Luật Đời & Cha Con

Chương 20

Sau buổi làm việc với trưởng ban kiểm tra, vừa ngồi vào xe, Kiên lấy ngay đến thoại ra xem:

- Sáu cuộc gọi nhỡ, ba tin nhắn, trong đó của Thanh Diệu một cuộc gọi nhỡ, có một tin nhắn: "Gặp em". Chị biết anh bị triệu lên Ban kiểm tra là việc dữ. Chị cũng biết việc này có liên quan đến phần việc của mình. Bố chị có lần đã bảo, bây giờ không phải cứ cây ngay là không sợ chết đứng đâu nhé. Lúc nào cũng phải tính đếm đến phương án bị tấn công để có kế hoạch tự bảo vệ. Đợi được mạ thì má đã sưng vêu lên rồi con ạ. Kiên gọi cho chị. Giữ ý với lái xe, anh chỉ vắn tắt:

- Rất khó chịu. Đồng chí cứ yên tâm. Cụ thể nói sau. Chưa gặp được.

Diệu sốt ruột vô cùng. Lo nữa. Đánh Kiên là đánh chị rồi, không phải chỉ là công việc mà còn vì Kiên đã trở thành một phần thân thiết trong cuộc sống chị. Chị muốn được cùng anh gánh trách nhiệm này. Muốn được ngồi với anh để bàn bạc, trao đổi, chia sẻ. Gọi lần nữa, Kiên vẫn khất. Anh bảo chị cứ yên tâm. Tìm hiểu kỹ càng xem trong việc phân đất, có chỗ nào không ổn không?

Ngay sau khi bị triệu lên Ban kiểm tra lần thứ hai về Trần Kiên cho họp hội nghị giao ban đột xuất bên Uỷ ban. Anh báo cáo tình hình với hội nghị, khẳng định trách nhiệm cao nhất thuộc về mình, làm ông chủ tịch Uỷ ban nhẹ hẳn người. Để làm rõ sự việc này, anh đề nghị lập một tổ công tác hỗn hợp gồm có đồng chí phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận phụ trách khối kinh tế, cùng một chuyên viên; đồng chí phó trưởng công an quận, cùng một cán bộ; đồng chí phó văn phòng Quận uỷ cùng một đồng chí trong Ban kiểm tra Quận uỷ. Đồng chí phó chủ tịch Quận làm tổ trưởng. Chúng ta sẽ mời một đồng chí nữa, ngoài thiết chế thuộc hệ thống Đảng, chính quyền Quận tham gia vào một thời điểm thích hợp, tôi sẽ báo cáo sau.

Nếu không đồng chí nào có ý kiến gì khác thì đề nghị đồng chí chủ tịch cho triển khai ngay. Sau hai giờ nữa gửi cho tôi bản quyết định, cùng với dự kiến kế hoạch công tác. Đề nghị đồng chí tổ trưởng trực tiếp làm việc với tôi, xem tôi có thể góp được gì vào bản dự kiến kế hoạch đó không. Đầu giờ chiều, tổ công tác họp phiên đầu tiên, yêu cầu làm việc cấp tập. Làm sao có kết quả càng sớm càng tốt, cùng lắm là bốn ngày.

- Vì sao lại gấp thế? - Tôi phải nộp bản kiểm điểm sau đó một ngày.

Cuộc họp giao ban diễn ra chưa đến một giờ đồng hồ. Không ai không nhận ra tính quyết đoán, chính xác, khoa học và thẳng thắn của anh.

Một tiếng sau, khi chưa có quyết định thành lập tổ công tác, Thanh Diệu đã gọi điện sang đề nghị được làm việc với bí thư Quận uỷ. Nghe điện thoại báo của văn phòng, Kiên nhìn đồng hồ. Anh bấm thời gia Diệu sang, rồi đứng dậy ra cửa đón, không để chị phải gõ cửa.

Lâu lắm rồi, từ lần ngồi với nhau ở quán Bằng Lăng, vẫn chưa có lần thứ hai. Hay đấy là lần duy nhất?

Những sự việc dồn dập vừa qua gây không khí căng thẳng cả hai cơ quan. Qua những kênh không rõ nguồn gốc, tin đồn vẫn cứ loang ra, lại được thêu dệt thêm, với những lời đoán già đoán non, càng làm cho bầu không khí thêm nóng lên. Kiên vốn là thủ trưởng bên Uỷ ban trong một thời gian không lâu lắm, nhưng được anh chị em quý mến. Giờ anh sang công tác Đảng, hai cơ quan lại cùng khuôn viên nên cũng gần gũi. Gần gũi nhưng vẫn có sự khác biệt. Khác biệt vì chức năng nhiệm vụ đã đành, cái đáng nói là sự so sánh, phân biệt về cả quyền lợi quyền lực và quyền thế. Đấy là những chuyện ai cũng nghĩ đến, nhưng không ai nói ra.

Vì đã làm việc bên Uỷ ban nên trong suy nghĩ, Kiên rất muốn quy về một mối, gì thì gì cũng vẫn là làm cho quận này phát triển thôi. Nghĩa là cùng một mục đích, làm sao lại cứ phải tách ra làm hai? Đã là hai thì sự khác nhau ắt phải có. Không nhiều thì ít, dù chỉ là tiếng, là hình thức. Mà đâu chỉ là hình thức? Còn với Thanh Diệu? Kiên là người bạn lớn, người mà chị yêu mến, tôn thờ, tuy biết chắc, không bao giờ mình được có anh. Không bao giờ! Dù có lúc vẫn mong manh hy vọng…

Chị biết đã có người úp mở: "Đổ đến nơi rồi!". Không biết họ nói ai? Kiên hay mình? Hay cả hai? Chị lo lắng thật sự. Gương mặt hằn rõ nỗi lo lắng. Có thể lúc khác thì không, nhưng lúc này chị đang đến với anh, đến với chiếc phao cứu sinh của mình, không hề giấu giếm. Anh mở sẵn cửa, đúng ở trong phòng nhìn về hướng chị sẽ xuất hiện, đã thấy chị hiện ra chỉ cách mươi bước. Anh thú thật là lúc này, mình không có cái háo hức giới tính khi nhìn dáng đi vừa quý phái, vừa chính khách vừa nữ tính của chị, như hôm ở quán Bằng Lăng. Anh cũng lo thật sự. Thái độ của tay trưởng ban Kiểm tra không hứa hẹn điều gì tử tế, mặc dù bộ mặt ấy lúc nào cũng có vẻ tử tế. Ông ta là người trực tiếp "thụ án" vụ này, vì thế việc báo cáo trong cuộc họp Thường vụ Thành uỷ sẽ là ông ta. Ai chả biết thái độ, góc nhìn, chính kiến của người báo cáo có ảnh hưởng rất lớn đến người nghe. Có bao giờ, những bộ mặt "tử tế" như thế tử tế với nạn nhân, nếu nạn nhân không phải là người của họ? Hoặc theo một ý kiến của cấp trên, để nặng thành nhẹ, nhẹ thành không? Hay đấy là họ hàng của họ? Người của họ? Nếu không phải đánh đổi kiểu trao trả tù binh; hoặc một động tác nào đó để bỗng chốc trở thành họ hàng, máu thịt hơn cả ruột thịt; hoặc đơn giản hơn, phổ biến hơn, dễ chơi hơn là nhờ những danh nhân nước ngoài có tranh in trên những tờ giấy xanh lá mạ nói hộ.

Cũng có thể chả cần như thế. Chỉ cần Trần Kiên biết đều thôi, lễ độ thôi, không căng cứng, không lý sự và buổi tối đến nhà chơi như là biểu hiện của sự thần phục là đủ. Không nhất thiết phải mang theo cái gì. Chỉ mỗi cái xác không, hoặc cả vợ đến để chứng tỏ phần hồn của anh đã thuộc về họ. Khi đã là người của họ, thì… anh sẽ là cái mỏ lộ thiên cho họ khai thác. Trữ lượng của mỏ, như mỏ Trần Kiên không thể đánh giá hết được. Thế là họ góp một tay cho anh lên đấy. Và từ đấy cho đến khi đạt đến đỉnh cao quyền lực, họ tha hồ khai thác. Mà một trong những cách anh phải trả ơn họ là kéo họ lên.

Kiên chả dùng cách nào. Anh cứ bình chân như vại. Tự tin và tin vào người mình tin yêu. Anh không sợ mình sai trái. Chỉ có đều, không hiểu vì sao lại có chuyện biến có thành không như thế. Phải tìm ra sự thật, nếu không tìm thấy thì đành chịu thua. Mình đã nói với bố vợ rồi, bây giờ chuyện xẩy ra, không bất ngờ.

Thanh Diệu đến gần. Mắt họ hút nhau. Chị đưa cả hai tay cho anh. Hai tay anh bao lấy, đưa cả khối tình cảm ấy lên miệng, hít một hơi thật dài, kéo chị vào phòng, đến chiếc ghế tựa dùng cho khách, rồi về ghế mình sau chiếc bàn lớn. Anh trìu mến:

- Em đừng quá lo lắng. Nếu sớm tìm ra cái khuất tất trong chuyện này thì không sao. Nếu không thì anh sẽ bị nặng đấy. - Anh cười rất tươi- Anh sung sướng hứng cả băng đạn vào ngực mình để em chỉ bị thương nhẹ thôi.

Diệu thì không cười được. Giọng chị như sắp khóc:

- Em không đành lòng để anh phải gánh chịu trách nhiệm cao nhất.

Kiên lấy giọng chỉ huy:

- Đồng chí Phó Chủ tịch, đề nghị không tranh luận, mọi việc diễn ra theo đúng bài bản đã xác định rồi, có hì bất ngờ đâu - anh hạ giọng âu yếm. Nói cho anh nghe kế hoạch của em đi! Anh bấm máy gọi xuống văn phòng cho một cốc Dimah dâu.

- Em chưa biết nên thế nào. Có lẽ phải lần ngược lại từ đầu. Chính anh ấy đã gọi điện cho em, nên em mới đưa tên anh ấy vào danh sách đấy chứ.

- Có thể là khi làm thủ tục thì anh ấy lại đưa tên người khác vào…

Cốc nước được đưa lên. Cách xưng hô lập tức thay đổi:

- Mời đồng chí xơi nước… Sở dĩ tôi đưa các đồng chí bên công an vào cuộc là để nhờ các biện pháp nghiệp vụ, có thể lần ra chỗ uẩn khúc.

- Vâng, báo cáo bí thư, tôi định ngày đầu tiên là phải tập hợp được tất cả các hồ sơ, giấy tờ, sổ sách có liên quan…

- Cho tôi bổ sung, mỗi bộ phận đều có hai người. Thu thập được hồ sơ giấy tờ gì thì có người lập tức xử lý. Người tìm cứ tìm, người xử lý cứ xử lý. Người lấy lời khai của nhũng người có liên quan cứ đi tìm, đi lấy. Đồng chí trực ở nhà tổng hợp tình hình. Nói bên kỹ thuật công an khôi phục lại những cuộc điện thoại gọi đến về việc này. Hệ thống máy bên ấy có ghi âm đấy mà.

- Thế anh bảo sẽ mời một người tham gia?

- Với em thì anh nói ngay cũng được. Chiều qua anh lại vào bệnh viện thăm anh tổng biên tập báo Thời luận. Anh ấy bảo, dù nằm trên giường bệnh nhưng vẫn theo dõi vụ đất Lâm Du. Anh liền đề nghị hợp tác với mình. Vì thế, khi đã nắm chắc chắn sự việc rồi, ta sẽ mời một phóng viên bên ấy tham dự để họ kịp viết bài, coi như họ cũng tham gia điều tra vụ này. Anh hy vọng, việc khuất tất sẽ sáng rõ trước ngày phải nộp bản kiểm điểm.

Ngày thứ nhất.

Tổ công tác họp xác định mục đích, yêu cầu, phân công nhiệm vụ. Góp ý kiến vào bản kế hoạch, bàn về phương pháp công tác.

Ngày thứ hai.

Thanh Diệu điện cho Trần Kiên: "Đã khôi phục được cuộc nói chuyện giữa Bí thư Thành uỷ và em. Đã thu thập được biên bản cuộc họp thông qua danh sách cấp đất. Điều có ý nghĩa là dòng chú thích bên cạnh. Nó ghi rõ chức vụ, nhờ đó biết lý do người ấy có tên trong danh sách này. Trong đó có những dòng ghi: Bí thư Thành uỷ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ X, Vụ trưởng Vụ đối ngoại Bộ Y, Phó trưởng ban Z, Chánh văn phòng Tổng cục N".

Ngày thứ ba.

Thanh Diệu điện cho Trần Kiên: "Đã giải thích được vì sao cuối cùng người nhận "lô đất đẹp đẹp" ấy lại không phải là bí thư Thành uỷ. Khi làm thủ tục cấp đất và nộp tiền đền bù, một người tên là Triệu Giang mang thư của bí thư Thành uỷ đến thế chỗ. Hiện chưa tìm được thư tay này. Bên Công an đang tìm hiểu về mối quan hệ giữa Triệu Giang và bí thư Thành úy".

Ngày thứ tư.

Thanh Diệu điện sang: "Vẫn chưa tìm được thư tay ấy. Triệu Giang hiện đang ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Đã cử trinh sát bay vào. Nhưng vì thế không thể nào hoàn thành theo yêu cầu của anh được".

Trần Kiên hỏi:

- Theo nhận định của đồng chí thì có tìm ra được sự thật không?

- Em nghĩ, đúng là có sự ngoắt ngoéo rồi. Nhưng tìm được đủ chứng cứ thì còn phải đợi. Triệu Giang mà khai hết ra thì cũng là một chứng cứ có sức thuyết phục.

Trần Kiên nghĩ bụng: Cái khó là chuyện này có đưa ra xử như một vụ án đâu mà bảo tranh tụng. Mà dù có đưa ra thì tranh tụng cũng chả làm gì. Người ta có xử theo kết quả tranh tụng đâu. Phải trông cậy vào một toà án khác.

Ngày hôm sau, Trần Kiên mang bản kiểm điểm lên nộp cho trưởng ban kiểm tra. Anh nhận, đó là nhầm lẫn do sự tắc trách của mình. Xin nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Trưởng Ban kiểm tra Thành uỷ liếc xem qua, bộ mặt vô cùng tử tế nhìn anh ngầm khoái trá, nhưng miệng lại thả ra một câu động viên:

- Đồng chí cứ yên tâm công tác. Việc này phải đợi phiên họp Thường vụ sắp tới.

Trần Kiên cũng nói một câu xã giao:

- Cảm ơn đồng chí đã có lời động viên…

Anh định nói thêm hai từ…"quý báu", nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Và cũng như lần trước, chỉ chào suông một câu rồi quay ra, không bắt tay.

Mấy ngày sau tờ Thời luận đăng một bài nhan đề: "Việc quản lý và sử dụng đất đai ở Thành Hoa".

"Trước đây Nhà nước cáng đáng hoàn toàn nhu cầu nhà ở cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức của mình. Vì thế, đã được vào biên chế là có nhà ở, dù rộng hay hẹp. Sau rồi, số biên chế tăng lên rất nhanh. Số nhân khẩu của các chủ hộ trong biên chế cũng tăng lên rất nhanh. Quỹ nhà của các cơ quan cạn kiệt nhanh chóng. Việc xây dựng các khu tập thể của các cơ quan không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở đang tăng lên gấp bội.

Tình trạng, ban ngày bàn để làm việc, tối đến là giường ngủ cho các cán bộ độc thân đã trở thành phổ biến.

Thế là thứ bẩy nhiều anh lại phải cắt cơm, bơm xe, nghe thòi tiết, liếc đồng hồ, nhanh chóng thu vén công việc để còn đạp về với vợ con cách cơ quan vài chục cây số. Từ đấy mới có chuyện, ai được điều về, được thành phố nhận về Thanh Hoa công tác đều phải chấp nhận một điều kiện: không xin cấp nhà ở.

Nhận thấy, việc để các cơ quan tự xây nhà ở là thất sách, Bộ Xây dựng và Sở xây dựng thành phố cho xây dựng những khu tập thể hai tầng để bán cho cán bộ, công nhân viên. Người mua trả một phần, rồi trả dần sau. Nhưng nhiều cán bộ không thể mua được, nên phương thức này chỉ thực hiện được một thời gian ngắn rồi bỏ. Đành xây để cho thuê. Mới đầu là nhà xây hai tầng, rồi bốn năm tăng. Sau rồi mấy ông phó tiến sĩ học mót kiểu nhà lắp ghép của Liến Xô, theo kiểu sản xuất hàng loạt, cốt cho nhanh. Xây xong mới phân cho các cơ quan, để phân lại cho ngành mình.

Dù các loại nhà ấy bất tiện đủ đường, nhưng công bằng mà nói đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho hàng vạn hộ. Trừ những người được đề bạt, còn lại đều phải qua cả chực cuộc bình bầu, bốc thăm với hàng chục tiêu chuẩn, tính ra điểm, và cả những cuộc chạy ngầm mới có ngày được dọn lên nhà tầng.

Đất nước mở cửa. Cuộc sống không còn chấp nhận được những khu tập thể với nhà bếp chung, nhà vệ sinh chung nữa. Đến các căn hộ khép kín kiểu lắp ghép cũng bộc lộ những cái bất tiện, bất ưng, bất cập cả về thiết kế lẫn chất lượng xây dựng. Nói dại nhỡ có động đất thì không thể hình dung nổi tai hoạ sẽ thảm khốc đến đâu. Vả lại sự mất cân đối về nhà ở giữa cầu và cung đã lên đến định điểm. Nhờ đường lối đổi mới của Đảng, Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thanh Hoa đã đổi mới nhận thức trong một bước đi đột phá giải quyết mâu thuẫn về nhà ở. Cấp đất cho cán bộ, công nhân, viên chức tự xây dựng hoàn toàn (sau khi đã nộp tiền đền bù, hoặc xây sẵn cơ sở kỹ thuật hạ tầng trước rồi bán lại).

Kết quả là hàng vạn ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang đã mọc lên, có những ngôi nhà đẹp hơn cả biệt thự Tây đầu thế kỳ ở Thủ đô. Khó khăn về nhà ở của thành phố đã được giải quyết một bước quan trọng. Đấy là điều phải ghi nhận.

Nhưng bên cạnh kết quả ấy, có gây ra hậu quả gì không?

Rất dễ nhận thấy là tình trạng xây dựng tuỳ tiện, chắp vá, lai căng làm mất mới quan thành phố mà giới kiến trúc đã lên tiếng.

Một tỉ lệ khá cao (Hội Kiến trúc sư, Tổng hội Xây dựng đang điều tra, thống kê nên chưa có số liệu cụ thể) chỉ xây đến ba tầng, gây lãng phí quỹ đất thành phố, do không tận dụng được chiều cao không gian.

Việc xin cấp đất diễn ra tập trung trong một thời gian không lâu gây nên tình trạng lộn xộn, không kiểm soát được. Mạnh ai nấy chạy. Chạy giỏi thì được ngay, được nhiều, được miếng ngon. Chạy kém thì chậm được được những mảnh xương xấu, đầu thừa đuôi thẹo.

Nhiều người nhờ những mối quan hệ nên xin được không phải một mà có khi tới hai, thậm chí ba lô đất (tất nhiên là đã khôn ngoan đúng tên người khác). Tình trạng không có nhu cầu sử dụng vẫn được cấp rồi bán lại không hiếm, hoặc cứ găm để đấy. Hiện tượng này rất dễ nhận ra khi để mắt tới các khu đã xây dựng, chỗ nào cũng còn những lô để không. Nhiều cơ quan do chạy kém, nhiều cán bộ công nhân viên chức không có khả năng chạy, không có tiền đền bù nên thiếu nhà vẫn cứ thiếu nhà. Người nghèo không thuộc ngân sách Nhà nước càng không thể kiếm được đất xây nhà. Trong khi một số người nhân cơ hội này bỗng chốc trở thành "tư sản nhà đất".

Thời luận đã phỏng vấn một đồng chí lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc này. Đồng chí cho biết:

- Việc sử dụng tuỳ tiện quỹ đất thành phố gây lãng phí nghiêm trọng đất đai, tạo nên tình trạng lộn xộn, tuỳ tiện, làm mất mỹ quan thành phố. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao không chỉ kháng nghị với Chính phủ mà còn kháng nghị với cả Ban Bí thư Trung ương để xem xét xử lý. Vì sai phạm của UBND Thành phố xuất phát từ chủ trương sai lầm của Thường vụ Thành ủy Thanh Hoa.

Những tiêu cực trong quá trình kỳ hàng chục giấy phép cấp đất của chủ tịch và các phó chủ tịch - trừ phó chủ tịch văn xã, không bị khởi tố, vì không có ai tố cáo.

Tuy vậy những người này đều bị buộc thôi giữ chức vụ, chuyển làm công tác khác".

Theo nguồn tin riêng của Thời luận, hai phó chủ tịch TP Thanh Hoa sắp "bị" (hãy "được") đi đầy làm đại sứ chờ về hưu.

Chao ôi! Mới hay chính sách cán bộ của Đảng ta nhân đạo biết chừng nào? Đến đây những ai to mồm phê phán chủ nghĩa tập thể cần xem lại nhận thức của mình. thì ăn tập thể loại trừ khẩu vị cá nhân, ở tập thể thanh trừ sở thích cá nhân, sống tập thể loại trừ tự do cá nhân. Nhưng… nhưng bằng vào sự việc trên thì chế độ trách nhiệm tập thể là… hay quá rồi còn gì?

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nêu câu hỏi: Mọi việc xin cấp đất và xây dựng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước các cơ quan chức năng Trung ương và các vị lãnh đạo các cơ quan đó, lẽ nào không ai biết? Nếu biết, sao không can thiệp kịp thời? Điểu này không khó giải thích. Chính các cơ quan này với các vị lãnh đạo nó (không biết có phải tất cả không) cũng đều xin đất của Thanh Hoa kia mà, chứ có phải Thanh Hoa chỉ cấp cho người Thanh Hoa đâu.

Hèn nào!

Nhóm phóng viên nội chính".

Bài báo không đưa ra bất kỳ con số nào, nhưng vẫn có sức tố cáo như một sự thật không thể nào bác bỏ.

Lần đầu tiên Lê Cường viết thư về.

"Kính thưa ông, bà, bố cùng cô chú Kiên, Tần!

Cháu sang đây đã được mấy tháng mà bây giờ mới viết thư về thăm sức khoẻ ông, bà, bố cùng cô chú là không phải tí nào. Tuy vậy cháu vẫn nắm được tin tức nhà ta, vì thỉnh thoảng bố cháu cũng gọi điện sang.

Nhân đấy con cũng nói luôn kẻo quên, bố đừng gọi điện cho con làm gì. Một là tốn tiền, vì cước phí điện thoại Việt Nam đắt nhất thế giới đấy bố ạ. Khi nào cần thiết con gọi về thì hơn. Thứ hai là, con có còn bé đâu mà bố phải theo dõi như một đứa bé mới tập đi ấy.

Thưa ông bà, cháu với một bạn nữa thuê một căn hộ khép kín, hằng ngày phải đi xe buýt gần 40 cây số mới đến trường học ở giữa thủ đô. Có làng đại học, nhưng điều kiện ăn ở không được tốt lắm. Phần lớn là sinh viên nước này ở. Sinh viên nước ngoài đều thuê nhà ở ngoài. Những ai được học bổng thì người ta bố trí ở với những gia đình tự nguyện cho sinh viên nước ngoài, không mất tiền. Đây cũng là một cách giúp cho sinh viên học tiếng, nhờ hằng ngày tiếp xúc với gia đình. Anh bạn ở với cháu cũng người Thanh Hoa. Chăm chỉ lắm, chắc kinh tế gia đình không khá, nên tiết kiệm và vẫn đi làm thêm ngoài giờ học.

Con sẽ cố gắng học để có thể giúp bố một tay trong công việc kinh doanh.

Chúc ông bà, bố, và cô chú sức khoẻ…

Cháu, Lê Cường".

Sở dĩ Cường viết thế, là vì Đại quy định với con giờ gọi điện sang. Vì thế giờ ấy Cường đã phải ở nhà rồi.

Đã về nhà thì không trở lại thành phố nữa. Mà Cường thường về nhà rất muộn. Mấy lần gọi điện đều gặp bạn Cường tên là Quảng. Đại tìm đến nhà Quảng. Ông bố trước làm ở ngành thể thao tên là Trường. Qua ông Trường, Đại cũng biết một số tình hình của Cường. Có những khi nó không ăn cơm nhà, kể cả ngày nghỉ. Có một lần, lại về nhà giữa ban ngày, kéo theo cả bạn gái.

Bát nước đổ xuống thì chẳng thế nào vét lên cho đầy. Diệu không bao giờ còn muốn gần chồng mình nữa. Nhưng hằng ngày vẫn phải ở trong một nhà, bữa tối cũng phải cùng ăn một mâm, ban đêm vẫn phải ngủ chung một phòng. Nhà người ta thì còn ra đụng vào chạm. Đằng nào vợ chồng họ thậm chí còn tránh để không chạm vào người nhau. Thỉnh thoảng Sán vẫn lần sang giường vợ. Không phải là yêu, không phải là làm lành, mà là một thói quen, một nếp sống như một phản xạ. Và chỉ anh ta biết còn một lý do nữa, ấy là lời khuyến cáo của người lơ lớ.

Giống như một người đi giữa chỗ đông người, mà lại đang mải miết việc của mình. Không để ý đến những người lướt qua trước mặt, không thấy mặt mũi họ, không biết họ mặc áo mầu gì. Vẫn ra vào trong một nhà như thế, nhưng Diệu không hề nhìn mặt chồng, không biết hôm nay anh ta mặc áo gì. Giá anh là có bị một vết nhọ trên mặt, hay cổ áo sơ mi có bị gập vào trong thì cũng cứ thế mà ra đường. Kể từ lần bị chồng cưỡng bức, đã nhiều lần chí phải chịu đựng những cuộc quấy rối như thế của chồng. Chị không thể quên được nỗi bị xúc phạm, nên từ đó chị làm một việc mà bây giờ đã thành thói quen; vừa thấy giường nệm động đậy, đã vơ lấy cái gì đó - chiếc khăn mùi xoa, hoặc tấm khăn phủ gối đậy lên mặt. Trông như xác một người bị hại vẫn thấy trong các phim hình sự. Kệ anh ta muốn làm gì thì làm. Biết thái độ bất hợp tác của vợ, Sán cũng không nói gì, như gã câm, cứ thế hùng hục dầy vò.

Hai người không hề nói gì với nhau. Cần gì thì nhờ cái bảng nhỏ với cây bút dạ đấy. Chuyện hộp bia lon và 5000 đô la mà báo chí tố cáo làm chị điên đầu. Bây giờ lại thấy Sán khuân sách vở gì về, tối nào cũng đọc đọc, viết viết. Đến lúc họp giao ban quận, chuyện mới vỡ ra.

Chị thở phào nhẹ nhõm. Tối ấy, lần đầu tiên từ ngày xảy ra chuyện xô xát, chị hỏi chồng:

- Anh làm gì mà ngày nào cũng đọc sách khuya thế? Sán thấy vợ hỏi trước thì ra cái điều, nhấm nhẳn:

- Học chứ còn làm gì?

- Học gì?

- Thì nghiên cứu sinh.

Diệu vừa lạ vừa mừng. Chị không hiểu, đấy cũng là kế hoạch của người lơ lớ mà bây giờ Sán mới thực hiện. Dẫu sao cứ thấy chồng chăm chú học là tốt rồi.

Từ đó chị càng ý thức hơn trong việc chăm sóc gia đình. Sự việc suýt thành tai tiếng của Sán, hoá ra làm anh ta nổi tiếng. Chức trưởng phòng vào tay, như minh chứng cho sự đầu tư có hiệu quả. Điều đó, với tổ chức là biểu hiện của sự tiến bộ, tín nhiệm trong công tác. Bây giờ, có cái bằng phó tiến sĩ nữa thì chức phó kiến trúc sư trưởng thành phố yên chí là cầm chắc trong tay.

Người lơ lớ còn lưu ý Sán rằng, ấy là ông ta chưa dùng đến uy lực của người ngoài hành tinh đấy. Không nhất thiết là có tấm bằng ấy trong tay thì mới được đề bạt.

Thời cơ đến, thì chả kể. Ví dụ, khi một trong hai phó về hưu đúng tuổi. Không kéo dài thêm - thì xong ngay.

Chính vì thế Sán mới vùi đầu vào học, anh ta cũng không ngờ, lại động tới lòng trắc ẩn của vợ.

Bụng Kiều Linh to dần. Gương mặt cô rạng ngời hạnh phúc. Hạnh phúc có một cuộc sống chắc chắn ổn định. Hạnh phúc có một tấm chồng yêu thương mình.

Hạnh phúc sắp được làm mẹ. Sáng theo chồng đến công ty trên chiếc xe hơi do chính tay chồng lái. Một cô gái nông thôn, vốn liếng duy nhất chỉ là nhan sắc và một chút sáng ý, thông minh mà được như thế, còn gì ước ao hơn. Thật ra cũng chưa phải là trọn vẹn. Một lần cô hỏi chồng: "Làm thế nào cho mẹ không giận em nữa hả anh?". Nghe cái giọng buồn buồn tủi tủi của vợ, Đại rất thương. Chả biết ông trời sắp đặt thế nào mà lại oái oăm thế. Anh nói theo kiểu người lính: "Chả việc gì phải suy nghĩ nhiều. Em đẻ cho mẹ đứa cháu là xong chứ gì".

Đại muốn vợ ở nhà nghỉ dưỡng thai. Kiều Linh bảo: Để vài tháng nữa, khi nào đi lại khó khăn hẵng hay. Hai tháng sau, Đại có chuyến đi Nga, triển khai ý đồ đã hình thành từ chuyến đi trước cùng bố. Cộng đồng người Việt bên ấy có nhu cẩu tiêu thụ một số lượng mì ăn liền lớn. Người Nga giờ cũng thích món này. Tiện mà ngon và rẻ. Nguyễn Bình đã tiến hành những thủ tục hành chính cần thiết để thuê đất, xây dựng nhà máy. Giờ Đại cùng với một anh phó của mình bay sang. Sau khi rà soát lại toàn bộ công việc, làm thủ tục nhập dây chuyền sản xuất xong, anh sẽ về, để lại người phó ở lại giải quyết tiếp. Anh không muốn phải xa lâu cô vợ trẻ bé bỏng.

Kiều Linh bảo chồng cho ra siêu thị sách. Nhiều người đi qua còn ngoái lại nhìn cặp vợ chồng đẹp đôi: Vợ xinh xắn, trong chiếc váy dài của người có bầu khoác tay chồng, nép bên anh tin cậy, chở che. Đại thấy rõ ánh mắt chăm chú của những người đi ngược chiều nhìn vợ mình. Gương mặt anh cũng ngập tràn hạnh phúc. Đại thấy vợ xem, nào sách cho các bà mẹ mang thai, sách dạy nuôi con, sách cho các bà mẹ khi xa thầy thuốc… Anh rất ngạc nhiên. Lần đầu tiên anh biết trên đời có những cuốn sách ấy. Nó cần thiết biết chừng nào. Qua khu sách văn học dịch, Kiều Linh dừng lại cô cầm hai tập cuốn "Người đàn bà đích thực", ngước lên hỏi chồng: "Em mua bộ sách này nhớ". Nó nói rằng, vợ anh có ý chí sống, chứ không chỉ bằng lòng với những cái đang có. Anh bảo: "Em thích cuốn gì cứ chọn". Cô liền kéo anh đến khu sách kinh tế, kinh doanh". Cô nhặt mấy cuốn: "Nghề tổng giám đốc" (2 tập) "Mẹo thương trường", "101 con đường thành đạt doanh nhân". Đại cứ để yên xem vợ làm gì. Đại nhớ đến Thuỵ Miên. Kiều Linh không có học vấn như người vợ quá cố của anh. Nhưng cô cũng có nhũng phẩm chất của một người vợ và điều nào làm anh rất hài lòng: Sống có ý thức, và có ý thức về sự nghiệp của chồng.

Đại bảo, mình đi sẽ không ai đưa vợ đi làm, nên để Linh ở nhà luôn thể. "Thế thì anh cho người hằng ngày mang phần việc của em ở Công ty về cho em". Cô sẽ nghiền ngoại ngữ. Đại đã sắm cho cô cả băng, đã học nên cô tiến bộ vượt bậc. Bây giờ trình độ tiếng Anh của cô hơn hẳn chồng rồi. Đại rất vui về chuyện này. Anh đánh xe về quê đón mẹ vợ lên ở với con gái cho vui. Mẹ vợ giao hẹn: "Tôi chỉ ở khi vợ anh ở nhà một mình thôi. Bao giờ nó đẻ, tôi lại lên". Thái độ ấy của bà mẹ làm Đại rất nể. Đã có người cảnh báo anh, vợ trẻ, xinh, lại chả có nghề ngỗng gì thì chỉ có nhõng nhẽo và tiêu tiền thôi. Hoá ra bà mẹ nông thôn này cũng biết dạy dỗ con gái, nên mình mới được người vợ tử tế thế này. Đại đi hơn nửa tháng.

Về hôm trước thì hôm sau Thảo Tần báo tin dữ, Thường vụ Thành uỷ thông báo kỷ luật Trần Kiên: Cảnh cáo. Tạm định chỉ chức vụ bí thư Quận uỷ Lâm Du.

Ông Hoè gọi cả Đại, vợ chồng Kiên-Tần về. Ông không bảo Đại đưa vợ về. Vì coi việc này ngoài tầm nghĩ của Kiều Linh hay vì thái độ của bà Phụng? Những ngày Đại đi vắng, ông hay gọi đến nói chuyện với con dâu. Nó không được sinh ra trong một gia đình công chức thành phố như Thuỵ Miên. Bố là liệt sĩ thời chống Mỹ. Mẹ hết cấp 2, vào trường trung cấp nông lâm, giờ làm công tác kỹ thuật ở hợp tác xã. Bây giờ hợp tác xã chả còn như trước, nhưng kỹ thuật lại cần, nên cán bộ kỳ thuật cũng có giá. Lần về với Đại để đặt vấn đề tiến hành cùng lúc lễ chạm ngõ và ăn hỏi, ông đã nói chuyện lâu với mẹ cô. Đấy là một người biết điều. Nói chuyện với một người biết điều, dù không thú vị, nhưng không khó chịu như phải đối thoại với một người danh giá nhưng lại ra cái điều. Bà thông gia chỉ hơn con rể năm sáu tuổi nhưng trông già hơn tuổi nhiều. Không biết, nếu bà ấy biết chuyện con mình đã phải nạo thai với thằng con, giờ lại lấy người bố thì bà ấy có đồng ý không? Còn chuyện tuổi tác? Đấy là chuyện của Kiều Linh. Thuyết phục thế nào, đánh lấn ra sao, đặt mẹ trước sự đã rồi là chuyện của cô. Bà mẹ Kiều Linh thấy con rể tương lại đi đứng, nói năng đàng hoàng, lễ phép, mặt mũi sáng sủa, một điểu mẹ, hai điều mẹ. Không tỏ ra hợm của, không lấy lòng quá mức, lễ lạt đúng mức, nên cũng ưng thuận. Mấy ngày, sau hôm ông Hoè về lần thứ nhất, bưu điện huyện đến lắp một máy điện thoại làm bà hết sức bất ngờ. Việc này không hề được nhắc đến trong khi bàn bạc. Chính vì thế bà rất nể. Nếu nhà trai lại nhắc đến như là một mục kể ra trong chi phí cho việc ăn hỏi thì bà đã chả nhận. Họ hàng bên nhà gái thì suýt xoa, con bé lấy được người chồng tử tế, giầu có. Chỉ riêng cái việc con rể tự tay bẻ lái ô tô cũng đủ làm cho bà con lác mắt. Còn chuyện tuổi tác? Cái Linh chỉ cần đẻ vài đứa là biết tay nhau ấy mà…

Tình cảm ông Hoè đối với Kiều Linh khác hẳn đối với Thuỵ Miên. Cô là một sinh linh bé bỏng sớm bị cuộc đời tàn phá, mà kẻ ấy lại chinh là cháu đích tôn ông. Vì thế ông thương cô. Học hành thế thôi. Nghèo như thế mà ăn ở, cư xử rất có giáo dục. Biết trông nom săn sóc chồng, biết thu vén nhà cửa, không đua đòi mua sắm. Để dần dần, nó sinh nở xong, mới có thêm lý đo thuyết phục bà vợ đanh đá cá cấy.

Để làm ra vẻ không bị sốc trước tin dữ của con rể, ông Hoè hỏi Đại về chuyện đi Nga. Nghe Đại nói kế hoạch làm ăn sắp tới ở bên ấy, ông Hoè trầm ngâm:

- Ngày nào Liên Xô còn cưu mang cả phe xã hội chủ nghĩa, cái gì ta cũng ngửa tay xin ông anh cả. Một Phó Thủ tướng chuyên việc xách bị đi xin viện trợ. Vẫn đất nước này, con người này, chỉ thay đổi cơ chế, khơi nguồn tiềm năng mà đã thay đổi hẳn. Còn nước Nga thì bị dỡ tung ra, đến nỗi có cơ quan phải trả lương bằng giấy vệ sinh. Bây giờ nước Nga của Tổng thống Putin mới trỗi dậy, lấy lại vị thế của mình.

Ông quay sang con rể:

- Chuyện thế nào mà ra nông nỗi này. Cảnh cáo, định chỉ chức vụ là nặng lắm đấy!

Thật ra, Kiên cũng không ngờ mình bị xử lý nặng đến vậy. Nhưng anh không nói ý ấy ra, mà chỉ nói với ông cụ như một lời trò chuyện tâm tình.

- Có lần bố đã nhắc con: "Cẩn thận mấy vẫn chưa đủ sơ suất một tí là thừa rồi". Con nhớ bố còn bảo: Mình thì biết mình rồi, nhưng không phải ai cũng biết mình đâu. Chưa kể, người ta còn cố tình hiểu sai. Chưa kể người ta còn vu khống, bôi nhọ mình". Bây giờ con bị đúng như bố nói. Kể cũng không oan… - Anh kể tóm tắt sự việc cho cả nhà nghe rồi tiếp - Trong vụ này, có một cái gì đấy ngoắt ngoéo mà con chưa lần ra được.

Bà Phụng hỏi con rể:

- Thế bây giờ con định thế nào?

- Con cũng chưa biết, đợi xem tổ chức bố trí thế nao.

Đại ngồi nghe từ nãy đến giờ, bất ngờ hỏi:

- Chú có đủ chí khí dũng cảm không?

- Sao lại hỏi em thế? Anh sắp rủ em đi đánh nhau?

- Chú nhầm. Chú có đọc tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc không? Cái người dũng cảm nhất trong lịch sử Trung Quốc không phải là Lã Bố, hay Trương Phi, hay Quan Vân Trường, mà là ai chú có biết không? Chinh là Hàn Tín. Hàn Tín dám chui qua háng một gã hàng thịt để mưu cầu sự nghiệp lớn. Vì thế sau đó mới nổi tiếng tài thao lược, kinh bang tế thế. Bây giờ chú chả phải luồn cúi ai như Hàn Tín. Chỉ cần đũng cảm đoạn tuyệt tất cả mọi thứ ràng buộc, mọi quyền lực, làm một công dân thôi.

- Nhưng chả nhẽ công dân Trần Kiên lại ở nhà ăn bám vợ?

Đại gượng cười:

- Cái chú này! Chú hãy từ bỏ tất cả để giúp anh, cùng anh, cùng bố xây dựng công ty Sao Việt thành một Tổng Công ty, một tập đoàn, một hãng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, dịch vụ… Anh vừa ở bên ấy về công việc rất cần người biết quản lý: Chú trường thành từ nhà mày lên, qua cả quản lý chính quyền, Đảng. Chú thừa sức làm được.

Kiên bất ngờ trước gợi ý của anh vợ. Anh chưa biết trả lời thế nào nên hoãn binh:

- Anh cho em từ từ, suy nghĩ đã.

Thảo Tần từ nãy ngồi nghe, giờ mới lên tiếng.

- Nhà em chả quen lĩnh vực ấy đâu!

Đại quay lại chất vấn em:

- Thế anh cô đang là quân nhân, nhảy ra làm kinh tế, cũng buôn bán đủ thứ. Vừa làm vừa học, mà cũng chưa phải trả một đồng học phí nào đâu. Lợi nhuận tăng lên vùn vụt - Đại quay sang em rể - Hay là chú coi việc kinh doanh của các cựu quân nhân, cựu đảng viên như anh, và bao nhiêu doanh nhân khác đang góp phần không nhỏ cho ngân sách nhà nước này không phải là những việc làm cấn thiết, không phải là yêu nước. Chỉ những người công chức như chú mới yêu nước thôi?

- Anh cứ đổ oan cho em. Chẳng qua là em còn đang trong cơn sốt. Sự việc diễn ra nhanh quá. Thú thật là em chưa định thần lại được. Và… em cũng chưa chịu bó giáp quy hàng.

Ông Hoè tán thành con rể:

- Giả dụ, cuối cùng anh Kiên có đoạn tuyệt quãng đời công chức như anh Đại nói, thì bố nghĩ, cũng phải làm cho sự thật sáng tỏ đã. Nó không sai, nó không tư lợi, không dính dáng gì đến đất cát của quận. Mảnh đất nó mua, bằng tiền bán căn hộ ở khu lắp ghép. Tiền xây nhà là bố mẹ tặng. Bố ủng hộ anh, phải đi đến cùng sự thật này.

Thảo Tần:

- Con nói thật với bố mẹ và bác Đại, con cũng ngán ngẩm công tác quản lý lắm rồi. Cái kiểu cách làm việc bây giờ rất khó chịu. Con đang oán nhà con đã xui con nhận công tác quản lý để thêm bực mình. Con chưa biết ý nhà con thế nào. Cũng có vẻ say sưa cải tiến, cải lùi cũng có tham vọng xây dựng một nền hành chính sạch trong phạm vi của mình. Nhưng con sợ chỉ là ảo tưởng nếu không làm từ trên xuống thì sẽ chỉ là bi kịch, mà hình như đây mới là màn đầu tiên. Với nhà con bây giờ, dù thôi hay nữa thì vẫn phải làm sáng tỏ. Đây là vấn đề danh dự không phải chỉ của anh mà còn là danh dự của em nữa đấy. Không thì em không sống được đâu.

Những câu cuối cùng chị nói với chồng trong nước mắt rân rấn.

Bà Phụng thủng thẳng:

- Đã vào guồng của nó thì dễ say lắm. Đi buôn bán cũng thế mà làm quan chức cũng thế. Say thì say, nhưng vẫn phải tỉnh. Không có là hối không kịp.

Ông Hoè đóng vai tổng kết cuộc họp gia đình:

- Anh Kiên không được nản chí, tấn công nhưng phải khôn ngoan, khéo léo. Con diều bay lên vì ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió đâu. Tình hình phát triển thế nào, cho bố mẹ và anh Đại biết. Con có một hậu phương mạnh đấy.

- Cảm ơn bố mẹ và bác Đại, chúng con xin phép về.

Hôm nay là ngày vui nhất của Thuỳ Dương. Nó vào vòng thi quý, cuộc thi "Đường lên định Olimpia".

Bên ngoại có: ông bà Lê Hoè, Kim Phụng, vợ chồng bác Lê Đại - Kiều Linh, bố mẹ nó, các thầy cô, bạn bè và họ hàng gần gũi bên nội cùng kéo đến đài Truyền hình Việt Nam.

Khuôn mặt thông minh, xinh xắn mang tất cả những nét điển hình của mẹ, cái nét tự tin, đầy bản lĩnh của cha nó nổi bật giữa ba người bạn trai ba tỉnh khác.

Con gái có ưu thế, dễ chiếm được cảm tình của khán giả. Nó lại trả lời nhanh chinh xác các câu hỏi, tưởng như tất cả đã có sẵn trong đầu nó. Ở cả bốn cuộc thi: Khởi dộng, Vượt chướng ngại, Tăng tốc, Về đích nó đều dẫn đầu. Mỗi lần nó trả lời đúng, cả trường quay lại rào rào tiếng vỗ tay, hơn hẳn mỗi lần vỗ tay cổ vũ ba bạn trai. Đấy là nhờ vốn kiến thức chắc chắn của nó, ở tất cả các môn văn, xã hội, toán, lý, hoá, nhất là nhờ phương pháp luận của nó rất logic.

Kiên theo dõi các câu trả lời của con, hồi hộp khi nó suy nghĩ tìm câu trả lời, thầm nhắc con lời giải đáp. Đến khi nó đáp đúng, anh sung sướng đến nỗi bật lên tiếng hoan hô, vợ phải đưa tay bịt miệng chồng lại. Có một câu hỏi đến cả Trần Kiên và Thảo Tần cùng quay lại nhìn nhau lo lắng. Chết con tôi rồi. Cả trường quay lặng đi chờ đợi. Câu hỏi đưa ra trong cuộc thì Tăng tốc là: Chúng ta lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhung ít nhiều đều có dùng thêm sữa bột và sữa đặc. Bạn có nhận xét gì về sự khác nhau giữa các hộp sữa bột và các hộp sữa đặc (không kể loại sữa nước hộp giấy có kèm theo ống hút). Đấy là câu hỏi thứ nhất, câu hỏi thứ hai là: Bạn có nhận xét gì về chiều cao của khối sữa trong hộp sữa đặc và đường kính của nó? Tại sao?

Nó không phải là người ấn chuông sớm nhất. Bạn trai ấn chuông sớm nhất chỉ trả lời được câu hỏi đầu tiên là: Các loại sữa bột thì có bình đựng không thống nhất. Còn các hộp sữa đặc thì đều có kích cỡ bằng nhau. Đến lượt nó đưa ra nhận xét: Em cho là chiều cao và đường kính của khối sữa bằng nhau: Sở dĩ em đoán như thế vì câu hỏi đưa ra là chiều cao của khối sữa, mà em nhớ là hộp sữa có hai gờ ở đáy trên và đáy dưới. Nếu tính cả hai gờ đó thì dứt khoát chiều cao lớn hơn đường kính. Còn nếu chỉ tính chiều cao của khối sữa, túc là đường nối giữa hai tâm của hai đáy thì có lẽ là bằng nhau. Em đoán là bằng nhau, vì nó liên quan đến nhận xét của bạn đã trả lời trước em là, các hộp sữa đặc đều có kích cỡ bằng nhau. Vì thế em đoán rằng, nếu một hình trụ đứng có đường kính bằng chiều cao thì sẽ có thể tích lớn nhất và diện tích xung quanh nhỏ nhất. Em nghĩ, chỉ vì lý đo ấy thì các nhà sản xuất mới thiết kế các hộp sữa nước có kích thước như thế, tức là đường kính bằng chiều cao.

Sau tiếng vỗ tay kéo dài, người dẫn chương trình hỏi thêm: Câu trả lời của bạn vô cùng tuyệt vời. Xin hỏi thêm: Nhưng vì sao các hộp sữa nước lại không to hơn, không bé hơn, dù vẫn theo tỷ lệ kích thước như bạn nói.

Nó trả lời: "Theo em có lẽ là làm theo truyền thống, người tiêu dùng quen mắt với kích thước đó rồi". Cả hội trường lại vỗ tay không ngót. Người dẫn chương trình: "Câu trả lời trên cả tuyệt vời!" Cả trường quay cùng oà ra tiếng vỗ tay cổ vũ. Cả cuộc chơi, chỉ có một lần nó chịu cứng. Đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài bao nhiêu? Nó mạnh ở phương pháp tư duy, ở quan sát, chứ yếu về ghi nhớ máy móc. Bố mẹ nghẹt thở, tiếc rẻ.

Nhưng nó vẫn luôn luôn dẫn điểm ba bạn trai.

Đấy là nhũng giờ phút hạnh phúc nhất trong đời vợ chồng Kiên-Tần. Hơn cả hạnh phúc khi đã thuộc về nhau. Hơn cả hạnh phúc khi công việc thành đạt. Đứa con ra đời mới chỉ là kết quả của hạnh phúc lứa đôi.

Đứa con xinh đẹp, mới chỉ là hạnh phúc ngẫu nhiên của sự sinh nở. Đứa con ngoan ngoãn, mới chỉ là hạnh phúc nuôi dậy. Họ có tất cả hạnh phúc ấy cộng lại. Đây là sự khẳng định một cái gì hơn thế, hứa hẹn một tương lai chắc chắn: Nó là sự ghi nhận của xã hội, của cộng đồng, trước xã hội, trước cộng đồng. Là kết quả của những cái tất yếu, hoàn toàn không phải là chuyện may rủi. Để lại cho đời một đứa con thế này, có khi còn hơn cả sự nghiệp của mình. Cho dù sự nghiệp ấy có to tát đến mấy. Biết đâu đó chỉ là phù du, như chuyện hôm qua, hôm nay mình đang phải chịu. Nhất định đêm nay phải thuyết phục bằng được Thảo Tần đẻ thêm cho Thuỵ Dương một đứa em, thằng em thì tốt, mà con em cũng được. Mắt Kiên vẫn nhìn lên sân chơi của con, mà đầu óc lại miên man nghĩ.

Thảo Tần, còn hạnh phúc hơn cả chồng. Trước hết nó là con gái, nó giống mẹ, nó gần gũi mẹ hơn gần gụi bố. Chị trực tiếp dạy nó đọc sách, trao đổi, trò chuyện với nó hằng ngày. Nó là máu thịt của chị, bản sao của chị, phối cảnh đồng dạng của chị. Nhưng mà nó hơn chị, xinh hơn chị, hiểu biết rộng hơn chị. Vì nó, chị có thể rũ bỏ tất cả. Chỉ để làm một cô giáo dạy giỏi, một người mẹ giỏi vì đã sinh đẻ ra, nuôi nấng, dạy dỗ nên người một cô gái xinh đẹp, giỏi giang thế này. Thảo Tần không biết rằng, có hàng triệu bà mẹ ngồi trong trường quay và theo dõi trên màn hình đều hỏi: Con gái nhà ai mà xinh thế, giỏi thế? Sướng thật. Con thế mới là con chứ. Chị vừa chăm chú theo dõi con trả lời, vừa miên man nghĩ… mình phải là mình. Nếu chị ta và nếu chi bộ không biết tôn trọng một nhân cách thì dứt khoát chị sẽ treo ấn từ quan, chỉ để làm một cô giáo dạy giỏi, một người mẹ giỏi - danh hiệu chị tự phong cho mình. Quá đủ cho hạnh phúc một người phụ nữ. Cả anh nữa Kiên ạ, em không biết những rắc rối gì đã đến với anh trong công việc, nhưng em tin vào sự đúng đắn của anh trong việc công lẫn việc gia đình. Em biết, với đàn ông, sự nghiệp quan trọng hơn tất cả. Nhưng nếu gặp quá nhiều rắc rối, lôi thôi, lại thêm cả những ngáng trở, những thủ đoạn, cạm bẫy thì dấn thân làm gì? Một người vợ như em không đủ làm anh yên lòng à? Một đứa con gái như Thuỳ Dương kia, không đủ làm anh mát lòng hả dạ à?

Tiếng vỗ tay như vỡ cả trường quay. Con gái anh đang nhảy cẫng lên vì sung sướng được đội lên đầu vòng nguyệt quế của người chiến thắng. Bạn bè nó đang ào lên sân khấu tặng hoa. Kiên dắt tay vợ đứng dậy, đi lên sân khấu. Thuỳ Dương chen đám bạn đang xúm xít quanh mình đi nhanh về phía bố mẹ. Nó cố mở hai tay đầy hoa ôm lấy bố mẹ. Kìa ông bà nội, ông bà ngoại, bác Đại… cũng lên chúc mừng nó - niềm kiêu hãnh của cả nhà, cả họ.

Nhận án kỷ luật, bề ngoài Kiên rỏ ra rất bình tĩnh, tự tin. Nhưng trong thâm tâm anh rất lo. Không biết sẽ còn xẩy ra những gì. Trị mình xong, chắc chắn sẽ đến lượt Diệu. Bàn giao công việc xong, anh báo cáo xin được nghỉ phép năm. Hết thời hạn nghỉ phép, Kiên làm đơn đề nghị, trong khi chờ tổ chức bố trí công tác khác, xin được ở nhà để có thời gian hoàn thành chương trình cao học kinh tế. Nhưng thật ra chả làm được gì thêm cho bản luận văn. Kiên không dặn một câu, nhưng cứ buổi tối, có tình hình gì đặc biệt, Hùng đều gọi đến thông báo cho anh. Nhờ thế anh cũng nắm được dư luận hai cơ quan sau khi mình bị đình chỉ công tác.

Xung quanh bàn bia buổi trưa ngay sau ngày công bố kỷ luật, những người bình luận chia làm hai phe:

- Liều lắm cơ. Ai bảo mó dái ngựa thì nó chả đá cho à?

- Không phải là mó mà là bóp. Bị đá thì đúng rồi, nhưng chưa biết ai ngã ngựa. Đã đến hồi kết đâu? Hãy đợi đấy!

Kiên không biết tổ công tác của Diệu có nên cơm nên cháo gì không? Nó lại là sản phẩm của phương án cải tiến của anh…

Sáng thứ hai, Kiên còn đang ăn sáng với vợ đã nghe Hùng gọi: "Hay quá anh ơi! Đã lần ra tổ con chuồn chuồn rồi. Tờ Thời luận sáng nay đã đăng bài phóng sự điều tra: "Lắt léo chuyện một lô đất ở quận Lâm Dư". Em đọc anh nghe nhớ. - "Dài không?" - "Khá dài!" - "Thế thì tóm tắt thôi, mình sẽ đọc sau". Vừa mới nghe Hùng nói bằng cái giọng mừng rỡ như báo tin vui, Kiên bấm một nút trên điện thoại cho Tần cùng nghe.

Bên kia Hùng đã đặt máy. Tần như trút được gánh nặng. Chị dang rộng cánh tay. Kiên đổ vào người vợ.

Họ siết chặt nhau đến nghẹt thở rồi buông nhau ra. Tần chỉ nói ba tiếng "có thế chứ!", rồi vội chuẩn bị đi làm.

Bây giờ, tờ báo đã mở rộng trước mặt Kiên. Anh đọc thong thả:

"Chuyện xin và cấp đất, hiện nay đương nhiên vẫn thuộc cơ chế xin cho, mà lại nằm trong cơ chế thị trường, với mối lợi không tính được, nên không thể không có chuyện gì. Nói trắng ra là không có chuyện cho không. Nhưng người Việt Nam ta vốn nhân hậu, chả nhẽ được việc mình rồi lại tố cáo người ta ăn của đút lót thì chả ra sao. Mình cũng bị tội là kẻ đút lót mà lại không có chứng cớ gì. Vậy là theo luật định, do không có ai khiếu nại tố cáo, nên không một vị nào có trách nhiệm bị cơ quan pháp luật sờ gáy. Các vị có trách nhiệm, dù bị điều đi công tác khác, tuy có kém oai hơn, có ít mầu mè hơn, nhưng… cho đến lúc nghỉ hưu vẫn không có ai động đến. Ở ta lại chưa có ai bị hồi tố nên coi như hạ cánh an toàn. Từ đó người Thanh Hoa vĩnh viễn cho họ rơi vào quên lãng. Có người phũ mồm lại nói, cứ coi như họ không còn tồn tại trên đời này.

Nhưng chuyện lắt léo của lô đất thuộc quận Lâm Du sau đây thì không thể rơi vào quên lãng được. Bởi nó liên quan đến sinh mệnh chính trị của không chỉ một người, và chắc chắn liên quan đến sinh mệnh của một nhà báo.

Được sự đồng ý và giúp đỡ của một số cơ quan chức năng, nhóm phóng viên Thời luận thấy cần phải làm sáng tỏ vụ này trước toà án dư luận.

Ai cũng biết khu Liên hợp Thể thao Văn hoá Lâm Du đã được xin dôi ra nhiều hecta để cuối cùng chỉ dùng một nửa diện tích ấy cho mục đích áy, phần còn lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc này đã được UBND thành phố phê duyệt bằng văn bản.

Yên trí trong danh sách cán bộ công chức xin đất có tên đồng chí X, nên bí thư Quận uỷ mới khẳng định như vậy với một đại diện cơ quan cấp trên. Nhưng cuối cùng, như báo chí đưa tin, đồng chí X không hề dính dáng gì đến chuyện đất cát lèm nhèm. Vậy là bí thư Quận uỷ bị kỷ luật đã. Sau đó đến những ai liên đợi trách nhiệm dưới quyền? Đáng đời quan liêu!

Bởi thế, bây giờ sự việc được lần ngược trở lại, để tìm xem tổ con chuồn chuồn ở đâu.

Trong thời gian lập danh sách, đã hai lần phó chủ tịch UBND Quận Lâm Du ĐTD nhân được điện thoại trực tiếp của đồng chí X. Đã khôi phục được hai cuộc nói chuyện này từ máy điện thoại ghi âm. Vì thế danh sách chính thức mà bí thư Quận úy đúng là có tên đồng chí X. Nhưng đến khi làm thủ tục cấp đất thì một người tên là A cầm thư tay của đồng chí X đến xin thế tên mình vào. Ông A giải thích đây là việc đổi đất, đề nghị được thông cảm, để tránh phải làm thủ tục sang nhượng rắc rối.

Cơ quan chức năng đã điều tra và xác nhận chuyển đổi đất này là có thật. Và sự thật đã diễn ra với những nước cờ lắt léo thế này.

Ông A là chủ sở hữu ngôi nhà 17 phố Cầu Tre. Đây là một con phố ngắn, và mỏng, áp lưng vào phố Cầu Mây dài hơn nhiều nhưng cũng mỏng và đặc biệt là chỉ có một dẫy bên số chẵn. Vượt qua con đường rộng 32m, có chỗ tới 50 đến 80m là vườn hoa, vườn cây, ăn ra tận mép hồ thơ mộng, không chỉ đẹp mà còn là địa linh, thuỷ linh, bởi nó gắn với bao truyền thuyết, huyền thoại của một quần thể di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, mà bất cứ ai đến Thanh Hoa cũng phải đặt chân đến. Các lễ hội lớn, các cuộc bắn pháo hoa, đốt cây bông, bao giờ cũng phải diễn ra tại đây rồi mới kể đến nơi khác. Do vậy, việc buôn bán, làm ăn, giao dịch ở đây là thuận tiện không đâu bằng.

Đồng chí X có một ngôi nhà ở số 58 Cầu Mây.

Ông A đã bán nhà số 17 Cầu Tre cho đồng chí X với giá một mét vuông đất, đắt hơn cả giá đất ở Luân Đôn hay Tôkiô. Tại sao lại mua với giá cắt cổ như thế? Nhà số 17 Cầu Tre và số 58 Cầu Mây áp lưng vào nhau. Chỉ cần thông tường lưng là được một khu đất có hai mặt tiền ở hai mặt phố vào loại nhất Thanh Hoa.

Hiện nay số 58 Cầu Mây là nhà ba tầng, 17 Cầu Tre là 2 tầng. Phá cả hai, xây một toà nhà năm tầng (theo quy hoạch, khu vực này chỉ được xây không quá năm tầng) với hai mặt tiền ấy, thì tiền mặt cứ việc chảy vào như nước sông Đà!

Số 58 Cầu Mây được thành phố phân bổ sung cho đồng chí X năm 1979, khi ấy, ông đang là cán bộ giúp việc cho một cán bộ cao cấp Trung ương.

Việc thật, người thật thì như thế. Nhưng tra trong hồ sơ thì đồng chí X không hề dính dáng đến việc mua bán này. Người đứng tên chuyển nhượng của ông A lại là ông X1. Chỉ có một chút dây mơ rễ má: X1 là con trai đồng chí X. Ông X1 hiện chỉ đóng vai trò đứng đằng sau một công ty TNHH mà giám đốc là vợ mình. Chả là vì công chức đương nhiệm không được trực tiếp đứng đầu một tổ chức kinh tế tư nhân.

Khi bị hỏi, chẳng lẽ chỉ một lô đất ở quận Lâm Du đủ đánh đổi nhà 17 Cầu Tre, thì ông A thật thà hỏi lại:

- Làm sao mà đủ được?

- Thế còn phải bù những gì nữa?

- Một lô đất khác, ở quận khác.

- Đủ chưa?

- Đủ thế nào được. Cả hai lô ấy cộng lại chưa được một phần ba giá trị nhà tôi.

- Thế còn lại trả bằng gì?

- Bằng vàng chứ bằng gì? Mua bán nhà đất, xưa nay vẫn thế.

- Thế sao ông phải cầm thư tay đồng chí X đến làm gỉ?

- Việc này đã thoả thuận rồi. Như thế đỡ phải một lần sang tên chuyển nhượng. Bởi khi thương lượng đã phải xác định ai nộp thuế. Vì tiền thuế phải tính vào giá thành. Bên nào chạy được, hay giảm thì bên ấy nhận nộp thuế. Thật ra, chủ nhà 17 Cầu Tre kề bên cũng đã ngã giá ấy, nhưng chưa nhất trí được chuyện ai sẽ nộp thuế. Ông X nhận đóng thuế, tức là không mất, hoặc chỉ mất tượng trưng. Thủ tục sang nhượng hai lô đất và nhà tôi, cả đống vàng đấy.

Ở ta có cả 101 cách vận dụng linh hoạt. Những chuyện này, các ông bà thuế thạo lắm.

Làm thế, ông X không hề hai lần có tên trong danh sách xin đất. Thế chả hơn à?

Nhóm phóng viên nội chính".

Bài báo không nói X là ai, không viết tắt tên, cũng không bình luận. Bạn đọc thường chỉ đoán là một nhân vật có hạng. Nhưng giới công chức thành phố thì biết tỏng X là ai rồi.

Thời luận đã tăng số lượng phát hành thêm 500 mà vẫn hết veo. Thật ra, nếu không có chuyện bí thư Quận uỷ Lâm Du khẳng định tên của đồng chí X trong danh sách thì cũng chả sao. Có ai rà soát lại hàng trăm danh sách cấp đất trong thành phố này, xem những ai xin, có đúng tiêu chuẩn không? Ai xin hai lần? v.v…

Nhưng nói thế cũng oan cho Trần Kiên. Thật ra khi nhắc đến đồng chí X, anh cũng chỉ muốn qua đó khẳng định việc quận mình xin chuyển đổi mực đích sử dụng điện tích đất thìa ra là đúng, vì đã được Thành phố phê duyệt và cả đồng chí X cũng xin. Đấy là chuyện rất bình thường. Ai dè, trưởng ban Kiểm tra lại vin vào đất làm án kỷ luật anh nên mới sinh chuyện.

Tờ Thời luận lâu nay đã có uy tín trong đấu tranh cho sự thật, công bằng, lẽ phải. Vụ tổng biên tập của họ bị tạt a xít là một tổn thất lớn với tờ báo, nhưng đồng thời cũng nâng cao vị thế của nó trên diễn đàn công luận. Với hai bài báo liên tiếp nó được đồng nghiệp và công luận đánh giá rất cao. Đào Trọng Toàn sau vụ bị cơ quan cảnh sát điều tra thẩm vấn, bị báo chí lên án đã thành con chi chi nhũn như bún, không còn dám cậy quyền cậy thế ra oai nữa.

Ông ta có vào thăm Triển một lần ở bệnh viện. Lúc ấy, bộ mặt ông ta là cả một sự rối rắm của tâm trạng. Trước hết, đó là một sự sợ hãi. Một gương mặt đàn ông cương nghị trì tuệ như thế, giờ bị huỷ hoại thế kia. Cũng không biết ông ta sợ hãi anh hay sợ hãi sự biến dạng của khuôn mặt anh. Ông ta mặc cảm tội lỗi với anh, nhưng lại không biết đó là tội gì. Miệng muốn nói lời xin lỗi, làm lành, nhưng lại sợ Triển nghĩ sang tội tạt a-xít. Thương thì chắc gì đã thương. Xót thì chắc gì đã xót. Chắc hẳn đã nghĩ nát nước sẽ nói gì khi gặp mặt. Vậy mà lúc trông thấy anh, mặt ông ta vẫn lộ rõ cái bất an, bất ổn, bất định, để cuối cùng nói một câu chả ra sao?

- Anh thấy trong người sức khoẻ thế nào?

Câu này là để hỏi người chưa xác định được bệnh tật của loại bệnh nội khoa, thuộc lực phủ ngũ tạng kia. Chứ bị hãm hại kiểu xã hội đen thế này mà hỏi câu ấy thì không ai nhịn được. Triển vốn đã phải chịu đựng con người này như một thứ tai ương chướng ác từ ngày đại hội bầu ông ta lên chức đứng đầu đoàn thể này. Còn hơn năm nữa mới hết nhiệm kỳ, để lại nhảy sang một ghế nào đó bên hệ thống chính quyền.

Anh không tôn trọng ông ta vì hai lẽ. Không hiểu biết gì về báo chí. Điều ấy thì có thể bỏ qua. Tệ hại nhất là ông ta coi tờ báo này như một công cụ để đề cao mình và giải quyết các mối quan hệ cá nhân. Anh không nghĩ ông ta có thể nhúng tay vào vụ hãm hại mình. Anh đã đặt ra bao nhiêu câu hỏi về việc ấy mà vẫn chưa hé ra một mối nghi ngờ nào.

Chắc hẳn đấy không phải là đối thủ trực tiếp của anh, của Thời luận. Nó phải ở một phạm vi xa hơn, một tầm rộng hơn nhiều, rộng đến không ai phát hiện thấy mối liên hệ giữa nó và sự việc. Nếu chỉ là một vụ đâm thuê chém mướn thì bắt được thủ phạm sẽ ra ngay.

Đằng này thủ phạm đã không bắt được, mà cũng không một chút tăm hơi. Đối tượng kín võ đến mức ngay cả người được trục tiếp hỗ trợ là Vũ Sán cũng không hay biết gì khi nghe: "Chúng tôi rất quan tâm đến ông… Có việc quan tâm, chính ông cũng không biết đâu".

Triển nghe ông ta hỏi vậy, khẽ nhếch mép cười. Bộ mặt anh, dù đã được những mũi kim vi phẫu thuật của giáo sư thẩm mỹ chỉnh hình đầu ngành tỉ mẩn vá hết sức khéo léo cũng vẫn thảm hại vô cùng.

- Cảm ơn anh đã quan tâm. Bảo rất yếu cũng được mà bảo rất khoẻ cũng được… Bởi Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa, sức khoẻ là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không bệnh tật hay tàn tật. Theo đó thì tôi đang trong tình trạng sức khoẻ cực kỳ xấu.

Ông ta về rồi, Triển lắc đầu: Không biết xã hội có thật sự cần những con người như thế này không nhỉ.

Anh ra viện hôm trước thì hôm sau tờ Chính luận đăng ảnh anh giữa trang nhất, với những giòng chữ to sau đây:

"Nằm trên giường bệnh, Phạm Năng Triển vẫn điều hành báo Thời luận. Hai bài báo vừa qua có sức chiến đấu như những trái bộc phá tấn công vào chế độ tham nhũng. Những người làm báo Việt Nam coi vết sẹo trên mặt anh là bia căm thừ tội ác những thế lực đen tối. Các cơ quan bảo vệ pháp luật và chúng ta phải trả anh món nợ này Phạm Năng Triển - anh hùng báo chí thời kỳ đổi mới! Tại sao không?

Câu hỏi này xin gửi tới các cấp, các ngành có trách nhiệm, trước hết là Hội nhà báo Việt Nam".

Đây là lần thứ hai Đại nhận được thư con. Thư trước làm anh không vui. Anh biết bố con không được sống gần nhau suốt những năm mình sống trong quân ngũ nên mọi chuyện nuôi dạy đều do vợ đảm nhiệm. Bố con do vậy không mấy khi trò chuyện, tâm sự. Anh không hiểu nó, cả chuyện học hành lẫn sinh hoạt. Đến chuyện quan hệ nam nữ của nó thì Đại nhận ra rằng, nó sạo lắm. Đại không hể có ý đấy nó đi du học cho khuất mắt để giải quyết chuyện hôn nhân của mình cho đỡ chướng. Ngay khi sang Nga lần đầu, anh đã có ý định cho nó đi du học. Nó đã có vốn ngoại ngữ, chỉ cần có học vấn đại học ở nước ngoài cho phù hợp với kinh tế thị trường. Nhiều người tính thế chứ đâu phải mình anh.

Chuyện Đại và Kiều Linh xảy ra thì thủ tục cho nó đi đã xong. Thật ra, nếu vợ anh không phải là người đã vướng vào nó thì cũng có thể lùi ngày bay lại cho nó dự ngày vui của bố cũng được… Vì chuyện ấy mà anh cho nó đi ngay cho đỡ khó xử cả hai phía - nó và vợ anh - chứ nào có định dấu nó. Mà làm sao dấu mãi được. Vì thế anh không ngạc nhiên khi nó mở đầu thứ thế này:

"Con viết thư này mừng bố. Qua bạn bè con biết bố đã lấy vợ. Vợ bố lại là KL. Nếu việc cô ấy gặp bố là ngẫu nhiên thì không sao. Nếu là cố ý thì đấy là cô ấy trả thù con đấy. Bởi khi từ biệt con, cô ấy có bảo "quả đất tròn đấy!". KL sắc sảo, già dặn và khôn ngoan. Tại con chỉ quan tâm đến khía cạnh sex nên câu chuyện mới ra như thế. Con nghĩ gặp được một người như bố, cô ấy sẽ là một người vợ tốt. Nếu là trường hợp thứ nhất thì bố cho con gửi lời xin lỗi vì những gì đã xảy ra với cô ấy. Đó là sai lầm của một thời phung phí cả thời gian, sức lực và tiền của bố mẹ, kể cả vụ với cô giúp việc nhà mình. Rồi con sẽ phải làm quen với KL trong cương vị mẹ kế vậy".

Nó nghĩ thế thì được. Có vẻ bắt đầu biết suy nghĩ rồi. Đại đọc tiếp, rất mừng thấy con tự nhận xét về mình:

"Hồi mới sang, con cũng rất quan tâm đến chuyện sex. Nhưng thấy các bạn khác chí thú học hành nên con cũng suy nghĩ nhiều. Mà chuyện sex ở bên này lại quá đơn giản. Nhưng nó chỉ mang lại những vui thú nho nhỏ. Đến nhanh mà đi cũng nhanh. Chả để lại gì cho sự nghiệp của mình". Đại mỉm cười khi thấy thằng con chơi bời như thế mà tự nhiên lại nhắc đến sự nghiệp. Anh thật sự vui khi nó viết tiếp: "Chắc bố ngạc nhiên khi con nhắc đến sự nghiệp, chuyện xa lạ với con khi còn ở nhà. Khi thấy mọi người xung quanh đều chăm lo đến chuyện học hành, đều tính đến chuyện làm ăn, con đâm ra nghĩ ngợi. Đơn giản thế thôi bố ạ. Nhất định con sẽ làm giầu cho bố xem.

Từ suy nghĩ ấy, con để ý xem xung quanh người ta làm ăn thế nào và bố có biết không, con mới phát hiện ra một việc có thể làm ăn được, vì bên mình đã làm ngon rồi. Đó là việc lập một cơ sở sản xuất bánh đa nem. Bên này họ rất khoái món nem rán của mình.

Người mình vẫn phải chở từ nhà sang. Con biết cách làm công nghiệp chứ không tráng thủ công từng chiếc một đâu. Nếu việc này thành con sẽ gây dựng cho mình cơ sở làm ăn ở bên này".

Thế nghĩa là nó định làm ăn lâu dài ở bên ấy? Có vẻ thế lắm. Anh dừng lại suy nghĩ một lát. Bắt đầu thấy vui khi nghĩ về con trai. Đại không biết rằng những dòng sau đó lại làm anh choáng váng thật sự.

Bây giờ con muốn nói với bố một chuyện. Con cứ đắn đo mãi xem có nên nói không. Mới đầu con nghĩ, hay là cứ để trong tình cảm của bố, mẹ mãi mãi là người vợ thuỷ chung, đoan trang. Không biết khi nói ra chuyện này, ở dưới ấy mẹ có trách giận con không? Dẫu sao thì chuyện đã qua, mẹ đã mất. Con nghĩ, bố phải biết chuyện cũ để có một sự quan tâm cần thiết đến KL bây giờ. Mẹ đã chết vì tai nạn giao thông khi cùng đi với một người, mà người ấy có quan hệ trên mức tình cảm với mẹ. Chỉ vì thời gian ấy, bố không có điều kiện gần gũi mẹ nên mới xẩy ra như thế. Con hy vọng bố sẽ không bị sốc vì chuyện này. Bố cũng đừng trách cứ mẹ làm gì".

Đại choáng người. Anh không thể nào tưởng tượng được, người vợ yêu chiều mình như thế lại có thể đem lòng yêu một người khác. Anh nhớ mỗi lần về, Thuỵ Miên lại nấu món riêu cá với mẻ cho anh. Đĩa rau xà lách, húng… chỉ mới trông đã thấy ngon rồi. Và cái màn gãi lưng rất khoái cho anh… Lần nào trở về đơn vị, anh cũng hào hứng kể với anh em trong ban chỉ huy về vợ mình. Vậy mà… Không nhẽ người ta có thể yêu cả hai người đàn ông? Có thể như thế không? Hay cũng như người ta có thể hai tay vẫn bắt hai con cá đấy thôi. Tại sao mình không cảm thấy một sự giả dối nào? Đấy là thật hay giả dối? Làm sao mà giả dối được nhỉ? Chỉ có thể giải thích thế này: khi mình về thì cô ấy yêu mình. Khi mình đi vắng thì cô ấy yêu người khác. Người đàn bà lấy chồng phải luôn luôn có chông bên cạnh à? Thế bao nhiêu người lính phải xa vợ bao nhiêu năm trong cả hai cuộc kháng chiến thì vợ đều yêu người khác hết hay sao? Lại còn nhũng người hoạt động tình báo nữa chứ? Họ biệt vô tăm tích, họ bị mang tiếng là theo địch thì các bà vợ thế nào? Nếu họ giữ được thì quý biết bao, mà không giữ được thì cũng đừng trách họ làm gì.

Tội nghiệp. Nghĩ đến đấy, Đại cũng thấy nhẹ người đi một chút…

Đại đọc phần con viết thêm:

"Nếu thấy cần thiết, bố có thể chuyển thư này cho ông bà hay cô chú Kiên-Tần xem cũng được.

Con đã mua máy tinh xách tay, phục vụ cho việc học tập, làm ăn và liên hệ thư từ. Từ nay bố con có thể liên hệ thường xuyên hơn bố ạ.

Chúc bố sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi trong công việc làm ăn.

Con Lê Cường"

Đêm ấy, Đại vẩn vơ nhớ đến người vợ đã mất, không ra giận, không ra thương. Kiều Linh vẫn ngủ ngon lành, vô tư như đứa trẻ sau bữa bú no nê. Cái bụng vồng lên với đứa con ôm đầu khoanh tròn trong bụng mẹ. Đại khẽ đặt tay lên bụng vợ làm chị cựa mình.

Mắt vẫn nhắm nghiền, Kiều Linh đưa hai tay lên đỡ bụng, từ từ trở mình về phía chồng. Tay chị rờ rờ tìm tay chồng, nắm lấy, rồi lại ngủ tiếp ngon lành.

Hoá ra đây là lần đầu tiên Đại biết đến hạnh phúc làm bố trong từng giờ, từng phút được bế vợ từ xe vào nhà hộ sinh, được nóng lòng túc trực, hồi hộp nghe thông báo con trai, ba cân hai. Lần đầu tiên Đại được mẹ vợ sai vặt những việc phải làm của một người đàn ông hầu vợ đẻ. Thằng cu được ông nội gợi ý và bố mẹ rất vui vẻ đồng ý đặt tên là Thành, ghép cả tên bố: Lê Đại Thành.

Đến mừng anh chị, Thảo Tần nói với anh trai:

- Em nghĩ, dù anh có trở thành tỉ phú đô la, nhưng nếu cu Đại Thành không trở thành một con người thật sự thì anh cũng chả sung sướng gì đâu. Em bắt đầu thấy mến vợ anh. Anh nên lấy gia đình làm trọng. Chuyện của nhà em chưa biết kết cục ra sao. Sau hai bài trên báo Thời luận, chắc chắn sự việc sẽ phải được xem xét lại Nhưng cũng chưa biết thế nào. Tổ chức vẫn là việc rắc rối nhất trên đời này. Dù nhà em có làm gì, hay theo anh đi làm kinh tế thì em vẫn phải là cái phanh, là sợi dây hãm để nhắc rằng, anh ấy đang có một gia đình. Nó không phải là lớn nhất. Nhưng không có gia đình là không có bến đỗ đâu. Dù anh có bay cao bay xa đến đâu cũng phải có bến đỗ anh ạ.

Vợ đi làm rồi, Kiên ngồi nhà một mình. Anh tĩnh tâm trở lại. À, phải gọi ngay cho Diệu đã:

- Chắc em đọc báo rồi. Anh cảm ơn đồng chí tổ trưởng công tác đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.

Diệu còn mừng vui hơn Kiên:

- Nếu anh không bổ sung một nhà báo ở giai đoạn cuối thì dù có lần ra đầu mối, cũng không làm nên trái bom sáng nay được. Phen này…

Kiên ngắt lời chị:

- Đừng vội mừng quá em ạ. Mới là sáng tỏ một sự thật. Nhưng sự thật ấy được sử dụng như thế nào lại là chuyện khác.

Kiên biết rất rõ điều này: khi nào tổ chức đứng về phía nào thì phía ấy thắng. Người này không thuộc tổ chức Thành uỷ mà là tổ chức Trung ương quản lý. Điều này làm anh phần nào tin tưởng hơn. Thế nào cũng phải đợi. Đợi mà biết sẽ được cái gì thì mình sẽ kiên trì đợi. Chỉ sợ xôi hỏng bỏng không. Chuyện nhà đất ở Thanh Hoa, nhiều cán bộ dính vào quá, mà không phải chỉ cán bộ Thanh Hoa dính vào, người trên người Thanh Hoa cũng dính vào kia mà. Khi nó trở thành phổ biến thì dễ bị coi là chuyện bình thường lắm.

Đại điện về:

- Thế này thì chú chả thèm đi làm kinh tế với anh rồi.

Kiên cười:

- Chưa đâu vào đâu đâu anh ạ.

- Xem ra thì việc của chú không phải là không có bất trắc đâu nhỉ?

Kiên gọi điện cho bố vợ, đã thấy giọng nói mừng rỡ của ông:

- Tôi cũng định gọi điện cho anh đây. Bố đọc báo rồi. Như vậy là lý do kỷ luật anh đã không còn xác đáng. Chắc chắn sự việc sẽ được xem xét lại.

- Nếu được thế thì tốt quá! Nhưng còn chuyện đố kỳ ghen ghét nữa bố ạ. - Kiên nhớ đến thái độ của trưởng ban Kiểm tra nên nói vậy.

Ông bố bảo:

- Anh đừng nhầm. Người ta đố kỵ là đố kỳ giữa cá nhân với nhau, không có chuyện đố kỳ giữa một tập thể với một cá nhân. Còn chuyện anh để cho cả tập thể mất cảm tình, lại là chuyện khác. Bố nghĩ con không rơi vào trường hợp này.

Ông Hoè nói đúng. Không bao giờ Kiên rơi vào hoàn cảnh ấy. Nhưng cá nhân đố kỵ với anh thì có. Mà có không ít. Người ta khó chịu vì anh đúng mới lạ. Người ta muốn anh phải xưng hô như con cháu trong nhà. Đến cái mặt anh ưa nhìn thế này cũng trở thành nhược điểm. Mình sắc sảo hơn người là dở rồi. Lại còn cải tiến cải lùi nữa chứ. Định chơi trội chứ gì? Định lên nữa chứ gì? Thái độ đố kỵ không giấu giếm của trưởng ban Kiểm tra vẫn ám ảnh anh như một vết bẩn trên quần chưa kịp giặt. Mà mình thì chỉ muốn cho công việc chạy nhanh hơn thôi. Mình biết xấu hổ hơn họ khi thấy thiên hạ đã bỏ mình quá xa rồi. Ai có lòng tự trọng chả nghĩ như thế. Mình quyết định mọi việc lớn mà khi có chuyện xảy ra lại đứng ngoài thì thậm vô lý. Người tự trọng không ai làm thế, nhất là khi người phải chịu đòn thay là người thân quý của mình. Việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Kiên xuất phát từ việc cụ thể như thế chứ nào có mưu đồ gì cho cam. Bây giờ thì lĩnh đủ đòn rồi! Cho dù một phần sự thật được phanh phui thì chắc gì vụ việc sẽ thay đổi. Chuyện làm mất uy tín của Bí thư chỉ là lý do được nêu lên, còn những lý do ngầm không được nêu lên, ai mà biết được. Anh nhớ hôm đồng chí phó bí thư trường trực Thành uỷ gặp trước khi đưa vụ của anh ra cuộc họp thường vụ. Ông ấy nói, không ra phê bình, cũng không phải là một lời khuyên, mà cũng chẳng phải là phân tích: "Kể ra, nếu có ý thức bảo vệ lãnh đạo thì đồng chí không nói chuyện ấy ra mới phải… Ngừng một tý, ông lại tiếp: "… Hoặc là trực tiếp báo cáo với Tổ chức Thành uỷ cũng được. Đằng này…". Một cách nhìn vấn đề như thế thì chả thể nói gì được. Mặc dù anh không hề định tố chuyện đất của Bí thư mà chỉ lấy việc ấy ra để bảo đảm cho việc chia đất ở Quận mình thôi. Chỉ bấy nhiêu đã đủ chết rồi. Một việc trực tiếp liên quan đến bí thư Thành ủy như thế nên khi đưa ra cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ thành phố biểu quyết, 100% đồng ý kỷ luật anh.

Đợi xem lại kỷ luật mình ư? Ai xem? Phải can đảm lắm mới dám làm. Mà xem ra mấy người mà anh tiếp xúc chả có ai có chút can đảm ấy. Một việc cỏn con như thế, cấp trên cũng chả để mắt tới, nếu anh không kêu. Mà Kiên thì chả kêu rồi. Anh dám chịu thất bại.

Để xem con tạo xoay vần đến đâu.

Đại Lải, 4.2005

HẾT