Tôi cố gọi điện cho em trai mình ở Tây Ban Nha năm sáu bận - khẩn khoản muốn hàn huyên với em "vì bấy lâu nay anh đã ngẫm nghĩ rất nhiều về chuyện anh em mình". Vài tuần sau, em báo qua điện tín: mọi thứ vẫn đâu vào đấy, nhưng em xin lỗi vì không thích bàn bạc đến bệnh tật.
Ồ! Với người thầy tôn kính của tôi, bệnh tật không chỉ được nhắc tới mà chính nó đang nhấn chìm thầy. Cả tuần nay, cô y tá đã phải đút ống thông vào niệu quản của thầy cho nước tiểu chảy qua một vòi cao su tới cái bịch đặt dưới chân ghế. Chân thầy cần phải được xoa bóp thường xuyên. Trừ phi chúng nhúc nhích khỏi gối đệm vài inch (1 inch + 0.33m), còn đâu thầy cảm thấy đau xốn óc như bị ai chọc mạnh cái xiên vào đùi - dù chúng không thể nhúc nhích, động đậy (một trong những trò đùa dai gớm ghiếc của căn bệnh ALS đây mà!). Khi tiếp chuyện, thầy hay nhờ khách nâng chân lên đôi chút, hay sửa lại cái đầu cho ngay với gối. Tôi rùng mình tưởng tượng ra cảnh mình không thể tự nâng đầu mình.
Mỗi lần tôi đến, thầy đều như tan biến vào trong chỗ ngồi - xương sống rệu rã uốn cong theo hình ghế. Mỗi sáng, thầy vẫn đòi được nâng dậy, dìu qua phòng làm việc, đặt vào giữa đám sách vở, giấy tờ cùng cây dâm bụt trên bậu cửa sổ. Thật là nét điển hình trong tính cách của thầy khi thấy có điều triết lý gì đó toát lên từ khung cảnh này.
"Ta đã tóm gọn sự thể trong một câu cách ngôn mới nhất như thế này."
Tôi dỏng tai lắng nghe.
"Khi anh nằm trên giường tức là anh đã chết rồi".
Thầy cười. Chỉ có thầy mới cười được với chuyện như thế.
Thầy vẫn thường nhận được điện thoại từ đám phóng viên chương trình truyền hình Câu chuyện hàng đêm trong đó có cả Ted Koppel.
"Họ muốn đến phỏng vấn ta một lần nữa, nhưng họ nói họ muốn chờ", thầy thuật lại.
Còn chờ cái gì nữa? Chẳng phải thầy sắp trút hơi thở cuối cùng sao?
"Có lẽ. Cũng không còn bao lâu đâu."
Xin thầy đừng nói vậy.
"Ta xin lỗi con".
Tôi phát cáu vì người ta muốn chờ đến khi thầy tôi khô héo quắt queo.
Thầy cười xuề xòa:
"Con đừng hậm hực! Có vẻ họ đang sử dụng thầy cho một màn kịch nhỏ. Tốt thôi! Có lẽ thầy cũng đang sử dụng họ. Họ giúp thầy truyền đạt thông điệp tới hàng triệu người. Thầy không thể làm được điều đó nếu như không có họ. Đó là một thỏa hiệp mà!"
Thầy bật ho. Cơn ho bỗng hóa thành tiếng súc miệng khùng khục và mãi mới kết thúc bằng một cục đờm trên chiếc khăn nhàu nát.
"Dù sao, Mitch con. Ta cũng nên nhắc họ tốt hơn không nên chờ quá lâu vì ta sắp mất giọng rồi. Khi cái của nợ này - thầy chìa cục đờm ra - đụng phải phổi là ta không thể nói được lời nào. Ta chẳng thể nói lâu mà không nghỉ lấy sức. Ta đã hoãn lại nhiều cuộc hẹn, nhiều lắm. Ta yếu quá! Nếu không thể quan tâm đúng mực tới họ, ta không thể giúp được họ đến nơi đến chốn".
Tôi nhìn cái máy ghi âm mà cảm thấy tội lỗi, như thể mình đã cướp lấy tất cả thời gian quý báu còn lại của thầy.
"Chúng ta thôi luôn được không thầy". Tôi rụt rè hỏi. "Thầy mệt quá rồi ạ!"
Thầy nhắm mắt và lắc đầu. Dường như thầy đang chờ cho cơn đau đi qua.
"Không! Cả thầy và con cần phải tiếp tục". Thầy cương quyết. "Đây là đề án cuối cùng hai chúng ta làm chung với nhau, con biết đấy!"
Tôi nhớ lại công trình đầu tiên chúng tôi cùng làm với nhau ở đại học - dĩ nhiên là từ đề nghị của thầy Morrie. Nếu thầy không bảo rằng tôi có khả năng viết một chương trình danh dự thì có lẽ chẳng đời nào tôi nghĩ đến.
Giờ đây chúng tôi lại bên nhau, lại cùng làm chuyện cũ. Khởi sự bằng một ý tưởng. Một ông già đang hấp hối nói chuyện với một thanh niên mạnh khỏe, nhắn nhủ hắn ta phải biết điều gì. Lần này tôi không bị thầy hối thúc phải hoàn thành mau mau như thuở nào!
"Hôm qua có người hỏi thầy một câu thú vị”. Thầy hồ hởi nói, ánh mắt lướt qua vai tôi dán vào bức thảm treo tường.
Đó là tấm thảm đề những vần thơ chan chứa niềm hy vọng bạn bè tặng nhân dịp mừng thọ thầy 70 tuổi: HÃY BÁM TRỤ ĐƯỜNG CHẠY. ĐIỂM MẤU CHỐT LÀ SỨC SỐNG. MORRIE THÂN VÊU. BẠN MÃI LÀ TẤM GUƠNG SÁNG CHÓI VỀ TINH THẦN DẺO DAI.
"Câu hỏi đó là gì ạ?" Tôi bồn chồn.
"À, họ hỏi thầy có sợ bị quên lãng sau khi chết hay không".
"Thế thầy có sợ không ạ?"
"Thầy nghĩ mọi người vẫn sẽ luôn nhớ tới mình. Thầy có rất nhiều bạn bè thân thiết - từng gắn bó keo sơn với nhau. Và tình yêu là thứ giữ cho ta sống ngay cả khi ta đã từ giã cõi đời”.
Nghe dạt dào như câu thơ: “Tình yêu bảo bọc ta giữa đời".
Thầy nghẹt thở.
"Có lẽ thế thật! Nhưng Mitch này! Tất cả những điều đó hàm ý điều chúng ta đang làm, phải không? Đã bao giờ con vẫn còn nghe văng vắng tiếng thầy khi về tới nhà khi ngồi âm thầm một mình, khi thiu thiu trên máy bay, hay khi đang lái xe?"
"Vâng, có ạ!" Tôi thừa nhận.
"Thế thì con sẽ không quên thầy khi thầy ra đi. Hãy nghĩ tới giọng nói của thay thì thầy sẽ hiện hữu”.
“Vâng, con sẽ luôn nhớ tới giọng nói của thầy!"
"Nếu con muốn khóc tí chút thì cứ khóc đi".
Thầy ơi! Thầy vốn luôn khiến con muốn khóc - ngay từ khi con còn là một sinh viên năm nhất.
"Một ngày buồn bã nào đó thầy sẽ đến bên con".
"Vâng, vâng... Con sẽ chờ thầy..."
"Thầy đã quyết định xong điều thầy muốn khắc trên bia mộ mình”.
Tôi không muốn nghe thầy nói về mộ chí.
"Tại sao vậy? Nó làm con khó chịu hả? Thế thì thôi không nói về nó nữa vậy!"
"Không, không ạ! Con muốn nhìn thẳng vào nó. Thầy đã quyết định điều gì rồi ạ?"
Thầy liếm môi:
"Thầy đang nghĩ đến dòng chữ này: Một Nhà Giáo Tận Tụy Đến Phút Cuối".
Thầy chờ trong khi tôi cảm thụ.
Một Nhà Giáo Tận Tụy Đến Phút Cuối
"Con thấy có được không?" Thầy gặng hỏi.
"Vâng, rất tuyệt ạ!"
Tôi yêu quý cung cách thầy Morrie bừng sáng khi tôi bước vào. Thầy hay phấn khởi như thế với bất kỳ ai. Tôi biết chứ! Nhưng tài năng tuyệt vời của thầy thể hiện ở chỗ nó khiến cho mỗi người mỗi cảm thấy nụ cười thầy dành cho mình có nét độc đáo riêng biệt, không thể lẫn lộn vào đâu.
"Hà, hà... anh bạn bồ tèo của tôi đây rồi" - thầy thường đón tôi với cung giọng khàn khàn cao vút. Nó không đơn thuần dừng lại ở lời chào đon đả. Khi thầy ở bên ai là thầy thật sự hướng toàn tâm toàn ý vào người đó. Thầy nhìn thẳng vào mắt họ, lắng nghe như thể họ là người duy nhất trên thế gian. Con người chúng ta ắt sẽ thuận hòa biết chừng nào, nếu như chúng ta đều bắt đầu mỗi ngày theo cách này - thay vì kiểu ậm ừ dấm dẳng của người bồi bàn, của anh tài xế tắc xi, hay của ông thủ trưởng.
"Thầy tin tưởng hoàn toàn vào sự hiện diện. Có nghĩa là ta phải thật tình ở bên người tiếp chuyện với ta. Lúc thầy đang nói chuyện với em đây, Mitch à, thầy chỉ cố tập trung vào những gì giữa hai chúng ta thôi. Thầy không nghĩ về điều chúng ta đã nói hồi tuần trước. Thầy không đề cập tới chuyện gì sẽ xảy ra vào thứ Sáu này. Thầy cũng không kể về cuộc phỏng vấn tiếp theo của Koppel, hay về chuyện thầy sẽ uống thuốc gì. Thầy đang nói chuyện với em, và về em".
Đầu óc tôi lang thang hồi tưởng lại ngày xưa, lúc tôi còn sinh hoạt trong Nhóm Hành Động, thầy đã dạy chúng tôi quan điểm này. Hồi đó, tôi đã nghe như uống từng lời. Phải chăng nó chỉ là một bài học trong khóa đào tạo? Nó quan trọng đối với cuộc sống thực tiễn như thế nào? Ngay giây phút này đây, tôi hiểu rằng nó có giá trị hơn hẳn mọi thứ người ta đã dạy chúng tôi ở trường đại học.
Thầy sờ soạng tìm tay tôi, và khi đưa tay mình đặt vào tay thầy tôi bỗng thấy mình thật tệ hại. Con người này đây, nếu muốn, đều có quyền tiêu tốn từng giây phút để mà tủi thân, để cảm thấy cơ thể mình đang teo tóp đi, hoặc để đếm từng hơi thở khò khè. Quá nhiều người trong chúng ta chỉ gặp chuyện bé cỏn con mà đã làm mình làm mẩy than khóc ỉ ôi. Con mắt họ đờ đẫn nếu có ai đó nói dài hơn 30 giây. Họ còn có điều gì khác trong tâm trí - gọi điện cho một người bạn, gởi đi một bức fax, mộng tưởng về hình bóng người yêu. Họ chỉ bừng tỉnh sau khi ta ngưng nói, và trả lời chiếu lệ: "Ừ hử"; hoặc "Ồ, thật thế hả?" rồi đâu lại vào đó.
"Một phần của vấn đề, Mitch à, đó là người ta quá vội vã". Thầy lý giải "Người ta không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, vì vậy họ chạy như đèn cù để tìm kiếm. Họ nghĩ về chiếc xe hơi, về căn nhà hay công việc kế tiếp. Nhưng buồn thay! Sau đó họ lại thấy các thứ kia thật là vô nghĩa, và rồi họ lại tiếp tục hối hả chạy".
"Một khi ta đã bắt đầu chạy thì thật khó có gì kìm thắng nổi ta lại". Tôi góp lời.
"Không khó thế đâu". Thầy lắc đầu "Con có biết thầy làm gì không? Hồi thầy còn lái xe được, khi có người muốn vượt qua mặt thầy trên đường, thầy thường hay giơ tay lên..."
Thầy cũng cố giơ tay lên để minh họa, nhưng cánh tay thầy chỉ nhấc được chừng vài inch.
“… Thầy giơ tay lên như thể làm một cử chỉ chịu thua, rồi thầy vẫy tay và mỉm cười. Thay vì giơ ngón tay không chịu nhường đường, con hãy để cho họ đi và mỉm cười với họ. Con biết không? Hầu như lần nào họ cũng mỉm cười trở lại".
"Sự thật là thầy không việc gì phải vội vã lái xe chạy thục mạng. Thầy thích nhắm năng lượng của mình vào con người hơn".
Thầy đã làm điều này giỏi hơn bất kỳ ai mà tôi biết. Những người ngồi kế thầy đã từng trông thấy mắt thầy ươn ướt khi họ bày tỏ chuyện buồn khủng khiếp hoặc ánh lên nét cười khi họ kể cho thầy nghe một câu chuyện tiếu lâm hạng bét. Thầy luôn sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc mà hình như đã biến mất ở thế hệ bùng nổ trẻ em chúng tôi (ở đây ý nói đến những người được sinh ra trong thập niên 1960). Chúng tôi chỉ giỏi nói chuyện xã giao: "Anh làm gì? Anh sống ở đâu?”, nhưng bao nhiêu lâu một lần chúng tôi mới thật sự lắng nghe ai đó, và được ai đó lắng nghe, mà không cố lợi dụng gì ở họ, xin họ cho đi quá giang, mong họ tuyển dụng mình, hay muốn được họ thăng chức? Tôi tin chắc những vị khách đến thăm thầy trong mấy tháng vừa qua bị cuốn hút không phải bởi vì họ muốn hạ cố quan tâm tới thầy mà là vì họ mong được thầy quan tâm để ý tới. Bất chấp sức tàn lực cạn, cơ thể đang tàn úa dần, người đàn ông già nua nhỏ bé này luôn lắng nghe bằng cái cách mà họ muốn người khác lắng nghe mình.
Tôi bảo thầy là người cha mà ai cũng ao ước có.
"Ờ, thầy có đôi chút kỷ niệm về điều này..."
Lần cuối cùng Morrie gặp cha mình là ở trong nhà xác thành phố. Ông Charlie Schwartz là một người Nga kín tiếng, thích đọc báo một mình dưới cây đèn đường trên đại lộ Tremont ở Bronx. Hàng đêm, khi Morrie còn nhỏ, ông có thói quen đi dạo sau bữa ăn tối. Những lúc ấy Morrie sẽ cùng cậu em trai David len lén nhìn qua khe cửa sổ, dán mắt vào người đàn ông nhỏ thó nước da hồng hào với mái tóc dày màu xám nhạt đang trầm tĩnh tựa lưng vào cột đèn. Và cậu bé Morrie thầm ước cha ở nhà và trò chuyện với hai anh em. Nhưng điều này thật hiếm hoi! Cha chúng cũng chẳng hề xoa đầu và nói "Chúc ngủ ngon" với chúng!
Morrie thề rằng sau này có con anh sẽ âu yếm chúng suốt ngày. Thật thế, anh đã nựng nịu những đứa con của mình không biết chán khi chúng ra đời. Ông Charlie vẫn sống ở Bronx trong thời gian Morrie lập gia đình. Thói quen đọc báo và đi dạo vẫn còn đó. Một đêm nọ khi ông đi ra ngoài sau bữa tối, cách nhà một vài khu phố, có hai tên cướp chặn ông lại.
“Đưa tiền đây", một trong hai thằng rít lên đồng thời rút súng ra chĩa vào người ông.
Quá sợ hãi, ông Charlie móc bóp quăng ra và bỏ chạy. Ông chạy khắp phố phường, tới bậc thềm nhà một người bà con rồi ngã quy xuống.
Lên cơn đau tim, ông qua đời ngay đêm hôm ấy!
Morrie được triệu tới để nhận diện nạn nhân. Anh bay thẳng từ New York tới nhà xác! Người ta dẫn anh xuống cầu thang vào phòng lạnh, nơi cất giữ thi hài người chết.
"Đó có phải là cha anh không?" Người trông coi hỏi.
Morrie nhìn cái xác sau tấm kính. Người đang nằm còng queo kia đã từng la mắng anh, giám sát anh, đã từng dạy anh học và làm. Người này đã im lặng khi Morrie muốn nói, đã bắt Morrie hãy quên đi những ký ức về người mẹ khi anh muốn tìm hiểu thế giới.
Anh gật đầu và lê bước. Bầu không khí ảm đạm, sặc mùi chết chóc của căn phòng - sau này thầy kể lại - đã bó chặt mọi chức năng của các cơ bắp trong anh. Cho mãi đến mấy ngày sau anh mới bật ra được tiếng khóc.
Dẫu sao thì cái chết của cha đã giúp Morrie tự xoay xở cho riêng mình. Anh thấu hiểu lắm: rất nhiều cái ôm hôn, tiếng nói cười, và lời "Chúc ngủ ngon" đã câm nín ra đi vĩnh viễn - đó là tất cả những gì anh không thể nhận được từ cha và mẹ mình.
Trong giờ phút biệt ly, Morrie ao ước có những người thân yêu ở bên anh, cùng san sẻ nỗi đau thương với mình. Anh không muốn bất cứ ai phải chờ đợi héo hon một cú điện thoại, một bức thư báo, hay phải nhìn qua khe của sổ lắp kính trong một tòa nhà lạnh lẽo xứ người.
Trong các khu rừng nhiệt đới miệt Nam Mỹ, có một bộ lạc tên là Desana. Họ coi thế giới như là một khối năng lượng kết dính tất cả mọi sinh vật lại với nhau. Mỗi một sinh vật ra đời đều sinh ra từ cái chết, mỗi cái chết đều đem lại sự sống mới - bằng cách này năng lượng vẫn luôn bảo toàn.
Khi săn bắn để lấy thực phẩm, người Desana biết rằng con thú họ giết sẽ để lại một cái lỗ trong cái giếng linh hồn. Và họ tin rằng các lỗ ấy sẽ được lấp đầy bằng linh hồn của những người thợ săn khi họ chết đi. Không có con người chết, không có con chim hay con cá nào ra đời.
Tôi thích ý tưởng này. Thầy Morrie cũng thích nó. Càng gần ngày thầy từ trần, thầy càng thấy rõ rằng chúng ta thảy đều là những sinh vật trong cùng một khu rừng. Cái gì ta lấy đi, chính ta phải trám chỗ vào.
“Điều đó là lẽ công bằng”, thầy bảo.