đánh bay ra xa, nàng vội vàng ngồi lên để chuyển vận chân khí, nhưng nàng cảm thấy trong cổ họng có vị mằn mặn, rồi hộc ra một ngụm máu tươi đỏ ối.

Riêng Lữ Lân vì bị trúng một chưởng bên Thái Dương huyệt, nên thương thế cũng không phải nhẹ. Đôi tai của cậu ta lúc nào lúc nào cũng nghe thấy ầm ầm ì ì như tiếng chuông tiếng trống đang đánh vang dội. Qua một lúc khá lâu, cậu ta mới mở mắt ra được.

Nhưng khi vừa mở mắt ra, thì cảnh tượng trước mắt như đang chập chờn chao động! Thế là hai người cùng nằm lăn trên sàn thuyền, thở hào hển. Cả hai nằm bất tỉnh cho tới khi mặt trời đã lặn về phía tây, mặt biển mênh mông mờ mịt, họ mới từ từ tỉnh dậy.

Sau mỗi lần đôi bên ra tay đánh nhau, thì lòng cừu hận của họ lại càng sâu sắc thêm.

Giờ đây khi cả hai đều bị trọng thương nên bất đắc dĩ phải ngồi yên, lo vận dụng chân lực điều hòa hơi thở, hy vọng mau chóng chữa lành thương thế, để hạ sát kẻ thù cho hả cơn căm tức.

Màn đêm từ từ buông xuống, trên vầng trời xám xịt lấp lánh ánh sao sáng. Đại dương thực phẳng lặng, mặt nước phản chiếu ánh sao lập lòe màu bạc.

Đến nửa đêm, hai người đã có thể cử động được, nên cả hai đều nhắm đối phương lết gần lại dần. Nhưng không đủ sức tiếp tục lết tới nữa.

Kể từ nửa đêm về sau, cứ độ một tiếng đồng hồ, hai người lại xích gần nhau hơn. Mãi cho đến trời vừa sáng, khoảng cách chỉ cần thò tay ra là đụng nhau, nhưng họ hoàn toàn kiệt sức, không còn cựa quậy được nữa.

Hàn Ngọc Hà càng nghĩ càng căm tức, đôi giòng lệ bất giác tuôn trào. Nhưng nàng không muốn Lữ Lân trông thấy mình khóc, nên vội vàng quay mặt nhìn đi nơi khác! Lúc ấy tâm trạng hai người bồn chồn rối rắm khôn tả! Cả hai đều thấy sự chết đang lảng vảng trước mắt.

Con thuyền đã mang họ ra ngoài biển khơi, dù cho hiện giờ biển yên sóng lặng, song cũng vô cùng nguy hiểm. Nếu hai người đồng tâm hợp lực, cũng vị tất điều khiển được thuyền trở vào bờ, huống chi cả hai lúc nào cũng xem nhau như thù địch, đánh nhau đến mang thương tích nặng nề.

Lữ Lân nghĩ đến hiện trạng, không khỏi thầm than dài.

Cậu ta nghĩ đến việc liều chết, lấy mạng đổi mạng với Hàn Ngọc Hà, thực không có lợi gì.

Tuy nhiên lòng hối hận ấy thoáng hiện, thì ngọn lửa căm thù lại đốt cháy nó tiêu tan, cậu ta nghiến chặt hàm răng, trợn to đôi mắt căm hận nhìn về đối phương.

Suốt đêm hôm ấy, hai người họ đã nằm mê man qua những giấc ngủ chập chờn, và đến gần sáng, mặt biển bắt đầu nổi sóng, khiến thân thuyền bồng bềnh chao động nên hai người lại lăn ra xa nhau. Cho mãi tới lúc Lữ Lân đụng mạnh vào be thuyền mới giật mình mở mắt nhìn.

Lữ Lân thấy mình còn sống, trong lòng mới mừng thầm, bỗng thấy Hàn Ngọc Hà cũng từ be thuyền bên kia lồm cồm bò dậy.

Lúc ấy thì trời đã gần sáng, bóng tối hãy còn bao phủ mọi nơi. Trên mặt biển sóng mỗi lúc một lớn, và trên nền trời cao tiếng sấm sét ầm ì không ngừng. Con thuyền bị lắc lư chao động càng dữ dội hơn.

Những tia điện sáng ngời, thỉnh thoảng lóe lên, cắt đôi nền trời đen thẳm, soi thẳng vào mặt họ, khiến cả hai đều thấy sắc mặt của đối phương đang tái mét trông thật đáng sợ.

Chừng ấy, Lữ Lân và Hàn Ngọc Hà đều đoán biết rằng một trận phong ba sẽ nổi dậy giữa biển khơi.

Chiếc thuyền của họ đang ngồi, tuy có to lớn, nhưng nếu đem so sánh với biển cả thì chẳng thấm vào đâu. Như vậy nếu con thuyền bị đắm...

Hai người vừa nghĩ đến đây, đã vội vàng nhắm chặt đôi mắt lại không dám nghĩ thêm được.

Chẳng mấy chốc sau, cơn mưa to đổ ầm ầm, họ đều bị ướt đẫm. Nhưng nhờ nước mưa xối khắp cả người, nên họ đều cảm thấy tỉnh táo trở lại hơn.

Đi đôi với trận mưa to ấy, lại còn những ngọn cuồng phong không ngớt thổi ào ào, khiến sóng to trên mặt biển càng thét gào dữ dội, đồng thời hai lá buồm lớn trên thuyền cũng bị ngọn gió to cuốn bay đi và rớt thẳng xuống biển. Hai người chỉ kịp thấy những lá buồm trắng ấy chập chờn giữa giòng nước đen ngòm rồi chẳng mấy chốc sau, đã bị những đợt sóng to nhận chìm xuống đáy biển.

Lữ Lân và Hàn Ngọc Hà đưa tay vịn chặt lấy be thuyển, vì sợ những ngọn sóng to hất bay xuống biển.

Ba đào mỗi lúc xem ra càng dữ dội hơn, khiến cho con thuyền to lớn ấy chẳng khác chi một con ngựa chứng không ngớt lồng lộn trên mặt nước.

Qua một lúc khá lâu, nhờ vào ánh chớp trên nền trời cao, Lữ Lân chợt trông về phía trước mặt có hai ngọn núi đen như mực, đứng sừng sửng giữa mặt biển. Hai ngọn núi ấy từ xa nhìn, thấy chúng chỉ cách xa nhau độ mười trượng mà thôi.

Hơn nữa, giữa hai ngọn núi đứng sững ấy, lại có một cây cầu bằng đá thiên nhiên nối liền nhau.

Chiếc thuyền của hai người đang nhắm ngay hai ngọn núi đó sấn tới mãi. Lữ Lân kinh hãi, nhắm nghiền đôi mắt lại, không dám tiếp tục nhìn rõ cảnh tượng đáng kinh khiếp ấy nữa.

Đột nhiên đôi tai của Lữ Lân bất thần nghe Hàn Ngọc Hà thét lên một tiếng khủng khiếp. Cậu ta vội vàng mở to đôi mắt ra nhìn, thấy Hàn Ngọc Hà đã đứng thẳng người lên, đưa đôi chân lảo đảo định bước tới.

Lúc bấy giờ con thuyền đang chao động dữ dội. Do đó nếu Hàn Ngọc Hà đứng thẳng người lên, thì lúc nào cũng có thể bị ngọn sóng to hất ngay xuống mặt biển.

Tuy Lữ Lân đoán biết là chỉ trong phút chốc con thuyền sẽ đâm vào vách đá và chắc chắn hai người không ai còn sống sót được. Nhưng cậu ta thấy Hàn Ngọc Hà mạo hiểm như vậy cũng không khỏi buột miệng kêu to rằng:

- Con tiện tỳ kia! Bộ ngươi không muốn sống nữa hay sao? Hàn Ngọc Hà nghe thế không khỏi giật mình, đưa mắt nhìn Lữ Lân. Kế đó nàng đưa tay ra nắm cứng một sợi dây thừng to cạnh đó để giữ vững thân mình lại. Đồng thời, nàng cất giọng ghê rợn cười vang không ngớt.

Nhưng tiếng cười của Hàn Ngọc Hà vừa mới nổi lên, thì bất thần đã nghe một tiếng ầm to vang dội, đi đôi với những đợt sóng khổng lồ cuốn tới, khiến đôi mắt Lữ Lân tối tăm, và cả hai cảm thấy đau buốt đến ngất lịm dần đi.

Cậu ta không biết đã ngất lịm bao lâu, nhưng khi bừng tỉnh trở lại thì thấy toàn thân ê ẩm, tay chân mềm nhủn, không còn sức lực nữa.

Lữ Lân cất tiếng khẽ rên rỉ một lúc mới cố gắng mở to đôi mắt nhìn. Cậu ta nhận thấy mình đang đứng yên trên một tảng đá to giữa dòng nước biển xanh biếc.

Lữ Lân ôn lại mọi việc đã xảy ra trước khi mình ngất lịm, đoán biết có lẽ lúc con thuyền đâm thẳng vào đá, cậu ta đã được những ngọn sóng to đưa lên bãi, nên mới thoát chết như vậy.

Sau đó Lữ Lân ngửa cổ nhìn lên, thấy hai ngọn núi cao sừng sững trông chẳng khác nào hai lưỡi gươm chọc thẳng vào mây.

Lữ Lân vì quá kiệt sức, vẫn nằm yên không nhúc nhích. Cậu ta đưa mắt quan sát kỹ hơn quang cảnh chung quanh, thấy bên dưới ngọn núi đá, nơi cậu đang nằm rộng độ ngoài một mẫu, song ngoài những tảng đá màu đen như mực ra chẳng thấy một sinh vật nào cả.

Lữ Lân từ từ nhắm nghiền đôi mắt lại để tĩnh dưỡng. Cậu ta đã nằm yên như vậy suốt đêm hôm ấy.

Tuy Lữ Lân đã bị trọng thương, rồi bị đắm thuyền, khiến thương thế càng trầm trọng hơn, nhưng nhờ vậy cậu ta đã thoát khỏi sự uy hiếp của Hàn Ngọc Hà nên tâm trạng nhẹ nhàng, bình thản hơn, ngủ thiếp đi được một giấc thật ngon lành.

Đến sáng sớm ngày hôm sau, Lữ Lân thấy sức khỏe của mình được Chương phục được một hai phần. Cậu ta gắng gượng đứng lên, nhưng đôi chân không ngớt lảo đảo. Lúc ấy cậu trông thấy những con cá bị sóng đánh hất lên bờ, chưa kịp nhảy trở vào nước, nên vội vàng bước tới bắt lấy hai con. Vì quá đói, Lữ Lân bất kể là cá sống hôi tanh, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, tạm thời ăn cho đõ đói, để lấy lại sức khỏe.

Chiếc thuyền to lớn đã bị đụng vào đá vỡ tan, nhưng Lữ Lân thấy rằng nếu sức khỏe của mình khôi phục lại được, thì vẫn có thể nhặt những mảnh ván được sóng đánh tấp vào bờ, kết thành chiếc bè, và lựa chiều gió vào đất liền để tìm đường thoát nạn.

Sau khi Lữ Lân ăn xong hai con cá sống, thấy bụng đã no, nên lại tìm nơi nằm yên, tĩnh dưỡng một ngày một đêm nữa.

Suốt khoảng thời gian ấy, cậu ta vẫn vận nguyên điều tức lo chữa trị thương thế, nên đã được bình phục đến ba bốn phần.

Đến sáng ngày thứ hai, Lữ Lân đi quanh chân núi ấy một vòng và nhờ thế cậu ta đã phát hiện được nhiều chuyện lạ.

Thì ra đối diện với ngọn núi đá mà cậu đang đứng chính là một ngọn núi cao khác, giữa hai ngọn núi cách xa nhau độ ngoài hai mươi trượng. Hai ngọn núi cao chọc trời, bên trên có cây cầu bằng đá thiên nhiên nối liền nhau. Dưới chân núi có một vùng đất lõm sâu, rộng hơn một trượng, bốn bên đều có những tảng đá to che chở, khiến sóng biển không tràn vào được. Do đó tại đó tích trử rất nhiều phù sa, cây cối tốt tươi um tùm, hoa quả trĩu nặng trông như một vườn trái.

Lữ Lân thấy thế vui mừng quá sức, vội vàng lần xuống, tìm bóng mát nằm dưỡng sức.

Cậu ta thấy khoan khoái, vì nơi đây vừa mát mẻ, vừa kín gió, lại có hoa quả để ăn. Cậu ta hái vài trái chín ăn thử, thấy mùi vị thơm ngon vô cùng. Vì thế cậu ta mới nhớ lại mình ăn sống hai con cá ngày hôm qua, nên không khẽ thầm mắng là mình quá ngu ngốc.

Tại vùng đất lõm này, lúc nào cũng ấm áp. Lữ Lân sống tại đây liên tiếp bảy tám hôm, không rời khỏi nửa bước. Nhờ vậy, thương thế của cậu ta hoàn toàn bình phục.

Lữ Lân thấy sức lực y như cũ, nên hết sức vui mừng, nhún mạnh đôi chân nhảy ra khỏi vùng đất lõm thấp, rời đưa mắt quan sát kỹ chung quanh chân núi, cậu ta bỗng phát giác được ở phía sau vách đá cạnh có một sơn động khá to.

Vì tính háo kỳ, Lữ Lân đưa chân đi thẳng vào sơn động. Lúc đầu cậu ta thấy con đường đi vừa nhỏ hẹp lại vừa thấp tè. Nhưng tiếp tục đi thì chẳng bao lâu ở trước mặt mình bừng sáng, và khi nhìn kỹ hơn, đã biết mình đang đứng giữa một gian phòng đá.

Gian phòng đá ấy, chung quanh đều là những vách đá đen như mực, nhưng nhờ bên trên vách đá có khảm những hạt dạ minh châu, nên khắp gian phòng chỗ nào cũng có một màu sáng xanh nhợt, trông vô cùng vui mắt.

Lữ Lân thấy thế trong lòng càng kinh dị. Cậu ta không thể ngờ được rằng tại một ngọn núi đá thẳng đứng bên bờ biển này mà lại có người đặt chân đến trước mình.

Nhưng có một đều làm cậu ta kinh ngạc hơn là chẳng những người ấy đã đặt chân đến trước, mà còn lấy nơi đây làm nơi cư trú nữa! Lữ Lân định thần quan sát gian phòng đá kỹ hơn, thấy trên một bức vách đá có khắc bốn chữ thật to: "Mặc Tiều Tiên Phủ".

Bên dưới bốn chữ to lớn có hai dòng chữ nhỏ. Lữ Lân vội vàng bước gần đến xem kỹ, thấy hai dòng chữ nhỏ ấy viết rằng: "Suốt hai năm khổ luyện Kim Cang Chỉ Lực đã thành công. Ngày hôm nay mang ra sử dụng thử, thì thấy nó đã có thể khắc sâu vào núi đá đến một phân, khiến mặt đá phải tan thành bột nhuyễn!" Bên dưới dòng chữ còn ký rõ bốn chữ: "Thiên Tôn Thượng Nhân".

Lữ Lân vừa nhìn thấy bốn chữ Thiên Tôn Thượng Nhân thì trong lòng không khỏi thầm kinh hãi. Vì trong giây phút ngắn ngủi đó, cậu ta bỗng nhớ lại lời nói của phụ thân mình trước đây về bốn nhân vật rất lợi hại thuộc hàng tiền bối trong võ lâm.

Bốn người ấy đã từng tập hợp bên cạnh Thiên Hà, trên đỉnh Thiên Sơn thuộc vùng Tây Vực, để đấu kiếm so tài nhưng kết cuộc không thể phân thắng bại. Người trong võ lâm lúc bấy giờ gọi họ là Thiên Hà Tứ Lão.

Bốn lão già ấy chính là Minh Đô Lão Nhân tức là Chưởng môn phái Nga My và cũng chính là sư phụ của Lữ Đằng Không, Hồng Ưng Cung Long và Đông Phương Bạch. Vị kế đó là một dị nhân vùng Miêu Cương, hơn nữa lại là một người đàn bà có danh hiệu gọi là Ban Long Tiên Bà. Người thứ ba chính là Thiên Tôn Thượng Nhân ở vùng Trường Bạch Sơn. Và người cuối cùng chính là một nhân vật võ công độc đáo, đứng giữa hai phái chính tà ở vùng Nam Hải, danh hiệu gọi là Thiết Gia Đảo Chủ, mọi người quen gọi là Thiết Ông.

Thiết Thần Ông không phải là biệt hiệu của ông, mà thật sự ông ta là người họ Thiết tên Thần Ông.

Khi bốn người ấy tập trung đến cạnh Thiên Hà để tranh tài, vì không thể phân được ai cao thấp, nên đành phải phân tán trở về nơi cư ngụ riêng. Và sau đó, Minh Đô Lão Nhân là người chết sớm hơn hết.

Khi Minh Đô Lão Nhân tạ thế, ba lão già kia cũng có đến núi Nga My để ai điếu.

Nhưng sau khi họ rời khỏi ngọn núi này, thì chẳng còn ai được biết tung tích của họ đâu cả.

Bởi thế, suốt nhiều năm gần đây không còn ai nhắc nhở đến danh hiệu của bốn lão già ấy nữa.

Thế nhưng giờ đây Lữ Lân bất thần phát giác được ngôi động đá này có bút tích của Thiên Tôn Thượng Nhân, tức một trong Thiên Hà Tứ Lão, thì quả là một việc hết sức bất ngờ! Lữ Lân đọc đi đọc lại hai dòng chữ nhỏ trên vách, trong lòng mỗi lúc một kinh dị hơn.

Vì qua lời lẽ của câu nói ấy, tựa hồ Thiên Tôn Thượng Nhân sau khi khổ luyện thành công Kim Cang thần Chỉ, liền khi đó đã so tài cao thấp với một người nào đó.

Thứ Kim Cang Thần Chỉ này Lữ Lân đã từng nghe phụ thân nói đến. Nó chính là một thế khí công của Đạo gia và Phật gia. Sau khi rèn luyện đến mức cao thâm tuyệt đỉnh, thì thần chỉ vừa điểm ra, là chân khí trong người cũng liền phát theo ngay, khiến bất luận một vật cứng rắn đến đâu đều bị chỉ lực đánh vỡ tan tành. Theo lời đồn đãi trong võ lâm, mấy trăm năm về trước có người luyện thành công thứ chỉ lực này. Còn thì mãi đến ngày nay phương pháp rèn luyện đã bị thất truyền nên không ai được biết nó nữa.

Nhưng dựa vào đó, Lữ Lân cũng biết rằng đối phương mà Thiên Tôn Thượng Nhân tìm đến so tài ấy phải là một người võ công cao cường tuyệt đỉnh, chứ chẳng phải là kẻ tầm thường.

Việc Thiên Hà Tứ Lão sau khi rời khỏi núi Nga My và bị mất tích, mãi đến bây giờ vẫn còn là một câu hỏi nan giải trong võ lâm. Việc ấy xảy ra hai mươi năm về trước, nên chắc chắn Thiên Tôn Thượng Nhân hiện nay không còn sống trên thế gian này nữa. Như vậy chả lẽ Mặc Tiều Tiên Phủ này là nơi vùi thây của Thiên Tôn Thượng Nhân hay sao? Lữ Lân đứng trơ người trước bức vách đá ấy một lúc khá lâu, mới quay lưng rảo bước khắp gian phòng ấy để quan sát kỹ hơn. Cậu ta thấy bên trong gian phòng đá bài trí rất đơn giản, ngoài một phiến đá to phẳng làm giường nằm, còn thì chỉ dựa vào mặt vách lồi lõm tự nhiên để tạc thành bàn ghế dùng tạm một cách thô sơ mà thôi.

Lữ Lân đi tìm khắp nơi một lúc, song cũng không phát giác được hài cốt của Thiên Tôn Thượng Nhân đâu cả.

Sau đó, Lữ Lân bèn dừng chân đứng lại không tìm kiếm nữa và cậu ta thầm nghĩ: "Đã có gian phòng đá làm nơi tạm trú, dù sao vẫn hay hơn là sống giữa trời như mấy hôm vừa qua. Nhất là cạnh đây lại có khoảng đất phù sa, cây cối tốt tươi, hoa quả trĩu cành, dùng làm thức ăn rất tiện." Như vậy, Lữ Lân thấy mình tạm thời có thể ở yên trong gian phòng đá này để dưỡng sức, rồi sẽ tìm cách về đất liền sau.

Khi ý định đã quyết, cậu ta bước thẳng đến chiếc giường đá nằm ngủ.

Lúc đầu Lữ Lân không cảm thấy giường đá có đều gì lạ, song qua một lúc sau, cậu ta bỗng cảm thấy có một hơi lạnh từ từ xâm nhập vào cơ thể, chẳng khác nào đang nằm trên mặt tuyết băng. Đôi hàm răng bắt đầu chạm nhau côm cốp, khiến cậu ta vội vàng vận dụng chân khí trong người để chống lại luồng hơi lạnh ấy.

Lữ Lân cố gắng nằm trên chiếc giường đá khoảng hơn một tiếng đồng hồ, nhưng không làm sao chịu đựng trước luồng hơi lạnh ấy nữa, vội vàng lồm cồm ngồi dậy, bước khỏi chiếc giường đá ngay.

Khi Lữ Lân vừa bước khỏi chiếc giường thì hơi lạnh trong người cũng liền mất hẳn.

Bởi thế cậu ta đoán biết chiếc giường ấy chắc có đều chi quái dị, nên đưa mắt quan sát kỹ hơn. Nhờ đó mới phát giác được bên cạnh chiếc giường đá có một luồng gió lạnh không ngớt thổi lên.

Lữ Lân thấy thế hết sức thất vọng, vì tuy cậu ta tìm được gian phòng đá khá kín đáo, có cả chiếc giường để nằm, nhưng nay lại dùng không được.

Giữa lúc Lữ Lân đang kém vui thì bất ngờ nhìn thấy trên đầu kê sát tường của chiếc giường đá hình như có khắc mấy dòng chữ nhỏ! Chiếc giường đá ấy nguyên cũng là một loại đá đen như mực, trông chẳng có gì khác hơn những hòn đá chung quanh. Do đó, những dòng chữ bé li ti kia thật khó nhận ra, Lữ Lân dù chú ý quan sát qua mấy lần, song vẫn không thể đọc được.

Cậu ta biết gian phòng đá này là ngôi biệt cư của Thiên Tôn Thượng Nhân tức một trong Thiên Hà Tứ Lão trước kia. Hơn nữa, Thiên Tôn Thượng Nhân là một người võ công cao cường tuyệt đỉnh, ai nghe qua cũng phải khiếp sợ. Vậy rất có thể ông ta lưu lại một bí cấp quý báu cho hậu thế, nếu tìm thấy được thì có thể dựa vào đó rèn luyện võ công tuyệt đỉnh hiếm có trên đời! Vì nghĩ như vậy nên Lữ Lân càng chú ý quan sát chung quanh gian phòng đá.

Giờ đây khi thấy được những dòng chữ li ti trên đầu giường, cậu ta hối hả trèo lên chiếc giường đá, cắn răng chịu đựng sức lạnh lẽo nơi phiến đá bốc ra, chú tâm đọc kỹ những dòng chữ ấy thì thấy viết rằng: "Mặc Tiều Tam Bảo, mỗi thứ có một chỗ độc đáo. Chiếc giường này là một..." Lữ Lân vừa đọc hết hàng chữ nhất thì quả tim không ngớt nhảy lên nghe thình thịch, trong lòng cao hứng vô cùng.

Thì ra mọi sự dự liệu của cậu ta đều hoàn toàn đúng, rõ ràng trên Mặc Tiều Đảo này có đến ba món báu vật, nếu chẳng phải thế tại sao trong dòng chữ lại ghi là Mặc Tiều Tam Bảo được? Lữ Lân ngửa mặt nhìn lên chú ý quan sát khắp gian phòng một lượt với ý định tìm ra hai bảo vật kia xem chúng là vật gì? Nhưng sau khi cậu ta rảo mắt khắp nơi một lượt, lại không khỏi cười thầm về thái độ quá tham lam của mình. Vì riêng chiếc giường hàn ngọc này, nó có công dụng chi, mình chưa kịp tìm hiểu cho rõ ràng, mà đã nóng nảy muốn tìm thêm hai bảo vật kia! Bởi thế, cậu ta bèn cúi đầu nhìn xuống, chú ý đọc tiếp những dòng chữ nhỏ khắc sâu trên chiếc giường đá: "Khắp trong đời này, chỉ có hai địa phương sản xuất hàn ngọc. Một là ở Hàm Không Đảo tại vùng Hải Nam, hai là Mặc Tiều Đảo tại Đông Hải. Ta đến nơi này chỉ là một việc ngẫu nhiên, thấy khắp trên đảo, đá đều đen như mực, nên sinh nghi đây là Mặc Tiều Đảo. Do đó, đã ra sức tìm khắp nơi, và kết quả đã tìm được một sơn động chìm sâu dưới đáy biển.

Nhờ thế ta bắt gặp phiến hàn ngọc này. Nó là một thứ ngọc phát ra luồng hơi lạnh thấu xương tủy, nếu người nằm lên tất rất khó chịu. Nhưng với một người biết điều hòa chân khí, từ âm sinh dương, từ dương lại sinh âm, âm dương hỗ trợ sinh hóa với nhau nối tiếp thì chỉ trong vòng hai năm sau, công lực sẽ tất sẽ tiến triển đến mức có thể sánh với một người khổ công rèn luyện suốt mười năm dài. Quả đây là một báu vật hiếm có trong võ lâm!" Ở phía dưới dòng chữ trên, lại còn có những dòng chữ nhỏ hơn, rất khó đọc. Lữ Lân không hiểu trước đây Thiên Tôn Thượng Nhân đã dùng phương pháp nào để khắc sâu những dòng chữ ấy vào mặt đá.

Đọc qua những chữ trên, Lữ Lân quá sức vui mừng không còn nhớ gì đến sức lạnh từ chiếc giường ngấm vào cơ thể nữa.

Bởi thế, cậu ta vội vàng cúi đầu xuống, đưa mắt chú ý nhìn vào những giòng chữ nhỏ hơn, thấy đấy là những bí quyết chỉ dạy phương pháp lợi dụng luồng hơi lạnh Thái Âm Chân Khí từ trong chiếc giường hàn ngọc phát ra để đưa vào cơ thể chuyển biến thành công lực của chính bản thân người đang nằm trên giường.

Lữ Lân vì quá vui mừng nên cất tiếng hú dài vang dội. Kế đó cậu ta liền làm đúng theo lời những bí quyết trên tường, ngồi xếp bằng trên giường hàn ngọc, bắt đầu rèn luyện nội công.

Trước tiên cậu ta cảm thấy có một luồng hơi buốt xâm nhập Hội Dương huyệt tại Nhâm Mạch và nơi Trường Cường huyệt tại Đốc Mạch rồi lần lần lan rộng lên trên.

Hai huyệt đạo ấy chính là hai huyệt chót nhất trong hai mạch Nhâm, Đốc. Do đó, khi luồng hơi lạnh đã thông qua hai huyệt đạo ấy và bắt đầu tràn lần lên phía trên phần cơ thể thì Lữ Lân cảm thấy sức giá buốt càng lúc càng gia tăng. Đến khi nó tràn đến Trung Khu huyệt và Cự Khuyết huyệt giữa ngực và bụng, thì Lữ Lân cơ hồ cảm thấy toàn thân mình suýt nữa lạnh cóng lại! Bởi thế Lữ Lân vội vàng dựa theo bí quyết, vận chuyển chân khí đưa tới chạm thẳng với luồng hơi lạnh đang xâm nhập. Nhưng cậu ta lại không sử dụng nguồn chân lực của bản thân để xô luồng hơi lạnh đang tràn vào như vừa rồi, mà trái lại dẫn dắt luồng hơi lạnh ấy dung hòa vào luồng chân khí trong cơ thể một cách thận trọng, rồi mới từ từ đưa chúng lưu chuyển đến hai mạch Nhâm, Đốc.

Bách Hội huyệt là huyệt đạo tập trung các cả kỳ kinh bát mạch trong châu thân con người người nên lúc luồng chân khí vận chuyển đến đấy chính là lúc quyết định sự thành công hay thất bại đối với người rèn luyện nội công.

Lữ Lân biết thế nên lại càng thận trọng hơn. Vì nếu trong vòng đầu bị thất bại thì việc rèn luyện tất sẽ gặp nhiều gian lao khó bề vượt qua được.

Bởi thế, cậu ta chẳng những tập trung tinh thần, chú ý dẫn dắt luồng hơi lạnh từ ngoài xâm nhập vào cũng như luồng chân lực của bản thân mình, từ từ đi qua các huyệt đạo mà còn vội vàng tập trung tinh thần, không để ý nghĩ phân tán trước những huyệt chi khác.

Nhờ thế, luồng hơi lạnh từ chiếc giường hàn ngọc phát ra, đã tràn vào được khắp kỳ kinh bát mạch trên người cậu ta.

Chừng ấy, Lữ Lân bỗng cảm thấy toàn thân hết sức ấm áp và khoan khoái, trí ngược với cảm giác bực bội và lạnh lẽo như lúc trước. Nếu đem so sánh hai cảm giác ấy, thì quả khác nhau một trời một vực.

Lữ Lân thấy mình đã bước được một bước thứ nhất, khiến luồng hơi âm đã chuyển thành dương được, thì trong lòng lại càng vui mừng.

Khi bảy mươi hai quan huyện trong cơ thể của cậu ta đã được luồng chân khí vận chuyển qua một lượt mà cậu ta vẫn chưa chịu nghỉ. Cậu ta hăng hái tiếp tục việc vận chuyển đến ba lượt, mới nhanh nhẹn nhảy xuống khỏi chiếc giường hàn ngọc, bước ra bên ngoài sơn động. Chừng đó, Lữ Lân mới hay là đã giữa khuya.

Lữ Lân thấy chỉ mới qua một ngày rèn luyện, công lực của bản thân đã tiến triển khả quan rồi. Lữ Lân nhận thấy nếu căn cứ vào bí quyết khắc trên chiếc giường hàn ngọc mà rèn luyện liên tục hai năm thì sẽ có một công lực như người khổ học suốt mười năm dài. Nên cậu ta đã có một quyết định sẽ lưu lại trên hòn đảo này hai năm để rèn luyện cho kỳ được một trình độ nội công như vậy.

Thật ra, Lữ Lân nào có biết, Thiên Tôn Thượng Nhân là người võ công cao cường, song tâm địa lại còn hẹp hòi. Ông ta không chịu nói rõ là nếu tiếp tục luyện theo phương pháp ấy đến bốn năm thì chẳng những võ công sẽ tiến bộ phi thường ít ai sánh kịp, mà đồng thời hai mạch Nhâm Đốc cũng sẽ được đánh thông, đến một trình độ hy hữu.

Lữ Lân vì đọc qua những lời ghi chép trên giường và tưởng đấy là những lời chỉ dạy hết lòng hết dạ, nên cũng chẳng có ý hoài nghi chi cả.

Sau đó, Lữ Lân đến khoảng đất phù sa, kiếm một ít trái cây chín ăn đỡ đói, rồi lại quay vào gian phòng đá nghỉ ngơi.

Khi thấy đã đỡ mệt, cậu ta bắt đầu luyện tập nội công như trước.

Lữ Lân đã khắc khổ luyện tập như thế đến ba tháng dài.

Trong vòng thời gian đó, trình độ võ công của Lữ Lân đã tiến bộ vượt bực. Song, Lữ Lân không thấy đó làm mãn nguyện. Vì cậu ta tự biết với trình độ võ công hiện giờ của mình, nếu trở về Trung Nguyên thì nhiều nhất chỉ có thể đánh nhau với hạng cỡ Hàn Ngọc Hà mà thôi. Trái lại, nếu muốn so tài với số người có trình độ võ công tương đương với Đàm Nguyệt Hoa thì chắc chắn còn kém sút hơn nhiều. Như vậy đối với số cao thủ bậc nhất của võ lâm, cậu ta vẫn chẳng làm chi được họ cả.

Hơn nữa, Mặc Tiều Tam Bảo hiện cậu ta chỉ mới phát hiện được có một mà thôi. Suốt trong thời gian ba tháng qua, tuy cậu ta không ngớt tìm kiếm khắp nơi, song vẫn không làm sao tìm thấy được hai vật kia ở nơi nào.

Bởi thế, Lữ Lân quả quyết là hai món bảo vật còn lại chắc chắn vẫn còn ở tại Mặc Tiều Đảo này chứ không bao xa. Nếu chẳng phải thế thì tại sao trong võ lâm ở Trung Nguyên chưa ai được di bảo của Thiên Tôn Thượng Nhân cả.

Đêm hôm ấy, sau khi suy nghĩ kỹ càng, Lữ Lân thấy suốt ba tháng qua, mình chỉ tìm kiếm trong gian phòng đá mà thôi chứ chưa leo lên ngọn núi sang hòn đảo bên kia tìm kiếm cho kỹ hơn.

Lữ Lân là một con người cá tính rất nóng nảy, nên khi đã nghĩ đến chuyện gì thì muốn làm cho được ngay. Cậu ta bước ra cửa động đá, định vượt lên ngọn núi cao...

Nhưng Lữ Lân bỗng tỏ ra đắn đo do dự. Vì đêm hôm nay chính là một đêm cả bầu trời mây đen giăng kín, ngửa bàn tay nhìn không thấy rõ, vậy muốn thực hiện ý định đó chẳng phải là một chuyện dễ dàng.

Cậu ta thấy rằng chiếc cầu đá trên đỉnh núi rộng không hơn một thước mộc. Trong khi đó, đêm lại tối đen như mực, vậy chỉ với việc vượt lên đỉnh núi cao, cũng đã không thể rồi, nói chi đến đi qua chiếc cầu đá nữa? Nghĩ thế nên Lữ Lân đứng sửng sờ tại cửa hang đá một lúc lâu, chưa quyết định nên hành động như thế nào? Bỗng ngay lúc đó một ý nghĩ thoáng hiện qua đầu óc cậu ta, khiến nét mặt vốn đăm chiêu liền tràn đầy sắc vui mừng.

Lữ Lân thấy bên trong gian phòng đá có khảm rất nhiều dạ minh châu, như vậy cậu ta chỉ cần lấy ít viên mang theo để soi sáng đường đi thì việc vượt qua ngọn núi bên nào có chi là khó? Nghĩ thế, Lữ Lân vội vàng quay lưng bước trở vào sơn động, tìm đến trước một viên dạ minh châu to nhất, thò tay móc mạnh định gỡ ra mang theo người.

Nhưng chẳng ngờ viên dạ minh châu ấy thực trơn láng, ngón tay của cậu ta không thể nào gỡ nó ra được, Lữ Lân đã hì hục suốt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chẳng hề có kết quả.

Vì thế, Lữ Lân không khỏi sốt ruột, tức giận. Cậu ta đưa tay lên ấn mạnh vào viên dạ minh châu to bằng hạt trái nhãn kia một lượt. Và bỗng nhiên, qua cái ấn mạnh của cậu ta, viên dạ minh châu nọ đã thụt mất vào trong.

Cùng một lúc sau ấy, Lữ Lân lại nghe tiếng rắc vang lên. Thế rồi viên dạ minh châu cũng bắt đầu từ trên rơi thẳng xuống đất, hiện lên một lỗ thủng nhỏ. Qua ánh sáng của những viên dạ minh châu đang chiếu ngời nơi nơi, Lữ Lân nhanh nhẹn đưa mắt nhìn thẳng vào bên trong lỗ thủng ấy thấy đấy là cái sơn động nhỏ vuông vức độ một thước mỗi cạnh.

Lữ Lân sinh nghi thò ngón tay trở vào lỗ trống nơi khảm viên dạ minh châu vừa rồi, dùng sức kéo mạnh ra. Tức thì một phiến đá vuông chừng một thước mộc liền theo tay Lữ Lân rời khỏi vách sơn động. Và một cái sơn động bé nhỏ hiện rõ ràng trước mắt cậu ta.

Thì ra cái sơn động bé nhỏ ấy chính là một sơn động thiên nhiên, nhưng đã dùng một phiến đá vuông đậy kín, khiến dù nhìn kỹ đến đâu cũng không thấy khe hở.

Lữ Lân chú ý nhìn vào bên trong, thấy có để một chiếc hộp ngọc xinh xắn, vuông vức độ nửa thước mộc, dày chừng non tấc. Vì thế Lữ Lân vui mừng như điên nhảy tưng lên không ngớt. Cậu ta thò tay cầm chiếc hộp ngọc ấy lên xem, thấy bên trái có khắc bốn chữ to "Kim Cang Thần Chỉ".

Bên dưới bốn chữ to ấy lại có một dòng chữ nhỏ: "Đây chính là một trong Mặc Tiều Tam Bảo." Lữ Lân chẳng ngờ mình vì nóng lòng muốn vượt qua chiếc cầu đá để qua ngọn núi bên kia, hầu tìm xem những vật quý báu chi được cất giấu tại đấy không, thì vô tình phát giác được bảo vật thứ hai trên Mặc Tiều Đảo! Bởi thế trong lòng Lữ Lân thực vui mừng không thể tả, vội vàng giở nắp chiếc hộp ấy ra xem, thấy bên trong đựng một xấp lá cây khô không rõ là loại cây gì. Nhưng bên trên những chiếc lá khô ấy, đều được dùng kim nhọn xâm thành từng hàng chữ một. Cậu ta cầm xấp lá ấy, thấy nó gồm có tất cả là mười hai tấm.

Thì ra những hàng chữ nhỏ được xâm trên mỗi chiếc lá cây khô đựng trong hộp, chính là phương pháp rèn luyện từng thế Kim Cang Thần Chỉ một! Lữ Lân vui mừng khôn tả, thận trọng xếp những chiếc lá ấy vào gọn gàng trong chiếc hộp ngọc, rồi mới thong thả đưa chân bước đi khắp gian phòng, thò một bàn tay ra ấn mạnh vào từng viên dạ minh châu khác! Lữ Lân hy vọng là sau những hạt dạ minh châu còn lại còn cất giấu món bảo vật thứ ba. Nhưng sau khi cậu ta đã ấn qua tất cả những viên dạ minh châu trong phòng, mà vẫn không thấy có điều chi đáng ngờ cả.

Lữ Lân không phải là một con người quá tham lam, cậu ta biết rằng trong vòng hai năm, mình phải một mặt ngồi trên chiếc giường hàn ngọc để rèn luyện nội công, một mặt phải học tập một thứ Kim Cang Thần Chỉ khoáng cổ tuyệt kim này, vậy chắc chắn không còn đủ thời giờ để làm chi khác được nữa! Bởi thế, dù cho cậu ta có tìm được món bảo vật thứ ba, e rằng cũng không biết có dùng vào chỗ nào.

Lữ Lân không lấy đó làm điều thất vọng, vội vàng đưa mắt xem qua những lời dẫn giải trên tấm lá kia về Kim Cang Thần Chỉ. Nhưng vì tâm trạng Lữ Lân lúc ấy đang vui mừng khấp khởi, lại bồn chồn nôn nóng, nên dù cậu ta đã xem qua, song vẫn không thể nào lãnh hội được ý nghĩa qua dòng chữ ghi chép trên những tấm lá khô ấy.

Lữ Lân phải chờ đến đêm tối, khi tâm trạng đã lắng dịu, mới bắt đầu rèn luyện từng bước một, đúng theo thứ tự đã ghi chép trên số lá khô.

Từ ấy trở đi, mỗi ngày Lữ Lân trừ lúc đi kiếm thức ăn ra, còn thì cậu ta ở luôn trong phòng đá để học hỏi võ công.

Sinh sống trên hòn đảo ấy lâu ngày, Lữ Lân cũng đã tìm thấy rất nhiều loại khoai củ, mọc rải rác khắp vùng đất phù sa, nên cậu ta không còn lo sợ thiếu thức ăn. Nhờ thế cậu ta chỉ chăm chú trui rèn nội công và Kim Cang Thần Chỉ mà thôi.

Thời gian trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc đã hai năm! Đối với một người đã đứng tuổi, thì khoảng thời gian ấy chẳng có chi đáng kể. Nhưng đối với một cậu bé tuổi vừa mười bốn, thì lại có nhiều biến chuyển to tát.

[mất trang]