Lớp học cuối cùng

TUẦN THỨ NHẤT

Chị Connie mở cửa cho tôi vào. Thầy Morrie ngồi trên xe lăn bên cạnh bàn ăn, thầy mặc một chiếc áo sơmi vải bông rộng thùng thình và một chiếc quần còn rộng hơn thế, mặc dù đó chỉ là một chiếc quần kích cỡ bình thường. Lâu nay, đôi chân thầy bị teo, vóc dáng vốn bé nhỏ càng tóp lại. Giả như có đứng lên được, trông thầy cũng chỉ cao không quá mét rưỡi, vừa chui lọt chiếc quần gin của học trò lớp sáu.

"Con mang ít thức ăn biếu thầy". Tôi nói, tay cầm một gói giấy dầu màu nâu. Dọc đường từ sân bay tới đây, tôi ghé vào siêu thị mua miếng thịt gà tây, ít xà lách, mì ống và mấy ổ bánh mì. Tôi biết thầy chẳng thiếu thứ gì, nhưng chẳng qua tôi muốn làm một việc gì đó giúp thầy để khỏi ân hận thấy mình khoanh tay bất lực. Tôi nhớ ra rằng thầy Morrie rất thích ăn uống.

"Ôi, sao nhiều thứ thế này", thầy Morrie nói bằng một giọng nghe như hát. "Vậy con phải ăn giúp thầy thôi".

Hai thầy trò ngồi quanh bàn ăn. Lần này, nhờ không cần phải hỏi han chuyện cũ, chúng tôi bị cuốn vào cuộc đối thoại, hệt như hồi tôi còn là sinh viên. Thầy Morrie hỏi, lắng nghe những câu trả lời và thỉnh thoảng ngắt lời tôi để nhắc nhở những điều tôi đã quên hay chưa hiểu. Thầy quan tâm tới cuộc đình công ở toà soạn và thắc mắc tại sao cả chủ lẫn người làm thuê không chịu gặp gỡ để cùng giải quyết các vấn đế của cả hai phía. Tôi bảo với thầy rằng không phải ai cũng khôn ngoan như thầy.

Thỉnh thoảng cuộc đàm đạo phải ngưng lại để thầy đi vào nhà vệ sinh - một công việc chiếm mất khá nhiều thời gian. Chị Connie đẩy chiếc xe lăn vào nhà vệ sinh, xốc nách cho thầy tựa đi tiểu vào một chiếc bô có cổ. Sau mỗi lần như vậy, dáng điệu thầy tỏ ra mệt mỏi.

"Con nhớ không? Ta từng nói với Ted Koppel rằng chả còn bao lâu sẽ đến ngày ta phải nhờ người khác... rửa đít hộ."

Tôi cười.

"Chính thế. Cái ngày ấy gần tới rồi. Nó làm ta bực bội hết sức."

Tại sao?

Bởi vì đó là dấu hiệu của sự bất lực hoàn toàn. Ta không muốn ai làm hộ việc đó. Làm việc ấy cũng thích lắm."

Thích thú?

"Chứ sao. Nói cho cùng, người già với con trẻ có gì khác nhau? Ta sắp trở lại làm trẻ con".

Một cách nhìn độc đáo đấy chứ!

"Giờ đây ta phải nhìn cuộc sống theo một cách riêng biệt. Này nhé! Bây giờ ta không thể đi mua sắm, không thể kiếm thêm tiền gởi vào ngân hàng, cũng không thể tay xách nách mang... Vì thế, ta đành ngồi một chỗ đếm những ngày còn sót lại và nhìn lại xem cái gì là quan trọng trong cuộc đời. Ta có đủ lý do và thời gian để làm điều này.”

Tôi buột miệng nói rằng phải chăng chìa khoá để hiểu được ý nghĩa cuộc đời chính là ở chỗ quẳng đi những thứ tay xách nách mang, những gánh nặng tự ta ôm vào?

Thầy Morrie chỉ cười và tôi tin rằng chính thầy đã làm như vậy.

Chị Connie vừa dọn chồng chén đĩa mang đi, tôi chợt nhìn thấy một chồng báo. Có lẽ thầy Morrie vừa đọc chúng trước khi tôi tới.

"Thầy vẫn đọc báo đấy ư?" Tôi hỏi.

"Phải", thầy Morrie trả lời. "Bộ chuyện lạ lắm sao? Hay con nghĩ rằng ta sắp chết nên chẳng cần biết nhũng chuyện gì đang xảy ra trên thế gian này?"

Có lẽ vậy

Thầy thở dài. "Có lẽ con đúng. Đáng ra ta chả nên quan tâm. Nói cho cùng, ta đâu có được nhìn thấy kết cục".

"Nhưng thật khó giải thích, Mitch ạ. Khi đau khổ, hơn bao giờ hết ta lại thấy mình gần gũi hơn với những người đang phải chịu khổ đau. Bữa nọ ta xem truyền hình, thấy cảnh người dân Bosnia chạy tán loạn trên đường phố dưới làn đạn. Nhà cửa bốc cháy, những nạn nhân vô tội bị giết... Ta đã khóc. Ta cảm thấy giận dữ hệt như nỗi đau của họ là nỗi đau của riêng ta. Ta không quen biết với ai trong số họ, nhưng ta không thể bỏ qua. Tâm trí ta bị họ cuốn hút."

Đôi mắt thầy rơm rớm. Tôi cố lái câu chuyện sang chủ đề khác nhưng thầy đưa khăn tay chậm lên mắt rồi phẩy tay.

"Độ rày thầy mau nước mắt lắm. Con đừng quan tâm."

Thật kỳ lạ! Bao năm vật lộn trong nghề báo, tôi đã viết vô số phóng sự về những cảnh chết chóc. Tôi phỏng vấn những người thân đang nức nở bên xác người đã khuất, tôi dự biết bao đám tang. Nhưng tôi chưa từng rơi một giọt lệ nào. Thế mà thầy Morrie lại khóc cho những người ở cách thầy tới tận nửa vòng trái đất. Tôi chợt nghĩ: Phải chăng đứng trước cái chết mọi người đều trở nên bình đẳng và cái chết buộc con người phải nhỏ lệ thương tiếc đồng loại?

Tiếng ho của thầy Morrie rít lên nhu tiếng còi xe hơi trong chiếc khăn tay bịt miệng. "Con đã nhàm với những cảnh đàn ông khóc lóc rồi, phải không?"

Tôi gật đầu thật nhanh.

Thầy nhăn mặt. "Ôi, Mitch. Bấy lâu nay ta thả lỏng con quá mất rồi. Rồi sẽ có hôm ta sẽ cho con biết tay."

"Vâng, vâng." tôi đáp.

"Vâng, vâng", thầy nhại lại.

Chúng tôi cùng cười vang khi thầy dùng lại lối nói của hai chục năm về trước. Dạo đó, các giờ lên lớp của thầy thường rơi vào ngày thứ Ba hàng tuần. Chính vào những ngày thứ Ba, sau giờ giảng chúng tôi thường gặp nhau trong phòng làm việc của thầy, tại quán cà phê trong trường hay trên những bậc thềm của toà nhà Pearlman Hall. Thầy trò cùng gọt giũa những bài luận của tôi.

Và bây giờ, chẳng hiểu Tạo hóa xếp đặt ra sao mà chúng tôi lại gặp nhau vào ngày thứ Ba trong ngôi nhà có cây thích Nhật Bản mọc trước của của thầy. Khi tôi nói ra suy nghĩ này với thầy Morrie, ông mỉm cười bảo:

"Chúng ta là những người thứ Ba."

Đột nhiên, thầy Morrie nói "Mitch, con ngạc nhiên về mối quan tâm của ta đối với những người không quen biết. Nhưng con có muốn biết điều gì quan trọng nhất mà ta học được trong thời gian bệnh tật?"

Điều gì vậy?

"Biết ban phát tình yêu và biết tiếp nhận nó."

Thầy hạ giọng gần như thì thầm. "Hãy mở rộng mình đón nhận tình yêu. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta không xứng đáng với tình yêu hay nếu đón nhận nó chúng ta sẽ trở thành những kẻ mềm yếu".

Tôi gật đầu như một sinh viên thông thái, còn thầy nặng nề thở hắt ra. Tôi cúi người ôm lấy thầy và lần dầu tiên, thật bất ngờ với chính mình, tôi hôn lên má ông. Tôi cảm nhận được cánh tay mềm nhũn của ông, những sợi râu lưa thưa trên má ông cọ vào mặt tôi.

"Thứ Ba sau con sẽ tới chứ?", ông thì thào.

Thầy Morrie bước vào giảng đường, lặng lẽ ngồi xuống ghế, không nói không rằng. Thầy nhìn chúng tôi, còn chúng tôi nhìn ông đáp lại. Thoạt đầu, đây đó trong phòng còn có tiếng cười rúc rích, nhưng thấy thầy nhún vai, một bầu không khí im lặng như tờ trùm lên lớp học. Chúng tôi có thể nghe được cả những tiếng động nhỏ nhất, tiếng quạt thông gió rì rào đâu đó tuốt trên góc tường cao, tiếng mũi thở phì phò của một cậu sinh viên mập ú.

Một vài người tỏ ra bối rối. Sao thầy không nói gì? Bao lâu nữa thầy mới định bắt đầu bài giảng? Chúng tôi lúng túng nhìn đồng hồ đeo tay. Vài người ngó qua cửa sổ. Khoảng thời khắc im lặng nặng nề kéo dài 15 phút trước khi thầy Morrie khai mào bằng giọng thì thầm.

“Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?”

Và thế là cuộc thảo luận về ảnh hưởng của sự im lặng tới mối quan hệ giữa người với người đã được mở ra một cách từ từ như ý muốn của thầy Morrie. Tại sao sự im lặng lại làm chúng ta bối rối? Phải chăng trong sự ầm ĩ, con người tìm thấy sự an ủi, khuây khỏa?

Thế nhưng, đối với riêng tôi sự im lặng chẳng hề làm tôi bực bội. Dẫu rằng tôi có thế đùa giỡn, tán gẫu với bạn bè ầm ĩ, nhưng tôi chẳng hề thấy thích thú khi phải thảo luận về cảm xúc của mình trước mặt những người khác (đặc biệt khi họ không phải là các bạn học của tôi). Tôi sẵn sàng ngồi lì hàng giờ trong im lặng nếu cả lớp yêu cầu tôi phải làm thế.

Tiếng chuông reo báo hết giờ. Tôi đứng dậy hướng ra cửa giảng đường. Thầy Morrie chặn tôi lại. “Hôm nay sao con không nói gì vậy?”

Tôi không biết. Có gì đâu để mà nói.

'Ta nghĩ con có nhiều điều muốn nói đấy. Này, Mitch, con làm ta nhớ tới một người vào thời trai trẻ cũng luôn thích thu mình lại”.

"Ai vậy, thưa thầy?”

'Ta.”