Lục Chỉ Cầm Ma

Hồi 15

Docsach24.com
ữ Lân thấy vậy không khỏi hết sức vui mừng.

Trong lúc ấy người thư sinh vẫn tiếp tục vung bút điểm xuống như mưa, và khi điểm xong các huyệt đạo trên đầu Lữ Lân, lại dời xuống các huyệt đạo ở ngực, bụng và tứ chi. Do đó tất cả kỳ kinh bát mạch ở khắp người Lữ Lân, đâu đâu cũng được những sợi tơ nhỏ trên đầu ngọn bút điểm vào một lượt.

Việc làm đó trước sau chẳng hơn khoảng thời gian dùng xong nửa chén trà, nhưng Lữ Lân cảm thấy sự đau đớn trong người hoàn toàn biến mất, duy chỉ còn thấy uể oải kiệt sức mà thôi. Cậu ta gắng gượng đứng thẳng người lên, trông thấy người thư sinh ấy cũng đứng yên và khắp châu thân khói nóng bốc lên như một nồi nước sôi, mồ hôi toát ra dầm dề, khiến y phục đều ướt đẫm.

Lữ Lân biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, người thư sinh ấy đã sử dụng đến một nguồn chân lực vô cùng dồi dào và chắc chắn vì thế, ông ta đang cảm thấy hết sức mệt nhọc nên mới có vẻ kiệt lực cực độ như vậy.

Cùng lúc ấy lại nghe thấy số người đang đứng chung quanh reo hò hoan hô rằng:

- Lão tam, thực không ngờ thuật Tử Hào Phất Huyệt của ngươi đã tiến bộ vượt bậc không thể tưởng.

Trong đám đông lại có một người to tiếng nói:

- Tam ca, đường Tử Hào Phất Huyệt của anh vừa sử dụng đã ngầm chứa Thần Vận trong thuật múa bút của Vương Hữu Quân, thực đáng mừng và cũng đáng tán tụng lắm.

Người thư sinh ấy cất tiếng cười đáp:

- Tài nghệ hèn kém của tôi, nếu đem so với tuyệt nghệ của các huynh đệ khác thử hỏi có nhắm vào đâu? Lữ Lân nghe sự đối đáp giữa đôi bên, thực không biết họ nói với nhau những gì và liền sau đó bỗng cậu ta thấy có bóng người di động rồi lại trông thấy một người đàn ông có thân mình lùn thấp nhưng rắn chắc, diện mạo uy nghi tuấn tú từ trên bờ phi thân lướt thẳng xuống thuyền.

Khi đứng yên trên sạp thuyền, người đàn ông ấy liền bước nhanh đến sát bên cạnh Lữ Lân nói:

- Thằng bé kia, vừa rồi tam ca đã quật ngã ngươi hai lượt để cho xương cốt trong người ngươi giãn ra, đồng thời anh ấy lại sử dụng thuật Tử Hào Phất Huyệt, là một thuật không dễ chi được anh ấy mang ra dùng, để điểm các huyệt đạo trên người của ngươi. Anh ấy sử dụng một nguồn chân lực nội gia kín đáo và êm dịu nhất để giúp ngươi điều hòa chân khí, tuy hiện giờ cơ thể ngươi đang còn kiệt lực nhưng vẫn có lợi không phải là nhỏ. Tam ca đã tỏ ra hào phóng như thế, vậy ta cũng sẵn sàng giúp cho ngươi.

Lữ Lân nghe qua hết sức vui mừng nói:

- Tôi xin đa tạ tiền bối! Người ấy liền vung tay áo ra một lượt, tức thì sau một tiếng xoảng, đã thấy từ trong tay áo rộng của ông ta đánh rơi xuống sàn thuyền một quyển sách khá dày.

Quyển sách ấy không phải bằng giấy như những quyển sách thông thường, mà trái lại từng tờ sách một đều là những miếng sắt thực mỏng, sáng lóng lánh hoa cả mắt người nhìn.

Người đàn ông ấy bèn nhanh nhẹn chụp lấy quyển sách ấy lên, rồi vỗ thẳng vào lưng và ngực của Lữ Lân bốn lượt, qua một thủ pháp hết sức nhanh chóng và kỳ tuyệt.

Sau khi vỗ qua bốn lượt, sắc mặt của ông ta đỏ bừng, rồi nhanh nhẹn nhảy lui trở ra sau đứng yên một lúc mới giữ hơi thở bình thường trở lại được.

Lữ Lân cảm thấy cứ qua một lần bị quyển sách vỗ vào người, thì dường như một luồng sức mạnh vô hình hết sức mãnh liệt giáng vào người cậu ta, luồng sức mạnh ấy vì quá mạnh mẽ nên cơ hồ khiến cậu ta nghẹt thở đi.

Song cũng chính vì vậy, cơ thể cậu ta tự sinh ra một luồng sức mạnh để phản kháng và đến khi người đàn ông ấy đã nhảy lui trờ ra một lúc sau, Lữ Lân mới cảm thấy khắp cả châu thân được bình thường như cũ, hơn nữa tinh thần lại phấn chấn khác thường.

Đồng thời, cậu ta bỗng "ụa" lên một tiếng khá to, rồi nhổ ra một búng đàm, nhưng cũng liền đó cậu ta đã cảm thấy người mình đã khỏe mạnh lại như thường, và có lẽ còn dễ chịu hơn trước khi chưa bị thương nữa là khác.

Người thư sinh ấy trông thấy thế bèn cười nói:

- Tứ đệ, luồng Khí Dương Chân Lực của ngươi cũng đáng được mọi người khâm phục lắm.

Lữ Lân tuy nhỏ tuổi, nhưng là con nhà võ nghệ cao cường, sự hiểu biết đối với ngành võ học tương đối rộng rãi, nên nghe qua câu nói của người thư sinh ấy, đoán biết ngay người thư sinh vừa rồi sở dĩ vung ngọn bút điểm khắp các huyệt đạo của mình, chính là truyền vào cho người mình một nguồn nội gia chân lực Chí Âm Chí Nhuyễn.

Nhưng khi nguồn nội gia chân lực kia, dù được truyền vào cơ thể cậu ta rồi, song vì lúc bấy giờ trong người cậu ta hãy còn kiệt sức nên không đủ chân khí để tiếp nhận nó.

Và tiếp đó, sở dĩ người đàn ông thấp bé kia đã vung quyển sách vỗ vào người cậu ta bốn lần, chính là để truyền một nguồn nội lực Chí Dương Chí cương vào người cậu ta, hầu hỗn hợp hai nguồn nội lực âm dương lại, giúp cơ thể cậu ta dễ dàng tiếp nhận hơn, tăng thêm sức mạnh cho cậu ta vô cùng to tát.

Bởi thế, Lữ Lân vội quỳ xuống lạy hai người nói:

- Vãn bối được nhị vị tiền bối ban ân cho, thực cảm kích không làm sao tả xiết.

Hai người đều cất tiếng cười, trong khi đó người đàn ông to béo đang ôm chiếc hồ lô màu đỏ tía uống rượu bên kia bèn đứng lại lên tiếng nói:

- Anh em hãy nghe xem giọng nói của nó, tựa hồ như chê năm người còn lại chúng mình đây đều là số người hẹp hòi ích kỷ, không giúp chi được cho nó cả.

Lữ Lân nghe vậy không khỏi sợ hãi nói:

- Vãn bối sao lại dám có ý nghĩ như thế? Người thư sinh đang đứng cạnh đấy cười nói:

- Thằng bé kia, ngươi chớ nên để ý đến lời nói của ông ta làm gì, vì lão to béo đó chính là một gã khùng, cần chi phải để ý đến ông ta.

Người đàn ông to béo ấy hừ lên một lượt nói:

- Lão tam, ngươi chớ nên lắm lời, hiện nay thương thế của thằng bé ấy vẫn chưa khỏi hẳn. Vậy chờ cho nó dùng thuốc chữa thương xong, ngươi xem ta đây có hẹp hòi với nó không cho biết? Người thư sinh ấy vội vàng đưa tay xô mạnh Lữ Lân nói:

- Sao ngươi không quỳ lạy để tạ ơn? Ngươi chần chờ thì trong chốc lát đây, ông ta lại tiếc rẻ rồi quên mất lời là nguy! Lữ Lân tự biết, chỉ hai người vừa tiếp tay giúp đỡ mình là mình đã nhận được bao nhiêu ích lợi không thể tưởng rồi, thế mà giờ đây nếu năm người còn lại bằng lòng trợ lực cho mình nữa, chỉ cần sống một ngày trên chiếc thuyền này cũng bằng bốn năm khổ luyện võ công. Do đó, cậu ta bèn vội vàng sụp lạy thưa:

- Vãn bối xin cúi lạy để đa tạ trước.

Người đàn ông to béo ấy cất tiếng cười ha hả nói:

- Ngươi chẳng cần quá thủ lễ, giờ đây ngươi cần vào trong mui thuyền nghỉ ngơi trước đi, vì bảy anh em chúng ta đã cứu ngươi thoát nạn, làm sao lại bỏ qua mà không giúp đỡ cho ngươi tiến bộ được.

Lữ Lân không dám cãi lời, vội vàng đưa chân bước thẳng vào trong khoang thuyền nằm nghỉ. Cậu ta nghe bảy người ở ngoài, kẻ ca hát, người ngâm thơ, kẻ ngồi người nằm, kẻ uống rượu, người đánh đàn vô cùng vui vẻ. Và chẳng mấy chốc sau, cậu ta thấy người đàn ông to béo ấy bưng một chén thuốc thật đậm, bảo cậu ta uống vào.

Sau đó, Lữ Lân ngồi xếp bằng yên trong khoang thuyền để vận dụng chân lực, điều hòa hơi thở. Do đó, chẳng mấy chốc là một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Và khi Lữ lân bừng mở đôi mắt trở lại, thấy màu trời đã ngã bóng hoàng hôn, ánh sáng vàng kim lấp lánh của bóng tịch dương đang nhuộm hồng khắp cả mặt hồ, những ngọn thùy dương không ngớt phất phơ theo chiều gió, khói nước mờ mịt, cảnh sắc xinh đẹp vô cùng.

Lữ Lân đưa mắt nhìn ra mui thuyền, trông thấy Trúc Lâm Thất Tiên đang ngồi thành hàng chữ "nhất" trên bờ hồ, Lữ Lân nhìn qua cảm thấy bảy người họ dường như đang có một điều gì cùng bàn bạc với nhau, nên cũng không dám lên tiếng quấy rầy.

Qua một lúc sau, bỗng Lữ Lân nghe người đàn ông to béo ấy cất tiếng than dài một lượt, nói:

- Cũng sắp đến giờ rồi.

Giọng nói của ông ta có vẻ đầy lo âu sốt ruột, bởi thế Lữ Lân không khỏi cảm thấy hết sức làm lạ, vì bảy người này lúc nào cũng có vẻ nhàn tản vui tươi, thế sao giờ đây bỗng người đàn ông to béo ấy cất tiếng than dài. Chính vì thế nên Lữ Lân lại càng chẳng dám lên tiếng để làm rầy họ.

Qua một lúc sau, người đàn ông to béo ấy lại lên tiếng nói:

- Các vị huynh đệ, bảy anh em chúng ta suốt hai, ba mươi năm qua, đã chạm trán rất nhiều kẻ cường địch nhưng không như lần này, ngay đến tính danh và diện mạo của kẻ địch ra sao, chúng ta đều không ai được biết. Đấy quả là chuyện quái dị, từ trước đến nay chưa hề có. Vậy chẳng lẽ đối phương chính là số đại ma đầu mà trước kia đã bại dưới tay anh em ta, và sau một thời gian dài ẩn tích mai danh, nằm yên một chỗ, giờ lại muốn xuất đầu lộ diện để hoạt động trong giới giang hồ nữa chăng? Người thư sinh lên tiếng nói:

- Bốn gã ma đầu ấy, sau khi bại dưới tay anh em chúng ta, một tên đã chết mất mạng, còn hai tên trốn về phía Bắc Hải, và một tên nữa thì đã bị một cao thủ chính phái bắt sống giam cầm tại Ngưu Can Mã Phế giáp ở vùng Tứ Xuyên, suốt ngày đêm bị nước lạnh hành hạ thân xác, e rằng làm sao thoát nổi nơi cầm cố ấy để gây rối cho võ lâm. Song, nếu đúng là ba người bọn chúng tìm đến, dù cho hiện nay võ công của bọn chúng tiến bộ vượt bậc, anh em ta cũng chẳng hề biết sợ, vì trong khoảng thời gian đó, võ công của anh em ta cũng tiến bộ như bọn họ.

Một người gầy đét trong bọn họ lên tiếng nói:

- Đối với mọi việc xảy ra lần này, tôi vẫn cương quyết duy trì ý kiến riêng của tôi.

Người to béo đáp:

- Lời nói ấy của ngươi, có phải cho rằng kẻ đã hẹn chúng ta đến gặp mặt tại Hồ Khưu Tháp, là người hoàn toàn không có ác ý hay không? Người gầy đét ấy trả lời:

- Đúng thế, anh thử nghĩ, nếu ông ta có ác ý trong khi gởi cánh thiếp đến cho chúng ta, giữa lúc chúng ta hoàn toàn không hay biết chi cả, đối phương có thể thừa cơ ám hại chúng ta được rồi. Nhưng đối phương đã không làm vậy, đủ thấy đối phương hoàn toàn không có ác ý.

Một người trán hói, trên lưng đeo một chiếc hồ lô đỏ tía thật to chen vào nói rằng:

- Chẳng cần xét đoán đối phương là người có ác ý hay không, vì chỉ trong chốc lát nữa đây, hắn ta sẽ tìm đến và chúng ta sẽ được biết rõ hắn ta là một nhân vật như thế nào. Giờ đây, chúng ta nên tập trung tinh thần chú ý đề phòng là hơn.

Lữ Lân lắng tai nghe một lúc lâu, đã đoán biết trước đây Trúc Lâm Thất Tiên sở dĩ tập trung đến ngôi Hồ Khưu Tháp, chính là để chờ một đối phương có lời hẹn với họ, nhưng chẳng rõ nhân vật nào đã có lời hẹn với họ như vậy? Và sở dĩ họ giả ra những pho tượng thần ngồi yên trên tầng chót của ngôi tháp, chính là để đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra, đồng thời cũng nhờ đó mà họ đã cứu nguy được cho cậu ta.

Giờ đây, có lẽ chính nhân vật ấy hẹn với Trúc Lâm Thất Tiên đến gặp nhau tại ven hồ này, và hiện giờ chắc chắn đối phương cũng sắp đến nơi.

Lữ Lân thầm nghĩ: "Trúc Lâm Thất Tiên là những nhân vật tên tuổi vang lừng trong võ lâm, hơn nữa mỗi người đều có tuyệt kỹ riêng của mình, thế mà họ phải tỏ ra lo âu như vậy, chắc chắn nhân vật gởi thiếp hẹn họ phải là một người có võ nghệ cao siêu tuyệt đỉnh, đồng thời trong dịp gởi thiếp ấy đã thi thố vài ngón độc đáo chi, mới khiến họ băn khoăn lo lắng đến mức này." Lữ Lân ở yên trong mui thuyền, nhưng không ngớt đưa mắt nhìn ra ngoài để theo dõi, cậu ta trông thấy màn trời mỗi lúc một tối dần, và chẳng mấy chốc sau thì một vầng trăng lưỡi liềm đã treo lửng lơ trên đầu ngọn liễu, tỏa ánh sáng nhợt nhạt xuống mặt hồ mông lung, khiến cảnh sắc có vẻ hết sức tĩnh mịch và hết sức buồn bã.

Chẳng mấy chốc sau, Lữ Lân bỗng trông thấy có một bóng đen từ xa phi thân chạy bay đến, và chỉ trong nháy mắt sau là đã tiến đến nơi.

Lữ Lân vừa nhìn thấy bóng đen ấy, không khỏi giật nảy mình, vì hình dáng của đối phương cậu ta cảm thấy hết sức quen thuộc.

Kịp khi thấy bóng đen ấy tiến gần hơn, Lữ Lân suýt nữa đã buột miệng ồ lên một tiếng to.

Quả nhiên người vừa tới chính là người che mặt có võ công cực kỳ cao thâm, và đã tự xưng là người họ Đàm mà cậu ta đã gặp trước đây.

Khi người ấy đến nơi, bèn dừng chân đứng yên lại cách Trúc Lâm Thất Tiên độ ngoài hai trượng, rồi tươi cười nói:

- Bảy vị quả là người giữ chữ tín, tại hạ đã hẹn gặp các vị tại Hồ Khưu Tháp, nhưng vì có việc bất đắc dĩ nên đã thất hẹn với các vị, vậy xin các vị tha thứ cho.

Trúc Lâm Thất Tiên đồng thanh cất tiếng cười, và người đàn ông to béo bèn lên tiếng nói:

- Trong chuyến hẹn đến Hồ Khưu Tháp, dù cho các hạ đến kịp đi nữa chúng tôi cũng đã rời đi rồi, chẳng hay các hạ cần gặp chúng tôi là có điều chi chỉ giáo? Người che mặt vội vàng đáp:

- Chả dám, chả dám. Tại hạ cần phải nhờ bảy vị chỉ giáo cho kia.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe thế sắc mặt đều sa sầm.

Vì với những tiếng "chỉ giáo" hay "dạy bảo" của họ có một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với lời văn, mà sự thực chỉ là những tiếng dùng để khiêu chiến với đối phương mà thôi.

Người đàn ông ăn mặc theo lối thư sinh ấy bèn to tiếng nói:

- Bảy anh em chúng ta trong võ lâm tên tuổi cũng chẳng có là bao, song chẳng rõ cao danh quý tánh của các hạ có thể bảo cho biết chăng? Người che mặt đáp:

- Tại hạ họ Đàm, và chỉ có một tên gọi là Thăng.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe qua trong lòng không khỏi tự lấy làm lạ, họ tự nghĩ: "Mình từ trước đến nay đi khắp đông tây nam bắc, lăn lóc trong giới giang hồ có đến nửa đời người, không thể bảo là biết hết mọi nhân vật võ lâm, nhưng với những nhân vật nổi tiếng thuộc hàng cao thủ không lý do gì mà lại không biết được." Vừa rồi, khi ai nấy đều nhìn qua tài khinh công của đối phương, đã biết được đối phương chính là một nhân vật tài nghệ cao cường tuyệt đỉnh, chắc chắn không phải là nhân vật tầm thường, nhưng hai tiếng Đàm Thăng, thật sự họ hoàn toàn xa lạ.

Người thư sinh bèn cất giọng lạnh lùng, hừ qua một lượt nói:

- Các hạ không chịu nói rõ qua danh tánh thật sự của mình, chúng tôi cũng không biết làm cách nào hơn.

Đàm Thăng tươi cười nói:

- Sử bằng hữu nói thế là sai rồi, lời nói của tại hạ là lời nói thực tình. Vậy trước mặt một số người sáng suốt, thử hỏi tại hạ sao lại có thái độ xảo trá được? Xưa kia tại hạ còn có một cái biệt hiệu khác, do đó tên tuổi thực của mình ít người được biết, nhưng hiện giờ cái biệt hiệu ấy tại hạ không muốn dùng đến nữa, vậy xin các vị chớ hỏi nhiều.

Trúc Lâm Thất Tiên không khỏi hết sức kinh ngạc, vì qua giọng điệu của đối phương chứng tỏ danh hiệu của đối phương trước kia đã vang lừng trong võ lâm, và cũng đáng tự hào trước danh hiệu ấy, thế nhưng giờ đây đối phương lại trùm kín khuôn mặt nên cả bọn không làm sao đoán biết được đối phương là ai. Do đó bảy anh em lại đồng thanh lên tiếng hỏi:

- Đàm bằng hữu chỉ đến đây một mình sao? Đàm Thăng cười đáp:

- Tại hạ đến đây chẳng phải có ý gây sự đánh nhau với chư vị, vậy hà tất phải đi đông người? Người đàn ông to béo nói:

- Nếu vậy chả lẽ các hạ đến đây gặp anh em chúng tôi với mục đích đàm tiếu thôi sao? Giọng của Đàm Thăng bỗng trở thành trang nghiêm nói:

- Bảy vị chẳng rõ đã biết trong võ lâm sắp xảy ra một cuộc phong ba khủng khiếp hay chăng? Người đàn ông to béo cất tiếng to cười ha hả đáp:

- Bảy anh em chúng tôi từ bấy lâu nay đã gạt bỏ việc chém giết trong giới giang hồ ra ngoài tai, vậy các hạ cũng nên hiểu điều đó.

Đàm Thăng cất tiếng than dài nói:

- Nhưng khi mọi việc vừa xảy đến, e rằng các vị không làm sao tránh khỏi bị liên lụy.

Hiện nay Phi Hổ Lữ Đằng Không ở tại thành Nam Xương đang cấp tốc đi đến phái Nga My để mời các cao thủ tại gia và các cao tăng trong phái này, cũng như đang cấp tốc tìm đến mời các cao thủ của phái Điểm Thương để cùng kéo tới núi Võ Di ở Phúc Kiến, hầu gây sự đánh nhau với Lục Chỉ Tiên Sinh và Thiết Đạc Thượng Nhân. Vậy chả lẽ các vị có thể khoanh tay đứng ngoài nhìn hay sao? Trúc Lâm Thất Tiên là số người có mối giao du rất sâu với Lục Chỉ Tiên Sinh và Thiết Đạc Thượng Nhân, nên nghe lời nói ấy không khỏi giật mình.

Nhưng trong lòng bọn họ vẫn chưa chịu tin lời nói ấy của người che mặt, do đó người đàn ông to béo bèn lên tiếng nói:

- Chẳng hay các hạ nói thế là căn cứ vào đâu? Đàm Thăng cười nhạt đáp:

- Tôi có bằng cớ đàng hoàng, hiện nay Võ Đang Tam Kiếm đã bị sát hại, và người trong phái này đã nhất quyết rằng chính Phi Hổ Lữ Đằng Không đã xuống tay sát hại Võ Đang Tam Kiếm. Do đó, họ đang tuyển chọn một số cao thủ trong môn phái, gấp rút tìm đến núi Võ Di, để so tài cao thấp với Lữ Đằng Không.

Lữ Lân ngồi trong mui thuyền, lắng tai nghe những lời nói đó, trong lòng không khỏi thầm gật mình.

Lúc Võ Đang Tam kiếm bị giết, chính mắt Lữ Lân đã mục kích, nhưng trong thực tế thật khó giãi bày việc ấy cho người chung quanh tin được.

Chính vì vậy, nên sau khi mọi việc xảy ra, một nhân vật tiểu bối trong phái Võ Đang đã phát giác được và lên tiếng hỏi tính danh của Lữ Lân. Cậu ta vì lòng dạ ngay thẳng nên đã nói thực tính danh của mình và cha mình cho đối phương nghe, do đó chẳng ngờ phái Võ Đang lại gán vụ án ấy lên đầu người cha già mình.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe qua lời nói của người che mặt, đã buột miệng ồ lên một tiếng, tựa hồ bảy người họ đều cảm thấy rằng, nếu các môn phái hữu danh và có nhiều tuyệt nghệ ấy đứng lên tranh chấp chém giết nhau, quả là một chuyện long trời lỡ đất, do đó mặc dù tất cả bảy người họ không lúc nào bận tâm đến chuyện chung quanh, nhưng bây giờ cũng không khỏi cuống quýt.

Đàm Thăng cất giọng lạnh lùng nói:

- Mọi việc chẳng phải chỉ có thế thôi đâu! Vừa rồi, người vợ của Lữ Đằng Không là Tây Môn Nhất Nương vì bị trúng Âm Thi Chưởng của Quỷ Thánh Thạnh Linh và sau đó lại đọ chưởng lực với Hỏa Phụng Tiên Cô nên đã mất mạng. Vậy thử hỏi hai phái Nga My và Điểm Thương đâu lại chịu bó tay ngồi yên? Việc đó tuy xảy ra tại nhà riêng của Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn, nhưng hiện giờ Hàn Tốn đã chết rồi và cũng chính vì vậy nên Hỏa Phụng Tiên Cô phải hoàn toàn gánh lấy mối thâm thù đó. Bởi thế chắc chắn các môn phái như Phi Yến Môn, Thái Cực Môn đều sẽ bị lôi kéo vào vòng thị phi này.

Người đàn ông to béo lên tiếng hỏi:

- Nếu nói như các hạ, các môn phái trong phe tà phái cũng đã bị dính dấp đến chuyện này rồi chăng? Đàm Thăng nói:

- Đúng thế, chẳng những Quỷ Thánh Thạnh Linh bây giờ đã rời khỏi Quỷ Cung ở Bắc Mang Sơn, mà ngay đến Liệt Hỏa Tổ Sư của phái Hoa Sơn cũng đã rời khỏi Liệt Hỏa Điện của ông ta tại núi Hoa Sơn rồi, vì ông ta vừa nghe tin có hai vị Đường chủ của mình vừa bị sát hại.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe thế đều im lặng một lúc lâu, không nói chi cả.

Sau đó người đàn ông to béo mới lên tiếng hỏi:

- Chẳng hay do đâu mà các hạ lại biết được tường tận như vậy? Đàm Thăng lại cất tiếng than dài nói:

- Vì các vị không chú ý tìm hiểu việc này, nên mới không được biết đó thôi. Tôi sở dĩ đêm qua không tìm đến Hồ Khưu Tháp gặp các vị, cũng chính vì trên đường đi tôi bất ngờ gặp Hỏa Phụng Tiên Cô, bà ta tuy bị trọng thương nhưng đã tiết lộ cho tôi nghe rất nhiều chuyện quan trọng. Nhờ thế nên tôi mới được biết tường tận, như đã giãi bày cho các vị nghe.

Người thư sinh lại lên tiếng hỏi:

- Qua lời nói của các hạ, phải chăng là có ý muốn chúng tôi ra ngăn chặn không cho cuộc xô xát này xảy ra? Đàm Thăng lại than dài nói:

- Việc ấy chẳng phải tại hạ có ý xem thường bảy người các vị, mà chỉ e rằng bảy vị nếu có muốn làm thế cũng không có đủ khả năng, song tại hạ được biết trong võ lâm hiện giờ chỉ có một người duy nhất là có thể ngăn chặn không cho tai họa xảy ra mà thôi. Và chỉ cần người ấy bằng lòng tự sát tạ lỗi, mọi cuộc tranh chấp tự nhiên sẽ tiêu tán ngay trong trứng nước.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe qua đều không khỏi lộ sắc kinh nghi, nên đồng thanh hỏi:

- Người ấy là ai? Đàm Thăng đáp:

- Người ấy là vị bằng hữu rất thân của bảy vị, Lục Chỉ Tiên Sinh ở Tiên Nhân Phong núi Võ Di.

Gã đàn ông to béo tức giận nói:

- Việc này có tương quan chi đến Lục Chỉ Tiên Sinh chứ? Đàm Thăng cất gọng lạnh lùng nói:

- Gần đây, Phi Hổ Lữ Đằng Không có nhận áp tải một chuyến hàng vô cùng kỳ lạ, có lẽ bảy vị đã được nghe rồi chứ? Người đàn ông to béo đáp:

- Việc đó thì chúng tôi đã biết rồi, vì trước đây mấy hôm chúng tôi có nhận được một phong thư của ai đó gởi đến, cho hay là Lữ Đằng Không đã nhận áp tải một món vật có tương quan thật trọng đại đến cục diện võ lâm. Đồng thời cho biết, nếu kẻ nào cướp được món vật ấy sẽ đủ điều kiện để đứng ra thống lãnh cả võ lâm, người bí mật đó còn xúi bảo chúng tôi nên lên đường để cướp giật về cho mình, nhưng chúng tôi hoàn toàn không hành động như vậy.

Đàm Thăng nói:

- Nếu thế thì đúng rồi, một phong thư y hệt như phong thư chư vị đã nhận được, đã cùng một lúc gởi đến các phái chính tà. Hơn nữa, bất cứ một nhân vật nào tương đối có tiếng tăm trong võ lâm cũng đều nhận được một phong thư như thế. Chính vì vậy, nên các môn phái Hoa Sơn, Phi Yến, Thái Cực và các nhân vật như Quỷ Thánh Thạnh Linh, Hắc Thần Quân tại Vạn Hốt Cốc, Kim Cô Lâu tại Tây Thiên Mục đã ùn ùn kéo ra để tranh món vật ấy. Do đó hai phái Nga My, Điểm Thương đã vô hình chung kết thành mối thâm cừu với các môn phái chính tà, không làm sao gột rửa được nữa.

Người thư sinh nghe thế, sắc mặt liền sa sầm nói:

- Chả lẽ các hạ có ý bảo việc này đều do Lục Chỉ Tiên Sinh gây ra cả hay sao? Đàm Thăng nói:

- Trong phong thư mà chư vị đã nhận được, chả lẽ không có dấu hiệu bàn tay sáu ngón hay sao? Trúc Lâm Thất Tiên đồng thanh đáp:

- Không có.

Đàm Thăng nói tiếp:

- Nhưng trong tất cả các phong thư khác mà số nhân vật võ lâm đã nhận được, đều có dấu hiệu một bàn tay sáu ngón. Nơi đây tôi hãy còn giữ một phong thư, và trong phong thư này chính là gởi đến cho một nhân vật khét tiếng trong giới tà ma ngoại đạo, nhiều năm qua đã mai danh ẩn tích mà tôi vừa mượn được để xem, vậy xin chư vị xem qua thì rõ.

Đàm Thăng vừa nói, vừa thò tay vào áo, lấy ra một tấm giấy ngọc xanh, vuông độ nửa thước mộc. Trúc Lâm Thất Tiên trông thấy thế đồng thanh "ủa" lên một tiếng nói:

- Phong thư mà chúng tôi nhận được cũng y hệt phong thư này.

Người đàn ông to béo định thò tay ra nhận lấy tấm giấy ngọc xanh do Đàm Thăng đưa tới, nhưng giữa chừng ông ta bỗng rút cánh tay trở lại, đôi mắt sáng quắc hỏi:

- Phong thư này đã là phong thư gởi cho một nhân vật khét tiếng trong giới tà ma ngoại đạo, chẳng rõ tại sao các hạ lại lấy được? Đàm Thăng cất tiếng than nặng nề, nói:

- Trong lòng mỗi người, ai ai cũng đều có một mối ẩn tình khó thể giãi bày, vậy các hạ hà tất phải tìm hiểu cặn kẽ? Người đàn ông to béo bỗng biến ngay sắc mặt, nói:

- Bảy anh em chúng tôi, tuy từ trước đến nay có thói quen ít can dự đến chuyện đời, song đối với bọn đại gian đại ác bấy lâu ẩn tích mai danh nhưng bây giờ lại muốn ló đầu ra chà đạp võ lâm, chúng tôi không khi nào chịu buông tha cho đâu.

Đàm Thăng tươi cười nói:

- Sự lo ngại ấy của các hạ có lẽ quá thừa rồi, vì tại hạ chẳng phải thuộc hạng người mà các hạ nói đến ấy đâu.

Nghe qua lời nói ấy, người đàn ông to béo ấy lại thò cánh tay ra nhận lấy phong thư bằng ngọc xanh, ông ta mở banh ra xem, thấy bên trong có những dòng chữ khắc sâu, lời lẽ cũng y hệt như phong thư mà bảy người nhận được trước đây mấy hôm, nhưng bên dưới những dòng chữ ấy quả có in hình một bàn tay.

Cái bàn tay ấy có một ngón nhỏ mọc cạnh từ ngón tay cái mà ra, nên gồm tất cả là sáu ngón.

Người đàn ông to béo xem xong, bèn trao cho sáu người ngồi bên cạnh lần lượt xem qua, và sau đó ai nấy đều im lặng không nói chi cả.

Qua một lúc khá lâu, người thư sinh mới lên tiếng:

- Lục Chỉ Tiên Sinh không khi nào làm ra chuyện vớ vẩn như thế này. Theo tôi, e rằng bên trong việc này có một điều bí ẩn chi.

Đàm Thăng nói:

- Sử huynh nói không sai tí nào cả, người gởi những phong thư này đi khắp võ lâm, cố ý dùng ngọc xanh để thay giấy, để chứng tỏ hắn ta là muốn thầm bảo cho mọi người biết, kẻ gởi phong thư chính là Bích Ngọc Sinh. Do đó, đủ thấy đối phương có mục đích ly gián võ lâm, để gây ra một cuộc chém giết đẫm máu. Song, ngoài việc này lại có một việc lạ lùng nữa, chẳng hay các vị có biết chăng? Trúc Lâm Thất Tiên đồng thanh nói:

- Chẳng hay việc lạ lùng ấy là việc chi? Đàm Thăng đáp:

- Việc lạ lùng ấy đã xảy ra trong nhà Phi Hổ Lữ Đằng Không.

Từ nãy đến giờ, Lữ Lân một mực ngồi yên trong khoang thuyền, nghiêng tai lắng nghe những lời đối thoại giữa Trúc Lâm Thất Tiên và Đàm Thăng, cậu ta nghe Đàm Thăng bảo mẫu thân mình là Tây Môn Nhất Nương đã bị chết tại nhà riêng của Hàn Tốn, và chính là chết dưới tay của Hỏa Phụng Tiên Cô, nên trong lòng hết sức căm thù bà ta. Đồng thời, cậu ta biết được một kẻ thù dính dấp đến cái chết của mẫu thân mình, ấy là Quỷ Thánh Thạnh Linh. Do đó, trong lòng bừng bừng nổi giận, chỉ muốn quát to lên cho hả cơn hận thù.

Nhưng cậu ta vẫn có thể đè nén được cơn tức giận trở xuống, im lặng không nói chi cả, vì cậu ta đoán biết trong việc này chắc chắn vô cùng phức tạp, vậy nếu mình lên tiếng quát tháo, thì giữa Đàm Thăng và Trúc Lâm Thất Tiên sẽ dừng câu chuyện lại, và do đó mình sẽ không thể tìm hiểu thêm gì chung quanh việc ấy nữa.

Chính vì vậy cậu ta đã cắn chặt lấy một vành môi, cố gắng đè nén sự căm tức, tuy nhiên đôi dòng lệ của cậu ta đã tuôn trào như suối.

Giờ đây cậu ta bỗng nghe Đàm Thăng nói là có một việc quái dị đã xảy ra trong nhà mình, trong lòng lại kinh hãi hơn.

Lúc ấy Đàm Thăng đã lên tiếng nói tiếp:

- Theo tôi được biết, khi Tây Môn Nhất Nương đã bị chết, Lữ Đằng Không chẳng khi nào chịu để yên cho đối phương, do đó ông ta không kể chi ngày đêm hối hả tìm đến hai phái Điểm Thương và Nga My, hầu mời các cao thủ trong hai phái này ra trợ lực trả lại mối thù cho người vợ thân yêu của mình. Do đó, tại hạ đã cấp tốc truy đuổi theo ông ta, hầu ngăn chặn việc làm ấy của ông ta lại, nhưng khi tại hạ đuổi theo kịp và gặp mặt Phi Hổ Lữ Đằng Không, ông ta bảo sẽ cương quyết phải thanh toán mối thù giết vợ, giết con nên nhất định liều chết với kẻ thù.

Người đàn ông to béo nghe không khỏi ngạc nhiên nói:

- Mối thù giết vợ giết con? Tôi thật sự chẳng hề nghe nói Lữ Đằng Không lại có đến hai đứa con trai kia? Đôi mắt ẩn kín trong lớp khăn che mặt của Đàm Thăng không ngớt chiếu lập lòe nói:

- Lời nói ấy của Lâm huynh là có ý nghĩa gì? Người đàn ông to béo ấy mỉm cười một cách ranh mãnh đáp:

- Xin các hạ hãy cứ nói tiếp đã, đấy chỉ là một câu nói chưa kịp suy nghĩ chín chắn của tôi mà thôi.

Đàm Thăng đáp:

- Chuyện lạ lùng ấy chính do Lữ Đằng Không đã nói lại cho tôi nghe, ông ta bảo trước khi rời khỏi nhà ra đi, phát giác bên trong một gian hầm đá bí mật của ông ta có một xác chết không đầu của một đứa bé. Tuy xác chết không có thủ cấp, song đã mặc y phục và đeo chiếc vòng ngọc trên tay, giống hệt đứa con trai của ông là Lữ Lân. Tôi có bảo cho ông ta biết là hiện nay Lữ Lân vẫn còn sống trên dương trần này, nhưng ông ta vẫn nhất quyết không chịu tin.

Lữ Lân nghe đến đây không khỏi giật mình sửng sốt, vì cậu ta thấy mình vẫn còn sống sờ sờ đây, vậy ai lại bảo là mình đã chết? Và tại sao phụ thân mình không chịu tin rằng mình vẫn chưa chết? Trúc Lâm Thất Tiên cũng biết hiện giờ Lữ Lân đang ở dưới thuyền của họ, nên bảy người đều đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Qua thái độ của bọn họ, chứng tỏ bọn họ đều hoàn toàn không tin ở lời nói của Đàm Thăng. Nhưng họ nào có ngờ lời nói của Đàm Thăng lại hoàn toàn đúng sự thực.

Đàm Thăng dừng lại trong giây lát rồi nói tiếp:

- Hơn nữa, ở trong gian phòng đá bí mật đó lại có dấu một bàn tay.

Người đàn ông to béo vội vàng lên tiếng hỏi:

- Có phải một bàn tay sáu ngón không? Đàm Thăng khẽ gật đầu nói:

- Đúng thế, đấy chính là một bàn tay sáu ngón. Căn cứ vào đó có thể xác nhận mọi việc đều có tương quan đến Lục Chỉ Tiên Sinh, đồng thời cũng chứng tỏ cuộc tranh chấp giữa các môn phái lớn trong võ lâm rõ ràng là do ông ta ly gián mà ra. Vậy, nếu ông ta bằng lòng xuất hiện trước các cao thủ cùng kéo đến Tiên Nhân Phong tại núi Võ Di, để thẳng thắn nhìn nhận tội trạng mình, mới có thể xóa bỏ đi được một cuộc xô xát đẫm máu.

Trúc Lâm Thất Tiên nghe đến đây bất giác đồng thanh phá lên cười to ha hả, người đàn ông to béo nói:

- Có lẽ Đàm bằng hữu biết giữa chúng tôi và Lục Chỉ Tiên Sinh có một sự giao du rất thân mật, nên muốn tìm đến đây để bảo chúng tôi tiếp xúc và khuyên nhủ Lục Chỉ Tiên Sinh nên tự sát để tạ tội với đời không? Đàm Thăng đáp:

- Đấy chỉ là một trong những mục đích tôi tìm đến đây mà thôi.

Người thư sinh lên tiếng nói:

- Tôi đã biết rồi, các hạ định bảo khéo với chúng tôi, là nếu trong trường hợp Lục Chỉ Tiên Sinh không nhìn nhận lỗi lầm của mình, tất các hạ sẽ ra tay đối phó với ông ấy, nên cảnh cáo trước với chúng tôi là không nên nhúng tay vào việc đó chăng? Đàm Thăng vội đáp:

- Chả dám! Chả dám! Tuy ông ta nói liên tiếp hai tiếng chả dám, nhưng qua giọng điệu của ông ta, chứng tỏ ông ta mặc nhiên thừa nhận người thư sinh đó đã đoán đúng tâm trạng của mình.

Trúc Lâm Thất Tiên đều là những người có cá tính ngông nghênh ngạo mạn, nên nghe qua lời nói đó tất cả đều sa sầm nét mặt. Người đàn ông to béo thẳng thắn nạt lớn rằng:

- Đàm bằng hữu, ông đến đây nói toàn những chuyện bá láp, vậy chẳng cần nói nhiều thêm nữa! Đàm Thăng ngạc nhiên hỏi:

- Ông anh sao lại nói thế? Người thư sinh cất tiếng to hỏi vặn lại:

- Ai là anh em với ông chứ? Ông vốn thực là ai? Tiếng "ai" vừa thốt ra khỏi miệng, cánh tay của người thư sinh ấy bất thần vung mạnh lên khiến ngọn Tử Hào Bút bay vút tới, nhắm thẳng vào lồng ngực của Đàm Thăng, mặc dù thân người của ông ta vẫn ngồi một chỗ.

Lúc bấy giờ, khoảng cách giữa đôi bên rất gần, hơn nữa người thư sinh ấy lại ra tay quá nhanh nhẹn, nên xem ra ngọn bút của ông ta chắc chắn sẽ điểm trúng vào huyệt Trung Phủ trước ngực của Đàm Thăng...

Nhưng Đàm Thăng đã nhanh như chớp, lướt mình tránh ra xa độ nửa thước, do đó ngọn bút trong tay của người thư sinh đã điểm hụt vào khoảng không.

Người thư sinh ấy cất tiếng cười to ha hả nói:

- Thân pháp quả là phi phàm.

Cùng một lúc với tiếng nói, thân người của ông ta đã bay bổng lên không, lướt về phía trước độ một thước, đồng thời ngọn bút lông cũng được vung lên nghe vèo, vèo, dùng thuật Tử Hào Phất Huyệt, tiếp tục nhắm điểm vào bảy huyệt trên người của Đàm Thăng.

Đàm Thăng trông thấy thế, liền nhanh nhẹn chụp lấy một nhành cây khô rơi trên đất với một thân pháp nhanh nhẹn không thể tả. Tức thời, ông ta đã kịp vung tay lên bảy lượt và cứ mỗi một lượt vung lên như thế, đã điểm trúng vào thế điểm tới của người thư sinh, nên phá vỡ được tất cả các thế võ kỳ tuyệt ấy.

Thế võ của người thư sinh vừa đánh ra có tên là Thất Tinh Bạn Nguyệt, chỉ trong một thế võ ấy, mà đã nhắm thẳng vào bảy huyệt đạo của đối phương qua những miếng đánh hết sức thâm sâu kỳ tuyệt. Nhưng Đàm Thăng chỉ cần vung tay quét nhành cây lên là đã phá vỡ được bảy mếng trong thế Thất Tinh Bạn Nguyệt ấy.

Chính vì vậy, nên người thư sinh không khỏi thầm kinh hãi và do đó khi thế võ vừa đánh ra một nửa, ông ta vội thu ngọn bút trở về...

Nhưng dù người thư sinh ấy đã thu ngọn bút với một thủ pháp vô cùng nhanh nhẹn, song vẫn chậm hơn đối phương một bước. Thế là nhành cây khô trong tay Đàm Thăng đã kịp thời gõ nhẹ vào cán bút của người thư sinh nghe một tiếng bốp, khiến đầu ngọn bút lông bị đẩy sa thấp xuống, kéo thành một đường lõm sâu trên mặt đất.

Hai người ra tay đánh nhau trước sau chỉ có một thế võ, và đôi bên đang cùng ngồi yên.

Đồng thời, một bên trong tay cầm một ngọn bút lông, và một bên khác chỉ cầm một nhành cây khô bé nhỏ, xem ra không có chi là đáng sợ, nhưng sự thực đối với kẻ am hiểu võ công, nhìn qua sự tấn công và phòng ngự giữa đôi bên đều không khỏi kinh tâm táng đởm.

Vì thế võ Thất Tinh Bạn Nguyệt của người thư sinh ấy tỏ ra vô cùng kỳ tuyệt, song vẫn còn sút kém hơn Đàm Thăng một bậc.

Bởi thế, sắc mặt của người thư sinh bừng đỏ lên tiếng nói:

- Võ công của các hạ quả vô cùng cao thâm, tại hạ hết sức bái phục.

Nên biết, người thư sinh ấy xưng hiệu là Thần Bút, và khi nói đến bốn tiếng Thần Bút Sử Tự trong võ lâm không ai là không biết.

Ngọn bút lông ông ta sử dụng chỉ là ngọn bút lông y hệt như những ngọn bút lông thông thường, song kỳ thực nó được ông ta dồn luồng kình lực Chí Âm Chí Nhuyễn vào đầu ngọn bút, nên đối phương nếu tài nghệ kém cỏi để bị ngọn bút lông ấy quét trúng vào người cũng khó lòng thoát khỏi cái chết.

Hơn nữa, suốt mười năm gần đây, ông ta lại gắng công nghiên cứu về bút pháp của các nhà chuyên viết chữ nổi danh thời xưa, rồi từ trong bút pháp ấy, ông ta lãnh hội được những thế võ công độc đáo khó lường. Ví như, ông ta đã nghiên cứu lối viết rất đôn hậu của Nhân Lỗ Công, lối viết nét gầy và nghiêng của Tống Trưng Tông, lối viết thảo bay bướm của Vương Hữu Quân, và lối viết sắc sảo của Triệu Mạnh Tử.

Sau khi tâm đắc qua những bút pháp ấy, ông ta đã tập trung chúng lại để luyện thành đường Tử Hào Phất Huyệt, và sử dụng nó đến mức điêu luyện, có thể bảo là xuất quỷ nhập thần.

Hơn nữa, cá tính của ông ta từ trước đến nay hết sức tự phụ, thế mà giờ đây ông ta bằng lòng nói lên một câu tỏ ý khâm phục trước tài nghệ của đối phương, thực quả là một chuyện quả chẳng dễ có.

Mặc dù Thần Bút Sử Tự đối với Đàm Thăng trong lòng không hề có thiện cảm, song lời nói ấy của ông ta rõ ràng là một lời nói hết sức chân thành.

Vì ông ta đánh với Đàm Thăng chỉ trong vòng một thế võ mà đã thấy sút kém hơn đối phương một cách rõ ràng, vậy thử hỏi nếu trình độ võ công của đối phương không cao vượt hơn ông ta rất nhiều thì khi nào lại có thể làm được như vậy? Ngay lúc ấy, Đàm Thăng chỉ cất tiếng hừ lạnh lùng nói:

- Chẳng hay các vị đã nhận định như thế nào, mà nói Đàm mỗ đến đây nói toàn chuyện bá láp? Người to béo đưa mắt nhìn qua sáu người kia một lượt, lên tiếng nói:

- Có phải ông bảo đứa con trai của Lữ Đằng Không đã chết rồi hay chăng? Đàm Thăng đáp:

- Tôi chẳng hề nói như vậy bao giờ.

Người to béo tức giận nói:

- Vừa rồi ông đã nói...

Đàm Thăng ngắt lời ngay:

- Vừa rồi tôi có nói là Lữ Đằng Không có phát giác một xác chết trẻ thơ không đầu, bên trong một gian phòng đá bí mật của ông ta. Nhìn qua xác chết ấy, vợ chồng Lữ Đằng Không đều cho rằng đứa con trai yêu mến của họ đã bị sát hại rồi, nhưng sự thực thì Lữ Lân vẫn chẳng hề bị ai sát hại cả, trái lại căn cứ vào nhiều dấu hiệu, chứng tỏ rằng xác chết ấy rất có thể là đứa con trai của Hàn Tốn.

Những câu đối thoại ấy khiến Lữ Lân nghe qua thực hoang mang, không hiểu ra sao cả.

Vì nguyên nhân của sự việc đó quả có nhiều yếu tố bí mật không thể tả, dù ai nghe qua cũng phải hoang mang, khó bề nhận định được sự thực là như thế nào.

Người đàn ông to béo buột miệng ồ lên một tiếng dài, nói:

- Nếu nói thế tôi đã trách lầm ông rồi.

Đàm Thăng cất tiếng than dài nói:

- Cần chi phải nói là trách lầm hay không? Tại hạ cảm thấy trong võ lâm, nếu giữ được tình trạng thanh bình vẫn hay hơn là đưa tới tình trạng chém giết, nên mới không ngại khó nhọc bôn ba đi khắp nơi. Nếu giờ đây các vị vẫn kiên quyết không nghe theo ý kiến của tại hạ, thực tại hạ cũng không còn cách nào khác hơn nữa, và xin cáo lui ngay.

Nói đoạn, ông ta đưa hai bàn tay đè nhẹ lên mặt đất, khiến cả thân người bay bổng lên khoảng không, nhưng Đàm Thăng chưa kịp lướt đi, đã nghe có người kêu to rằng:

- Chậm đã, tại hạ còn có lời này muốn nói.

Đàm Thăng quay đầu nhìn lại, trông thấy người vừa lên tiếng nói ấy chính là một người đàn ông gầy bé nhưng rắn rỏi, do đó ông ta biết ngay đấy là Thiết Thư Tiêu Thông, nên lên tiếng hỏi:

- Tiêu bằng hữu có chuyện chi cần chỉ giáo? Thiết Thư Tiêu Thông cất giọng lạnh lùng nói:

- Các hạ vì muốn mưu tìm hòa bình cho võ lâm nên không ngại khó nhọc bôn ba khắp nơi, đấy thực là một việc làm đáng kính phục, nhưng tại sao các hạ không thể để cho mọi người biết chân diện mục của mình? Vừa nói, Thiết Thư Tiêu Thông vừa đưa chân bước tới trước hai bước, và khi đến gần Đàm Thăng, bất thần ông ta rùn thấp người xuống, nhanh như chớp thò tay chụp thẳng vào tấm vải của đối phương.

Giữa lúc đôi bên sắp sửa dùng vũ lực để đối phó nhau, bỗng nghe có tiếng người kêu to lên rằng:

- Chớ nên đánh nhau, tôi còn có lời này muốn giãi bày.

Trúc Lâm Thất Tiên và Đàm Thăng nghe thấy tiếng kêu ấy, liền không khỏi giật mình sửng sốt.

Vì tiếng kêu ấy chính là giọng nói của một đứa trẻ, mà Trúc Lâm Thất Tiên và Đàm Thăng đều nhận ra. Đấy là tiếng kêu của Lữ Lân Đàm Thăng hết sức kinh ngạc lên tiếng nói:

- Ủa? Tại sao ngươi lại ở nơi này? Thảo nào ta tìm khắp các nơi mà chẳng gặp được ngươi.

Lữ Lân từ nãy đến giờ vốn ngồi yên trong khoang thuyền để lắng tai nghe câu chuyện giữa đôi bên, nhưng thấy đôi bên sắp sửa ra tay đánh nhau, cậu ta xét thấy cả hai đối phương đều không phải là người xấu, vậy nếu để cho hai bên xô xát bằng vũ lực, mọi việc sẽ trở thành càng rối rắm, phức tạp hơn. Do đó, cậu ta mới buột miệng kêu to lên để ngăn đôi bên lại.

Tiếng kêu vừa dứt, Lữ Lân đã từ trong mui thuyền bước ra, và khi Đàm Thăng nhìn thấy rõ cậu ta, một mặt lên tiếng hỏi, một mặt cũng nhanh nhẹn nhún khẽ đôi chân, nhắm mui thuyền lướt nhanh tới nhẹ nhàng như một đợt khói mỏng.

Song, Trúc Lâm Thất Tiên nhìn thấy Đàm Thăng có ý định lướt về phía Lữ Lân thì không khỏi bàng hoàng. Cả bọn đưa mắt nhìn nhau một lượt, và không ai bảo ai đồng loạt di động thân người lướt đến trước Đàm Thăng, để ngăn chặn đối phương lại. Trình độ khinh công của Trúc Lâm Thất Tiên vốn còn kém sút hơn Đàm Thăng nhiều, nhưng vì lúc bấy giờ vị trí của họ cách chiếc thuyền gần hơn, nên chỉ vừa lướt nhanh tới trước, họ liền giàn thành hàng chữ "nhất", chặn ngay trước mặt của Đàm Thăng rất kịp thời.

Trúc Lâm Thất Tiên vì chưa biết rõ lai lịch của Đàm Thăng, nên từ đầu đến cuối vẫn có thái độ đối địch với ông ta.

Vì thế, khi họ chặn lối không cho Đàm Thăng tiến bước, mỗi người nhanh nhẹn vung tay lên công thẳng về Đàm Thăng một thế võ.