Hôm nay xem ra thầy có vẻ đặc biệt hưng phấn với công việc. Cái chết là đề tài đầu tiên trong danh sách tôi đưa cho thầy. Trước khi tôi tới, thầy đã nguệch ngoạc một vài ý tưởng lên một mẩu giấy trắng, ý chừng sợ quên mất chúng. Không ai ngoài thầy có thể đoán được nghĩa của những dòng chữ run rẩy. Qua cánh cửa sổ, tôi nhìn thấy bờ rào xanh mướt lá cây và nghe thấy tiếng lũ trẻ hò la trên hè phố. Chỉ còn một tuần nữa, kỳ nghỉ hè tự do sẽ chấm dứt và chúng sẽ phải tới trường.
Ở Detroit, đã xuất hiện những cuộc biểu tình lớn do các công đoàn tổ chúc vào các ngày nghỉ cuối tuần nhằm bày tỏ tình đoàn kết với những người bãi công chống lại giới chủ. Trên máy bay, tôi đọc được tin một người phụ nữ đang tâm cầm súng bắn chết chồng và hai con trong lúc họ đang ngủ say, lấy cớ bảo vệ những người thân khỏi "những kẻ xấu xa". Còn Ở California, các luật sư của O.J. Simpson đã trở nên những ngôi sao sau khi cứu thân chủ của mình thoát khỏi ghế điện.
Trong nhà thầy Morrie, lại thêm một ngày quý giá. Thầy trò chúng tôi ngồi bên nhau. Cách vài bước là một vật mới xuất hiện: chiếc máy thở ôxy nhỏ chỉ cao tới đầu gối. Vào những đêm khó thở, thầy Morrie gắn vào hai lỗ mũi một cái chụp nối với ống nhựa dài như vòi voi. Tôi ghét thậm tệ cảnh đó nên cố lảng tránh không để chiếc máy lọt vào tầm mắt trong lúc nói chuyện với thầy.
"Chúng ta bắt đầu như thế này", thầy Morrie nhắc lại. "Mọi người đều biết rằng mình sẽ phải chết nhưng chẳng ai chịu tin điều này. Nếu tin, người ta đã hành động khác đi rồi".
"Thế có nghĩa là chúng ta đang tự lừa phỉnh bản thân?", tôi hỏi.
"Chính thế. Tốt hơn, nên nhìn nhận thực tế. Cái chết là điều không tránh khỏi và nên chuẩn bị tiếp nhận nó bất kỳ lúc nào. Hiểu được như thế con người sẽ sống hết mình trong cuộc đời mà anh ta đang sống."
Phải làm những gì để chuẩn bị đón nhận cái chết?
"Hãy làm như Phật Tổ. Ngày ngày, Ngài hỏi những con chim nhỏ đậu trên vai mình rằng: Hôm nay là ngày nào? Ta đã sẵn sàng chưa? Liệu ta đã phải là con người mà ta muốn? Ta đã hoàn tất những việc cần làm hay chưa?"
Bất giác, thầy quay đầu về phía vai như muốn xem ở đấy có con chim nào không, miệng hỏi: "Hôm nay có phải là ngày cuối cùng trong đời ta hay không?"
Thầy Morrie thường trích dẫn giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau. Sinh ra là một người Do Thái, nhưng một phần do những hoàn cảnh éo le thời niên thiếu, ông từng là người sùng bái thuyết bất khả tri. Lớn lên, ông thích thú với triết lý nhà Phật, đạo Thiên Chúa mặc dù trong gia đình ông vẫn là người theo Do Thái giáo. Chính sự lai tạp tôn giáo đã khiến thầy Morrie trở nên phóng khoáng hơn đối với các sinh viên trong suốt cuộc đời dạy học. Và những điều thầy nói ra trong những tháng cuối cùng dường như đã vượt lên trên những khác biệt giữa các tôn giáo. Chỉ có cái chết mới buộc người ta làm được như vậy.
"Sự thật là, Mitch,” thầy nói tiếp, "nếu con học được cách chết thì con cũng học được cách sống".
Tôi gật đầu.
“Ta nhắc lại lần nữa: Nếu con học được cách chết thì con cũng học được cách sống". Thầy nói rồi mỉm cười. Tôi hiểu: Thầy muốn biết tôi đã thấm ý tưởng của ông hay chưa, nhưng lại không thích quấy rầy bằng những câu hỏi. Phong cách xử sự tế nhị khéo léo như vậy đã giúp ông trở thành một nhà sư phạm tuyệt vời.
"Thế trước khi lâm bệnh có khi nào thầy nghĩ rằng mình sẽ chết hay không?", tôi hỏi.
"Không," thầy Morrie khẽ nở nụ cười. “Ta cũng như mọi người thôi. Trong một thoáng hứng chí ta đã từng tự phụ khoe với một người bạn của mình như thế này: ‘Tớ là người đàn ông khoẻ nhất mà cậu đã từng gặp!’"
"Lúc đó thầy bao nhiêu tuổi, thưa thầy?"
"Khoảng 60."
"Ồ! Vậy thầy là người lạc quan quá".
"Dĩ nhiên. Ta đã nói là không ai tin rằng mình sẽ phải chết kia mà".
"Ai cũng biết thần chết sẽ đón người khác đi", tôi nói. "Vậy thì tại sao người ta lại không chịu hiểu rằng sẽ có ngày tới lượt mình?"
"Bởi vì đa số chúng ta đều đi loanh quanh như những kẻ mộng du. Chúng ta không nhận biết thế giới đầy đủ vì chúng ta nửa thức nửa ngủ, máy móc làm những việc mà chúng ta lầm lẫn là những việc cần làm".
"Và việc đối mặt với cái chết đã thay đổi tất cả?"
"Phải. Lúc đó, người ta sẽ vứt bỏ những trò phù phiếm mà trước nay họ vẫn coi là thiết yếu. Khi hiểu rằng mình sẽ phải chết, con mắt sẽ nhìn sự vật theo cách khác."
Thầy thở dài: "Lúc học được cách chết cũng là lúc học được cách sống."
Hai bàn tay run như lên cơn sốt mỗi khi thầy muốn cử động chúng. Cặp kiếng treo lủng lẳng dưới cổ. Mỗi khi thầy gượng đặt chúng lên sống mũi, hai gọng kiếng trượt lên trượt xuống bên hai thái dương không chịu lọt ra sau hai vành tai. Tôi nghiêng người giúp thầy sửa lại vị trí cặp kiếng.
"Cảm ơn con", thầy Morrie thì thầm. Ông mỉm cười khi bàn tay tôi sượt qua trán ông. Một cú va chạm thật khẽ với da thịt con người cũng đem lại niềm hạnh phúc.
"Mitch, con nghe ta đấy chứ?"
"Dĩ nhiên, thưa thầy".
“Có lẽ con chưa học được cách chết."
"Tại sao?"
“Sự thật là thế, Mitch. Nếu con biết lắng nghe chú chim đậu trên vai, nếu con chấp nhận rằng một ngày kia con sẽ chết, chết bất kỳ lúc nào, thì con đã không là người đầy tham vọng như hiện nay."
Tôi nhe răng cười trừ.
"Những thứ tiêu tốn thời giờ của con và tất cả những công việc con làm xem ra không quan trọng lắm như con tưởng. Đáng ra con nên dành thời gian cho những chuyện tâm linh".
"Tâm linh ư?"
"Con ghét từ đó lắm phải không? "Tâm linh"! Chắc con nghĩ nó là một thứ gì đó quá mong manh, tế nhị?"
"Vâng". Tôi đáp.
Thầy Morrie cố nháy mắt nhưng không thành. Tôi không nhịn được bèn phá ra cười.
"Mitch", thầy vừa cười theo vừa nói. "Mặc dù ta không hiểu ý nghĩa đích thực của thuật ngữ mở rộng tâm hồn, nhưng ta biết chắc rằng chúng ta sống thiếu một cái gì đó. Chúng ta bị vật chất lôi kéo quá nhiều nhưng chúng không làm cho chúng ta cảm thấy thoả mãn. Trong lúc đó chúng ta lại nhìn nhận tình yêu thương và cả nhân loại quanh ta như những thứ gì đó tồn tại một cách hiển nhiên, không đáng quan tâm".
Thầy Morrie hất đầu về phía khung cửa sổ chói ánh sáng mặt trời. "Con thấy không? Bất cứ lúc nào con cũng có thể bước ra ngoài trời. Con đủ súc chạy vòng quanh khu phố cho tới mệt lử nhưng ta thì không. Ta không thể bước ra ngoài, ta không chạy được. Ta không thể ra khỏi nhà mà không sợ bị nhiễm bệnh. Nhưng con có biết không? Chính ta là người hiểu giá trị của cái cửa sổ kia hơn con!".
Hiểu hơn?
"Phải. Ta nhìn qua cửa sổ mỗi ngày. Ta biết mọi sự thay đổi của cây cối quanh nhà. Ta biết bữa nay gió thổi mạnh hay yếu. Dường như thời gian đang diễu qua ngay trước mặt ta, sau khung cửa kia. Vì ta biết rằng quỹ thời gian của ta sắp hết nên ta nhìn thế giới như thể lần đầu tiên trong đời ta được nhìn thấy nó".
Thầy chợt ngưng và trong một thoáng cả hai chúng tôi bất giác đưa mắt nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ. Tôi cố gắng nhìn ra những gì mà thầy Morrie đã nhìn thấy. Tôi ráng hình dung ra thời gian, bốn mùa và cả cuộc đời tôi chậm chạp trôi qua, hệt như trong một cảnh phim quay chậm.
"Liệu có phải là ngày hôm nay không, chú chim nhỏ?”, thầy Morrie khẽ hỏi. "Hôm nay chăng?"
Sau những lần xuất hiện tiếp theo trong chương trình Câu chuyện hàng đêm, thư tín từ khắp mọi miền trên thế giới tiếp tục đến với thầy. Ông ngồi - vào những lúc ông ngồi dậy được - để đọc thư trả lời. Cả gia đình ông có mặt trong những cái gọi là phiên tư vấn viết thư.
Một ngày Chúa Nhật nọ, hai anh con trai thầy là Rob và Jon có mặt ở nhà. Mọi người tụ tập trong phòng khách. Thầy Morrie ngồi trên xe lăn, đôi chân còm nhom ủ dưới tấm mền. Khi cảm lấy lạnh thầy nhờ các chị giúp việc khoác thêm lên vai chiếc áo gió may bằng vải nylon.
"Mình đọc thư nào trước tiên đây?", thầy Morrie cất tiếng hỏi.
Một đồng nghiệp của thầy lấy giọng đọc thư của một người phụ nữ tên Nancy. Mẹ chị qua đời vì căn bệnh ASL. Nancy kể lại chị đã đau khổ tới nhường nào vì sự mất mát đó và cũng chính vì thế chị hiểu rằng thầy Morrie cũng đang đau khổ.
"Thôi được'" thầy Morrie thốt lên khi người đồng nghiệp kết thúc lá thư. Thầy nhắm mắt lại, "Chúng ta sẽ bắt đầu như thế này”
‘Chị Nancy thân mến!
Câu chuyện của chị về người mẹ khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi hiểu tất cả những gì mà chị đã phải trải qua. Cả hai chúng ta, mỗi người đều có nỗi buồn và sự đau khổ. Đau buồn là điều tốt cho tôi và tôi hy vọng nó cũng là điều tốt đối với chị.’
"Có lẽ cha nên sửa lại dòng cuối", Rob nhắc.
Thầy Morrie nghĩ một giây rồi đáp: "Con nói đúng. ‘Tôi hy vọng trong khổ đau chị sẽ tìm thấy sức mạnh'. Thế có khi hay hơn đấy!"
Rob gật đầu.
"Nhớ thêm: 'Xin cảm ơn. Morrie', thầy nhắc.
Bức thư được đọc tiếp theo là của một người phụ nữ khác có tên là Jane. Jane cảm ơn những câu chuyện của thầy trong chương trình Câu chuyện hàng đêm đã truyền cảm hứng cho chị. Jane gọi thầy là nhà tiên tri.
"Ca tụng tới tận mây xanh", một đồng nghiệp của thầy nói. "Nhà tiên tri".
Thầy Morrie nhăn mặt. Rõ ràng ông không đồng ý với cách đánh giá. "Chúng ta cứ cảm ơn chị ấy. Nói thêm rằng ta rất mừng khi biết rằng lời nói của mình có một giá trị nhất định đối với chị ấy".
"Làm ơn thêm vào 'Xin cảm ơn. Morrie'".
Tiếp theo là bức thư của một người đàn ông Anh quốc. Bà cụ thân sinh ra ông ta đã qua đời và ông ta nhờ thầy Morrie giúp liên lạc với bà cụ qua thế giới tâm linh. Lại có một bức thư của một cặp vợ chồng xin được lái xe từ Boston tới thăm thầy. Rồi một lá thư dài của một cựu nữ sinh viên kể chuyện đời mình sau khi ra trường. Trong thư chị ta nhắc tới ba lần tự tử không thành và những đứa trẻ chết từ trong bụng mẹ. Cô sinh viên cũ kể về cái chết của người mẹ mắc căn bệnh ALS và sợ rằng là con chị ta cũng có thể mắc căn bệnh quái ác đó. Toàn là những chuyện đại để như vậy. Hết trang một là tới trang hai, trang ba rồi đến trang bốn.
Thầy Morrie ngồi im lặng nghe câu chuyện ác nghiệt dài dằng dặc. Khi bức thư được đọc xong, thầy nhẹ nhàng nói: "Chúng ta sẽ trả lời sao đây?"
Mọi người im lặng. Cuối cùng Rob lên tiếng: "Cảm ơn chị đã gởi cho chúng tôi lá thư thật là dài'. Thế được chứ?"
Ai nấy bật cười. Thầy Morrie đưa mắt nhìn con trai, ánh mắt thầy trông thật rạng rỡ.
Tờ báo nằm cạnh chiếc ghế tựa của thầy có đăng tấm hình một tay bóng chày của đội Boston đang mỉm cười sau một cú ném bóng chặn đầu đối phương. Trong số tất cả các bệnh tật trên đời này, thầy Morrie của tôi mắc đúng căn bệnh được mang tên của một vận động viên.
“Thầy còn nhớ Lou Gehrig không?” Tôi hỏi.
“Ta nhớ hình ảnh của ông ta trên sân vận động, đang nói lời từ biệt.”
“Nếu vậy thầy hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông ta.”
"Câu nào nhỉ?”
“Thầy ráng nhớ thử xem! Lou Gehrig. ‘Niềm tự hào của người Mỹ’. Bài phát biểu vang vọng qua hệ thống loa ấy”
“Làm ơn nhắc ta đi”, thầy Morrie nói. “Con đọc thử xem nào.”
Qua khung cửa sổ, tôi nghe thấy tiếng xe tải gom rác. Mặc dầu tiết trời nóng bức, thầy Morrie vẫn đánh chiếc áo tay dài, chân phủ tấm chăn, nước da nhợt nhạt. Bệnh tật đã xâm chiếm cơ thể thầy.
Tôi cất cao giọng bắt chước Gehrig, tiếng của ông ta bị những bức tường của sân vận động dội lại nghe ồm ồm kéo dài: “Hôôm nayyy... Tôi caaaảm thấy... người haaạnh phúc nhất... Trêêên traáai đất nàyyy...”.
Thầy Morrie nhắm mắt lại và chậm rãi gật đầu.