Lửa Thiêu Rừng Hạnh

Chương 11: Tiếng đàn du dương

Thứ hai, ngày hai muơi tư tháng bảy, Chung Đào kết thúc chuyến công tác, trở về nhà.

Hôm nay tròn một tháng kể từ ngày Hồ Quốc Hào xảy ra chuyện.

Tòa nhà Địa Hào nghễu nghện vươn cao, các tấm kính ốp bên ngoài phản chiếu màu xanh đen âm u, lạnh lẽo.

Chung Đào bước ra khỏi thang máy tầng thứ hai mươi tư, anh có cảm giác không khí trong toà nhà có gì đó kỳ lạ. Hôm nay, Chung Đào mặc chiếc áo sơ mi cộc tay, đeo cà vạt đỏ, làn da đen nhẻm đầy vẻ phong trần bụi bặm sau chuyến công tác dài ngày. Bước vào khu văn phòng, phòng làm việc của thư ký chủ tịch HĐQT vắng lặng không có lấy một bóng người. Trên cửa văn phòng chủ tịch dán dấu niêm phong có con dấu đỏ chót.

Ngay trong thời gian tham dự hội thảo ở vùng tây nam, Chung Đào đã nhận được điện thoại của tổng giám đốc Châu và biết tin Mã Tuyết Anh đã chết bởi tai nạn xe hơi. Khi nghe tin đó anh đã lặng cả người. Châu Chính Hưng còn hỏi: "Anh có nghe tôi nói không?" Lúc ấy Chung Đào chỉ buột miệng một câu "Cô ta chết thật vô ích".

Đi dọc hành lang đám nhân viên nhìn anh với con mắt kỳ lạ, có người gật đầu chào anh.

"Phó tổng giám đốc Chung về ạ!".

"Vâng".

Ngoài câu nói đầy khách sáo, Chung Đào có cảm giác tất cả đang xa lánh anh.

Chung Đào tiến vào phòng làm việc của tổng giám đốc báo cáo tình hình hội nghị địa ốc Trùng Khánh.

Châu Chính Hưng ngồi phía sau bàn làm việc, khuôn mặt mệt mỏi, auh ra chỉ hỏi qua vài câu chiếu lệ về nội dung chuyến công tác. Những điều còn lại tập trung xoay quanh những phiền toái gần đây của Địa Hào.

"Nguyên nhân cái chết của A Anh đã được điều tra đến đâu rồi hả anh?".

"Bên cảnh sát nhận định có người cố tình gây ra chuyện đó". Châu Chính Hưng đáp, anh ra cố tránh không dùng hai từ "giết hại".

"Tại sao phòng chủ tịch Chu Mỹ Phượng lại bị niêm phong vậy?".

"Đã bảy ngày nay không liên lạc được với cô ấy, bên cảnh sát nói cần bảo vệ hiện trường...".

"À!". Khuôn mặt Chung Đào lộ rõ vẻ dường như đã hiểu ra tất cả.

Trên thực tế cảnh sát đã gửi công văn truy nã Chu Mỹ Phượng đến cảnh sát quốc tế.

Sau khi Mã Tuyết Anh bị giết chết bằng việc ngụy tạo tai nạn xe hơi, từ nhật ký cuộc gọi của Chu Mỹ Phượng do cục bưu điện cung cấp cảnh sát đã phát hiện một chi tiết vô cùng quan trọng: Nửa giờ trước khi Mã Tuyết Anh xảy ra chuyện, Chu Mỹ Phượng đã nhiều lần liên lạc với một số điện thoại lạ, năm phút sau khi Mã Tuyết Anh chết, Chu Mỹ Phượng lại nhận được cuộc gọi của số điện thoại lạ đó, thời gian thông máy chỉ có bốn giây. Kể từ đó Chu Mỹ Phượng tắt máy, cảnh sát đã xác định được chủ nhân của số điện thoại bí mật là một kẻ du thủ du thực có đầy tiền án ngoại hiệu Đại Hồ Tử. Ba ngày sau đó tại một nhà trọ cao cấp họ bắt được hắn ta. Đối chiếu dấu vân tay của kẻ tình nghi với dấu vân tay thu được trên vô lăng chiếc Nissan màu đen gây tai nạn thu được kết quả hoàn toàn trùng khớp. Trước chứng cứ cực kỳ vững chắc, Đại Hồ Tử đã khai ra: Chu Mỹ Phượng chi hai mươi nghìn tệ để thuê hắn giết Mã Tuyết Anh. Số tiền giao trước một nửa sau khi hoàn thành công việc sẽ nhận nốt số còn lại.

Tất cả những việc đó có thể Châu Chính Hưng thật sự không biết.

Vị lãnh đạo mới của tập đoàn Địa Hào ngay lập tức điều chỉnh thái độ.

Anh ta nói cho Chung Đào hay, những chuyện xảy ra gần đây ở Địa Hào có ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu và uy tín tập đoàn, mấy ngày nay các phương tiện truyền thông luôn tìm đến quấy rầy, làm cho cả Bằng Thành đồn thổi tin tức không hay. Các công ty khác cùng ngành cũng hết sức chú ý, họ cũng đang chờ có dịp để hả hê vui sướng .

"Cho nên hiện nay việc quan trọng nhất của Địa Hào là phải ngay lập tức ổn định tình hình, không để xảy ra thêm bất cứ chuyện gì gây ảnh hưởng đến công ty. Tập trung lực lượng cao nhất nhằm làm giảm tổn thất đến mức tối đa".

Thái độ của Châu Chính Hưng biểu thị rõ vẻ cùng hội cùng thuyền.

"Ngoài ra cảnh sát cũng đang dò hỏi về anh đấy!". Châu Chính Hưng nhắc khẽ Chung Hào.

"Thật ạ?".

Chung Đào dường như không mấy quan tâm.

Quán nướng Mông cổ Cửu Cửu Long

Buổi tối, Đinh Lam tiếp đón Chung Đào tại nhà hàng chuyên món nướng tự phục vụ lớn nhất Thâm Quyến.

Cửu Cửu Long có hơn một nghìn chỗ ngồi, mỗi khách tính giá ba mươi tám tệ, đồ nướng miễn phí. Do giá cả hợp lý, đồ ăn ngon nên chiều tối nào nơi đây cũng rất đông thực khách. Ở giữa nhà hàng đặt một dãy dài đồ tươi ngon mắt, phân ra thành từng khu, khu thịt nướng, khu lò nướng, khu đồ ăn nóng, khu hoa quả, các loại hải sản hết sức phong phú, cua bể, thịt bò béo, thịt dê, cá, và các loại rau quả...

Chỉ cần bỏ ra thêm mười tệ là có thêm món kem và các loại đồ ngọt.

Hai người ngồi cùng một bàn, lò nướng bốc khói nghi ngút, mùi thơm cũng kích thích vị giác.

"Vị thịt dê nướng ngon lắm đấy em!".

Chung Đào lấy một miếng thịt nướng chấm vào bát nước trong rồi đưa lên miệng.

Đinh Lam nheo mắt nhìn anh bật cười: "Dáng anh ăn xấu quá".

"Thật hả".

Mấy cậu công nhân còn rất trẻ ngồi bàn bên nói chuyện ầm ĩ ăn uống nhồm nhoàm, trong chiếc đĩa to để đầy vỏ và chân cua.

"Về Tứ Xuyên lần này anh có gặp dì không?".

"Anh gặp cụ rồi, chỉ là bây giờ sức khỏe không được như trước".

"Còn gặp ai nữa không anh?".

"Cô chủ nhiệm lớp thời trung học".

"Là cô "Euclid" ạ".

Cô chủ nhiệm lớp từ bộ đội chuyển ngành, họ Âu, tận tâm với nghề, yêu thương học trò, giọng phổ thông lại cực kỳ truyền cảm, nên lũ học trò đặt cho ngoại hiệu là "Euclid".

"Ern vẫn còn nhớ đến cô "Euclid" cơ à?"Tóc cô giờ đã bạc trắng cả rồi".

"Năm tháng trôi đi như nước chảy... Năm đó cô giáo thật trẻ. Lúc nào cũng mặc bộ quân phục màu cỏ úa...".

"Nhưng trí nhớ của cô thì thật tuyệt vời, dường như cô nhớ hết tất cả mọi thành viên trong lớp anh".

"Vậy ạ!".

"Rất nhiều bạn học rời xa quê làm ăn khi về Tứ Xuyên đều tìm đến thăm cô".

"Anh có hỏi thăm có lần chị Hạ Vũ Hồng về nước đến gặp cô không?". Đinh Lam nói rất nhanh.

Chung Đào bật cười: "Anh hỏi rồi. Cô Euclid cho anh địa chỉ email của Vũ Hồng".

Theo lời cô giáo chủ nhiệm kể lại, Hạ Vũ Hồng đang là giảng viên của trường Đại học Penn Stacc, Hoa Kỳ. Mùa xuân năm ngoái đã có lần trở về Tứ Xuyên, cô ấy là một giáo sư xã hội học nổi tiếng trong trường.Tuy nhiên chuyện tình cảm không được như ý, hiện vẫn còn sống độc thân.

"Anh liên hệ được với chị ấy chưa?".

"Anh gửi thư điện tử rồi".

Chung Đào nói cho Đinh Lam hay, anh khá bất ngờ khi nhận được email trả lời của Hạ Vũ Hồng, cô ấy không hề nhắc đến những chuyện thời thanh niên trí thức trước kia chỉ nói là hy vọng có dịp gặp lại anh.

"Hai anh chị cuối cùng cũng có dịp trùng phùng rồi".

Thái độ của Đinh Lam khá phức tạp, dường như vừa vui mừng, lại vừa đau khổ.

"Bọn anh không thể trở lại ngày xưa nữa...". Chung Đào rất bình tĩnh.

Đinh Lam chuyển sang đề tài khác: "Khi nào anh đi?".

"Còn đợi đóng dấu thị thực, thông qua đoàn tham quan du lịch Bắc Mỹ, trước tiên anh sẽ đến Canada".

"Anh cần phải nhanh lên mới được".

"Anh biết rồi, còn em thì thế nào?".

"Không phải lo cho em đâu, em sẽ không sao đâu...".

"Vẫn cần thận trọng một chút, nhớ bảo trọng nhé!".

"Cho em gửi lời hỏi thăm chị Hồng". Đinh Lam lệ nhòe ướt mi.

2.

Sân bay Côn Minh.

Nhiếp Phong chuẩn bị hành lý, anh bước vội vào phòng xuất cảnh.

Nhiếp Phong sẽ đáp chuyến bay CA-4415 vào lúc tám giờ kém năm phút sáng, hành trình bay bảy mươi phút, sẽ hạ cánh ở sân bay vào lúc chín giờ năm. Đây là chuyến bay sớm nhất trong ngày, giá vé khuyến mại ba trăm hai mươi tệ.

Nhiếp Phong ngước nhìn, tấm biển đồng hồ ở bãi đỗ xe chạy ngang dòng chữ Thứ hai, ngày 24 tháng 7.9:25.

Anh thầm nghĩ. Vậy là đã tròn một tháng kể từ kki xảy ra vụ án Hồ Quốc Hào.

Khách sạn được đặt từ trước, nhà hàng Dương Quang, ngày nghỉ giá hội viên một trăm ba mươi tệ một ngày. Để giảm bớt thời gian Nhiếp Phong đã gọi điện đến khách sạn làm thủ tục lấy phòng từ trước sau đó anh nhanh chóng tìm đến nơi lấy tư liệu viết bài, cứ ứng phó tạm thời nhiệm vụ mà tổng biên tập giao cho cái đã. Chụp ảnh, viết xong bài báo dài năm nghìn chữ Nhiếp Phong thở phào, sau một ngày một đêm làm việc hết tốc lực cuối cùng công việc đã hoàn thành.

Buổi chiều ngày thứ hai, không ngơi nghỉ lấy một phút anh tìm đến cơ quan hữu quan của binh đoàn xây dựng Vân Nam.

Trong suy nghĩ của anh nhất thiết cần phải tìm đến nơi Chung Đào và các thanh niên trí thức Thành Đô đã từng công tác và sinh hoạt.

Nông trường binh đoàn xây dựng Vân Nam giờ thuộc tổng cục khai hoang nông nghiệp của tỉnh, lật tìm tài liệu tại bộ phận thông tin thống kê của tổng cục, một phụ nữ họ Bàng, trước kia cũng là thanh niên trí thức cho anh hay. Tất cả hồ sơ về thanh niên trí thức trước năm 1995 đều đã được sắp xếp giao cho phòng lưu trữ hồ sơ Vân Nam.

Trung tâm lưu trữ hồ sơ Vân Nam, một tòa nhà cổ kính tọa lạc ở số 59 đường Tây Viên.

Người bảo vệ sau khi xem giấy giới thiệu đã cho Nhiếp Phong vào. Vừa vào bên trong tòa nhà ngay lập tức ta đã cảm nhận được không khí cổ kính trang trọng. Trên bức tường chính diện treo một bức phù điêu miêu tả phong tục cập quán dân tộc, xung quanh tường cầu thang treo các bức ảnh do người nước ngoài chụp miêu tả cảnh các dân tộc thiểu số Vân Nam cuối đời Thanh. Phòng tra cứu tư liệu nội bộ nằm trên tầng ba, nơi đây khá rộng rãi và yên tĩnh, có gần bốn mươi cái bàn gỗ màu vâng nhạt, trên bàn bày năm bộ máy tính dựa vào sát tường. Một người đàn ông và một cô gái tóc dài còn rất trẻ ngồi trước máy vi tính kiểm tra tư liệu.

Trong gian ca bin ngăn bằng kính mà một ô cửa nơi tiếp nhận khách đến trả và mượn tài liệu, có ba nữ nhân viên đang làm việc.

"Tôi là phóng viên tạp chí "Tây Bộ Dương Quang", tôi muốn tìm một số tài liệu có liên quan đến thời kỳ thanh niên trí thức". Nhiếp Phong đến bên ô cửa cabin tự giới thiệu.

"Ồ, thật đáng tiếc". Một cô nhân viên tóc ngắn đeo kính trắng lịch sự nói "Mấy ngày hôm nay chúng tôi đang chỉnh lý tư liệu cũ, ngày mai anh đến nhé".

"Ngày mai ạ?". Nhiếp Phong chần chừ một lúc rồi anh cố gắng thuyết phục. "Tôi từ xa đến đây, thời gian không có nhiều, có thể linh động một chút được không ạ?".

"Đợi tôi thử hỏi chủ nhiệm xem sao". Nữ nhân viên tóc ngắn đeo kính trắng đi vào bên trong.

Một lúc sau cô gái đi ra rồi giải thích với Nhiếp Phong: "Tất cả tư liệu cũ đều đang được sắp xếp trong kho, ngày hôm nay quả là không thể được".

"Rất cảm ơn cô".

Nhiếp Phong bước ra khỏi trung tâm lưu trữ hồ sơ, anh quyết định thay đổi kế hoạch, trước hết cứ đi vùng biên giới Vân Nam cái đã.

Trước khi xuất phát, anh tìm đến Tổng cục khai khẩn nông nghiệp tỉnh Vân Nam để hỏi cụ thể đường đến đội hai, phân khu bốn nông trường Lam Giang. Tại bộ phận hành chính tầng ba, mội người đàn ông mặc áo sơ mi đeo cà vạt màu vâng lá cọ tiếp đón anh rất nhiệt tình.

Người cán bộ hành chính này thừa nhận anh ta cũng chưa bao giờ đến nông trường Lam Giang. Điều đấy cũng dễ thông cảm, tại Vân Nam có rất nhiều nông trường lớn nhỏ khác nhau, một người khó có thể đi hết tất cả các nông trường. Anh ta lật giở một cuốn sổ in nhỏ, có lẽ đó là quyển sổ ghi số liên lạc nội bộ của từng đơn vị rồi tra ra hai số điện thoại của nông trường Lam Giang, một là số của văn phòng nông trường, số kia là của bộ phận hành chính, sau này anh cũng đưa cho Nhiếp Phong cả số điện thoại của giám đốc nông trường. Có được tất cả số điện thoại Nhiếp Phong nói lời cảm ơn rồi rời khỏi Tổng cục khai khấn nông nghiệp, anh đáp chuyến tàu hỏa hướng về phía nam.

Khi còn ở Thành Đô, chị Lê đã nói cho anh cách đi nhanh nhất, từ Côn Minh bắt tàu hỏa đến Quảng Thông, sau đó lên xe đường dài tuyến cao tốc tới huyện Lam Giang. Nông trường Lam Giang nằm trong huyện, đại đội hai cách trung tâm huyện không xa lắm, hiện nay nó được mang tên đội hai. Thế nhưng tra trên tất cả các tấm bản đồ Vân Nam, Nhiếp Phong không hề tìm thấy địa danh nào có tên "Quảng Thông".

Rất may có một trạm trung chuyển hành khách nằm bên cạnh nhà ga tàu hỏa, Nhiếp Phong quyết định mua một vé xe khách đường dài từ Côn Minh thẳng tới huyện Lam Giang, giá vé một trăm bảy mươi tám tệ. Qua ở cửa bán vé bé tý Nhiếp Phong cúi thấp đầu hỏi cô bán vé mặc đồng phục màu xanh, xe đường dài từ đây đến Lam Giang mất bao nhiêu thời gian. Cô nhân viên bán vé có vẻ khó chịu đáp cộc lốc "không biết" như thể là cô ta bán vé lên mặt trăng vậy.

Nhiếp Phong lắc đầu ngán ngấm, thôi đành phó mặc cho ông trời vậy.

3.

Bảy giờ tối, chiếc xe đường dài màu vàng khởi hành, trang thiết bị trong xe hết sức bình thường, có hai giường nằm phía trên và dưới, chăn gối hoa, đệm lò xo. Xe nhét kín người, Nhiếp Phong đếm thử tổng cộng là ba mươi hai giường nằm, tất cả chỗ trống đều được lấp đầy, mỗi người chỉ có một khoảng không gian chật hẹp bức bối. Nghe bác tài trung tuổi dáng người gầy gò nói sớm mai sẽ đến Lam Giang, tính ra phải đến mười hai, mười ba tiếng đồng hồ. Nhiếp Phong nằm co quắp trên chiếc giường sát cửa giữa xe, đi một đoạn xe lắc lư chồm lên hạ xuống, anh vội thắt chiếc dây an toàn bắt ngang qua người, bất cứ lúc nào cũng trong tư thế sợ xe xảy ra tai nạn. Đành phải cùng chung số mệnh với chiếc xe này thôi.

Phía đầu và cuối xe treo hai chiếc ti vi, nhưng dường như treo để làm vì, từ đầu chí cuối đều không thấy người ta bật lên.

Lần đầu tiên đến ngoại thành Côn Minh, nghiêng người trên chiếc gối Nhiếp Phong nhìn qua cửa kính xe, các dãy núi, hàng cây, bầu trời sao, những ánh đèn lập lòe trong bóng rối lờ mờ lướt qua, có chút gì đó thật lãng mạn. Ánh sao lấp lánh, dải Ngân Hà rực rỡ, tất cả như đồng hành cùng anh trong chuyến đi này. Chiếc xe lắc mạnh khiến Nhiếp Phong không thể chợp mắt. Lúc đầu anh nghĩ đơn giản, ngủ một giấc là sẽ đến Lam Giang. Kết quả là lần tỉnh giấc thứ nhất nhìn đồng hồ mới chỉ một giờ đêm, tỉnh lần thứ hai mới có ba rưỡi sáng. Từng đợt rung lắc, lộn lên lộn xuống không ngừng. Anh có cảm giác chiếc xe này không có điểm dừng, như chạy trong vòng tròn khép kín vậy.

Sáu giờ sáng, trời vẫn còn mờ mờ tối, xe vừa chạy qua một thì trấn đông đúc, nhiều người bán hàng rong chạy đến chào mời mua hàng, trời vẫn chưa sáng hẳn không thể nhìn rõ mặt họ.

Xe vẫn chòng chành nghiêng ngả tiến về phía trước. Mở mắt ra nhìn bên ngoài cửa sổ khói sương mù mịt, ngẩng đầu lên trong đám mây đen lộ ra nửa vầng trăng non nhàn nhạt.

Mọi người chìm vào giấc ngủ chập chờn, khi mở mắt lần nữa, trời đã sáng bạch.

Sáu rưỡi sáng xe dừng lại ở Bảo Sơn, đèn bật sáng.

Bác tài hô to: "Đến Bảo Sơn rồi, có vị nào xuống không nhỉ".

Không có tiếng ai đáp, xe tiếp tục lăn bánh về hướng tây.

Bảy giờ trời đã sáng hẳn, có thể nhìn thấy xe đang đi vào đường núi, người lái xe giữ tay lái rất cẩn thận vượt qua dãy núi cao, ngó xuống dưới là sườn dốc. Một dòng sông đổ nặng phù sa cuồn cuộn chảy, trong lòng Nhiếp Phong thầm nghĩ chắc đây là Lam Giang rồi, nhưng khi hỏi bác tài mới biết còn xa mới tới nơi. Lại thêm đoạn đường nữa, xe đỗ lại quán nhỏ ven đường, chẳng biết đây là quán gì. Bác tài cuối cùng cũng đánh thức một vị khách đến Bảo Sơn xuống xe ở địa điểm này.

Vượt con đường núi, xe rẽ vòng cua tay áo qua một dãy dài quán ăn biển hiệu treo trên cao "Quán bình dân Đằng Sung", "Gà hầm", có lẽ đã đến địa bàn Đằng Sung. Lại chợp mắt thêm lúc nữa, tỉnh dậy thấy cửa kính xe ướt đẫm nước mưa, bên ngoài mưa rơỉ bay bay.

Lại đi tiếp, xe chạy trên lưng chừng núi, lẩn khuất trong làn mây mờ.

Bên ngoài cửa xe mưa tạo thành một tấm rèm nước, ông trời có lẽ cũng đang than khóc.

Nhìn đồng hồ đã chín giờ rưỡi sáng, cậu thanh niên nằm giường bên cạnh Nhiếp Phong buột miệng "Tới được Lam Giang chắc phải đến trưa mất". Những gì người lái xe cho biết quả là không sai.

Hai bên đường là thảm thực vật phong phú, cây gỗ tạp, vườn chuối tiêu, ruộng ngô, vườn mía, cánh đồng lúa xanh rì thấp thoáng bóng các căn nhà của cư dân địa phương, cái thì tường đất, cái thì tường gạch đỏ mái ngói xanh, bên cạnh mỗi ngôi nhà có một đống củi to đã chẻ xếp cẩn thận, một vài ngôi phía trên mái lắp chảo thu truyền hình vệ tinh.

Chín giờ năm mươi xe đến thành phố Đằng Sung, không biết tại sao xe dừng ở bến tới bốn mươi phút, liệu có phải là tiếp nước cho đầu máy hay còn làm chuyện gì khác. Bác tài cũng không thèm nói nửa lời giải thích. Lại tiếp tục lên đường, xe vẫn chưa ra khỏi thành phố nhưng lái xe đã đuổi hết mọi người xuống đường. Lúc này Nhiếp Phong mới phát hiện trên xe chỉ còn ba, bốn hành khách đều đã được "bán" sang xe bus như lợn béo vậy, sau này mới biết mỗi khách được "bán" với giá mười lăm tệ, lại tiếp tục tiến về phía tây. Chiếc xe buýt khá cũ nát, chiếc đài trên xe phát liên tục các ca khúc "Đêm quân cảng", "Bài thơ san hô", "Núi đỏ nở hoa đẹp". Cửa kính xe xập xệ lắc lư tạo ra khe hở, gió miền sơn cước thổi vào mát lạnh đem theo mùi hương lúa thơm nồng.

Đến được nông trường Lam Giang e rằng phải đến giữa trưa. Nhiếp Phong lấy máy di động gọi đến nông trường, văn phòng không có người nhấc máy. Rất may khi anh gọi đến phòng giám đốc người nhận điện thoại là một cô gái họ Dương.

"A lô! Tôi là Nhiếp Phong phóng viên của tạp chí "Tây Bộ Dương Quang" trưa nay sẽ có mặt ở huyện Lam Giang, sau đó sẽ đến làm việc ở đội hai, phân khu bốn. Vâng! Không biết trước năm giờ chiều liệu có thể quay trở lại trung tâm huyện không ạ?". Nhiếp Phong vội vã hỏi.

"Có thể, cách có hơn chục cây số thôi anh ạ", cô gái đáp.

Cô Dương còn hướng dẫn cho Nhiếp Phong, trên đường có thể bắt xe bus cỡ nhỏ, rất thuận tiện.

"Chỉ cần anh bảo người lái xe là đến đội hai, phân khu bốn là người ta sẽ đưa anh tới nơi". Tại đó anh cứ gặp trực tiếp đội trưởng đội sản xuất họ Hỷ.

"Vâng, rất cảm ơn chị". Nhiếp Phong trong lòng mừng thầm.

Lúc này trời xanh, mây trắng. Ngoài cửa kính hiện ra rừng trúc xanh tốt rậm rạp, rừng trúc ở Vân Nam cao và dày hơm hẳn ở Tứ Xuyên, chí ít cũng phải cao tới căn nhà ba, bốn tầng.

Mười một rưỡi, xe đến Mang Tây.

Qua Mang Tây, lại đi vào đường núi.

Cuối cùng xe cũng xuống bến xe khách huyện Lam Giang. Bây giờ đã là một rưỡi chiều.

Trước tiên để chắc chắn anh hỏi vé chiều quay về, họ nói vé xe bus chuyến lúc bảy giờ tối đã bán hết vé, chỉ còn lại một vé chuyến lúc bốn rưỡi chiều. Do thời gian quá gấp, Nhiếp Phong không dám đi chuyến đó. Huyện Lam Giang rất nghèo song trên đường phố xe chạy thuê lại rất nhiều, hơn nữa lái xe là nữ giới chiếm số lượng không nhỏ. Để tranh thủ thời gian Nhiếp Phong bỏ bữa trưa, anh thuê một chiếc xe taxi, trên xe không lắp đồng hồ tính cước, chạy trong nội thị vé đồng loạt năm tệ. Trên đường cái đỗ vài chiếc xe Mi- anbao cỡ nhỏ, hỏi lái xe họ đều trả lời không biết vị trí chính xác của đội hai. Thời gian quá gấp, Nhiếp Phong gọi một chiếc taxi Iieli màu xanh nhạt mặc cả giá tiền cả đi lẫn về bảy mươi tệ, theo người lái xe đoạn đường đó đường đã gập ghềnh rất khó đi.

Tài xế cũng là rnộr cô gái mắt một mí, áo phông cổ tròn, nom rất trẻ trung, trước cửa xe treo một con gấu bông nhỏ. Nghe thấy Nhiếp Phong muốn đi đội hai phân khu bốn, cô tài xế cảm thán: "Năm đó có mười bảy thanh niên trí thức bị lửa thiêu chết ở đấy!".

Nhiếp Phong cải chính: "Mười người chết và bảy người bị thương".

Có thể nhận ra tấm thảm kịch đó tác động thật mạnh, hai mươi tám năm sau vẫn có người còn nhắc đến nó.

Chiếc xe lăn bánh về hướng tây, chạy qua một đoạn đường xi măng, qua một cây cầu bắc ngang dòng Lam Giang. Không lâu sau đến đường quốc lộ Thạch Đầu, mặt đường lởm chởm, chỗ nào cũng có đá răm. Xe chạy thêm một đoạn bốn bánh xe nhuốm đầy bùn đất. Nữ tài xế đánh xe vào ven đường, cô nói gia đình mình trước kia cũng ở phân khu bốn, bố mẹ đều làm công nhân nông trường, nhưng cũng đã lâu lắm rồi có không đi qua đội hai. Cô mở máy di dộng gọi cho một người quen hỏi đến đoạn nào thì rẽ, sau đó lại hỏi nơi đặt mười ngôi mộ nữ thanh niên trí thức, người kia nói "nằm ven đường cái".

Hai bên quốc lộ Thạch Đầu là con đập Lam Giang khá rộng, phía trên đập là ruộng lúa, rừng trúc và vườn mía, xa xa một chút là núi xanh thẫm mây trắng bồng bềnh bay. Cô tài xế nói, đất trồng trên con đập là của nông dân địa phương, đất phù sa rất màu mỡ. Đất của nông trường đều nằm trên núi, năm đó được thanh niên trí thức khai hoang mới tạo thành, nghe bố mẹ có kể lại thời kỳ ấy vô cùng khổ cực.

Lúc này mặt trời đã lên cao, chiếu ánh nắng gay gắt, ngồi trong xe như ngồi trong lò rang. Đi khoảng bảy, tám kilômét chiếc xe rẽ vào một lối nhỏ bên phải. Đường rất hẹp, chỉ xe nhỏ mới có thể đi lọt, hai bên đường cây dại mọc chên chúc, những cánh hoa màu đỏ tía nở rộ trong đám cỏ, có nét gì đó thật đặc biệt.

Cô lái xe nói: "Nơi này gọi là Mã Anh Đơn (cây dạ hợp), đây cũng chính là tên loài cây được trồng ven đường để làm hàng rào"".

Nhiếp Phong hỏi cô: "Làm thế nào để đến được chỗ có rừng cao su".

Cô lái xe đưa tay chỉ về phía xa: "Rừng cao su nằm ở đằng sau cánh rừng nguyên sinh phía đằng kia".

Phía trước có ba người dân địa phương đang đi đến, hai già một trẻ. Chiếc xe tiến lại gần rồi dừng lại. Nữ tài xế hỏi họ đường đi.

Người trẻ tuổi trả lời: "Anh chị đi sai đường rồi, đây không phải là đội hai, phải rẽ lối phía trước mặt".

Chiếc xe quay đầu trở lại quốc lộ Thạch Đầu tiếp tục đi về phía trước, qua cây cầu nhỏ bằng xi măng, người nữ lái xe nghĩ ra điều gì đó, càng đi vào sâu càng cảm thấy lối rẽ vừa rồi không phải qua cây cầu nhỏ, hỏi mấy người phụ nữ đang lao động bên đường mới nhận ra lại đi sai lối. Xe vòng trở lại lối rẽ vừa rồi, đi sâu vào trong mất mười phút rồi đánh tay lái rẽ sang bên trái, đó là một sườn núi dốc dựng đứng, một người đàn ông cởi trần, da đỏ au đang chẻ củi, cô lái xe hỏi anh ta bằng giọng Vân Nam ""Đi lối này có đến đội hai không?". Người đàn ông gật đầu.

Xe lắc lư tiến về phía trước, hai bên đường toàn là màu đất đỏ bazan. Nhiếp Phong trầm ngâm không lên tiếng. Anh suy nghĩ về những lời đề từ trên tấm lụa ở khu kỷ niệm thanh niên trí thức Thành Đô. Những lời gan ruột thành kính mà mọi người viết ra. Đó chính là mảnh đất này.

"... Đã từng nguyền rủa, càng khó quên hồi ức.

Mãi mãi không quên những cây cao su!".

"Thời thanh xuân không hối hận nhưng sao cái giá phải trả lại lớn quá"

Chiếc xe tiếp tục leo lên dốc.

"Sắp đến đội hai rồi anh! Nó nằm phía sau ngọn núi Lam Tước Lĩnh" này". Cô lái xe nói.

"Lam Tước Lĩnh, cái tên thật là đẹp...".

Xe lại lao về phía trước, thấp thoáng bóng người trên đường đi qua, vài ngôi nhà tường đất, mái ngói xanh nằm rải rác hai bên đường, mấy người địa phương ngồi trước cửa nhà nhìn xe chạy qua bằng con mắt hiếu kỳ. Cô lái xe bảo: "Họ đều là nông dân song cuộc sống còn khá hơn rất nhiều so với công nhân của nông trường".

Chiếc xe nhích cùng bước trên con dốc nghiêng, đến một lối rẽ khác cô lái xe dừng hẳn lại để Nhiếp Phong bước xuống, rồi đánh xe quay đầu lại.

"Phía trước xe không vào được". Cô nói.

Hai người để xe lại rồi đi bộ khoảng hơn mười mét thì nhìn thấy một cây đa cổ thụ cao vút chọc trời, vòng gốc cây bốn, năm người ôm không xuể, người địa phương còn gọi đó là cây đại thanh, cô lái xe đi trước dẫn đường. Nhiếp Phong bám ngay đằng sau. Phía sau cây đa là một con đường nhỏ uốn lượn gấp khúc. Vài ngôi nhà gạch cũ kỹ bám sát lưng chừng đồi, mái hiên rất rộng tường ngoài phơi mấy bộ quần áo lao động. Trước và sau nhà trồng mấy cây gỗ tạp, gốc tre và chuối tiêu, nghe bước chân người lạ, mấy con chó nhà sủa lên ăng ẳng.

Bên ngoài hàng ràng tre bao quanh ngôi nhà, hai người gặp một ông lão mặc áo lam dân tộc, họ bước lên cất lời chào. Ông lão dáng người gầy gò thấp nhỏ mắt bên trái hơi lòa, khuôn mặt nhăn nheo đầy vết chân chim song thái độ rất hồ hởi mến khách.

Nhiếp Phong nói rõ ý định đến đây, ông lão bảo đội trưởng Hỷ không có nhà, tuy nhiên ông đồng ý dẫn anh đi thăm mười ngôi mộ nữ thanh niên trí thức.

"Mười ngôi mộ đó nằm trên Lam Tước Lĩnh".

Khi anh hỏi hiện nay trong đội còn ai năm đó làm công nhân ở đây.

Ông lão trả lời: "Còn ông Phó".

Ông lão họ Lý vốn là công nhân ở đây song ngày thứ hai sau khi xảy ra vụ hoả hoạn kinh hoàng ông mới về đại đội hai công tác. Nguời biết rõ nhất về vụ cháy hôm đó là ông Phó.

"Cậu cứ đợi một lát là có thể gặp được ông ấy".

"Vâng ạ!".

Ông Lý dẫn họ ra khỏi thôn rồi đi theo một lối mòn nhỏ, cả đại đội hai đều nằm bên sườn núi, sâu vào bên trong là một ngọn núi cao. Do trời vừa mưa nên chân mọi người bê bết bùn đất. Chưa đi được bao xa đôi giày thể thao của Nhiếp Phong đã bám đầy bùn nhão nặng trình trịch, bên đường các bông hoa dạ hợp khoe sắc màu đỏ tía, trông giống như những giọt máu nhỏ vương vãi. Trên đường đi họ gặp một ông già đang dắt trâu, ông già nhường đường cho họ. Hai bên đường trồng đầy tre trúc, chuối tiêu và mấy bụi mía cao hơn đầu người, men theo con đường núi quanh co đi bộ khoảng hơn mười phút, ông Lý đột nhiên dừng bước. Bên trái con đường nhỏ là đám cây dại um tùm và vài cây cao su thưa thớt. Sườn dốc bên phải là vườn mía non cao chưa quá đỉnh đầu.

Ông lão chỉ tay về phía vườn mía nói: "Trong này là Lam Tước Lĩnh".

Nhiếp Phong và cô lái xe cảm thấy kỳ lạ, phía trước mắt họ ngoài đám mía ken dày đặc không còn gì khác.

Không đợi họ hỏi ông Lý dùng tay gạt đám mía sang hai bên lấy đường đi, hai người bám theo leo lên sườn dốc, lá mía sắc nhọn cứa vào tay vào da mặt ran rát, leo lên phía trên khoảng mười mét chui qua vườn mía, phía trước mặt là đám lau lách cỏ dại cao nửa chân người.

"Chính là chỗ này". Ông Lý nói.

Nhìn kỹ trong đám cỏ lộ ra một phiến đá nhuốm màu thời gian. Nhiếp Phong cẩn thận dùng tay gạt đám cỏ dại sang một bên, đó là tấm bia mộ khắc dòng chữ đã mờ nhưng vẫn còn đọc được, "Mộ Đồng chí Vạn Tiểu Dung". Anh lại nhẹ nhàng vạt đám cỏ bên cạnh, một tấm bia màu hồng nhạt hiện ra trên đó có sáu chữ sơn màu trắng nét còn khá mới "Mộ Đồng chí Chung Hạnh", bên phải là hàng chữ nhỏ ghi vắn tắt ngày tháng người chết tử nạn, trên đỉnh là một ngôi sao năm cánh màu đỏ, một khoảng trống nhỏ trước tấm bia còn vương vãi dấu tích nhúm tro vàng mã được đốt, sát liền kề là nhiều tấm bia mộ khác nhau xếp một dãy dài bị cỏ dại phủ kín.

Nhiếp Phong đứng lặng người, anh cảm thấy vô cùng xúc động.

Trên đường đến Lam Giang anh đã từng tưởng tượng cảnh mình sẽ viếng mộ như thế nào.

Hoặc là dưới ráng chiều đỏ bầm màu máu, hoặc là trong cơn mưa nặng hạt, những hạt mưa như roi quất vào da mặt buốt lạnh...

Nhưng anh không hề nghĩ rằng mười ngôi mộ thanh niên trí thức gặp nạn lại lạnh lẽo hoang tàn đến vậy, tất cả đều bị cỏ dại phủ kín.

Mười ngôi mộ nằm sát bên nhau thẳng hàng, Nhiếp Phong đứng lên phía trước anh lặng lẽ cúi đầu tưởng niệm.

Bốn phía cỏ dại mọc um tùm, đằng sau là rừng cây hạnh, mùa hoa nở đã sớm đi qua.

Nhiếp Phong thấy mắt mình nhòe đi, dường như anh cảm nhận được tiếng đàn acmonica vượt qua không gian, vượt qua thời gian du dương vọng đến.

Đó là khúc ca bi ai Mưa hoa hạnh...

Anh ngẩng đầu lên, mặt trời đang xuống thấp, khuất sau những rặng núi, anh chợt nhận ra tất cả mười ngôi mộ đều quay đầu về hướng đông bắc. Đó là hướng quê nhà Thành Đô! Có lẽ đây cũng là tâm nguyện cuối cùng của mười nữ thanh niên trí thức trước khi nhắm mắt.

Nhiếp Phong đứng lên bậc đá, chụp mấy bức ảnh làm tư liệu.

Có thể do một ngày vất vả dưới cái nóng oi bức, cũng có thể do tình cảm bị kích động quá mạnh Nhiếp Phong cảm thấy cơ thể mỏi rã rời, anh nhếch nhác buông người ngồi phịch xuống đám cỏ dại. Ồng Lý khẽ nhắc nhở "Cẩn thận kẻo vắt nó đốt đấy!".

Ồng Lý nói cho Nhiếp Phong biết những năm qua đều có những người từng trải qua thời kỳ thanh niên trí thức đến đây thăm mộ, trước khi đến họ đều thông báo cho nông trường do đó nông trường có sự chuẩn bị cho người dọn sạch cỏ dại xung quanh. Lần này Nhiếp Phong đến đây đột xuất nên được chứng kiến những gì chân thực nhất.

Mười linh hồn trinh nguyên lặng lẽ an nghỉ trong đám cỏ dại nơi miền sơn cước. Đột nhiên Nhiếp Phong có một cảm giác kỳ lạ, khi anh rẽ đám cỏ, anh tưởng như mình đang rẽ những mái tóc dài xanh mướt để lộ ra những khuôn mặt thanh xuân tạc trên nền đá trắng.

Họ mới chỉ là những thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi, tuổi xuân đang còn phơi phới thật trẻ trung, thật xinh đẹp. Mười người giống như những nụ hoa hạnh mong manh, rực rỡ trong tiết tháng ba chưa đến khi tàn thì đã bị giật tung khỏi cành lá.

Những thiếu nữ thành thị bằng tuổi họ năm xưa giờ vẫn còn nằm trong vòng tay ôm ấp của gia đình và xã hội. Họ ăn hamburger, đi giày Nike, sùng bái các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, phát cuồng lên vì những thứ không đâu, ngày ngày lên mạng chat với các "Bạch mã hoàng tử"... Họ liệu có biết những thiếu nữ thanh niên trí thức cũng tầm tuổi như họ năm xưa đã phải gánh chịu những chuyện bi thảm như thế này chăng...

Không, có lẽ họ không vô tâm đến vậy đâu, hãy nghe những gì họ đã nói: "Con đã xem triển lãm, không thể quên rừng cao su xanh xanh, hạt cà phê tim tím. Con là thế hệ sau của thanh niên trí thức, con ngưỡng mộ tuổi thanh xuân của bố mẹ mình."

Bất giác khóe mắt Nhiếp Phong nhòe lệ, phía sau lưng anh là rừng cao su được trồng bởi máu và nước mắt của thanh niên trí thức. Cho đến hôm nay chỉ còn sót lại vài cây đơn lẻ, thân cây với những vết sẹo chằng chịt ứa ra dòng nhựa trắng nhỏ xuống chiếc bát hứng phía dưới.

Ông Lý nói rằng: "Vài năm trước mỗi cây mỗi ngày cũng cho được cân rưỡi mủ, hiện nay chỉ còn thu được có nửa cân thôi".

Xem ra cây cũng giống như người, hai mươi tám năm nhỏ nước mắt, giờ sắp cạn khô mất rồi.

Nhiếp Phong cùng ông Lý và cô lái xe quay trở về nhà ông nghỉ ngơi.

Đó là một ngôi nhà mái tranh, tường bằng gạch.

Họ ngồi xuống ghế cùng nhau trò chuyện, phía trước mặt là chiếc bàn gỗ. Bà vợ ông lão mặc chiếc áo cánh màu phấn hồng, mái tóc bạc trắng. Bà nhiệt tình mang trà ra mời Nhiếp Phong và cô lái xe, loại trà này do nhà tự làm, được sao trong chảo gang mùi vị của nó giống như trà Thiết Quan Âm.

Ông Lý thân chinh đi mời ông Phó, đi một lúc quay về bảo: "Ông ấy không có nhà, chắc lại chạy đâu đó rồi".

Bà vợ nói: "Vừa xong tôi còn nhìn thấy ông ấy mà".

Đây là người công nhân lão thành của đại đội hai, là người duy nhất còn lại ở đây chứng kiến từ đầu chí cuối vụ hỏa hoạn, rất có thể cũng là nhân chứng quan trọng của vụ kỳ án trước kia. Nhiếp Phong khẩn khoản cậy nhờ, ông Lý lại đi tìm lần nữa, lần này về cũng nói "Không có nhà".

Nhiếp Phong thấp thỏm chờ đợi, bỗng nhiên một bà già dáng người béo tròn chạy ào đến, vừa chạy vừa lớn tiếng: "Trước kia thì chẳng điều tra, bây giờ còn muốn điều tra cái gì nữa?".

Bà già béo mặc chiếc áo ba lỗ, tai đeo khuyên vâng, hỏi ra mới hay bà là vợ ông Phó.

Nhiếp Phong giải thích mình là phóng viên của tạp chí "Tây Bộ Dương Quang" lần này về đây không phải là điều tra gì cả, chỉ muốn được trò chuyện với ông Phó. Nhắc đến vụ hoả hoạn khủng khiếp năm xưa bà Phó nói lúc ấy cũng biết, có tất cả tám căn nhà tranh thì lửa thiêu trụi mất bốn căn, những căn còn lại sau này bà đã sửa lại cho các con của mình ở. Nhiếp Phong đề cập đến nội dung bài viết mà anh từng đọc đuợc, có một người công nhân lớn tuổi nhìn thấy có lửa xanh bốc lên, ông nghi ngờ đó là lửa cháy mỡ động vật.

Bà gật đầu: "Đó là ông Đống, hiện ông ấy không còn ở đây nữa".

Nhiếp Phong lại hỏi một điểm mấu chốt khác, sau khi lửa tắt có người nhìn thấy gian nhà thứ ba cửa bằng tre bị buộc chặt bằng dày thép nên không mở được. Bà không hề phản đối còn bổ sung thêm: "Cũng giống như buộc cái cửa này này".

Bà chỉ tay vào cánh cửa nhà ông Lý, Nhiếp Phong phát hiện cảnh cửa đó được buộc bằng búi dây thép rất to rối rắm khó gỡ.

Cô lái xe hỏi bà Phó những người bị chết cháy trông như thế nào, khuôn mặt bà trở nên khó coi, bà dùng tay khoanh một vòng: "Bị cháy đen co rút hết cả!".

Theo yêu cầu của Nhiếp Phong, ông Lý và bà Phó dẫn anh đến hiện trường hỏa hoạn năm xưa. Đó là một khoảnh đất cỏ dại mọc um tùm, ước chừng hơn trăm mét vuông. Căn nhà gạch nằm sát bên giờ là nhà của ông bà Phó. Gần ba mươi năm nay nơi này chẳng có ai đến dựng thêm nhà.

Trong lòng Nhiếp Phong đầy mối suy tư, anh lấy máy ảnh ra chụp lấy vài kiểu, cáo biệt những người dân hiếu khách có gì đó lưu luyến không rời. Bà Lý gói cho anh một bọc trà lớn.

Khi Nhiếp Phong và cô lái xe xuống núi, vừa đến nút đường có cây đa cổ thụ họ bất ngờ gặp một ông già ngồi dưới bóng đa râm mát. Ông mặc chiếc áo màu tro, khuôn mặt chằng chịt những vết chân chim, khiến người ta liên tưởng đến bức họa "Người cha" của La Trung.

"Anh là nhà báo hả?".

Nhiếp Phong mừng rỡ: "Vâng ạ! Bác là bác Phó?".

"Bà nhà tôi không cho tôi nhắc lại chuyện đó". Ông già móm mém cười.

Thì ra là ông cố ý ngồi ở đây để đợi Nhiếp Phong.

Nhiếp Phong cũng ngồi phệt xuống đất sát bên cạnh ông để trò chuyện.

Trong cái đêm hỏa hoạn kinh hoàng đó ông Phó luôn có mặt ở hiện trường để cứu người và tài sản. Nhiếp Phong lắng tai nghe không bỏ sót bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất.

Vào giờ khắc cuối cùng, theo lời ông già nhiệt tâm kể lại, sau khi Chung Hạnh và những nữ thanh niên trí thức cùng ở trong gian nhà tranh thứ ba bị lửa thiêu sống, người ta phát hiện trên khung cửa đã cháy thành than những mẩu dày thép còng queo. Không hoàn toàn giống như trong bài viết mà Nhiếp Phong đã đọc mười thiếu nữ ôm lấy nhau cùng chết cháy. Ông Phó là người trực tiếp đi thu nhặt tử thi. Trên thực tế thì có tám cô gái ôm chặt lấy nhau, hai người còn lại nằm trên bậu cửa. Rõ ràng hai người đó đang cố gắng để mở cửa. Căn cứ vào chiều cao và hình dạng còn sót lại người thấp hơn một chút là Chung Hạnh, người kia là Vạn Tiểu Dung. Theo lời của những nữ thanh niên may mắn sống sót, khi còn sống trên khuôn mặt của cô gái họ Vạn có nốt ruồi lớn. Trên chuyến tàu hành quân đến Lam Giang cô Vạn còn nói với người ngồi bên cạnh là Hạ Vũ Hồng: "Nốt ruồi của mình tẩy hết cả, chỉ duy cái nốt ruồi ở lông mày thì không được tẩy. Đó là nốt ruồi son, nốt ruồi tiền đồ của mình", thế nhưng cho dù có cố giữ nốt ruồi đó cô gái vẫn không thoát được cái số yểu mệnh của mình.

Ông Phó còn kể với Nhiếp Phong, hai giờ trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra, trong đêm khuya thanh vắng ông đang ở trong phòng thì nghe thấy có tiếng gõ cửa gian nhà bên cạnh để gọi Chung Hạnh ra ngoài, nói là có chuyện gấp tìm cô. Trong gian nhà tranh thứ ba nổi lên tiếng rì rầm hoảng loạn, tiếng dây thép xiết chặt vào cửa, nhiều tiếng kêu của nữ thanh niên trí thức "Tên phỉ mặt cười đến rồi!". Ông Phó ngó đầu ra ngoài cửa sổ. Trong bóng tối lờ mờ một dáng người giống như đại đội trưởng với cái lưng ngắn củn.

Cửa vẫn đóng chặt, người đàn ông đó buột miệng chửi thề: "Con mẹ nó chứ!" rồi hậm hực bỏ đi.

Đúng là đi vẹt giầy sắt cuối cùng cũng bõ công.

Nhiếp Phong lấy trong chiếc túi vải màu trắng đeo bên mình một cuốn tạp chí "Tây Bộ Dương Quang" kính cẩn mời ông già xem qua. Trên bìa tạp chí in hình Hồ Quốc Hào một cách rõ nét.

"Cũng có nét giống, đặc biệt là cái mũi, còn cả đôi mắt chuột nhỏ mà tròn nữa". Ồng phó rít một hơi thuốc sâu kèn rồi nói.

Nhiếp Phong lại đem ra một bức ảnh khác khá cũ, đây là bức ảnh chụp Hồ Quốc Hào mặc bộ đồ vải siu đăng trên báo chỉ Hải Nam đã lâu.

"A, đúng là nó, đại đội trưởng Hồ Tử Hạo".

"Bác nói ông ta là Hồ Tử Hạo".

Nhiếp Phong cực kỳ phấn kích.

Thì ra Hồ Quốc Hào vốn có tên là Hồ Tử Hạo năm đó giữ chức đại đội trưởng đại đội hai.

Nhiếp Phong hỏi ông Phó vì sao anh có hỏi vài người họ đều trả lời không thấy nghe nói về chuyện chiếc dây thép buộc cửa.

"Là do đại đội trưởng Hồ không cho mọi người có mặt ở hiện trường nói ra".

"Sao lại thế được".

"Ở đại đội hai Hồ Tử Hạo là một tên chúa đất, đám thanh niên trí thức đặt cho ông ta cái biệt hiệu "Tên phỉ mặt cười"".

Ông Phó kể hết những việc xấu xa mà Hồ Tử Hạo đã làm, tất cả những việc đó người trong đại đội đều biết tường tận. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ xinh đẹp trong đại đội bị hắn cưỡng bức làm hại, chỉ có những người dung mạo xấu xí mới may mắn thoát khỏi bàn tay hắn. Hồ Tử Hạo giở trò cố ý bố trí nữ thanh niên trí thức mà hắn để mắt rồi đứng gác một mình, đợi đêm xuống hắn lấy xe đạp đi một vòng nói là để kiểm tra gác, thừa cơ hội dùng sức mạnh hãm hiếp người ta. Hắn còn thưòng xuyên lấy cớ điểm danh, trong đêm tối mò vào các gian nhà có nữ thanh niên trí thức ngủ lật màn thò tay vào sờ soạng lung tung, khiến đám thiếu nữ sợ hãi không dám kêu la. Hắn còn có sở thích quái dị, trước mặt đông người động chân động tay với nữ thanh niên trí thức, sau đó còn mặt dày vô sỉ tuyên bố: "Có như vậy mới tiêu trừ sự ngăn cách về tư tưởng khiến mọi người thân thiết như một nhà, tạo thuận lợi cho công tác".

Đại đội hai vốn là một đại đội tiên tiến. Nhưng do Hồ Tử Hạo làm xằng làm bậy khiến lòng người hoang mang. Có nữ thanh niên tri thức nửa đêm nghe tiếng chuột chạy cũng ngỡ tiếng bước chân Hồ Tử Hạo, giật mình kinh hãi la toáng lên.

"Bác có biết người có tên là Hồng Diệc Minh không ạ?". Nhiếp Phong hỏi ông Phó về người bạn chí cốt luôn ở bên Hồ Quốc Hào ngay cả khi sống và chết.

Ồng Phó hỏi lại: "Nhà báo cũng biết người này hả?".

"Cháu đã từng gặp".

"Ông ta là chính trị viên đại đội hai, đồng hương của Hồ Tử Hạo".

"Thì ra là vậy...". Nhiếp Phong đã lờ mờ hiểu ra tất cả.

Anh tiếp tục hổi ông Phó về tình hình sau đó của Hồ Tử Hạo.

Theo lời ông Phó kể sau này toàn bộ sự việc cán bộ binh đoàn làm nhục các nữ thanh niên trí thức bị bại lộ. Nghe nói đích thân thủ tướng Chu Ân Lai giám sát việc điều tra. Mười mấy quân nhân đại đội mười tám trung đoàn mười sáu sư đoàn bốn huyện Hà Khẩu bị tuyên án tù. Bảy tội phạm trong đó có ba tên bị xử tử hình, hai tên án tử chờ thi hành, hai tên tù chung thân, thuộc sư đoàn một huyện Cảnh Hồng. Thanh niên trí thức đại đội hai đứng lên tố cáo Hồ Tử Hạo khiến hắn bị bãi miễn mọi chức vụ chờ thẩm tra. Sau khi nghe tin tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập thuộc sư đoàn một giả..., đại đội trưởng đại đội một Trương bị xử bắn, Hồ Tử Hạo dự cảm số phận của mình cũng sẽ như vậy ngay đêm hôm đó hắn tìm cách trốn qua biên giới, đào tẩu sang đất Myanmar. Căn cứ vào những tội ác do thanh niên trí thức tố cáo nếu bị đưa ra xét xử Hồ Tử Hạo ít nhất cũng lãnh án tử chờ ngày thi hành. Người báo án này cho hắn chính là chính trị viên đại đội Hồng Diệc Minh. Ông ta và Hồ Tử Hạo vừa là đồng hương vừa là chiến hữu, trong chiến tranh đã có lần Hồ Tử Hạo cứu ông ta thoát chết.

Hồng Diệc Minh do làm việc này nên cũng bị xử lý điều chuyển công tác đến địa phương khác. Mãi đến sau này thanh niên trí thức đại đội hai mới biết được anh trai của "cô em ngốc" Đinh Lam, Cường Tử mất tích hai năm về trước cũng là do bị hai tên Hồ Tử Hạo và Hồng Diệc Minh ám hại.

Tất cả mọi việc đều trở nên rõ ràng.

Ông Phó còn nói cho Nhiếp Phong biết. Sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra tiếng kêu khóc gào thét vang vọng khắp nơi. Anh trai Hạnh Nhi, Hắc Oa đang bị điều đi gác ở bên ngoài thôn nhìn thấy lửa cháy ngút trời hướng Lam Tước Lĩnh, một nửa khoảng trời rực cháy. Anh biết đã xảy ra chuyện vội vàng chạy trở về đại đội. Nhưng khi chạy đến nơi gian nhà tranh thứ ba nơi Hạnh Nhi ở đã trở thành đống tro tàn chỉ còn những ngọn lửa xanh leo lét khét lẹt. Hác Oa sững sờ đứng như tượng gỗ, đôi môi mím chặt muốn khóc mà không có giọt nước mắt nào trào ra. Anh liều mạng xông đến đống tro tàn quỳ xuống hai tay cào bới tìm kiếm trong đống tro leo lét chỉ còn lại chiếc đàn acmonica cháy đen...

Chia tay ông Phó dưới tán lá cây đa tỏa bóng râm mát, ông già nói với Nhiếp Phong, mấy ngày trước có một người đàn ông trung niên lạ mặt đến mặc niệm trước các ngôi mộ, còn mang đồ cúng vào động Sư Tử nằm trong núi để làm lễ tế vong, nghe ông già tả lại hình dáng người đó thì đúng là Chung Đào.

Nhiếp Phong ngẩng đầu lên nhìn trời xanh, trong lòng anh như có hàng vạn cơn sóng vỗ.

Bên tai dường như vọng lại tiếng gào thét uất hận gào xé tâm can.

Mọi thứ đều có thể quên đi

Duy có mối tình đầu ở Vân Nam

Tình yêu của tôi, huyết hải thâm thù của tôi

Tên phỉ mặt cười cho dù ngươi có chạy đến chân trời góc bể

Ta nhất định sẽ tìm thấy ngươi.