Julio đang đợi. Theodore phanh két xe trước dãy cọc dựng xe gần cột cờ trước cổng trường và chào, “Hola, Julio. Buenós días (Chào buổi sáng).”
“Hola, Theodore.”
Theodore vòng xích quanh bánh trước xe đạp rồi bấm khóa. Chuyện xích xiếc vẫn khiến cậu bực mình. Đến tận năm ngoái, xe cộ để ở Strattenburg vẫn an toàn. Không ai phải bận lòng mang xích khóa. Rồi xe đạp bắt đầu bị đánh cắp, giờ vẫn vậy, và các ông bố bà mẹ cương quyết bắt phải tăng cường biện pháp an ninh.
“Cảm ơn tối qua đã giúp mình” Julio nói. Tiếng Anh của cậu bé khá tốt, nhưng phát âm vẫn còn nặng. Việc cậu chủ động tiếp cận Theodore ở trường, chủ động gợi chuyện thế này là một bước tiến. Theodore nghĩ vậy.
“Không có gì. Bất kể lúc nào mình cũng sẵn sàng.”
Julio đảo mắt nhìn quanh. Một nhóm đông từ xe buýt đang đi về phía cổng trước. “Cậu rất hiểu luật, phải không, Theodore?”
“Cả bố cả mẹ mình đều là luật sư mà.”
“Cảnh sát, tòa án, tất cả những thứ đó chứ?” Theodore nhún vai. Cậu không bao giờ chối là mình sở hữu một lượng kiến thức đáng nể về luật pháp. “Mình cũng biết khá nhiều,” cậu trả lời. “Có chuyện gì vậy?”
“Vụ xử đình đám hiện nay, là ông Duffy à?”
“Ừ, ông ấy bị xử về tội giết người. Và đây đúng là một vụ lớn.”
“Mình nói chuyện về vụ đó được không?”
“Được chứ,” Theodore nói. “Mình muốn biết vì sao được không?”
“Có thể mình biết gì đấy.”
Theodore soi vào mắt Julio. Cậu bạn quay đi và nhìn chỗ khác, như thể đã làm gì sai trái vậy. Một thầy trợ lý giám thị la mấy đứa học sinh ngừng gây lộn và nhắc chúng vào lớp. Theodore cùng Julio hướng về phía cửa chính.
“Giờ ăn trưa mình sẽ tìm cậu,” Theodore hứa.
“Được. Cảm ơn.”
“Không có gì mà.”
Làm như tâm trí Theodore dành cho vụ xử Duffy còn chưa đủ, giờ cậu còn lắm thứ lấn bấn hơn. Ti tỉ thứ. Liệu một cậu bé vô gia cư mười tuổi người El Salvador có thể biết gì về vụ giết Myra Duffy đây?
Không gì hết, Theodore quả quyết vậy khi đặt chân vào phòng học. Cậu vừa gỡ ba lô vừa chào thầy Mount. Thật bứt rứt. Nửa giờ nữa, phiên tòa vụ xét xử lớn nhất trong lịch sử Strattenburg sẽ lại bắt đầu, mà cậu không thể có mặt. Thật không công bằng. o O o
Trong suốt giờ giải lao, Theodore lẻn đến thư viện và trốn trong một ô đọc sách. Cậu lôi máy xách tay ra và bắt tay vào việc.
Thư ký tốc ký được cử theo vụ Duffy là cô Finney. Ở Strantenburg, cô là thư ký số một, theo những gì Theodore hóng được quanh tòa án. Cũng như mọi phiên xét xử khác, cô Finney ngồi kế ngay phía dưới bàn thẩm phán, cạnh chỗ đứng của nhân chứng. Đó là vị trí tốt nhất trong phòng xử. Công việc của cô Finney là ghi lại từng lời của thẩm phán, các luật sư, nhân chứng và cuối cùng là bồi thẩm đoàn. Với chiếc máy tốc ký, cô Finney có thể dễ dàng ghi lại hai trăm năm mươi từ một phút.
Ngày trước, theo như bà Boone kể lại, các thư ký tòa tốc ký bằng tay, một phương pháp ghi chép sử dụng các mã ký hiệu, chữ viết tắt và bất cứ thủ pháp nào miễn là theo kịp hội thoại. Sau phiên tòa, 1 người thư ký sẽ chuyển bản viết tay thành bản đánh máy hoàn thiện theo trình tự những gì đã được trình bày trong phiên tòa. Công việc này phải tốn vài ngày, thậm chí cả tuần, đôi khi là cả tháng, mà lại rất vất vả.
Nhưng giờ đây, nhờ công nghệ, việc tốc ký dễ dàng hơn nhiều. Tuyệt hơn nữa, nó có thể tạo ra biên bản ghi chép tức thời. Có ít nhất bốn chiếc máy tính để bàn trong phòng xử - một trên bàn Thẩm phán Gantry, một trên bàn bên bị, một trên bàn bên nguyên, và một trên bàn thư ký. Trong khi cô Finney gõ lại từng lời, văn bản sẽ được chuyển dịch, được định dạng rồi nén vào mạng nội bộ để cả bốn máy tính cùng được cập nhật tiến trình xét xử.
Thông thường, ở một phiên tòa, dễ nảy sinh tranh cãi quanh việc nhân chứng nói gì hay không nói gì. Ngày trước, có khi thẩm phán buộc phải gia thêm thời gian để người thư ký tội nghiệp cuống cuồng lục tung tập giấy chép tay, tìm lại bản tốc ký nguệch ngoạc rồi chuyển thành văn bản thường. Giờ, việc ghi lại mang tính tức thời và đáng tin cậy hơn nhiều.
Cô Finney có một văn phòng ở trên tầng ba chung với các thư ký khác. Phần mềm họ dùng là Veritas. Theodore đã thâm nhập vào hệ thống vì quá tò mò muốn biết những gì xảy ra trong tòa. Hệ thống đó có tính bảo mật không cao vì thực ra mọi thông tin đều từ phiên tòa xử công khai. Bất cứ ai cũng có thể bước vào phòng xử mà theo dõi. Tất nhiên, cái người bất cứ ai đó không thể là học sinh trung học. Mặc dù không thể đến tận nơi theo dõi phiên tòa, Theodore đã lên kế hoạch để có thể biết chuyện gì đang diễn ra.
Cậu không bỏ lỡ nhiều lắm. Nhân chứng đầu tiên của ngày xử thứ hai là đội trưởng đội bảo vệ trực tại cổng trước của khu Waverly Creek. Chỉ có hai cổng vào khu - cổng trước và cổng phía Nam. Cả hai chòi bảo vệ đều có ít nhất một nhân viên mặc đồng phục có trang bị vũ trang túc trực hai tư trên hai tư. Cả hai cổng đều có camera theo dõi. Sử dụng băng ghi hình, người đội trưởng khai rằng ông Duffy, hay ít nhất là xe của ông, đã rời cổng trước vào lúc 6 giờ 48 buổi sáng ngày xảy ra án mạng, và trở về lúc 10 giờ 22.
Băng ghi hình cho thấy ô tô của ông Duffy có nhà khi vợ ông bị giết. Điều này chẳng có nghĩa lý gì vì nó đã được thừa nhận từ trước. Ông ta đi làm, trở về nhà, đậu xe, lấy xe golf, lái đi, để bà vợ vẫn còn sống ở nhà. Vấn đề lớn đây, Theodore nghĩ. Cậu nhìn đồng hồ. Giờ giải lao chỉ còn năm phút.
Bên nguyên đang đọc một bản tóm tắt tẻ ngắt mô tả từng xe vào khu Waverly Creek buổi sáng hôm đó. Một xe gom rác cùng nhân viên vệ sinh đến một nhà trong khu. Một đội lát sàn vào nhà khác. Đại loại thế. Có vẻ như, ít nhất là Theodore nghĩ, bên nguyên đang cố tính đến từng đối tượng không phải là cư dân nơi đây có thể đã ra vào qua hai cánh cổng.
Để chứng tỏ điều gì? Có thể Jack Hogan cố muốn chứng minh rằng không ai, không phương tiện nào có mặt trái phép ở Waverly Creek vào thời điểm xảy ra vụ giết người. Theodore cảm giác việc này sẽ còn kéo dài nữa.
Nhận ra mình chỉ đang bỏ qua một màn tẻ ngắt tại phiên xét xử, cậu tắt laptop rồi vội vã vào lớp. o O o
Julio không có ở căng tin. Theodore ăn nhoáng nhoàng, rồi đi tìm cậu ta. Cậu bị nỗi tò mò lôi kéo, càng ngồi lâu trong lớp, cậu càng muốn tìm hiểu liệu Julio có thể biết điều gì. Cậu hỏi mấy học sinh lớp Bảy. Không ai biết Julio ở đâu.
Theodore trở về thư viện, vào đúng ô đọc sách lúc nãy, và lại nhanh chóng đột nhập hệ thống phần mềm của cô Finney. Phiên tòa đang tạm nghỉ trua đúng như Theodore nghĩ. Nếu không, thể nào giờ ăn trưa cậu cũng phải phi ra thị trấn nghe ngóng tình hình.
Và cũng đúng như dự đoán, bên nguyên đã cố chứng minh không có phương tiện không phận sự nào xuất hiện ở Waverly Creek vào thời gian xảy ra án mạng. Theo giả thiết của Jack Hogan, kẻ sát nhân không phải một ai đó có thể tự tiện vào khu vực này. Bất cứ người lạ nào cũng đều bị hệ thống an ninh tinh vi kia phát hiện. Kẻ sát nhân, vì thế, phải là một ai đó có thể dễ dàng đến rồi đi mà không khiến bảo vệ chú ý. Một ai đó sống ở đây. Một ai đó như ông Pete Duffy.
Nỗ lực này của bên nguyên kéo theo màn phản pháo nảy lửa của luật sư Clifford Nance, mặc dù ông giữ yên lặng suốt mấy giờ đầu của phiên xử. Trong một cuộc thẩm vấn chéo sôi nổi và đôi lúc gay gắt, luật sư Nance ép viên đội trưởng bảo vệ phải thừa nhận: (1) có 154 nhà biệt lập và 80 căn hộ ở Waverly Creek; (2) cư dân ở đây sở hữu ít nhất 477 xe các loại; (3) có một con đường nhựa không có bảo vệ hay camera theo dõi; và (4) có ít nhất hai lối đi rải sỏi dẫn vào khu vực này không được thể hiện trên bản đồ.
Luật sư Nance nói như đinh đóng cột rằng khu Waverly Creek chiếm diện tích 1.200 mẫu, với rất nhiều lạch suối, hồ ao, vũng vịnh, thung lũng, những vạt rừng, những dãy phố, nhà ở, chung cư, ba sân golf, nên nói chung, việc đảm bảo an ninh tuyệt đối là “không thể”.
Viên đội trưởng miễn cưỡng đồng ý. Về sau, anh ta thừa nhận không thể biết ai có mặt, ai không có mặt bên trong khu cư dân kín cổng cao tường ấy vào thời điểm xảy ra án mạng.
Theodore cho rằng, cuộc thẩm vấn chéo thật xuất sắc, và rất hiệu quả. Điều đó khiến cậu buồn hơn vì đã bỏ lỡ màn này.
“Cậu đang làm gì vậy?” Giọng nói khiến Theodore giật mình, lôi cậu trở lại với thế giới thực ở trường trung học. Là April. Cô bạn biết rõ những nơi ẩn mình của Theodore.
“Đang xem tình hình ở phiên tòa.”
“Mình hy vọng không bao giờ phải chứng kiến phiên tòa nào nữa.”
Theodore đóng máy tính, cả hai chuyển sang một chiếc bàn nhỏ gần khu để tạp chí. Cô bé muốn nói chuyện, và với giọng gần như thì thầm cô tường thuật lại buổi làm chứng đầy ác mộng trước bao nhiêu người lớn đang cau mày hằm hè dò xét từng lời nói của cô.
Hồi chuông cuối ngày gióng lên lúc 3 giờ rưỡi và hai mươi phút sau Theodore đã có mặt ở tòa. Phòng xử không còn đông như hôm trước, Theodore may mắn tìm được chỗ ngồi ngay cạnh Jenny, tình yêu đích thực của cậu, thư ký Phòng án Gia đình. Nhưng chị gõ gõ vào đầu gối cậu, như thể cậu chỉ là một chú cún nhỏ dễ thương. Điều này luôn khiến Theodore bực bội.
Bồi thẩm đoàn ra ngoài. Thẩm phán Gantry không ở đó. Đang trong giờ giải lao. “Tình hình thế nào rồi ạ?” cậu thì thầm.
“Các luật sư đang tranh tụng trong phòng thẩm phán,” chị thì thầm lại, mặt ỉu xìu thất vọng.
“Chị vẫn nghĩ ông ta có tội chứ?” Cậu hạ giọng thậm chí còn thấp hơn.
“Ừ. Còn em?”
“Em chả biết nữa.”
Hai chị em thì thào qua lại được mấy phút thì một đám đông rần rần đi về phía trên. Thẩm phán Gantry trở lại. Các luật sư lần lượt về chỗ. Một nhân viên chấp pháp đi tìm các vị bồi thẩm.
Nhân chứng tiếp theo của bên nguyên là một giám đốc ngân hàng. Jack Hogan bắt đầu với một loạt câu hỏi về công nợ của ông Pete Duffy. Họ trao đổi rất nhiều về vốn liếng, tài sản ký quỹ, các khoản nợ không thanh toán đúng hạn, tất cả những cái đó như một búi bòng bong trong đầu Theodore. Cậu quan sát các vị bồi thẩm, nhận thấy hầu hết các vị ấy cũng không theo kịp mớ tài chính rối nùi này. Cuộc thẩm vấn chẳng mấy chốc trở nên nhạt nhẽo và buồn tẻ. Nếu mục đích của cuộc thẩm vấn là để chứng minh ông Pete Duffy bị phá sản và đang rất cần tiền mặt, thì Theodore nghĩ ông giám đốc này quả là một nhân chứng tệ hại.
Một ngày tệ hại đối với bên nguyên, ít nhất là Theodore nghĩ vậy. Cậu liếc nhanh khắp phòng xử và nhận ra Omar Cheepe nham hiểm không có mặt. Theodore biết ông ta đang ở rất gần, đâu đó thôi, đang theo dõi hoặc lắng nghe.
Vị giám đốc vẫn đang trên đà đưa mọi người vào giấc ngủ. Theodore đưa mắt nhìn khắp ban công, trên đó trống lặng, chỉ có một người. Julio đang ở đó. Cậu ta ngồi ở góc xa của hàng ghế trên cùng, cúi khom người, đầu chỉ thấp thoáng nơi lan can, như thể cậu ta không được phép xuất hiện ở đây vậy.
Theodore quay xung quanh, nhìn nhân chứng và bồi thẩm đoàn, tự hỏi tại sao Julio lại có hứng theo dõi phiên tòa này.
Vài phút sau, Theodore lại liếc nhìn lên. Julio không còn ngồi một mình nữa. Omar Cheepe đang ngồi ngay sau Julio, và cậu không hề biết mình đang bị theo dõi.