Luật 101 - Mọi Điều Bạn Cần Biết Về Pháp Luật Hoa Kỳ

Phần 2: Luật Hiến Pháp Và Các Vấn Đề Chính Trị Liên Quan Đến Hiến Pháp

Cách giải thích và áp dụng Hiến pháp 

Những người không biết gì về thủ tục tố tụng dân sự hoặc luật sở hữu vẫn có thể nhớ các yếu tố cơ bản của luật hiến pháp trong môn học về quyền và nghĩa vụ công dân ở năm lớp tám: phân chia quyền lực; kiểm soát và quân bình quyền lực; sự giám sát của tòa án; nguyên tắc xét xử công bằng và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật; tự do ngôn luận, tôn giáo, và báo chí. Và nếu họ không thể nhớ những gì họ đã học ở năm lớp tám, báo chí và thông tin trên truyền hình cũng sẽ nhắc họ về tầm quan trọng của luật hiến pháp. Liệu việc nạo phá thai có được bảo vệ theo hiến pháp? Có các biện pháp bảo vệ pháp lý nào? Chính phủ có thể giam giữ một công dân Mỹ trong nhà tù quân sự như một kẻ tình nghi khủng bố hay không? 

Mọi công việc mà chính phủ thực hiện đều bị ràng buộc bởi Hiến pháp. Luật Hiến pháp quy định các mối quan hệ giữa Tổng thống và Quốc hội, giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang. Và Luật Hiến pháp quy định khả năng của Chính phủ trong việc kiểm soát nạo phá thai, đánh thuế, xây dựng đường cao tốc, định rõ các khu vực trường học không sử dụng ma túy, và in ấn tem. Hơn nữa, mọi vấn đề nóng dường như đều đã trở thành một vấn đề của hiến pháp. Tính hợp hiến của việc chiếm hữu nô lệ hoặc các luật quy định số giờ làm việc tối đa và lương tối thiểu cho người lao động đã từng là vấn đề của hiến pháp; hiện nay là nạo phá thai, hình phạt tử hình, giam giữ chiến binh thù địch tại căn cứ Vịnh Guantanamo, và việc thể hiện Mười Điều Răn (The Ten Commandments). Trong giai đoạn cuối của cuộc bầu cử năm 2000, thậm chí ứng viên nào sẽ là tổng thống cũng trở thành một vấn đề của hiến pháp, điều đó thể hiện trong vụ kiện tụng dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Bush kiện Gore. Vậy theo luật hiến pháp chính phủ được tổ chức như thế nào? Chính phủ được quyền làm gì và không được làm gì? là xuất phát điểm thích hợp để chúng ta bắt đầu tìm hiểu về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.

Luật Hiến pháp là gì?

Luật Hiến pháp liên quan đến cách giải thích và áp dụng Hiến pháp Hoa Kỳ. Được soạn thảo năm 1787, Hiến pháp là một văn bản dài gần 4.400 từ, được chia thành bảy phần ngắn, gọi là các điều khoản. Đạo luật Nhân quyền (mười điều sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp) được sửa đổi bổ sung năm 1791 và kể từ đó chỉ có mười bảy điều sửa đổi nữa đã được bổ sung thêm trong hơn hai thế kỷ). Sẽ không mất nhiều thời gian để bạn làm việc mà một số người Mỹ thường làm đọc toàn bộ Hiến pháp từ đầu đến cuối.

Luật Hiến pháp dường như có thể dễ hiểu hơn. Nhưng mặc dù tính đơn giản của Hiến pháp hoặc có lẽ do tính đơn giản đó nghĩa của Hiến pháp và cách áp dụng Hiến pháp là chủ đề tranh luận nóng nhất về luật. Và luật hiến pháp thống nhất giữa tất cả các luật mà chúng ta sẽ xem xét trong cuốn sách này vì bốn lý do được trình bày dưới đây.

Thứ nhất, các luật có ảnh hưởng lẫn nhau. Luật sở hữu xác lập các quyền đối với mọi thứ như đất đai và tủ lạnh, và luật hợp đồng quy định cách chuyển nhượng các quyền này cho người khác. Luật về bồi thường thiệt hại do lỗi bất cẩn định quyền của một người bị thương tích được bồi thường thiệt hại từ người có hành vi bất cẩn và thủ tục tố tụng dân sự lập ra quá trình theo đó nạn nhân có thể được bồi thường. Nhưng luật hiến pháp có nội dung cơ bản và vị thế khác hơn so với các lĩnh vực luật khác. Luật hiến pháp không đề cập đến mối quan hệ giữa các cá nhân, trong khi luật sở hữu, hợp đồng và luật về bồi thường thiệt hại do lỗi bất cẩn lại điều chỉnh những vấn đề này. Thay vào đó, luật hiến pháp quy định cơ cấu và chức năng của chính phủ và mối quan hệ giữa chính phủ với mọi công dân. Luật hiến pháp cũng quy định các quyền tương đối của chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang, cấm chính phủ không được thực hiện một số hành động nhất định, chẳng hạn như các hành động xâm phạm đến tự do tín ngưỡng. Nhằm xác định và hạn chế các quyền của chính phủ, luật hiến pháp được đặt cao hơn mọi luật khác. Chính Hiến pháp cũng tuyên bố đó là “Luật tối cao của Quốc gia”. Bất kỳ luật tiểu bang hoặc luật liên bang nào về bất kỳ chủ đề nào hợp đồng, các hình phạt đối với tội phạm, quyên góp tranh cử, hoặc trường học công lập mà mâu thuẫn với Hiến pháp đều vô hiệu.

Thứ hai, các ngành luật khác dựa trên sự kết hợp giữa các quy định pháp luật và quyết định của tòa án đã tạo nên một nguồn lớn các quy tắc, nguyên tắc và lập luận. Chẳng hạn, luật hợp đồng bắt đầu như là một đối tượng luật chung được thẩm phán quyết định và được bao hàm trong nhiều quy định luật. Để quyết định một vụ kiện hợp đồng, tòa án có thể tìm kiếm nhiều nguồn phong phú, từ những án lệ cũ của Anh cho đến các quy định trong các đạo luật hiện đại của tiểu bang. Luật hiến pháp thì khác. Toàn bộ các quyết định theo hiến pháp cuối cùng đều dẫn chiếu đến một nguồn hạn chế duy nhất: văn kiện Hiến pháp cùng với các Tu chính án (các điều khoản sửa đổi).

Việc nhất thiết phải dẫn chiếu đến một văn kiện duy nhất làm cho luật hiến pháp có quá nhiều thách thức vì phạm vi rất rộng của các tình huống mà văn kiện này phải bao hàm. Khi bản văn hiến pháp đề cập đến một vấn đề hẹp và quá cụ thể, chúng ta không gặp vấn đề gì lớn trong việc áp dụng nó; nhưng bản văn Hiến pháp thường không rõ ràng và những vấn đề mà nó đề cập lại rất đa dạng, vì vậy chúng ta phải quyết định nghĩa của văn kiện và kết quả phát sinh từ văn kiện này trong từng trường hợp cụ thể. Đôi khi, thông qua hợp đồng thông thường, các từ ngữ mang một nghĩa nào đó không phải nghĩa của chúng. Tu chính án thứ nhất nêu rằng: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng”. Nhưng ngay cả nhà lập pháp khắt khe nhất cũng hiểu rằng Tu chính án này là để áp dụng với tổng thống hoặc các tòa án. Những tu chính án khác, các từ ngữ đưa ra cách diễn giải rộng hơn. Liệu quy định của hiến pháp, trong đó không tiểu bang nào có thể “từ chối bất kỳ người nào thuộc phạm vi tài phán của mình quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật”, có thể có nghĩa là một trường đại học công lập không thể ưu tiên nhận các sinh viên Mỹ gốc Phi nhằm đa dạng hóa cộng đồng sinh viên của mình?

Thứ ba, luật hiến pháp, rõ ràng hơn các ngành luật khác, nêu các vấn đề chính trị cơ bản và các lựa chọn về giá trị. Một trong những chủ đề chính của cuốn sách này là mọi người thuộc đối tượng của luật và mọi quyết định pháp lý đều có những giá trị quan trọng; chẳng hạn, luật về bồi thường thiệt hại do lỗi bất cẩn buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn quan trọng là người này phải xem xét mức độ quyền lợi của người khác. Nhưng trong luật hiến pháp, các vấn đề về giá trị thường ít rõ ràng hơn và vì vậy gây nhiều tranh cãi hơn. Nếu tất cả các ngành luật đều là những vấn đề chính trị trong một phạm vi nào đó, luật hiến pháp rõ ràng mang tính chính trị hơn các ngành luật khác. Có rất ít vấn đề đơn giản và không gây tranh cãi trong việc diễn giải và áp dụng Hiến pháp.

Thứ tư, trong các lĩnh vực luật khác, quá trình soạn thảo và áp dụng dường như rõ ràng và phù hợp. Các cơ quan lập pháp đặt ra các quy định luật và tòa án áp dụng các nội dung này để phán quyết từng vụ việc riêng rẽ. Trong luật hiến pháp, quy trình phán quyết cũng rõ ràng, nhưng liệu nó có phù hợp hay không thì vẫn còn tranh luận nhiều. Trong các lĩnh vực luật khác, quyền lực của tòa án được thực thi như đã trao, ngay cả khi tính đúng đắn của các kết quả mà tòa án đưa ra có thể không phải như vậy. Ngược lại, trong luật hiến pháp, các vấn đề trọng tâm gồm: tại sao thẩm phán là người xét xử chung thẩm trong luật hiến pháp và nguyên tắc nào mà họ sử dụng trong việc diễn giải và áp dụng Hiến pháp.

Khi văn kiện hiến pháp đòi hỏi sự diễn giải thì tòa án phải diễn giải, đặc biệt ở cấp liên bang. Nếu cần thiết, các vụ kiện sẽ được xem xét ở mức cao nhất, được chín thẩm phán của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xét xử. Nhưng các thẩm phán của Tòa án Tối cao là vị trí được chỉ định chứ không phải được bầu lên, và một khi đã được chỉ định thì họ giữ chức vụ suốt đời và không cần phải xem xét lại. Nếu luật hiến pháp liên quan đến các vấn đề chính trị cơ bản, tại sao những vấn đề này có thể do một thể chế không dân chủ như vậy quyết định đối với một xã hội dân chủ. Hơn nữa, những thể chế chính trị công khai hơn của chính phủ, như Quốc hội giải quyết các vấn đề chính trị thông qua hỏi ý kiến cử tri, được ủng hộ hoặc phản đối bởi những nhóm người quan tâm, xem xét bản thăm dò ý kiến, và tranh luận công khai những ý kiến tán thành và phản đối. Làm thế nào mà Tòa án Tối cao quyết định các vấn đề chính trị nóng hổi khi Tòa tách biệt rõ ràng với tiến trình chính trị?

Bốn đặc điểm khác biệt nêu trên của luật hiến pháp đều có nội dung chính được thảo luận trong chương này. Các vấn đề cơ bản nhất liên quan đến cơ cấu và thẩm quyền của chính phủ liên bang. Việc thông qua Hiến pháp đã tạo nên một chính phủ quốc gia và khẳng định cơ cấu tổ chức và quyền lực của chính phủ đó. Luật hiến pháp trước tiên quy định cách thức chính phủ liên bang được tổ chức thành ba ngành – lập pháp, hành pháp và tư pháp – và những công việc mà mỗi ngành và Chính phủ Liên bang nói chung có thể thực hiện. Về mặt khái niệm, ít nhất, chính phủ liên bang là một chính phủ có những quyền lực hạn chế và tối cao – hạn chế về các quyền được Hiến pháp trao, nhưng tối cao về phạm vi Hiến pháp. Vì vậy, việc xác định quyền lực của chính phủ quốc gia cũng định rõ các nguyên tắc của chế độ liên bang hoặc mối quan hệ giữa chính phủ quốc gia và các tiểu bang (Quyền lực của chính phủ quốc gia và chính quyền các tiểu bang cũng bị hạn chế do yêu cầu đảm bảo quyền tự do cá nhân theo hiến pháp, đặc biệt trong Đạo luật Nhân quyền và các Tu chính án bổ sung sau Nội chiến, sẽ được thảo luận ở Chương 3.) Lướt qua toàn bộ các chủ đề đặc biệt này là vấn đề diễn giải hiến pháp. Các tòa án liên bang, đặc biệt là Tòa án Tối cao, là nơi có thẩm quyền diễn giải Hiến pháp. Bằng thể thức nào họ quyết định về nghĩa của văn bản hiến pháp và cách thức áp dụng đối với một vụ kiện cụ thể?

Chúng ta thường nhớ đến Hiến pháp Hoa Kỳ khi nghĩ về luật hiến pháp, nhưng mỗi tiểu bang ở Hoa Kỳ có hiến pháp riêng và vì vậy cũng có loại luật hiến pháp riêng. Hiến pháp của các tiểu bang giống Hiến pháp liên bang về nhiều phương diện : chúng thiết lập cơ cấu của các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, thậm chí cả đạo luật nhân quyền. Nhưng luật hiến pháp của tiểu bang khác với luật liên bang về một số thể thức quan trọng.

Phần lớn hiến pháp của các tiểu bang dài và chi tiết hơn nhiều so với Hiến pháp liên bang. Chẳng hạn, Hiến pháp tiểu bang Alabama dầy hơn 600 trang gần gấp đôi cuốn sách này. Hiến pháp tiểu bang New Jersey năm 1947, một hiến pháp cải cách hiện đại, vẫn dài gần gấp ba lần Hiến pháp Hoa Kỳ.

Có một số yếu tố góp phần tạo nên quy mô đồ sộ của các văn bản hiến pháp tiểu bang. Chính phủ quốc gia là chính phủ với các quyền được quy định, có thẩm quyền được trao theo Hiến pháp, thường bằng ngôn từ không rõ ràng. Mặt khác, các tiểu bang vốn đã có thẩm quyền chi phối chung, vì vậy các hiến pháp tiểu bang có tính chất hạn chế quyền hơn là trao quyền, và các hạn chế thường được nêu rất cụ thể. Các hiến pháp tiểu bang cũng thường bao gồm các điều khoản đặc biệt không phải thuộc “hiến pháp” theo nghĩa là đưa ra hướng dẫn đối với những vấn đề cơ bản về các quyền hoặc tổ chức chính phủ. Một số điều khoản này đề cập đến các lĩnh vực là mối quan tâm đặc biệt đối với một tiểu bang. Idaho có các điều khoản trong hiến pháp về quyền liên quan đến nước sạch và vật nuôi, New Mexico có điều khoản về giáo dục song ngữ. Những điều khoản khác đơn giản chỉ là những vấn đề chi tiết mà một ai đó cho là thuộc hiến pháp; hiến pháp California gồm các hướng dẫn về phát biểu quan điểm trước tòa án. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là Hiến pháp quốc gia chỉ có thể được sửa đổi bổ sung thông qua một quy trình phức tạp và kể từ sau khi thông qua Đạo luật Nhân quyền năm 1791, chỉ có thêm 17 điều khoản được bổ sung. 

Nói chung, các sửa đổi bổ sung hiến pháp tiểu bang có thể được đề xuất bởi cơ quan lập pháp, ủy ban hiến pháp, hoặc kiến nghị của công dân và có thể được thông qua bằng cách trưng cầu dân ý. Hệ quả là các hiến pháp tiểu bang thường được sửa đổi bổ sung; chẳng hạn, hiến pháp bang Massachusett đã được sửa đổi bổ sung 120 lần. Quả thực, các hiến pháp tiểu bang có thể và thậm chí thường được thay thế; hiến pháp Georgia hiện nay là bản sửa đổi bổ sung lần thứ mười.

Các đạo luật nhân quyền trong các hiến pháp tiểu bang cũng chi tiết hơn nhiều và quan trọng hơn Đạo luật Nhân quyền Liên bang trên một số phương diện. Thay vì bổ sung vào phần nội dung chính của Hiến pháp giống như Hiến pháp Liên bang, các đạo luật nhân quyền của tiểu bang thường hay xuất hiện ở phần đầu. Truyền thống này có từ các hiến pháp tiểu bang đầu tiên, gồm các văn kiện nổi tiếng như Tuyên ngôn Nhân quyền của bang Virginia, một hình mẫu của Đạo luật Nhân quyền trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Những văn kiện đầu tiên này gồm các điều khoản bảo đảm các quyền của con người cũng như các tuyên bố về nguyên tắc của chính phủ mang tính khích lệ. Chẳng hạn, lời giới thiệu trong Đạo luật Nhân quyền của bang Pennsylvania là: cơ quan lập pháp gồm “những người xuất sắc về trí tuệ và phẩm chất”. Ngày nay, các đạo luật nhân quyền tiểu bang có nội dung giống Đạo luật Nhân quyền Liên bang hơn nhưng được bổ sung theo hai phương thức quan trọng. Các đạo luật nhân quyền tiểu bang thường quy định những biện pháp bảo vệ giống như Đạo luật Nhân quyền Liên bang nhưng chi tiết hơn. Ví dụ, hiến pháp bang Louisiana ngăn cấm “hình phạt dã man và bất thường”, một hạn chế tương tự với việc ngăn cấm “hình phạt dã man và bất thường” trong Tu chính án thứ 8, nhưng hiến pháp bang Louisiana còn cấm hình phạt “quá đáng”, một quy định pháp luật mà Tòa án Tối cao Louisiana đã diễn giải theo nghĩa là các hình phạt phải tương xứng với tội phạm. Và các hiến pháp tiểu bang nêu rõ nhiều quyền không được bảo đảm theo Hiến pháp Liên bang; mười một hiến pháp tiểu bang có quy định rõ quyền riêng tư mà Tòa án Tối cao cho rằng quyền này đã được ngụ ý trong Đạo luật Nhân quyền (được phân tích tại Chương 3), và hiến pháp của ba mươi chín tiểu bang bảo đảm quyền được tiếp cận với biện pháp bồi thường theo luật định đối với những người bị xử lý oan sai.

Tuyên bố về các quyền trong hiến pháp tiểu bang, mà rộng hơn là các quyền được trao theo Hiến pháp Hoa Kỳ, đã dẫn đến việc Thẩm phán William Brennan gọi là “chế độ liên bang tư pháp mới”. Trong một thời gian dài, các luật sư và công chúng nói chung dựa phần lớn vào các tòa án liên bang trong việc bảo vệ các quyền cá nhân. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1970 đã dấy lên làn sóng quan tâm đến luật hiến pháp tiểu bang như một nguồn độc lập về định nghĩa và khả năng mở rộng các quyền. Kể từ đó, các tòa án tiểu bang đã chủ động tham gia áp dụng hiến pháp tiểu bang đối với những tình huống giống và không giống với các tình huống được các tòa án liên bang giải quyết.

Chẳng hạn, trong một vụ kiện năm 1988, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng không ai cho là có điều bí mật trong các túi đựng rác vứt ở bãi rác, vì vậy, khi cảnh sát lục soát đống rác để thu thập chứng cứ phạm tội thì không tạo thành một vi phạm theo Tu chính án Thứ tư (vụ Tiểu bang California kiện Greenwood). Bốn năm sau, một vụ việc tương tự xảy ra ở Tòa án Tối cao của tiểu bang New Jersey trong vụ Tiểu bang kiện Hempele (1990). Dựa vào manh mối của một người cung cấp tin tức, cảnh sát đã lấy các túi rác ở bên ngoài ngôi nhà của Conrad và Sharon Hempele và phát hiện có một lượng nhỏ cần sa, cocain và một loại ma túy tổng hợp. Vợ chồng Hempele lập luận rằng việc lục soát đống rác đã vi phạm hiến pháp của tiểu bang New Jersey. Hiến pháp này quy định ngăn cấm “việc lục soát và bắt giữ bất hợp lý” tương tự như trong Tu chính án Thứ tư, nhưng tòa án New Jersey cho rằng quả thực người ta có thể cho là có điều bí mật riêng tư nằm trong đống rác. Thẩm phán Robert Clifford viết: “Các dấu vết về đặc điểm và công việc riêng tư nhất của con người có thể được phát hiện trong rác của họ. Giống như việc lục soát những chiếc ngăn kéo bàn hoặc chặn nghe các cuộc điện thoại, việc lục soát đống rác có thể tiết lộ vị thế nghề nghiệp hoặc tài chính, sự liên kết và xu hướng chính trị, các tư tưởng riêng, mối quan hệ cá nhân và sở thích lãng mạn của đối tượng”. Ông công nhận phán quyết trái ngược của Tòa án Tối cao, nhưng chỉ ra trách nhiệm độc lập của các tòa án tiểu bang bằng những từ ngữ khá hoa mỹ. “Mặc dù Tòa án đó có thể là sao Bắc đẩu dẫn đường khi chúng ta đang lái con tàu Hiến pháp của tiểu bang New Jersey, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự di chuyển an toàn cho con tàu của chúng ta. Đôi mắt chúng ta không được quá tập trung vào ngôi sao đó đến nỗi chúng ta đánh liều tính mạng của hành khách vào những nguy hiểm ngấm ngầm của học thuyết hiến pháp. Để giải thích Hiến pháp của tiểu bang New Jersey, chúng ta phải quan sát trước mặt và trên đầu chúng ta”. Trước đây, hai thẩm phán đã bất đồng quan điểm bởi vì họ tin vào “các giá trị của chế độ liên bang” yêu cầu tòa án trì hoãn phán quyết của Tòa án Tối cao. Ngôn từ trong các điều khoản của hiến pháp liên bang và tiểu bang giống nhau và không có cơ sở về lịch sử hoặc chính trị để phân biệt chúng. Sự khác biệt trong cách giải thích của liên bang sẽ gây nhầm lẫn cho công chúng cảnh sát địa phương có thể không được lục soát bãi rác nhưng nhân viên Cục Điều tra Liên bang có thể và sẽ làm suy yếu quyền lực lãnh đạo của Tòa án Tối cao với tư cách là “cơ quan bảo vệ quyền tự do của chúng ta”.

Bảo vệ việc lục soát và bắt giữ bất hợp lý là quyền thông thường của hiến pháp liên bang và tiểu bang, mặc dù tòa án liên bang và tiểu bang có thể giải thích quyền này theo cách khác nhau. Tuy nhiên, các hiến pháp tiểu bang gồm những nguồn rộng về các quyền hơn Hiến pháp liên bang. Các tòa án tiểu bang đã áp dụng các quyền này để đưa ra giới hạn bồi thường trong các vụ kiện về thương tích cá nhân như việc vi phạm quyền tiếp cận với tòa án, yêu cầu mở rộng các thành phố nhằm cung cấp nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, và buộc nhà nước phải cấp ngân sách đặc biệt cho các khu vực trường học ở đô thị nghèo, và nhiều vấn đề khác.

Những vụ kiện gây nhiều tranh cãi nhất kiểu như trên đều nêu lên vấn đề là liệu có quyền nào theo hiến pháp tiểu bang về kết hôn giữa những người đồng tính. Năm 1999, Tòa án Tối cao bang Vermont đã cho rằng theo Điều khoản về các Quyền lợi chung của Hiến pháp Vermont, các cặp đồng giới không bị từ chối các quyền kết hôn theo luật pháp (vụ Baker kiện Tiểu bang). Tòa án đã hướng dẫn cho cơ quan lập pháp sửa lại quy định trái với hiến pháp, và cơ quan này đã thực hiện bằng cách định nghĩa lại rằng: việc kết hôn là giữa một nam giới và một nữ giới nhưng thiết lập một luật kết hợp dân sự có vị thế pháp lý tương đương. Sau đó, Tòa án Tối cao tiểu bang Massachusetts, trong vụ Goodridge kiện Sở Y tế Cộng đồng (2003), cho rằng việc cấm kết hôn đồng tính đã vi phạm các điều khoản về nguyên tắc xét xử công bằng và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật trong hiến pháp tiểu bang. Việc kết hôn được hưởng nhiều quyền lợi lớn theo quy định của pháp luật, từ quyền lợi về tài chính như cùng nộp thuế thu nhập và chung quyền thừa kế; cho đến những lợi thế không phải là tài chính, bao gồm giả định về tỷ lệ con cái và đặc quyền không phải chứng minh là vợ chồng trước tòa. Việc kết hôn cũng đem lại những quyền lợi không được pháp luật quy định: “Kết hôn dân sự đồng thời là cam kết sâu sắc của cá nhân đối với người khác và là sự tán dương của công chúng đối với những ý tưởng về sự phụ thuộc lẫn nhau, tình bạn bè, sự thân mật, trung thành, và gia đình,… Quyết định được kết hôn hay không và kết hôn với ai là những quyền tự thân quan trọng trong cuộc sống”. Vì vậy, tiểu bang không thể hạn chế việc kết hôn đối với các cặp khác giới trừ khi tiểu bang có lý do hợp pháp để thực hiện việc này. Tiểu bang lập luận rằng những lý do mà tiểu bang đưa ra là nhằm tạo “sự chuẩn bị thuận lợi cho việc sinh đẻ”, bảo đảm sự chuẩn bị tối ưu cho đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình có cả bố và mẹ, với bố và mẹ khác giới, và bảo vệ các nguồn tài chính bởi vì các cặp cùng giới thường độc lập về mặt tài chính hơn và do vậy ít nhu cầu về quyền lợi tài chính từ việc kết hôn hơn như nộp kê khai thuế chung. Tòa án bác bỏ từng lập luận của tiểu bang và sau đó kết luận rằng hành vi kết hôn là “sự kết hợp tình nguyện giữa hai người như là vợ chồng”; không giống như ở Vermont, việc thông qua luật kết hợp dân sự như là một phương pháp lựa chọn cho việc kết hôn sẽ không đáp ứng các quy định trong hiến pháp.

Những phản ứng đối với vụ Goodridge đầy kịch tính. Ở Massachusetts, hơn một nghìn cặp đồng giới nam và đồng giới nữ đã xin cấp giấy kết hôn vào ngày đầu tiên khi luật có hiệu lực. Ở cấp quốc gia, sự vận động ban hành các sửa đổi hiến pháp liên bang quy định kết hôn giữa nam giới và nữ giới đã có động lực, và chủ đề này trở thành một vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004. Nhưng, vì là ở bang Vermont và Massachussets, nên luật hiến pháp tiểu bang là căn cứ chính để tranh luận. Các tòa án tối cao tiểu bang ở Connecticut, Iowa và California phán quyết rằng việc hạn chế kết hôn đối với các cặp khác giới là không đúng với hiến pháp. Phán quyết của California đã khiến cho sáng kiến bỏ phiếu kín thành công, Dự luật 8 đã bảo lưu hiệu lực phán quyết của tòa án. Tòa án Tối cao tiểu bang California, lại áp dụng hiến pháp tiểu bang California, và cho rằng Dự luật 8 có hiệu lực, khôi phục lại việc cấm kết hôn đồng tính nam nhưng duy trì hiệu lực của trường hợp kết hôn đã được thực hiện trong thời gian sáu tháng kể từ quyết định đầu tiên của tòa án cho đến khi ban hành Dự luật 8 (vụ Strauss kiện Horton, 2009).

Tại sao chúng ta cần luật hiến pháp?

Đây có vẻ là một câu hỏi kỳ quặc. Chúng ta đã quen thuộc với luật hiến pháp đến mức chúng ta rõ ràng cần nó: để tổ chức cơ cấu chính phủ và bảo vệ các quyền tự do công dân. Và dù có cần nó hay không, chúng ta vẫn có luật hiến pháp. Hiến pháp vẫn tồn tại và là văn kiện nền tảng của hệ thống chính trị của chúng ta.

Mặc dù bất kỳ vấn đề nào trong luật cũng không phải chắc chắn xảy ra hoặc là cần thiết. Các quốc gia khác vẫn cố gắng để có một hệ thống chính trị dân chủ và nhiều quyền tự do dân sự mà không có hình thức chủ nghĩa hợp hiến như Mỹ. Chẳng hạn, Vương quốc Anh không có hiến pháp thành văn hoặc sự giám sát của tòa án về lập pháp. Nếu vẫn băn khoăn rằng: liệu chúng ta có cần luật hiến pháp? thì thực chất câu hỏi này phải được diễn đạt lại là: loại luật hiến pháp nào thực sự cần cho chúng ta?

Để hoàn thành các công việc đòi hỏi cả tập thể mà ta không thể thực hiện riêng lẻ, cần phải thành lập hoặc hỗ trợ một chính phủ để hành động thay mặt chúng ta. Chính phủ tạo điều kiện cho các hành động tập thể, chẳng hạn, giúp ta huy động các nguồn vốn để xây dựng trường học, tuyển dụng giáo viên và cung cấp hệ thống giáo dục công cho tất cả mọi người. Chính phủ thiết lập hệ thống an ninh, bảo vệ chúng ta khỏi tội phạm, những người buôn bán gian lận, các nhà sản xuất thuốc nguy hại, và các lực lượng khủng bố nước ngoài.

Để thực hiện những việc nêu trên, chính phủ phải vững mạnh. Chính phủ cần có quyền bắt buộc người dân nộp thuế để chi trả cho các trường học, đặt ra quy định đối với các công ty thuốc, phạt những người buôn bán gian lận, bỏ tù những người hay lừa gạt, và duy trì quân đội và hải quân. Một chính phủ có nhiều quyền lực như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề trong chính bản thân nó. Làm cách nào chúng ta bảo đảm rằng chính phủ sẽ không đánh thuế vượt mức khả năng của chúng ta, áp dụng các quy định cồng kềnh bất hợp lý đối với các doanh nghiệp nhỏ, bắt giam không đúng người đúng tội, hoặc sử dụng quân đội để đàn áp sự bất đồng chính kiến?

Có một cách thức hữu hiệu để chúng ta kiểm soát được quyền lực của chính phủ là biến chính phủ ấy thành một chính phủ dân chủ. Người dân kiểm soát chính phủ dân chủ, vì vậy chính phủ không thể thực hiện việc mà người dân không muốn hoặc vi phạm quyền của họ. Nhưng ngay cả khi chế độ dân chủ tồn tại và người dân có quyền kiểm soát thực sự đối với chính phủ (một vài người có thể hoài nghi khả năng này trong nhà nước Mỹ hiện đại) thì vẫn có một nguy cơ tiềm ẩn. Một yếu tố cần thiết của luật hiến pháp là bảo vệ các quyền của người thiểu số và các cá nhân trước sự tấn công của đa số. Luật hiến pháp không chỉ bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình dân chủ mà còn phải bảo vệ những người thiểu số, những người biểu tình, những người chống đối và những người có quan điểm trái ngược với đa số của tiến trình dân chủ.

Luật hiến pháp quy định chặt chẽ sự mâu thuẫn giữa việc trao quyền và hạn chế chính phủ. Luật hiến pháp còn trả lời các câu hỏi như: Chính phủ được tổ chức như thế nào? Chính phủ có quyền đến đâu? Những quy trình nào chính phủ phải tuân thủ trong quá trình thực thi quyền đó? Những lĩnh vực nào trong cuộc sống của người dân mà chính phủ không được xâm phạm? Luật hiến pháp không chỉ xem xét các vấn đề này và không bao giờ giải quyết chúng một cách triệt để mà còn đưa ra quy trình để đấu tranh với vấn đề đó.

Nhưng luật hiến pháp thực hiện công việc đó như thế nào? Quả là hữu ích khi cho rằng luật hiến pháp là một quy trình. Luật hiến pháp cung cấp ngôn từ và diễn đàn để thảo luận các vấn đề quan trọng. Ngôn từ của luật hiến pháp bắt đầu bằng văn kiện Hiến pháp và mở rộng sang các án lệ giải thích văn kiện đó và các nguyên tắc có thể được rút ra từ đó. Các vấn đề xã hội và chính trị quan trọng thường được trình bày theo ngôn từ này: phân chia quyền lực; chế độ liên bang; tự do ngôn luận; nguyên tắc xét xử công bằng. Các luật sư cho rằng đây là một ngôn từ pháp lý riêng biệt mà chỉ có các nhà chuyên môn mới nói, nhưng trên thực tế, những tranh luận về hiến pháp được tiến hành không chỉ bởi tòa án và luật sư mà còn bởi các quan chức chính phủ khác, các nhóm lợi ích và công chúng nói chung.

Tranh luận về hiến pháp diễn ra bằng ngôn từ ở nhiều nơi, nhưng trong truyền thống hiến pháp của Mỹ đã chỉ định các tòa án đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ là diễn đàn có thể giải quyết những tranh cãi. Tòa án gần như không thuộc đảng phái chính trị nào nhưng nó kiểm soát từ xa các ảnh hưởng chính trị trực tiếp hơn là các ngành khác của chính phủ, vì các thẩm phán của Tòa án có chức năng hạn chế và giữ chức vụ của họ đến hết đời. Tòa án không phải lúc nào cũng giải quyết mọi vấn đề, nhưng các lập luận được đưa ra trước Tòa án và phán quyết của Tòa án trong các vụ kiện theo hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu phân tích và giải quyết các vụ tranh cãi lớn.

Hãy lấy ví dụ về một số vụ kiện điển hình và không điển hình được giải quyết theo Hiến pháp về vấn đề chủng tộc ở Mỹ. Trong cuộc tranh cãi sôi nổi về vấn đề chiếm hữu nô lệ là nguyên nhân dẫn đến cuộc Nội chiến, một nô lệ tên là Dred Scott kiện lên tòa án liên bang vì cho rằng mình có quyền được tự do vì đã sống với ông chủ tại Lãnh thổ Illinois và Wisconsin trước khi họ trở lại quê hương của ông chủ ở Missouri. Illinois là một tiểu bang tự do và chiếm hữu nô lệ bị cấm ở Lãnh thổ Louisiana nằm ở phía bắc vĩ tuyến 36030’ theo Thỏa ước Missouri năm 1820; Scott lập luận rằng một khi anh đã đặt chân lên một tiểu bang và một lãnh thổ nơi anh được tự do theo luật pháp, anh sẽ không thể bị bắt làm nô lệ khi quay trở lại Missouri, một tiểu bang chấp nhận chế độ nô lệ. Chiếm hữu nô lệ là một vấn đề có tầm quan trọng đối với quốc gia, có quy mô chính trị, đạo đức và kinh tế lớn, nhưng trong vụ Scott kiện Sandford (vì vụ kiện của Dred Scott là điển hình tại Tòa án Tối cao) vấn đề này được trình bày bằng các thuật ngữ hiến pháp.

Trong bản ý kiến pháp lý năm 1857 của Chánh án Roger Taney, Tòa án cho rằng người da đen như Scott không phải là “những công dân” thuộc phạm vi nội hàm của các Điều III và IV của Hiến pháp, và vì vậy anh không thể đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang; thậm chí đáng chú ý hơn, tòa án xác định rằng Thỏa ước Missouri không hợp hiến. Theo quan điểm của Taney, tại thời điểm hình thành Hiến pháp, người da đen được “coi là tầng lớp thấp kém và hèn mọn” không thuộc phạm vi mà Tuyên ngôn Độc lập đã nêu ra là: “mọi người đều có quyền bình đẳng”, và vì vậy không thuộc nhóm những người được coi là công dân có thể kiện lên tòa án liên bang. Và ngay cả khi Quốc hội đã thận trọng soạn thảo Thỏa ước Missouri như là một trong hàng loạt quyết định chính trị để cân bằng quyền lợi giữa miền Bắc và miền Nam, Quốc hội đã vượt quá thẩm quyền theo hiến pháp trong việc này. Một khi những người định cư ở một lãnh thổ tổ chức chính phủ riêng của họ, Quốc hội không thể xây dựng luật cho lãnh thổ đó.

Vụ kiện của Dred Scott minh họa cho bản chất và hạn chế của luật hiến pháp. Nô lệ là một vấn đề gây quan ngại lớn kể từ khi lập nước, được quy định trong các điều khoản thỏa ước trong Hiến pháp và là chủ đề tranh luận tại Quốc hội, tòa án, và toàn quốc gia nói chung. Vì trong vụ Dred Scott, các tranh luận đã đề cập đến những vấn đề hiến pháp quan trọng và được viện dẫn bằng ngôn ngữ hiến pháp cũng như bằng các thuật ngữ đạo đức, chính trị và kinh tế. Vậy Quốc hội có quyền lập pháp nào liên quan đến tình trạng nô lệ hoặc tự do của các lãnh thổ và các tiểu bang mới được công nhận? Một tiểu bang có thẩm quyền đến đâu nhằm cấm nô lệ hoặc ngăn ngừa có hiệu quả việc đi lại của các ông chủ và nô lệ qua biên giới của mình? Liệu người da đen có phải là thành viên của một cộng đồng theo hiến pháp và có quyền kiện lên tòa án liên bang? Quyền sở hữu của ông chủ đối với nô lệ của mình có thể bị luật pháp một tiểu bang tước mất?

Tranh luận về các thuật ngữ hiến pháp cũng diễn ra khắp bên ngoài phòng xử án. Abraham Lincoln và Stephen Douglas bất đồng với nhau về vụ Dred Scott và bản chất của quyền theo hiến pháp trong các cuộc tranh luận nổi tiếng của họ suốt chiến dịch tranh cử vào Thượng viện năm 1858. Douglas khẳng định tính chung thẩm trong phán quyết của Tòa án: “Khi phán quyết được đưa ra, ý kiến riêng của tôi, ý kiến riêng của các bạn, toàn bộ ý kiến khác phải phục tùng tính nghiêm minh của phán quyết có căn cứ đó”. Lincoln lập luận rằng các ngành khác của chính phủ có thể đưa ra cách giải thích Hiến pháp riêng: “Nếu tôi là dân biểu Quốc hội và bỏ phiếu về vấn đề bãi bỏ nô lệ ở một lãnh thổ mới, mặc cho phán quyết của vụ Dred Scott, tôi sẽ bỏ phiếu tán thành”.

Tranh chấp này là yếu tố trọng tâm của chủ nghĩa hiến pháp Mỹ liệu Tòa án Tối cao có phải là cơ quan có thẩm quyền cao nhất về diễn giải hiến pháp. Nửa thế kỷ trước vụ Dred Scott, chính Tòa án Tối cao đã công bố những lời cuối cùng về diễn giải hiến pháp và hệ thống chính trị đã công nhận. Tuy nhiên, phản ứng chính trị đối với vụ Dred Scott đã chứng minh những hạn chế về vai trò của Tòa án. Chánh án Taney rõ ràng hy vọng rằng phán quyết vụ Dred Scott sẽ giải quyết dứt điểm tranh cãi trên cả nước về nô lệ. Nhưng điều mà các ngành chính trị không thể thực hiện trong Thỏa ước Missouri và Thỏa ước năm 1850 thì ngành tư pháp không thể thực hiện thông qua phán quyết của mình. Thay vì đưa ra cách giải quyết, vụ Dred Scott chỉ châm ngòi thêm sự giận dữ và chẳng bao lâu đã dẫn đến nội chiến.

Mặc dù Tòa án Tối cao đã không giải quyết được vấn đề nô lệ bằng việc xét xử theo hiến pháp, vấn đề chủng tộc vẫn được coi là một vấn đề của hiến pháp sau Nội chiến. Các điều khoản hiến pháp mới Tu chính án thứ 13, 14 và 15 được cho là phương tiện để chấm dứt chế độ nô lệ, ngăn chặn phân biệt chủng tộc, và bảo đảm quyền tham gia chính trị của người da đen. Tu chính án thứ 14 có tầm quan trọng đặc biệt, tập trung vào những khái niệm trong Hiến pháp ban đầu và Đạo luật Nhân quyền nhằm bảo đảm quyền công dân của nô lệ mới được tự do (Dred Scott thắng thế), đặc quyền và miễn trừ của các công dân, nguyên tắc xét xử công bằng trước pháp luật, và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Các Tu chính án Kiến thiết đã trao quyền cho chính phủ để xóa bỏ các tàn dư của chế độ nô lệ và hạn chế khả năng của chính phủ trong việc phân biệt đối xử hoặc can thiệp vào đời sống của công dân. 

Việc diễn giải các điều khoản này trong nhiều thế kỷ sau đó vẫn không thống nhất về nguyên tắc hoặc kết quả. Chẳng hạn, trong hai vụ kiện nổi tiếng, đầu tiên Tòa án đã cho phép đối xử phân biệt chủng tộc trên các toa xe lửa (vụ Plessy kiện Ferguson, 1896) và sau đó cấm phân biệt chủng tộc tại các trường học (vụ Brown kiện Ủy ban Giáo dục, 1954). Một điều đáng chú ý là không cần kể lại câu chuyện dài và phức tạp này, nhưng với vụ Dred Scott, tại tòa án và tại các diễn đàn công cộng, tranh luận về chủng tộc được tiếp tục với sự trợ giúp của các nguyên tắc hiến pháp này. Việc xác định “quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật” theo Tu chính án thứ 4 tìm hiểu sự bình đẳng có nghĩa như thế nào và chính phủ có thể hoặc phải làm gì để tạo sự bình đẳng hay ngăn ngừa và khắc phục sự bất bình đẳng là một câu hỏi trọng tâm tại cuộc tranh luận về chủng tộc. Liệu một tiểu bang có dành phần công việc nào trong một dự án xây dựng cho các nhà thầu thuộc nhóm người thiểu số? Liệu trường luật có thể ưu tiên cho các thí sinh da đen nhằm tăng sự đa dạng hóa cộng đồng sinh viên của mình?

Với những câu hỏi như trên, việc tranh luận thường được tiến hành một phần thông qua diễn thuyết về hiến pháp và phần trả lời được đưa ra theo các quyết định của tòa án. Tuy nhiên, tranh luận diễn ra khắp bên ngoài phòng xử án và ngoài phạm vi luật hiến pháp sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan lập pháp, quá trình tranh cử, phương tiện truyền thông, và tình cảm của công chúng.

Vì vậy, luật hiến pháp cung cấp một vốn khái niệm và quy trình để giải quyết các vấn đề quan trọng. Đó không phải vốn từ vựng duy nhất hoặc quy trình duy nhất, nhưng đó là vốn từ và quy trình quan trọng và quen thuộc trong hơn hai trăm năm, dù đã có những sửa đổi.

Tòa án Tối cao quyết định hàm nghĩa của Hiến pháp như thế nào?

Trong việc áp dụng Hiến pháp, Tòa án Tối cao xác định và hạn chế các quyền của chính phủ. Nhưng điều gì hạn chế thẩm quyền của Tòa án? Giả sử Tòa án quy định rằng từ nay trở đi Tòa án sẽ trao cho Quốc hội ngân sách lớn dành cho việc phát triển các đường cao tốc, hoặc giả sử Tòa án phán quyết rằng tất cả người Mỹ phải đến một nhà thờ Công giáo La Mã vào mỗi Chủ nhật hàng tuần. Điều gì đã kiềm chế Tòa án ra các quyết định kỳ quặc xâm phạm quyền chính đáng của công dân?

Như những giả thuyết vô lý này cho thấy, chính Tòa án Tối cao cũng bị hạn chế bởi các thực tế chính trị. Nếu Tòa án cố gắng chỉ đạo Quốc hội rót tiền vào các dự án đường cao tốc hoặc buộc người dân đi lễ nhà thờ, kết quả là tranh luận sôi nổi sẽ bị nhấn chìm trong các quan điểm của Tòa án. Tòa án không thể ép buộc tuân thủ các quyết định của mình, thẩm quyền theo hiến pháp của Tòa án được dựa vững trên truyền thống tôn trọng thẩm quyền tư pháp và quy tắc áp dụng luật theo văn hóa của Mỹ. Việc tôn trọng này dựa trên niềm tin rằng khi áp dụng Hiến pháp, các thẩm phán của Tòa án Tối cao không trình bày quan điểm riêng của mình một cách đơn giản rằng luật nào nên áp dụng. Nói đúng hơn, chính Hiến pháp đã dẫn dắt việc ra quyết định của Tòa án. Những quy định nằm trong văn kiện Hiến pháp hoặc chính việc diễn giải ý nghĩa của nó đã có tác dụng kiểm soát hoặc hạn chế những điều mà Tòa án có thể thực hiện trong một vụ kiện cụ thể. Đúng như giải thích của Tòa án, Hiến pháp quy định thẩm quyền của các ngành còn lại của chính phủ, nhưng chính Hiến pháp đã hạn chế thẩm quyền của Tòa án.

Mặc dù, vấn đề là ở chỗ văn kiện hiến pháp ngắn gọn, xúc tích và không rõ nghĩa, nhưng Tòa án phải vận dụng văn kiện đó để định đoạt một loạt vụ kiện lớn. Chẳng hạn, Điều I, phần 8, khoản 3 trao quyền cho Quốc hội: “Để quy định thương mại với nước ngoài, và giữa các Tiểu bang khác nhau, và với các Bộ tộc Da đỏ”. Bằng cách nào Tòa án biết được và giải thích được điều khoản này hàm nghĩa là Quốc hội có thể không tuân theo luật tiểu bang và cấm việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế? (Tòa án cho biết Quốc hội có thể, bởi vì ngay cả khi việc trồng và sử dụng cần sa đáp ứng riêng cho các mục đích y tế thì hành động này cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách kiểm soát thuốc phiện của quốc gia.) Hoặc hãy xem xét vụ kiện nạo phá thai Roe kiện Wade. Dựa trên căn cứ nào Tòa án kết luận rằng Hiến pháp cho phép một phụ nữ lựa chọn tự nguyện nạo phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhưng Hiến pháp cũng cho phép tiểu bang quy định chấp nhận hoặc cấm nạo phá thai khi bào thai đang phát triển? Hoặc hãy xem xét vụ Brown kiện Ủy ban Giáo dục năm 1954 mà từ đó đã dẫn đến việc ban hành lệnh xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong các trường công. Ngày nay, hầu như mọi người đồng ý rằng quyết định đó là đúng và là một bước ngoặt trong sự phát triển công bằng xã hội ở Mỹ. Nhưng làm thế nào mà Tòa án có thể viện dẫn rằng các trường phân biệt chủng tộc đã vi phạm điều khoản về quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật tại Tu chính án thứ 4, khi mà Quốc hội, cơ quan đã thông qua tu chính án này lại cho phép các trường phân biệt chủng tộc tồn tại ở Quận Columbia? 

Không có chỗ nào trong Hiến pháp đề cập đến cần sa, nạo phá thai, phân biệt chủng tộc hoặc trường học. Nhưng Tòa án phải phán quyết các vụ kiện liên quan đến những chủ đề nêu trên và hàng ngàn chủ đề khác. Học thuyết diễn giải hiến pháp rất cần thiết đối với luật hiến pháp, nhưng bản thân Hiến pháp không hướng dẫn cách diễn giải nội dung của Hiến pháp. Vì vậy, việc diễn giải giống như quan điểm nêu trên là mối quan tâm lớn của các thẩm phán và học giả.

Việc giải thích Hiến pháp sẽ dễ hơn nếu nghĩa của Hiến pháp được nêu rõ ràng ngay trong văn kiện Hiến pháp. Thật đáng tiếc, trong trường hợp này hoàn toàn không phải như vậy. Hầu hết các điều khoản của hiến pháp đều không rõ ràng, giống như các điều khoản thương mại. Ví dụ, việc Quốc hội quy định thương mại “giữa các tiểu bang khác nhau” không nói cho chúng ta biết liệu việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế trong phạm vi tiểu bang có bao gồm trong quyền thương mại giữa các tiểu bang của Quốc hội hay không. Hơn nữa, đôi khi chúng ta bỗng thấy rằng Hiến pháp không chỉ hàm chứa trong những gì nó diễn đạt. Tu chính án thứ nhất quy định rằng “Quốc hội sẽ không soạn thảo luật… hạn chế tự do ngôn luận”, nhưng toàn bộ các luật sư về hiến pháp đều đồng ý rằng việc ngăn cấm hợp hiến này được áp dụng cả với Tổng thống và hệ thống Tòa án, thậm chí dù vấn đề này không được quy định cụ thể. Vì bản thân các từ ngữ không bao giờ có đủ hàm nghĩa nên chúng ta cần phải tìm cách để diễn giải chúng.

Cuộc tranh luận lớn về các học thuyết diễn giải hiến pháp là giữa các thẩm phán và học giả, những người cho rằng Hiến pháp nên được diễn giải trong phạm vi hẹp, chỉ theo nghĩa của nhà lập pháp hoặc cách hiểu các điều khoản của hiến pháp tại thời điểm thông qua. Và nhiều người khẳng định rằng chúng ta phải xem xét hơn nữa nghĩa và cách hiểu này. Học thuyết trước đây cho rằng Hiến pháp có “bản chất và nghĩa không thay đổi” như Thẩm phán David Brewer viết (vụ South Carolina kiện nước Mỹ, 1905), được biết đến như là học thuyết nguyên thủy hoặc học thuyết diễn giải; học thuyết diễn giải này được biết đến như là học thuyết không nguyên thủy và đôi khi được coi là nền móng tư tưởng Hiến pháp sống.

Đối với các học giả theo đuổi học thuyết nguyên thủy, việc tôn trọng khái niệm gốc của các điều khoản trong hiến pháp là bắt buộc theo cơ cấu Hiến pháp và có tác dụng giữ cho các thẩm phán không phải chạy đuổi theo những cách giải thích nghĩa khác. Các nhà lập hiến, hành động đại diện cho người dân, trao các quyền cho chính phủ liên bang. Quyền giám sát tư pháp thuộc một trong những quyền này. Nhưng không cơ quan nào trong chính phủ, kể cả tòa án, có thể vượt quá phạm vi các quyền đã được trao, vì vậy Tòa án Tối cao luôn phải tôn trọng quan điểm của các nhà lập pháp khi đưa ra các phán quyết. 

Các học giả theo học thuyết nguyên thủy cho rằng việc tôn trọng khái niệm gốc này còn hơn cả sự cần thiết về mặt pháp lý dựa trên cơ cấu Hiến pháp; đó đồng thời là một sự cần thiết về mặt thực tiễn. Nghĩa gốc tạo một cơ sở vững chắc cho các phán quyết hợp hiến. Như Thẩm phán Scalia, một học giả về học thuyết nguyên thủy nổi bật nhất đương thời, đã viết, “học giả về học thuyết nguyên thủy ít nhất phải biết anh ta đang tìm cái gì: nghĩa gốc của văn kiện. Quả thực, tôi dám chắc, nó thật dễ phân biệt và đơn giản để áp dụng”. Một khi Tòa án đi quá xa cơ sở này, Tòa án cần phải viện đến các phương tiện khác ngoài việc xác định cách hiểu của các nhà lập pháp một vài phương tiện như học thuyết chính trị, học thuyết kinh tế hoặc học thuyết pháp lý về kết quả sẽ là đáp án đúng trong trường hợp này. Nhưng có quá nhiều học thuyết như vậy đang tồn tại tự do, bảo thủ, và các học thuyết khác và một thẩm phán không có cơ sở để lựa chọn giữa các học thuyết nêu trên ngoài những học thuyết mà mình tán thành. Khả năng chọn lựa này làm tăng thêm nỗi ám ảnh của các nhà hoạt động xét xử, các thẩm phán thay thế các quyết định của Quốc hội hoặc đơn giản các tiểu bang dựa trên cơ sở các học thuyết yêu thích của họ.

Khái niệm về học thuyết nguyên thủy như là một nguồn luật hiến pháp vững chắc và hấp dẫn giống ý tưởng về một văn kiện có nghĩa rõ ràng, nhưng các thẩm phán và học giả không theo học thuyết nguyên thủy lại gắn các vấn đề với khái niệm. Một vấn đề ban đầu chúng ta đưa ra đánh giá sẽ có tính lịch sử về ngữ nghĩa gốc hoặc cách hiểu. Việc dẫn chiếu đến “ngữ nghĩa của các nhà lập pháp” cho thấy ở đó tồn tại một nhóm các nhà lập pháp có thể xác định rõ và chúng ta có thể xác định được ngữ nghĩa nguyên thủy của điều khoản quy định ở mức độ chính xác cao. Nhưng những nhà lập pháp là ai? Hiến pháp ban đầu đã được soạn thảo, thảo luận và biểu quyết tại một hội nghị gồm các đại biểu từ các tiểu bang khác nhau với các quan điểm khác nhau, và sau đó được các thành viên của mười ba cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua tại các hội nghị. Đạo luật Nhân quyền được soạn thảo tại Kỳ họp Quốc hội Thứ nhất và sau đó đệ trình các tiểu bang để thông qua. Các sửa đổi bổ sung tiếp theo được soạn thảo tại các Kỳ họp Quốc hội sau đó và được nhiều hơn nữa các cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua. Chúng ta nên tập trung vào ngữ nghĩa theo quan điểm của đối tượng nào: những người soạn thảo một điều khoản về một vấn đề, những người khác tham gia tranh luận tại hội nghị hoặc Kỳ họp Quốc hội, hay các cơ quan lập pháp thông qua?

Những khó khăn của việc khẳng định ngữ nghĩa mang tính lịch sử đã dẫn đến một số người theo học thuyết nguyên thủy chuyển trọng tâm từ ngữ nghĩa của các nhà lập pháp sang cách hiểu chung về một điều khoản hiến pháp tại thời điểm ban hành, điều mà Thẩm phán Scalia cho là “ngữ nghĩa mà một người có khả năng suy luận thu thập từ văn kiện luật”. Vì vậy, việc tìm hiểu nghĩa gốc được cho là chúng ta có thể lĩnh hội được thế giới quan của các nhà lập pháp và áp dụng sự lĩnh hội đó vào thế giới quan của chúng ta. Nhưng những người không theo học thuyết nguyên thủy đã vạch ra các khó khăn để đạt được sự lĩnh hội đó. Học thuyết nguyên thủy cho rằng ngữ nghĩa lịch sử là một thực tế, giống như một hiệu ứng vật lý đang chờ được khám phá. Tuy nhiên, các nhà sử học biết rằng sự hiểu biết về quá khứ luôn hình thành trong quan điểm của chúng ta. Thật khó có thể tiếp thu sự hiểu biết về quá khứ nếu không chọn lọc những hiểu biết ở hiện tại; làm thế nào chúng ta có thể giả vờ không biết những điều mà chúng ta từng biết về sự việc đã xảy ra trong hơn hai trăm năm qua? Hơn nữa, bất kỳ sự hiểu biết về lịch sử nào mà chúng ta có phải được áp dụng với các hoàn cảnh đã được thay đổi nhiều. Khi các tác giả và người phê chuẩn Tu chính án thứ nhất nghĩ về tự do ngôn luận và tự do báo chí, trong đầu họ có thể chỉ có một số ý tưởng về tự do ngôn luận và báo chí theo đúng nghĩa nguyên thủy bởi vì phát biểu và công bố là các hình thức thông tin duy nhất lúc đó. Bằng cách nào chúng ta có thể biến sự hiểu biết đó thành quy định, chẳng hạn như liên quan đến vấn đề tiếp cận với sách báo khiêu dâm trên mạng hoặc việc quảng cáo thương mại lan tràn trên ti vi?

Để giải quyết những thay đổi xã hội có tầm quan trọng này, Tòa án không thể đơn giản xác định và áp dụng cách hiểu nghĩa gốc mà bỏ qua cách hiểu từ thực tế. Thay vào đó, Tòa án có thể sẽ tìm kiếm trên phạm vi rộng hơn các nguyên tắc gốc dẫn đến một điều khoản hiến pháp cụ thể, một loạt các quy định, hoặc Hiến pháp nói chung. Vấn đề với một học thuyết nguyên thủy có thể thực sự là việc tìm kiếm ngữ nghĩa đằng sau một điều khoản trong phạm vi quá hẹp. Thay vào đó, một số người theo học thuyết nguyên thủy và không theo học thuyết nguyên thủy đề xuất là có thể hạn chế cách diễn giải Hiến pháp của Tòa án thông qua sự phát triển các nguyên tắc phát sinh từ văn kiện.

Hãy xem xét các điều khoản về quy trình xét xử công bằng trong Tu chính án thứ 5 và 14, trong đó quy định rằng không ai bị tước đoạt quyền sống, quyền tự do, hoặc quyền sở hữu nếu không có quá trình xét xử công bằng trước pháp luật. Giả sử chúng ta có thể cho là tại thời điểm ban hành, mọi người có một số ý kiến cụ thể về nghĩa của các điều khoản. Ở đây, chúng ta có thể đã từng đề cập đến phần còn lại của Đạo luật Nhân quyền để tham khảo nội dung. Quyền tự do bao gồm tự do thân thể và chính phủ không tước đi quyền tự do của một người nếu không có hành vi xét xử của hội đồng xét xử, trong đó bị cáo được phép có luật sư đại diện để đối chất với những người làm chứng v.v... Nhưng các điều khoản về trình tự xét xử công bằng sẽ không cần thiết nếu toàn bộ những điều khoản này được thực hiện để khẳng định việc bảo vệ các Tu chính án thứ 4, 5 và 6. Các điều khoản này có thể khẳng định một nguyên tắc tổng quát hơn về quyền của người Mỹ được bảo vệ khỏi sự can thiệp của chính phủ. “Quyền tự do” theo cách hiểu chung này có nghĩa là quyền của một người không bị can thiệp vào cuộc sống hàng ngày và các công việc riêng, và quyền tự do đó chỉ có thể bị chính phủ xâm phạm khi chính phủ có cơ sở xác đáng để hành động như vậy. Vì vậy, trong việc quyết định và áp dụng nghĩa của điều khoản về quá trình xét xử công bằng, Tòa án Tối cao có thể chỉ ra nghĩa hẹp hơn quyền xét xử của hội đồng xét xử; và nghĩa rộng hơn quyền không bị can thiệp từ chính phủ. Nghĩa rộng hơn có thể đặc biệt hữu ích khi Tòa án gặp phải những vụ kiện mà các nhà lập pháp có lẽ đã không chú ý đến do công nghệ hoặc các điều kiện xã hội hình thành nên các vụ kiện đó vẫn chưa phát triển.

Tuy nhiên, có hai vấn đề nảy sinh trong phương pháp này. Thứ nhất, các nguyên tắc như quyền không bị can thiệp có thể có nguồn gốc lịch sử kém thuyết phục hơn việc cố gắng tạo ra một ngữ nghĩa gốc hẹp hơn. Toàn bộ các vấn đề về giải thích lại ngữ nghĩa lịch sử được mở rộng khi Tòa án cố gắng tạo ra một cách hiểu chung về một điều khoản của hiến pháp. Tòa án dường như không chỉ định hỏi các nhà lập pháp: “Các ông hiểu nghĩa của điều khoản về quy trình xét xử công bằng như thế nào?” mà còn lôi kéo họ vào cuộc đối thoại về “Những khái niệm rộng hơn là gì, bao gồm những khái niệm mà các ông có thể chưa bao giờ hiểu rõ, tiềm ẩn trong suy nghĩ của các ông?”. Câu hỏi này xuất phát từ ngữ nghĩa lịch sử và làm cho Tòa án nới lỏng nhằm cố gắng diễn giải nghĩa của điều khoản hiến pháp mà không bị hạn chế bởi cách hiểu nghĩa gốc.

Một khi Tòa án bắt đầu đi theo con đường này thì vấn đề thứ hai hiện lên rõ ràng hơn. Đối với bất kỳ điều khoản hiến pháp nào, đều có thể chỉ rõ các nguyên tắc mang tính tổng quát ở các mức khác nhau là tính chất cố hữu trong điều khoản. Phán quyết trong một vụ kiện cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ tổng quát mà Tòa án quy định nguyên tắc kiểm soát. Khó khăn là ở chỗ mọi nguyên tắc, dù rộng hay hẹp, đều được Tòa án phát triển dựa trên quan điểm riêng của Tòa án về những sự việc tạo nên một cách hiểu hợp lý về điều khoản đang tranh cãi. Quan điểm của Tòa án được hình thành từ văn kiện, lịch sử, cách diễn giải của văn kiện đó và thực tế chính trị, xã hội vào thời điểm phát xuất hành vi đó. Tất nhiên, sự mạo hiểm là vấn đề trước tiên trong việc diễn giải hiến pháp; trong việc hình thành quan điểm của Tòa án, không có yếu tố nào kiểm soát Tòa án ngoại trừ phán quyết có suy xét của Tòa án, và cuối cùng là các thực tế chính trị.

Cuối cùng, sự lựa chọn giữa học thuyết nguyên thủy và học thuyết không nguyên thủy trong nhiều biến thể của các học thuyết này là sự lựa chọn dựa trên học thuyết chính trị: Bản chất của Hiến pháp là gì, tại sao Hiến pháp lại đòi hỏi phải được tuân thủ, và Tòa án có vai trò gì trong việc diễn giải Hiến pháp? Đây là những câu hỏi khó trả lời và lịch sử không trả lời cho chúng ta những câu hỏi trên. Quả thực, các nhà nghiên cứu lịch sử hiến pháp cho rằng bản thân các nhà lập pháp không phải là những người theo học thuyết nguyên thủy. Các luật sư và chính khách cuối thế kỷ XVIII không hiểu khái niệm về luật cơ bản, rằng việc ban hành rõ ràng thuộc về cơ quan lập pháp, chẳng hạn như một hội nghị lập hiến, cơ quan lập pháp phải hiểu việc ban hành luật nên hướng dẫn cách diễn giải của luật đó. Và như Thẩm phán Kennedy đã viết, các tác giả của Hiến pháp và các tu chính án của Hiến pháp có thể có chủ đích Hiến pháp là một đối tượng để thay đổi:

Nếu những người soạn thảo và thông qua các Điều khoản về Quá trình Xét xử Công bằng của Tu chính án thứ 5 hoặc Tu chính án thứ 14 hiểu các yếu tố tạo nên quyền tự do với nhiều khả năng của nó, các điều khoản đó đã trở nên rõ ràng hơn. Họ được cho là đã không có được sự hiểu biết sâu sắc này. Họ biết thời gian có thể làm chúng ta không nhận ra sự thật nào đó và những thế hệ sau này có thể thấy rằng pháp luật đã vốn được cho là cần thiết và chính xác nhưng trên thực tế từng chỉ là công cụ để đàn áp. Vì Hiến pháp có tính bền vững, con người ở mọi thế hệ có thể viện dẫn các nguyên tắc để tìm kiếm sự tự do cao cả hơn (vụ Lawrence kiện Texas, 2003).

Có phải điều này cho phép diễn giải hiến pháp theo quan điểm mà chúng ta có thể nói một cách đơn giản là hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của các thẩm phán, và họ có thể coi Hiến pháp là quan điểm chính trị và những ưu đãi cá nhân của riêng họ? Điều này đúng và không đúng. “Đúng” theo nghĩa là không có nghĩa rõ ràng của văn kiện, chứng cứ lịch sử, hoặc các nguyên tắc khách quan quyết định các phán quyết của họ. Việc diễn giải hiến pháp chắc chắn liên quan đến sự lựa chọn của một thẩm phán Tòa án Tối cao trong nhiều phương án lựa chọn, và, vì cùng với những sự lựa chọn một khía cạnh nào đó trong cuộc sống, thẩm phán sẽ lựa chọn dựa vào khả năng phán đoán của mình về quan điểm trả lời cho câu hỏi nào là “đúng”. Và câu trả lời là “không đúng”, có ý nghĩa là một thẩm phán hoàn toàn không được tự do đưa ra bất kỳ phán quyết nào theo bất kỳ cơ sở nào mà thẩm phán đó muốn. Các thẩm phán bị hạn chế bởi cách hiểu lịch sử văn bản hiến pháp và các khía cạnh văn hóa chính trị và pháp luật.

Sự việc này đưa chúng ta trở lại ý kiến là luật hiến pháp có nhiều ngôn từ và quy trình giống như phần quy tắc và các quyền. Các từ ngữ của Hiến pháp, cách hiểu, diễn giải và lập luận Hiến pháp ở bên trong và bên ngoài tòa án tạo nên các ngôn từ mà các thẩm phán phải sử dụng trong việc diễn giải và áp dụng Hiến pháp. Luật Hiến pháp quy định cách hình thành vấn đề và trình bày lập luận. Có thể nói nhiều vấn đề khác nhau mà vẫn trong phạm vi truyền thống hiến pháp, nhưng với các ngôn từ tự nhiên, một số vấn đề không thể trình bày được vì các từ ngữ không có sẵn hoặc chúng dường như không chính xác hay không phù hợp. Tòa án, trong vụ kiện Dred Scott năm 1857, có thể sử dụng những thuật ngữ hiến pháp và lịch sử hiến pháp để tuyên bố rằng người da đen là “tầng lớp thấp kém và hèn mọn” và không thể là những công dân của Hoa Kỳ. Nhưng ngày nay, một tòa án không thể đưa ra một phán quyết như thế. Tuy nhiên, ngày nay tòa án có thể quyết định tán thành hoặc phản đối chính sách ưu đãi người thiểu số vì kết quả sẽ thuộc về phạm vi diễn giải hiến pháp được chấp thuận; ngay cả khi chúng ta không đồng ý với phán quyết hoặc thấy phán quyết đó “sai”, ít nhất chúng ta cũng công nhận phán quyết đó có thể được tranh luận chứ không phải là một phán quyết theo kiểu có một vụ Dred Scott thời hiện đại.

Khi phán quyết được thực hiện nghiêm chỉnh và tiếp tục được thực hiện một cách đầy thiện ý, cách diễn giải hiến pháp trở thành một kiểu tranh luận theo nguyên tắc về những vấn đề xã hội quan trọng. Nó có thể được tiến hành ở mức độ khác biệt so với những tranh luận chính trị trực tiếp, tạo cho việc dự đoán kết quả phán quyết dễ dàng hơn, xây dựng những nguyên tắc và tìm các điểm tương đồng trong những tình huống khác nhau các loại vấn đề có quy trình pháp lý tốt nhất. Ngoài việc thuyết phục những người khác, việc phân tích hiến pháp có thể là cách kiểm tra các giả định và sự tin tưởng của một người. Tất nhiên, tranh luận về hiến pháp thường không được tiến hành đến mức như vậy. Thay vào đó, nó trở thành một phương tiện nữa để thể hiện sự tin tưởng vốn có. Vì Hiến pháp phụ thuộc vào các cách diễn giải khác nhau, thẩm phán và những người khác có thể lựa chọn cách diễn giải phù hợp nhất với kết luận mà họ mong muốn đưa ra nhưng không cần phải tham gia vào một quy trình diễn giải thực sự.

Tòa án Tối cao có thẩm quyền diễn giải Hiến pháp ở những khía cạnh nào?

Vấn đề cách diễn giải Hiến pháp của Tòa án Tối cao là vô cùng quan trọng xuất phát từ quyền giám sát tư pháp của Tòa án. Trong hầu hết các vụ kiện, Tòa án có tiếng nói quyết định về nghĩa của Hiến pháp và cách áp dụng trong một vụ kiện cụ thể. (Mọi tòa án, cả ở cấp liên bang và tiểu bang, có trách nhiệm và thẩm quyền đưa ra quyết định về những vấn đề hiến pháp, nhưng toàn bộ các quyết định khác cuối cùng có thể được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét.) Chúng ta trở nên quá quen thuộc với việc giám sát tư pháp có vẻ giống như một yếu tố tự nhiên, không thể bỏ qua và thậm chí là một phần cần thiết trong cơ cấu chính phủ. Nhưng đáng lưu ý là quyền lực này đang dần mất đi. Tổng thống, Quốc hội, các cơ quan lập pháp tiểu bang, thống đốc, tòa án tiểu bang, cơ quan hành chính tiểu bang và liên bang, viên chức chính phủ và toàn bộ dân thường phải tuân thủ lệnh của chín thẩm phán trong các vấn đề về luật hiến pháp. Tại thời điểm soạn thảo Hiến pháp, quyền lực rộng rãi như vậy không tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác, và thậm chí ngày nay quyền này là bất thường với các hệ thống tư pháp khác trên thế giới. 

Đáng chú ý, trong chính nội dung Hiến pháp, quyền giám sát tư pháp không được trao cho riêng Tòa án Tối cao. Điều III quy định rằng “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án Tối cao, và những Tòa án cấp dưới có thể được Quốc hội thiết lập tùy từng thời điểm”, và Tòa án mở rộng quyền đó đối với “toàn bộ các Vụ việc trên phương diện Pháp lý và Công lý mà phát sinh theo Hiến pháp này” và với các phạm trù khác. Các điều khoản này được hiểu theo các khía cạnh tổ chức và thẩm quyền. Chúng tạo nên Tòa án Tối cao, nhưng, “tối cao” chỉ có nghĩa là “cao nhất”, chỉ vị trí trong hệ thống cấp bậc chứ không phải là thẩm quyền của Tòa án. Quyền xét xử các vụ kiện phát sinh theo Hiến pháp được hiểu như việc trao thẩm quyền xét xử một số loại vụ kiện nhưng không trao thẩm quyền thực hiện việc giám sát hiến pháp trong xét xử các vụ kiện. Điều VI quy định, “Hiến pháp này và các Đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này… sẽ là Luật tối cao của Quốc gia”. Điều khoản này không cho phép chúng ta hiểu rằng Hiến pháp có vị trí cao hơn so với “các đạo luật khác của Hoa Kỳ” nói một cách khác, Hiến pháp cao hơn các đạo luật của Quốc hội cũng như không có nghĩa là Tòa án Tối cao chứ không phải Quốc hội, tổng thống, hoặc các tiểu bang có thẩm quyền quyết định cuối cùng những vấn đề mà Hiến pháp muốn đề cập.

Quyền giám sát tư pháp đã được thiết lập do phán quyết của Tòa án trong vụ Marbury kiện Madison năm 1803. Các học giả về hiến pháp, sau khi đã đi đến thống nhất, coi Marbury là vụ kiện quan trọng nhất mà Tòa án đã từng phán quyết, và câu chuyện về vụ kiện này thường được kể lại. Với quá nhiều sự kiện pháp lý quan trọng trong thời đại của chúng ta, câu chuyện này liên quan đến những nhân vật quan trọng, vấn đề chính trị đảng phái và một chút quan hệ ngầm đồng hành cùng với pháp luật. 

Vào khoảng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George Washington, các vấn đề chính trị quốc gia trở nên chiếm ưu thế bởi hai nhóm: nhóm Liên bang mà đã bầu John Adams là tổng thống và kiểm soát Quốc hội từ năm 1796 cho đến năm 1800, và nhóm Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của Đảng Dân chủ ngày nay), mà chiếm đa số trong Quốc hội và bầu Thomas Jefferson là tổng thống vào năm 1800. Khi Nhóm Liên bang rõ ràng ngày càng trở nên mất quyền kiểm soát các ngành hành pháp và lập pháp, họ chuyển sang củng cố quyền lực của mình về tư pháp. Tổng thống Adams đề cử ngoại trưởng của mình, John Marshall, là chánh án Tòa án Tối cao liên bang. Quốc hội Liên bang cũng thông qua hoạt động lập pháp để tăng số lượng thẩm phán liên bang tại các tòa án cấp dưới, giảm số lượng thành viên của Tòa án Tối cao (để ngăn các đảng viên Dân chủ chiếm các ghế trống) và trao quyền cho bốn mươi hai thẩm phán hòa giải mới ở Quận Columbia.

Vào những ngày cầm quyền cuối cùng của mình, Tổng thống Adams đã đề cử các thành viên trung thành của đảng vào các vị trí mới và Thượng nghị viện đã chấp thuận những thành viên này. Vào đêm trước khi Jefferson trở thành tổng thống, John Marshall vẫn giữ chức vụ ngoại trưởng đến tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của Adams thực hiện công việc truyền thống của một ngoại trưởng là đóng quốc ấn Hoa Kỳ vào các sắc lệnh bổ nhiệm chính thức cho các tân thẩm phán. Do sơ suất, một vài sắc lệnh bổ nhiệm không được giao cho các viên chức mới ngay trong đêm đó, và ngày hôm sau Tổng thống mới nhậm chức Jefferson đã yêu cầu ngoại trưởng của mình là James Madison bãi bỏ loạt sắc lệnh bổ nhiệm còn lại, kể cả sắc lệnh bổ nhiệm William Marbury, một nhân vật mới nổi vừa được bổ nhiệm là thẩm phán hòa giải.

Marbury khởi kiện lên Tòa án Tối cao về sắc lệnh bổ nhiệm của mình, xin tòa ra trát bắt buộc. (Trát bắt buộc là lệnh của tòa án yêu cầu viên chức chính phủ phải thi hành quyết định của tòa.) Mặc dù Marbury kiện năm 1801, nhưng quốc hội mới do đảng Dân chủ Cộng hòa nắm quyền đã bãi bỏ nhiệm kỳ 1801 đến 1802 của Tòa án Tối cao, nên vụ này phải đợi đến 1803 mới đem ra xét xử. Cuối cùng, Tòa án đã ra phán quyết về vụ kiện theo quan điểm của Chánh án John Marshall, người không thấy có sự mâu thuẫn nào giữa vai trò của mình như là người tham gia vào sự kiện và phán xét về cách giải quyết của tòa án theo cảm tính đạo đức thời đại.

Khi xử vụ Marbury, Marshall và Tòa án Tối cao lâm vào tình thế lưỡng nan. Nếu Marshall không ra phán quyết rằng Marbury có quyền được nhận sắc lệnh bổ nhiệm, Marshall đương nhiên công nhận quyền của cơ quan hành pháp, trái với các nguyên tắc của chủ nghĩa Liên bang và niềm tin của ông là cần phải lấn át quyền tư pháp. Nhưng lúc đó thẩm quyền của Tòa án Tối cao chưa được xác định rõ ràng, vì vậy nếu Marshall ra lệnh phải giao sắc lệnh bổ nhiệm nhưng đơn giản Jefferson và Madison có thể từ chối tuân thủ, thì có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Marshall rất khôn khéo né ra khỏi cuộc tranh chấp bằng cách dựa vào quyền giám sát tư pháp của Tòa án để tìm cách khước từ việc can thiệp đòi phục hồi chức vụ cho Marbury.

Marshall trước hết phán quyết rằng việc bổ nhiệm chức vụ cho Marbury đã được hoàn tất ngay khi cựu tổng thống ký sắc lệnh bổ nhiệm. Vào thời điểm đó, nhiệm vụ đóng dấu và tống đạt sắc lệnh đến đương sự của ngoại trưởng chỉ là thủ tục hành chính, và nếu công tác chuyển giao không hoàn tất thì tình trạng chức vụ của Marbury cũng không thay đổi. Tiếp đến, do Marbury đã có quyền xuất phát từ sắc lệnh bổ nhiệm nên việc bồi thường hợp lý theo pháp luật là thi hành lệnh đã trao cho ngoại trưởng. Nhưng vấn đề này lại phát sinh tiếp giai đoạn thứ ba. Liệu Tòa án Tối cao có phải đúng là nơi để theo đuổi việc khắc phục sai sót này? 

Ðiều III Hiến pháp đã trao cho Tòa án Tối cao quyền tài phán đầu tiên (nghĩa là quyền được xử những vụ kiện thẳng đến tòa này) trong các vụ kiện mà nhân viên ngoại giao nước ngoài hoặc một tiểu bang là một bên liên quan; còn tất cả các trường hợp khác thì tòa chỉ được xử lại những vụ có kháng án sau khi đã có phán quyết ở tòa cấp dưới. Đạo luật Tư pháp năm 1789 đã mở rộng quyền tài phán đầu tiên của Tòa án, bao gồm quyền ra trát bắt buộc các viên chức liên bang thi hành. Marbury vin vào việc Tòa án có quyền tài phán trong vụ kiện của ông với Madison theo Đạo luật Tư pháp. Bằng cách đưa ra quan điểm một cách khéo léo, Chánh án Marshall phán quyết rằng Đạo luật Tư pháp đã mở rộng một cách không hợp pháp quyền tài phán đầu tiên của Tòa án và vượt quá quyền đã trao cho tòa trong Điều III Hiến pháp, nên Tòa án không thể phục chức cho Marbury vì Tòa án không có quyền xét xử vụ kiện này. Phán quyết này thỏa mãn ngay phe Cộng hòa, nhưng điều chính yếu được đúc rút từ vụ này là việc thừa nhận quyền tài phán tối hậu của Tòa án Tối cao theo Đạo luật Tư pháp hay theo các sắc luật khác của Quốc hội là hợp hiến. Như vậy phán quyết đã giải quyết được vấn đề đồng thời cũng bảo toàn quyền hạn của Tòa án Tối cao.

Ðối với Marshall, tìm hiểu việc Tòa án Tối cao có quyền xem xét lại tình trạng hợp hiến của các luật được cơ quan lập pháp thông qua thì quá dễ dàng. Toàn dân đã lập ra hiến pháp để trở thành luật căn bản, tối thượng và tồn tại vĩnh viễn. Khuynh hướng của hiến pháp là thiết lập một chính phủ liên bang có quyền lực hạn chế. Các ngành của chính phủ chỉ được thực thi những quyền mà dân đã ấn định trong hiến pháp, vì vậy, bất kỳ đạo luật nào trái với tinh thần Hiến pháp hoặc vượt quá các quyền được liệt kê trong Hiến pháp đều vô hiệu. Việc trao thẩm quyền xét xử hạn chế theo Điều III Hiến pháp là trường hợp ngoại lệ, vì vậy Quốc hội không có thẩm quyền theo hiến pháp để mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhằm đưa ra các hành động thi hành lệnh bắt buộc qua trát của tòa.

Từ đó đến nay, mọi việc vẫn ổn thỏa. Vấn đề chính lại phát sinh ở giai đoạn lập luận tiếp theo. Hiến pháp là luật căn bản, và vì đó là luật, nên cách diễn giải và áp dụng luật theo truyền thống thuộc về lĩnh vực của tòa án.

Rõ ràng phạm vi và nhiệm vụ của ngành tòa án là giải thích luật. Những người áp dụng quy tắc cho các vụ kiện đặc biệt nhất thiết phải trình bày và diễn giải quy tắc đó. Nếu hai luật mâu thuẫn với nhau, tòa án phải quyết định hiệu lực của mỗi luật. Theo đó, nếu một luật trái với hiến pháp mà cả luật đó và hiến pháp áp dụng cho cùng một vụ kiện cụ thể thì tòa án phải phán quyết vụ kiện hoặc áp dụng theo luật mà không theo hiến pháp; hoặc áp dụng hiến pháp mà không theo luật. Nghĩa là tòa án phải quyết định quy tắc nào trong các quy tắc xung đột với nhau sẽ được áp dụng để xử lý vụ kiện. Đây là bản chất nhiệm vụ của tòa án.

Vì vậy, Marshall quả đã khôn khéo kết thúc vấn đề bằng một tam đoạn luận. Hiến pháp là luật, Tòa án diễn giải luật. Do đó, tòa án diễn giải Hiến pháp. Nhưng thực ra cách giải thích theo phương pháp của Marshall không đồng quan điểm với nhiều người khác. Luật theo cách diễn giải truyền thống của tòa án và luật trong Hiến pháp có nhiều điểm khác biệt hoàn toàn. Nếu Hiến pháp là luật căn bản thì không nên đánh đồng như luật và các vụ kiện thông thường. Nói một cách rõ ràng hơn, vì tầm quan trọng của việc diễn giải hiến pháp, việc này không nên để cho các ngành khác trong chính quyền thực hiện. Quốc hội có thể đưa ra quyết định về tính hợp hiến của một đạo luật trước khi ban hành, ví dụ như với Đạo luật Tư pháp, và rõ ràng là sẽ phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp khi để tòa án xem xét tính phù hợp của quyết định đó.

Mặc dù phán quyết trong vụ Marbury kiện Madison thiếu tính rõ ràng và logic nhưng đó là tuyên bố hùng hồn nhất về nguyên tắc giám sát tư pháp. Mặc dù Tòa án hiếm khi thực hiện quyền tuyên bố việc ban hành luật của quốc hội không hợp hiến trong những thập kỷ sau vụ Marbury việc này đã không làm mất hiệu lực của đạo luật liên bang khác cho đến trước thời điểm xảy ra vụ Dred Scott năm 1857 thời điểm mà thẩm quyền này bị lấy lại và trao cho các ngành khác. Hoặc, có lẽ do thẩm quyền này chỉ được thực thi một cách dè dặt nên ngành Tòa án đã chịu nhiều công kích trong suốt những năm đầu của thế kỷ XIX.

Tòa án củng cố quyền giám sát tư pháp của mình bằng cách khẳng định lại quyền tương tự đối với luật tiểu bang. Năm 1810, lần đầu tiên Tòa án đã tuyên vô hiệu một đạo luật của tiểu bang trong vụ Fletcher kiện Peck với lý do là nhằm nỗ lực hủy bỏ quyền sở hữu đất đai đã được chuyển nhượng bất hợp pháp, đạo luật này đã vi phạm điều khoản hợp đồng. Sau đó, trong vụ Martin kiện Người thuê nhà của Hunter năm 1816, một vụ kiện khác liên quan đến tranh chấp đất đai, tòa án cao nhất tại bang Virginia đã đưa ra phán quyết đối với một bên, nhưng Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại đưa ra phán quyết khác tại phiên phúc thẩm. Tòa án bang Virginia đã từ chối tuân thủ lệnh của Tòa án Tối cao, khẳng định rằng Tòa án Virginia có thể phán quyết vấn đề này và rằng việc Bộ luật Tư pháp Liên bang trao quyền xét xử phúc thẩm cho Tòa án là không hợp hiến. Khi vụ kiện được trả lại Tòa án Tối cao, theo phán quyết của Chánh án Joseph Story, Tòa án đã khẳng định lại quyền theo hiến pháp. Để phù hợp Hiến pháp, các tiểu bang đã nhượng lại một số quyền của mình cho chính phủ liên bang. Quyền lực của tòa án liên bang bao gồm toàn bộ các vụ kiện liên quan đến diễn giải hiến pháp và điều khoản về quyền tối cao đã làm cho luật liên bang chiếm ưu thế hơn. Cuối cùng, trong vụ Cohens kiện Virginia (1821), Tòa án đã mở rộng quyền nhằm đưa vào việc xem xét thủ tục tố hình sự của tiểu bang. Trừ khi thủ tục tố tụng của tiểu bang chịu sự giám sát của các tòa án liên bang, các tiểu bang có thể không tuân thủ luật và chính sách của liên bang bằng cách phạt các cá nhân đòi các quyền hợp lệ theo hiến pháp.

Vì vậy, sau khi Chánh án Marshall kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1834, một nền tảng được xác lập để Tòa án Tối cao xem xét lại tình trạng hợp hiến của các đạo luật thuộc các cơ quan lập pháp và các quyết định của viên chức cao cấp liên bang và tiểu bang. Kể từ đó mọi người thừa nhận rằng quyền diễn giải Hiến pháp của Tòa án là rất rộng. Tuy nhiên, đó không phải là quyền duy nhất và không bị hạn chế. Mọi viên chức cao cấp đều phải tuyên thệ nhậm chức, cam kết giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp, và vì vậy buộc phải diễn giải Hiến pháp trong khi thực hiện công việc của mình. Một thượng nghị sỹ phải xem xét một cách thận trọng tình trạng hợp hiến của một đạo luật khi quyết định có nên bỏ phiếu tán thành đạo luật đó hay không, tổng thống phải xem xét quyết định liệu việc ra lệnh tra tấn chiến binh thù địch có thuộc phạm vi thẩm quyền của mình theo hiến pháp với tư cách là tổng tư lệnh quân đội hay không, và thậm chí một sỹ quan cảnh sát đang đi tuần trong khu vực của mình cũng phải xem xét quyết định liệu việc bắt một người bị tình nghi là hợp hiến hay không. Trong phạm vi đó, vấn đề thực chất không phải là ai diễn giải Hiến pháp mà là cách diễn giải của ai được coi là quan trọng nhất.

Xuyên suốt lịch sử nước Mỹ, các tổng thống và quan chức cao cấp khác đã khẳng định quyền độc lập của mình trong việc quyết định những vấn đề mà Hiến pháp yêu cầu và hành động theo quyết định này. Thomas Jefferson coi ý tưởng “thẩm phán là người nắm quyền tối cao trong toàn bộ các vấn đề về hiến pháp” là “một học thuyết quả thực rất nguy hiểm, và sẽ đặt chúng ta dưới chế độ chuyên quyền của một nhóm đầu sỏ”. Vì ông coi Đạo luật chống Nổi loạn năm 1798 là không hợp hiến nên ông đã thực hiện một trong các quyền được Hiến pháp trao cho tổng thống tuyên tha bổng các bị cáo bị kết án theo Đạo luật đó, ngay cả khi đạo luật đã được tòa án áp dụng và duy trì. Abraham Lincoln đã lên tiếng phản đối phán quyết vụ Dred Scott (1857) cho rằng người da đen không phải là các công dân, song tuyên bố rằng việc đó không liên quan đến tư cách của ông như là một thành viên Quốc hội hoặc tổng thống. George W. Bush đã đưa ra nhiều tuyên bố, được lập thành văn bản, khi ký công bố các dự luật thành luật mà không thừa nhận tính hợp hiến của các điều khoản trong đạo luật và khẳng định quan điểm không thực thi các đạo luật đó. Ngày nay, một số học giả đưa ra lý lẽ ủng hộ việc khôi phục chủ nghĩa hiến pháp có tính phổ biến, trong đó các ngành chính trị của chính phủ có nhiều vai trò trong việc diễn giải Hiến pháp.

Tuy nhiên, khi Tòa án và các ngành khác bắt đầu mâu thuẫn về cách diễn giải Hiến pháp, phần thắng nói chung thường nghiêng về Tòa án. Hãy xem xét hai ví dụ minh họa về sự phản đối và nỗ lực phản bác nhưng cuối cùng không đem lại hiệu quả. Phán quyết của Tòa án về việc phân biệt chủng tộc trong các trường học trong vụ Brown kiện Ủy ban Giáo dục được nhiều tiểu bang phía Nam hưởng ứng bằng cách phản đối chính thức và không chính thức. Chẳng hạn, một số cơ quan lập pháp phía Nam đã ban hành các nghị quyết “hủy bỏ” phán quyết và cố gắng làm vô hiệu phán quyết bằng cách từ chối cấp ngân sách cho các trường có phân biệt chủng tộc. Trong vụ Cooper kiện Aaron (1958), Tòa án đã bác bỏ toàn bộ những nỗ lực này và khẳng định lại nguyên tắc rằng “tòa án liên bang có quyền tối cao trong việc diễn giải đạo luật theo Hiến pháp, và nguyên tắc đó đã từng được Tòa án và Quốc gia tôn trọng như là quan điểm bất di bất dịch và tuyệt đối cần thiết trong hệ thống hiến pháp của chúng ta”. Việc các tiểu bang phía Nam coi thường quyền lực của Tòa án thực sự đã thách thức các nội dung này của hiến pháp và toàn bộ chín thẩm phán đã tiến hành một bước đặc biệt là ghi tên mình vào từng bản ý kiến.

Vào thời điểm vụ Watergate, các tòa án thụ lý giải quyết một loạt vụ kiện phát sinh từ việc điều tra những hoạt động bất hợp pháp của Tổng thống Nixon và những người thân cận. Chẳng hạn, trong vụ Nước Mỹ kiện Nixon (1974), Tòa án cho rằng các tòa án, chứ không phải tổng thống, có quyền quyết định chứng cứ mà được công tố viên đặc biệt của vụ Watergate tìm thấy có hiệu lực theo quyền khiếu nại về đặc quyền hành pháp của tổng thống hay không. Việc xem xét chứng cứ này là chức năng của tư pháp mà Điều III đã trao cho các tòa án, và tổng thống phải tuân thủ phán quyết của tòa về vấn đề này. Đáng chú ý hơn, Tòa án tuyên bố Tổng thống Nixon phải chấp nhận phán quyết đó. Ngay cả khi một loạt sự kiện dẫn đến việc từ nhiệm của ông, ngài tổng thống vẫn không thể phản đối thông lệ về việc giám sát tư pháp.

Vì Hiến pháp đề cập đến toàn bộ phạm vi công việc của chính phủ, việc giám sát tư pháp có thể được hiểu bao gồm mọi vấn đề của chính phủ, và tính logic trong vụ Marbury kiện Madison cho thấy Tòa án nên tham gia vào việc giám sát tư pháp trong bất kỳ vụ kiện nào. Dù sao Tòa án đã kết luận rằng, do quy định của hiến pháp hoặc sự thận trọng của tòa án, có một số vấn đề được giao cho Quốc hội hoặc tổng thống mà không cần việc giám sát tư pháp. Tòa án bị hạn chế trong những công việc có thể thực hiện đối với vấn đề thực tiễn và cơ quan tư pháp, cũng như vấn đề chính trị trong việc quyết định trách nhiệm của Tòa án liên quan đến các ngành khác, vì vậy Tòa án không quyết định các vấn đề chính trị. Hãy lấy ví dụ, có hàng loạt vụ kiện nảy sinh trong suốt thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đòi tuyên bố cuộc chiến tranh là bất hợp pháp vì Quốc hội Mỹ chưa bao giờ chính thức tuyên chiến; hoặc ngăn chính phủ tiếp tục cuộc chiến tại một số khu vực, như việc ném bom ở Campuchia. Những vụ kiện này có phải nằm ngoài phạm vi xét xử của tòa án vì chúng liên quan đến vấn đề chính trị? Từ sau vụ Marbury, người ta có thể coi đó là một vấn đề dễ hiểu trong cách diễn giải hiến pháp. Trong các điều khoản của Hiến pháp có yêu cầu nào về việc Quốc hội tuyên bố chiến tranh trước khi tổng thống cử quân đội, hoặc tổng thống có thể tiến hành và Quốc hội cấp ngân sách cho một cuộc chiến không được tuyên bố? Việc quyết định những vấn đề trên có buộc Tòa án phải tham gia vào quá trình hoạch định chính sách vốn chỉ thuộc các ngành khác của chính phủ hay tốt nhất nên để cho các ngành này thực hiện? Nếu đúng như vậy, đây có phải là một vấn đề chính trị không thuộc phạm vi xét xử của tòa án và các tòa án không thể quyết định được? Mặc dù không vụ kiện nào được trình lên Tòa án Tối cao, nhưng các tòa án cấp dưới đã xử lý các vụ kiện này và các vụ kiện sau đó liên quan đến chiến dịch quân sự của Tổng thống Reagan tại El Salvador và Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất các quyết định về chiến tranh và hòa bình đó được trình lên tổng thống và Quốc hội.

Các quyền mà luật hiến pháp trao cho các ngành còn lại trong chính quyền liên bang

Tòa án Tối cao có quyền giám sát quá trình xây dựng luật của tiểu bang và liên bang để xác định liệu các luật đó có hợp hiến hay không. Hệ thống tòa án liên bang cũng có thẩm quyền xét xử đối với nhiều vụ việc không theo hiến pháp bao gồm các vụ việc dân sự thông thường phát sinh theo các đạo luật liên bang hoặc liên quan đến công dân của các tiểu bang khác nhau, và các vụ hình sự như cướp ngân hàng, tội phạm về ma túy, và các vi phạm luật liên bang khác. Vậy luật hiến pháp trao cho các ngành khác trong chính quyền liên bang ngành lập pháp (Quốc hội) và ngành hành pháp (đứng đầu là tổng thống) những quyền nào?

Trở lại vấn đề cơ bản đã mâu thuẫn với luật hiến pháp. Bằng cách nào chúng ta có thể trao quyền cho một chính phủ để thực hiện những công việc mà tự chúng ta không thể thực hiện được, trong khi chính phủ đó chắc chắn không phải là một chính phủ mạnh đến mức có thể ảnh hưởng đến tự do của chúng ta? Câu trả lời của Hiến pháp xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Các nhà soạn thảo Hiến pháp đã giải đáp rằng việc hình thành quan niệm phổ biến này là do chính phủ được thành lập theo Điều lệ Liên bang quá yếu kém. Theo Điều lệ Liên bang, Quốc hội không có quyền đánh thuế, phát hành một loại tiền quốc gia duy nhất, hoặc kiểm soát thương mại. Không có một cơ quan hành pháp vững mạnh tại thời điểm Tổng thống là một thành viên trong Quốc hội với các quyền hạn chế hoặc không có hệ thống Tòa án liên bang. Xung đột giữa các tiểu bang lan tràn do việc một tiểu bang áp biểu giá thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các tiểu bang khác, và chính phủ quốc gia không có khả năng hoàn trả khoản nợ lớn trong cuộc Chiến tranh Cách mạng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính. Vì vậy, chính phủ quốc gia theo các Điều lệ này được nhiều tiểu bang đánh giá là không có năng lực.

Vấn đề là không có chính phủ liên bang tương xứng để giải quyết tình hình, vì vậy câu trả lời đã rõ ràng và được Hội nghị Lập hiến năm 1787 thông qua: Trao các quyền lớn hơn cho chính phủ quốc gia, các quyền đủ để chính phủ quốc gia kiểm soát những xung đột giữa các tiểu bang, sắp xếp các công việc tài chính của đất nước, nuôi và trả lương cho quân đội và tiến hành quan hệ với nước ngoài. Nhưng việc này chỉ giải đáp được một phần câu hỏi cơ bản. Các nhà lập pháp cũng có mối quan tâm sâu sắc rằng: chính phủ quốc gia mới có thể sẽ xâm phạm đến hoạt động hợp thức của các chính quyền tiểu bang hoặc đe dọa các quyền cơ bản của con người. Vì vậy, chính phủ liên bang được hiểu là một chính phủ có các quyền rộng lớn nhưng bị hạn chế, chỉ có các quyền “được liệt kê” trong Hiến pháp. Được ngụ ý trong cơ cấu hiến pháp và được làm rõ trong Tu chính án thứ 10, khái niệm về các quyền được liệt kê nêu rằng: “Các quyền không được Hiến pháp trao cho Liên bang”, hoặc cũng không bị Hiến pháp cấm đối với các Tiểu bang, được bảo lưu tương ứng với từng Tiểu bang, hoặc với từng người”. Và chính phủ mới chỉ có thể thực thi các quyền của mình thông qua một hệ thống mà chúng ta gọi là kiểm soát và quân bình quyền lực hoặc phân quyền. Bộ phận chiếm đa số không thể chà đạp lên lợi ích của các tiểu bang hoặc các quyền của con người vì các đạo luật phải được cơ quan lập pháp của Thượng nghị viện và Hạ nghị viện ban hành và được Tổng thống thông qua. Để tăng thêm mức bảo vệ cao nhất cho một chính phủ quốc gia đầy quyền lực, các bảo đảm cụ thể trong Đạo luật Nhân quyền được Quốc hội Đầu tiên soạn thảo và được thông qua năm 1791.

Chính phủ đã đáp ứng được các kỳ vọng này trong những năm đầu theo Hiến pháp. Chính phủ mới đã giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thời đại và những yêu cầu cơ bản nhất của một quốc gia. Quốc hội Đầu tiên đã thành lập các bộ cốt yếu thuộc chính phủ Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh, Bộ Tài chính, Bưu điện, Văn phòng Tổng chưởng lý, và hệ thống các Tòa án liên bang và giải quyết các vấn đề kinh tế quan trọng, bao gồm việc áp dụng thuế, ban đặc quyền cho ngân hàng quốc gia, điều tra dân số, thiết lập hệ thống tiền tệ, và ban hành luật về bằng độc quyền sáng chế và bản quyền. Mặc dù, cho đến khi Nội chiến xảy ra, quy mô của chính phủ vẫn còn nhỏ.

Nhưng hãy xem vấn đề gì đã xảy ra với một chính phủ có những quyền được liệt kê và hạn chế này. Ngày nay, khi hỏi ai đó rằng “chính phủ” là gì thì họ có thể nghĩ ngay đến chính phủ quốc gia. Tổng thống thường được mô tả trên các phương tiện thông tin đại chúng là “người có quyền lực nhất trên thế giới”. Quốc hội soạn thảo luật về hầu hết mọi vấn đề, từ việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cho đến thuế áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu. Bộ máy hành chính Liên bang gần ba triệu nhân viên có chuyên môn giỏi, không bao gồm 1,5 triệu nhân viên khác của Liên bang phục vụ trong lực lượng quốc phòng thu thuế, xem xét việc sáp nhập các doanh nghiệp lớn, chuyển nhượng giấy phép cho các đài truyền hình, quản lý hơn nửa tỷ hecta đất liên bang, và tiêu ba nghìn tỷ đô-la mỗi năm. Trong khi đó, các tiểu bang thực hiện những công việc quan trọng như quản lý các trường học công và duy trì bảo dưỡng đường sá, nhưng các hoạt động của họ dường như chỉ trong phạm vi nhỏ do có sự hiện diện của chính phủ liên bang.

Mọi bước chuyển đổi chính phủ với các quyền được liệt kê từ một chính phủ trong phạm vi nhỏ và ảnh hưởng hạn chế thành chính phủ thâm nhập vào gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại đã được thông qua nhờ các cách diễn giải Hiến pháp. Những cách diễn giải đó là ví dụ điển hình cho việc Hiến pháp được diễn giải và áp dụng như thế nào. Văn kiện hiến pháp rõ ràng không đề cập các tình huống không lường trước tại thời điểm soạn thảo, và Tòa án Tối cao phải đối phó với cả văn kiện này và việc thay đổi giá trị chính trị, kinh tế và xã hội trong việc xem xét phạm vi phù hợp đối với quyền của chính phủ. Đương nhiên, các yếu tố cơ bản là việc mở rộng các quyền của chính phủ liên bang, dựa trên cách diễn giải mở rộng về việc liệt kê các quyền trong văn bản Hiến pháp và quân bình quyền lực của các cơ quan hành pháp và lập pháp, chính phủ liên bang và các tiểu bang, dẫn đến việc chia sẻ quyền lực nhiều hơn là phân quyền.

Việc trao quyền cơ bản của chính phủ được quy định đối với Quốc hội tại Điều I, phần 8, trong mười bảy điều khoản cụ thể và một điều khoản chung. Tuy nhiên, “cụ thể” không đồng nghĩa với bị hạn chế. Các quyền của Chính phủ theo Điều 8 bao gồm các quyền “đặt ra và thu các khoản thuế”, “vay mượn tiền”, “tuyên bố Chiến tranh”, và “nuôi dưỡng và cung cấp cho Quân đội”. Và, trong khoản 18 về các quyền còn lại, “soạn thảo mọi Luật cần thiết và phù hợp để thực hiện các Quyền nói trên, và toàn bộ các Quyền khác được Hiến pháp này trao cho Chính phủ Hoa Kỳ”.

Hãy xem xét ví dụ về việc mở rộng quyền của Liên bang và chia sẻ quyền lực giữa các ngành theo cách thức mà ngành lập pháp và hành pháp đã nỗ lực nhằm thực thi quyền theo điều khoản về thương mại và cách giải quyết của Tòa án Tối cao sau khi xem xét tình trạng hợp hiến trong việc thực thi quyền này.

Điều I, phần 8, khoản 3, trao cho Quốc hội quyền “quy định thương mại với nước ngoài, và giữa các Tiểu bang khác nhau, và với các Bộ tộc Da đỏ”. Theo Điều lệ Liên bang, chính phủ Liên bang có ít quyền để quy định thương mại giữa các tiểu bang hoặc thương mại quốc tế hoặc ngăn một tiểu bang cản trở việc này. Điều khoản về thương mại được soạn thảo nhằm điều chỉnh tình huống này, tạo điều kiện cho chính phủ liên bang thực thi quyền đối với nền kinh tế quốc gia cả trong và ngoài nước. Quyền lực rộng lớn này phụ thuộc vào cách diễn giải thuật ngữ “Thương mại… giữa các Tiểu bang khác nhau”. Điều này có thể được hiểu một cách đơn giản là nhằm ngăn sự xung đột giữa các tiểu bang mà các điều trong Hiến pháp được ưu tiên áp dụng, chẳng hạn, một tiểu bang bị đánh thuế hàng hóa được mua từ bang khác. Thay vì thế, Quốc hội đã sử dụng điều khoản về thương mại như là một thẩm quyền để mở rộng quyền theo quy định của liên bang trong nền kinh tế và đặt ra một giới hạn tương xứng với quyền lực nhà nước. Tòa án Tối cao thường ngầm khẳng định quyền này, với một số ngoại lệ đáng chú ý.

Giống như nhiều nguyên tắc hiến pháp khác, phạm vi của điều khoản thương mại trước tiên được định nghĩa rất rộng theo quan điểm của Chánh án John Marshall. Trong vụ Gibbons kiện Ogden (1824), cơ quan lập pháp New York đã trao cho Robert Fulton (người phát minh ra tàu chạy bằng hơi nước) và một đối tác độc quyền quản lý các tàu chạy bằng hơi nước trên các khu vực sông nước tại New York. Và Fulton đã nhượng một phần độc quyền thương mại này cho Ogden. Gibbons bắt đầu khai thác một tuyến đường cho tàu chạy bằng hơi nước cạnh tranh giữa New Jersey và New York theo đạo luật liên bang, vì thế Ogden kiện đòi Gibbons không được vi phạm quyền thương mại của mình. Tòa án Tối cao cho rằng việc trao độc quyền của New York xung đột với một đạo luật của Quốc hội về việc cấp phép cho các tàu, và vì vậy quyền này là vô hiệu theo điều khoản tối cao. Dù sao Marshall đã có cơ hội giải thích về quyền của chính phủ quốc gia theo điều khoản thương mại.

Marshall xác định ba yếu tố trong quyền của Quốc hội về thương mại giữa các tiểu bang và đưa ra định nghĩa ở phạm vi rộng cho mỗi yếu tố nêu trên. Trước tiên là thương mại. Luật sư của Ogden lập luận rằng “thương mại” nghĩa là việc đi lại, hoặc những phương tiện di chuyển từ một bang này đến bang khác, và sẽ không bao gồm người lái tàu. Đối với Marshall, việc đi lại chỉ là một phần của thương mại: “Thương mại, chắc chắn là việc đi lại, nhưng nó còn bao hàm thêm một nghĩa nữa, đó là giao dịch. Nó mô tả giao dịch thương mại giữa các quốc gia và giữa các khu vực trong quốc gia trong tất cả các ngành của quốc gia đó”.

Thuật ngữ tiếp theo được định nghĩa là “giữa các tiểu bang khác nhau”. Theo Marshall, “giữa” không chỉ có nghĩa là “giữa hai”. “Mỗi thứ là một phần trong tổng hòa những thứ khác, được trộn lẫn với chúng. Thương mại giữa các tiểu bang, không thể dừng lại ngoài đường biên giới mỗi tiểu bang, mà có thể được áp dụng cả ở bên trong”. Quốc hội không có quyền quy định thương mại diễn ra hoàn toàn trong phạm vi một tiểu bang, nhưng liệu một hoạt động hoàn toàn trong phạm vi tiểu bang có đem lại hiệu quả mà không cần sự hiện diện thực tế. Ngay cả khi một hoạt động được tiến hành hoàn toàn trong phạm vi biên giới của một tiểu bang đơn lẻ, nếu nó ảnh hưởng đến thương mại bên ngoài biên giới của tiểu bang, đó vẫn là hành vi thương mại giữa các tiểu bang.

Bước cuối cùng là định nghĩa mang tính “quy định”. Marshall xác định rằng “Quyền này, giống như toàn bộ các quyền khác được trao cho Quốc hội là hoàn toàn thuộc về Quốc hội, có thể được thực thi trong phạm vi tối đa, và được thừa nhận không có giới hạn, chứ không phải được quy định trong Hiến pháp”.

Vì vậy, Tòa án kết luận rằng Quốc hội có thẩm quyền theo Hiến pháp để quy định các hoạt động thương mại thực hiện bên ngoài biên giới của một tiểu bang đơn lẻ. Nhưng định nghĩa về quyền này của Tòa án Tối cao có thể chỉ xuất hiện nhằm đối phó với việc khẳng định quyền theo hiến pháp và thách thức đối với Tòa án, và nửa thế kỷ sau vụ Gibbon kiện Ogden, Tòa án càng có ít cơ hội hơn nữa để xem xét lại định nghĩa này. 

Trong nửa thế kỷ sau đó từ 1887 đến 1937 Tòa án đã áp dụng chính sách hẹp hơn ngay cả khi Quốc hội cố gắng thực thi mạnh mẽ hơn quyền thương mại. Đây là kỷ nguyên quan trọng, với sự lớn mạnh của các tập đoàn U.S Steel, Standard Oil, và sự tập trung các quyền lực mới khác về kinh tế và của cải. Quốc hội và các cơ quan lập pháp đóng vai trò kiểm soát các quyền lực mới về kinh tế, nhưng khi Tòa án trở nên thận trọng hơn thì Tòa án không có thiện chí công nhận quyền của cơ quan lập pháp đối với thương mại. Trong phạm vi định nghĩa của điều khoản thương mại đã cấm, Marshall tập trung vào hiệu lực thương mại và thông qua một cách giải quyết chính thức và rõ ràng. Marshall đã phán quyết trong vụ Gibbons kiện Ogden rằng thương mại còn hơn cả việc đi lại, nhưng trong một vụ kiện năm 1895, Tòa án chặt chẽ hơn khi cho rằng thương mại chỉ là việc đi lại. Quốc hội đã ban hành Đạo luật Chống độc quyền Sherman nhằm kiểm soát độc quyền của các ngành công nghiệp mới. Trong vụ Nước Mỹ kiện E.C. Knight, Tòa án đã hạn chế Đạo luật Sherman bằng cách diễn giải theo một nghĩa hẹp phạm vi quyền của Quốc hội theo điều khoản thương mại. Công ty Đường tinh luyện Mỹ đã mua lại độc quyền của ngành công nghiệp đường, kiểm soát hơn 90% sản lượng đường của cả nước. Nhưng, Tòa án cho biết, chính phủ liên bang không thể quy định theo hiến pháp tình trạng độc quyền này vì đó là độc quyền sản xuất, chứ không phải thương mại: “Thương mại tiếp theo việc sản xuất, và không phải là một phần của sản xuất… Thực tế là một mặt hàng được sản xuất để xuất khẩu sang Tiểu bang khác chứ không tự biến nó thành một mặt hàng thương mại”.

Các cách giải thích thận trọng về điều khoản thương mại của Tòa án Tối cao đã đạt đến đỉnh điểm khi Tòa án bãi bỏ một số đoạn chính trong Chính sách Kinh tế Mới được soạn thảo nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc Đại suy thoái. Chẳng hạn, trong vụ Schechter Poultry Corp kiện nước Mỹ (1935), vụ “con gà ốm” Tòa án đã bãi bỏ yếu tố chính trong kế hoạch khôi phục kinh tế, Đạo luật Khôi phục ngành Công nghiệp Quốc gia. Trong những đạo luật khác, đạo luật trao quyền cho tổng thống để thực thi bộ luật cạnh tranh đã được Hiệp hội Thương mại trong nước phê chuẩn. Schechter Poultry Corp liên quan đến bộ luật cạnh tranh trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm tại Thành phố New York. Gia cầm chắc chắn được chăn nuôi với số lượng lớn, được vận chuyển bằng đường biển theo hoạt động thương mại giữa các tiểu bang và có hiệu quả kinh tế quan trọng ở tầm quốc gia. Đạo luật này quy định việc mua bán gia cầm, tuy nhiên, đạo luật này đã vượt quá phạm vi của điều khoản thương mại. Bằng ngôn từ trần thuật về vụ E.C. Knight, Tòa án đã định nghĩa thương mại trong phạm vi hẹp: “Trong phạm vi gia cầm là đối tượng được quan tâm, việc lưu thông thương mại giữa các tiểu bang đã bị ngừng lại. Kinh doanh gia cầm đã trở thành ngành còn lại tồn tại trong phạm vi Tiểu bang”.

Việc Tòa án làm vô hiệu Chính sách Kinh tế Mới thể hiện sự thách thức đối với các ngành khác của chính phủ, và sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt chiến thắng vang dội trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 1939, ông đã đương đầu với thách thức đó. Franklin Delano Roosevelt (viết tắt là FDR) đề xuất kế hoạch nổi tiếng của mình: cải tổ toàn bộ tòa án. Theo đó tổng thống có quyền chỉ định một thẩm phán mới thay thế vị trí của vị thẩm phán đương nhiệm nếu thẩm phán này đã bảy mươi tuổi và đã làm trong tòa án được mười năm. Việc thông qua kế hoạch này sẽ tạo điều kiện cho tổng thống chỉ định sáu thẩm phán mới, thiết lập một cơ cấu tự do chiếm đa số thành viên trong tòa tán thành Chính sách Kinh tế Mới.

Tranh luận về kế hoạch cải tổ toàn bộ tòa án rất quyết liệt, và rõ ràng chứng tỏ vai trò mờ nhạt của Tòa án theo Hiến pháp. Quá trình cải tổ này bị hạn chế do khả năng của Tòa án trong việc ngăn cản quyết tâm của đại đa số chiếm ưu thế và coi kế hoạch này như là một phương tiện kiểm soát trong một thể chế không dân chủ. Nhưng Tòa án có được một lực lượng bảo vệ hùng hậu, thậm chí cả từ những người không đồng tình với các phán quyết của Tòa án. Nếu có nhiều người bảo vệ luật hiến pháp hơn là ủng hộ các vấn đề chính trị đơn giản, Tòa án phải được miễn can thiệp chính trị trực tiếp kiểu này trong các phán quyết của mình.

Cuối cùng, kế hoạch cải tổ toàn bộ tòa án đã thất bại trong Quốc hội nhưng vẫn có ảnh hưởng đến Tòa án Tối cao. Vào giữa năm 1937, Thẩm phán có quan điểm trung lập Owen Roberts đã trở thành một người ủng hộ kiên định hơn các quy định của luật, và vài năm tiếp theo, “Bốn Kỵ sĩ” (James McReynolds, Willis Van Devanter, Pierce Butler, và George Sutherland) nổi tiếng của Đảng Bảo thủ về hưu, Roosevelt đã chỉ định các thẩm phán thay thế và chương trình cải tổ lập pháp của ông nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Kết quả là cách diễn giải điều khoản thương mại đã chuyển sang cách hiểu gần như hoàn toàn khác về quyền của Quốc hội, chứng tỏ tầm quan trọng về hiệu lực của Marshall, và hiện cách hiểu này vẫn được duy trì kể từ thời điểm đó.

Chẳng hạn, trong vụ Ban Quan hệ Lao động Quốc gia kiện Công ty thép Jones & Laughlin (1937) – một trong những vụ kiện đầu tiên mà Tòa án đã áp dụng cách giải quyết tự do hơn Tòa án ủng hộ tính hợp hiến của Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia, một phần chính khác trong Chính sách Kinh tế Mới. Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia đã cấm các chủ sử dụng lao động “tham gia vào bất kỳ công việc lao động không công bằng nào có ảnh hưởng đến thương mại”. Jones & Laughlin là một công ty thép lớn, được hợp nhất và có trụ sở ở nhiều bang, nhưng Tòa án cho rằng quyền thương mại không bị hạn chế với các doanh nghiệp đó: “Mặc dù, về bản chất, các hoạt động có thể trong phạm vi tiểu bang khi được xem xét riêng rẽ, nếu các hoạt động đó có mối liên hệ chặt chẽ và quan trọng với thương mại giữa các tiểu bang. Việc kiểm soát các hoạt động đó là cần thiết hoặc phù hợp nhằm bảo vệ thương mại không bị cồng kềnh và gây nhiều trở ngại, Quốc hội không thể phủ nhận quyền thực hiện việc kiểm soát đó”. Không giống như vụ E.C.Knight, hoạt động được quy định ở đây chỉ là sản xuất thì không thuộc phạm vi hiệu lực của điều khoản thương mại.

Sự chuyển đổi được hoàn thiện năm 1942 trong vụ Wickard kiện Filburn, trong đó Tòa án đã viện dẫn rõ ràng phân tích của Marshall về quyền thương mại trong vụ Gibbons kiện Ogden. Bộ trưởng Nông nghiệp đã phạt Filburn, một chủ trang trại nhỏ, số tiền 117,11 đô-la vì đã trồng 239 giạ lúa mỳ trên phần ruộng ông được chia, mặc dù ông định sử dụng lúa mỳ riêng cho trang trại của mình và không bán vì mục đích thương mại giữa các tiểu bang hoặc hình thức khác. Hoạt động này là sản xuất và chế biến, không liên quan gì tới hoạt động tiếp thị và phân phối. Nhưng vấn đề chính mà Tòa án quan tâm là hệ quả của hoạt động thương mại, chứ không phải là tính chất của hoạt động thương mại. Vấn đề chính để xác định phạm vi quyền lực của Quốc hội theo điều khoản thương mại là định rõ hoạt động được xem xét đó có ảnh hưởng đến thương mại giữa các tiểu bang, ngay cả khi đó không phải là thương mại giữa các tiểu bang. Nếu Filburn trồng và tiêu thụ lúa mỳ của mình, ông sẽ không mua lúa mỳ trên thị trường. Nếu nhiều trang trại nhỏ đều trồng như vậy, thì việc các trang trại này quyết định tích lũy sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường lúa mỳ quốc gia, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến thương mại giữa các tiểu bang và đó là một chủ đề chính để quốc hội hành động.

Trong nửa thế kỷ sau Chính sách Kinh tế Mới, Tòa án Tối cao cũng chấp thuận hầu hết việc áp dụng quyền thương mại của Quốc hội, bao gồm việc đề ra mức lương tối thiểu và giờ làm việc tối đa, cấm phân biệt chủng tộc tại các địa điểm thương mại, quy định việc bán lương thực, phạt tội cho vay nặng lãi, và những vấn đề khác. Trong vụ Hodel kiện Virginia Surface Mining and Reclamation Association (1981), Thẩm phán Rehnquist đã tóm tắt câu chuyện này và cho rằng “một trong những ’hư cấu‘ lớn nhất về hệ thống Liên bang của chúng ta là Quốc hội chỉ thực thi những quyền đã được trao cho Quốc hội”, và “cách mà Tòa án diễn giải Điều khoản Thương mại đã minh họa đầy đủ mức độ hư cấu này”. Mặc dù ông đồng ý với phán quyết của Tòa án rằng một đạo luật quy định việc khai thác mỏ lộ thiên trong tiểu bang là hợp hiến, nhưng ông cũng cảnh báo “thật sai lầm khi kết luận rằng quyền điều tiết của Quốc hội theo Điều khoản Thương mại là bị hạn chế. Một số hoạt động có thể mang tính chất kín đáo hoặc cục bộ đến nỗi chúng không chỉ là thương mại đơn thuần”. Khi những vị trí mới trong Tòa án được bổ nhiệm, lời cảnh báo của Rehnquist đã tạo cơ sở cho chủ nghĩa liên bang mới lần đầu tiên hạn chế quyền của Quốc hội theo điều khoản thương mại kể từ Chính sách Kinh tế Mới.

Năm 1990, Quốc hội đã ban hành một đạo luật được soạn thảo để xét xử một tội phạm liên bang mang súng theo người ở cách phạm vi trường học khoảng hơn 300 m. Alfonso Lopez bị buộc tội theo đạo luật vì mang một khẩu súng ngắn đến trường, và anh đã yêu cầu bác bỏ bản cáo trạng vì cho rằng việc ban hành đạo luật này là vượt quá bất kỳ quyền nào đã được liệt kê của Quốc hội. Chính phủ biện hộ đạo luật này như là một cách thực thi quyền thương mại; đem một khẩu súng đến khu vực trường học có thể dẫn đến bạo hành, và hậu quả của sự bạo hành này là rất lớn, việc mang vũ khí trong các trường học gây ảnh hưởng đến môi trường học tập và dẫn đến việc học tập kém hiệu quả. Vì vậy việc mang súng vào khu vực trường học có thể ảnh hưởng đáng kể đến thương mại giữa các tiểu bang. Chánh án Rehnquist của Tòa án đã phán quyết bác bỏ quan điểm của chính phủ, cho rằng việc mang súng trong khu vực trường học không phải là hoạt động kinh tế, không giống với việc trồng lúa mỳ trong vụ Wickard kiện Filburn, và vì vậy vấn đề này không thuộc phạm vi của điều khoản thương mại. Đặc biệt, không có tài liệu nào của Quốc hội đề cập đến việc mang súng có thể được áp vào hành vi đặc biệt về thương mại giữa các tiểu bang. Nếu đạo luật này được cho là có hiệu lực thì hầu hết các đạo luật khác cũng sẽ hợp hiến, bao gồm cả những đạo luật đề cập nhiều đến các chủ đề truyền thống trong phạm vi tiểu bang, chẳng hạn như phạm tội, giáo dục và nuôi dưỡng con cái (vụ Nước Mỹ kiện Lopez, 1995).

Lopez đã không thi hành bản án theo điều khoản thương mại của Tòa án, và các nhà bình luận đã suy đoán rằng một sự chuyển đổi có tầm quan trọng ngang với việc cải cách Chính sách Kinh tế có thể sẽ chấm dứt. Vụ Nước Mỹ kiện Morrison năm 2000 quả thực ít nhiều đã chấm dứt sự suy đoán trên. Trong Đạo luật Chống bạo hành đối với Phụ nữ (VAWA), Quốc hội đã cho phép nạn nhân của sự bạo hành do “định kiến giới tính” kiện người đã tấn công. Christy Brzonkala, một cựu sinh viên ở Trường Đại học Bách khoa Virginia, đã kiện hai cầu thủ bóng đá ở trường theo đạo luật trên với cáo buộc đã cưỡng hiếp cô; cô cũng kiện nhà trường vì không có hình thức xử lý tương ứng những kẻ tấn công. Không giống như vụ Lopez, Quốc hội đã bắt đầu nghiên cứu mở rộng trước khi ban hành VAWA, quá trình này dài bốn năm với các phiên điều trần, các báo cáo của lực lượng đặc nhiệm từ hai mươi mốt tiểu bang, và tám báo cáo riêng của Ủy ban Quốc hội gồm những tài liệu cụ thể về tác động của sự bạo hành do định kiến giới tính đối với thương mại giữa các tiểu bang. Tuy nhiên, Chánh án Rehnquist cho rằng đạo luật vượt quá quyền theo điều khoản thương mại của Quốc hội. Bạo hành do định kiến giới tính, giống như việc sở hữu súng, không phải là hoạt động kinh tế, và toàn bộ tác động của sự bạo hành đó đối với thương mại giữa các tiểu bang không làm cho việc bạo hành đó phải tuân thủ điều khoản thương mại. Những người không theo Chính thống giáo lập luận rằng toàn bộ tác động, chứ không chỉ riêng hoạt động có tính chất kinh tế hoặc phi kinh tế, phải được định rõ trong các vụ kiện như vụ Wickard. Nhưng Rehnquist đã trả lời “Hiến pháp đòi hỏi sự khác biệt giữa những vụ kiện thực sự thuộc phạm vi quốc gia và những vụ kiện thực sự ở phạm vi địa phương”. Vì hình phạt cho việc bạo hành trong phạm vi tiểu bang theo truyền thống thuộc phạm vi của luật tiểu bang điều chỉnh, vì vậy điều khoản bồi thường dân sự của VAWA là không hợp hiến.

Chế độ liên bang mới sẽ đi xa đến đâu là vấn đề được thể hiện trong vụ Raich kiện Gonzales, vụ cần sa dùng cho y tế năm 2005. Đạo luật Cho phép Sử dụng vì Lòng thương hại của California đã chấp nhận sử dụng cần sa vào các mục đích y tế. Hai bệnh nhân nặng không công nhận luật liên bang và đòi quyền xin và sử dụng cần sa để giảm đau đớn vì căn bệnh của mình, cho rằng ngoài các quy định khác, quy định về việc sử dụng cá nhân đó vượt quá phạm vi của điều khoản thương mại. Tòa án cho rằng việc sở hữu và sử dụng cần sa, không giống như việc sở hữu và sử dụng súng hoặc bạo hành do định kiến giới tính, là hoạt động kinh tế theo điều khoản thương mại. Tại sao vậy? Giống như lúa mỳ trong vụ Wickard, cần sa là “hàng hóa có thể thay thế được và có một thị trường ổn định giữa các tiểu bang, mặc dù là bất hợp pháp”. Quốc hội có thể kết luận rằng việc tiêu thụ cần sa trong nước không được quy định sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước, chẳng hạn như khi giá thuốc phiện cao hơn sẽ thu hút cần sa trồng cho nhu cầu gia đình đưa ra thị trường thương mại. Có lẽ, quan trọng hơn, quy định về việc sử dụng cần sa là một phần trong kế hoạch tổng thể đối với việc quy định về cần sa và các loại thuốc hướng thần khác. Vụ Lopez liên quan đến một đạo luật hình sự hẹp hơn mà không có bất kỳ tuyên án nào về ảnh hưởng đối với thương mại tiểu bang, và tương tự, vụ Morrison chỉ đề cập đến hành vi có “tính chất hình sự, phi kinh tế”. Nếu Quốc hội ban hành một kế hoạch tổng thể nhằm kiểm soát một hoạt động trong thương mại giữa các tiểu bang, điều khoản cần thiết và thích hợp hỗ trợ điều khoản thương mại bằng cách cho phép quy định về hoạt động phi kinh tế trong phạm vi tiểu bang.

Các quyền cụ thể của tổng thống theo Hiến pháp bao gồm hành động với tư cách là tổng tư lệnh của lực lượng quốc phòng; bổ nhiệm các đại sứ, thẩm phán và các quan chức điều hành với sự tư vấn và chấp thuận của Thượng nghị viện; đề xuất và biểu quyết việc ban hành luật. Tuy nhiên, nếu Quốc hội chỉ có “Quyền lập pháp được trao như ở đây”, thì Hiến pháp quy định rằng “Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống”, điều này cho thấy, cùng với quan điểm của Tòa án Tối cao, tổng thống có toàn bộ các quyền thường được thực thi bởi một người lãnh đạo cao nhất ngay cả khi các quyền này không được liệt kê cụ thể trong Hiến pháp. 

Các quyền hành pháp chung và được liệt kê của tổng thống là rất lớn, nhưng không phải là không có giới hạn hoặc độc lập so với các quyền của Quốc hội. Các tranh luận về phạm vi quyền liên bang và quyền hành pháp của tổng thống là căng thẳng nhất trong thời kỳ khủng hoảng. Phạm vi quyền lực của chính phủ để bảo vệ đất nước và vai trò của tổng thống với tư cách là tổng tư lệnh đã gây tranh cãi trong một thời gian dài, và tranh cãi đã trở nên gay gắt hơn kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Hiến pháp đã trao cho Quốc hội các quyền “tuyên bố chiến tranh”, tài trợ và chi phối lực lượng quốc phòng, và Hiến pháp đã chỉ định tổng thống là “Tư lệnh tối cao”. Vì vậy, Quốc hội và tổng thống có thể cùng hành động, khi Quốc hội tuyên bố chiến tranh thì tổng thống sẽ tiến hành sau đó. Trong lịch sử nước Mỹ, Quốc hội từng tuyên bố tình trạng chiến tranh sáu lần, bắt đầu từ cuộc Chiến tranh năm 1812 và gần đây nhất là trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới II; Nội chiến và Chiến tranh Triều Tiên nằm trong số nhiều cuộc chiến không được tuyên bố. Thông thường, Quốc hội không tuyên bố chiến tranh chính thức nhưng dưới một số hình thức khác đã cho phép tổng thống cử quân đội ra trận. Sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, Quốc hội đã thông qua nghị quyết Cho phép Sử dụng Lực lượng Quân đội, dẫn đến các cuộc chiến tại Iraq và Afganistan.

Tổng thống cũng thường tiến hành các hoạt động quân sự mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội, hoặc xin phê chuẩn sau khi hành động đã được thực hiện. Việc đó đã xảy ra hơn 130 lần, bắt đầu từ việc Tổng thống Adam sử dụng hải quân để bắt giữ các tàu Pháp tấn công các tàu hàng của Mỹ và kéo dài ít nhất đến việc Tổng thống Clinton hạ lệnh cho dừng chiến dịch không quân thanh tẩy chủng tộc tại Kosovo. Các tổng thống có các hành động được biện hộ là đúng theo quyền được trao để bảo vệ đất nước không bị tấn công, theo nhu cầu bảo vệ những người Mỹ bị bắt trong các cuộc xung đột ở nước ngoài, và theo nghĩa vụ đối với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và NATO.

Quyền của tổng thống với tư cách là tổng tư lệnh sẽ mở rộng đến đâu khi tổng thống hành động không cần sự cho phép của Quốc hội là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Một phương cách được đưa ra trong các Vụ kiện Trưng dụng thép trong suốt Chiến tranh Triều Tiên. Tổng thống Truman ra lệnh cho Chính phủ Liên bang trưng dụng các nhà máy thép của đất nước để duy trì sản xuất trước nguy cơ có thể xảy ra đình công. Tòa án Tối cao cho rằng nếu không được Quốc hội cho phép (quả thực, Quốc hội từ chối cho phép việc trưng dụng này nhằm giải quyết tranh chấp lao động), Truman không có quyền với tư cách là tổng tư lệnh nêu trên hoặc theo quyền hành pháp chung. Kết quả là Thẩm phán Robert Jackson đã đề nghị một hình thức kiểm tra thường được viện dẫn có tính năng linh hoạt để phân tích quyền của tổng thống. Khi tổng thống hành động theo sự phê chuẩn của quốc hội, quyền của tổng thống là cao nhất; khi tổng thống hành động trái với ý kiến mà Quốc hội nêu rõ hoặc đề xuất, quyền của tổng thống sẽ là thấp nhất; khi tổng thống hành động về một vấn đề mà Quốc hội không đề cập đến, dựa vào các quyền riêng biệt của mình với tư cách là tổng thống thì tổng thống điều hành trong “một phạm vi không rõ ràng” và phạm vi quyền lực của tổng thống phụ thuộc “vào tính cấp bách của các sự việc và không thể lường trước được lúc đó”. (Vụ Youngstown Sheet & Tube Co kiện Sawyer, 1952)

Quốc hội cũng đã cố gắng kiểm soát quyền của tổng thống thông qua Nghị quyết về Quyền tuyên bố Chiến tranh năm 1973, được ban hành bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Nixon, như là một biện pháp giải quyết tranh cãi về Chiến tranh Việt Nam. Nghị quyết yêu cầu tổng thống phải hỏi ý kiến Quốc hội khi cử quân đội tham chiến và rút quân sau sáu mươi ngày, trừ khi Quốc hội đã phê chuẩn. Nghị quyết hạn chế một cách không hợp hiến quyền của tổng thống chưa bao giờ được kiểm tra, và có lẽ sẽ không bao giờ, bởi vì nó đề cập đến các vấn đề chính trị mà Tòa án Tối cao không muốn giải quyết. Đồng thời, tổng thống đôi khi phải tôn trọng nghị quyết và đôi khi thì không. Tổng thống Clinton đã sử dụng quyền này khi cử quân đội đến khôi phục lại chức vụ cho Jean-Bertrand Aristide, Tổng thống Haiti, sau một hành động táo bạo năm 1994, nhưng đã không sử dụng quyền này khi ra lệnh cho lực lượng không quân tấn công các căn cứ của Al Qaeda tại Sudan và Afghanistan năm 1998. 

Quyền phát động chiến tranh cũng có thể xung đột với các quyền tự do dân sự được Hiến pháp bảo vệ. Trong suốt cuộc Nội chiến, Tổng thống Lincoln đã đình chỉ nguyên tắc đình quyền giam giữ nhằm tạo điều kiện cho việc giam giữ vô thời hạn những người cản trở cuộc chiến. Khi Thẩm phán Roger Taney của Tòa án Tối cao ban một lệnh đình quyền giam giữ yêu cầu một người ủng hộ Liên minh tên là John Merryman nên được đưa ra tòa hay tha bổng, Lincoln đã ngầm chỉ đạo các sỹ quan quân đội giam giữ Marryman phớt lờ lệnh trên, cho rằng có quyền hành động theo hiến pháp khi Quốc hội không nhóm họp. Taney không tiếp tục theo đuổi vụ việc và sau đó Quốc hội công nhận việc đình chỉ lệnh vì Hiến pháp cho phép làm như vậy.

Sau các vụ tấn công ngày 11 tháng 9, Quốc hội đã cho phép tổng thống “sử dụng toàn bộ lực lượng cần thiết và phù hợp” đối phó với các cá nhân và tổ chức đã vạch kế hoạch và ủng hộ các cuộc tấn công này. Kết quả là lực lượng quân đội Mỹ đã bắt được nhiều chiến binh và những người khác được cho là có mối quan hệ với Al Qaeda (gồm cả các công dân Mỹ), giam giữ họ ở Hoa Kỳ và tại căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo, Cuba. Chính quyền Tổng thống George W. Bush cho rằng nghị quyết cho phép lực lượng quân sự, và có lẽ quan trọng hơn, quyền cố hữu của tổng thống với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp và tổng tư lệnh, đã cho phép một loạt hành động vượt quá sự kiểm soát của luật trong thời bình và vượt quá sự kiểm soát của tòa án. Bộ Tư pháp đưa ra một bản ý kiến pháp lý nêu rõ rằng: “Trong thời chiến, chỉ Tổng thống có thể quyết định biện pháp nào tối ưu nhất được sử dụng để đánh bại kẻ thù”. Vì vậy, ban đầu tổng thống đòi quyền hợp hiến để ra lệnh tra tấn tù nhân nhằm thu thập tin tức tình báo ngay cả khi Quốc hội đã nghiêm cấm hành động này vì nó vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về chống Tra tấn. Sau khi được công bố rộng rãi, Bộ Tư pháp hủy bỏ bản ý kiến của mình và tổng thống đã không đòi quyền đó nữa. Chính quyền cũng cho rằng tù nhân bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo và thậm chí cả các công dân Hoa Kỳ bị coi là “các chiến binh thù địch” đều vượt quá phạm vi của tòa án. (Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, chính phủ cũng mở rộng việc sử dụng thủ đoạn nghe trộm điện thoại, chặn thư điện tử, và các phương tiện giám sát điện tử khác; những biện pháp này liên quan đến Tu chính án thứ 4 và được thảo luận tại Chương 9.)

Trong hai vụ kiện năm 2004, Tòa án Tối cao đã bác bỏ những khiếu nại này, cho rằng các quyền của tổng thống là hạn chế thậm chí trong suốt cuộc chiến chống khủng bố, và tòa án có quyền quyết định phạm vi các quyền này. Cụ thể, trong phạm vi kiểm soát Vịnh Guantanamo của Mỹ, các tòa án liên bang có thẩm quyền “quyết định tính hợp pháp khả năng giam giữ vô thời hạn của Cơ quan Hành pháp đối với những cá nhân được cho là vô tội” (Vụ Rasul kiện Bush, 2004). Yaser Hamdi, một công dân Mỹ bị bắt tại Afghanistan trong cuộc chiến với phe Taliban, có quyền nhận thông báo về việc cho rằng anh ta là một chiến binh thù địch và chứng minh những khiếu nại trước người có quyền quyết định trung lập. Tổng thống, theo nghị quyết của quốc hội, có thể xác định một công dân là chiến binh thù địch và ra lệnh giam giữ chiến binh đó. Nhưng thậm chí một chiến binh thù địch cũng không nhất thiết, và không thể bị giam giữ vô thời hạn nếu chưa qua một quy trình xét xử công bằng, bao gồm quyền bào chữa phản bác lại các viện dẫn kết tội đối với anh ta trước người có quyền quyết định trung lập (Vụ Hamdi kiện Rumsfeld, 2004). Nhằm giải quyết các vụ tương tự như Rasul và Hamdi, Quốc hội đã ban hành Đạo luật Đối xử với Người bị Giam giữ, năm 2005 và Đạo luật Thiết lập các Ủy ban Quân sự, năm 2006, để quy định các thủ tục giám sát tình trạng người bị giam giữ và hạn chế việc tòa án xem xét các quyết định quân sự đối với những người bị giam giữ cụ thể, không bao gồm các hành động theo lệnh đình quyền giam giữ. Trong vụ Boumedienne kiện Bush (2007), Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng các thủ tục và hạn chế này là vi hiến. Hiến pháp quy định rằng lệnh đình quyền giam giữ có thể bị Quốc hội ngừng lại chỉ “khi trong các Trường hợp Nổi loạn hoặc Xâm lược mà có thể đòi hỏi sự An toàn của dân chúng” và các đạo luật đã nêu không phân tích những yêu cầu của điều khoản ngừng hoặc không quy định các thủ tục thay thế tương xứng lệnh đình quyền giam giữ. Một người bị giam giữ mà số phận của anh ta do Ủy ban quân sự quyết định có thể có một “người đại diện” không phải là luật sư, thậm chí không phải là người ủng hộ cho anh ta. Những bằng chứng mà chính phủ đưa ra sẽ được coi là có giá trị, người bị giam giữ chỉ có thể tiếp cận với những bằng chứng chưa rõ ràng, và anh ta chỉ có thể đưa ra bằng chứng “có giá trị hợp lý” của mình một cách hạn chế.

Các tiểu bang có quyền gì theo luật hiến pháp?

Đến nay, vấn đề tồn tại là đã hình thành một chính phủ quốc gia đủ mạnh để sửa chữa những điểm yếu kém của chính phủ theo Điều lệ Liên bang. Các quyền của chính phủ đó bị hạn chế bằng học thuyết của các quyền đã được liệt kê, và việc mở rộng tiếp theo các quyền của chính phủ được tiến hành bằng cách diễn giải theo nghĩa rộng việc trao các quyền cụ thể như điều khoản thương mại. Nhưng còn các tiểu bang thì sao? Các tiểu bang đã tồn tại trước khi chính phủ quốc gia được thành lập, và các đại diện của tiểu bang đã soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Vì quyền của chính phủ liên bang đã mở rộng, bằng cách nào các tiểu bang điều chỉnh để phù hợp với hệ thống hiến pháp?

Như với mọi vấn đề khác của luật hiến pháp, trả lời cho câu hỏi này thật không đơn giản. Văn kiện Hiến pháp ít đề cập đến quyền của tiểu bang, trao cụ thể một vài quyền cho chính quyền các tiểu bang và áp đặt rõ một số hạn chế về quyền liên bang đối với các tiểu bang. Thời thế đã thay đổi và chính quyền liên bang cũng như các tiểu bang đã khẳng định các quyền của mình theo những cách thức khác nhau, vì thế Tòa án Tối cao đã cố gắng xác định phạm vi điều hành hợp lý của chính quyền liên bang và tiểu bang.

Ngay cả khi Hiến pháp không đề cập đến vấn đề trên, chế độ liên bang ý tưởng quyền của chính phủ được chia sẻ với chính quyền tiểu bang và chính phủ quốc gia là một nguyên lý cơ bản trong hệ thống hiến pháp của chúng ta. Chính phủ liên bang là một chính phủ có các quyền được liệt kê, chỉ thực thi những quyền được trao cụ thể trong Hiến pháp mặc dù chúng ta đã biết rằng sự hạn chế đó thường trên lý thuyết hơn là trong thực tế, với sự công nhận của Tòa án về việc mở rộng quyền liên bang. Còn các tiểu bang có nhiệm vụ thực thi quyền bảo vệ chung, hoặc quyền thực hiện toàn bộ những công việc thông thường mà chính quyền các tiểu bang thực hiện. Các tòa án đã xây dựng một cơ quan trọng yếu về luật dựa trên ý nghĩa của các quyền được liệt kê của chính phủ liên bang (chẳng hạn như quyền thương mại), nhưng không có cơ quan pháp lý nào về quyền của chính quyền các tiểu bang có thể so sánh được, vì quyền của chính quyền các tiểu bang này là chung chứ không phải được liệt kê cụ thể. Hiến pháp không quy định cụ thể quyền chung của chính quyền các tiểu bang bởi vì đó không phải phạm vi của Hiến pháp mọi người đều hiểu các khái niệm tại thời điểm soạn thảo ra văn kiện này, còn ngày nay chúng ta thực hiện theo bối cảnh chính trị hiện tại và hàm ý cần thiết của cơ cấu hiến pháp.

Các quyền của liên bang và tiểu bang được điều chỉnh dễ dàng. Các tiểu bang có quyền chung, trong khi chính phủ quốc gia có quyền hạn chế, được liệt kê cụ thể trong Hiến pháp. Tu chính án thứ 10 đã nêu rõ rằng quyền của các tiểu bang mở rộng hơn quyền của chính phủ quốc gia: “Các quyền không được Hiến pháp trao cho Hoa Kỳ, hoặc không bị Hiến pháp cấm đối với các Tiểu bang được bảo lưu tương ứng với các Tiểu bang, hoặc với mọi người”. Nhưng Hiến pháp cũng bao gồm điều khoản về quyền tối cao, trong Điều VI, Khoản 2: “Hiến pháp này, và các Đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này… sẽ là Luật tối cao của Quốc gia; và Thẩm phán ở các Tiểu bang đều phải tuân thủ những đạo luật này, bất kỳ một điều nào trong hiến pháp hoặc luật của bất kỳ Tiểu bang nào trái với Hiến pháp Liên bang đều không có giá trị”. Vì vậy, các tiểu bang có quyền chung, chính phủ liên bang có quyền hạn chế, nhưng trong phạm vi quyền của mình, chính phủ liên bang là tối cao. Vậy thì, bằng cách nào các tòa án có thể vạch được đường ranh giới giữa quyền của liên bang và tiểu bang?

Trong một thời gian dài, từ hậu Nội chiến cho đến khi bắt đầu Chính sách Kinh tế Mới, Tòa án Tối cao hạn chế quyền của liên bang so với quyền của tiểu bang. Phương thức này là hệ quả tất yếu của phương thức bảo thủ của Tòa án (được thảo luận trước đó), thông qua phương thức hạn chế phạm vi của các quyền liên bang theo điều khoản thương mại và các quy định khác. Khái niệm này được gọi là chủ quyền pháp luật song hành. Nhưng cả chính phủ quốc gia và tiểu bang có phạm vi quyền hạn phù hợp của mình, và không thể xâm phạm đến phạm vi quyền hạn của nhau. Thông thường, Tòa án sẽ tuyên vô hiệu việc ban hành luật của quốc hội nếu phát hiện ra rằng đạo luật đang nói đến vượt quá phạm vi các quyền được liệt kê của chính phủ liên bang, hoặc Tòa án tuyên vô hiệu các quyền của tiểu bang. Chẳng hạn, trong vụ Hamner kiện Dagenhart (1918), Tòa án cho rằng luật liên bang cấm việc lưu chuyển trong hoạt động thương mại giữa các tiểu bang đối với hàng hóa được sản xuất do sức lao động của trẻ em là vượt quá quyền thương mại, và trong vụ Keller kiện Hoa Kỳ (1909), Tòa án đã phán quyết việc liên bang cấm các nhà thổ là xâm phạm đến quyền bảo vệ của các tiểu bang.

Khái niệm chủ quyền pháp luật song hành và phạm vi rộng lớn về quyền của tiểu bang được Tòa án đưa ra khá mờ nhạt. Khả năng phân biệt rõ ràng giữa các lĩnh vực chủ quyền là phù hợp với tư tưởng của thế kỷ XIX hơn là những tư tưởng pháp luật của thế kỷ XX. Sau FDR, sau cuộc Đại suy thoái, và Chính sách Kinh tế Mới, Tòa án đã sẵn sàng chấp thuận việc mở rộng quyền của liên bang. Ngày nay, việc phân chia quyền lực giữa chính phủ quốc gia và các chính quyền tiểu bang bị kiểm soát bởi học thuyết về quyền ưu tiên, bao gồm hiệu ứng phức tạp của quyền liên bang không có hiệu lực thực thi. Nếu chính phủ liên bang hành động, sẽ ưu tiên áp dụng luật tiểu bang mà trên thực tế có khả năng mâu thuẫn với luật liên bang. Và đôi khi, nếu chính phủ liên bang không hành động hoặc chỉ có thể hành động nếu quyền của chính phủ là không có hiệu lực thực thi thì luật tiểu bang cũng bị cấm.

Quyền ưu tiên áp dụng luật liên bang khi luật tiểu bang trái với luật liên bang rất dễ hiểu vì hiệu lực của điều khoản quyền tối cao. Đạo luật Xét xử Trọng tài Liên bang quy định rằng các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận đệ trình tranh chấp lên trọng tài bất kể quy định trái ngược của luật tiểu bang. Trên cơ sở quy định đó một đạo luật của tiểu bang California đã cố tình làm mất hiệu lực thỏa thuận này được ưu tiên áp dụng (vụ Công ty Southland kiện Keating, 1984). Câu hỏi khó ở chỗ những phạm vi mà luật tiểu bang và liên bang không trái ngược nhau một cách rõ ràng nhưng vẫn mâu thuẫn, trong trường hợp xung đột đó, luật tiểu bang không được áp dụng. Đôi khi, Tòa án Tối cao sẽ tôn trọng mối quan tâm của chế độ liên bang và diễn giải các đạo luật nhằm tránh xung đột; tại những thời điểm khác, Tòa án sẽ nhạy cảm hơn với mối quan tâm của quốc gia, nếu Tòa án hiểu được sự cần thiết của tính thống nhất quốc gia. Trong vụ Cipollone kiện Liggett Group, Inc (1992), Tòa án cho rằng luật liên bang về nhãn hiệu thuốc lá đã ưu tiên trách nhiệm gây tổn hại ngoài hợp đồng của tiểu bang vì không cảnh báo sự nguy hiểm của việc hút thuốc. Nhưng trong vụ Altria Group, Inc kiện Good (2008), Tòa án kết luận rằng đạo luật liên bang không ưu tiên khiếu nại về sự gian lận của tiểu bang đối với các nhà sản xuất thuốc lá vì đã quảng cáo dối trá rằng thuốc lá “nhẹ” ít gây tác hại. Trong cả hai trường hợp, Tòa án tập trung vào việc bày tỏ ý kiến của Quốc hội và đề xuất ý kiến này trong việc ban hành luật; trong vụ Cipollone, luật tiểu bang mâu thuẫn với việc cảnh báo sức khỏe theo quy định của liên bang đối với thuốc lá, nhưng trong vụ Altria Group, luật tiểu bang là nhằm vào quảng cáo dối trá chứ không phải là tác động của việc hút thuốc đến sức khỏe. Trừ khi Quốc hội đã chứng minh được “nghĩa rõ ràng và hiển nhiên” để ưu tiên luật tiểu bang, quyền bảo vệ của tiểu bang vẫn không thay đổi.

Luật liên bang có thể ưu tiên hơn luật tiểu bang ngay cả khi không có mâu thuẫn thực tế và lĩnh vực được Quốc hội nắm giữ theo quy định. Đây là vấn đề giải thích việc Quốc hội đầu tiên định đi xa đến đâu. Nếu các vấn đề thuộc quyền lợi quốc gia hoặc đòi hỏi sự thống nhất quốc gia chẳng hạn như các công việc liên quan đến những bộ tộc da đỏ, nhập cư, hoặc di trú của các loài chim trong khắp cả nước Tòa án có thể ưu tiên lựa chọn áp dụng các đạo luật liên bang.

Có lẽ lĩnh vực mờ nhạt nhất của học thuyết về quyền ưu tiên liên quan đến các trường hợp thuộc quyền của Quốc hội trong các lĩnh vực mà Quốc hội chưa ban hành luật. Quyền chưa được thực thi có thể ngăn các tiểu bang không hành động trong thời gian đó không? Những người ủng hộ chính phủ quốc gia vững mạnh trước đó lập luận rằng khả năng ban hành luật của các tiểu bang đối với các vấn đề có hiệu lực bên ngoài đường biên giới của mình là một nhược điểm lớn của chính phủ theo Điều lệ Liên bang, và do đó điều khoản thương mại và điều khoản về quyền tối cao cần được sửa đổi. Vì vậy, các tiểu bang không thể hành động trong các lĩnh vực được quy định thuộc quyền thương mại liên bang, mặc dù các tiểu bang có thể ban hành luật trong các lĩnh vực khác mà có thể có một số tác động đến lĩnh vực thương mại. Những người khác đưa ra quan điểm hẹp hơn về quyền của liên bang, cho rằng luật của tiểu bang được ưu tiên chỉ khi nó thực sự mâu thuẫn với các luật do liên bang ban hành.

Việc giải quyết vấn đề này bắt đầu vào những năm 1850 và được trình bày rõ ràng trong một loạt vụ kiện từ Chính sách Kinh tế Mới trở về trước. Điều này rất nhạy cảm với những mối quan tâm của chế độ liên bang. Các tiểu bang nên được phép ban hành luật tùy thuộc vào sự cần thiết ở địa phương, nhưng các tiểu bang không được phép can thiệp vào nguồn thương mại giữa các tiểu bang. Tòa án cân bằng quyền lợi cục bộ của tiểu bang trong việc thực thi luật đối với trách nhiệm dẫn chứng và suy xét đúng đắn mà Tòa án áp dụng đối với thương mại giữa các tiểu bang. Vì vậy, một tiểu bang có thể bảo vệ quyền lợi về sự an toàn trên những đường cao tốc bằng cách ban hành độ cao tối đa và hạn chế trọng lượng đối với xe tải trên đường, ngay cả khi chỉ một vài xe tải có thể đáp ứng được giới hạn đó, vì quy định cấm áp dụng công bằng với các xe tải được sử dụng trong phạm vi tiểu bang và đi xuyên tiểu bang (chẳng hạn, vụ Cục đường bộ Tiểu bang Nam Carolina kiện Barnwell Bros, 1938), nhưng tiểu bang không thể cấm các xe kéo rơ-moóc siêu trường siêu trọng mà các điều khoản cấm lại miễn cho nhiều xe tải trong tiểu bang (như vụ Kassel kiện Công ty Consolidated Freightways, 1981).

Một khía cạnh khác của sự phân chia quyền lực theo hiến pháp giữa chính phủ quốc gia và các tiểu bang đáng được đề cập đến. Đó là các tiểu bang có tình trạng hợp hiến độc lập và quyền bảo vệ chung, trong khi chính phủ liên bang chỉ có các quyền được liệt kê. Vì vậy có những vấn đề mà chính phủ liên bang không thể chỉ đạo các tiểu bang thực hiện. Chẳng hạn, chính phủ liên bang không thể định trước cho một tiểu bang vị trí đặt thủ phủ của tiểu bang đó. Chính phủ liên bang đã từng cố gắng thực hiện khi Oklahoma được chấp nhận vào Liên minh (vụ Coyle kiện Smith, 1911). Nhưng khi chính phủ liên bang và ngân sách liên bang mạnh hơn, Quốc hội đã lập ra một bộ máy để các tiểu bang thực hiện những công việc Quốc hội muốn mà không cần chỉ đạo trực tiếp các tiểu bang. Quốc hội thiết lập các chương trình chi tiêu liên bang thông qua các tiểu bang, nhưng quy định một tiểu bang phải tuân thủ các điều kiện cụ thể. Chẳng hạn, Tu chính án thứ 21 đã không còn cấm và trao cho các tiểu bang gần như toàn quyền bán đồ uống có cồn. Vì quyền của các tiểu bang, người ta cho rằng Tu chính án cấm Quốc hội ban hành độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, năm 1988, Quốc hội đã ban hành một đạo luật nhằm rút lại một phần ngân sách về đường cao tốc liên bang dành cho một tiểu bang trừ khi tiểu bang này ban hành văn bản quy định độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu là hai mươi mốt. Đây là vấn đề thực tiễn, tương tự một yêu cầu quốc gia vì mọi tiểu bang đều phụ thuộc vào ngân sách liên bang trong việc xây dựng và duy trì đường sá. Liệu Quốc hội có thể thực hiện gián tiếp những công việc mà Quốc hội không thể thực hiện trực tiếp theo Hiến pháp? Quốc hội có thể, Chánh án William Rehnquist tuyên bố thay mặt cho đại diện đa số trong Tòa án, vì quỹ kiểm soát đường cao tốc thuộc phạm vi quyền chi tiêu của Quốc hội và độ tuổi được phép uống rượu liên quan đến việc đi lại an toàn trên đường cao tốc giữa các tiểu bang.