Luật Hấp Dẫn: Bí Mật Tối Cao

Dẫn Nhập

Năm 1666, Isaac Newton đang ngồi dưới một tán cây thì đột nhiên, cuộc sống của ông và toàn bộ hiểu biết của loài người thay đổi mãi mãi. Ông không chỉ bị tác động bởi quả táo nổi tiếng đó mà còn do một nhận thức rõ ràng vụt sáng lên trong một khoảnh khắc tuyệt vời: Vận tốc chỉ là tạm thời và có một lực khiến nó thay đổi. Khám phá của Newton về thuyết hấp dẫn và quy luật của trọng lực bắt nguồn từ một thời khắc đơn lẻ của việc tập trung thuần túy đã mang tới cuộc cách mạng cho cả loài người trong cách thức nhìn nhận thế giới.

Năm 443 trước Công nguyên, Thái tử Siddhartha Gautama khi ngồi dưới tán cây đã thâm nhập vào chiều sâu của tư duy và trở thành một con người được khai sáng hoàn toàn - Đức Phật. Dù chỉ tập trung hướng vào bên trong để nghiên cứu các hiện tượng thể chất và tinh thần, Ngài vẫn đưa ra một nghiên cứu chi tiết và cẩn thận. Từ sự quan sát của mình, Ngài nhận ra được Luật Vô Thường: Vạn vật sinh và diệt như thế nào. Và cũng trong thời khắc tập trung ấy, Ngài không chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa các sức mạnh tương tác mà còn cả con đường thoát khỏi khổ đau cho loài người.

Cả hai hình tượng này, khi đang chìm sâu suy nghĩ dưới gốc cây của riêng mình, đều đã hấp thụ được những quy luật vận hành cả vũ trụ. Newton đưa ra cho cả thế giới cái nhìn ban đầu về Luật Hấp Dẫn bằng những nhận biết về sự tương tác của các lực. Đức Phật nhìn sâu vào bên trong và cũng thấy những mối quan hệ mà Newton đã nhận ra cùng vô vàn các bí mật về bản chất vũ trụ. Hai hình tượng này đã mang lại những món quà là hiểu biết vô giá cho loài người và những người khác đã, đang và vẫn tiếp tục kế thừa, mở ra những bước tiến mới trong tư duy và hiểu biết của con người.

Sự tiến hóa của loài người đã kéo dài hơn 200.000 năm. Nếu so sánh với loài chim và bò sát là hai loài đã phát triển trong hơn một triệu năm, chúng ta thực chất chỉ là một giống loài non trẻ. Vậy mà sau cả triệu năm tiến hóa, chim vẫn chỉ là chim, bò sát vẫn chỉ là bò sát và ngay cả loài động vật gần gũi nhất với loài người chúng ta như con đười ươi thì cũng chẳng tiến lên được là bao trong suốt 200.000 năm qua, trong khi loài người đã phát triển nhảy vọt. Hàng triệu loài sinh vật khác trên hành tinh đều đã đạt được tới một mức độ tiến hóa nhất định khi trí thông minh xuất hiện. Loài người đã đạt được tới trình độ thông minh hơn hết thảy những loài trước đó.

Các nhà khoa học rất lúng túng trước sự khác biệt này. Điều gì khiến loài người chúng ta khác với các động vật khác? Tại sao lại có một khoảng cách lớn đến vậy giữa trí thông minh đặc biệt của loài người và những loài vật thậm chí được coi là có trí tuệ như cá voi hay tinh tinh? Quá trình tiến hóa của chúng ta thực sự là một quá trình không tưởng.

Chúng ta là giống loài có khả năng sáng tạo tốt nhất trong thế giới này. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều sáng tạo kỳ diệu của con người, từ những cuộc cách mạng vĩ đại với hệ ngôn ngữ và văn hóa, các hệ thống chính trị và các thể chế chính quyền phức tạp, đến những kiệt tác nghệ thuật xuất chúng. Thực tế, chỉ cần lắng nghe một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart hay ngắm nhìn Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là đã đủ để thán phục sự kỳ diệu trong khả năng sáng tạo của con người.

Cùng với những sáng tạo đầy cảm hứng và làm say đắm lòng người, chúng ta cũng chứng minh được khả năng mang đến những nỗi kinh hoàng không tả xiết. Chúng ta là giống loài có khả năng tạo ra nạn diệt chủng, mang lại cái chết và phá hủy ở mức độ mà không một tạo vật nào kém thông minh hơn có thể tưởng tượng nổi. Loài người là loài duy nhất có khả năng tạo ra những điều kỳ diệu và cả những điều kinh hoàng nhất.

Tìm hiểu quá trình đạt tới vị trí hiện tại của con người thực sự là một điều thú vị, nhưng điều đó không có ảnh hưởng quan trọng lắm tới đời sống của mỗi cá nhân. Vậy điều gì mới thực sự xác định những yếu tố đã tạo ra sự khác biệt giữa loài người với các loài động vật khác? Câu trả lời rất đơn giản: nhận thức được về bản thân và khả năng phát triển nhận thức này cũng như thúc đẩy hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất của các sự vật, hiện tượng xung quanh. “Nhận thức” trong Đạo Phật chính là sự thức tỉnh trong từng sát na(1) về những hiện tượng bên trong. Nhận thức, hiểu theo nghĩa này, là khả năng quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí mình và qua quan sát này, chúng ta sẽ đạt được sự thông thái: hiểu biết cao hơn, mạch lạc hơn về bản chất của cuộc sống và tâm trí con người, những mảnh ghép và tiềm năng của nó. Kiến thức này sẽ dần dần đưa bạn đạt được tới ngưỡng năng lực cao nhất của bản thân mình với tư cách là một con người. Đạt được tới ngưỡng năng lực cao nhất của bản thân mình có nghĩa là gì? Đó chính là sự giải thoát hoàn toàn mà rất nhiều thầy gọi là Sự tỉnh thức và Đạo phật gọi là Niết Bàn – điểm kết thúc của mọi khổ đau.

Sự giác ngộ mang lại cho chúng ta ý thức đạo đức. Nó giúp chúng ta phân định giữa đúng và sai, chỉ cho chúng ta thấy hành động nên hoặc không nên làm. Nhưng sau đó bản ngã của con người, với những dục vọng và mong muốn khôn cùng, đã xói mòn nhận thức bên trong và kết quả là chúng ta sử dụng sai trí thông minh của mình. Đó là lí do vì sao bất cứ khi nào chúng ta ghi nhận những tiến bộ xã hội mang tính vật chất thì sự phát triển tinh thần lại bị dao động.

Những bậc thầy về tâm linh từ lâu đã giải thích rõ ràng về các thiếu sót của loài người. Trong thế giới công nghệ phát triển chóng mặt, tất cả những điều này đều bị chi phối bởi sự tham lam vô độ và dục vọng khôn cùng. Nhưng tính tiêu cực của bản chất con người hiện nay dường như đang thể hiện trong vô số nguồn ý thức. Trong môi trường này một vài phẩm chất thấp kém của đầu óc con người đang trượt khỏi tầm kiểm soát.

“Cuộc sống mà chưa được xem xét cẩn thận thì không phải là một cuộc sống có giá trị.” - SOCRATES, triết gia

Hơn một nghìn năm qua, con người đã nghiên cứu mọi thứ từ những phần tử nhỏ nhất tạo nên vật chất đến những điều thần bí nằm ngoài giới hạn hiểu biết của các nhà khoa học tiên tiến nhất, ví dụ như giới hạn của vũ trụ. Nhưng khi những nghiên cứu này càng đi sâu và càng trở nên hấp dẫn thì các nhà khoa học lại bỏ qua một chủ đề then chốt: bản thân mình! Chúng ta cần tự nhìn sâu vào bên trong và nghiên cứu bản chất của chính tư duy chúng ta – không phải não bộ mà là tư duy. Đó mới chính là nét độc đáo quan trọng.

Woody Allen, diễn viên hài và nhà làm phim nổi tiếng, đã nhắc đến yếu tố then chốt này với sự hài hước đặc trưng của ông: “Những con người muốn hiểu biết về cả vũ trụ khiến tôi kinh ngạc vì riêng việc tìm được lối ra khỏi khu phố Trung Hoa đã đủ rối tung lên rồi”. Hiểu biết về hành tinh cá nhân – trí óc của mình – sẽ mang lại cho các bạn những phần thưởng còn vĩ đại hơn lập bản đồ vũ trụ.

“Cách tốt nhất để biến giấc mơ thành hiện thực là tỉnh giấc.” - PAUL VALERY, nhà thơ Pháp

Trong hơn 100 năm qua, rất nhiều nhà khoa học và nhà tâm lý học lỗi lạc nhất đã cống hiến cuộc đời của mình để nghiên cứu về tư duy của con người. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều bị hạn chế ở mức độ suy nghĩ hay hành động cảm hứng bất chợt, những điều mà chúng ta có thể đo đếm được nhưng vẫn còn rất hời hợt. Những nghiên cứu kiểu này chỉ có thể giải thích những gì diễn ra dưới góc độ vật lý và hoàn toàn bỏ qua khía cạnh tinh thần rộng lớn của tư duy. Nó ở ngay đây, ngay trong những vùng tư duy bị bỏ qua, là nơi tạo nên sức mạnh xây dựng hiện thực của chính bạn. Sigmund Freud(1) đã chạm tới những vùng này khi ông nhận ra rằng chúng cũng là một phần của hệ thống đầu óc con người và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. May mắn thay, Đức Phật đã dạy chúng ta cách khám phá những vùng tư duy này, đặt dấu chấm hết cho những bí ẩn và làm chủ đầu óc của chính bản thân mình. Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách luyện tập nhận thức khoảnh khắc hiện tại. Như thế, bạn sẽ hiểu cách tư duy của mình tạo ra thực tại như thế nào và làm sao bạn có thể sử dụng sức mạnh của những hiểu biết này để làm cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc và ý nghĩa hơn.