Luật Hấp Dẫn: Bí Mật Tối Cao

Chương 9: 11 Cách Chấm Dứt Những Điều Tiêu Cực

Cảm xúc là điểm mong manh nhất của chúng ta vì chúng là ngôn ngữ của vô thức. Suy nghĩ dễ điều khiển hơn nhiều so với cảm xúc vì chúng không sâu sắc bằng. Với một chút luyện tập và nhận thức khoảnh khắc hiện tại, chúng ta có thể nắm bắt được suy nghĩ tiêu cực khi chúng xuất hiện, kiểm soát chúng và lựa chọn suy nghĩ tích cực thay thế. Nhưng chúng ta sẽ làm gì với cảm xúc tiêu cực đây?

Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học đã giải thích rằng hầu hết các cảm xúc của chúng ta khi trưởng thành đều bắt nguồn từ kinh nghiệm thơ ấu. Phật Giáo lại giảng giải rằng cảm xúc của chúng ta đến từ nghiệp, từ cả kiếp này lẫn kiếp trước. Bất kể bạn tin vào lời giải thích nào thì cảm xúc cũng là dạng năng lượng được chôn vùi sâu trong tâm trí chúng ta.

Chỉ có cảm xúc vừa xuất hiện mới có thể làm lu mờ cảm xúc bạn đang có. Một mình suy nghĩ thì không đủ mạnh để làm được việc này. Nếu bạn sợ hãi về một buổi thuyết trình sắp diễn ra, bạn có thể tự nhủ suốt ngày rằng thật ngớ ngẩn nếu mình sợ, rằng bạn đã từng làm việc này trước đây và rằng bạn đã rất sẵn sàng, nhưng bạn không thể hướng đến vấn đề thuộc mức độ tình cảm. Giải thích cho thật hợp lý bây giờ trở nên vô ích khi cảm xúc cơ bản ẩn dưới suy nghĩ của bạn vẫn là sự sợ hãi. Làm sao bạn có thể giao tiếp với cảm xúc khi ngôn ngữ hoàn toàn vô nghĩa ở mức độ tình cảm? Nếu bạn nói: “Này nỗi sợ, hãy biến đi” thì sẽ thật ngớ ngẩn khi tin rằng nó sẽ trả lời: “Tất nhiên rồi” và tuân theo ngay tức khắc.

Sau đây là 11 cách giúp bạn có thể thay đổi hoặc xóa bỏ cảm xúc không mong muốn khi chúng xuất hiện.

1. HÃY LUÔN THA THỨ

Tha thứ luôn chiến thắng mọi cảm xúc tiêu cực. Giận dữ, thù hận hay khát khao trả thù sẽ biến mất khi đối diện với sự tha thứ. Ở đây, tôi không muốn đề cập đến kiểu tha thứ bằng lời mà là sự tha thứ bắt nguồn từ cảm xúc ở sâu bên trong. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã bỏ qua mọi chuyện, nhưng xét về mặt cảm xúc, thì điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Cảm xúc còn lưu lại chắc chắn sẽ tạo ra hoàn cảnh tương tự trong tương lai – câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết. Không có sự tha thứ, vòng quay sẽ không bao giờ dừng lại.

“Sự tha thứ giống như hương hoa violet còn vương lại trên gót giày đã giẫm nát nó.”

-MARK TWAIN,
nhà văn Mỹ

Hiểu ra rằng cảm xúc tiêu cực là nguồn gốc của mọi nhược điểm là một điều cực kỳ quan trọng. Mặc dù cảm xúc giận dữ và khát khao trả thù có vẻ như rất mạnh mẽ, nhưng thực ra chúng không hề như vậy. Hầu hết mọi người đều hiểu sai rằng để đánh bại một người, ta phải có cảm giác xấu về họ. Thực ra, ngược lại mới chính xác: chiến thắng đến từ cảm xúc tốt đẹp; bạn càng cảm thấy tích cực bao nhiêu thì chiến thắng của bạn sẽ càng vĩ đại bấy nhiêu. Cảm thấy tốt lành giúp bạn dịu bớt cơn giận và sử dụng sự minh mẫn của mình để giải quyết vấn đề cần thiết hiệu quả hơn hẳn việc chỉ đơn giản là thuận theo cơn bốc đồng tức thời của mình.

Binh pháp Tôn Tử có câu: “Chiến lược tốt nhất để khuất phục kẻ thù là không dùng chiến tranh.” Điều này đạt được nhờ cảm xúc tích cực. Đầu tiên, bạn phải cảm thấy tích cực rồi sau đó bạn mới có thể mang lại cảm giác tương tự cho kẻ thù. Moóc-phin nội sinh xuất ra trong cơ thể sẽ kích thích điều tương tự ở đối phương. Khi cả hai đã cùng có cảm giác tích cực thì sẽ rất dễ dàng đạt được một giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người.

Đạo Phật dạy rằng: “Lấy ân báo oán, oán tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán chất chồng. Đây là quy luật của vạn vật.” Vì thế, bạn phải học cách tha thứ cho người khác nếu muốn được tha thứ. Sức mạnh của sự tha thứ sẽ tự tìm được đường đến với hệ thần kinh của người khác và khơi dậy ở đó cảm giác tương tự, rồi nó sẽ quay lại với bạn. Đó là điều mà Đạo Phật dạy là quy luật của vạn vật.

“Những gì dường như là điểm yếu của cái tôi thực chất lại là sức mạnh thực sự.”

-ECKHART TOLLE,
Sức mạnh của hiện tại
(The Power of Now)

Vậy nên thay vì tuân theo tuyệt đối ý tưởng: “Tát ta một cái thì ta tát lại hai”, hãy theo như lời dạy của Jesus: “Nếu người tát ta bên má phải, hãy chìa má trái của mình ra cho họ.” Điều kiện ở đây tất nhiên là bạn phải rất chân thành và thực sự cảm thấy tích cực chứ không phải chỉ làm theo lời dạy máy móc. Nếu bạn không chân thành, kết quả nhận được sẽ không như mong đợi. Jesus cũng đã từng nói là: “Hãy yêu thương kẻ thù của con.” Ta phải cảm thấy yêu thương trước khi chìa má phải ra cho họ!

2. HÃY YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN

Nếu bạn đang bị hăm dọa hoặc tấn công thì không cần thiết phải để những điều xấu lấn lướt tình cảm của mình. Hãy cố gắng hết sức để không nổi giận. Hãy nhận ra rằng người nào làm người khác đau thì cũng đang mang trong mình một vết thương; họ thiếu tự tin, sợ rằng sẽ không được chấp nhận và có vô số các vấn đề tình cảm tiềm tàng. Hãy cố gắng rộng lượng thay vì đánh trả với phản xạ có điều kiện là sự giận dữ. Hãy để những cảm xúc đó trở thành lòng trắc ẩn thực sự và hãy yêu thương vô điều kiện.

“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy sống tử tế. Nếu bạn muốn bản thân mình hạnh phúc, hãy sống tử tế.”

-DALAI LATMA thứ 14

Một tâm trí đầy ắp yêu thương luôn dịu dàng, yên bình và hạnh phúc. Bất kỳ cảm giác giận dữ hay ghen tị nào xuất hiện sẽ đều suy giảm và rồi dần sẽ biến mất. Cảm giác không thỏa mãn sẽ không tồn tại và không còn phải vướng bận vì bất kỳ điều gì. Tâm trí đó luôn giúp đỡ người khác mà không mong chờ báo đáp. Một tâm trí giận dữ sẽ làm ngược lại: nó sống bằng cảm xúc tiêu cực và những cơn bốc đồng tệ hại nhất như lò lửa địa ngục.

Tiến sỹ Masaru Emoto trong cuốn sách Thông điệp ẩn trong nước (The Hidden Messages in Water), đã chứng minh rằng pha lê được hình thành trong nước sẽ chịu tác động rõ ràng của rất nhiều cảm xúc khác nhau. Yêu thương đi thẳng vào nước sẽ mang lại những viên pha lê đẹp đẽ và thuần khiết, giận dữ và hận thù sẽ làm hỏng tính đối xứng trong cấu trúc của pha lê và vì thế sẽ cho ra đời một viên pha lê xấu xí. Hãy nhớ rằng cơ thể con người được tạo nên ít nhất 60% từ nước. Hãy tưởng tượng xem cảm xúc của chúng ta và của người khác sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.

3. NHỚ LẠI KỶ NIỆM YÊU THƯƠNG

“Cho đi yêu thương và lòng tốt không chỉ làm người khác cảm thấy được yêu thương và quan tâm mà còn giúp tình yêu và sự yên bình trong chính chúng ta được nảy nở. Có rất nhiều cách chúng ta có thể chủ ý thực hiện để mở rộng yêu thương và lòng tốt.”

-DALAI LATMA thứ 14

Tình yêu là vũ khí hiệu quả nhất giúp chống lại những điều xấu xa. Các nhân viên văn phòng thường giữ trên bàn làm việc mình tấm ảnh của người họ yêu thương và khi cảm thấy ức chế, họ lại quay sang ngắm chúng; cảm giác yêu thương đó sẽ làm loãng áp lực căng thẳng mà họ đang phải gánh chịu. Điều này cũng đúng ở cấp độ tinh thần. Bức ảnh tinh thần rõ ràng này sẽ ngay lập tức mang tới cho họ cảm giác yêu thương. Nhớ lại những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc bất cứ khi nào bạn cảm thấy tiêu cực để mang tình yêu đến với bạn. Ví dụ như nếu bạn đang cãi nhau với người bạn đời của mình, hãy nhớ lại trong đầu hình ảnh ngày cưới của mình và tất cả hi vọng, niềm vui đi cùng với hình ảnh đó – bạn sẽ không giận dữ lâu nữa.

4. ĐƯA RA HƯỞNG ỨNG TÍCH CỰC

Ngay cả khi phản ứng tức thời của bạn là tiêu cực thì cũng rất nên kiểm soát bản thân và hưởng ứng tích cực. Nếu bạn về nhà và thấy bọn trẻ đã biến bức tường nhà thành tấm toan để thể hiện năng khiếu vẽ bằng ngón tay của mình, có thể bạn sẽ tức điên lên. Nhưng hãy cười thật to. Hãy làm cho bản thân mình cười và, thật kinh ngạc, bạn sẽ nhận ra tiếng cười của bạn trở nên chân thành biết bao nhiêu. Suy nghĩ tích cực sẽ đến và bạn sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Thậm chí, cuối cùng, có thể bạn còn tự hào vì những tài năng Picasso tương lai đang nảy nở trong gia đình bạn.

5. CHẤP NHẬN BẤT HẠNH

Hãy nhớ rằng khi sinh ra, chúng ta hoàn toàn không có một chút tài sản nào, rồi ta cũng sẽ chết một mình và cũng không mang theo được bất cứ điều gì. Vậy nên khi một bất hạnh đến với ta, hãy chấp nhận chúng. Nếu bạn có thể chấp nhận điều xấu nhất thì mọi thứ đều trở nên tích cực. Nếu bạn nghĩ về chuyện không may đã đến với mình trước kia, từng chuyện thậm chí có thể trở nên tệ hại hơn. Khi đầu óc chúng ta nghĩ những bất hạnh của mình là tận cùng của thế giới, chúng ta lo lắng, hối tiếc và đau khổ. Cảm xúc này sẽ làm cho nỗi đau chúng ta nhận được sâu sắc hơn. 90% nỗi đau chúng ta trải qua đều là phản ứng tâm lý trước các tình huống chứ không phải vì bản thân tình huống đó như vậy. Và ngay cả 10% còn lại đó cũng bị khuếch đại bởi cảm xúc tiêu cực.

6. LÙI LẠI MỘT BƯỚC

Khi bạn cảm thấy cuộc sống của mình trở nên lộn xộn, hãy ngừng lại và bước lùi một bước. Đừng để bản thân bị cuốn vào rắc rối mà hãy để các vấn đề tự thu xếp. Đi biển. Thư giãn với thiên nhiên. Dứt mình ra khỏi nếp sống thường nhật sẽ giúp bạn nhìn nhận toàn cảnh rõ ràng hơn và bạn sẽ có thời gian, khoảng trống cần thiết trong đầu để sáng suốt giải quyết vấn đề phát sinh. Hãy lùi lại thay vì sa chân sâu hơn vào vũng bùn. Một số rắc rối tưởng chừng không vượt qua được thực tế lại có giải pháp đơn giản. Chúng ta cần lùi lại và cần có một khoảng thời gian tĩnh tâm một mình trước khi nhận ra chúng.

Các nhà lãnh đạo và quản lý tài năng đều biết cách đối diện với thời kỳ khủng hoảng. Họ tự thoát khỏi các tình huống đó và nắm lấy vai trò của một quân sư. Trong một trận bóng đá, huấn luyện viên mỗi đội luôn ngồi ở vị trí cao trong sân vận động để có thể nhìn nhận toàn cảnh trận đấu mà người ngồi dưới sân không thể thấy được.

Lùi lại để có cái nhìn rõ ràng về tình huống chính là những gì chúng ta làm khi thực hiện nhận thức khoảnh khắc hiện tại, mặc dù lúc đó chúng ta quan sát những gì đang diễn ra bên trong mình. Khi nhận một nỗi đau tình cảm hoặc suy nghĩ trong đầu rối loạn, hãy lùi lại và để mình làm quan sát viên, để nhìn nhận xem vết thương trong cơ thể hay suy nghĩ và cảm xúc của mình là như thế nào. Khi đã quan sát quá trình này đủ gần, chúng ta có thể tách mình ra khỏi những cảm xúc đó và nhìn thấy sự thật rất rõ ràng. Ta có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào trên thế giới.

Mỗi ngày, hãy dành cho mình một khoảng thời gian một mình, xa rời máy tính, điện thoại, ti vi hoặc bất kỳ phương tiện giải trí nào khác. Để đầu óc mình rỗng không. Sự sáng suốt đến từ một tâm trí rõ ràng và bình an hiển nhiên tốt hơn nhiều khi chúng đến từ những suy nghĩ nặng về phân tích. Như chúng ta đã nói ở chương 6, câu trả lời sẽ bất ngờ xuất hiện vào thời điểm ta ngừng tìm kiếm chúng và bắt đầu thư giãn. Khi tư duy nhận thức của chúng ta tạm thời nghỉ ngơi, vô thức sẽ giải phóng năng lượng và tìm ra giải pháp.

7. TÌM KIẾM NHỊP ĐIỆU CỦA MÌNH

Điều duy nhất không bao giờ thay đổi chính là sự đổi thay. Mọi thứ đều nằm trong trạng thái vận động liên tục của nó. Khi đã hiểu điều này, chúng ta có thể tìm được nhịp điệu riêng của cuộc đời mình và biết khi nào nên hành động để giải quyết vấn đề. Mỗi người có một nhịp điệu khác nhau và chúng ta phải biết được thời điểm nào nên dừng lại và thời điểm nào nên hành động. Sinh viên giỏi biết quán tính và nhịp điệu cuộc sống của họ hoạt động như thế nào khi học thi. Họ biết khi nào, bằng cách nào họ sáng suốt nhất và khi nào thì nên nghỉ ngơi thư giãn. Hãy tìm những nhịp điệu như vậy trong cuộc sống của bạn và xem ta đón nhận được thêm bao nhiêu phần thưởng từ chúng.

Khi John F. Kennedy đối diện với khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trong thời gian khủng hoảng tên lửa ở Cuba, ông đã dành rất nhiều thời gian ở một mình cân nhắc các ý tưởng. Rất nhiều nhà lãnh đạo tài năng, bao gồm cả Gandhi và Abraham Lincoln đều xử sự như vậy khi gặp thử thách lớn. Khi các nhà báo tìm một câu trả lời tức thời của họ trước một tình huống khó hiểu vừa xuất hiện, câu trả lời có thể là “Miễn bình luận.” Dù cho có vẻ như đây là một nỗ lực để né tránh câu hỏi nhưng đó là dấu hiệu của sự sáng suốt. Một nhà lãnh đạo hiệu quả biết khi nào nên nói và khi nào nên cân nhắc vì hành động hấp tấp có thể gây nên cảm xúc tiêu cực trong tình huống xấu khiến nó trở nên tồi tệ hơn.

Chúng ta cũng phải hiểu rằng có một số vấn đề không thể giải quyết được, hoặc ít nhất chúng ta không phải là người có khả năng giải quyết chúng. Chúng là điều chắc chắn sẽ xảy ra và không thể tránh khỏi: ví dụ như tuổi già và cái chết. Nhưng nếu đối diện với những điều không tránh khỏi và đón nhận thay đổi này tự nhiên, không kháng cự thì chúng ta sẽ không phải chịu cảm giác buồn đau. Cách giải quyết này giúp tránh cho bạn những ảnh hưởng bên trong từ chúng.

“Khi tôi thấy mình gặp rắc rối, Đức Mẹ Mary sẽ đến với tôi, và nói những lời của sự sáng suốt: ‘Mặc kệ đi.’”

-THE BEALTES,
Let it be

Khi nói về thói quen thường ngày, đừng để mình phải chịu đựng, ví dụ như, cơn tuyệt vọng của một người ăn xin ốm yếu trên phố. Chúng ta không có cách nào giải quyết được vấn đề này và hãy để họ đi. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên giúp đỡ những người này. Tuổi già là vấn đề hiển nhiên không thể tránh khỏi cũng không có nghĩa là bạn không nên chăm chút cho sức khỏe và ngoại hình của mình. Những điều này có nghĩa là bạn đừng để mình bị ảnh hưởng quá nhiều đến mức bạn quá lo lắng khi tóc mình ngả bạc hoặc khi gặp một người vô gia cư trên phố.

8. CHIA SẺ CẢM XÚC

Mở rộng trái tim và chia sẻ những cảm xúc thực sự tuyệt vời; tuy nhiên, bạn cũng phải cẩn thận với người bạn tin tưởng. Người ta dốc cạn trái tim phải là người thật thông cảm và thấu hiểu để có thể hòa tan điều tiêu cực trong ta. Tất cả chúng ta đều nên có một ai đó trong cuộc đời, người có thể giúp ta khi hoạn nạn, dù họ là người cố vấn hay bạn hữu. Một người cố vấn từng trải có thể giúp ta xây dựng một bức tranh tâm lý rõ ràng hơn về thành công và đó là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta thoải mái hơn và đưa ra được giải pháp hiệu quả.

Chúng ta cũng cần đến cộng sự, cả trong cuộc đời lẫn trong công việc, người góp phần quan trọng vào hạnh phúc của ta. Họ là những người đáng tin cậy nhất và chân thật nhất ta có thể tìm được và ta phải có khả năng thể hiện cảm xúc của mình với họ thật cởi mở. Ưu điểm của họ sẽ cân bằng nhược điểm của ta. Có những cộng sự như vậy sẽ mang lại chiến thắng.

Đôi khi, khóc cũng có ích. Đó là một phản xạ tự nhiên có thể giúp ta vượt qua hoàn cảnh đau đớn nhất. Chúng ta là giống loài duy nhất có thể rơi nước mắt khi đau đớn (nước mắt của các loài vật khác không tương ứng với cảm xúc). Thiên nhiên hẳn phải biết rằng cảm xúc và khát vọng của con người mạnh hơn những tạo vật khác và vì thế đã ban cho chúng ta khả năng khóc như một cách trút bỏ cảm xúc mạnh mẽ. Không có khả năng rơi nước mắt, giống loài chúng ta chắc chắn sẽ hoàn toàn mất kiểm soát.

9. CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Một thể lực tốt giúp chúng ta giới hạn những cảm xúc tiêu cực. Để não bộ hoạt động đúng đắn, bạn phải có một sức khỏe tốt. Nếu bạn ốm yếu và có cảm xúc tiêu cực nghĩa là bạn đang ở tình thế hết sức nguy hiểm. Sự tiêu cực sẽ làm gia tăng các vấn đề sức khỏe và còn mang lại nhiều hậu quả hơn thế. Một khi điều đó đã xảy ra, rất khó để có thể quay trở lại một tư duy vững vàng tích cực. Để làm được điều này cần phải có khả năng nhận thức khoảnh khắc hiện tại sáng suốt và bền bỉ để có thể nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của ta cho đến khi sự gắn bó với chúng được nới lỏng. Học để có thể nhận thức theo cách này là một việc vô cùng quan trọng, đặc biệt khi tình trạng sức khỏe nằm ngoài kiểm soát của bạn, như khi bạn đang kề cận cái chết chẳng hạn.

10. SỞ THÍCH

Đối với người chưa thể để tư duy được tĩnh lặng tạm thời và giải phóng bản thân khỏi vướng bận về cảm xúc qua thiền định hoặc các phương thức khác thì theo đuổi các sở thích là một lựa chọn hiệu quả. Khó khăn sẽ nhạt đi, sự sáng suốt và minh mẫn sẽ xuất hiện khi chúng ta bình tĩnh và thoải mái như lúc thực nhiện những hoạt động nhẹ nhàng và vô hại. Như đã nói trong chương 6, rất nhiều những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới, trong đó có Winston Churchill đã tìm được sự khuây khỏa cho mình trong các thú vui tiêu khiển để tìm lại được sinh lực.

Ngay cả ở công sở, ông chủ tương lai cũng thích được biết các sở thích của bạn trong bản tổng kết vì nó chứng minh bạn là một cá thể đa dạng. Các công ty luôn để người làm việc quá sức đi nghỉ để có thể tái tạo sức lao động, thư giãn và quay trở lại công việc với nguồn năng lượng mới. Một tư duy tâm lý dao động giống như cốc nước bẩn: khi được để yên, những cặn bẩn sẽ lắng xuống đáy và cốc nước sẽ trong trở lại. Thật không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều chuyên gia môi giới nói rằng những vụ kinh doanh quan trọng nhất của họ được ký kết trên sân golf.

11. BIẾT ƠN

Nhận ra giá trị trong cuộc sống và tạ ơn những gì nó đã mang lại là một cách tốt đẹp để thấm nhuần cảm xúc tích cực vào đầu óc chúng ta. Người luôn tạ ơn Chúa trước mỗi bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ mỗi ngày vì những ân huệ trong cuộc sống của họ và làm việc này với tất cả sự chân thành sẽ tận hưởng trạng thái cảm xúc nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn lúc cuối ngày. Nó đến từ bản thân việc thể hiện lòng biết ơn. Nếu chúng ta cảm ơn vì bữa ăn của mình, chúng ta sẽ luôn có nhiều đồ ăn. Hơn nữa, cảm ơn cha mẹ sẽ mang một tình yêu dạt dào trở lại với mình khi ta làm cha mẹ. Nếu ta cảm thấy biết ơn vì được sống trong một quốc gia giàu mạnh, quốc gia này sẽ duy trì chế độ chính trị vững vàng và sự tăng tưởng về kinh tế. Sự nhớ ơn có sức mạnh lớn đến nỗi như Rhonda Byrne đã nói trong cuốn Bí mật: “Nếu bạn chỉ làm một điều với kiến thức có được từ cuốn Bí mật, thì hãy dùng sự biết ơn cho đến khi nó trở thành cách sống của bạn”.

“Khi con tạ ơn Chúa trước vì những gì con lựa chọn cho cuộc đời thực, cuối cùng, con sẽ biết ơn vì nó đã công hiệu. Vì thế lòng biết ơn là sự bày tỏ mạnh mẽ nhất với Chúa; một khẳng định rằng ngay cả trước khi con cầu xin, ta đã trả lời.”

-“CHÚA”
trong Neale Donald Walsch,
Đối thoại với Chúa, Quyển 1

Những lời “xin lỗi” và “cảm ơn” thật sự rất hữu ích. “Xin lỗi” làm giảm cảm giác tiêu cực của người khác và “cảm ơn” mang lại cho họ những cảm xúc tốt đẹp. Nếu bạn có thể nói được những lời này với tất cả sự chân thành – hãy nhớ rằng từ ngữ mà không có cảm xúc đi kèm thì chỉ là vô nghĩa – bạn sẽ được yêu thương và nhận được những điều tốt đẹp nhất từ cuộc sống. Hơn nữa, cảm xúc mà những lời này sinh ra có thể mang lại một tiến bộ mạnh mẽ trong khả năng chịu đựng về mặt tâm lý cũng như tự nhận thức.

Ca sĩ Joni Mitchell đã có một câu hát nổi tiếng: “Chúng ta không biết mình có gì cho đến khi đánh mất nó” và thực tế, hiếm khi chúng ta trân trọng những gì mình có khi đang sở hữu nó. Phá bỏ được thói quen này sẽ mang lại một sức mạnh lớn lao khi chợt nhận ra giá trị của những gì tạo dựng nên cuộc sống của mình: những người quanh bạn, tài sản, công việc, sức khỏe của bạn – danh sách cứ dài mãi. Bạn sẽ trở thành một thỏi nam châm hút mọi điều tốt lành đến với cuộc đời mình. Hãy trân trọng gia đình và người bạn yêu mến. Hãy trân trọng người gác cửa, cô phục vụ, nhân viên bảo vệ ở văn phòng, và bạn cũng sẽ nhận lại được cách nhìn, thái độ và những cư xử đầy yêu thương từ họ.

Lòng biết ơn cũng có thể giúp bạn thành một sinh viên giỏi hơn. Hãy cảm ơn Newton. Cảm ơn Darwin. Cảm ơn Pythagoras. Cảm ơn Carl Jung. Bằng cách cảm ơn những bộ não vĩ đại ấy, bạn đã thể hiện sự trân trọng với kiến thức họ đã mang lại cho thế giới. Và nếu bạn trân trọng người giúp bạn tiến xa hơn trên con đường học vấn của mình, tự động bạn sẽ phát triển khả năng tiếp thu và học tập bộ môn đó; não bộ của bạn sẽ xây dựng những đường mòn thần kinh mới để tiếp nhận kiến thức.

Thậm chí hãy cảm ơn cả những thứ vô tri vô giác đã làm cuộc sống hàng ngày của bạn dễ chịu hơn như các vật dụng và máy móc, xe cộ, thậm chí ngôi nhà và nơi làm việc của bạn. Sự trân trọng mang lại cảm giác tích cực, nó giữ bạn tỉnh táo để giảm bớt cơn bốc đồng vô lý khiến bạn lãng phí tiền vào việc mua những thứ mới và đắt tiền hơn trong khi những thứ cũ vẫn dùng được. Lòng biết ơn có thể thu hút nhiều quyền năng từ vũ trụ hơn bất kỳ cảm xúc nào khác.

Cảm xúc của người mang trong mình một món nợ ân tình và người luôn tìm kiếm cơ hội trả thù hoàn toàn trái ngược nhau. Rất nhiều bộ phim, đặc biệt là phim võ thuật, được dẫn dắt bởi ham muốn trả thù; càng nhiều điều tệ hại xảy ra với nhân vật chính hoặc người anh ta yêu thương thì anh ta càng phải trả thù khốc liệt. Nó phản ánh nền văn hóa châu Á nơi bọn trẻ cảm thấy chúng nợ cha mẹ mình ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục – một món nợ chúng không bao giờ có thể trả nổi. Trong những bộ phim này, món nợ ân tình mới là tác nhân chính đẩy nhân vật chính quyết tâm truy sát báo thù nhưng thực tế hành động biết ơn và trả thù không bao giờ có thể cùng đồng thời xảy ra. Trả thù là một cảm xúc tiêu cực thiếu sáng suốt và làm ta không nhìn ra điểm yếu của mình. Biết ơn là cảm xúc tích cực luôn cần phải được thể hiện bằng hành động và những cảm xúc đầy ắp lòng nhân hậu. Bất kỳ ai, hay bất kỳ quốc gia nào hành động dựa trên khát vọng báo thù sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc và hòa bình đích thực.

Kết quả của những cảm xúc này sẽ hiển thị ngay trong hệ thống chất cấu tạo cơ thể ta. Thù hận sản sinh (adrenaline)(1) làm tim đập nhanh, tăng huyết áp làm chúng ta khó chịu và căng thẳng. Nhớ ơn sản sinh moóc-phin nội sinh endorphin mang lại cảm giác hạnh phúc và thanh thản cùng một trí tuệ sáng suốt. Khoa học đã tìm ra rằng việc sản sinh ra endorphin hay adrenaline trong cơ thể một người sẽ kích thích phản ứng tương tự ở những người thân cận. Ngạc nhiên hơn nữa là chất hóa học được sản sinh trong cơ thể người mẹ cũng có thể xảy ra tương tự ở người con, thậm chí ngay cả khi thời điểm ấy, đứa trẻ đó đang ở rất xa người mẹ.

Những gì giống nhau sẽ thu hút nhau, nếu chúng ta biết ơn và giúp đỡ người xung quanh, chúng ta sẽ mời gọi điều tương tự đến với cuộc sống của mình và thu hút những người cũng hành động tích cực như vậy. 11 cách giảm bớt cảm xúc tiêu cực trong chương này đều đúng như vậy. Một tinh thần tích cực, khỏe mạnh và sống động thay thế cho cảm xúc tiêu cực sẽ mở ra một thế giới mới rất phong phú, tràn đầy tình cảm và cảm xúc tích cực cho chúng ta.

Chương 9: Những điều tối mật

11 CÁCH CHẤM DỨT NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC

  1. Cảm xúc có thể là điểm yếu lớn nhất của ta vì chúng là những điều ẩn sâu trong vô thức. Việc biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực và hữu ích là rất quan trọng.

  2. Loại bỏ cảm xúc tiêu cực bằng cách sử dụng công cụ đầy sức mạnh như: luôn tha thứ, yêu thương, gợi lại ký ức yêu thương, luôn đưa ra hưởng ứng tích cực, chấp nhận bất hạnh, lùi lại một bước, tìm kiếm nhịp điệu của mình, chia sẻ cảm xúc, chăm sóc sức khỏe, có sở thích và biết nhớ ơn.

  3. Hãy chắc chắn rằng bạn đã sống nhân hậu với mọi người và mọi vật, đặc biệt là những người bạn gặp gỡ hàng ngày.

  4. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn cảm thấy biết ơn mọi người, mọi loài vật và thậm chí cả những đồ vật mà bạn thấy có ích trong cuộc sống của mình hết sức có thể và cư xử phù hợp với những cảm xúc này. Chúng sẽ trở thành thói quen giúp cảm xúc của bạn luôn tích cực và hành động luôn tốt đẹp.

  5. Học cách hài lòng với những gì mình có sẽ mang lại cho bạn sức mạnh ghê gớm. Đó là đường tắt đến với một cuộc sống giàu có và hạnh phúc.

  6. Hãy hiểu rằng hạnh phúc chỉ là một dạng cảm xúc – mặc dù rất dễ chịu – nên nó cũng sẽ đến và đi như những cảm xúc khác. Hãy sử dụng sự sáng suốt của mình để quan sát cảm giác hạnh phúc khi chúng xuất hiện cho đến khi bạn có thể tách rời bản thân mình khỏi chúng và giữ vai trò một quan sát viên. Hãy chứng kiến khi cảm xúc này phai nhạt và nhận ra rằng chúng chỉ là tạm thời. Chứng kiến cảm giác buồn khổ đau đớn hơn nhiều và phá bỏ chúng cũng khó hơn nhiều, nhưng chúng ta cũng dùng cùng một lượng năng lượng để thực hiện điều này. Hãy tập luyện với niềm vui sướng trước, sau đó việc giải phóng mình khỏi những điều tiêu cực hay cảm xúc đau đớn sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.