Lục Chỉ Cầm Ma

Hồi 02 (tt)

Docsach24.com
hi làm xong được một việc chi, thói thường người ta vẫn thích lùi ra xa để thưởng ngoạn công trình của mình. Lữ Đằng Không cũng không thoát ra khỏi thông lệ đó. Ông ta sau khi đã lui mấy bước, bèn đưa mắt nhìn thẳng về phía hai chiếc trường kỷ, có để bốn món bảo vật quý nhất trên đời. Ông ta thấy hạt dạ minh châu đang chiếu sáng ngời, hạt ngọc Thấu Thủy Lục đang lập lòe màu xanh biếc, con sư tử bằng chuỗi đỏ đang chói rực như lửa, thì không khỏi lấy làm khoái trá...

Nhưng cùng lúc đó, ông ta đã thấy một bóng người đang đứng sững ở dưới gầm ghế trường kỷ.

Chiếc ghế mà ông ta dùng để bày bảo vật ở trong gian phòng là thứ trường kỷ thường dùng ở trong phòng khách nơi những nhà phú hộ. Người ta thường dùng nó để bình bông hoặc những đồ trang trí quý giá. Do đó, đấy là những chiếc trường kỷ cao không khỏi ngực.

Giờ đây Lữ Đằng Không lại trông thấy rõ bóng người ấy đang đứng sững dưới gầm trường kỷ.

Ông hết sức kinh hoàng, tròn xoe đôi mắt, đứng trơ người một lúc mới lên tiếng kêu to rằng:

- Phu nhân hãy mau vào xem đây này! Tây Môn Nhất Nương đang đứng bên ngoài gian phòng, đang suy nghĩ những chuyện quái dị xảy ra liên tiếp trong ngày hôm nay. Bà cảm thấy những việc ấy chắc chắn là rủi nhiều may ít, nên trong lòng hết sức boăn khoăn lo lắng. Bất thần bà ta nghe giọng kêu kinh hoàng của chồng nổi lên, nên không khỏi giật mình, nhanh nhẹn lướt thẳng vào gian phòng đá hỏi:

- Chuyện chi thế? Lữ Đằng Không đưa tay chỉ thẳng vào chiếc gầm trường kỷ, nói:

- Bà xem kia! Tây Môn NNhất Nương đưa mắt nhìn theo hướng tay chỉ của Lữ Đằng Không, thì kinh hoàng đến buột miệng kêu lên thành tiếng rằng:

- Lân nhi! Cùng một lúc với tiếng kêu ấy, bà ta đã siết chặt lấy cánh tay của Lữ Đằng Không. Tuy Lữ Đằng Không là người nội lực hết sức thâm hậu, nhưng bị hai bàn tay của Tây Môn Nhất Nương siết mạnh, vẫn không khỏi cảm thấy đau nhói.

Song vì lúc ấy ông ta đã nghe tiếng kêu kinh hoàng của Tây Môn Nhất Nương, thì đâu còn biết đến sự đau đớn của mình nữa.

Đó đó, ông ta cũng thất thanh kêu lên rằng:

- Lân nhi! Lữ Đằng Không mới chợt nhớ lại vừa rồi, Lữ Lân đã bước ra khỏi gian hoa sảnh nhỏ, cậu ta mặc chiếc quần màu xanh lục, chiếc áo ngắn màu thiên thanh. Giờ đây, lão ta thấy bóng người kia cũng thân hình bé nhỏ, và cũng mặc bộ y phục giống hệt con mình! Lữ Đằng Không vừa nghĩ đến đứa con trai yêu quý duy nhất của mình lại xuất hiện ly kỳ tại gian phòng đá này, trong lòng kinh hoàng không tả xiết. Ông ta hối hả tràn ngay tới trước một bước, nhưng không kịp bước tới được một bước nào nữa. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu óc, ông ta không khỏi cảm thấy ớn lạnh từ đầu đến chân. Do đó, cả người ông ta trở thành giá buốt như một tảng băng, đôi chân cứng đờ không còn di động được nữa! Lúc đầu, khi vừa nhìn thấy bóng người ấy, ông ta không hề tưởng tượng được đó là Lữ Lân. Lữ Lân có thân hình khá cao, bình nhật cậu ta đứng ngang cằm của Lữ Đằng Không.

Trong khi đó, chiếc trường kỷ đặt trong gian phòng cao không khỏi ngực ông ta, hơn nữa, cái bóng đen đang đứng sừng sững bên dưới lại đứng thẳng người, chứng tỏ bóng đen ấy thấp hơn Lữ Lân một cái đầu.

Do vậy, khi Lữ Đằng Không tràn người bước tới một bước, bất giác lại đặt câu hỏi: Thế còn chiếc đầu của bóng đen ấy đâu rồi? Từ xa nhìn đến, ông ta trông thấy bóng người ấy đang đứng sừng sững, chẳng hề thấy chiếc đầu của bóng đen ấy đâu cả. Nếu bóng đen ấy hãy còn một chiếc đầu trên cổ, thì chắc chắn khi đứng thẳng người lên như vậy, chiếc đầu phải ló cao lên mặt trường kỹ mới phải.

Thế nhưng trên mặt trường kỷ chỉ có vỏn vẹn mấy bảo vật, viên dạ minh châu đang tỏa ánh sáng như ban ngày, nào còn trông thấy vật chi khác hơn nữa? Chính vì vậy, nên có thể đoán biết bóng đen ấy chính là một cái xác người đã bị cắt mất đầu, sát đến tận vai.

Khi Lữ Đằng Không nghĩ đến đây, rồi lại nghĩ bóng đen ấy chính là đứa con trai yêu quý của mình, thì thử hỏi ông ta không cảm thấy hồn phi phách tán sao được? Giữa lúc ông ta còn đang đứng sửng sờ, thì bất thần nghe Tây Môn Nhất Nương kêu thét lên một tiếng hãi hùng, rồi vung đơn chưởng quét thẳng vào khoảng không, nhắm ngay chiếc trường kỹ ấy giáng xuống.

Cùng một lúc đó, cả thân người của Tây Môn Nhât Nương cũng đã phi thân bay thẳng đến khoảng không, nhằm phía trước mặt lướt nhanh tới như gió cuốn! Luồng chưởng phong của Tây Môn Nhất Nương vừa quét qua, thì tiếng ngã đổ ầm ầm nối tiếp vang lên không ngớt bên tai. Thế là bảy, tám chiếc trường kỷ đang đặt trong phòng đều bị đánh nát tan, khiến số bảo vật đang để trên bàn đổ bừa bãi xuống khắp mặt đất.

Đồng thời, có nhiều món bị chưởng phong hất bay thẳng vào vách đá, bể tan tành thành từng mảnh vụn.

Tây Môn Nhất Nương vừa tràn tới nơi, thì đã nhanh nhẹn thò tay chụp vào cái bóng đen đang đứng sừng sững ở đấy, và bà ta đã nắm gọn vào tay chiếc bóng đen ấy rồi. Khi bà ta đưa mắt nhìn kỹ thì thấy rõ ràng đấy là một xác chết không đầu, tay chân bé nhỏ. Rõ ràng đấy là một xác chết của một cậu bé.

Hơn nữa, xác chết ấy lại mặc đúng y phục của Lữ Lân và trên tay cũng đeo một chiếc vòng bằng ngọc mà Lữ Lân đã đeo từ thuở nhỏ đến giờ.

Chiếc vòng bằng ngọc đó đã được hai vợ chồng của Lữ Đằng Không đeo vào tay Lữ Lân nhân ngày sinh nhật cậu ta lên ba, và từ đó đến nay, chẳng hề cởi ra. Trong vòng chín năm qua, chân tay của Lữ Lân đã lớn dần, nên hiện giờ chiếc vòng ấy không còn cởi ra được nữa.

Nhìn qua những tín vật đó, Tây Môn Nhất Nương bất giác thấy lòng đau như dao cắt, xót xa như bị muối xát vào tim, không làm sao có thể hình dung sự đớn đau đó. Bà ta đứng sửng sờ một lúc thật lâu, bất thần ụa lên một tiếng thật to, hộc ra một ngụm máu tươi đỏ ối.

Tiếp đó, bà ta lại gầm lên một tiếng hãi hùng, rồi vung tay ném xác chết về phía Lữ Đằng Không, phá lên cười to như điên dại. Tiếng cười của bà ta nghe vô cùng kinh khiếp, đồng thời lên tiếng nói:

- Đây, người ta biết ông thích sưu tập bảo vật, nên mới tắm gội đứa con trai của ông sạch sẽ, đưa đến cho ông đấy! Cái xác chết được Tây Môn Nhất Nương ném ra liền bay vèo về phía Lữ Đằng Không nhanh như gió hốt. Lữ Đằng Không tuy vô cùng đau đớn nhưng trước một biến cố như thế, thường là người đàn ông giữ được sự bình tĩnh hơn người đàn bà. Do đó, ông ta bèn nhanh nhẹn vung tay lên chụp lấy xác chết, rồi đưa mắt nhìn kỹ nơi vết thương. Quả nhiên, ông ta thấy xác chết được rửa sạch sẽ, chẳng hề dính một vết máu! Lữ Đằng Không cảm thấy ruột đau như bị xé, nhưng vẫn cố gắng an ủi rằng:

- Phu nhân chớ nên quá bi thương, vì xác chết này không có thủ cấp, thì làm thế nào dám quả quyết rằng đó là Lân nhi được? Tây Môn Nhất Nương phá lên cười to ghê rợn, nói:

- Nếu không phải là Lân nhi thì còn ai nữa? Ông hãy xem chiếc vòng ngọc đeo trong tay nó kìa! Lữ Đằng Không vội vàng đưa mắt nhìn vào cổ tay xác chết, thấy chiếc vòng ngọc mà Lân nhi thường đeo hằng ngày, tia hy vọng cuối cùng trong đầu ông ta cũng biến mất.

Nhưng ngay lúc ấy, ông ta lại lóe lên một ý nghĩ, lên tiếng nói:

- Phu nhân, trước ngực của Lân nhi có một nốt ruồi son, chúng ta hãy xem kỹ đã! Vừa nói, ông ta vừa đưa tay lên xé toạc lớp áo trước ngực của xác chết, khi nhìn kỹ vào nơi ấy, thì thấy lớp da tại đó đã bị lắc mất.

Lữ Đằng Không là một tay anh hùng khét tiếng từ bấy lâu nay, nhưng khi nhìn qua thảm trạng trước mắt, thì đôi tay cũng không khỏi rủ riệt. Do đó, qua một tiếng phịch, xác chết trên tay ông ta bị đánh rơi xuống mặt đất lúc nào không biết. Xác chết ấy đã đè lên vô số châu báu đang đổ trên. Những món châu báu vô cùng quý giá trên, bình nhật Lữ Đằng Không chăm nom săn sóc và vô cùng yêu thích. Nhưng giờ đây dưới mắt ông ta thực chẳng khác chi là rơm rác.

Đứa con trai duy nhất đã bị kẻ thù sát hại rồi! Lữ Đằng Không cảm thấy tâm can của mình như bị xé nát, cất tiếng gào than nhưng không thể nào thành tiếng. Mặc dù lúc ấy ông ta đã khóc lên rất thảm thiết, nhưng nước mắt cũng không hề trào ra.

Ông đứng thừ người như một pho tượng đá, chẳng mấy chốc lại phá lên cười to ha hả.

Nhưng tiếng cười của ông ta nghe rất khác thường và bi thảm.

Tiếng cười to của Lữ Đằng Không làm cho cả gian phòng đá rung chuyển. Giờ đây, một lão anh hùng khét tiếng trong giới giang hồ mà tất cả các nhân vật võ lâm đều phải kiêng sợ, tự nhiên trở thành một con người tầm thường, y như những con người tầm thường khác. Lão ta khóc sướt mướt, thái độ hoàn toàn mếm yếu, y hệt như một người cha bị mất con khác trong đời! Lữ Đằng Không cười khan suốt một khoảng thời gian độ dùng xong một chén trà. Cuối cùng, tiếng cười bi thương ghê rợn của ông ta đã được một chuỗi ho khô khan cắt đứt.

Trong cơn ho dai dẳng, ông ta cảm thấy có người đang đưa chân bước nhẹ sát bên cạnh mình, rồi lại cảm thấy có một bàn tay vỗ nhẹ vào vai, nói:

- Này ông, chớ nên đau khổ nữa. Hiện giờ Lân nhi đã bị kẻ thù sát hại rồi. Hơn nữa, chắc chắn kẻ thù ấy chẳng phải tầm thường. Vậy chúng ta cần phải bảo vệ sức khỏe để lo trả thù cho nó! Lữ Đằng Không quay mặt nhìn lại thì trông thấy sắc mặt đau đớn không thể tả của người vợ già. Nhưng ẩn trong sự đau đớn ấy lại thoáng hiện nét can trường đến quả quyết.

Do đó, ông ta bèn lẩm bẩm, lặp đi lặp lại câu nói của Tây Môn Nhất Nương, rồi cất giọng buồn não hỏi:

- Lân nhi thật sự đã bị hại rồi hay sao? Chả lẽ bà bảo Lân nhi còn sống trên dương trần này nữa? Đây... đây nào phải là Lân nhi...

Tây Môn Nhất Nương thong thả khẽ gật đầu nói:

- Tuy xác chết này đã mất đi thủ cấp, cũng như lúc đầu tôi đã khẳng định đây là xác chết của Lân nhi. Nhưng giờ đây khi xem kỹ lại, thì hãy còn có điều đáng nghi ngờ lắm! Lữ Đằng Không vội vàng hỏi:

- Chỗ đáng nghi ngờ là đâu? Tây Môn Nhất Nương đưa tay chỉ thẳng vào lồng ngực của xác chết nói:

- Ông xem trên lồng ngực của xác chết, nơi mà đáng lý Lân nhi có một nốt ruồi son, hiện đã bị đối phương lắc mất rồi. Như vậy chứng tỏ kẻ thù của chúng ta muốn chúng ta tin xác chết này là của Lân nhi. Do đó, tôi dám tin rằng là Lân nhi hãy còn sống ở trên đời. Đây là xác chết của một kẻ khác.

Lữ Đằng Không uể oải lắc đầu qua một lượt nói:

- Dụng tâm của kẻ thù thật vô cùng sâu độc! Đối phương có ý định cho chúng ta nuôi mầm hy vọng là Lân nhi hãy còn sống ở trên đời này. Nên biết, nếu một người hoàn toàn bị tuyệt vọng thì sẽ vô cùng đau khổ, nhưng rồi thời gian sẽ xoa dịu đi! Trái lại, nếu kẻ ấy cứ nuôi mãi một tia hy vọng, tia hy vọng ấy không thể thành sự thật được, tất sẽ bị đau khổ giày vò suốt cả đời! Lời nói ấy của Lữ Đằng Không quả đã nói lên tiếng lòng của một lão già đang hết sức khổ đau.

Ông ta nói vừa dứt lời, bất thần vung tay đấm thẳng vào bức vách đá, vang lên hai tiếng ầm, ầm", khiến cả gian phòng đều rung rinh không ngớt.

Tây Môn Nhất Nương trầm ngâm trong một lúc khá lâu, rồi mới đưa vạt áo lên chùi máu nơi khóe miệng, cất giọng vô cùng bình tĩnh nói:

- Ngày hôm nay chúng ta đã gặp phải một việc bất hạnh có một không hai trên đời.

Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải giữ bí mật tuyệt đối, không thể để lộ ra bên ngoài.

Xác chết này chúng ta nên tạm thời để yên trong gian phòng đá này, tất cả mọi việc chúng ta nên tiến hành theo bình thường. Có làm được như thế, chúng ta mới tìm ra được kẻ thù là ai? Lữ Đằng Không gầm lên rằng:

- Ngoại trừ Lục Chỉ Tiên Sinh thì còn là ai nữa? Chẳng lẽ hai vợ chồng ta vẫn phải đi đến Tô Châu phủ hay sao? Tây Môn Nhất Nương nói:

- Lẽ tất nhiên! Lữ Đằng Không thét to:

- Tôi không đi! Tôi cần phải đi đến Võ Di Sơn, san bằng ngọn Tiên Nhân Phong thành bình địa.

Tây Môn Nhất Nương cất giọng lạnh lùng nói:

- Nếu chỉ có một mình Lục Chỉ Tiên Sinh, ông thử nghĩ tôi lại dại gì mà không đến Tiên Nhân Phong trong vùng Võ Di Sơn ngay.

Lữ Đằng Không tức giận hỏi:

- Thế còn ai nữa? Tây Môn Nhất Nương đáp:

- Trong bình sinh, Lục Chỉ Tiên Sinh đã cùng kết giao rất thân mật với Bích Ngọc Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân và Trúc Lâm Thất Tiên. Nếu chúng ta hành động quá lộ liễu, thì mười người ấy sẽ liên hợp lại, hai vợ chồng chúng ta làm sao đối phó nổi? Lữ Đằng Không sửng sờ trong giây lát, rồi vỗ mạnh đôi tay kêu to lên một tiếng rằng:

- Bích Ngọc Sinh? Có phải người trước đây ngoài mười năm, từng xâm nhập đại náo phái Ngũ Đài, và chẳng may sa vào Trường Đao Đoản Đao Trận của phái ấy, suýt nữa đã bị mất mạng, nhưng cuối cùng chạy thoát ra được đấy không? Tây Môn Nhất Nương nói:

- Đúng thế! Tại sao ông lại hỏi đến lão ta thế? Tuy võ công của lão ta vô cùng quái dị và cao tuyệt, cũng như trong võ lâm không ai biết đến lai lịch của lão ta. Nhưng căn cứ vào sự thất bại ê chề của lão ta ở phái Ngũ Đài, đủ biết lão ta không phải là một nhân vật khó đối phó. Nếu đem lão so sánh với số người của Thiết Đạc Thượng Nhân, có lẽ hãy còn kém sút hơn một bậc.

Lữ Đằng Không vội vàng nói:

- Chẳng phải tôi băn khoăn ở chỗ võ công của lão ta cao hay thấp, mà chính vì bà nhắc đến hắn khiến tôi nhớ lại Tề Phúc và bốn tên gia đinh khi nãy, trên mũ đều có khảm một miếng ngọc màu xanh cả! Tây Môn Nhất Nương ngơ ngác một lúc nói:

- Lão ấy có tánh yêu thích châu ngọc còn hơn cả mạng sống của mình. Chính vì vậy nên lão ta bỏ tánh danh chân thực không dùng nữa, mà lấy Bích Ngọc Sinh, đồng thời có biệt hiệu khác là Ngọc Si, vậy chả lẽ họ thực của lão ta là họ Tề sao? Lữ Đằng Không nói:

- Chúng ta chẳng cần tìm hiểu chuyện ấy làm gì? Giờ đây, theo ý bà, thì mối thù của Lân nhi chúng ta trả bằng cách nào? Đôi mày rậm của Tây Môn Nhất Nương dựng đứng lên, cất tiếng cười khanh khách nói:

- Bọn chúng tuy tên nào tên nấy đều có tuyệt nghệ, nhưng thử hỏi tất cả các cao thủ của hai phái Nga My và Điểm Thương chả lẽ vô dụng cả hay sao? Nghe thế, Lữ Đằng Không không khỏi giật mình nói:

- Ý của phu nhân có phải là chúng mình sẽ đi mời các cao thủ trong hai môn phái cùng kéo đến báo thù cho Lân nhi hay không? Tây Môn Nhất Nương đáp:

- Lẽ tất nhiên! Nhưng trước khi chúng ta hành động, tuyệt đối không được để cho người chung quanh biết được. Chúng ta nên mang chiếc hộp không này trao đến tận tay Hàn Tốn trước đã. Sau đó, ông cấp tốc đi đến phái Nga My, còn tôi đi đến ngay phái Điểm Thương để mời và hẹn ngày giờ với họ, tập hợp tại chân núi Võ Di Sơn. Trong phái Nga My của ông, kể cả tăng nhân và các cao thủ tại gia đông đảo vô số, song vị tất họ đều nhận lời mời. Tuy nhiên, chỉ cần mười cao thủ bằng lòng giúp chúng ta cũng là đủ lắm rồi! Riêng hai vị Chưởng môn thì chúng ta chớ nên cho hay, kẻo lại kinh động đến họ.

Lữ Đằng Không biết làm như vậy thì rất có thể đối phương sẽ hay tin được. Trong khi đó, tuy Lục Chỉ Tiên Sinh và Bích Ngọc Sinh đều là người đi đứng trong giang hồ một thân trơ trọi, không vây cánh đông đảo. Song, Thiết Đạc Thượng Nhân là người có quan hệ sâu xa với phái Thanh Thành, đó là một điều rất đáng ngại. Riêng về Trúc Lâm Thất Tiên, là số người lúc nào cũng hợp tác chặt chẽ với nhau, và trong bảy người họ lại có liên hệ với phái Hoa Sơn và phái Thê Hà, do đó, bọn họ chẳng phải là số người bị lẻ loi cô độc.

Chính vì vậy, nếu tiến hành mọi việc theo lời của Tây Môn Nhất Nương, tất sẽ đưa đến một cuộc xô xát đẫm máu chưa từng có trong võ lâm.

Và cuộc chém giết ấy kết cục như thế nào thì chắc ai cũng đoán ra được. Cả hai bên sẽ đều bị thương vong như nhau.

Lữ Đằng Không tuy nhận xét được hậu quả tai hại ấy, song khi nghĩ đến đứa con trai của mình bị sát hại, chịu chết một cách vô cùng thảm khốc, thì không khỏi có ý nghĩ liều lĩnh, bèn gật đầu nói:

- Như vậy là được lắm! Sau đó, hai vợ chồng bèn bước ra khỏi gian phòng đá, đóng kín cánh cửa bí mật lại. Lữ Đằng Không thò tay sờ lại chiếc hộp gỗ bọc gấm đang cất kỹ trong áo, thấy nó vẫn còn nguyên, nên cả hai mới cùng bước ra khỏi hòn non bộ, vẻ mặt điềm nhiên như chẳng hề có chuyện chi xảy ra cả.

Vườn hoa này tọa lạc tại phía sau gian nhà ở của Lữ Đằng Không, nên thường ngày số người trong tiêu cục nếu không có lệnh gọi thì không khi nào dám hẻo lánh đến. Do đó, việc hai vợ chồng Lữ Đằng Không vào hòn non bộ thật lâu mà vẫn không một ai hay biết được.

Lữ Đằng Không trở về đến phòng riêng mà trong lòng vẫn cảm thấy nặng nề đau đớn.

Hơn nữa, ông ta lại cảm thấy vô cùng quái dị. Ông ta tin chắc rằng trên đời này không ai có thể biết được gian phòng bí mật ấy của ông ta cả.

Ông ta xét thấy người biết được gian phòng đá bí mật ấy, ngoại trừ hai người thợ ở vùng Tây Vực ra thì chẳng còn kẻ thứ ba. Như vậy, chả lẽ hai người thợ ấy đã tiết lộ mọi sự bí mật hay sao? Nhưng Lữ Đằng Không nhận thấy rằng, lúc mình đi mời hai người thợ ấy đến xây cất gian phòng bí mật này thì hành tung lúc nào cũng được giữ kín, số người xung quang chẳng ai biết được cả. Thế mà chẳng hiểu do đâu Lục Chỉ Tiên Sinh lại phát giác được gian phòng đá bí mật của mình? Sau đó, Lữ Đằng Không đã một mình đi đến thư phòng, trong lòng lão ta vẫn tràn đầy lửa hận. Lão ta ngồi yên xuống nghế, sửng sờ như một pho tượng đá.

Riêng Tây Môn Nhất Nương thì bình tĩnh hơn, bà ta cố đè nén sự đau đớn và tức giận, thản nhiên bước ra trước tiêu cục. Bà ta muốn tìm hiểu nơi số phu xe đẩy xe của tiêu cục, để thu thập một vài tin tức cần thiết, hầu phán đoán và truy tìm ra tung tích kẻ thù.

Khi Tây Môn Nhất Nương vừa xuất hiện thì có mấy vị tiêu đầu liền bước tới vây quanh, kẻ hỏi này, người hỏi nọ.

Tây Môn Nhất Nương bình tĩnh trả lời chiếu lệ với họ mấy câu, để họ không có lòng nghi ngờ. Nhưng ngay lúc ấy bỗng nghe có người lên tiếng:

- Tây Môn nữ hiệp vừa rồi có phải bà đã bảo tiểu chủ nhân đi ra đường chơi hay không? Tây Môn Nhất Nương nghe thế thì không khỏi giật mình, ngước mắt nhìn lên, trông thấy người hỏi câu hỏi ấy là một người phu đẩy xe đã lớn tuổi. Do đó, bà ta vội vàng hỏi lại;

- Ông đã gặp nó bao giờ thế? Người ấy nghiêng đầu nghĩ ngợi trong giây lát rồi đáp:

- Độ nửa giờ trước đây! Tây Môn Nhất Nương cảm thấy lạnh buốt cả tâm can. Vừa rồi bà ta tuy thấy xác chết trong gian phòng đá ấy mặc y phục của Lữ Lân, trên tay lại có đeo chiếc vòng bằng ngọc nữa.

Nhưng vì trước lồng ngực, nơi có nốt ruồi son bị lắc đi mất, nên bà ta vẫn nghi ngờ xác chết ấy là của một người khác.

Giờ đây, khi nghe qua lời nói của người phu đẩy xe, bà ta không khỏi mất bình tĩnh, hối hả truy hỏi về thời gian mà lão già ấy đã gặp Lữ Lân. Nếu lão già nọ vừa gặp Lữ Lân trên đường, thì chắc chắn là nó còn sống ở trên dương trần.

Thế nhưng qua câu xác nhận về thời gian của lão già, tia hy vọng mỏng manh và cuối cùng trong lòng bà ta bị tắt hẳn. Lão già ấy đã gặp Lữ Lân cách đây nửa giờ, chứng tỏ đấy là thời gian mà Lữ Lân từ trong gian hoa sảnh nhỏ bước ra.

Tuy nhiên, Tây Môn Nhất Nương vẫn còn nuôi hy vọng, lên tiếng hỏi:

- Ông gặp nó tại đâu thế? Lão già đẩy xe lên tiếng đáp:

- Tại hạ gặp cậu ấy trên một con đường ở giữa thành phía tây. Lúc đó, cậu ấy đeo lủng lẳng một ngọn đao thép bên sườn, đi hối hả ra cửa thành. Do đó, tại hạ nắm tay kéo cậu ấy lại, và hỏi cậu ấy định đi đâu? Nhưng tại hạ đã bị cậu ấy quật ngã, lăn quay ra đất..

Tây Môn Nhất Nương nóng ruột, ngắt lời hỏi tiếp:

- Lúc đó nó có bảo là đi đâu không? Lão già phu xe đáp:

- Không! Sau khi tại hạ bị quật ngã ra đất, thì chỉ còn thấy cậu ấy dõng dạc đưa chân nhắm hướng tây bước tới mà thôi.

Tây Môn Nhất Nương hừ lên một tiếng, nhưng im lặng chẳng nói thêm chi nữa. Lúc đó, trong lòng bà ta đang thầm tính về thời gian đã xảy ra mọi chuyện vừa rồi. Bà ta thấy Lữ Lân bước ra khỏi tiêu cục, đi về hướng tây, rất có thể là lúc cậu ta vừa mới rời khỏi gian hoa sảnh ấy. Sau khi cậu ta vừa mới ra đi, người trong tiêu cục hãy còn gặp mặt cậu ta. Như vậy là khoảng thời gian từ khi hai vợ chồng của bà ta cùng ngồi nói chuyện bên trong gian hoa sảnh, đến lúc vào hang đá tại hòn non bộ ở phía sau vườn, chỉ độ dùng xong hai chén trà nóng mà thôi.

Trong khoảng thời gian đó, kẻ thù sát hại Lữ Lân, rồi lại mang xác chết đặt yên vào trong gian phòng đá bí mật ấy. Như vậy cũng đủ thấy số người của Lục Chỉ Tiên Sinh trong những ngày gần đây, võ công tiến bộ vượt bực, không ai có thể tưởng tượng nổi.

Lúc bấy giờ Tây Môn Nhất Nương chỉ muốn tuốt lấy thanh trường kiếm siết chặt vào tay, nhắm hướng tây truy đuổi theo kẻ thù. Nhưng khi suy nghĩ lại, thấy năng lực của mình thật sự không làm thế nào đối địch nổi với bao nhiêu cao thủ ấy, nên đành cố đè nén sự tức giận trở xuống, lên tiếng nói:

- Vừa rồi tôi đã bảo nó đi về phía ấy trước, tìm nơi chờ đợi chúng tôi. Vì vào sáng ngày mai này, chúng tôi phải đi đến Tô Châu phủ. Do đó, mọi việc trong tiêu cục, các ông nên chăm sóc cho kỹ lưỡng, chớ để xảy ra điều chi đáng tiếc.

Số người hiện diện nghe qua, cảm thấy lời nói của Tây Môn Nhất Nương có điều rất đáng ngờ. Tại sao lại sai một cậu bé còn nhỏ tuổi như vậy đi một mình trước là nghĩa lý gì? Song, bọn họ thấy lời nói xuất phát từ cửa miệng của Tây Môn Nhất Nương thì đâu lại giả dối bao giờ? Bởi thế cả bọn đồng thanh cất tiếng vâng lệnh một lượt.

Sau đó, Tây Môn Nhất Nương bèn trở lại hậu đường, cùng bàn bạc với Lữ Đằng Không về kế hoạch đối phó với kẻ thù. Và hai người đã thức trắng đêm, không hề chợp mắt.

Sáng sớm hôm sau, Tây Môn Nhất Nương đeo song kiếm vào sườn, còn Lữ Đằng Không giắt thanh Tử Kim Đao lên vai, cùng rời khỏi tiêu cục.

Lúc bấy giờ, vợ chồng của Lữ Đằng Không đinh ninh kẻ thù đã sát hại Lữ Lân chính là số người của Lục Chỉ Tiên Sinh. Nhưng vì muốn bảo mật để việc trả thù được tiến hành thuận lợi, nên thái độ họ vẫn điềm nhiên, không hề lộ ý định của mình.

Suốt đêm qua, hai vợ chồng Lữ Đằng Không không ngớt nghe ngóng chờ đợi, nhưng Lữ Lân vẫn bặt tăm không thấy trở về. Do đó, hai vợ chồng ông ta lại càng đau đớn hơn. Suốt một đêm dài hai vợ chồng ngồi đối diện với nhau, mà không nghe ai nhắc đến tiếng hai tiếng "Lân nhi" cả.

Trong lòng của hai người đinh ninh xác chết trẻ thơ trong gian phòng đá chính là đứa con trai yêu quý của mình, tức Lữ Lân, chớ không còn điều chi ngờ vực nữa! Tuy nhiên, trong lòng họ vẫn còn một điểm đáng nghi ngờ là chẳng hiểu tại sao, giữa Lục Chỉ Tiên Sinh, Bích Ngọc Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân và Trúc Lâm Thất Tiên đối với hai vợ chồng họ vốn chẳng hề có mối oán cừu chi cả, vậy vì lẽ gì số người ấy lại hạ độc thủ đối với con của hai vợ chồng ông ta như vậy? Suốt một đêm bàn bạc với nhau, hai vợ chồng đều có cảm giác là bốn món bảo vật vô cùng quý báu do Tề Phúc mang đến để làm những món quà thù lao cho chuyến đi Tô Châu ấy, có lẽ hoàn toàn không dính dấp chi đến cái chết của Lữ Lân cả.

Sở dĩ hai vợ chồng của Lữ Đằng Không có ý nghĩ như vậy, vì họ không biết Lữ Lân rời khỏi tiêu cục với mục đích truy đuổi theo cỗ xe ngựa sang trọng vừa xuất hiện trước tiêu cục của họ. Chính cỗ xe ngựa sang trọng đó đã mang Tần tiêu đầu, một người nhận mệnh lệnh của Lữ Đằng Không ra đi để theo dõi lai lịch của Tề Phúc, đang bị trọng thương gần chết ném vào tiêu cục.

Nếu vợ chồng Lữ Đằng Không biết được mục đích ra đi của Lữ Lân, có lẽ bọn họ đã nhắm thẳng vào phái Hoa Sơn để gây sự rồi. Hơn nữa, tất họ sẽ gấp rút tiến hành điều tra lai lịch và tính danh của Tề Phúc, không hành động như mọi dự định hiện nay.

Hai vợ chồng Lữ Đằng Không giục ngựa phi nhanh tới trước, và lúc cửa thành Nam Xương vừa mở ra, cả hai liền nhắm hướng đông bắc phi ngựa lướt tới như bay.

Khi bóng mặt trời lên cao tới đỉnh đầu thì vợ chồng họ đã đi trên một trăm dặm. Khi ấy, họ nhìn thấy phía trước mặt đường núi khúc khuỷu gồ ghề, chung quanh cây rừng rậm rạp, vắng vẻ, chẳng hề trông thấy một bóng người, nên liền đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đều thầm cảnh giác, để đối phó với mọi việc bất trắc có thể xảy ra.

Hai người lại tiếp tục đi về phía trước độ mấy mươi dặm đường nữa. Giữa lúc họ định xuống ngựa để nghỉ ngơi, ăn uống, bất thần nghe từ trong cánh rừng sát bên vệ đường, có tiếng đàn cổ đánh lên tình tang, rất vui tai.

Nghe tiếng đàn ấy, cả hai sắc mặt tràn đầy căm tức. Cả hai không ai bảo ai, nhanh nhẹn gò cương cho ngựa đứng lại.

Tây Môn Nhất Nương hạ giọng nói rằng:

- Tiếng đàn ấy rất có thể là của Lục Chỉ Tiên Sinh. Nếu lão ta có bước ra, chúng mình tuyệt nhiên chẳng thể tỏ thái độ khác lạ, mà nên chờ xem cử chỉ của lão ta, rồi mới định đoạt cách đối phó sau.

Câu nói vừa dứt thì tiếng đàn nghe lại càng gần hơn. Cuối cùng, họ lại nghe tiếng vó ngựa nện trên mặt đường lốc cốc. Đồng thời chẳng mấy chốc sau, hai vợ chồng Lữ Đằng Không đã thấy từ trên con đường mòn nhỏ trong cánh rừng cạnh đấy, có một con lừa đen tuyền từ đầu đến chân, đang thong thả chạy ra.

Trên lưng con lừa ấy, đang ngồi một lão già mặc áo dài màu vàng, trước mặt có để một cây đàn cổ, và đôi tay không ngớt khảy nhẹ trên dây đàn, tựa hồ chẳng chú ý chi đến sự hiện diện của hai vợ chồng họ đâu cả.

Lữ Đằng Không thấy mặt kẻ thù, sắc mặt liền đỏ gay như lửa, cơ hồ không còn đè nén được sự tức giận đang cháy ngùn ngụt trong lòng. Những sợi râu dưới cằm của lão ta dựng đứng lên như những sợi lông nhím, thần sắc uy nghi trông thật đáng sợ. Song lão già đang ngồi trên lưng lừa vẫn một mực cứ gầm đầu lo đánh đàn. Trên hai bàn tay của lão ta, rõ ràng có hai ngón nhỏ, mọc từ cạnh ngón tay cái ra. Đấy quả là Lục Chỉ Tiên Sinh! Tây Môn Nhất Nương liếc thấy Lữ Đằng Không đang tràn đầy sắc căm tức, tựa hồ không thể đè nén được, trong khi thái độ của đối phương vẫn bình tĩnh. Bà ta không khỏi cuống quýt, vì ý định của bà ta là không muốn làm cho kẻ thù hiểu được dự định của mình, để có thể sắp xếp, tóm bọn họ cùng một lúc.

Bà ta bèn nhanh nhẹn thúc nhẹ vào người của Lữ Đằng Không nói:

- Thôi, chúng ta hãy mau đi lên! Nhưng tiếng nói của bà ta đã làm cho Lục Chỉ Tiên Sinh giật mình. Lão ta đưa mắt nhìn kỹ về phía Tây Môn Nhất Nương và Lữ Đằng Không một lượt nói:

- Ủa! Nhị vị đây có phải là đôi vợ chồng họ Lữ ở Thiên Hổ Tiêu Cục không? Tại hạ đang định đi đến thành Nam Xương để thăm nhị vị đây, thế mà chẳng ngờ lại may mắn được gặp giữa đường, thực là quý hóa thay! Tây Môn Nhất Nương cất giọng lạnh lùng nói:

- Quả là quý hóa lắm! Lục Chỉ Tiên Sinh nghe qua giọng nói của Tây Môn Nhất Nương thì không khỏi sửng sốt, không hiểu đấy là có ý nghĩa chi? Do đó, lão ta bèn quay mặt vào cánh rừng, kêu to lên rằng:

- Thiết Đạc Thượng Nhân, có hai vợ chồng lão chủ nhân họ Lữ đây rồi. Chúng ta khỏi phải mất nhiều thời gian đến thành Nam Xương nữa! Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương không khỏi thầm kêu lên trong lòng: "Hay lắm! Chả lẽ bọn ngươi tập trung ở cả nơi này hay sao?" Liền đó, họ nghe từ trong cánh rừng, một giọng nói vang lên như tiếng hồng chung, vọng đến rằng:

- Lục Chỉ Tiên Sinh, tiếng đàn của ông đã phá phách đôi tai của tôi, khiến tôi không được nghỉ ngơi yên ổn trong giây phút nào cả. Thế mà giờ đây, tiếng đàn vừa dứt, ông lại kêu réo ầm ĩ làm chi thế? Lục Chỉ Tiên Sinh cất tiếng cười ha hả nói:

- Đàn khảy tai trâu, thì trâu nào biết thưởng thức? Do đó, cũng chẳng trách ông tại sao lại chê tiếng đàn của tôi là ồn ào! Trong khi đôi bên còn đang đối đáp nhau, từ trong cánh rừng đã có bóng người dõng dạc cất bước đi tới. Bóng người ấy có thân hình hết sức cao lớn, mình mặc y phục màu đen, trông chẳng khác chi một ngôi thiết tháp, mắt beo đầu cọp, râu ria chơm chởm, trên lưng có một vật chi gồ cao, song xem kỹ thì không phải lưng gù, mà rất giống một gói hành lý.

Khi người ấy bước ra đến nơi thì dừng chân đứng giữa đường nói:

- Hai vị ấy là vợ chồng lão chủ nhân họ Lữ chăng? Tại hạ nghe danh từ lâu, song chưa có duyên được gặp mặt lần nào cả! Tây Môn Nhất Nương và Lữ Đằng Không vừa trông thấy người ấy xuất hiện, thì biết đây là người rèn về ngoại công đã đến trình độ tuyệt đỉnh, sức mạnh phi thường, tức Thiết Đạc Thượng Nhân. Vật gồ cao mà lão ta mang ở sau lưng chính là chiếc Thiết Đạc (chuông sắt), nặng có hàng sáu trăm cân. Thế mà lão ta dùng nó để làm binh khí, và sử dụng như một món binh khí bình thường. Tây Môn Nhất Nương trông thấy hai người này đều điềm tĩnh như chẳng có chuyện chi cả, thì trong lòng lại càng tức giận hơn. Song bà ta chẳng để lộ thái độ cho đối phương biết, thản nhiên lên tiếng nói:

- Vị này có lẽ là Thiết Đạc Thượng Nhân chăng? Nhưng chẳng rõ nhị vị muốn gặp chúng tôi để có việc chi chỉ giáo? Thiết Đạc Thượng Nhân vừa đưa chân bước tới mấy bước, mỗi bước lão ta dài có ngoài nửa trượng, vừa lên tiếng nói:

- Chính vì câu chuyện đứa con trai của nhị vị! Tây Môn Nhất Nương không ngờ rằng, vừa rồi đối phương tỏ ra điềm nhiên như chẳng hề biết chuyện chi xảy ra, thế mà giờ đây lại bất thần đề cập thẳng đến việc của Lữ Lân, nên đang nghĩ ngợi tìm câu trả lời. Nhưng Lữ Đằng Không vì quá tức giận, không còn đè nén được nữa, lão gầm to lên rằng:

- Con trai tôi thế nào? Nó chỉ mới chừng ấy tuổi, thế tại sao các ông...? Câu nói của Lữ Đằng Không vừa đến đây, Tây Môn Nhất Nương đã kịp thời vung tay vỗ mạnh vào vai ông ta, khiến ông ta giật mình, dừng ngay câu nói dở dang ấy lại.

Trong khi đó, Lục Chỉ Tiên Sinh và Thiết Đạc Thượng Nhân đều lộ sắc kinh ngạc. Lục Chỉ Tiên Sinh lên tiếng hỏi:

- Chẳng hay vì lẽ chi mà Lữ Tổng tiêu đầu thịnh nộ như thế? Lữ Đằng Không hừ một tiếng qua giọng mũi, nhưng Tây Môn Nhất Nương đã nhanh nhẹn cướp lời rằng:

- Không rõ các ông muốn tìm đứa con trai tôi là có chuyện gì? Lục Chỉ Tiên Sinh mỉm cười nói:

- Từ trước đến nay, tại hạ vẫn ở yên tại Tiên Nhân Phong trong Võ Di Sơn. Tài nghệ của mình cố lẽ nhiên không làm sao sánh kịp với các cao nhân trong hai phái Nga My và Điểm Thương. Tuy nhiên, tại hạ trước nay vẫn không có lòng tự phụ, nên nửa năm gần đây, có xuống núi một lần để tìm môn đồ kế nghiệp. Nhưng chẳng ngờ trong thiên hạ, người có tư chất lại quá hiếm Chương, nên trong chuyến đi ấy hoàn toàn chẳng có kết quả. Nhưng trước đây độ một tháng, tại hạ bất ngờ nghe Thiết Đạc Thượng Nhân và một số bằng hữu khác có đề cập đến lệnh lang Lữ Lân. Tuy tuổi mới vừa mười hai, song nội công tỏ ra rất cơ bản, hơn nữa, tư chất ấy lại vô cùng tốt. Chính vì lẽ ấy nên tại hạ mới mạo muội tìm đến đây, mong thu lệnh lang làm môn đồ, và chỉ cần lệnh lang theo tại hạ về Võ Di Sơn độ năm năm, tại hạ sẽ mang hết sở học ra truyền dạy cho.