Luật Đời & Cha Con

Chương 3

Cửa hàng lương thực Châu Long.

Chưa đến 6 giờ, một cô gái đã đứng xếp hàng.

Chưa có ai, tức là cô đứng đầu tiên. Ung dung, cô lấy trong chiếc túi học trò cuốn tiểu thuyết "Đỏ và đen" say sưa đọc. Đọc được mấy trang mới thấy người thứ hai.

Đấy là một phụ nữ đã có tuổi, mặc đồng phục bảo hộ lao động. Chiếc quần xanh rêu đắp hai miếng đầu gối và hai miếng phía sau, áo sơ mi cổ bẻ. Thấy chỉ có một người xếp hàng, chị chạy lại gần, mừng ra mặt:

- May quá, có em đây rồi!… Em cho chị gửi chỗ nhớ. Chị chạy ù ra máy nước xem đã đến lượt mình chưa?

Cô gái quá quen thuộc với chuyện xếp hàng, gửi chỗ, nói:

- Chị phải có cái gì đặt chỗ chứ. Không thì ai tin là chị đứng sau em.

- Được rồi! - Chị nhìn quanh quéo. Một viên gạch nửa - không, chỉ được một phần ba thôi, nếu là gạch nửa thì đã chả còn nằm đấy, được chị nhặt lên đặt xuống chân cô gái - Chỗ chị đây nhớ.

Thời ấy, quanh cửa hàng lương thực, thực phẩm bao giờ cũng có những cục gạch như thế. Nó được nhặt từ những xó xỉnh nào đó đến đấy làm nhiệm vụ thế chỗ cho người xếp hàng khi mình không có mặt. Nhung muốn cho cục gạch (hoặc cái nón mê, cái làn rách nát không thể dùng vào việc gì) ấy có giá trị pháp lý trước mọi người, để khi chủ nhân của những vật thế chỗ ấy trở lại nhận chỗ, được mọi người công nhận, cho đứng thay vào chỗ ấy thì nhất thiết nó phải được ít nhất một người xác nhận; hòn gạch ấy cái vật ấy là của chị này, anh này. Khi chủ nhân hòn gạch đã có mặt, nó lại bị hất ra ngoài. Hòn gạch lại là hòn gạch vô dụng, để ngày mai, ai đó lại cần đến nó như chị công nhân này. Nếu đến đầu tiên thì không thể nhờ ai xác nhận để đi làm việc khác. Mà đến sau càng nhiều người thì càng mệt.

Xếp thứ hai với chị vì thế là tốt nhất, tiện nhất. Chị kêu lên "may quá" là vì vậy. Chị công nhân vừa đi thì một chị khác - người thứ ba đến xếp hàng. Cô gái xếp đầu tiên nói ngay "Sau em có một chị xếp hàng đấy chị ạ, hòn gạch của chị ấy đây", "Thế chị ấy đâu rồi?" "Bảo đi xếp hàng thùng ngoài vòi nước công cộng". Thế là chị công nhân được hai người xác nhận, người trên, người dưới. Một sự đảm bảo như thế là tương đối chắc chắn. Người thứ tư. Người thứ năm, rồi người thứ sáu, thứ bảy…

Cửa hàng rục rịch mở. Người ngồi đứng cả dậy người đang quay đi đâu ngay lập tức quay lại phía cửa sắp mở, hau háu nhìn vào. Đúng lúc ấy chị công nhân chạy về xin lại chỗ. Mấy người phía dưới thấy một người từ đâu xống xộc đúng ngay vào vị trí thứ hai thì lên tiếng:

- Chị kia ở đâu mà nhẩy ngay vào đấy là nghĩa làm sao?

Cô gái xếp đầu tiên liền lên tiếng, và kéo cả người xếp thứ ba xác nhận mới xong.

Cửa hàng đã mở. Một người ghi số, trừ lùi số cân đã được mua. Một người giao mì hoặc gạo. Người giao hàng là một phụ nữ mặt hơi sát xương, tóc phi dê, áo sơ mi dài tay cổ bẻ có in ba chữ MDV (mậu dịch viên) vốn là màu xanh trứng sáo, nay đã xỉn lại thành một thứ mầu không biết gọi là mầu gì, quần lụa đen. Chị nói dỏng ra:

- Bà con trật tự, chuẩn bị sổ, tiền nhớ. Ai xếp thứ nhất đây?

Cô gái đứng đầu tiên hớn hở:

- Em ạ. Chị bán cho em năm cân mì sợi.

Kim Phụng, người mậu dịch viên giao hàng mải chuẩn bị chỗ làm việc, nghe cái giọng trong trẻo, trẻ trung, rất ngoan của cô gái mới nhìn lên, giật mình như chạm phải lửa. Chị nhìn như xoáy vào mặt mũi, đầu tóc, da thịt, đến vóc dáng cô gái. Khi cô mậu dịch viên cùng kíp với Kim Phụng đóng dấu vào sổ gạo, đưa cho chị xem để biết số lượng rồi trả lại cô gái xếp thứ nhất, chị vẫn cứ ngây ra nhìn, quên cả giao hàng. Cô gái không thấy cái nhìn khác lạ ấy; cô mải nhìn vào đống bao tải mì đóng gói sẵn xếp thành từng hàng, giục:

- Chị cho em xin túi mì.

- A ừ… mì của em đây!

Cô gái mừng rỡ đón lấy túi mì ra khỏi hàng, cởi sợi dây đay buộc túm miệng túi ra xem mình mua được loại mì gì? Có ngon không? Trong lúc ấy Kim Phụng vừa giao hàng, vừa nhìn cô gái không chút giấu giếm vẻ tò mò thích thú. Cô gái thò tay vào trong, nắm một nắm mì sợi đưa ra khỏi miệng túi. Mặt bỗng xịu xuống, đến chỗ Kim Phụng, giọng cầu cạnh:

- Chị ơi chị! Chị đổi giúp em túi khác chị nhớ. Túi này đen quá chị ạ!

Kim Phụng tỏ ra dễ dãi, đưa ngay cho cô túi khác:

- Đây chiều cô!

- Em cảm ơn chị!

Cô bé hí hửng lại đón lấy túi mì, lại làm như lúc nãy. Kim Phụng vừa giao hàng vừa đưa mắt theo dõi, không bỏ sót một cử chỉ nào. Vừa nhìn thấy nắm mì trên tay mặt cô thần ra thất vọng:

- Chị… chị, túi này còn tệ hơn túi kia - giọng cô cầu khẩn van lơn - Chị cho em túi khác được không ạ?

Phụng nhận lại túi mì, mắt ánh lên một tia tinh quái đưa ngay cho cô túi khác, giao hẹn:

- Thế này là quá tam ba bận đấy nhé!

Phụng hả hê, nhìn cô gái tội nghiệp tay run run, lóng ngóng mãi mới cởi được túi mì. Lần này thì giọng cô mếu máo như sắp khóc:

- Chị ơi, túi này mốc chị ạ, mốc xanh lên đây này. Chị làm phúc đổi cho em túi khác.

Kim Phụng lập tức dẩu môi lên:

- Tôi ăn lương nhà nước để phục vụ nhân dân hay phục vụ mình cô đây? Ai cũng kén cá chọn canh như cô thì tôi bán cho ai?

Một bà phía sau gắt gỏng:

- Gớm phiên phiến lên thôi. Được voi, đòi tiên.

Cô gái tủi thân, khóc, phân trần:

- Đây bác xem hộ cháu. Mì mốc xanh thế này… càng đổi lại càng xấu là nghĩa làm sao? - Hướng cặp mắt mọng nước về phía Kim Phụng, cô gái tội nghiệp cố van nài - Hay chị cho em túi ban nãy vậy!

Phụng cong cớn:

- Nói dễ nghe nhỉ. Không nhẽ quá tam bốn bận. Này cô em xinh đẹp, thời buổi khó khăn, được thế này là quý lắm rồi đấy em ạ. Mấy tháng trước còn bo bo, còn bột mì thì kêu đến đâu. Mà này, hết đợt này nhà máy đóng cửa sửa chữa máy móc đấy, lại bột mì đấy. Có kêu thì kêu luôn thể đi nhớ!

- Thật không hả chị?

- Có thông báo hẳn hoi. Ai dám đùa!

Lại "nắp hầm", nhà nào khá hơn thì đưa đi gia công ở các lò tư nhân. Không phải chỉ cô gái mà ai cũng biết sẽ là như vậy.

Cô gái đành trút mì vào túi mình, không khóc mà nước mắt cứ giọt ngắn giọt dài, không sao giữ được.

Bỗng có tiếng the thé:

- Này bà kia, sao không xếp hàng mà lại chen lấn vào đấy?

Người phụ nữ ngoài sáu mươi, ăn mặc xuềnh xoàng chậm chạp quay lại, chìa tấm thẻ gia đình liệt sĩ ra:

- Hai đứa con chết trận mới được mảnh giấy này đây! Ưu tiên cho bà lão nhớ.

Trong khi bà lão chờ người đang mua dở thì một người đàn ông trung niên len vào quần chìa sổ mua lương thực ra.

Lập tức cái giọng the thé lúc nãy cất lên:

- Cái nhà ông kia, sao không xếp hàng?

Một người có vẻ hiểu biết giải thích:

- Chắc là có thẻ thương binh.

Vẫn cái giọng the thé đanh đá:

- Chắc gì có thẻ thương binh. Có khi thân quen cũng nên. Có lần cháu chứng kiến một đứa đưa thẻ thương binh ra. Thấy nó còn trẻ, mọi người mới yêu cầu nhà hàng kiểm tra xem có đúng người trong ảnh không? Mở ra, ai ngờ, đó chỉ là mảnh bìa gập đôi, mầu sắc giống hệt thẻ thương binh. Mọi người chưa kịp gọi công an thì nó đã chạy mất.

Người đàn ông đứng trước nghe thấy thế quay lại, ngửa tay cho tấm thẻ thương binh của mình ở tư thế dễ xem nhất, đưa qua đưa lại như trình để mọi người cùng nhìn thấy.

Tiếng cô mậu. dịch viên ghi sổ:

- Nào, ai có thẻ thương binh thì lên đi!

Người đàn ông trung niên nhanh nhẹn đưa sổ gạo kèm tấm thẻ thương binh ra. Im lặng một lúc rồi có tiếng cô mậu dịch viên:

- Bác đứng dịch ra một bên đã. Ai có tiền lẻ thì ưu tiên mua trước nào!

Một người mãi cuối hàng sướng quá reo lên:

- Tiền lẻ đây, lẻ gì cũng có đây! Tiền lẻ hớn thẻ thương binh đây!

Đấy là thời tem phiếu. Mua gạo bằng sổ. Mua thực phẩm bằng phiếu. Đài truyền thanh thường thông báo, hôm nay ô nào mua đậu phụ, ô nào mua cá đồng tiền, ô nào mua ma di, nước mắm… cứ thế mà mua, cắt ô nào rồi, sổ gạo trừ lùi rồi, không tài nào đổi được nữa. Không mua thì mất tiêu chuẩn, thì mất ăn. Quá hạn cũng mất ăn. Bởi, đều đó có nghĩa là anh không cần, trong khi bao nhiêu người còn không được hưởng chế độ tem phiếu kia kìa.

Nhưng vì sao cô gái kia lại hẩm hiu thế? Vì sao sự hẩm hiu lại cứ rơi vào cô? Thưa, không phải ngẫu nhiên đâu ạ: Trong cả đống mì thế kia, ai cũng tưởng chỉ xếp loại theo trọng lượng thôi chứ gì? Nhầm! Rất nhầm! Cửa hàng này, quầy này người ta xếp theo kiểu khác.

Trong mỗi loại cùng trọng lượng, người ta lại xếp theo một quy ước riêng, chỉ người xếp và người thay ca biết mà thôi. Xếp thẳng hay so le, quay miệng túi vào hay quay ra? Dây đay thắt kiểu gì, đầu dây kéo để ngắn hay dài… tất cả đều là những dấu hiệu riêng, chỉ người làm mới biết mà nhận dạng. Người ngoài nhìn vào, tài thánh cũng không nhận ra. Vì thế không phải là ngẫu nhiên mà cô gái khốn khổ kia tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Loại bao mì trắng, thơm đánh dấu thế nào, chỉ có bà Phụng biết. Vì vậy, dù đổi thế chứ đổi nữa cũng chỉ nhận được những bao như thế mà thôi.

Nhưng vì sao cô gái lại bị người đàn bà này chơi khăm như thế? Họ từng là hàng xóm, với những mối hiềm khích sâu xa? Cha mẹ, anh chị em họ có thù hằn gì đó mà cô gái vô tình không biết? Bây giờ gặp lại, nhận ra, nên trả đũa cho bõ ghét? Hay cô gái nói điều gì không phải, hoặc có cử chỉ thất lễ? Hay cô gái nhìn đểu? Không bao giờ.

Thời ấy thiên hạ nhìn các mậu dịch viên với vẻ kính nể đặc biệt. Bố đứa nào dám nhìn đểu. Đã là mậu dịch viên, dù bán chất đốt hay lá dong ngày tết, dù bán bách hoá hay bán bia hơi kèm lạc, dù bán phở có người lái hay không người lái (nghĩa là phở chỉ chan nước dùng mà không có thịt, xuất xứ từ tên gọi máy bay không người lái Mỹ)… nhất nhất đều được thiên hạ nhìn bằng con mắt vì nể, cầu thân. Ngược lại, họ có quyền nhìn thiên hạ bằng nửa, một phần tư con mắt, hoặc mục hạ vô nhân là chuyện bình thường. Đương nhiên!

Thế thì vì sao cô gái nọ lại bị hành hạ đến phát khóc mà vẫn phải cắn răng xách túi mì mốc về?

Chỉ vì cô gái ấy quá xinh, quá đẹp. Đó là một cô văn công, đúng hơn là một diễn viên múa tên là Cẩm Ly. Cái mặt sát xương, hơi gầy, hơi dài của bà Phụng trông thấy gương mặt cô diễn viên ba lê nào mà tức cũng dễ hiểu. Cả gương mặt, cả dáng người, cả nước da đều đẹp. Đàn ông nhìn không chán mắt. Đàn bà cũng phải thèm thuồng ghen tị. Ai bảo cô xinh, cô đẹp cho lắm vào. Ai bảo cô không có người nhà hoặc một người quen thân làm mậu dịch viên bán một trong những thứ kể trên… mà bán thịt lại càng tốt. Thời ấy, lợn mậu dịch (vì chỉ có mậu dịch mới được bán thịt lợn), coi như không chân, không đầu, không xương sườn, không lòng gan tim phổi dạ dày và nhất là không có cái ngon nhất trong con lợn là lưỡi.

Bởi không bao giờ thấy những thứ ấy trên phản thịt của cửa hàng bán cho bìa E, N, TR (cán bộ thường, nhân dân, trẻ em). Đơn giản, vì những báu vật này, chỉ mất nửa giá trị tem phiếu. Nghĩa là phiếu một lạng thì mua được hai lạng sườn, hay thịt thủ, hoặc chân giò. Vì nó chỉ có ở mấy cửa hàng bán bìa D, C, B, A, hoặc nó đã hết trước khi cửa hàng mở, dành bán đối lưu cho các mậu dịch viên các ngành khác. Dĩ nhiên cho cả người thân quen. Kim Phụng, thế tất phải có một người bạn thân bán ở cửa hàng thực phẩm.

- Thế là yên chí. Cô hàng thịt bao giở cũng mua được gạo nở - chứ không phải gạo dính, bao giờ cũng mua được mì trắng tinh, thơm phức… còn bà Phụng thì…

Cô diễn viên múa vừa đi vừa khóc tấm tức. Qua cửa hàng thực phẩm, thấy hàng chữ viết bằng phấn "Hôm nay bán thịt trẻ em", vội đạp xe về cất túi mì, lục tủ lấy phiếu có chữ TR ra xếp hàng. Đến người trước cô thì chỉ còn mấy miếng bạc nhạc, bèo nhèo thịt bụng.

Cô đành bỏ về. Thôi thì mua được mì là tốt rồi, chỉ tại số mình hẩm hiu nên càng đổi càng chả ra gì.

Một lần ông Hoè được Khu uỷ (Quận uỷ bây giờ) mời về giảng nghị quyết cho các cán bộ chủ chốt khu Hoàng Long. Trong câu chuyện, lúc chủ nhà tiếp khách trước khi lên hội trường, các đồng chí lãnh đạo khu, ngẫu nhiên biết ông là công dân khu mình, con rể bên ngành lương thực. Lập tức trưởng ban tổ chức Khu uỷ được gọi đến cùng tiếp khách. Trong khi ông Hoè giảng bài thì trưởng phòng Lương thực được gọi đến. Bí thư Khu uỷ chỉ thị: "Các đồng chí nghiên cứu trường hợp vợ đồng chí Lê Hoè, báo cáo sớm cho tôi biết".

Trưởng phòng lương thực sốt sắng:

- Em báo cáo ngay được ạ. Vợ thủ trưởng đây tên là Phụng, Ngô Thị Kim Phụng, là mậu dịch viên, có trình độ nghiệp vụ rất khá ạ. Được đồng nghiệp quý mến, khách hàng quý trọng ạ.

- Liệu có bồi dưỡng được không?

- Thưa anh, được quá chứ ạ!

- Đấy cũng là một cách để đồng chí Lê Hoè an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp của Đảng.

- Thế là cuối năm ấy, Kim Phụng được kết nạp Đảng. Đầu năm sau được đề bạt làm cửa hàng phó. Cuối năm lên cửa hàng trưởng. Gần hai năm sau lên phó trưởng phòng Lương thực Khu. Cuối năm ấy, trưởng phòng, người có công phát hiện bồi dưỡng Phụng được điều lên Ty Lương thực làm trưởng phòng Nghiệp vụ. Bà Phụng trở thành trưởng phòng. Ông Hoè cũng được đề bạt. Sau lễ cưới, hai đứa con ra đời trong ba năm. Một gia đình chồng cán bộ, vợ cán bộ, hai đứa con hay ăn chóng lớn, chăm ngoan học giỏi, là niềm ao ước của bà con hàng phố.

Bây giờ họ đã rời khu tập thể về ở trong một ngôi biệt thự nhỏ hai tầng, phủ đầy hoa tiên khi mùa hè đến. Tầng trên thuộc về gia đình một cán bộ hàm thứ trưởng…

Bà Phụng là người biết cách tổ chức gia đình. Bà không có cả khả năng lẫn điều kiện dậy con học hành. Nhưng lại sớm biết chuyên môn hoá công việc. Bọn trẻ bắt đầu đi học, bà đã mời người dạy kèm chúng học.

Hai đứa lại sàn sàn trứng gà, trứng vịt nên đứa lớn học, cũng tác động tốt đến đứa bé. Sách đứa lớn truyền lại cho đứa bé. Qua một người quen bên phòng Giáo dục Khu, là khách hàng quen hồi còn làm cửa hàng trưởng, bà Phụng mời được một thầy giáo đến dạy kèm cho lũ trẻ học.

Cuối tháng, bà chủ nhà mời thầy giáo nán lại xơi nước. Gói chè Hồng Đào được mang ra pha mời thầy. Chủ nhà hỏi thầy việc học hành của con mình, ngỏ lời cảm ơn và đưa ra một chiếc phong bì đựng tiền thù lao.

Thầy giáo đón chiếc phong bì, thả vào cặp, nói lời cảm ơn, đứng dậy xin phép về thì chủ nhà như sực nhớ ra việc gì:

- Thầy giáo đợi cho một lát…

Nói rồi, chủ nhà đi vội vào gian trong. Lúc ra, bà cầm trên tay một gói giấy báo:

- Tôi gửi biếu cô giáo, thầy cầm về giúp.

Thầy giáo tuy đã có một con nhỏ, nhưng còn rất trẻ, mới hăm bẩy hăm tám gì đó, thấy khó xử quá. Thân thì không thân. Nhận quà tặng của phụ huynh thế này e không tiện. Thầy giáo định bụng từ chối. Nhưng nói lời từ chối còn khó khăn hơn cả sự từ chối. Thấy thái độ băn khoăn của thầy giáo, bà phụ huynh học sinh, mặt tươi tỉnh, hồ hởi giải thích:

- Thầy cứ cầm về giúp tôi, đảm bảo với thấy là cô giáo sẽ… sẽ… rất hoan nghênh cho mà xem.

Anh giáo trẻ, ngượng ngùng, miễn cưỡng đón lấy gói giấy báo… Không biết nó là cái gì. Nó nằng nặng. Nó mềm mềm. Nó nhũn nhũn. Người Á Đông, người Việt Nam, không có lối mở gói quà ngay trước mặt khách như bên Tây. Phải về nhà đã. Cái gì thế nhỉ?

Phụ nữ họ tặng nhau thì có trời mà biết nó là cái gì! Lại bảo là nhất định sẽ được vợ mình hoan nghênh là nghĩa làm sao? Tò mò, anh giáo trẻ vừa đạp xe, vừa với một tay xuống cái túi vải đeo ở ghi đông nắn nắn, bóp bóp. Nó nằng nặng. Nó mềm mềm. Nó nhũn nhũn. Nhưng nắn mạnh tay, lại thấy nó cưng cứng. Nó dài dài. Nó to to. Có chỗ bằng cổ tay. Nắn tiếp xuống, có chỗ to hơn. Thầy giáo dạy toán đã vận dụng hết trí tưởng tượng của môn hình học không gian mà vẫn không đoán nổi nó là cái gì. Chả nhẽ lại dừng lại, mở ra xem thì kỳ quá.

Về đến nhà, anh giáo trẻ gọi vợ ra, giải thích đầu đuôi câu chuyện, rồi đưa cho vợ cái túi:

- Em không được mở ra, chỉ được sờ nắn ngoài lớp vải. Đố em, nó là cái gì? Anh thì chịu!

Chị vợ nắn nắn hai cái. Bàn tay rất nhậy cảm của phụ nữ ngay lập tức tìm ra lời giải chính xác:

- Cái chân giò!

Người chồng giật mình, đỏ mặt, giật giọng:

- Thật không?

Chị vợ lôi ra:

- Thì đây!

Bà chị gái hay chị dâu cho để nấu cháo cho vợ mình nhiều sữa đã đi một nhẽ. Đây lại là phụ huynh học sinh. Đường đường là một ông giáo cấp 3 mà lại nhận từ tay, từ nhà phụ huynh học sinh một cái chân giò thì… kỳ cục hết chỗ nói. Sao mình lại cầm về nhỉ? Biết làm sao bây giờ? Vợ anh bảo:

- Thôi chị ấy coi mình như người thân, nên mới biếu thế. Có gì mà anh phải băn khoăn? Biếu thì phải mang đến nhà. Đằng này anh cầm từ nhà người ta về cơ mà! Thế là cho chứ biếu à?

- Thì nhà mình chả nhờ chị ấy giới thiệu với cửa hàng lương thực khu mình mới được ăn mì ngon, gạo nở, chứ không ấy à? Gạo dính, mì đen, mì mốc là cái chắc.

Sau này, bà phụ huynh ấy còn "biếu" cô nhiều hàng công nghệ phẩm khác như xà phòng, săm lốp, nan hoa, xích líp xe đạp. Lâu dần mọi chuyện trở nên bình thường. Thầy giáo cũng không còn ngượng ngùng xấu hổ.

Đã đành, đây không phải là quà biếu, càng không phải là quà tặng. Mà cũng không phải là cho nhau như thầy giáo nói. Thế thì là cái gì? Thật ra, ngay lúc chồng đưa cho vợ cái túi vải, cả hai vợ chồng đều chưa biết thực chất của việc này là gì.

Tối ấy vợ chồng xì xụp bữa chân giò dọc mùng ăn với mì sợi trần. Không, đúng hơn đó là món canh xương chân giò và mấy miếng móng giò. Còn thịt thì lọc riêng, kho cho con nhỏ.

Đêm. Trước khi đi ngủ, cô vợ trẻ mới giở phong bì chồng đưa ra xem.

- Quái lạ! Chả nhẽ lại như thế? Câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu, đẩy giấc ngủ đi đâu mất. Sáng hôm sau, câu đầu tiên trong ngày cô nói với chồng là:

- Bác ấy trừ tiền chân giò vào tiền thù lao tháng này đấy anh ạ!

Anh chồng trợn mắt ngạc nhiên. Ngạc nhiên còn hơn cả chiều qua. Nhưng cũng chỉ nói được hai tiếng:

- Thế à?

Chị vợ đành an ủi chồng:

- Thế cũng được anh ạ! Đây là một cuộc mua bán cơ mà! Anh bán kiến thức để nuôi con. Người ta trả bằng tiền, hay bằng hàng hoá cũng thế. Hàng đổi hàng mà. Tiêu chuẩn nhà bác ấy cao, không dùng hết nên làm vậy. Bán ra ngoài, chắc không tiện… Mình càng không phải áy náy, không phải mang ơn.

Ngừng một lát, cô nói như phân trần, để chồng khỏi khó chịu:

- Với lại bác ấy cũng chỉ tính theo giá mậu dịch thôi, chứ có tính giá chợ đen đâu.

Thế là tử tế rồi!

Nói giữa dạ, nếu không có sự tháo vát, tài tề gia nội trợ của bà vợ thì ông Hoè không thể nào toàn tâm toàn ý cho công việc được. Bà quán xuyến tất tần tật - mọi chuyện trong nhà, ngoài nhà. Thứ hỏi, nếu bà không sử dụng mối quan hệ của mình để xây dựng một loạt đường đây mua rau này, thịt, cá, đậu này, nước mắm này, đến cả nửa cân tóp mỡ này thì làm sao có bữa ăn hàng ngày tươm tất như thế? Có phải ai cũng mua được đâu? Chỉ riêng chuyện chia nhau đi xếp hàng, cũng đã mất không biết bao nhiêu thời gian. Lê Đại, Lê Thảo Tần chỉ việc đến những cửa hàng đã định, gặp những người quen của bà, đưa tem phiếu ra, trả tiền là lấy được hàng về. Nhà khác ấy à? Trẻ con cứ việc vừa học bài vừa xếp hàng. Suốt bao nhiêu năm như thế, bọn trẻ nhà bà không biết xếp hàng mua thực phẩm, rau đậu, cá mú, dầu hoả là gì. Khi ông có bìa C, rồi bìa B cả nhà lại được mua lương thực, thực phẩm ở cửa hàng cung cấp riêng. Cũng phải xếp hàng, nhưng đây là với người ta, còn!tong ngành thì bà đã thiết lập được mối quan hệ mới rồi, chất lượng và mặt hàng lại cao hơn, đầy đủ hơn. Nhờ thế bữa ăn hằng ngày khá hơn. Bọn trẻ có thời gian cho việc học hành. Lại có thầy đến tận nhà kèm cặp, nên lũ trẻ vượt hẳn bọn trẻ cùng lứa.

Còn đang học dở cấp 2, Lê Đại đã được ông Hoè đưa vào trường thiếu sinh quân, rồi học trường sĩ quan.

Tốt nghiệp xong, anh về một đơn vị chiến đấu. Trong một lần về Thanh Hoa công tác, anh bập vào một cô sinh viên năm cuối đại học Tổng hợp. Lễ cưới được gấp rút tổ chức để chú rể còn kịp theo một đoàn xe vào chiến trường B1. Sau ngày miền Nam giải phóng, họ mới có một đứa con trai - Lê Cường.