Đấy là một ngọn cờ màu lam, bên trên thêu một con hổ xinh xắn và hết sức khéo léo, nhìn qua chẳng khác nào một con hổ sống đang vươn mình như muốn vồ tới trước. Bên dưới con hổ ấy, lại có thêu bốn chữ to Thiên Hổ Tiêu Cục.
Lá cờ to ấy được cắm trên nóc nhà Thiên Hổ Tiêu Cục cao vòi vọi.
Có thể nói Thiên Hổ Tiêu Cục là một tiêu cục to nhất trong năm tỉnh ở phía nam. Hàng hóa mà tiêu cục này nhận áp tải mỗi chuyến có giá trị đến mấy vạn lượng bạc. Nhưng từ xưa đến nay, chưa hề xảy ra một chuyện chi đáng tiếc cả.
Sở dĩ có như vậy, chẳng phải số nhân vật trong phe hắc đạo không biết động lòng tham trước những của quý báu ấy, mà chính vì họ biết vị chủ nhân của Thiên Hổ Tiêu Cục, tức Thiên Hổ Lữ Đằng Không và người vợ của ông ta là Tây Môn Nhất Nương, đều chẳng phải hạng người dễ trêu chọc.
Thiên Hổ Lữ Đằng Không là một nhân vật tài ba lỗi lạc, một đệ tử tại gia ưu tú của phái Nga My, cả về hai mặt nội ngoại công đều cao cường tuyệt đỉnh. Những nhân vật võ lâm thông thường khác, đến lúc tuổi già như ông ta, hầu hết đều tìm đến sơn lâm để quy ẩn, an nhàn trong cuộc sống thoát ly trần tục. Nhưng riêng Lữ Đằng Không thì trái hẳn, vẫn một mực lưu lại trong giới giang hồ, mở Thiên Hổ Tiêu Cục tại thành Nam Xương.
Lữ Đằng Không đối nhân xử thế tỏ ra rất có nghĩa khí, nhưng cá tánh của lão ta có một chỗ nhược, ấy là lúc nào cũng tham lam tiền tài. Tuy nhiên, có thể nói đấy là cái bịnh chung của người đời, vì ngay Khổng Phu Tử cũng đã từng nói: "Sự giàu có nếu có thể tìm đến được, thì dù cho một người làm nghề dạy học như tôi cũng không chối từ!" (Phú nhược khả cầu, tuy chấp tiền chi sĩ, ngô diệt vi chi! ) Với danh vọng của Thiên Hổ Lữ Đằng Không, từ trước đến nay dù tiêu cục của ông ta cần phải áp tải một số hàng hóa giá trị đến muôn ngàn lạng bạc đi nữa, ông ta vẫn chẳng cần phải đích thân bước ra điều khiển. Trái lại, ông ta chỉ cần phái một tiêu sư thay mặt ông ta lo việc chỉ huy, đồng thời cắm trước đoàn xe lá cờ Thiên Hổ Tiêu Cục là mọi việc sẽ được kết quả mỹ mãn, chẳng hề xảy ra chuyện chi bao giờ.
Vì tất cả những nhân vật hắc đạo, dù cho dám đối kháng thẳng với Lữ Đằng Không, dám đối kháng với vô số cao thủ tại gia, cùng các tăng nhân của phái Nga My đi nữa, thì e rằng cũng không làm sao đối kháng nổi với Tây Môn Nhất Nương cùng quần hùng của phái Điểm Thương. Bởi lẽ Tây Môn Nhất Nương tuy cư ngụ tại thành Nam Xương, nhưng kỳ thực bà ta là sư tỷ của vị Chưởng môn phái Điểm Thương ở Vân Nam, tức Lăng Tiêu Nhạn Khuất Lục Kỳ.
Vị Chưởng môn phái Điểm Thương là người sở trường về kiếm pháp. Thanh trường kiếm của ông ta xuất quỷ nhập thần, không ai là không kiêng sợ. Do đó, tên tuổi của ông ta trong võ lâm thật ra không kém sút chi so với Lữ Đằng Không cả.
Bởi thế, đời sống của Lữ Đằng Không ngoại trừ việc tiếp tục là rèn luyện dùi mài võ công, còn thì suốt tháng năm chỉ ở trong nhà vui chơi với con, hoặc giao du cùng với bạn bè để luận đàm về những giai thoại xảy ra trong giới giang hồ mà thôi! Lữ Đằng Không đến năm năm mươi mốt tuổi, thì bà vợ là Tây Môn Nhất Nương mới hạ sanh đứa con trai lấy tên là Lữ Lân.
Năm nay Lữ Lân vừa đúng mười hai tuổi. Ngay từ lúc Lữ Lân hãy còn nhỏ, thì vợ chồng của Lữ Đằng Không đã sưu tập cất sẵn những linh dược tiên thảo, uống vào có lợi cho người rèn luyện võ công, để cho Lữ Lân dùng. Vì hai vợ chồng ông ta quyết tâm sẽ đào tạo Lữ Lân trở thành một con người võ công cái thế sau này.
Do đó, đến năm Lữ Lân vừa lên tám, thì hai vợ chồng của Lữ Đằng Không đã bắt đầu truyền dạy võ công cho cậu ta. Bởi thế, Lữ Lân tuy tuổi hãy còn nhỏ, nhưng về mặt võ học cũng đã có một trình độ khá cao cường. Đồng thời, võ học của cậu ta lại tập trung được sở trường của hai môn phái Nga My và Điểm Thương, nên nhân vật giang hồ ai ai cũng ngợi khen, và cho rằng tương lai của Lữ Lân chắc chắn sẽ trở thành bậc anh tài xuất chúng trong võ lâm sau này.
Hôm ấy, trời thu cao vút và trong veo, không hề thấy một áng mây, khí hậu mát mẻ làm ai cũng cảm thấy sảng khoái trong người. Trên nóc nhà Phiêu Hổ Tiêu Cuộc, lá cờ to đang bay phất phơ theo chiều gió lộng. Những tên phu xe đang ngồi trước thềm cùng nói chuyện kháo, bất thần nghe có tiếng mấy người hỏi to lên rằng:
- Chẳng hay Lữ Tổng tiêu đầu có ở nhà không? Bọn phu xe giật mình đưa mắt nhìn lên, thì trông thấy có bốn gã đàn ông ăn mặc theo lối gia đinh, nhưng y phục tươm tất sạch sẽ, chứng tỏ họ là gia nhân của một gia đình giàu có trong vùng.
Bởi thế, vị tiêu đầu có trách nhiệm tiếp tân trong tiêu cục không dám chểnh mãng, vội vàng lên tiếng hỏi:
- Ông ấy hiện đang có mặt ở nhà, song chẳng hay quý quản gia có điều chi chỉ dạy? Bốn gã đàn ông ăn mặc theo lối gia đinh ấy không đáp lời chi cả, trái lại, cùng nhanh nhẹn quay lưng bỏ đi tuốt ngay.
Vị tiêu đầu trông thấy thế thì không khỏi ngơ ngác, chẳng hiểu đối phương có thái độ như vậy là vì đâu. Nhưng cũng liền ngay sau đó, vị tiêu đầu trông thấy có một người đàn ông khác, ăn mặc sang trọng, vừa nhìn qua thì đã có thể đoán biết đấy là một vị quản gia của một gia đình giàu có, đang đưa chân bước thẳng đến nơi. Trong tay của người đàn ông ấy có bưng một cái hộp bằng gấm, và lên tiếng nói:
- Xin ông vui lòng bẩm lại cho Tổng tiêu đầu biết là tại hạ muốn xin ra mắt.
Làm nghề tải hàng mà trông thấy có khách hàng tìm đến, thì không ai lại dám tỏ thái độ vô lễ bao giờ. Nhưng vị tiêu sư ấy vừa rồi đã bị bốn tên gia đinh kỳ quái kia làm cho trong lòng không khỏi bực bội. Hơn nữa, giờ đây y lại nhìn thấy trên chiếc mũ của vị quản gia này có khảm một miếng ngọc xanh lóng lánh, trông giống miếng ngọc khảm trên mũ của bốn tên gia đinh vừa rồi, nên không khỏi có thái độ bực tức lây. Bởi thế, y liền cất giọng gắt gỏng nói:
- Có phải ông mang vật quý báu chi đến, để nhờ tiêu cục chúng tôi áp tải hay không? Ông trao cho tôi là được rồi! Đây là vật chi thế và định áp tải đi đâu...? Sao ông không nói mau cho tôi được biết? Trong khi người tiêu sư ấy cất tiếng hỏi dồn, thì gã đàn ông có dáng điệu giống như người quản gia ấy vẫn giữ nét tươi cười. Y chờ cho vị tiêu sư nói dứt lời, mới thong thả nói rằng:
- Việc này thật ra tôi không dám tự động, vì đây chính là việc của chủ nhân tôi sai bảo.
Vừa rồi, vị chủ nhân của tôi có dặn, là phải trao đến tận tay của Lữ Tổng tiêu đầu, vậy xin phiền ông vào trong bẩm lại cho, thì thực tôi cảm tạ vô cùng.
Vị tiêu sư ấy vốn có ý muốn to tiếng cãi vã cho hả cơn tức giận, nhưng vì trông thấy thái độ của người khách hàng vẫn một mực hòa nhã, nên y cũng phải đè nén sự tức bực trở xuống. Và y bèn đưa đôi mắt nhìn từ đầu đến chân người khách hàng một lượt để dò xét, rồi lên tiếng nói:
- Tôi sẽ vào trong bẩm lại cho Tổng tiêu đầu biết đây, vậy ông hãy ngồi chờ đợi trong giây lát.
Người quản gia đáp:
- Vị chủ nhân của tôi là người họ Tề, vậy ông vào bẩm cùng Lữ Tổng tiêu đầu, nói tôi là người của nhà họ Tề phái đến là được rồi.
Vị tiêu sư ấy cau mày nghĩ ngợi, vì y đã làm nghề áp tải hàng tại thành này từ lâu, phàm những gia đình giàu có mang hàng đến gởi áp tải, y đều được biết khá nhiều. Thế nhưng y moi óc nghĩ ngợi mãi, mà vẫn không biết có một gia đình họ Tề nào cả. Trong khi đó, y lại thấy từ cách ăn mặc cho đến cử chỉ của người quản gia đang đứng trước mặt, rõ ràng là người ở trong một gia đình giàu sang, chứ chẳng phải tầm thường, nên không khỏi boăn khoăn nghĩ ngợi mãi để cố tìm ra lai lịch của đối phương. Nhưng cuối cùng y vẫn không làm sao hiểu chi được thêm về người quản gia này cả, nên bất đắc dĩ phải quay lưng đi thẳng vào trong.
Người đàn ông ăn mặc theo lối quản gia ấy, bèn để yên chiếc hộp gỗ bạc gấm lên mặt bàn, rồi đưa mắt nhìn thẳng tấm bảng hiệu Thiên Hổ Tiêu Cục treo trên cao, trong lòng bất giác cười thầm.
Chẳng mấy chốc sau, Thiên Hổ Lữ Đằng Không đã theo chân vị tiêu sư vừa rồi, từ trong bước ra. Đấy là một lão già da dẻ hồng hào, tóc râu bạc trắng, đôi chân bước đi vững vàng, thái độ oai vệ uy nghi, khiến ai nhìn vào cũng phải kiêng sợ.
Thiên Hổ Lữ Đằng Không vừa bước đến nơi, thì gã đàn ông ăn mặc theo lối quản gia ấy, liền nhanh nhẹn cúi mình thi lễ nói:
- Thưa Lữ Tổng tiêu đầu, tiểu nhân là Tề Phúc xin ra mắt.
Lữ Đằng Không khoát tay áo rộng qua một lượt, gây thành một luồng kình lực mạnh mẽ đỡ lấy Tề Phúc, không cho y thi lễ. Nhưng Tề Phúc đã ngầm vận dụng chân lực hất tới, để đỡ thẳng vào luồng kình lực từ tay áo rộng của Lữ Đằng Không vừa cuốn ra. Song chẳng ngờ chính y vì đã dùng sức mạnh để đối kháng với luồng kình lực đó, mà đôi chân đã loạng choạng suýt nữa đã té lăn quay ra đất.
Lữ Đằng Không trông thấy thế bèn mỉm cười nói:
- Thì ra quý quản gia cũng là người am hiểu tuyệt nghệ. Chẳng hay hôm nay quý quản gia đến đây là có chuyện chi cần lão phu tương trợ, vậy xin cứ thẳng thắn nói ra.
Sắc mặt của Tề Phúc không khỏi bừng đỏ, đáp rằng:
- Chiếc hộp gấm này là món hàng mà gia chủ của tiểu nhân muốn đưa đến, để nhờ Tổng tiêu đầu áp tải tới phủ riêng của Ngô Giang đại hiệp, tức Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn ở Tô Châu phủ. Và chủ nhân của tiểu nhân hứa sẽ thù lao trọng hậu.
Lữ Đằng Không cất tiếng cười, nói:
- Đã từ lâu lão phu chẳng hề đích thân bước ra chỉ huy việc áp tải hàng bao giờ. Do đó, có lẽ hôm nay không thể phá lệ trước lời yêu cầu của quý chủ nhân được.
Tề Phúc lộ vẻ luống cuống nói:
- Gia chủ của tiểu nhân có dặn, là nhất định phải nhờ cho được Lữ Tổng tiêu đầu áp tải chiếc hộp gấm này và nếu là người khác thì không thể được! Lữ Đằng Không đưa tay vuốt râu mỉm cười nói:
- Với lá cờ Thiên Hổ của hiệu chúng tôi, dù cho đi khắp thiên hạ vẫn được an toàn, chẳng có điều chi bất trắc xảy ra cả. Phương chi, món hàng này lại áp tải đến phủ riêng của Hàn đại hiệp, thì thử hỏi coi có ai lại dám ra tay mạo hiểm để cướp đoạt? Do đó, sự lo lắng của quý chủ nhân không khỏi quá thừa chăng? Tề Phúc tươi cười nói:
- Lữ Tổng tiêu đầu nói phải lắm! Dứt lời, gã đàn ông ấy bèn quay mặt nhìn ra cửa, đưa hai bàn tay lên vỗ kêu thành ba tiếng. Tức thì, bốn tên gia đinh vừa rồi đã tìm đến để hỏi thăm về Lữ Tổng tiêu đầu, liền nhanh nhẹn nối gót nhau bước thẳng vào.
Lúc ấy, trên tay của mỗi người đều có bưng một chiếc mâm sơn son thếp vàng to, bên trên dùng một vuông lụa xanh phủ kín. Tề Phúc bèn nhanh nhẹn bước tới, thò tay đỡ những vuông lụa xanh đậy trên từng chiếc mâm ra, và Lữ Đằng Không cùng số tiêu đầu đứng chung quanh đều không khỏi giật mình sửng sốt! Thì ra trong chiếc mâm sơn son thếp vàng thứ nhất đựng một viên ngọc Thấu Thủy Lục, hiếm có trong đời, chiếu sáng lóng lánh, đặt gọn giữa những tấm giấy màu xanh lam xinh đẹp.
Và trong chiếc mâm thứ hai đựng một viên dạ minh châu to bằng hạt trái nhãn. Trong chiếc mâm thứ ba là một con sư tử chạm trổ khéo léo bằng chuỗi đỏ. Thứ chuỗi ấy là một loại chuỗi Hỏa Tề hiếm có trong đời, chạm trổ tinh vi đến độ có thể nhìn rõ được từng sợi lông bờm trên đầu của nó.
Cuối cùng, trong mâm thứ tư là một con rồng vàng năm móng, thắt bằng những sợi tơ bằng hoàng kim. Về số vàng để tạo nên con rồng ấy chẳng qua chỉ hơn nửa cân mà thôi.
Nhưng về mỹ thuật thì quả đấy là một công trình hiếm có trong đời. Vì ngay đến một người thợ khéo léo nhất ở kinh đô, nếu khởi công thắt cho hoàn thành một con rồng như thế, ít nhất cũng phải trải qua đến tám năm trường. Đôi mắt của con rồng đó được cẩn hai hạt kim cương to, lúc nào cũng chiếu sáng lập lòe, hoa cả mắt mọi người chung quanh! Lữ Đằng Không trong giai đoạn tuổi già, đã trở thành một con người giàu có, tài sản rất nhiều. Ông ta đã từng bỏ tiền ra mua những món đồ cổ quý báu với một giá thật đắt để chưng bày trong nhà. Hơn nữa, ông ta lại là người rất thạo về đồ cổ nên đã mua được rất nhiều vật quý báu. Tuy nhiên, với bốn bảo vật đang bày trong mâm, bưng trên tay bốn tên gia đinh đang đứng trước mặt ông ta, thì chẳng có món nào không phải là vật quý báu vô giá, và chính ông ta từ xưa đến nay, cũng chưa hề được trông thấy lần nào! Bởi thế, trong nhất thời, ông ta không khỏi tròn xoe đôi mắt, há hốc đôi môi, nói chẳng nên lời. Qua một lúc lâu sau, ông ta mới ấp úng nói rằng:
- Quý... quản gia, những bảo vật này mang đến để làm gì? Tề Phúc bèn cúi người thi lễ nói:
- Gia chủ của tiểu nhân biết Lữ Tổng tiêu đầu chẳng xem hoàng kim hay bạc nén vào đâu cả. Do đó, mới bỏ ra một số tiền kết xù, tìm đến tây thành Nam Hải, để mua cho được bốn bảo vật này về. Nếu hôm nay Lữ Tổng tiêu đầu bằng lòng hứa, đích thân áp tải giúp chiếc hộp gấm này, thì bốn món bảo vật ấy dùng để gọi là thù lao, hầu tỏ ít nhiều sự cảm tạ và lòng thành kính! Thiên Hổ Lữ Đằng Không nghe qua không khỏi thầm kinh hãi, lên tiếng hỏi:
- Nếu bốn món bảo vật này dùng để thù lao cho lão phu, thì món hàng cần áp tải đưa đến tận tay Hàn đại hiệp ấy là vật chi? Câu hỏi ấy là câu hỏi tất nhiên mà ai ở vào trường hợp ấy cũng phải lên tiếng hỏi như thế cả. Vì bốn món bảo vật mà đối phương mang đến để thù lao cho lão ta rõ ràng là bốn bảo vật hiếm trên đời. Như vậy, món hàng cần nhờ lão ta áp tải, tất nhiên phải là một bảo vật quý báu hơn cả bốn bảo vật đang bày trước mặt ấy nữa! Thế nhưng thử hỏi trên đời này, còn có vật chi lại quý báu hơn bốn bảo vật ấy được? Tề Phúc nghe qua câu hỏi ấy, bèn lên tiếng đáp:
- Nếu Lữ Tổng tiêu đầu bằng lòng hứa sẽ đích thân chỉ huy áp tải món hàng này, thì tiểu nhân còn có vài lời để trình bày thêm! Lữ Đằng Không đưa mắt nhìn đăm đăm vào bốn bảo vật bày trong mâm một lúc khá lâu, đồng thời thò tay nhấc lên rồi lại để xuống, sắc mặt tỏ ra vô cùng vui thích, nên liền lên tiếng nói:
- Được! Lão phu hứa với ông, là sẽ đích thân áp tải món hàng này! Nhưng trong chiếc hộp gấm kia đang đựng vật chi thế? Tề Phúc cúi mình thi lễ nói:
- Thưa Lữ Tổng tiêu đầu, xin ông hãy bỏ lỗi cho về chỗ vô lễ của tiểu nhân. Gia chủ của tiểu nhân đã có lời dặn là chiếc hộp gấm này phải được đậy kín trao đến tận tay Hàn đại hiệp, tuyệt đối không thể giở ra xem. Do đó, ngay đến tiểu nhân đây cũng hoàn toàn chẳng biết bên trong hộp gấm ấy đang đựng vật gì! Qua lời nói ấy của Tề Phúc, có thể bảo là hoàn toàn trái ngược với thông lệ của những tiêu cục. Vì phàm bất luận hàng hóa chi đưa đến tiêu cục nhờ áp tải, đều phải cho tiêu cục mở ra xem cho tận tường. Họ tuyệt nhiên không khi nào mà lại chịu nhận một món hàng mà họ không biết đấy là hàng chi.
Bởi thế, Lữ Đằng Không bèn lên tiếng nói:
- Nếu vậy thì lão phu xin từ khước việc nhận áp tải chiếc hộp ấy mà thôi! Tề Phúc vội vàng nói:
- Thưa Lữ Tổng tiêu đầu, gia chủ tiểu nhân có bảo, là bốn món lễ vật này, e rằng đi khắp trong thiên hạ cũng không làm sao tìm cho ra! Câu nói đó đã đánh trúng vào lòng tham của Lữ Đằng Không, nên khiến lão ta trở nên trầm ngâm, không nói thêm chi nữa! Tề Phúc lại nói tiếp rằng:
- Chiếc hộp gấm này hiện giờ đã được niêm phong kỹ lưỡng, vậy chỉ cần Lữ Tổng tiêu đầu hứa là không mở ra, và áp tải thẳng đến cho người nhận là hoàn toàn vô sự! Lữ Đằng Không nói:
- Lão phu là một con người như thế nào mà có thể xem trộm chuyện riêng của người khác? Tề Phúc vội vàng nói:
- Phải! Tiểu nhân đã nói lỡ lời, thật là đáng chết! Lữ Đằng Không ngửa mặt nhìn lên nói:
- Quý quản gia, chẳng hay gia chủ của quý quản gia là ai thế? Tề Phúc đáp:
- Vì tiểu nhân không được tệ gia chủ cho phép, nên chẳng dám nói bừa bãi.
Lữ Đằng Không hừ lên một tiếng, rồi bất thần thò tay chụp tới, gây thành một luồng kình phong mạnh mẽ, nhắm chụp thẳng vào cổ tay của Tề Phúc nhanh như gió hốt! Tề Phúc vội vàng thối lui ra sau một bước, rùn thấp đôi chân, nhanh nhẹn thu cánh tay về để tránh, nên đã kịp thời tránh khỏi thế chụp bất ngờ ấy của Lữ Đằng Không. Kế đó y bèn lên tiếng nói:
- Thưa, Lữ Tổng tiêu đầu...! Trong khi ấy, Lữ Đằng Không không khỏi thầm giật mình, vì ông ta không ngờ là Tề Phúc có thể tránh khỏi thế chụp bất thần của mình. Hơn nữa, thân pháp của Tề Phúc vừa sử dụng lại chính là thân pháp của phái Hoa Sơn. Đồng thời, qua cách sử dụng thân pháp ấy, chứng tỏ Tề Phúc là một cao thủ của phái này. Thế chẳng hiểu tại sao y lại cam tâm cúi mình đi làm gia nhân cho người ta như thế? Nên biết, trong võ lâm môn phái rất nhiều, và võ công họ lúc nào cũng được truyền dạy từ đời này sang đời kia, mỗi môn phái đều có sự riêng biệt độc đáo của mình cả. Tuy nhiên, những môn phái nổi tiếng trong võ lâm, có môn nhân đông đảo cũng như võ học trác tuyệt thật sự cũng chỉ có các môn phái Nga My, Thiếu Lâm, Thanh Thành, Võ Đang, Hoa Sơn, Ngũ Đài, Điểm Thương và Thê Hà mà thôi. Các môn phái ấy dựa vào địa phương của mình để mệnh danh cho môn phái.
Ngoài ra, lại còn một số môn phái đã dựa vào võ công độc đáo của mình để mệnh danh cho môn phái, và cũng tương đối có tiếng tăm như Bát Quái, Thái Cực, Phi Yến... Riêng các tà phái cũng hết sức đông đảo, không ai kể ra cho xiết.
Nhưng phái Hoa Sơn nếu so với các môn phái khác có tiếng hiện giờ, thì đấy là một môn phái quy tụ được đông môn nhân nhất, kể cả số người xuất gia và tại gia của phái Nga My vẫn không bì kịp.
Cũng chính vì Hoa Sơn là một môn phái đông người, nên bên trong không khỏi có phần phức tạp, kẻ giỏi người dở, chen lộn lẫn nhau. Và cũng chính vì lẽ ấy nên thanh danh của phái Hoa Sơn không được tốt đẹp gì lắm trên chốn giang hồ.
Nhưng tất cả mọi người đối với vị Tổ sư của phái Hoa Sơn là Liệt Hỏa Tổ Sư, và mười hai vị Đường chủ dưới tay của Liệt Hỏa Tổ Sư đều không khỏi tỏ ra tôn kính.
Giờ đây Lữ Đằng Không đã bất thần ra tay chụp về phía Tề Phúc, và y đã có thể kịp thời tránh khỏi thế chụp bất thần ấy của đối phương, hơn nữa y lại sử dụng một thân pháp bí truyền của phái Hoa Sơn, gọi là Súc Cốt Pháp, nên Lữ Đằng Không đã thầm đoán ra được lai lịch của hắn ta, tin chắc rằng Tề Phúc là một trong mười hai vị Đường chủ của phái Hoa Sơn.
Do đó, lão ta mỉm cười nói:
- Thì ra ông chính là người của Liệt Hỏa Tổ Sư sai đến! Vì mười hai vị Đường chủ của phái Hoa Sơn đều là người có địa vị rất cao trong võ lâm, nên chắc chắn không khi nào chịu hạ mình làm quản gia cho người ta cả. Do đó, Lữ Đằng Không đoán biết việc này chính là do Liệt Hỏa Tổ Sư sắp đặt ra cả, không còn điều chi đáng ngờ vực cả.
Tề Phúc sau khi kịp thời nhảy lùi ra sau, trên sắc mặt đã lộ vẻ tức giận, nhưng y nhanh nhẹn giữ ngay thái độ bình tĩnh nói:
- Lữ Tổng tiêu đầu quả là người có nhãn quang sắc bén, chỉ cần nhìn thoáng qua là đã biết tiểu nhân có học qua vài đường võ của phái Hoa Sơn. Song, chẳng phải tiểu nhân là người của phái Hoa Sơn đâu, gia chủ của tiểu nhân họ Tề, không phải là Liệt Hỏa Tổ Sư đâu.
Lữ Đằng Không nghe thế không khỏi sửng sờ. Vì theo sự nhận xét của lão ta thì Súc Cốt Pháp là thân pháp bí truyền của phái Hoa Sơn, và đồng thời cũng là một trong ba môn võ công lớn của phái này. Do đó, nếu chẳng phải là một nhân vật có địa vị cao trong môn phái thì không khi nào lại được truyền dạy cho cả. Vậy, chắc chắn Tề Phúc phải là một nhân vật của phái Hoa Sơn. Thế nhưng y lại lên tiếng phủ nhận, chứng tỏ việc này quả thật lạ lùng.
Theo sự nhận xét của Lữ Đằng Không thì đây là một âm mưu rất bất lợi cho lão ta, nên bèn cất giọng nói:
- Này, quý quản gia...
Lữ Đằng Không vốn có ý khước từ không chịu nhận áp tải món hàng của đối phương, nhưng khi ông ta nói chưa dứt câu, thì bốn tên gia đinh đang bưng mâm trước mặt, không rõ vô tình hay hữu ý, đồng loạt đưa chân xê dịch thân người một bước, khiến bốn món bảo vật đang đựng giữa những chiếc mâm sơn son thếp vàng kia không ngớt chiếu sáng lập lòe, làm cho Lữ Đằng Không hoa cả mắt, và hoang mang cả tâm thần.
Lữ Đằng Không thật chẳng thể nào đè nén được sự ham muốn trước bốn món bảo vật ấy, nên lão ta dừng câu nói lại một lát, rồi đổi giọng nói tiếp rằng:
- Từ đây đi đến Tô Châu phủ chẳng qua bảy tám ngày đường, trong khi đó quý quản gia là người có võ công cao cường, chứng tỏ quý chủ nhân phải là một nhân vật phi thường.
Vậy, vì lẽ gì quý quản gia lại không tự mang chiếc hộp gấm này đưa đến tận tay Hàn đại hiệp? Chả lẽ quý chủ nhân đã đoán biết được là trên đường có kẻ nào đó gây điều khó khăn chi chăng? Tề Phúc cất tiếng than dài đáp:
- Lữ Tổng tiêu đầu quả là người hết sức sáng suốt. Trong chuyến đi Tô Châu này, thật sự có ít nhiều chuyện rắc rối. Tuy nhiên, gia chủ của tiểu nhân chẳng phải là người sợ những chuyện rắc rối ấy, mà kỳ thực là không muốn gặp kẻ gây sự mà thôi. Chính vì thế mới có ý định tìm đến để nhờ cậy nơi Lữ Tổng tiêu đầu, đưa chiếc hộp gấm này đến tận tay Hàn đại hiệp được dễ dàng hơn.
Lữ Đằng Không suy nghĩ một lát, xét thấy uy danh của mình trong võ lâm chẳng phải tầm thường, vậy thử hỏi còn ai dám đón đường giựt hàng hóa? Hơn nữa, dù cho có kẻ nào mạo hiểm hành động như vậy, thì thanh Tử Kim Đao của mình nào có phải dễ dàng đối phó đâu? Vì nghĩ thế, nên ông ta tự tin trong chuyến áp tải này chắc chắn thành công một trăm phần trăm, nên liền lên tiếng nói:
- Được! Quý quản gia hãy để chiếc hộp ấy lại đây! Và nội trong sáng sớm ngày mai, già này sẽ lên đường ngay.
Tề Phúc cúi người xá sâu xuống đất nói:
- Tiểu nhân ngày hôm nay hoàn thành được sứ mạng của gia chủ giao phó, thực hoàn toàn nhờ ở lòng chiếu cố của Lữ Tổng tiêu đầu! Dứt lời, y bèn khoát tay ra hiệu, tức thì bốn tên gia đinh liền để yên bốn chiếc mâm sơn son thếp vàng lên mặt bàn một cách thận trọng, rồi cùng Tề Phúc quay lưng bước thẳng ra ngoài.
Lữ Đằng Không chờ cho số người của Tề Phúc bước ra khỏi cửa, mới hạ giọng gọi một vị tiêu đầu đứng gần đấy nói:
- Này, Tần tiêu đầu, ông hãy bước ra bám sát theo năm người ấy, và tuyệt đối không được để họ phát giác ra sự theo dõi của mình, để tìm hiểu lai lịch của họ ra sao.
Vị tiêu đầu ấy bình thường là một con người lanh lợi, nên Lữ Đằng Không mới dám ủy thác cho ông ta làm một việc trọng đại như thế này. Bởi thế, Tần tiêu đầu cất tiếng vâng lệnh, rồi nhanh nhẹn bước ra khỏi cửa ngay.
Lữ Đằng Không đưa mắt nhìn theo Tần tiêu đầu, thấy ông ta đã đi mất hút, bèn quay người đến trước chiếc bàn có để bốn món bảo vật. Ông ta cầm lên xem qua từng món một, rồi để xuống. Nhưng chẳng mấy chốc sau ông ta lại cầm lên săm soi thật kỹ. Sắc mặt ông ta tỏ ra vô cùng yêu thích bốn món bảo vật này, nên cứ cầm lên để xuống không ngớt tay.
Qua một lúc sau, lão ta mới dời bốn món bảo vật ấy vào chung một mâm rồi bưng lên.
Đồng thời, ông ta cũng bưng cả chiếc hộp gấm mà Tề Phúc vừa trao đến khi nãy, rồi bước chân vào nội đường.
Khi ông ta đã đi cuối một dãy hành lang và bắt đầu tiến đến một khung cửa hình bán nguyệt, thì trông thấy một lão bà gầy cao, đang đưa chân bước thẳng về ông ta.
Thì ra lão bà ấy là vợ của Lữ Đằng Không, Tây Môn Nhất Nương. Bà ta có khuôn mặt dài như mặt ngựa, đôi mày xếch cao và rậm đen, nhìn qua thực là đáng sợ. Dù là người xa lạ, nhưng chỉ cần nhìn đến sắc mặt của bà ta cũng đoán được bà ta là người có tính tình nóng nảy và hung tợn.
Lữ Đằng Không vừa trông thấy Tây Môn Nhất Nương bèn lên tiếng nói:
- Phu nhân, tôi đang định tìm phu nhân đây, còn Lân nhi đâu rồi? Tây Môn Nhất Nương đưa mắt nhìn bốn món bảo vật để trong mâm mà Lữ Đằng Không còn cầm trên tay, thì không khỏi thầm kinh hãi.
Tây Môn Nhất Nương là một người xuất thân từ một gia đình hào phú ở vùng Vân Nam. Trước kia, tổ tiên bà ta là người giữ nhiệm vụ Chưởng khố cho quốc vương nước Đại Lý.
Về sau, nước Đại Lý bị diệt vong và quốc khố của nước này cũng bị mất cả đi, nhưng chẳng ai được biết là đã mất bằng cách nào. Song, trong thực tế chính là vị tổ tiên ấy của Tây Môn Nhất Nương đã chiếm đoạt làm của riêng. Như vậy thử hỏi một người mà tài sản gồm thu cả quốc khố của một quốc vương, thì sự giàu có đến mực nào? Chính vì thế nên Tây Môn Nhất Nương là người rất kiêu kỳ, bình thường đối với những món châu báu mà Lữ Đằng Không mua về để chơi, bà ta thật sự chẳng hề xem vào mắt. Thế nhưng giờ đây vừa nhìn qua bốn món bảo vật ấy, bà ta không khỏi giật bắn người, buột miệng hỏi rằng:
- Này ông, bốn món bảo vật ấy ông tìm từ đâu về thế? Lữ Đằng Không trông thấy vợ mình cũng tỏ ra tán thưởng bốn món bảo vật đựng trong mâm, nên đoán biết đấy là những vật quý báu vào bậc nhất trên đời này, trong lòng lại càng thêm đắc ý. Do đó, lão ta bèn tươi cười kể lại việc Tề Phúc đã tìm đến, nhờ ông ta áp tải chiếc hộp gấm. Sau cùng, ông ta lại nói tiếp rằng:
- Từ đây đi đến Tô Châu phủ chẳng qua bảy tám ngày đường. Hơn nữa, người nhận món hàng áp tải này lại chính là Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn, vậy theo tôi thì chắc chắn dọc đường chẳng có chuyện đáng ngại xảy ra đâu! Sắc mặt của Tây Môn Nhất Nương lộ vẻ đăm chiêu, cau mày một lúc thật lâu rồi nói:
- Theo ý tôi, việc này chẳng phải dễ dàng như ông nghĩ đâu! Nếu việc này dễ dàng, gã họ Tề ấy tại sao lại bằng lòng trả thù lao như vậy? Do đó, tôi chỉ e là vì bốn món bảo vật này, mà ông sẽ mang biết bao nhiêu tai họa vào thân đấy thôi! Lữ Đằng Không cất tiếng cười ha hả nói:
- Phu nhân nói thế thì không khỏi quá dè dặt! Nếu chẳng phải người ta chỉ định tôi phải đích thân áp tải món hàng này mới chịu trả cho một số thù lao trọng hậu, thì tôi chỉ cần cho cắm một lá cờ của Thiên Hổ Tiêu Cục trước đầu xe, là có thể sai thủ hạ mang đi khắp trong thiên hạ mà chẳng hề xảy ra chuyện gì! Tây Môn Nhất Nương thò một cánh tay ra, nói:
- Ông hãy cho tôi xem qua chiếc hộp ấy! Lữ Đằng Không trao chiếc hộp đến tận tay Tây Môn Nhất Nương, và khi bà ta cầm lên thì cảm thấy không nặng nề chi cho lắm. Bà ta quan sát kỹ khắp bốn bên chiếc hộp, thấy nó không có điều chi khác lạ, duy có điều là trên nắp chiếc hộp được dùng giấy phong kín lại mà thôi. Trên tấm giấy phong kín chiếc hộp, ngoại trừ có đề ngày tháng ra, còn thì chẳng thấy chữ chi khác hơn nữa.
Tây Môn Nhất Nương trở chiếc hộp qua lại xem kỹ một lúc, và dù với kinh nghiệm và sự lịch duyệt của bà ta trong võ lâm, bà ta vẫn không thể nào tìm hiểu được đấy là một chiếc hộp đựng thứ gì? Sau đó, hai vợ chồng của Lữ Đằng Không vừa nói chuyện, vừa đưa chân bước thẳng vào nội đường, và chẳng mấy chốc là họ đã tiến tới một gian hoa sảnh nhỏ.
Tây Môn Nhất Nương bèn để yên chiếc hộp gấm xuống bàn, rồi nghiêm nghị nói:
- Này ông, theo tôi thì đây có lẽ chính là một âm mưu to lớn, vậy chi bằng chúng ta nên mở chiếc hộp này ra xem qua, thử coi bên trong đựng thứ chi cho biết? Lữ Đằng Không lộ sắc sửng sốt đáp:
- Phu nhân, nếu làm thế e có điều bất tiện chăng? Tây Môn Nhất Nương hứ một tiếng, nói:
- Trong đời này đâu có ai lại mang hàng đến gởi, mà không cho tiêu cục xem bên trong đựng thứ chi bao giờ? Lữ Đằng Không nói:
- Tuy đứng về lý mà nói, đây quả là một việc trái với thông lệ của tiêu cục. Nhưng theo ý tôi thì rất có thể bên trong chiếc hộp này đựng một quyển võ lâm bí kíp, hoặc một thứ linh dược tiên thảo chi đó, không tiện để người ngoài biết được, vì sợ một cuộc tranh chấp đổ máu, nên vị chủ nhân mới giữ bí mật như thế mà thôi! Tây Môn Nhất Nương trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Lời nói của ông cũng có lý, nhưng nếu ông muốn giữ chữ tín, không bằng lòng mở chiếc hộp này ra xem, thì trong chuyến đi Tô Châu phủ, có thể cho tôi cùng đi không? Lữ Đằng Không hết sức vui mừng nói:
- Nếu có phu nhân cùng đi, thì tôi dám quả quyết là chuyến áp tải này chẳng hề xảy ra điều chi đáng tiếc! Ông ta dừng lại trong giây lát, rồi nói tiếp rằng:
- Nếu cả hai chúng ta cùng đi thì bỏ Lân nhi ở nhà một mình, chẳng ra thiếu người chăm sóc hay sao? Tây Môn Nhất Nương bèn nói:
- Tại sao chúng ta không đem nó cùng đi? Với tuổi của nó cũng phải tập lần việc dấn bước giang hồ là được rồi! Lữ Đằng Không nói:
- Lời của phu nhân nói phải lắm! Nói đến đây, ông ta bèn quay người ra phía cửa, to tiếng nói:
- Lân nhi! Lân nhi! Tiếng gọi vừa dứt thì đã nghe tiếng chân người từ đàng xa bước đến. Chẳng mấy chốc sau, đã thấy một cậu bé độ mười hai, mười ba tuổi mặt mày sáng láng tiến tới trước khung cửa, rồi đứng yên lại, nói:
- Ba, má gọi con có chuyện chi thế? Cậu bé ấy chính là Lữ Lân, con trai của vợ chồng Lữ Đằng Không. Tuy Lữ Đằng Không là người rất tham lam tiền bạc, nhưng đối với đứa con trai duy nhất của mình, thì còn tỏ ra yêu quý hơn cả tính mạng của mình nữa. Do đó, lão ta vội vàng đứng lên, kéo Lữ Lân vào lòng nói:
- Lân nhi, vào ngày mai này cha và má sẽ đi đến Tô Châu phủ một chuyến, và có ý định mang con cùng đi, vậy con có bằng lòng không? Lữ Lân nghe thế, bèn vỗ tay vui vẻ nói:
- Hay lắm! Con rất thích đi đây đi đó để chơi cho biết! Tây Môn Nhất Nương cười nói:
- Lân nhi, bộ con tưởng ra đi chỉ là để vui chơi không thôi sao? Không biết trong chuyến đi này chúng ta lại gặp phải những kẻ đối địch rất nguy hiểm đó! Đôi mắt đen láy của Lữ Lân xoay qua một lượt nói:
- Con đâu lại sợ chứ? Nếu gặp phải kẻ địch thì đánh nhau.
Lữ Đằng Không và Tây Môn Nhất Nương nghe con trai đáp thế, bất giác phá lên cười to. Vì hai vợ chồng Lữ Đằng Không lúc nào cũng mong muốn Lữ Lân sẽ trở nên một con người đầy đủ nghị lực và lòng can đảm. Do đó, họ nhìn qua thái độ của đứa con trai, cả hai đều lấy làm vui thích.
Đột nhiên, từ phía ngoài trước cửa hiệu bất thần có tiếng người la ó inh ỏi vọng đến, lại nghe văng vẳng có kẻ nói to rằng:
- Tìm Tổng tiêu đầu ra đây mau!
- Hãy lo cứu nguy cho nạn nhân trước đã!
- Ngươi có mắt hay không? Thương thế của ông ta còn mong cứu sống được hay sao? Chỉ trong chốc lát sau, trong khắp tiêu cục tiếng người ồn ào huyên náo, và những tiếng ồn ấy dường như đang tiến dần về phía gian hoa sảnh nhỏ của vợ chồng Lữ Đằng Không.