àn Tín cũng bị Lưu Bang giết, cho dù Lã hậu là người trực tiếp ra tay, cho dù vì việc đó Lưu Bang đã phải nhẫn nhịn rất lâu.
Hàn Tín là một người rất thú vị, gần như một nửa là Lưu Bang, một nửa là Hạng Vũ. Giống như Lưu Bang, Hàn Tín biết nhẫn nhịn. Đình trương Nam Xương ghét bỏ, giày vò Hàn Tín, Hàn Tín nhẫn nhịn. Phiếu mẫu giặt lụa thương hại, quở trách Hàn Tín, Hàn Tín nhẫn nhịn. Sau này, dân chợ búa lưu manh ở huyện Hoài Âm cố ý làm nhục Hàn Tín, Hàn Tín nhẫn nhịn, còn chui qua háng lũ lưu manh, làm thành chuyện cười nhục nhã khắp đường phố. Nhục nhã như vậy mà phải nhẫn nhịn, thực không dễ. Liệu có người đàn ông chân chính nào chịu được sự nhục nhã như vậy không? Ngay cả Hàn Tín đã có mấy lần tưởng không thể nhịn được. Tư Mã Thiên nói, Hàn Tín nghe tên lưu manh nói xong “cứ nhìn mãi”, có lẽ lúc đó đang đấu tranh rư tưởng dữ lắm! Nhưng cuối cùng, Hàn Tín vẫn nhẫn nhịn. Rõ ràng, nhẫn không phải là sợ. Bá Dương nói rất hay: Vỡ gan nát ruột, thực lòng khuất phục, là kẻ nô tài tê liệt. Trước khi nhảy cao biết co gối lại, đó là anh hùng hào kiệt. Nếu như vừa thách thức, đã vội tức giận xông lên cắn một miếng, chết cũng không buông, đó chỉ là con cua. Hàn Tín không phải cua mà là anh hùng. Chính vì vậy, Hàn Tín mới có tư cách phê phán Hạng Vũ là “dũng của thất phu”. Vì Hàn Tín biết, vừa bị bọn lưu manh thách thức, Hạng Vũ đã không chịu nổi, chắc sẽ nhảy lên, cho một quả đấm vào mũi bọn lưu manh.
Hàn Tín có thể nhẫn nhịn, vì “chí khí cũng không nhỏ”. Trong tình thế lúc bấy giờ, Hàn Tín chỉ có hai cách lựa chọn: Rút kiếm giết chết thằng nhãi đó hoặc chui qua háng hắn. Nhưng giết hắn thì phải đền tội và những gì là chí hướng cũng sẽ mất luôn. Vì vậy, Hàn Tín quyết định nhẫn nhịn, về điểm này thật giống với Lưu Bang. Nghĩ xem, Lưu Bang đồng ý phong Hàn Tín là Tề vương, ngang với liên minh dưới thành, chẳng phải đã chịu nhục chui qua háng hay sao? Chính vì họ đều có thể nhẫn nhịn, nên Lưu Bang, một kẻ tay trắng trở thành đế vương dựng nên triều Hán huy hoàng, Hàn Tín một kẻ bị ruồng bỏ đã trở thành danh tướng thời Tần Hán. Dương Chí trong truyện “Thuỷ hử” không biết nhẫn nhịn đã giết chết Ngưu Nhị, cuối cùng thì sao? Đành phải lên núi làm giặc.
Nhưng, Hàn Tín tuy không có cái “dũng của thất phu”, song lại có lòng nhân của đàn bà.
Vào giai đoạn cuối cuộc giao tranh giữa Hán Sở, địa vị Hàn Tín vô cùng đặc biệt. Nói như Vũ Thiệp thuyết khách của Hạng Vũ: “Lúc này túc hạ nắm quyền của hai vua, túc hạ bước sang phải, Hán vương thắng, bước sang trái Hạng vương thắng”. Nói như Khoái Thông, biện sĩ của nước Tề thì: “Lúc này mạng của hai vua nằm trong tay túc hạ. Túc hạ vì Hán, Hán thắng, vì Sở, Sơ thắng”. Tóm lại, Hàn Tín trở thành lực lượng thứ ba ngoài Lưu và Hạng, như vậy, ý kiến của Vũ Thiệp và Khoái Thông là giống nhau, Hàn Tín cần phải giữ thế trung lập, không giúp đỡ ai, để cùng với Lưu Bang, Hạng Vũ chia ba thiên hạ, thành thế chân vạc. Nếu kiến nghị đó được chấp nhận, tất đã có truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”, đâu phải chờ đến màn diễn của các vị Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
Nhưng lão nhà quê được ví như Tôn Quyền kia lại không có khí phách của Tôn Quyền. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng không thể hạ quyết tâm phản lại Lưu Bang - Hàn Tín hàm ân Lưu Bang nên không nỡ phản lại. Hàn Tín nói với thuyết khách của Hạng Vũ: Ban đầu tôi phụng sự Hạng vương, là quan Lang trung, chuyên vác kích đứng, nói không ai nghe, kế không ai theo, nên mới phản Sở về với Hán. Hán vương trao ấn đại tướng quân, cho mấy chục vạn binh mã, còn cởi áo ban cho, bát cơm sẻ nửa manh áo chia đôi, nghe theo kế sách, mới có được Hàn Tín ngày nay. Một người đã tin yêu, tín nhiệm Hàn Tín, nay phản lại người đó, hay ho gì?
Hàn Tín nghĩ mình có công với Hán vương, cuối cùng sẽ không đến nỗi thỏ chết thì giết chó săn. Nên cuối cùng thì thấy “không nỡ”. Không nỡ, chính là lòng nhân của đàn bà. Thế rồi, Hàn Tín, người có lòng nhân của đàn bà đá bị Lã hậu, người đàn bà bất nhân đó giết chết.
Thực ra thì Lưu Bang đã muốn trừ bỏ Hàn Tín từ lâu. Tôi luôn ngờ rằng, Lưu Bang có thực sự thích Hàn Tín không? Qua những câu chuyện về Hàn Tín, dường như Hàn Tín chưa bao giờ là một người được người khác yêu mến. Sách “Sử ký” nói, lúc Hàn Tín còn nghèo khổ, thường bị “nhiều người chán ghét”. Nguyên nhân Hàn Tín bị nhiều người ghét bỏ được cho là, thời đó Hàn Tín không được tiến cử làm quan, lại không thể làm nghề buôn bán, suốt ngày nhàn rỗi lêu lổng, ăn đậu ở nhờ. Nhưng thời đó có vô khối người như vậy, sao mọi người chỉ ghét bỏ một mình Hàn Tín? E rằng tính cách Hàn Tín ít nhiều có phần gàn dở? Ngay như khi đinh trưởng Nam Xương kiếm cớ đuổi cổ Hàn Tín, Hàn Tín đã một mình chạy ra bờ sông câu cá, không hề tụ tập với lũ chợ búa lưu manh khác ăn uống đập phá. Rõ ràng, Hàn Tín không phù hợp với đám đông.
Hàn Tín hợp với ai? Quý tộc không, lưu manh cũng không. Hàn Tín thân phận hèn kém, nhưng nội tâm lại rất cao quý. Đó cũng là nguyên nhân khiến Hàn Tín không thể cùng cánh với Lưu Bang, Hạng Vũ. Hạng Vũ xem thường xuất thân của Hàn Tín, Lưu Bang lại không thích cái vẻ quý phái trên con người Hàn Tín. Điều đó khiến Hàn Tín không thể phù hợp được với bất kỳ người nào. Năm 201 trước Công nguyên, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế chưa lâu, có người báo Hàn Tín mưu phản. Lưu Bang hỏi chư tướng bên cạnh, nên làm thế nào? Chư tướng liền đồng thanh nói: Lập tức xuất binh, chôn sống thằng nhãi này! Rõ ràng quân Hán không mấy thiện cảm với Hàn Tín. Nguyên nhân từ đâu? Có thể vì hầu hết những kẻ khác đều ngu muội, Hàn Tín là người có đầu óc, lại cậy tài ngạo mạn, tự cho mình là cao minh, còn thích tìm tòi nghiên cứu. Tôi tin rằng, Hàn Tín thích ngồi một mình trầm tư suy nghĩ, không hề thích cùng lũ vô lại rượu chè trai gái, kể những chuyện tục tĩu, bằng không Hàn Tín đã chẳng có những ý kiến độc đáo về cục diện chiến tranh, về tình thế đất nước. Hàn Tín vừa xuất hiện, đã nhiều lần hiến kế sách cho Hạng Vũ; qua một buổi nói chuyện, Lưu Bang tâm phục khẩu phục, hận là gặp nhau quá muộn. Từ đâu mà có được những mưu kế đó? Tất nhiên, không phải là tự nhiên mà có! Một người suốt ngày chỉ nghĩ đến công việc, tất sẽ có lúc như ngớ ngẩn, xa lánh mọi người. Mọi người không thích người như vậy, nhất là phường lưu manh vô lại và hung hăng cậy khỏe cả ngày chỉ cười cợt chót nhả, nói nhăng nói cuội. Nếu Hàn Tín là công tử vương tôn, là con nhà bút nghiên lại đi một nhẽ, đàng này chỉ là kẻ ăn xin vừa tự cho là thanh cao, vừa là kẻ lười biếng, liệu có ai thích loại người này? Bọn chợ búa lưu manh không làm nhục người khác mà tìm đến gây sự với Hàn Tín, bởi Hàn Tín là kẻ đáng ghét nhất.
Lưu Bang vốn xuất thân từ lưu manh, đương nhiên không thích Hàn Tín. Mặc dù vì nhu cầu chính trị, Lưu Bang phải trọng dụng Hàn Tín, mặc dù chỉ sau một buổi trò chuyện, Lưu Bang “tự thấy gặp nhau quá muộn”, nhưng vừa vào tới quân doanh Hàn Tín đã giơ tay đòi quan đòi quyền, hơn nữa còn yêu sách, không là đại tướng quân thì không làm, điều đó khiến Lưu Bang không vui, lưu lại một vệt đen trong lòng. Không có vị lãnh đạo nào lại thực lòng thích thuộc hạ quá cao ngạo, dù họ có chân tài thực học đến chừng nào. Càng không có vị lãnh đạo nào lại vui vẻ khi bị thuộc hạ thừa cơ đánh hôi một gậy, dù họ đã lập được bao nhiêu công trạng. Có thể khẳng định rằng lúc Hàn Tín yêu cầu được làm Tề vương giả, Lưu Bang tất đã muốn giết Hàn Tín, có điều không để lộ ra. Vì Lưu Bang biết nhẫn nhịn. Vì cái gọi là “đại nghiệp” của mình, Lưu Bang có thể nhẫn nhịn tất cả.
Đương nhiên, lúc Lưu Bang nhận thấy không thể nhịn được nữa, thì sự việc lại khác.
Lưu Bang đã từng bước từng bước loại bỏ Hàn Tín theo mưu kế định sẵn.
Chẳng bao lâu sau khi Hàn Tín đem quân giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang đã bất ngờ cướp hết binh quyền của Hàn Tín (Hạng Vũ bị phá, Cao Tổ tập kích đoạt quân của Tề vương), sau đó mượn cớ “Nghĩa đế không có con nối dõi, Tề vương Hàn Tín phải theo phong tục nước Sở” để đẩy Hàn Tín đến Hạ Phì (nay là thành phố Phi Châu, Giang Tô) làm Sở vương. Trước đây Lưu Bang đã từng làm việc này. Vào một sáng sớm, Lưu Bang xưng là Hán sứ, phóng ngựa xông thẳng vào quân doanh, nhân lúc Hàn Tín và Triệu vương Trương Nhĩ còn ngủ, Lưu Bang vào phòng đoạt lấy ấn phù, điều binh khiển tướng, Hàn Tín và Trương Nhĩ kinh hoàng thất sắc. Lần này lại diễn vở đó, nhân lúc đi đánh nước Lỗ, Lưu Bang cho quân “quay lại Định Đào, vào doanh trại Tề vương, đoạt lấy quân”. Đã có bài học lần trước, tưởng Hàn Tín đã phải nghĩ đến màn diễn lần này của Lưu Bang. Sau hai lần bị đột kích bất ngờ, lẽ ra Hàn Tín phải cảnh giác. Đáng tiếc, Hàn Tín lại không cảnh giác.
Sau khi phải đến Hạ Phì làm Sở vương, Hàn Tín bắt đầu một cuộc sống thoải mái khoáng đạt. Hàn Tín vốn là người Sở. Người Sở làm Sở vương, giống như áo gấm về quê. Hàn Tín không oán trách gì về việc điều động này. Hàn Tín tìm được Phiếu Mẫu, người đã cho Hàn Tín cơm bên bờ sông năm đó, Hàn Tín ban tặng ngàn vàng để báo đáp, coi như đã thực hiện lời hứa “con sẽ báo đền ơn mẹ”. Hàn Tín cũng tìm được viên đinh trưởng Nam Xương, người trông coi việc ăn uống, về sau lại đuổi cổ Hàn Tín ra khỏi cửa. Hàn Tín thưởng trăm tiền và có lời giáo huấn: Ngươi là kẻ tiểu nhân, làm việc tốt lại không làm đến cùng. Hàn Tín cũng tìm được tên lưu manh năm xưa bắt Hàn Tín chui qua háng để làm nhục Hàn Tín. Thực ngoài sức tưởng tượng, Hàn Tín không những không trả thù, còn cho hắn làm trung uý chuyên tuần tra bắt cướp. Hàn Tín giải thích với mọi người, đây là một chàng trai, năm đó hắn làm nhục ra, chẳng nhẽ ta không giết nổi nó? Có điều, hắn là kẻ vô danh, nên ta đã nhịn. Hiển nhiên lúc có thể giết, ta đã không giết, lúc này chẳng có lý gì, càng chẳng có cớ gì để giết hắn. Nếu lúc đó không giết, bây giờ lại giết, hoá ra lúc đó ta không dám giết, lúc đó ta nhu nhược, mới phải chui qua háng thằng nhóc này! Không nghi ngờ gì, lúc đó ta không giết tức là lúc đó ta không sợ. Hàn Tín rất thông minh.
Trên thực tế, giết thằng nhãi đó, không những vô ích mà còn có hại. Lúc Hàn Tín nhục nhã, phải chui qua háng, là lúc cả hai bên bình đẳng, đều không có địa vị xã hội, nếu Hàn Tín xông lên chống lại, thì dù thắng hay thua, mọi người sẽ đồng tình. Bây giờ thì khác, Hàn Tín được phong vương bái tướng, trên mọi quần thần, thằng nhãi đó vẫn như xưa, vẫn là dân kẻ chợ vô lại, địa vị hai bên khác biệt, một trời một vực. Lúc này giết hắn dễ như trở bàn tay, nhưng chẳng có ý nghĩa gì, ngược lại mọi người sẽ có cảm giác Hàn Tín lấy lớn ức hiếp nhỏ, lấy mạnh làm nhục yếu, thực chẳng ra sao. Nhưng lấy ân báo oán, sẽ được tiếng là khoan dung đại lượng, dư luận đồng tình. Còn kẻ thoát chết kia, suốt đời ghi nhớ ân đức, luôn luôn ca ngợi Hàn Tín, Hàn Tín lại được lòng dân. Hơn nữa, “có oán báo oán, có ân báo ân” là lẽ thường của nền văn hoá Trung Quốc, nay Hàn Tín lại lấy ân báo oán, để chứng minh rằng năm đó Hàn Tín không hề bị nhục, vết nhơ đã được rửa sạch, thực hợp tình họp lý.
Hàn Tín không giết dân chợ búa vô lại kia, không có nghĩa là Lưu Bang không giết Hàn Tín.
Tình trạng của Hàn Tín khác với tên vô lại. Tên vô lại không có năng lực, không có địa vị, Hàn Tín cho sống hắn được sống, cho chết hắn phải chết, giết gà đâu cần đến dao mổ trâu. Hàn Tín thì lại khác. Thực tình, Hàn Tín đã là mối uy hiếp của Lưu Bang. Khoái Thông đã từng nói với Hàn Tín: “Kẻ dũng lược át cả chủ nhân thì thân nguy, kẻ công lao trùm thiên hạ thì không được lâu”. Có nghĩa là, một viên quan mà tài trí, năng lực, công lao đều vượt trội thì khó mà giữ được tính mạng. Vì sao vậy? Vì đó là quan hệ vua tôi quân thần. Đúng như Hàn Phi Tử nói, “Chủ bán quan tước, thần bán trí lực”. Quan hệ đôi bên có duy trì được hay không còn tuỳ thuộc ở quan tước trong tay vua chúa còn đủ dùng không và trí lực của bầy tôi phải luôn luôn thiếu hoặc đôi bên đều phải có đất dụng võ. Nếu một bầy tôi nào đó, trí lực công lao đều đã tột đỉnh thì còn gì để buôn với bán? Sau đó, chỉ còn nước mời quân chủ nhường lại chiếc ngai vàng của mình. Bất kỳ một vị vua chúa nào, chỉ cần có chút đầu óc và năng lực sẽ không tiếp nhận điều đó. Quan hệ của Lưu Bang và Hàn Tín là như vậy. Vì thế Lưu Bang không thể không loại bỏ Hàn Tín.
Có điều Lưu Bang muốn làm việc đó một cách từ từ, từng bước từng bước một, không muốn Hàn Tín phải chết ngay. Vào năm thứ hai sau khi Hàn Tín là Sở vương, Lưu Bang giả vờ là thiên tử đi tuần thú, tuần du Vân Mộng, từ Lạc Dương đến Trần Khâu (nay là huyện Hoài Dương, Hà Nam), trong số chư hầu nghênh đón ở hai bên đường đã bí mật tập kích bắt sống Hàn Tín, lý do có người mật báo Hàn Tín mưu phản. Sự thực không phải thế. Muốn phản tốt nhất là phản lúc làm Tề vương, việc gì phải đợi tới hôm nay? Lưu Bang cũng rõ đó là sự vu cáo, nhưng Lưu Bang không bỏ qua cơ hội này, Hàn Tín bị trói, bỏ lên xe chơ về Lạc Dương. Vừa đến Lạc Dương Lưu Bang liền tuyên bố đại xá thiên hạ, đồng thời “xá miễn” luôn cho Hàn Tín, nhưng giáng làm Hoài Ảm hầu, cũng không cho Hàn Tín đi nhậm chức ở đất phong mà giữ lại trong triều với ý là “xử lý rộng rãi, chờ xem kết quả”.
Lưu Bang làm vậy là có lý của mình. Lưu Bang hiểu rõ, đấu tranh chính trị đúng mực phải “có lý, có lợi, tùng bước một”. Lúc này giết Hàn Tín thì chưa đủ lý do, khiến quần thần lo lắng, tự thấy không nỡ. Sau này, Hàn Tín quả nhiên hợp mưu cùng Trần Hy phản Hán, Lã hậu theo kế của Tiêu Hà đã bí mật bắt giết Hàn Tín. Lưu Bang từ chiến trường về biết tin đã có phản ứng “vừa mừng vừa thương!”. “Vừa mừng vừa thương” chính là tâm sự thực của Lưu Bang. Tình cảm của Lưu Bang đối với Hàn Tín rất phức tạp. Lưu Bang tuy rất hận, rất ghét Hàn Tín, nhưng nhiều lúc cũng thích, cũng quý Hàn Tín. Rõ ràng Hàn Tín là bầy tôi có công, là người có tài, nếu không cần thiết, tốt nhất là không giết. Huống hồ Hàn Tín đã nhiều năm cầm quân, có uy tín nhất định, có một số tâm phúc. Tự nhiên giết Hàn Tín, làm không khéo sẽ có binh biến. Vì vậy Lưu Bang mới quyết định, hãy chờ đã, phải xem xét kỹ.
Đúng vậy, Lưu Bang không thể không lo lắng về Hàn Tín. Trong lúc có người bẩm báo Hàn Tín mưu phản, các tướng đồng thanh yêu cầu “lập tức xuất binh, chôn sống thằng nhãi đó”, Lưu Bang chưa tỏ thái độ ngay, bỏ đi thương lượng với Trần Bình. Trần Bình hỏi: Quân của bệ hạ tinh anh hơn quân của Hàn Tín không? Lưu Bang nói: Không sánh kịp. Trần Bình lại hỏi: Tướng của bệ hạ có mạnh hơn tướng của Hàn Tín không? Lưu Bang nói: Sao sánh bằng. Trần Bình nói: Quân không tinh bằng người ta, tướng không mạnh bằng người ta, lại muốn cất quân đi đánh nhau, như vậy là đẩy người ta vào con đường làm phản. Sau đó mới bàn kế sách bí mật bắt Hàn Tín. Có thể thấy Lưu Bang có sự dè chừng với thực lực của Hàn Tín và cũng chưa hiểu hết tâm lỵ của Hàn Tín.
Nhưng ngay trong lúc này, Hàn Tín đã làm một việc ngốc nghếch. Trong lúc Lưu Bang giả vờ là “thiên tử đi tuần thú”, cùng một số ít người ngựa xuống phía nam, lúc gần đến biên giới nước Sở, Hàn Tín có phần hoảng loạn. Hàn Tín có cảm giác ở đây có điều gì lạ lùng, nhưng lại nghĩ không ra. Vì vậy Hàn Tín không biết phải đối phó thế nào: Cất quân tạo phản, nghĩ đi nghĩ lại, tự thấy chẳng có chỗ nào sai, chắc gì hoàng thượng đem quân đánh mình. Tự mình đến bái kiến, lại cảm thấy “người đến thì không tốt, người tốt sẽ không đến”, không khéo sẽ bị bắt ngay. Lúc đó có người đưa ra ý kiến xuẩn ngốc: Hoàng thượng hận nhất Chung Lỵ tướng quân, nếu đem đầu tướng quân đến bái kiến hoàng thượng, hẳn hoàng thượng sẽ rất vui, chúng ta sẽ được bình an vô sự. Tướng quân Chung Ly tức là Chung Ly Muội, là danh tướng nước Sở, cũng là anh em son sắt với Hàn Tín. Sau khi Hạng Vũ chết, Chung Ly Muội hết chỗ chạy, đành phải trốn ở chỗ Hàn Tín.
Lưu Bang có thù với Chung Ly, đã xuống chiếu tìm bắt, Chung Ly lại được Hàn Tín bảo vệ. Nhưng lần này để bảo vệ mình, Hàn Tín quyết định lấy đầu người bạn tốt dâng công lĩnh thương, khôn khéo lấy lòng. Chung Ly Muội hay tin Hàn Tín sẽ lấy đầu mình, đã giận dữ phẫn nộ đến cực điểm, la mắng Hàn Tín vong ân bội nghĩa, là giống chẳng ra gì. Nhưng biết làm sao? Chỉ biết trách mình có mắt như mù, đã kết giao với loại “bạn” như vậy. Muội có nghĩa là “mắt không sáng”. Thực không hiểu vì sao cha mẹ lại đặt tên như vậy, rõ ràng là lời sấm. Một người mắt mù, một người tâm đen đã làm nên một thảm kịch.
Nhưng tiếc là Hàn Tín đã tính nhầm. Lưu Bang vốn hận Chung Ly và hận cả Hàn Tín. Cái mà Lưu Bang cần là thống nhất thiên hạ, là ngôi vị hoàng đế của con cháu họ Lưu bền vững muôn đời, đâu chỉ có cái đầu của Chung Ly? Hàn Tín đã bán rẻ bè bạn, Lưu Bang không hề cảm kích, chỉ nhếch miệng cười, sau đó đã thét lớn: Tả hữu bắt lấy hắn! Đường đường là Sở vương, lập tức đã bị hạ ngục. Hàn Tín không phục, cao giọng la hét: Ta có tội gì? Lưu Bang nói: Có người tố cáo nhà ngươi mưu phản. Nói xong, liền sai người trói Hàn Tín ném lên xe. Hàn Tín ngửa cổ than với trời xanh: “thỏ chết thì giết chó, chim hết thì bẻ cung, phá xong địch thì mưu thần chết”. Lúc này thiên hạ đã định, ta phải chết! Lưu Bang quay đầu lại nói: Đừng phí lời! Ngươi tưởng ý đồ mưu phản của ngươi chưa bại lộ sao?
Thực tình thì lúc đó Hàn Tín bị oan. Nhưng nghĩ kỹ lại thì không oan. Lẽ ra Hàn Tín phải sớm nghĩ ra chiêu này của Lưu Bang. Thỏ chết thì giết chó, chim hết thì bẻ cung, công cao hơn chủ thì cái chết đã gần kề, đạo lý đó không phải Hàn Tín không biết, Vũ Thiệp, Khoái Thông cũng đã nói rất rõ: Không thể dựa vào Lưu Bang. Trong đấu tranh chính trị cũng không dựa vào cái gọi là chiến hữu thân thiết, đầy tình đầy nghĩa. Vũ Thiệp nói, con người Lưu Bang có nhiều dã tâm, có ít phẩm hạnh. Đã nhiều lần Hạng Vũ nắm hắn trong tay, nhưng vì thương hại mà không nỡ giết, sau khi đã thoát hiểm, Lưu Bang quay đầu cắn trở lại, một người mất tín nhiệm, không thể gần đến dường ấy, sao ngài vẫn cứ tin tưởng? Nói cho ngài hay, sở dĩ ngài còn sống được đến hôm nay là nhờ vào sự tồn tại của Hạng Vũ. Nay Hạng Vũ đã mất thì ngày mai sẽ đến lượt ngài! Khoái Thông cũng nói, đừng bao giờ tin vào cái gọi là tình nghĩa giữa quân thần. Văn Chủng, Phạm Lãi phò tá Việt vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, trả thù rửa hận đánh bại Ngô vương, dựng nên nghiệp bá, ngày lập công thành danh đó, cũng là ngày họ phải chết(1). Lời nói quá rõ ràng, tiếc là Hàn Tín không để lọt tai, nên mới có hôm nay.
Nếu nói, lòng nhân của đàn bà làm Hàn Tín mất hết cơ may, vậy, lòng dạ tiểu nhân đã khiến Hàn Tín phạm sai lầm lớn. Việc Hàn Tín bán bạn cầu vinh là sai về mặt đạo đức, biến mình thành tội đồ. Chúng ta đều biết, Hàn Tín vốn chẳng có tội tình gì. Hàn Tín chiến công hiển hách, Lưu Bang muốn giết Hàn Tín, tất sẽ bị chê trách về mặt đạo nghĩa. Bây giờ thì tốt rồi, Lưu Bang có thể thẳng tay mà giết. Bởi vì người Lưu Bang muốn giết không phải là anh hùng gian khổ công cao mà là kẻ tiểu nhân vong ân bội nghĩa, giết công thần là phạm tội, giết tiểu nhân là việc nên làm. Ở Trung Quốc, người gọi là “tiểu nhân” là người gần như ai ai cũng muốn giết. Vì vậy việc làm của Hàn Tín vô tình đã giúp Lưu Bang rửa sạch trách nhiệm mặt đạo đức và đưa mình đến pháp trường.
Thứ hai, Hàn Tín bợ đỡ muốn lấy lòng, như vậy là lòng dạ đen tối, lại thua về mặt tâm lý. Lưu Bang ít nhiều có tính dối trá, thừa biết việc Hàn Tín mưu phản là vu cáo, cũng biết rõ vừa thắng lợi đã giết công thần là không hay. Bây giờ thì Lưu Bang đàng hoàng và đầy khí thế. Chẳng phải là Hàn Tín ngươi muốn mưu phản sao? Bằng chứng thép là việc người che giấu Chung Ly Muội! Nếu nói không mưu phản, chỉ là tình nghĩa bè bạn thì sao ngươi lại phải sợ. Lúc này lại chủ động mang thủ cấp hắn đến dâng, điều đó chỉ có thể nói rõ ngươi lòng ma dạ quỷ, việc không xong liền giết người diệt khẩu! Kết quả người vô tội thành người có tội, kẻ dối trá lại trở thành trong sạch, Hàn Tín làm vậy khác gì để chủ nắm chuôi, tự tạo ra tang chứng, vật chứng?
Thứ ba, Hàn Tín chủ động khuất phục, nói rõ bản thân có sai lầm, thế là sai về mặt chiến thuật. “Hai quân giao tranh, kẻ mạnh sẽ thắng”. Hàn Tín chột dạ, mới vờ can đảm như Lưu Bang. Lưu Bang vốn có chút sợ Hàn Tín, bây giờ thì hết sợ. Thì ra, đại tướng quân Hàn Tín cầm trăm vạn đại quân, đã đánh là thắng, đã phá là vỡ, cũng chỉ là thế mà thôi! Nhìn bề ngoài Hàn Tín thần khí oai phong, nhưng bên trong lại rất nhu nhược. Chỉ cần Lưu Bang nói một tiếng “tuần thú phương nam” hắn đã vãi đái, vội vàng bán cả người anh em son sắt của mình. Loại người này còn không trừng trị được sao?
Rõ ràng, Hàn Tín bán đứng bạn bè, không những không giữ được mạng mình mà còn mất nhanh hơn.
Lúc này Hàn Tín như cá trên thớt, chỉ còn chờ Lưu Bang xuống tay.
Lưu Bang lại không vội.
Trong những ngày Hàn Tín gần như bị giam lỏng, Lưu Bang thường đến trò chuyện. Họ vui vẻ thoải mái bàn về tài năng khác nhau của các vị tướng, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Một lần Lưu Bang hỏi Hàn Tín: Như quả nhân đây cầm được bao nhiêu quân? Hàn Tín nói: Không thể hơn được mười vạn. Lại hỏi: Còn túc hạ thì sao? Hàn Tín nói: Càng nhiều càng tốt. Lưu Bang cười: Được rồi được rồi, càng nhiều càng tốt, nhưng sao lại để ta tóm được? Hàn Tín nói: Bệ hạ không giỏi việc quân, nhưng giỏi việc tướng (giỏi chế ngự tướng lĩnh). Đó là nguyên nhân Hàn Tín không đấu được với bệ hạ. Hơn nữa bệ hạ là thiên tài, làm gì có chuyện nhân tài sánh kịp (bệ hạ có sức trời ban, không phải là sức người).
Hàn Tín nên nghĩ lại, có thể nói tới mức ấy sao?
Gọi là “trời ban” là chỉ “thiên tử” (quân quyền thần ban), hay là “thiên tài” (thông minh trời cho), có thể chưa nói tới, nói tới “cầm tướng” thì đáng phải suy ngẫm. Đúng là Lưu Bang giỏi cầm tướng và đúng là có tư thế người lãnh đạo. Thực ra, cách cầm tướng cũng không khó, chẳng phải là biết người, khéo dùng người, thêm vào đó là ân uy phân minh. Vì vậy, nên hiểu rằng “trọng thưởng tất sẽ có dũng phu”, cũng nên hiểu thêm “giết một để răn mười”. Dù là thưởng cũng được, phạt cũng được, khi đáng ra tay thì ra tay, không thể hẹp hòi, cũng không thể mềm lòng. Vì vậy, trong quá trình cầm tướng, không thể không giết gà doạ khỉ. Còn Hàn Tín chỉ là một con gà trống lông tía biết gáy mà thôi. Giết hay không giết, còn phải xem xem khỉ có nhảy không, gà trống có ngoan không.
Tiếc là Hàn Tín không nghĩ đến điều này, gần như không hề để tâm đến, Lưu Bang đang trong tình trạng khó xử, giết hay không nên giết mình. Không giết, đó là mối hậu hoạ; giết, chưa thể xuống tay ngay được. Nếu lúc này Hàn Tín chịu gác kiếm, cắm đuôi lại để làm người, thậm chí là cáo lão về quê, có thể sẽ giữ được thân. Lưu Bang giết công thần, hẳn sau này đã không có Chu Nguyên Chương tàn độc đến nhường ấy (điều đó gọi là khác thời đại). Còn Hàn Tín không hề nghĩ lại mình. Hàn Tín thường cáo bệnh không lên triều, ru rú ngồi nhà những oán cùng hờn, “thẹn vì cùng hàng với Dịch và Quán (Dịch hầu Chu Bột và Dĩnh Âm hầu Quán Anh). Một hôm Hàn Tín đến thăm Phàn Khoái, Phàn Khoái quỳ lạy nghênh đón: Đại vương vẫn còn chú ý tới tiểu thần. Ra khỏi cửa, Hàn Tín ngẩng mặt nhìn trời, cười nói, nay Hàn Tín ta cũng chỉ ngang hàng với ngươi thôi! Những lời nói hành động đó, chứng tỏ Hàn Tín không phục, bất mãn, oán hận với cách xử lý của Lưu Bang. Với Hàn Tín, đó là nỗi oan uổng, nhưng trong mắt Lưu Bang đó lại là “có bụng không thần phục”.
Đó là điều không được cho phép. Đặc điểm của nền chính trị chuyên chế là không cho phép bất cứ ai có nhân cách độc lập. Vừa không cho phép có suy nghĩ riêng, vừa không cho phép được vui buôn, giận dữ. Thế nên, hễ không thân phục là cân phái loại bỏ. Huống hồ Hàn Tín chỉ là con chuột ở nước Sở, lại dám có suy nghĩ giống mèo. Năm 196 trước Công nguyên, Trần Hy ở vùng biên phản Hán, Lưu Bang ngự giá thân chinh, Hàn Tín cáo bệnh không theo, còn cho người mang thư đến chỗ Trần Hy, hẹn sẽ làm nội ứng tại kinh thành, kết quả bị thủ hạ tố giác, sự việc bại lộ. Lã hậu nhận tin mật, liền cùng bàn với Tiêu Hà, phao tin ngoài biên ải đại thắng, Trần Hy đã chết, mời liệt hầu cùng quần thần vào cung để chúc mừng. Hàn Tín vì có ý xấu, không dám không đi, hơn nữa đây còn là thông báo của Tiêu Hà! Nói ra Tiêu Hà còn là ân nhân của Hàn Tín. Đêm trăng năm đó, nếu Tiêu Hà không đuổi theo Hàn Tín, không hết lòng tiến cử tới Lưu Bang, thì Hàn Tín làm gì có chức đại tướng quân. Đương nhiên Hàn Tín có nằm mơ cũng không thể ngờ, lần này Tiêu Hà lại giăng bẫy để bắt mình, đúng là “thành cũng từ Tiêu Hà, bại cũng từ Tiêu Hà”. Kết quả, Hàn Tín vừa vào cung đã bị võ sĩ mai phục hai bên xông ra bắt sống, sau đó Lã hậu đã xử Hàn Tín tội chết ở cung Trường Lạc. Về mặt này Lã hậu tỏ ra ác độc hơn hẳn Lưu Bang. Lúc hành sự, Lã hậu không cần hỏi ý kiến Lưu Bang, xong việc cũng không cần thông báo, không chút do dự hoặc tiếc thương, Hàn Tín chết một cách nhanh chóng gọn gàng. Cái chết đã kề bên, Hàn Tín mới thấy xót xa, vì sao ban đầu đã không nghe kế của Khoái Thông, để đến đoạn phải chết dưới tay một mụ đàn bà. Đúng vậy, Hàn Tín luôn miệng cười nhạo chê bai Hạng Vũ có “lòng nhân của đàn bà”, ngược lại không hề biết rằng mình cũng như vậy và cũng không nghĩ xem đàn bà vị tất đã có lòng nhân.
Phải nói là Hàn Tín giỏi nhìn người và cũng biết bao dung người. Hàn Tín nhìn nhận Hạng Vũ, một đao thấy máu, giải quyết nhanh gọn. Hàn Tín dùng nhu thắng cương, đã đánh bại Thành An quận Trần Dư, và cũng biết rất rõ một trong những nguyên nhân thắng lợi, là do Trần Dư không dùng kế của Quảng Vũ quân Lý Tả Xa. Vì vậy, sau khi đưa tù binh Lý Tả Xa lên xe, Hàn Tín tự đến cởi trói, còn “ngồi hướng đông, quay mặt về hướng tây, hầu chuyện”, giống như học trò cung kính ngồi nghe Lý Tả Xa chỉ giáo. Hàn Tín nhẫn nhịn nén mình, cung kính đãi người, nhẫn nhục chui qua háng người khác để thành bá nghiệp, đó đều là những điều đáng kính ở Hàn Tín. Chỗ chưa đủ ở Hàn Tín là không tự biết mình. Vì vậy, Hàn Tín biết nói về người khác, nhưng việc của mình lại mơ hồ. Hàn Tín tự cho mình là hàng hiếm giá cao, công lao không thể mất, nào ngờ một khi thiên hạ bình định, hàng hiếm lại biến thành miếng khoai tây nóng bỏng tay, công lao quá cao sẽ bị chủ ghen ghét. Vì lòng ghen tỵ và ý thức cảnh giác nên Lưu Bang đã giáng tước phong và đoạt lại đất phong của Hàn Tín. Nhưng Hàn Tín lại bỏ việc, vứt mũ từ quan, để ừ suốt ngày, nói toàn những lời quái gở, cuối cùng thì quyết định cầm kích, hòng soán ngôi đoạt quyền, đương nhiên chỉ là trứng chọi với đá, tự chuốc lấy diệt vong. Tóm lại, Lưu Bang giỏi biết mình, giỏi biết người, nên Lưu Bang đã thắng. Hạng Vũ đã không biết người, lại cũng không biết mình, nên Hạng Vũ đã thua to. Hàn Tín biết người nhưng lại không biết mình, tuy có thành công, nhưng cuối cùng đã thất bại.
Không tự biết mình thì chác gì đã có thể biết người một cách rõ ràng. Hàn Tín lấy bụng kẻ tiểu nhân cư xử với Chung Ly Muội, lấy lòng người quân tử đối xử với Lưu Bang. Thực là trái phải lẫn lộn. Tiểu nhân ở đây không hoàn toàn chí chuyện đạo đức, còn muốn chỉ về tâm lý, tức là người hẹp hòi, thiếu độ lượng. Lưu Bang hận Chung Ly Muội, không phải Hàn Tín không biết; nếu sợ Lưu Bang trách tội thì ngay từ đầu không nên chứa chấp; nếu đã nhận thì bảo vệ tới cùng. Hàn Tín bất chấp tất cả là muốn bảo vệ bè bạn, Lưu Bang có thể làm gì đây? Cũng không làm gì cả, có thể chỉ nảy sinh ra mấy phần kính trọng và mấy phần ghen ghét. Hàn Tín không có lòng độ lượng, lại hẹp hòi, kết quả đã bán đứng bạn và bán luôn cả mình.
Chú thích
(1) Văn Chủng được Câu Tiễn ban chết. Diệt Ngô xong, Câu Tiễn ban bảo kiếm cho Văn Chủng và nói: Ngài chỉ giáo quả nhân bảy biện pháp giết người, quả nhân mới dùng ba điều đã diệt xong nước Ngô, biện pháp thứ tư này xin được thực hiện trên người ngài. Thế rồi Văn Chủng tự sát. Từ lâu Phạm Lãi đã biết sẽ có ngày này, nên thành công xong là rút lui, lén rời khỏi nước Việt, về sau trở thành một phú thương nổi tiếng (Tác giả).