Lửa đắng

Chương 26

Sau một ngày làm việc, dẫu không phải ngày nào cũng cân đong đo đếm được kết quả, Đại vẫn thấy hài lòng.

 

Anh gọi lên phòng bố để chuẩn bị cùng về. Từ tầng ba đi xuống, qua tầng hai, vợ anh đã chuẩn bị sẵn mọi thứ đồ dùng cá nhân. Chỉ còn một tài liệu làm dở, hoặc một cuốn sách đang đọc trên bàn. Hễ chồng xuống là Linh gập lại, bỏ vào xắc, theo chồng xuống nhà, ra xe. Đại vẫn tự lái lấy để chủ động và tiết kiệm, tuy văn phòng vẫn có lái xe riêng cho anh.

 

Dù cùng làm việc trong khối văn phòng, nhưng cả ngày vợ chồng chả gặp nhau. Ngay cả ăn trưa, cũng mỗi người ngồi một khu vực. Linh ngồi với đám phụ nữ. Đại ngồi với nhóm trung niên.

 

Xe vừa chuyển bánh Linh đã hỏi chồng về dự án chợ. Đại ậm ừ bảo, đang triển khai. Đầu óc anh vẫn lướng vướng chuyện bị từ chối hợp đồng thuê đất ở trong Sài Gòn. Có tiếng chuông đố. Đại bấm công tắc tai nghe. Chiếc loa gắn bên tai vang lên tiếng người quen:

- Chào ông! Khanh đây.

Đại cố kiềm chế, giọng mát mẻ:

- Ông còn dám gọi tôi cơ à, hả ông bạn tử tế nhất trần đời? Đang ở đâu đấy?

- Không phải tội tôi. Đừng có mắng oan người ta. Vừa mới bay ra. Chưa về nhà, chưa gặp bất cứ ai, phải gặp ông trước đã, không thì ông chửi ủng mả. Nửa giờ nữa gặp nhau được không? Trong khi chờ ông, tôi làm bát phở đã. Thèm phở Thanh Hoa quá. Có một ông nhà văn bảo, ra khỏi Thanh Hoa, ăn gì thì ăn, chở có ăn phở. Đúng thật.

Anh giải thích với bố nội dung câu chuyện với Khanh rồi đưa ông về trước, đến cổng nhà, Đại thả vợ xuống rồi đến chỗ hẹn.

Vừa ngồi vào ghế, mặt khó đăm đăm, anh đã ném vào mặt bạn một câu rất tinh tướng:

- Nói nghe xem nào!

Vẫn biết đấy là người bạn thân thiết, tử tế, chứ không phải loại phản bạn lừa thầy. Vẫn biết không bao giờ hắn chơi xỏ mình. Nhưng chuyện phá bỏ hợp đồng vẫn làm anh sốc. Nó liên quan đến cả dự án, với bao công sức chuẩn bị của Sao Việt Chắc phải có sự cố gì bất khả kháng, mới ra cơ sự này.

Khanh không đả động gì đến chuyện hợp đồng. Anh hỏi bạn:

- Ở địa vị ông, khi vẫn còn đeo sao vạch, khi chính cấp trên, người đã ký duyệt cho ông làm, bây giờ lại chính người ấy không cho ông làm nữa. Liệu ông có nghe không?

Đại im lặng. Ngừng một lúc cho câu hỏi ngấm, Khanh hỏi tiếp:

- Nghe chứ gì! Nếu không nghe, lập tức ông rụng sao, rơi vạch ngay, thậm chí về đuổi gà cho vợ tắp lự.

Làm một hớp bia Hà Nội, Khanh nói như cởi lòng:

- Hồi trước đánh nhau ngoài mặt trận, tôi thừa can đảm. Còn bây giờ… ông thông cảm. Tôi cũng có hơi hèn đi thật. Biết làm sao khi người ta xử lý công việc không theo luật mà theo quan hệ. Mà quan hệ lại nằm trong cả hệ thống cơ chế.

Ngừng một chút như tự thương mình, Khanh kể tiếp:

- Cấp trên tôi, cũng là chỗ thân tình, đã hỏi tôi, đúng như tôi vừa hỏi ông, khi tôi trình bày rằng, làm thế này là khó cho cấp dưới, là mất uy tín, danh dự. Ông ta bảo, tao trên đe nhưng lại dưới búa, chứ có phải dọc ngang nào biết trên đầu có ai như Từ Hải đâu. Ông bảo chẳng chịu thì làm thế nào? Còn cái ông, cấp trên của cấp trên tôi, thật ra đã không còn là cấp trên từ đời tám hoánh rồi… Nhưng…

Đại nhẫn nhịn, nghe bạn nói. Đến đấy, cáu tiết vặc luôn:

- Đã nghỉ từ đời tám hoánh nào rồi, thì sợ đếch gì!

- Ấy chết, xin bố nói bé thôi. Mải làm ăn, chắc bố không biết, trong giới quan chức cơ quan, đơn vị, ai cũng biết ảnh hưởng ghê gớm của nhiều quan chức đã nghỉ hưu.

Khanh nhìn Đại đắc thắng:

- Đấy, chưa nghe thì xin bố giỏng tai ra mà nghe. Bố sản xuất kinh doanh theo quy luật kinh tế thị trường. Còn chúng tôi nửa dơi nửa chuột, nửa kinh tế thị trường, nửa ngân sách cấp và về tổ chức nhân sự thì… bố giời cũng chả biết thế nào mà lần. Sau vụ với ông, tôi mới rõ mọi chuyện, khi một thằng cha đến đặt vấn đề thuê lại chính cái mặt bằng tôi đa cho ông thuê. Có lẽ để mọi chuyện chóng vánh, nó cố ý lộ ra rằng, nó là cháu gọi ông già Khôttabít kia bằng bác. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, nó mới lấy ra một tờ giấy phô tô, chính là bán sao thư tay bác nó gửi cho cấp trên tôi. Nó bảo: "Anh cứ cầm lấy. Tôi vẫn còn một bản. Tôi đưa xem, để anh đừng oán trách cấp trên anh làm gì, cũng là để anh vui lòng giúp tôi việc này. Không đi đâu mà thiệt. Cá nhân anh không thiệt, chứ không phải đơn vị. Chuyện đơn vị, hơi đâu mà lo. Trong quy hoạch cán bộ, anh không lên tướng được. Lo cho mình dần đi là vừa…

Khanh gật đầu mấy cái liền, ra cái điều đã vỡ lòng cho bạn một bài học đắt giá. Anh ta hất hàm:

- Thế nào? Tội tôi hay tội cơ chế?

Đại biết với tình thế ấy, đến mình cũng phải chào thua như nó thôi. Anh ngán ngấm cho cái cung cách làm ăn này quá!

- Thôi được! Mình đã xoay sang đề án chợ rồi cơ mà.

Kiếm được khu đất rộng sẽ trở lại chuyện này. Anh buông hai tiếng "Cho qua!" như tha tội cho bạn, rồi mới hỏi:

- Thế lần này ra làm gì?

- Trước hết, là nói để ông hiểu chuyện ấy đã, rồi về quê xây lại mồ mả cho các cụ.

°°°

Thanh Diệu chuyển công tác làm Kiên vừa mừng vừa lo. Chị đã tránh cho cả hai người nguy cơ sa vào vòng tội lỗi. Thảng khi nhớ đến chị, anh vẫn nao nao. Mặc dù không ai liên lạc với ai, cũng chưa lần nào gặp lại, dù chỉ nhìn thấy nhau trong cuộc họp, nhưng Kiên vẫn thấy chị rất gần. Đôi mắt đẹp vẫn dõi theo công việc của mình, dõi theo từng bước anh đi, thầm mong anh không gặp kẻ thù nào. Còn công việc, chị tin rằng, anh sẽ thực hiện được ý nguyện mình.

Diệu đi, làm Kiên phải ứng phó với tình trạng thiếu cán bộ. Trên đường về nhà, anh gọi điện cho Hùng. May, "hắn" cũng đã về. Hùng đón anh bằng một câu hỏi của người có giác quan thứ sáu:

- Trời sắp mưa hay sao mà anh đến nhà em. Chắc hẳn lại chuyện nhân sự chứ gì?

- Cậu cứ như Khổng Minh ấy. Tôi sắp làm khổ cậu đây.

- Em biết thế nào anh cũng gạt em sang đấy mà!

- Sao lại là gạt? Mà gạt sang đâu chứ?

- Gớm, ú tim với em làm gì. Sang thay chân chị Diệu phải không? Thế chả là gạt thì là đề bạt chắc? Ngồi chưa ấm chỗ đã điều đi.

Miệng trách móc, nhưng trong thái độ lại chẳng có vẻ gì khó chịu. Hùng biết sự thể sẽ như thế. Biết mình được cấp trên tin dùng, nên việc Kiên sắp nói ra chỉ là hình thức. Hùng còn đi guốc vào bụng Kiên, khi nói:

- Anh định đưa nhạc sĩ Vĩnh Bảo thế chỗ em phải không?

- Chịu cậu!

Hùng gật gù:

- Nước cờ này phải thế mới chuẩn. Em chỉ đề nghị anh, giới thiệu ba cán bộ cho mọi người bỏ phiếu tín nhiệm, đưa lên mạng cho bàn dân thiên hạ tham khảo. Sau cùng lại để cho ba người bầu nhau. Em sướng nhất cái đề xuất này đấy.

- Được rồi. Phải nói cách của cậu độc đáo đấy. Có khi được phổ biến cả nước chưa chừng.

- Khó lắm. Vì phải có ba ứng viên. Mà cái này thì các bố tổ chức không khoái đâu. Anh ở lại ăn cơm với em. Hai anh em thôi, vừa ăn vừa trò chuyện. Nhà em ở ngoài cửa hàng, cháu đi học chưa về.

- Thôi, tôi về, kẻo chị ấy phải ăn một mình.

°°°

Công việc ưu tiên của Phó chủ tịch Phụ trách xây dựng và Quản lý đô thị Đoàn Hùng là phải kiêm Trưởng ban Quản lý dự án chợ.

Số sạp hàng, ki ốt chợ cũ chỉ dùng một tầng là đủ. Để tiết kiệm diện tích, phải xây ít nhất hai tầng, nhiều thì ba tầng. Hai tầng kia sẽ dùng làm siêu thị hay trung tâm thương mại cũng được. Ban Quản lý Dự án mời các chủ hàng họp, để nghe ý kiến. Mới chỉ họp với các bà trưởng dãy, trưởng ngành hàng ở ngay ban Quản lý Chợ thôi, mà đã như cái… chợ con.

- Buôn bán mãi thế này quen rồi. Chả việc gì phải xây mới. Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu.

- Đào đâu ra tiền góp vốn xây chợ?

- Thế lúc xây thì nghỉ bán hàng à. Cả nhà trông vào tiền chợ. Không nhẽ treo niêu cả nhà lên, hay Uỷ ban nuôi chúng tôi?

Có mấy chục người thôi mà như chợ vỡ. Cứ nhao nhao tranh nhau nói, như sợ mất phần. Toàn những lý sự cùn. Toàn lối nghĩ mũi nhòm mồm. Toàn lối nói trống không. Toàn những giọng chỏng lỏn, chanh chua.

Hùng nhắc mình phải bình tĩnh. Bà con quen ăn nói chỗ đông người, nên nói rất to. Nhiều người quen lối mắng mấy cô gái chưa quen đi chợ: Mày không mua bà có người khác mua, bà đ… con cái mặt mày. Con đĩ thối l…! Vừa sáng ra đã chê ỏng chê eo. Không mua thì biến, nên chả coi ai ra gì.

Anh ôn tồn:

- Ta mới lên quận, cũng phải xây cái chợ cho đàng hoàng như chợ trong nội thành cũ, bà con ạ. Thì cũng như nhà mình, xưa, nhà tranh vách đất, rồi lên nhà cấp bốn, giờ nhiều bà con ta đã có nhà tầng, mái bằng, mái ngói, mái tôn. Ai lại để chợ sập sệ mãi thế này. Có phải không bà con? Lấy đâu tiền ra xây chợ phải không ạ? Thì cũng như đường sá làng ta trước đây. Cha mẹ nghèo thì các con xúm vào, mỗi người một chân một tay. Nhà nước và nhân dân cùng làm mà! Vâng còn xây chợ mới thì bà con vẫn phải buôn bán chứ ạ. Quận đã cắm đất làm chợ tạm rồi. Đâu chả thế. Làm nhà mới trên nền nhà cũ cũng phải dựng lều lán ở tạm vài tháng chứ ạ!

Bà hàng cả. Tuổi sồn sồn. Mặt son sồn. Giọng sồn sồn:

- Ông nói nghe thì hay đấy. Dưng mà… còn cái đoạn siêu thị siêu thọt, sao nó lại dính vào đây là nghĩa làm sao?

Bà hàng thịt, áo cánh hoa, cái mặt đanh đá rắn câng. Lập tức lên mặt dạy đời:

- Chưa chi đã sồn sồn như l… chấm muối ấy. Nói, phải có lý, có lẽ đàng hoàng. Để tôi hỏi đây này. Cái siêu thị nhà các ông mà ở chung với chợ chúng tôi, thì nó hớt hết khách chúng tôi còn gì. Cầu Đông đi bằng cầu Đông, cầu Tây đi bằng cầu Tây. Không dính gì với nhau.

Cái đanh đá bà hàng thịt, không đọ được với cái đá đanh bà hàng cá. Cái mặt phèn phẹt lập tức xồ ra một mở toàn những "đặc sán" chợ búa:

- Bà rõ là cái loại l… sành ghe đá, l…vá sắt tây, … xây xi măng, l… chăng dây thép. Tôi hỏi thế là muốn nói như bà đấy! Chợ là chợ mà thị là thị. Tôi là tôi cứ dí vào cái siêu thị nhà các người.

Chị hàng đồ điện, kém hẳn hai bà kia một con giáp. Nhưng đanh đá vào cỡ quốc tế, đứng phắt dậy, chồm chồm như con choi choi. Dáng chừng tán thành cả chợ lẫn siêu thị, chị này tung đòn hiểm ra:

- Này, nhà chị dí cái gì đấy. Cho chị lên mà dí vào hàng tôi. Toàn đồ điện đấy. Tôi chỉ bật tách một cái là nó giật tung "cái ấy" đi cho xong đời nhà chị.

Đối thủ nào có phải tay vừa:

- Á à! Mày rủa tao chết mấy hả con kia? Cậy vốn to buôn to chứ gì? Tao là tao đ… có sợ nhé.

- Thì cậy đấy. Đây nói cho mà nghe nhé, tiền vải váy chị, không bằng tiền chỉ váy tôi đâu. Đừng có mơ!

Bà Bông, Trưởng ban Quản lý chợ quát lên:

- Các chị có thôi đi không? Muốn cãi nhau thì ra ngoài đường mà cãi. Để mang tiếng hàng tôm hàng cả suốt đời à? Kẻ nói phải có người nghe chứ. Cũng phải nể mặt ông Phó chủ tịch, ông Trưởng ban Tuyên giáo, ông Văn phòng quận ngồi đây chứ?

Hùng ngồi chịu trận. Vợ anh cũng bán hàng. Nhưng là hàng mỹ phẩm, cửa hàng mặt phố, ít va chạm hơn, tuy chuyện cãi chửi nhau giữa các hàng cũng có, tất nhiên không phải vợ anh nên cảnh này anh không lạ lắm. Bụng bảo dạ, chợ vốn là thế giới đàn bà. Người mua kẻ bán là đàn bà. Việc các bà này mang "của quý" ra, hoặc mang "việc làm" giữa hai "của quý" của đàn ông, đàn bà là sự thường. Chả có ai coi có là tục là bậy. Không có từ "đ…" kèm vào, câu nói trở nên ngượng nghịu, không thuận tai nữa kia. Nó thế đấy.

Ngồi nghe từ nãy tới giờ, ông Bân, Trưởng ban Tuyên giáo quận thấy mình hoàn toàn bất lực. Không thể giở những bài từng giảng ở các cơ quan, toàn thể, phường phố ra được, cũng chả phải việc của mình. Dại gì dính vào mấy con mẹ mướp. Nếu không khí thuận lợi vui vẻ thì ta động viên, khen ngợi mấy câu. Không thì nắm tình hình thôi.

Bà trưởng ngành hàng khô, từ này vẫn ngồi im nghe ngóng, giơ tay.

Lần đầu tiên có người giơ tay xin phép phát biểu. Bà Bông mừng rơn:

- Mời chị Trinh!

- Tôi xin phát biểu ý kiến. Tôi hỏi khí không phải, thế nếu đa số bà con chúng tôi đồng ý với ông quận, cũng xây ba tầng, nhưng chúng tôi muốn ở tầng dưới, có được không?

Hùng hỏi:

- Xin phép được hỏi, vì sao bác biết đa số bà con muốn ở tầng dưới ạ?

- Lòng vả cũng như lòng sung. Ngần này tuổi đầu rồi, chuyện hay dở, phải tôi, biết chứ. Ông trả lời tôi đi, nếu đa số chúng tôi bằng lòng như thế, các ông có nghe không. Hay các ông cứ làm theo ý mình?

- Nghe chứ ạ. Nói phải củ cải cũng nghe mà bác!

- Các ông có giấy tờ gì không, hay chỉ nói mồm?

- Có giấy tờ hẳn hoi. Trên giấy tờ ấy có nhiều câu hỏi, các bác chỉ việc đánh dấu vào câu hỏi nào mình đồng ý thôi.

Phòng họp trở nên trật tự khác thường. Mọi người chăm chú nghe. Bởi nó dính dáng đến miếng cơm manh áo của họ.

Cả mấy bà tuổi sồn sồn, hay chưa sồn sồn, hoặc quá sồn sồn đều yên lặng. Những cuộc họp kiểu này, ai hiểu biết hơn, đứng đắn hơn, đàng hoàng hơn, mặc nhiên sẽ được mọi người vì nể. Bà Trinh nghiễm nhiên trở thành người ai diện cho cả chợ. Họ vểnh ai nghe hai bên đối đáp.

Bà Trinh:

- Thế cái giấy chúng tôi trả lời ông, có phải ký tá gì không? Có phải đóng triện gì không?

Vẫn Hùng. Mà chả Hùng thì ai trả lời được. Ông Bân chắc?

- Ký và đóng dấu của ban Quản lý chợ thì có phiền các bác một chút đấy. Nhưng có thể mới đảm bảo, đấy chính là ý kiến thực của các bác, không phải của người khác. Với lại, cũng để bảo đảm, các bác sẽ cam kết thực hiện những điều mình đã đồng ý.

- Nhưng mà… nhưng mà… Ai biết các ông sẽ làm gì với những cái giấy của chúng tôi? Ngộ nhỡ… Nói mấy ông với bà trưởng chợ bỏ quá cho, ngộ nhỡ đa số chúng tôi đồng ý thế này, các ông lại bảo đấy là thiểu số thì… chúng tôi biết thế nào mà lần. Ấy là tôi nói ngộ nhỡ thôi.

Hùng chưa làm một việc tương tự thế này. Kiên mới phổ biến cho anh tinh thần của cách làm. Còn cụ thể ra sao, chưa hình dung ra. Anh nghĩ, nếu đúng là trưng cầu ý dân thì… dân phải được giám sát chứ. Nhiều cuộc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân ở các nước, các tổ chức quốc tế còn phải giám sát kia mà. Việc của dân chợ này, dân chợ này giám sát là đúng thôi Không thể hoãn binh để hỏi ý kiến bí thư. Anh tin vào suy nghĩ của mình, nên trả lời:

- Thế thì tốt nhất là các bác cử một số người, - anh quay sang bà Bông, - có thể cả chị nữa, cùng chúng tôi kiểm phiếu. Cứ đa số đồng ý thế nào, chúng tôi làm như thế.

Chợ Cầu Đông rộng mênh mông, khung sắt, lợp tôn kẽm, có từ thời Pháp. Dù mấy lớp tôn gần nóc chợ được lợp trên một khung sắt cao hơn, để hở ra một quãng cho thoáng khí, không khí vẫn nóng hầm hập. Mấy trăm chiếc quạt. Mỗi người bán hàng một cái, cùng chỉ khuấy động không khí tại chỗ một tí.

Không khí trong chợ vẫn là thứ không khí lưu cữu, giam hãm, tù túng hết ngay này sang ngày khác, mùa này sang mùa khác. Nhất là mùa hè thế này, cứ hầm hập. Cứ nồng nặc mùi chợ. Đây là mùi mồ hôi người, mùi bốc lên từ những khe hở cống rành lát bê tông tấm, mùi tanh tưởi của khu hàng cả, mùi phân gà, vịt, ngan, ngồng, chim. Khu hàng mắm muối cũng rất nặng mùi. Mùi ủng rữa từ khu hàng rau quả chưa dọn kịp, mùi khai thối từ những khu nhà vệ sinh… Tất cả hoà trộn, quanh quất dưới mái chợ. Không quạt thông gió. Không quạt hút gió… Và cái thứ tiếng chợ cứ ồn ồn, ào ào, ầm ấm… Không ầm ĩ, không chát chúa, không đinh tai nhức óc mà vẫn tra tấn lỗ tai mới lạ!

Gần một giờ chịu trận, Hùng thấy ghê quá. Trả lời ý kiến, không mệt bằng nghe những ý kiến ấy. Cũng tưởng hết ý kiến rồi. Đã định bụng chốt lại mấy điểm, ai dè, bây giờ bà Trinh mới đi vào việc chính, mà vì nó bà ngồi đây.

- Lúc nãy ông có giải thích là, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tức là chúng tôi phải đóng góp tiền vào xây chợ phải không? Chợ là chợ của quận. Quận đã thu thuế chúng tôi rồi còn gì? Sao chúng tôi phải đóng góp?

Hùng bình tĩnh lắm. Anh thong thả:

- Thưa bà con. Nếu bà con không đồng ý đóng góp cũng được. Nhưng…

- Nhưng làm sao? - Nhiều tiếng nhao nhao. Bà Trình quay lại các bạn hàng - Các bà trật tự để ông Hùng giải thích. Ông ấy là đại diện Quận, chứ không phải là người ngoài đường, để các bà đối đáp tay đôi đâu nhớ.

- Thế này bà con ạ. Bà con buôn bán thì phải đóng thuế môn bài, thuế doanh thu phải không ạ? Nếu bà con bán tại nhà mình, thì chỉ thế là xong. Nhưng đằng này, bà con ngồi bán hàng trong chợ, chợ được xây cất trên đất nhà nước, xây bằng tiền nhà nước, phải không ạ?

- Đúng rồi!

- Đúng quá rồi. Việc gì phải hỏi.

- Thế thì muốn sử dụng gian hàng này, kiốt kia; muốn có chỗ ngồi đàng hoàng, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Hàng khô, hàng công nghệ phẩm, hàng điện máy v.v… bán câu dầm phải khoá cửa để đấy, mai đến bán tiếp. Phải có ban quản lý chợ điều hành công việc, phải có bảo vệ, phải lo vệ sinh, phải lo cứu hoả v.v… Nhiều việc lắm bà con ạ. Được như thế, bà con phải trả nhà nước tiền thuê chỗ ngồi chứ ạ?

- Ờ phải!

- Tất nhiên rồi!

Kèm theo là những cái gật gật.

- Vâng. Tiền thuê cửa hàng, tháng nào trả tháng ấy. Mà cũng có thể trả sau, trả trước, thậm chí trả trước cả năm. Có thế không ạ? Chẳng qua là thoả thuận giữa hai bên thôi.

- Bây giờ… Do quận ta cần một số tiền lớn xây chợ, nên xin bà con trả trước một, hai, hoặc ba năm càng tốt. Để sớm khởi công, sớm đưa công trình vào sử dụng, sớm chấm dứt ngồi chợ tạm. Chúng tôi coi thế là một cách bà con đóng góp với Nhà nước đấy.

Các bà thấy ông quận này nói lọt tai nên im lặng, nghĩ thêm xem có chỗ nào hớ không. Hùng thấy không khí có vẻ đồng thuận, liền giải thích thêm:

- Cụ thể thế nào, lại phải bàn thảo thêm. Sẽ có nhiều mức khác nhau. Để bà con trao đổi bình xét. Mức thấp nhất cũng phải nộp trước một năm, không giới hạn mức cao nhất. Chúng tôi còn tính đến khả năng huy động bà con và các tổ chức cá nhân khác, mua cổ phiếu để có vốn, thậm chí thừa vốn xây dựng thì càng tốt. Các bác cứ yên tâm. Quận muốn bà con giàu lên, làm ăn phát đạt, đóng thuế nhiều cho Nhà nước thì quận mới giầu lên được. Ích nước lợi nhà, dân giàu nước mạnh mà bà con.

Còn cái chuyện siêu thị ấy mà. chúng tôi thưa thế này.

Đất ngày càng chật. Người đẻ chứ đất có đẻ đâu. Bây giờ có nhà nào ở thành phố xây nhà một tầng đâu. Người ta xây vài chục tầng ấy chứ. Các nước còn xây cả trăm tầng kia bà con ạ. Xây ba tầng là bởi ta ít vốn. Chưa đủ lực. Chúng tôi sẽ thiết kế móng cho hẳn năm, sáu tầng. Sau này có vốn lại chồng tiếp lên. Bà con buôn bán ở chợ cũ, quen ở tầng một thì cứ ở tầng một. Dưới tầng một còn tầng hầm, chỉ để xe máy, ô tô.

Từ tầng hai mới làm siêu thị, có cầu thang riêng. Cầu thang cuốn hẳn hoi. Cứ như một chị vừa nói thì chắc các mặt hàng công nghệ phẩm cũng muốn lên siêu thị. Buôn có bạn, bán có phường phải không ạ? Các bác cứ về bàn với chồng con cho hết nhẽ, rồi hãy trả lời các câu hỏi.

Bà Trinh gật đầu mấy cái:

- Tôi biết quận nhà mình, có cái ông gì vừa làm Bí thư, vừa làm Chủ tịch. Phải là người tài đức thế nào mới được giao trọng trách thế chứ. Chắc chắn, người như thế không thể làm mất lòng dân được