Luận Anh Hùng

HẢI THỤY - 1 -

Docsach24.com

ải Thuỵ là quan thanh liêm. Nhưng được nổi tiếng là thanh liêm vì luôn bị bãi quan.

Rất nhiều người Trung Quốc trên bốn mươi lăm tuổi hiện nay đều biết tích “Hải Thuỵ bãi quan”. Năm 1966, người ta lấy việc phê phán vớ kịch mới về lịch sử Hái Thuỵ bãi quan làm ngòi nổ, dẫn tới cuộc “Đại cách mạng văn hoá” “chưa từng có trong lịch sử”. Đương nhiên, dù có hay không có Hải Thuỵ trong lịch sử và có thực Hải Thuỵ bị bãi quan hay không thì cái gọi là “Đại cách mạng văn hoá” vẫn nổ ra. Có điều, bằng cách đó người người nhà nhà đều biết về Hải Thuỵ. Mỗi lần nói đến Hải Thuỵ là nghĩ ngay đến bãi quan.

Con người Hải Thuỵ có duyên với bãi quan. Hải Thuỵ trải qua bốn triều vua: Chính Đức, Gia Tĩnh, Long Khánh, Vạn Lịch. Từ ngày mười tháng mười hai (năm 1554) năm Gia Tĩnh thứ ba mươi hai là làm giáo dụ (một loại học quan cấp thấp, ở huyện Nam Bình, phủ Diên Bình, Phúc Kiến) đến ngày mười bốn tháng mười (năm 1587) Vạn Lịch năm thứ mười lăm, ốm chết khi đang là hữu đô ngự sử của đô sát viện Nam Kinh. Hải Thuỵ có nửa cuộc đời lăn lộn nơi quan trường, trong thời gian đó có mấy lần bị bãi quan hoặc xin từ quan. Riêng trong hai năm làm quan ở Nam Kinh đã có hơn bảy lần cáo lão về quê; có một lần được nhàn rỗi nhất là mười sáu năm. Cứ thế mà tính, thấy Hải Thuỵ có ba mươi ba năm lăn lộn nơi quan trường thi một nửa thời gian là bị bãi quan. Nếu tính một cách chính xác hơn và lấy việc Hải Thuỵ bắt đầu được làm trưởng quan hành chính địa phương, là làm tri huyện Thuận An, Chiết Giang (năm 1558, năm Gia Tĩnh thứ ba mươi bảy) là khởi điểm, thì thời gian làm quan còn ngắn hơn và hơn nửa thời gian là bị bãi quan.

Có điều Hải Thuỵ vừa bị bãi vừa được thăng, và một lần bãi một lần thăng, quan chức ngày một cao. Lần thứ nhất bị bãi quan vào năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi mốt (năm 1562), bị miễn chức tri huyện Thuần An (quan thất phẩm), nhưng lại mau chóng được điều về huyện Hưng Quốc, phủ Cống Châu, Giang Tây, nửa năm sau được thăng lên chức ty chủ sự ở lô Hộ, Vân Nam, quan địa phương thành quan tỉnh, từ thất phẩm thăng lên lục phẩm. Lần thứ hai bãi quan là năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi lăm (năm 1566), lần này dài đến mấy tháng và còn phải vào tù. Sau khi ra tù được phục nguyên chức, về sau đổi là chủ ty chủ sự của võ khố, bộ binh, lại điều tiếp làm tỵ thừa ty thượng bảo (quan lục phẩm), rồi tự thừa đại lý tự (quan ngũ phẩm), hữu thông chính ty thông chính (quan tứ phẩm), cuối cùng thăng lên hữu thiên đô ngự sử (quan tam phẩm), khâm sai tổng đốc lương đạo, tuần phủ mười phủ úng Thiên, trở thành quan lớn nơi biên cương. Lần thứ ba bãi quan là năm Long Khánh thứ tư (năm 1570), lần này phải mười sáu năm sau mới lại xuống núi, trước hết là khôi phục lại chức hữu thiên đô ngự sử Nam Kinh, trên đường đi nhận chức lại được thăng là hữu thị lang lại bộ Nam Kinh, năm sau (năm Vạn Lịch thứ mười bốn, tức năm 1586), thăng làm hữu đô ngự sử đô sát viện Nam Kinh (quan nhị phẩm) trở thành quan viên cao cấp của vương triều Đại Minh. Lúc này, Hải Thuỵ đã là ông già bảy mươi ba tuổi, và học lực cũng như công danh của Hải Thuỵ chỉ là một cử nhân.

Điều đó khiến việc làm quan của Hải Thuỵ mang sắc thái huyền thoại. Và có một điều mà chúng ta vẫn chưa hiểu, cuối cùng Hải Thuỵ thuộc loại quan nào, tốt hay xấu. Nếu là quan tốt thì vì sao lại bị bãi miễn như vậy? Nếu là quan xấu thì vì sao lại được thăng hết lần này đến lần khác? Hoàng đế cũng được, quan trường cũng được, vậy họ thích hay không thích Hải Thuỵ?

Nếu đánh giá Hải Thuỵ theo tiêu chuẩn thông thường của người dân Trung Quốc khi nhìn nhận quan tốt hay xấu thì Hải Thuỵ đương nhiên là quan tốt. Tiêu chuẩn đó là thanh liêm. Hải Thuỵ thanh liêm ai ai cũng biết và đó hoàn toàn là sự thật. Trong những năm cuối đời, Hải Thuỵ là hữu đô ngự sử (giám sát bộ trưởng)(1) quan nhị phẩm, thế nhưng số tiền tích cóp được không đủ để làm lễ tang, phải nhờ vào sự giúp đỡ của đồng liêu. Một người làm quan đến hết đời mà không lo nổi hậu sự, được coi là “trong nhìn thấy đáy”.

Có ba cách nói về số di sản Hải Thuỵ để lại: Một là, nhiều người nói, còn lại một trăm năm mươi mốt lạng bạc trắng, gấm vóc mỗi thứ một súc. Hai là, một số người nói, “xem lại toàn bộ thấy có tám lạng vàng, một cuộn vải trắng, một ít quần áo cũ”. Ba là, người trong nhà nói, còn hai mươi lạng bạc trắng. Một con số quá nhỏ so với con số một trăm năm mươi mốt lạng. Người đời thường nói: “Tri phủ ba năm thanh liêm cũng có được mười vạn lạng bạc hoa tuyết”, mà tri phủ chỉ là quan tứ phẩm. Hơn trăm lạng bạc chưa đủ con số lẻ của gia sản bất cứ viên quan nhị phẩm nào, chưa nói tới Nghiêm Tung - vị quan gian. Năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi mốt (năm 1562), Nghiêm Tung bị hạ bệ, lúc khám nhà, riêng số bạc trắng đã có hơn hai trăm vạn lạng. Từ đó mới thấy danh tiếng Hải Thuỵ thanh liêm là có thực và là điều rất đáng quý.

Điều đáng quý hơn nữa là, Hải Thuỵ trước sau như một, giữ vững sự trong sạch của mình. Trên mâm cơm của Hải Thuỵ - lúc đã là tri huyện, chỉ có rau cỏ, những thứ mà Hải Thuỵ cùng người thân tăng gia thêm ở vườn sau, không mấy khi dùng đến rượu thịt. Nghe nói, chỉ một lần duy nhất Hải Thuỵ “xa xỉ”, mua hai cân thịt về làm lễ mừng thọ mẹ già (Hải Thuỵ là người con có hiếu). Việc này được coi là tin mới lan truyền trong giới quan trường, ngay cả tổng đốc Hồ Tôn Hiến nghe tin cũng hết sức kinh ngạc, nói với mọi người: “Các vị biết không, Hải Thuỵ mua thịt, mua hai cân thịt, những hai cân!”.

Sau khi Hải Thuỵ nhận chức tuần phủ Úng Thiên, bao gồm các hạt Úng Thiên, Tô Châu, Thường Châu, Trấn Giang, Tùng Châu, Huy Châu, Thiên Bình, Ninh Quốc, An Khánh, Trì Châu và châu Quảng Đức, những châu này hầu hết đều thuộc vùng Giang Nam quê hương của lúa gạo, cá mú trù phú. Địa vị lúc này khác xa với thời còn là tri huyện, nhưng Hải Thuỵ vẫn thanh liêm cần kiệm như cũ. Vừa đến nhiệm sở, Hải Thuỵ đã ban bố “đốc phủ hiến ước”, quy định, khi tuần phủ đi tuần thú các nơi, các quan phủ, châu, huyện không được ra ngoài thành nghênh tiếp, không được bầy tiệc chiêu đãi. Sau khi nghĩ đến và cũng muốn giữ một phần sĩ diện các quan viên triều đình, Hải Thuỵ đồng ý có bữa cơm công cán, có thể có gà, cá, thịt lợn… nhưng không được giết ngỗng và dùng rượu, không được vượt quá tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là ở những nơi đắt đỏ được tiêu ba tiền, những nơi vật giá rẻ được tiêu hai tiền, than củi, dầu đèn, không được vượt quá các con số trên. Còn việc gọi các “kỹ nữ” đến bầu bạn, hoặc tổ chức các tiết mục vui sau khi cơm no rượu say, không nói, chắc mọi người cũng hiểu, Hải Thuỵ đều nghiêm cấm.

Hải Thuỵ thanh liêm đến mức mất hết cả tình lý, không ai hiểu được! Theo phong tục nơi quan trường thời đó, khi quan mới đến nhiệm sở, khi bạn bè được thăng chức, luôn có người mang lễ vật đến chúc mừng. Chỉ cần số lễ vật đó không quá lớn, nghĩ xem, đó là chuyện thường tình của con người. Nhưng Hải Thuỵ đã chẳng nghĩ ngợi gì cả mà công khai dán cáo thị, nói: “Ngày nay đã là quan triều đình thi phải khác với lúc ở nhà”, “kẻ thù người đáp, thật là phiền phức, bỏ đi không làm là hơn”. Sau này, Hải Thuỵ liền sai người trả lại lễ vật, ngay cả với bạn cũ Hạ Bang Thái, Thư Đại Du từ xa tới chúc mừng cũng không phải ngoại lệ. Đến như nhà công do triều đình cấp cũng không thèm hưởng. Trước khi lâm chung, số tiền củi lửa do bộ binh mang tới khoảng bảy lạng bạc trắng, Hải Thuỵ cũng cho trả về. Bảy lạng bạc trắng thực sự chẳng đáng là bao, nhưng Hải Thuỵ quyết không vì chút lợi mọn đó mà huỷ hoại sự thanh bạch cả đời của mình.

Là quan thanh liêm như vậy, đương nhiên, nhân dân trăm họ sẽ hết sức ủng hộ, còn bọn quan lại thì luôn thấy phản cảm. Bọn họ ngoài miệng không dám nói ra, nhưng trong lòng thì đầy hờn căm, ghen tức. Cứ nghĩ đến chuyện phải cộng tác, phải qua lại với Hải Thuỵ, ai nấy đã nổi cả da gà. Có một sự việc chứng minh rõ điều này: Lúc vừa có tin Hải Thuỵ được điều lên làm tuần phủ Úng Thiên, bọn quan lại mười phủ Úng Thiên gần như đã phát khóc. Không ít người cầu xin điều Hải Thuỵ đi nơi khác, thậm chí có người rời bỏ chức vị, từ bỏ chiếc mũ ô sa trên đầu. Đương nhiên, điều đó nói rõ, mọi người đã phải khiếp sợ trước quyền uy và sự thanh liêm của Hải Thuỵ, đồng thời cũng nói rõ, ở chốn quan trường thời đó, Hải Thuỵ luôn bị cô lập.

Hải Thuỵ thực sự không hiểu quy tắc nơi quan trường, nhưng ông cũng không phải là người làm bừa. Ngược lại, Hải Thuỵ lại quá nguyên tắc. Hải Thuỵ có hai nguyên tắc: Một là, lấy đạo đức được xiển phát từ “Tứ thư, Ngũ kinh” làm chuẩn tắc; hai là, lấy chính sách do hoàng đế Hồng Vũ chế định làm pháp lệnh. Trong hai nguyên tắc này không hề bảo, làm quan thì phải tham ô hủ hoá, dùng quyền chung để mưu đồ riêng, cũng không hề nói, muốn làm quan phải biết a dua theo, nói bốc đề cao, đưa đưa đón đón, mời cơm đãi khách. Những việc thánh nhân và Thái Tổ không nói là có thể làm, thì không thể làm. Còn như phong khí lúc này, không thể nói Hải Thuỵ không thể biến đổi, cũng không thể nói Hải Thuỵ nên thuận theo. Có người từng khuyên Hải Thuỵ, không nên quá cứng nhắc, cái gì có thể linh động thì nên linh động, cái gì thấy nên làm thì nên làm. Hải Thuỵ liền trừng mắt hỏi lại: “Giả sử, quan lại khắp nơi không làm, không linh động, sẽ không có việc thăng quan sao? Giả sử các quan lại khắp nơi đều không làm, không linh động, sẽ không có việc giáng chức sao?”. Người đó thấy Hải Thuỵ đầu óc cứng đơ, luôn “giả sử”, giả sử, hoàn toàn là tính khí thư sinh, không thể thuyết phục được, đành bỏ đi.

Hải Thuỵ luôn gắng sức làm theo lời dạy của thánh hiền, còn muốn đấu tranh, cải biến những phong tục đồi bại, cho dù đối phương chức vị cao tới đâu, khí thế mạnh đến chừng nào. Dù hắn là hổ dữ, Hải Thuỵ vẫn dám sờ vào mông hắn. Lúc Hải Thuỵ là huyện lệnh Thuần An, Hồ Tôn Hiến là tổng đốc. Quan cấp của tổng đốc và tri huyện quá khác biệt, khác gì trời với đất. Bản thân Hồ Tôn Hiến còn là đồng đảng với Nghiêm Tung, quyền tướng đương triều. Hồ Tôn Hiến quyền khuynh thiên hạ, khí thế ngút trời, lại là quan lâu năm, dân quan trọng nước, hết thảy đều khiếp sợ nhưng Hải Thuỵ luôn coi như con nghé tơ. Con trai Hồ Tôn Hiến đến Thuần An, giễu võ giương oai, chỉ đông hét tây, không hài lòng với khoản đãi của dịch trạm, đã đánh gục dịch thừa. Hải Thuỵ không hề khách khí, đã cho bắt hắn, giải đến nha môn tổng đốc, tịch thu sung công cả ngàn lạng bạc trên người hắn. Hải Thuỵ còn có công văn gửi đến Hồ Tôn Hiến, nói: Từ lâu đã nghe danh tổng đốc đại nhân là người tiết vọng thanh cao, yêu dân như con, dạy con thật nghiêm. Kẻ này phẩm hạnh xấu xa, hành động bừa bãi, dám giả mạo, xưng là Hồ công tử, số bạc tìm được trong người hắn hẳn là tiền bẩn thỉu. Hồ Tôn Hiến thừa biết đó là thằng con chẳng ra gì của mình, nhưng không dám to tiếng, đành nghiến răng nuốt giận vào lòng, tự nhận là đen đủi.

Một đồng đảng nữa của Nghiêm Tung là Yên Mậu Khanh cũng giẫm phải chiếc đinh mềm của Hải Thuỵ. Yên Mậu Khanh phụng mệnh khâm sai tuần tra nghề muối ở Chiết Giang, từng có thông lệnh nói rõ “mọi thứ đơn giản, không thích nghênh đón”, vì vậy “chuyện ăn uống, nghỉ ngơi phải lấy đơn giản làm đầu, không được quá xa hoa, lãng phí”. Đây chỉ là vở diễn để loại người này mua danh chuốc tiếng, muốn là tấm gương cần kiệm, chất phác, thực chất là vừa muốn làm kỹ nữ vừa muốn được lập bia trinh tiết. Vì vậy, các quan viên ở dọc đường đi, đều không cho là thật, họ tiếp đãi cực kỳ xa xỉ, đương nhiên, người dân phải chịu mọi chi phí. Nhưng Hải Thuỵ lại có thiệp bẩm dâng lên một cách nghiêm chỉnh, “Thiệp bẩm của Hải Thuỵ - tri huyện huyện Thuần An, phủ Nghiêm Châu”. Trước hết, thiệp ghi nguyên văn thông lệnh của Yên Mậu Khanh, tiếp đến mới nói, được biết những nơi khâm sai đã đi qua, việc chiêu đãi và tiếp đón lại khác hẳn với lời trong thông lệnh. Không những bày tiệc rượu, mà còn phải cung ứng cả đàn bà, mỗi tiệc rượu phải chi đến ba, bốn trăm lạng bạc, ngay cả bô tiểu tiện cũng phải làm bằng bạc. Vì vậy hạ quan mới mụ mẫm không rõ, làm vậy là theo yêu cầu của thông lệnh hay là theo các thể lệ trước đây? Làm theo yêu cầu của thông lệnh ư, e rằng họ đã khiếm nhã với đại nhân; làm theo tiền lệ ư, e rằng họ đã phản lại thiệt mong đại nhân minh xét, cuối cùng phải làm như thế nào? Yên Mậu Khanh xem xong thiệp bẩm, lửa giận bốc lên ngùn ngụt, đành phải bỏ Nghiêm Châu, đi vòng theo đường khác.

Cách làm của Hải Thuỵ không chỉ làm cho Yên Mậu Khanh phải khiếp sợ, mà ngay cả tri phủ Nghiêm Châu cũng phải sợ. Tri phủ đã nổi giận nói với Hải Thuỵ, vì sao ông lại gây thị phi như vậy. Hải Thuỵ không đối đáp, cũng không biện bạch, chờ khi tri phủ bớt giận mới xin lui. Về sau, tri phủ đại nhân thấy hành động của Hải Thuỵ không gây hậu quả, nên mới cảm kích nói với Hải Thuỵ: “Trăm họ Thuần An thoát nạn, đã làm khó cho ông! Đúng là làm khó cho ông!”.

Có điều lần này tri phủ đại nhân đã lầm. Hải Thuỵ thẳng thắn chống lại bề trên, đến khâm sai đại thần cũng chẳng nể nang, lẽ nào không bị báo thù? Quả nhiên, lúc Hải Thuỵ vừa nhận lệnh điều lên làm thông phán ở Gia Hưng, đang chuẩn bị bàn giao với tri huyện Thuần An mới thì Viên Thuần ở kinh thành đã hạch tội Hải Thuỵ. Viên Thuần là đồng đảng của Nghiêm Tung, là bè bạn chó mèo với Mậu Khanh. Lúc hắn làm ngự sử tuần tra muối ở Chiết Giang, hắn được Hải Thuỵ chiêu đãi thật khiếm nhã và còn ầm ĩ với Hải Thuỵ, hắn hạch tội Hải Thuỵ “tự cao tự đại, không chịu an phận”. Dù Hải Thuỵ vô tội, dù Nghiêm Tung đã bị bãi chức, Yên Mậu Khanh đã bị sung quân, cũng không mấy ai quan tâm tới viên quan thất phẩm nhỏ nhoi, xuất thân là cử nhân, đã không có chỗ dựa, tính khí lại cổ quái. Lúc này các đại thần trong triều đang mải mê phân chia lại quyền lực và lợi ích. May sao có Chu Hoành, trước kia là cấp trên của Hải Thuỵ, giờ là thị lang bộ lại, ra sức tiến cử Hải Thuỵ với thượng thư bộ lại Nghiêm Phúng. Hải Thuỵ sau lúc bị miễn chức, lại được điều làm tri huyện Hưng Quốc.

Theo lý mà nói, một người như Hải Thuỵ, không biết bợ đỡ cấp trên, luôn gây chuyện thị phi có thể giữ được chức vị huyện lệnh thất phẩm đã là may mắn lắm rồi! Hải Thuỵ chỉ đáng được điều đi điều lại qua mấy huyện nhỏ, nghèo khổ, hoặc được thăng làm lục phẩm rồi về nghỉ. Nhưng Hải Thuỵ đã có vận may thật đặc biệt. Nghiêm Tung bị đổ đã kéo theo hàng loạt phản ứng, người ta bắt đầu xem xét về con người, về sự việc khi Nghiêm Tung còn nắm quyền. Chốn quan trường Trung Quốc xưa nay luôn coi trọng quan hệ giữa con người. Nghiêm Tung đổ, bọn Hồ Tôn Hiến, Yên Mậu Khanh do Nghiêm Tung vực dậy, nhiệm dụng cũng chẳng còn gì. Mấy người đó được coi là kẻ xấu, và những ai trước đây phản đối họ đều trở thành người tốt. Đó cũng là logic thường dùng trong đấu tranh chính trị ở Trung Quốc, xưa nay luôn là vậy. Hải Thuỵ lúc này là người tốt nhất, là đại anh hùng, vì đã dám chống lại bọn quyền thần, khi nhắc tới ai ai cũng thấy sợ, một anh hùng như vậy, nếu không được thăng quan khen thương, không được trọng dùng, thì đế quốc này không chỉ đáng sỉ nhục mà bộ lại cũng thất chức nghiêm trọng. Thế nên, chỉ nửa năm sau khi là tri huyện Hưng Quốc, Hải Thuỵ được điều về Bắc Kinh, nhận chức hy chủ sự ở bộ Hộ, Vân Nam (quan hàm lục phẩm).

Chủ sự bộ Hộ là chức quan không to không nhỏ, không lên không xuống. Đúng như Hoàng Nhân Vũ từng nói: “Các thượng thư, thị lang vạch ra cương lĩnh, chính sách, còn các viên lại thì phụ trách các chi tiết về mặt kỹ thuật thực hiện. Một chủ sự như Hải Thuỵ không nhất thiết hàng ngày phải đến văn phòng bộ, trừ phi muốn tích luỹ thêm kinh nghiệm làm quan”.

Nhưng Hải Thuỵ vốn là người không ưa nhàn rỗi, là người thích làm việc, thích suy nghĩ, là người có trách nhiệm với vua với nước và chỉ biết tiến không biết lùi. Dù là chức quan được nhàn rỗi, Hải Thuỵ luôn không muốn phí thời gian vào những chuyện vô bổ. Không có việc nhỏ, Hải Thuỵ đành phải suy nghĩ việc lớn. Lúc này, Hải Thuỵ đã xâm nhập vào cơ quan trung ương (dù là chức vị thấp đến đáng thương, lại cách trung tâm rất xa), không còn là viên quan địa phương bị nhiều hạn chế, đã có thể suy nghĩ về một số vấn đề từ góc độ lịch sử và toàn cục. Lúc này công việc của Hải Thuỵ không quá nặng nề, bề bộn như thời còn là huyện lệnh, hàng ngày phải xử lý nhiều sự vụ cụ thể, vụn vặt. Lúc này Hải Thuỵ đã có đủ thời gian suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Hơn nữa, cũng giống như các nho sinh tự cho mình là phi phàm, là có trách nhiệm với thiên hạ, Hải Thuỵ không vừa ý về hiện trạng của đất nước, thấy cần phải nói rõ những suy nghĩ, những ý hay của mình về triều chính, về thời cuộc. Đất nước ngày nay không chỉ kém xa lúc thái bình thịnh thế của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, thời Khổng Phu Tử thiết kế, mà bốn phía còn nhiều nguỵ cơ. Hải Thuỵ thấy mình không thể cứ yên lặng mãi. Yên lặng là thiếu trách nhiệm, là có tội với lịch sử, đất nước, với quân vương, tiên tổ. Cảm giác chính nghĩa, cảm giác sứ mệnh nổi lên tự đáy lòng, Hải Thuỵ thấy phải phát động tiến công.

Lúc này Hải Thuỵ đã chĩa thẳng đầu mâu cuộc tranh đấu về phía đương kim hoàng thượng.

Tháng hai năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi lăm (năm 1566), sau một năm rưỡi kể từ lúc Hải Thuỵ vào kinh, vị quan lục phẩm (chức vị thấp kém, lúc nào cũng lo việc nước) đã có “sớ thẳng thắn bàn chuyện thiên hạ” trình lên hoàng đế Gia Tĩnh. Hải Thuỵ thừa hiểu, hoàng đế đương triều chỉ thích nghe lời khen, không thích nghe lời phê bình, nên mở đầu đã nói, điều mấu chốt để một vị hoàng đế đủ tiêu chuẩn là: Khiến thần dân dám nói và nói hết những điều đã biết. Tiếp đến, mới dốc hết nỗi lòng để phê bình Gia Tĩnh. Hải Thuỵ chỉ rõ, về “thiên chất anh minh quả đoán” thánh thượng hơn hẳn Hán Văn đế Lưu Hoàn, nhưng về nhân đức chính tích, thánh thượng lại kém xa Hán Văn đế. Hán Văn đế sáng tạo nên “Văn Cảnh chi trị” nổi tiếng trong lịch sử, còn cục diện thánh thượng sáng tạo là “quan tham hoành hành, dân hết đường sống, thuỷ tai triền miên, giặc cướp khắp nơi”. Vì sao lại như vậy, vì hoàng đế hôn dung đa nghi, cứng rắn tàn nhẫn, ích kỷ hư vinh, tức là hôn quân, bạo quân. Hải Thuỵ còn chỉ rõ, nhìn từ góc độ chính trị, Gia Tĩnh không phải là một vị vua tốt, nhìn từ góc độ luân lý cũng không phải người đàn ông tốt. Nếu cân nhắc từ “tam cương” - quân thần, phụ tử, phu thê, thì hoàng đế phải là mẫu mực về đạo đức của toàn thể thần dân thiên hạ. Đằng này, bệ hạ lại chưa đủ “nhất cương”: Hoài nghi, mắng chửi, giết hại thần liêu bừa bãi, không đáng là vua; đối với con đẻ không hề giáo dưỡng, không thèm nhìn mặt, không đáng là cha; không ở cùng hoàng hậu, trốn ở Tây uyển luyện đan, không đáng là chồng. Chẳng trách khắp trăm họ thần dân trong thiên hạ từ lâu đã cho rằng bệ hạ không đúng! Chẳng trách, trăm họ đã lấy niên hiệu của bệ hạ để biểu hiện long bat mãn với bệ hạ, họ nói, Gia Tĩnh, Gia Tĩnh” cái gì, tức là “nhà nhà đều tịnh” (chẳng có một thứ gì)! Kỳ thực, yêu cầu của thần dân cũng chẳng cao xa gì, chỉ mong sao quan phủ vơ vét ít đi một chút, chính quyền chăm lo nhiều hơn một chút, án oan sai giả ít hơn một chút, không khí xã hội trong lành hơn một chút. Đó là mấy việc rất dễ, “vì sao bệ hạ lại không làm?”. Nếu làm cũng không khó, vậy nên “tỉnh ngộ mau chóng, để rửa sạch những sai lầm tích tụ hàng mấy chục năm nay”. Thực tế, là do loạn chính, nên chỉ cần “một lần chấn chỉnh là xong”, vậy mong bệ hạ hãy chấn chỉnh!

Tấu sớ như vậy chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Đúng như Hoàng Nhân Vũ từng chỉ rõ, trước đây các gián thần thường phê bình việc, chỉ có Hải Thuỵ là phê bình người với một khẩu khí thẳng thắn, bức ép! Vì vậy, tấu sớ vừa trình lên đã có sóng to gió lớn, Hải Thuỵ cương trực đã nổi danh thiên hạ. “Trên từ cửu trùng, dưới đến mặt đất, trong ngoài, không ai là không biết có ngài chủ sự họ Hải”.

Hoàng đế Gia Tĩnh cũng đã xem hết bản sớ tấu. Sớ tấu thế này xưa nay chưa từng có (cũng chưa có ai đọc qua), có thể vì hiếu kỳ nên ngài cũng muốn đọc hết. Nhưng xem xong tất sẽ phẫn nộ. Nghe nói hoàng đế xem xong đã vứt sớ tấu xuống đất, nổi giận bừng bừng, gào thét: “Bắt ngay thằng cha đó, đừng để hắn chạy thoát!”. Nhưng việc làm của Hải Thuỵ lần này là hết sức phi thường, cảm động đến cánh thái giám, cung nữ, họ rất kính phục. Thế là có hoạn quan Hoàng cẩm quỳ lạy và tâu rằng: “Vạn tuế gia không phải bực. Nghe nói con người này vốn có tiếng điên cuồng, trước khi dâng sớ hắn đã mua sẵn quan tài, từ biệt gia nhân, sắp xếp hậu sự. Hắn sẽ không chạy trốn”. Gia Tĩnh nghe xong đã thở dài, rồi nhặt tờ sớ lên, đọc lại lần nữa.

Nghe nói, Gia Tĩnh cũng thấy những điều Hải Thuỵ nói là thật. Đã nhiều lần Gia Tĩnh thổ lộ điều này với thủ phụ Từ Giai(2). Gia Tĩnh coi Hải Thuỵ là trung thần cuối thời Ân, nhưng lại không chịu nhận mình là Trụ vương. Gia Tĩnh thừa nhận Hải Thuỵ có lý, nhưng lại cho rằng mình đã già bệnh nặng, nên không sửa đổi được. Do vậy, Gia Tĩnh chỉ còn cách đánh mắng cung nữ để hả giận. Sau một thời gian như vậy, Gia Tĩnh lại cho bắt Hải Thuỵ, giao cho cẩm y vệ thẩm vấn, khép vào tội chết, nhưng Gia Tĩnh vẫn chưa phê chuẩn án tử hình của Hải Thuỵ và giao tiếp sang Đông xưởng để giám sát. Mười tháng sau, Gia Tĩnh qua đời, trở thành vị hoàng đế biết mình sai nhưng “Chết cũng không hối cải”(3). Tin tức truyền tới, ngục tốt lấy rượu chiêu đãi Hải Thuỵ, chúc mừng Hải Thuỵ có hy vọng được thả, nhưng Hải Thuỵ đã khóc ầm lên, rồi nôn mửa, cuối cùng thì ngã vật xuống đất.

Sau khi vua mới là hoàng đế Long Khánh lên ngôi, Hải Thuỵ được ra ngục. Lúc này Hải Thuỵ trở thành anh hùng tiếng tăm vời vợi, khắp cả nước không ai là không biết. Rất mau chóng, Hải Thuỵ được phục chức, thăng quan liên tiếp, lên các chức hàm như đã nói. Sự thực thì không thăng cũng không được. Không hề có vị quan nào trong bộ Lại dám phản đối việc thăng tiến của người anh hùng cả nước biết tiếng này, và cũng không ai nghi ngờ gì về phẩm hạnh, đạo đức của Hải Thuỵ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hải Thuỵ từng bước từng bước thẳng đến chức tuần phủ Úng Thiên, sau này vì bị hạch tội, nên buộc phải từ chức.

Lần thứ ba bị bãi quan hoàn toàn do Hải Thuỵ tự chuốc lấy. Theo suy nghĩ của nội các và bộ Lại, cách sắp xếp tốt nhất với Hải Thuỵ là để Hải Thuỵ đảm nhiệm chức vụ chức hàm cao nhất, quyền lực ít nhất, Hải Thuỵ còn sống mà như khối đá trong miếu đường. Như vậy là hợp với mọi người cũng như với bản thân Hải Thuỵn. Vì tinh thần của Hải Thuỵ rất đáng hoan nghênh nhưng cách làm của Hải Thuỵ không mang lại hiệu quả. Nếu mọi người đều giống như Hải Thuỵ, bỗng dưng nói thẳng phạm thượng, có những lời phê bình gay gắt, không thể tiếp thu, thì thể thống rriều đình sẽ ra sao, thể diện quan phủ sẽ như thế nào? Một vị quân chủ và thời đại sáng suốt nên cho mọi người có quyền được nói, nhưng sự sáng suốt này cũng chỉ là thứ trang sức, thứ điểm xuyết, không thể là đúng cách và việc dâng thư như kiểu Hải Thuỵ cũng chỉ lần một, lần hai, không thể có lần thứ ba. Hơn nữa, một người như Hải Thuỵ dám mắng chửi cả hoàng đế thì dù bố trí ở đâu cũng chỉ có hại, thêm phiền hà. Một khi để xảy ra chuyện đó, không chỉ làm mọi người mất mặt mà ngay cả bản thân Hải Thuỵ cũng chẳng gặp hay ho gì. Vì vậy cách sắp xếp của nội các, của bộ Lại được coi là cách bảo vệ Hải Thuỵ.

Nhưng Hải Thuỵ lại không hiểu. Với sứ mệnh và trách nhiệm, Hải Thuỵ không cho phép mình trở thành kẻ chiếm chức vị, ngồi không ăn bám. Hải Thuỵ cũng không hiểu vì sao triều đình tỏ vẻ tôn trọng nhưng lại không tín nhiệm mình và Hải Thuỵ hoàn toàn không muốn phí thời gian vào chức vị nhàn nhã, tẻ nhạt đó. Hải Thuỵ quyết định kháng nghị. Nói cách khác là cho nội các một đòn. Hải Thuỵ đã có cơ hội tốt, đó là “năm kinh sát” (năm 1569). Kinh sát là chế độ khảo sát thành tích các quan ở kinh thành, cứ sáu năm lại diễn ra một lần, các quan từ tứ phẩm trở lên phải làm bản kiểm điểm. Nhân đó, Hải Thuỵ liền có tấu sớ dâng lên hoàng đế, nói những quan viên giống như mình, không có cống hiến lớn lao gì cho đất nước, nên cách chức cho lui, ý là “làm quan không làm việc cho dân, nên cho về quê bán khoai lang”.

Nội các và bộ Lại thật đã hết cách với quái nhân cắn không vào, luộc không nhừ, giết không chết, doạ không sợ và chết không mở mát này. Thậm chí họ không hiểu con mọt sách từ xa, từ ngoại tỉnh đó là ngây thơ thực hay giả vờ ngây thơ. Nếu là giả vờ ngây thơ, nên người đó mới cho rằng, chỉ cần được trọng dụng, thì với chính khí bản thân và tinh thần dũng cảm tiến bước, là có thể nhanh chóng quét sạch tệ nạn trong thiên hạ, chỉnh đốn lại thói xấu nơi quan trường. Nói người đó là thực sự ngây thơ, nhưng sao người đó lại biết đường tiến đường lui, biết cách mặc cả, trả giá? Nhưng nói gì thì nói, lúc này Hải Thuỵ đang nổi tiếng, không ai dám bãi dám truất. Đã không thể bãi truất, thì chỉ có thể để Hải Thuỵ một chức vị hữu danh vô thực, là tuần phủ Ứng Thiên, trú tại Tô Châu. Dù là ở xa, nhưng ở xa cũng có cái hay của ở xa: Hoàng thượng và nội các sẽ không nhìn thấy, sẽ không phiền lòng, đỡ ầm ĩ hơn.

Hải Thuỵ quyết tâm làm mạnh, muốn lấy thiện trị ác, chỉnh sửa phong tục, trở thành một mẫu mực. Với khí thế mạnh mẽ áp đảo đó, bọn tham quan ô lại cùng bọn thổ hào thân sĩ ác độc nghe đã thấy khiếp vía. Cửa lớn các nhà thân sĩ đang từ mầu đỏ, sơn lại màu đen, để tỏ ra mình là giản dị. Cả thành Tô Châu lúc đó, nhà nhà như đang có tang. Thái giám Chức Tạo ở Giang Nam khét tiếng gian trá tàn bạo cũng phải cụp đuôi, phu khiêng kiệu của hắn đang tù tám người, nay giảm xuống còn bốn. Nhưng Hải

Thuỵ vẫn cảm thấy như chưa đã, liền có lệnh: Phàm là công văn trong nước, từ nay nhất loạt dùng loại giấy rẻ tiền. Mặt sau công văn không được để trống, khỏi lãng phí. Thậm chí, Hải Thuỵ còn can dự vào sinh hoạt riêng tư của quan dân, như đeo đồ trang sức xa hoa và ăn uống quà vặt ngon ngọt nằm trong các mục cấm. Các hạng mục bị cấm từ khăn Lăng Vân Trung Tĩnh, giấy Hồng uỵển Tát Kim cho đến bày tiệc có kẹo chóp và bánh rán. Rõ ràng những quỵ định đó là vụn vặt, khắt khe, nhưng Hải Thuỵ không nghĩ vậy. Căn cứ vào nguyên lý “đê dài ngàn dặm sẽ vỡ vì một tổ kiến nhỏ”, dựa vào nguyên tắc “đừng thấy thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy ác nhỏ mà cứ làm” nên Hải Thuỵ kiên quyết làm như vậy, làm tới cùng. Mấy việc làm vặt vãnh đó lại gần với phong hoá và đạo đức. Dù là thiện nhỏ cũng nên khen thưởng, dù là ác nhỏ cũng phải loại bỏ. Muốn làm việc lớn phải làm từ việc nhỏ, vì vậy, mấy việc nhỏ này cũng chính là việc lớn. Muốn xây dựng lại đạo đức, không thể không chú ý tới những việc cụ thể, bằng không, sẽ chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch.

Trên thực tế, Hải Thuỵ muốn thông qua việc thi hành những quy định cụ thể kia để thực hiện kế hoạch chỉnh đốn lại chính trị của mình. Ví dụ, để chỉnh đốn lại phong trào sĩ đại phu Giang Nam vào ra cung phủ nhằm câu kết với nhau, cử nhân, giám sinh muốn đến nha môn, bái kiến các quan, hoặc thư tín đi lại, cần phải đăng ký trước. Nội dung đăng ký là nội dung chủ yếu của buổi trò chuyện, trong thư tín; quan lại ra ngoài, phải cho biết đi những đâu, nói những gì. Phàm những ai không đăng kỷ, đăng ký dối trá hoặc sau sự việc lại sửa đổi nội dune; thì quan viên và người đăng ký đều bị trừng phạt. Đối với những quan viên đi lại công tác, Hải Thuỵ cũng không vị nể, mà quy định họ phải tự thuê thuyền và lái thuyền, địa phương chỉ có trách nhiệm chi thêm phụ phí. Nếu là quan nhị đẳng đi thuyền nhất đẳng, chỉ được chi tiền thuyền nhị đẳng, nếu được dùng một thuyền mà thuê tới hai thuyền, chỉ được chi tiền một thuyền. Hải Thuỵ cho rằng, làm như vậy những kẻ nghênh tiếp bợ đỡ sẽ hết cách, bọn quan lại mượn cớ tuần thú để vơ vét của dân cũng sẽ chẳng được gì, hơn thế, còn giúp chúng ta chỉnh đốn không khí nơi quan trường, vì vậy cần phải kiên quyết chấp hành.

Hải Thuỵ đấu trí dâng cao, thi hành mạnh mẽ những biện pháp liêm chính của mình, là hợp với đạo nghĩa, cả giới quan trường Trung Quốc đã náo loạn. Hành động của Hải Thuỵ làm họ kinh hồn thất sắc và tức giận phẫn nộ. Mọi quan viên gần như nhất trí, xưa nay chưa từng thấy có vị quan lớn tổng đốc tuần phủ nào lại quái dị, gàn bướng, không thấu tình đạt lý, coi đồng liêu của mình, coi các quan lại có qua lại như thù địch đến như vậy. Các quan viên kinh thành, ở tỉnh ngoài, mỗi khi vào địa hạt của Hải Thuỵ, chẳng khác gì phải vào nước Địch; bọn quan viên dưới quyền, nhất cử nhất động đều phải ghi sổ, giống như một can phạm. Giới quan trường không thể dung được một tuần phủ cổ quái như vây, sớ tấu đàn hặc Hải Thuỵ không ngừng được dâng lên ngự tiền. Sớ tấu của cấp sự trung Thư Hoá được coi là đúng mực, nói Hải Thuỵ từ lâu đã nổi tiếng vì phong tiết, là đại thần cương trực, nhưng chính lệnh lại quá hà khắc, “e mất hết tình người”. Đới Phượng Tường lại công kích quá mãnh liệt, thậm chí còn vu khống Hải Thuỵ phạm tội mưu sát, vì một thê một thiếp của Hải Thuỵ đã cùng lúc chết một cách khó hiểu vào mộr buổi tối. Hải Thuỵ đã phải trả lời, người thiếp tự sát vào ngày mười bốn tháng tám, người vợ ốm và qua đời ngày hai mươi lăm tháng tám, không phải chết cùng ngày, nhưng ngày chết lại quá gần nhau, đủ để mọi người phải nghi ngờ. Mọi người còn tin rằng, gia đình Hải Thuỵ xuất hiện bi kịch là điều đương nhiên, vì tính cách Hải Thuỵ vừa xa với nhân tình vừa gàn dở quái dị. Thậm chí mọi người cũng không lạ gì về tính cách của Hải Thuỵ. Hải Thuỵ là người sống ở miền xa xôi, ở cực nam của đất nước, là anh chàng nhà quê thiếu hiểu biết Hải Thuỵ có thể là người thiểu số, là người ngoại quốc.

Cách giải quyết của nội các, bộ Lại vẫn là điều nhiệm Hải Thuỵ vào một chức quan nhàn nhã, nhưng dường như nỗi bực tức Hải Thuỵ còn hơn cả sự phẫn nộ của quan trường. Ông viết thư cho hoàng đế Long Khánh: “Ngày nay, các quan cả triều đều là lũ đàn bà, hoàng thượng không nên nghe lời họ”. Còn Hải Thuỵ, đương nhiên không muốn đứng cùng hàng ngũ với những con người không giống đàn ông nọ, Hải Thuỵ tức giận, bỏ về quê nhà tận Hải Nam và ở đó liền trong mười lăm, mười sáu năm.

Chú thích


(1) Theo chế độ thời Minh, cơ quan giám sát trung ương là đô sát viện. Quan viên có 4 cấp: Đô ngự sử, đô phó ngự sử, thiên đô ngự sử, giám sát ngự sử. Trưởng quan tối cao là tả, hữu đô ngự sử.

(2) Thời Minh lập nước chưa lâu, Chu Nguyên Chương bãi bỏ chức vị thừa tướng và chế độ thừa tướng, chức thủ phụ ngang với chức thừa tướng (Tác giả).

(3) Trong “Thế Tông di chiếu”, Gia Tĩnh đã thừa nhận sai lầm của mình.