"Al này?"
"Cái gì vậy?"
"Anh phải đảm bảo là không quay chín tôi quá đấy nhé!"
Viên giáo sĩ bàng hoàng. Thầy Morrie bông phèng cả với cơ thể mình. Càng cận ngày vĩnh biệt, thầy càng nhìn nó như một cái vỏ ốc, một cái hộp chứa linh hồn. Xương thịt nó đang tan rữa mỗi thứ một nơi hòng dễ dàng "dứt áo ra đi".
"Chúng ta rất ớn cảnh tượng chết chóc" - Thầy nói khi tôi ngồi bên.
Tôi chỉnh lại chiếc micrô trên cổ áo thầy nhưng nó cứ rơi phịch xuống. Thầy ho! Bây giờ thầy ho trường kỳ!
"Bữa nọ ta đã đọc một quyển sách. Trong đó người ta mô tả rằng: Ngay khi có một người chết trong bệnh viện, người ta liền vội vàng trùm mền kín mít mặt hắn ta lại, rồi đẩy cái xác xấu số đó trên một thanh trượt và chuyển đi. Người ta không thể chờ nổi cho đến khi nó khuất khỏi tầm nhìn của họ. Họ đối xử với cái chết như thể nó là bệnh truyền nhiễm".
Thầy liếc nhìn bàn tay tôi đang lóng ngóng xếp chỗ cho chiếc micrô.
"Cái chết không phải là dịch bệnh. Nó cũng tự nhiên như chính cuộc sống vậy. Nó là một điều khoản trong bản hợp đồng chúng ta thảo ra".
Thầy ho tiếp. Tôi quay lại và chờ - luôn luôn chầu chực một cái gì đó nghiêm trọng. Thầy vừa trải qua nhiều đêm khiếp đảm. Những đêm dài hãi hùng! Thầy chỉ ngủ được vài giờ, rồi những cơn ho ghê hồn lại lay thầy thức giấc. Y tá đến bên thầy, đấm lưng, cố ép độc khí ra. Ngay cả khi hơi thở trở lại bình thường - tức là với sự trợ giúp của bình dưỡng khí thì cuộc chiến đấu đó vẫn cứ khiến thầy kiệt sức suốt ngày hôm sau.
Hiện mũi thầy lúc nào cũng gắn thường trực một ống dẫn oxy. Tôi ghét trông thấy cái vật xù xì xấu xí ấy. Nó tượng trưng cho sự bất lực. Tôi chỉ muốn giật phứt nó đi.
"Đêm qua...” - Thầy khẽ nói.
"Dạ? Đêm qua thầy làm sao ạ?”
“Ta đã ho khốc liệt hàng giờ. Ta thật sự không thể kiểm soát được nó nữa. Ta không thở được, cũng không thể ngăn chặn cơn nghẹt. Ta cảm thấy choáng váng xây xẩm mặt mày... sau đó ta lại cảm thấy yên bình. Ta biết mình đã sẵn sàng lên đường.”
Thầy mở to mắt.
"Mitch, đó là một cảm giác không tài nào diễn tả nổi - một cảm giác thanh thản, chấp nhận điều đang diễn ra. Ta chợt nghĩ về giấc mơ hồi tuần rồi. Ta mơ mình vượt qua một cây cầu bước vào một thế giới hư ảo - trong tư thế trực chỉ đến bất cứ vùng đất nào".
"Nhưng thầy chưa đi mà".
Thầy ngừng một lát rồi lắc đầu nhè nhẹ.
"Đúng là ta đã chưa đi. Nhưng ta cảm thấy mình sẽ đi. Con có hiểu không?"
"Đó là thứ mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm - một tâm tưởng bình an về cái chết. Rốt cuộc, chúng ta nên biết rằng để có được sự yên bình ấy làm hành trang lên đường thì mỗi người chúng ta phải ra sức thực hiện một công việc vất vả vô cùng".
"Công việc đó là gì vậy, thưa thầy?"
"Đó là phải tạo dựng sự yên bình trong lúc còn sống".
Thầy đòi ngắm chậu hoa dâm bụt. Tôi vòng ra đằng sau, bê đến và nâng lên gần mắt cho thầy coi. Thầy cười.
"Dần dần rồi nó cũng sẽ chết - Thầy nhắc lại - Gút mắc là ở chỗ chúng ta khua chiêng gõ mõ không thèm để mắt tới nó, bởi vì chúng ta không chịu nhìn nhận mình là một phần của thiên nhiên. Do bởi chúng ta nghĩ mình là con người cho nên chúng ta tự phong cho mình là một gì đó cao siêu hơn thiên nhiên".
Thầy cười trìu mến với cái cây.
"Đâu phải vậy! Muôn loài đều sinh ra và chết đi".
Rồi thầy nhìn tôi.
"Con có đồng ý không?"
"Dạ, có ạ".
"Tốt". Thầy khẽ khàng "Nào, bây giờ là thời điểm quyết toán đây. Lúc này là lúc quyết định xem chúng ta khác cỏ cây và thú vật ở chỗ nào. Miễn là chúng ta yêu thương nhau và nhớ về cảm giác tình yêu mình đã tận hưởng thì chúng ta chết mà như vẫn còn sống. Tất cả tình yêu chúng ta gửi gắm cho nhau vẫn còn đó. Mọi ký ức vẫn còn nguyên. Chúng ta vẫn sống trong trái tim tất cả những người mà chúng ta từng ôm ấp, nâng niu".
Giọng thầy lạc đi, the thé - báo hiệu thầy cần nghỉ dưỡng sức một chút. Tôi đặt chậu cây trở lại chỗ cũ trên bệ cửa sổ và định bụng sẽ tắt máy ghi âm đi nhưng may mắn là vẫn ghi kịp câu nói sau cùng của thầy.
"Cái chết kết thúc cuộc sống nhưng không chấm dứt tình thân".
Khoa học kỹ thuật ghi nhận nhiều tiến bộ trong công cuộc chữa trị bệnh ALS. Một loại thuốc mới vừa được chuẩn y tuy không thể chữa dứt điểm nhưng cũng làm chậm lại quá trình tàn phá - có lẽ vài tháng. Thầy biết tin này nhưng bệnh thầy trầm trọng quá rồi. Ngoài ra, phải nửa năm nữa thuốc mới được bày bán rộng rãi trên thị trường.
"Nó không dành cho ta đâu. Thôi đừng thèm nghĩ đến nó làm gì".
Trong suốt quãng thời gian ốm nặng, thầy chẳng bao giờ tự thắp sáng một tia hy vọng vu vơ rằng mình sẽ khỏi. Thầy rất thực tế. Có lần, tôi hỏi giả sử có ai đó vung chiếc gậy phù thủy làm phép màu cho thầy hết bệnh thì thầy có trở lại đúng như con người thầy trước kia hay không.
Thầy lắc đầu.
"Ta chẳng muốn trở lại, cũng chẳng có đường cho ta trở lại. Bây giờ ta đã là TA khác rồi. Ta đã có thái độ khác. Ta đã chiêm ngưỡng cơ thể mình theo một cách khác, không còn như trước đây đâu. Ta đã khác ở chỗ bây giờ ta đang cố chứng minh một triết lý lớn lao, một triết lý cuối cùng".
"Con có biết đó là triết lý gì không? Rằng: một khi con đã nhúng tay vào những vấn đề quan trọng thì con không thể rút tay lại được nữa - ví như đâm lao phải theo lao!"
“Nhưng vấn đề quan trọng mà thầy nói đến đó là cái gì vậy ạ?"
"Theo ta thấy thì, đó là những vấn đề về tình yêu, trách nhiệm, tinh thần, và ý thức. Giả sử bây giờ mà ta mạnh khỏe, thì đó vẫn là những vấn đề ta quan tâm. Chúng phải cùng ta đi suốt cuộc đời".
Tôi cố hình dung ra một thầy Morrie tráng kiện. Tôi mường tượng cảnh thầy tung chăn, bước ra khỏi ghế, đi dạo quanh vùng lân cận - giống như chúng tôi đã cùng nhau tha thẩn trong khuôn viên trường đại học. Tôi nhẩm tính, ấy thế mà đã 16 năm rồi kể từ lần cuối cùng tôi thấy thầy bước đi. 16 năm rồi sao?
"Nếu một ngày nào đó thầy mạnh khỏe hoàn toàn thầy sẽ làm gì ạ?"
"Ta sẽ làm gì trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày?”
"Vâng ạ!"
"Nào để ta coi... ta sẽ thức dậy sớm, tập thể dục, ăn một bữa sáng ngon lành với bánh vòng và trà, đi bơi, rủ bạn bè tới nhà ăn trưa. Phải rồi, thỉnh thoảng ta sẽ mời họ tới chơi để tán gẫu chuyện gia đình, về vấn đề của họ, và về chuyện chúng ta cần phải giữ liên lạc với nhau. Sau đó ta sẽ đi dạo trong vườn, ngắm nhìn màu xanh cây lá, dõi mắt ngắm chim trời hòa mình vào thiên nhiên mà bấy lâu ta xa cách. Tối đến, ta sẽ hẹn nhau đi nhà hàng, ăn bánh bột nhồi hay vịt quay. Ta thích thịt vịt lắm! Thời gian còn lại, chúng ta sẽ khiêu vũ - ta sẽ nhảy cùng các bạn nhảy xinh xắn ta gặp ở đó cho đến khi mệt nhoài. Rồi ta về nhà, leo lên giường đánh một giấc êm đềm tới sáng".
"Chỉ có thế thôi ạ?"
“Thế thôi!"
Tầm thường! Tầm thường quá! Tôi thật sự thất vọng! Tôi những tưởng thầy sẽ bay sang Ý, ăn trưa với tổng thống, nô đùa tung tăng trên sóng biển, hay hưởng thụ những thú vui ngoại quốc. Sau vài tháng nằm mẹp chẳng thể nhấc ngón chân, làm sao thầy có thể thấy được ngày toàn hảo trong những thứ tầm thường đó?!
Nhưng tôi nhận ra đó là tất cả cốt lõi của sự việc.
Trước khi ra về, thầy gợi ý.
"Con có muốn nói chuyện với ta về em trai của con hay không?"
Tôi sững người. Không biết làm thế nào mà thầy nắm bắt được điều đang lấn cấn trong đầu đứa học trò này. Suốt mấy tuần nay tôi ráng gọi qua Tây Ban Nha cho thằng em, nhưng qua một người bạn tôi được tin nó phải bay đi bay về như con thoi tới bệnh viện ở Amsterdam.
"Mitch, ta biết là con đau lòng vì không được ở bên người con yêu quý. Nhưng con cần phải bình tâm với ước nguyện của em con. Có thể em con không muốn can thiệp vào cuộc sống của con. Có thể em con không chịu nổi cái gánh nặng ấy. Ta cũng thường nhắn những người quen của ta rằng hãy cứ an tâm sống và làm việc, đừng bận lòng đến ta làm gì - đừng xáo trộn cuộc sống bởi vì đằng nào ta cũng sắp chết rồi”.
"Nhưng nó là em trai của con thầy ạ".
"Ta biết, chính vì thế mới khiến con đau lòng". Thầy xoa dịu.
Tôi hồi tưởng hình ảnh Peter lúc nó lên tám, một thiên thần tóc xoăn óng vàng bồng bềnh. Tôi thấy mình vật lộn với nó trên khoảng sân bên nhà, bông cỏ ghim đầy hai đầu gối chiếc quần jeans. Tôi thấy nó đứng trước gương hát líu lo, tay cầm cây chổi giả làm micrô. Tôi nhớ lại khi hai chúng tôi bò lên gác xép trốn để hù bố mẹ chơi, khoái chí nhìn họ chạy đôn chạy đáo đi tìm con về ăn tối.
Rồi tôi nghĩ đến lúc em tôi trưởng thành, bỏ nhà đi lưu lạc. Gương mặt nó gầy gò và xanh xao vì phải trải qua quá trình hóa trị liệu khá lâu.
"Thưa thầy tại sao em con không muốn gặp con?"
Thầy thở dài:
"Không bao giờ có sẵn một khuôn mẫu nào cho các mối quan hệ cả. Chúng ta cần phải dàn xếp chúng trên tinh thần thương yêu nhau, với vị thế chia đều cho các bên. Chúng ta muốn điều gì, cần cái gì, chúng ta có thể làm được gì, cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao".
"Trong kinh doanh người ta thương lượng để chiếm đoạt, để chiến thắng - người ta thương lượng để đạt được điều họ muốn. Có lẽ con đã quá quen thuộc với triết lý đó rồi. Tình yêu thì khác hẳn! Tình yêu là khi con quan tâm đến hoàn cảnh của người khác một cách hết lòng hết dạ y như con chú ý đến bản thân mình vậy”.
"Con đã từng sống những giây phút yên ấm đặc biệt bên em trai mình, và bây giờ con không còn được hưởng những giây phút thần tiên đó nữa. Con muốn chúng quay trở lại, chứ không bao giờ muốn mất chúng. Nhưng con ạ! Đó lại chính là cái phần cay đắng của kiếp người. Ngưng lại, làm mới, ngưng lại, làm mới. Cứ thế..."
Tôi nhìn thầy - trông thấy tất cả cái chết trên đời và cảm thấy chơi vơi.
"Ta chắc là con sẽ tìm ra cách trở lại với em con".
"Làm sao thầy biết ạ?"
Thầy cười hóm hỉnh:
"Thì cũng giống như con đã tìm lại ta đấy thôi?!"
“Có lần ta được nghe một mẩu chuyện nhỏ”. Thầy Morrie kể, nhắm mắt lại. Tôi chờ.
Chuyện kể về một con sóng nhỏ. Nó dập dềnh trôi khắp đại dương, thong dong ngày này sang ngày nọ, vui đùa với gió và khí trời - cho đến một ngày nó bỗng nhận ra mình bị đánh dạt vào bờ, trước mặt là một con sóng khác. Chúng đã mắc kẹt!
“Lạy Chúa, thật là khủng khiếp” - con sóng nhỏ kêu lên - “Điều gì xảy ra với tôi vậy?”
Con sóng kia tiến đến gần, thấy bạn buồn xo nó nghiêm nghị hỏi:
“Làm sao mà bạn rầu rĩ thế?”
Con sóng thứ nhất trả lời:
“Anh không hiểu gì cả. Tất cả họ hàng nhà chúng ta rồi sẽ đều tan biến hết. Trời ơi, kinh khủng quá!?”
Con sóng thứ hai vỡ lẽ:
“Ồ, không đâu! Bạn không hiểu gì cả. Chúng ta không chỉ là một con sóng nhỏ nhoi thôi đâu. Chúng ta là một phần của biển cả”.
Tôi mỉm cười. Thầy nhắm nghiên đôi mắt.
“Một phần của biển cả. Đúng vậy! Một phần của biển cả”.
Tôi ngắm thầy thở ra hít vào.